Nam Đế Vạn Xuân – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai (hồi 3)

774

(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ sư phụ không khách sáo nữa nhẹ nhàng tiến lên tay đưa loang loáng một chặp đã thấy đại tăng bị tước chủy thủ đứng như trời trồng vì đã bị điểm một loạt huyệt đạo khắp toàn thân tê dại miệng cứng mắt mở trừng trừng.

Tiểu thuyết lịch sử Nam Đế Vạn Xuân

Hồi 1

Hồi 2

HỒI THỨ BA 

Cổ trấn Luy Lâu, Vũ Lâm hầu tạo nghiệp

Miếu hoang Cao tướng, Từ sư phụ cứu người

Thành Long Biên, mùa xuân năm 517.

Trong ngoài thành ngày đầu xuân mới, không khí nhộn nhịp, tấp nập lắm. Dân chúng khắp nơi tổ chức vui chơi. Thành Long Biên nằm trên khu đất trống trải dài đến tận sát bến Giang Biên cách Luy Lâu khoảng ba mươi dặm. Ngày trước, khi Thái thú Sĩ Nhiếp cai quản Giao Châu đã cho tôn tạo thành trì, xây dựng phố xá, đền đài, lăng tẩm, miếu mạo rất quy củ tại Luy Lâu. Nhằm vỗ về dân chúng Giao Chỉ, Sĩ Nhiếp cho xây dựng khu đền thờ Lạc Long Quân – Âu Cơ và các tướng thời Hùng Vương. Chính vì vậy, các đời sau đều gọi quan Thái thú là Sĩ Vương.

Sĩ Vương nắm giữ đại quyền kiêm quản Giao Châu trên 40 năm qua hai triều Hán – Ngô. Sĩ Nhiếp hai lần được phong tước hầu. Triều Đông Hán phong là Long Bộ Đình hầu. Triều Ngô phong Long Biên hầu. Từ thời Sĩ Vương đã cho quân binh mở trại Long Biên giao thương hàng hóa từ sông Dâu sang sông Cái, lập bến Giang Biên, đóng thủy quân trên Đầm Sương Mù, uy nghiêm thanh thế lắm. Sau này, bọn Đái Lương, Lữ Đại, Lục Doãn… các Thái thú nhà Ngô mới dần dần sửa sang, bồi đắp trại Long Biên vững chãi kiên cố và cho đắp bốn cổng thành. Dẫu vậy, cổ trấn Luy Lâu mới thực sự là nơi đô hội của cả xứ Giao Châu, mọi giềng mối trị nhậm đều từ đó mà ra cả.

Trong quân doanh thành Long Biên, Thứ sử Giao Châu Lý Tắc cùng các thuộc hạ vừa từ Luy Lâu cổ trấn sau nửa buổi thăm thú đình đền tỏ vẻ khá mệt mỏi. Từ ngày dẹp tan bọn Lý Khải tướng cũ nhà Nam Tề, Lý Tắc không dám đóng bản doanh ở Luy Lâu mà dời xuống quân doanh Long Biên. Là tướng viễn chinh, Lý Tắc quá hiểu mình cũng chỉ là con tốt của triều đình Lương Vũ Đế.

Buổi sáng, khi thăm thú các đình đền chùa miếu do Sĩ Vương tôn dựng, Lý Tắc thấy mình thực là quá nhỏ bé trước Sĩ Vương và cái trò ưa thoán đoạt của tướng soái Lương triều chắc chắn sẽ khiến triều đình đổ gãy trong sớm tối. Không biết gây dựng điều tín nghĩa, lấy giáo hóa vỗ về dân chúng làm giềng mối, một vương triều hùng mạnh đến mấy rồi cũng đổ gãy mà thôi.

Lý Tắc thầm nghĩ, hôm trước mật chiếu của Lương Vũ Đế đến ta chưa dám cho đám quan viên biết là sợ lòng quân sinh loạn. Nay Lương Vũ Đế nghe theo lời sàm nịnh quyết thay ngựa giữa đường, đẩy biên tướng có công vào tuyệt lộ cũng là tự chặt chân tay mình đi. Ta ngặt nỗi ngàn dặm xa xôi, có về thanh minh chắc cũng đầu lìa khỏi cổ. Thân làm tướng xâm chiếm nước người xưa nay có mấy kẻ toàn mạng trở về đâu? Càng nghĩ, họ Lý càng thấy cay đắng trong lòng.

Nén tiếng thở dài, Lý Thứ sử quay ra bảo đám tâm phúc:

– Các ngươi cho mời Trương Tổng quản sang đây!

Bọn tùy tướng gia nhân vâng dạ vội cho người đi mời. Nguyên khi đó, Lý Tắc chủ trì trị nhậm ở Giao Châu vẫn theo nếp cũ nhà Nam Tề, cắt đặt chức quan Tổng quản chuyên lo liệu việc thuế má, giao thương, sắp xếp mùa vụ, kê biên hộ tịch, chế định mọi việc dân sinh trong thành ngoài ấp. Mọi việc có quyền áp chế trước bẩm báo sau. Chính vì vậy, Lý Tắc mới có thời gian chuyên vào việc binh bị thành trì, luyện quân thủy bộ, dẹp yên phản loạn xa gần, Giao Châu hơn mười năm nay mới tương đối được yên ổn vậy.

Trương Tổng quản vốn là thân tín thủ hạ của Lương Vũ Đế thời kỳ ngài còn ở Tương Dương, theo binh tướng xuống kiêm quản Giao Châu vùng với Lý Tắc từ đầu nên bề ngoài là thuộc cấp kỳ thực bên trong họ Trương rất có uy lực. Dẫu thế, Trương Tổng quản cũng rất biết giữ mình, luôn thủ lễ khiêm cung nên Lý Tắc chưa có gì bắt tội được.

Nhận được lệnh triệu vào gặp, Trương Húc mau chóng phẩm phục chỉnh tề rồi theo tên tùy tướng của Lý Tắc sang trướng hổ.

Thủ lễ chào hỏi xong đâu đấy, Lý Tắc phẩy tay cho tả hữu lui cả ra, trầm giọng nói:

– Trương Tổng quản! Mời ngài xem cái này.

Theo cái khoát tay của Lý Tắc, tên cận thần phía sau bê ra chiếc hộp sơn son thếp vàng chuyên đựng thánh chỉ. Trương Húc thoáng giật mình song cố trấn tĩnh được ngay.

Thấy Trương Tổng quản còn rụt rè, Lý Tắc bảo:

– Tiên sinh hãy cứ xem đi đừng ngại. Xem kỹ rồi hãy cho ta biết cao ý của tiên sinh.

Thấy quan Thứ sử đột ngột thay đổi cách xưng hô. Trương Húc thầm nghĩ chắc phải là việc rất hệ trọng. Không khách sáo nữa, họ Trương hai tay mở nắp hộp gỗ ra cầm chiếu chỉ.

“… Hoàng đế chiếu viết.

Nay xét thấy Thứ sử Lý Tắc công lao hiển hách, tuổi tác đã cao, chinh chiến bên ngoài đã lâu, trẫm ngày đêm nhớ mong bậc công thần, cho triệu về kinh đô xét tài bổ dụng.

Nhận chỉ hãy lập tức về kinh. Mọi việc ở Giao Châu tạm giao cho Tổng quản Trương Húc đảm trách.

Khâm thử!”.

Đọc kỹ chiếu chỉ còn tươi nét mực, Tổng quản Trương Húc không khỏi toát mồ hôi dù trời đang se lạnh.

Im lặng giây lát, Lý Tắc lên tiếng:

– Chiếu chỉ triệu Lý mỗ về kinh đã rõ ràng. Trương tiên sinh có ý kiến gì không?

Trương Húc cẩn thận đặt lại tờ thánh chỉ vào khay gỗ, thận trọng đáp:

– Hạ quan có chỗ còn chưa hiểu hết thánh ý?

– Có điều gì tiên sinh cứ nói?

– Hạ quan cho rằng, thánh thượng hạ chỉ triệu gấp đại nhân về kinh là do hai cận thần Chu Xả, Từ Miễn đàn hặc. Giao Châu luôn mấy năm mất mùa đói kém, dân chúng ngầm nổi loạn khắp nơi, lại bọn giặc cướp vùng Hoài Hoan, Cửu Đức quấy nhiễu biên cương, việc chậm chạp dâng nộp gạo muối, sắt đồng, ngọc lụa lẽ ra hoàng thượng phải đèn trời soi xét. Nay đã không xét đến, lại vội vã nghe lời sàm tấu hoài nghi trung lương chả đáng lo lắm hay sao?

Lý Tắc thấy viên Tổng quản hiểu thấu sự tình, lại có ý chia sẻ tâm cơ với chủ tướng chỉ biết thở dài đáp:

– Ta là phận thần tử làm sao dám trái ý hoàng thượng. Chỉ mong tiên sinh ở lại giữ mình. Nơi lam sơn chướng khí xa xôi này có giữ được mạng cũng khó toàn danh mà về cố quốc. Bao năm tiên sinh giúp ta việc trong ngoài trên dưới, ta chỉ biết cảm tạ ghi vào trong lòng mà thôi. Cứ xem như chiếu chỉ thì hoàng thượng còn tin dùng Tổng quản lắm, chớ lấy làm ngại. Phần ta về tới Kiến Khang sẽ hết sức nói tốt cho tiên sinh.

Trương Tổng quản xúc động vái tạ:

– Hạ quan bao năm theo ngài Nam chinh xa xôi vạn dặm mười chết một sống đã quá tỏ tường tấm lòng trung nghĩa của ngài với Lương triều. Nay ngài vâng chỉ về kinh, hạ quan xin thu xếp ít vàng lụa sản vật để ngài tiện về Kiến Khang chi dùng. Mọi căn dặn của đại nhân, Trương mỗ xin ghi tâm khắc cốt.

Vừa nói, Trương Tổng quản vừa như rớm đôi dòng lệ, mãi mới chịu rời trướng hổ của Lý Tắc trở về. Lập tức, Trương Húc sai đám gia nhân tùy tướng kén chọn lụa vải, vàng bạc, sản vật đóng vào hơn chục chiếc hòm lớn sai mang đến quân doanh.

Khi chỉ còn một mình Thứ sử trong trướng hổ, họ Lý chỉ biết nhìn ra bên ngoài quân doanh đang lặng phắc u uẩn mịt mùng.

*

Đây nói tiếp chuyện Vũ Lâm hầu Tiêu Tư ở Kiến Khang.

Sau buổi nhận thánh chỉ thụ chức Thứ sử Giao Châu, lại đã cẩn thận đem nhiều vàng lụa đến vấn kế hai đại thần Chu Xả, Từ Miễn, Vũ Lâm hầu đêm ngày bàn với bọn Lưu Thạo, Chu Liêm, Mã Phương, Thạch Đạt chu đáo đâu đấy mới xin với triều đình cho chia binh xuất phát làm hai đường thủy bộ. Đường thủy, Vũ Lâm hầu và Lưu Thạo, Mã Phương đem theo năm trăm gia thần tùy tướng đi trên mười hai chiếc thuyền gỗ lớn theo đường biển kéo thẳng xuống Luy Lâu. Tiêu Tư vốn quen biết từ trước với đám thương khách nên từ buổi có tin Vũ Lâm hầu thụ chức Thứ sử Giao Châu, bọn người này ngày đêm qua lại dâng biếu vàng lụa nhằm cầu cạnh mai sau. Đường bộ, Tiêu Tư giao cho Chu Liêm, Thạch Đạt thống suất năm ngàn binh mã chiến giáp, khí cụ sớm xuất phát trước. Do đã có khẩu dụ của Lương Vũ Đế, mọi việc điều động bổ dụng tài lực đều do hai lão thần Chu Xả, Từ Miễn quyết định. Lương Vũ Đế luôn nửa tháng liền vào chùa tu Phật không còn triều nghị nữa. Bởi thế, Tiêu Tư đã lựa thời cơ lấy toàn ngựa tốt, giáp mới, lại xin thêm hơn vạn bộ cung tên tốt cùng hai vạn lạng vàng trong quốc khố chuyên chở xuống phía Nam. Có thể thấy xưa nay, hiếm có biên tướng nào đi trị nhậm phương xa lại được ưu ái nhiều tài vật đến vậy.

*

Chùa Cổ Pháp buổi đầu xuân.

Từ ngày Từ sư phụ cùng tiểu tăng Lý Bí chia tay Tinh Thiều nơi cổ tự, mọi chuyện trong ngoài chùa Cổ Pháp hễ có việc gì sư phụ đều giao cho tiểu tăng họ Lý. Phàm là các việc lau dọn Phật đường, tu sửa vườn tược cây cối trong tự, tiếp đón chư phật tử trong ngoài hương Cổ Pháp, thiết lập đàn tràng cúng giỗ người quá cố mọi việc tiểu tăng họ Lý ngày càng thực hành tinh tiến. Biết được cao ý của sư phụ và sư huynh, tiểu tăng họ Lý không chỉ chuyên tâm học phật pháp mà còn được sư phụ chỉ dạy võ nghệ, đạo lý, truyền thống lịch sử vùng đất Giao Châu từ thời thượng cổ. Ngay như việc tường minh các đời vua chúa phương Bắc cùng các đại thần tướng lĩnh ngay gian trung nịnh, các trường phái nho gia chính pháp, bàng môn tà đạo, mọi việc hễ tiểu tăng hỏi đến đâu, sư phụ đều giảng giải cặn kẽ tới đó. Sức học của tiểu tăng họ Lý cũng thật khác thường. Trí tưởng tượng khoáng đạt, tầm quyết đoán sâu sắc luôn khiến Từ sư phụ lấy làm kinh ngạc, càng nghĩ đến buổi nửa đêm hổ vàng chầu nơi mộ đất thân mẫu tiểu tăng mà trong bụng thầm nghĩ Lý Bí không phải người thường ắt sau này ứng vào ý trời mà đại sư huynh Đỗ Khuông từng nhắc đến. Nhân tuần tiết tháng Giêng vừa xong, hương dân Cổ Pháp đang tất bật lo cho vụ chiêm. Những khoảnh ruộng quanh cổ tự đã được cày cấy vuông tròn đâu đấy. Ngay như việc nông tang cày bừa, tiểu tăng Lý Bí cũng hết sức chăm chỉ. Tiểu tăng còn tự chế ra chiếc cày hai lưỡi có thể vừa úp thành luống đất vừa mở thành rãnh sâu để tiện việc trồng cấy. Họ Lý còn cho bắc những ống dẫn nước bằng thân tre già đục lỗ quanh các khu ruộng bậc thang khiến việc tưới tiêu rất thuận tiện được dân chúng quanh vùng đến xem học cách chuyển nước khéo léo vừa tiết kiệm vừa đỡ nhọc công sức.

Khi chỉ có hai thầy trò trong tự, Từ sư phụ thong thả nói với tiểu tăng:

– Ta đã mấy năm không rời tự, nay sư huynh con chắc đã xuống đến vùng Long Đỗ chỗ đại sư Đỗ Khuông rồi. Ta thấy việc du ngoạn các vùng đất của Tinh Thiều vừa là hành pháp vừa để tu tập, lắng nghe động tĩnh trong nhân gian không gì thiết thực bằng. Con hãy chuẩn bị hành trang theo ta một chuyến xuống Cổ Loa rồi tiện thể sang hương Long Đỗ một lần cho biết rồi sau sẽ ngược lên cổ trấn Luy Lâu. Luy Lâu vốn là vùng cổ hình thành đã hơn nghìn năm. Ngày trước đời Hán – Ngô, vùng cổ trấn này được Sĩ Vương dày công xây dựng hệ thống đình đền chùa miếu rất quy củ. Trong đám quan lại xuống phương Nam ta cai trị, duy chỉ có Sĩ Nhiếp được dân chúng vùng Luy Lâu lập đền thờ cũng đáng để ta chiêm nghiệm. Sĩ Vương ngày trước không chỉ biết dạy dân chúng cày bừa canh cửi mà còn hướng muôn dân đồng lòng theo phật pháp, cho lập đền thờ cúng những bậc vua chúa, danh tướng danh thần có công với nước là người phương Nam chúng ta. Đến như các triều Hán, Ngô, Tấn vốn rất cẩn thận trong việc triều nghi lễ nghĩa còn phải tâm phục mà phong cho Sĩ Nhiếp chức Thứ sử Giao Châu đến hơn bốn mươi năm. Khoảng thời gian ấy cũng là những ngày tháng thái bình yên ổn của người Giao Châu. Chính bởi vậy dân chúng mới tôn ngài làm Sĩ Vương.

Vốn nhiều năm chăm chỉ học kinh sử, thông thuộc các triều đại phương Bắc, biết khá rõ từng viên Thái thú sang trị nhậm cõi Giao Châu, riêng với quan Thái thú Sĩ Nhiếp, vốn là một người rất sùng đạo Phật, luôn dành được cảm tình của chư tăng, với tiểu tăng họ Lý cũng không ngoại lệ.

Ngẫm ngợi đôi chút, tiểu tăng bộc bạch với thầy:

– Bạch thầy! Cứ như chỗ hiểu của con, trong những Thái thú xuống phương Nam trị nhậm, người như Sĩ Vương cực hiếm, phải hàng trăm năm mới có. Tại sao đức độ của Sĩ Vương không cảm hóa được những kẻ đến sau mình như vậy?

Từ sư phụ trong bụng mừng thầm, thấy kiến thức của tiểu tăng ngày càng sâu rộng, những mối quan tâm đều liên quan mật thiết đến việc hưng vong thành bại của những bậc vương công đại thần có tài năng xuất chúng như Sĩ Vương bèn chậm rãi nói:

– Điều con hỏi ta cũng từng trăn trở bấy lâu nay. Phàm là kẻ đi xâm chiếm đánh cướp nước người đều là những bọn hung hãn quỷ quyệt, lấy tàn sát để khuất phục dân chúng bản xứ. Tại sao Sĩ Vương lại khác biệt đến vậy? Đó là vì Sĩ Vương trước hết là một nhân tài hiếm thấy. Ngay từ thuở nhỏ, họ Sĩ đã nổi tiếng là người khiêm tốn cung kính, học vấn uyên thâm. Khi được đổi sang Giao Châu kiêm quản, những người tránh loạn nhà Hán đều được Sĩ Nhiếp chiêu an cấp đất, dạy dỗ cấy cày khiến cho Hán đế cảm động ban cho tỉ thư, phong làm Tuy Nam trung lang tướng, quản lĩnh chức vụ Thái thú Giao Châu. Đến khi Tôn Quyền xưng đế ở Đông Ngô đều hết lòng khen ngợi Sĩ Nhiếp là người bên ngoài mềm mại, bên trong chính sự giỏi giang, trong thời đại loạn như vậy vẫn bảo toàn được một phương, uy danh hiển hách vang động Nam man, đến như Triệu Đà ngày trước cũng không bằng được. Sĩ Vương mất lúc chín mươi tuổi quả là người thọ nhất trong các Thứ sử từ thượng cổ đã cho thấy đức độ của Sĩ Vương cao đến bậc nào. Vậy tại sao những kẻ đến sau Sĩ Vương lại lập tức hiện nguyên hình là loài vô lương, chỉ lấy chém giết, cướp bóc, hãm hại dân chúng làm đầu, khiến người phương Nam oán giận đến tận xương tủy. Đó là bởi bản thân chúng đều là bọn vô học, bất tài, chỉ giỏi mưu ma chước quỷ. Ngay như vua chúa, hoàng đế nước chúng cũng rặt một bầy gian hùng khát máu, chuyên rình rập cướp ngôi lẫn nhau. Vua nào tôi đó. Chủ nào tớ đó. Bởi vậy, người Giao Châu chúng ta mới nối kiếp lầm than đã mấy trăm năm luôn bị đàn áp trong bể máu. Ta ngày trước từng được sư phụ giảng dạy, sau tự tìm trong các văn tự, sử sách, thư tịch nơi đình đền miếu mạo, trong dân chúng lầm than mà càng thấy tủi thân là người mất nước vậy.

Nói đến đó, sư phụ rơm rớm nơi khóe mắt. Đôi mắt ngày thường vốn hiền từ ẩn nhận nay chợt chùng xuống sũng nước khiến cho tiểu tăng Lý Bí không khỏi bồn chồn.

*

Mờ sáng, mưa xuân bay lất phất trên con đường đất ngoằn ngoèo dẫn xuống bến Đầm Bạch Long.

Từ sư phụ và tiểu tăng Lý Bí gọn gàng trên lưng ngựa khoan thai rời cổ tự. Khuất rặng cây cổ thụ đầu hương thôn, hai thầy trò quất ngựa đi nước kiệu. Trời se lạnh buổi sớm xuân, những hạt mưa bụi li ti phủ một lớp màn trắng xuống những tàn lá xanh lòa xòa hai bên con đường đất. Ngựa lướt nhẹ tới đâu, những cành lá rạt xuống khiến sương rơi lộp bộp. Khi phía trước mờ mờ hiện ra khoảng đầm nước mênh mông lác đác bóng thuyền di động trên mặt sóng lăn tăn bỗng phía sau có tiếng vó ngựa chạy dồn.

Hai thầy trò vừa kịp xuống ngựa đã thấy phía sau Lý trang chủ cưỡi con ngựa tía cao lớn ào đến.

Vừa xuống ngựa, trang chủ vừa thi lễ nói:

– Từ sư phụ sao không cho Lý mỗ tiễn một đoạn đường?

Từ sư phụ tươi cười đáp:

– Trang chủ bất tất phải chu đáo quá làm gì. Mọi việc nơi cổ tự, trong ngoài hương Cổ Pháp hôm trước ta đã bàn kỹ với ngài rồi. Nay mùa xuân vạn vật sinh sôi, lòng người rộng mở, ta với tiểu tăng du ngoạn một chuyến cũng là để mở rộng kiến văn cho việc lâu dài. Một thầy một trò hành lý đơn sơ. Cặp ngựa tốt này Lý gia tặng nhà chùa năm trước ta và tiểu tăng cưỡi cũng đã thuần thục. Ngay như tiểu tăng cũng rất háo hức lên đường, trang chủ cứ yên tâm.

Lý trang chủ nhìn hai thầy trò rồi nhìn ra Đầm Bạch Long ân cần nói:

– Từ sư phụ lâu nay hết lòng vì hương dân Cổ Pháp, lại giúp đỡ Lý gia ta biết bao công việc. Nay lại không quản sương gió dẫn học trò hành pháp muôn phương quả là đức lớn của bậc chân tu, Lý gia ta chỉ biết cảm kích trong lòng. Mọi việc ở hương Cổ Pháp mà sư phụ đã phó thác, ta nguyện hết sức cùng các tộc họ vâng theo lời sư phụ. Sư phụ xem kìa – vừa nói trang chủ vừa chỉ về phía bến bãi sông nước Đầm Bạch Long nơi thuyền bè san sát, những dãy nhà kho nổi trên mặt nước nối nhau tòa ngang dãy dọc miên man. Đám thương thuyền cũng đã bắt đầu xục xịch hò nhau mở chão cột neo thuyền, chống sào tản ra bốn phía.

Từ sư phụ tỏ vẻ hài lòng nói:

– Ta đã lâu mới xuống Đầm Bạch Long, không ngờ trang chủ đã biến vụng nước hoang thành nơi trên bến dưới thuyền đông đúc đến nhường này. Thảo nào, phật tử các nơi tới dâng hương cổ tự hết lòng ca ngợi trang chủ. Người Giao Châu chúng ta xưa nay vốn thạo nghề sông nước. Khai mở lại nghề tổ cũng là sinh kế lâu dài cho hương thôn cùng dân chúng quanh vùng. Trang chủ quả có tấm lòng và viễn kiến sâu sắc vậy.

Tiểu tăng Lý Bí nãy giờ chỉ biết lặng im nghe những lời trò chuyện căn dặn chân thành của sư phụ và thúc phụ. Tiểu tăng tuy mới mười bốn tuổi song đã sớm có dáng dấp của một thiếu niên anh tuấn thanh thoát cao lớn hơn người cùng lứa khá nhiều. Luôn mấy năm được sư phụ chỉ dạy thêm côn quyền võ nghệ nên bước đi dáng đứng, ánh mắt cử chỉ vừa nhanh nhẹn vừa trầm tĩnh của con nhà võ. Nhìn cảnh trên bến dưới thuyền đầu xuân tấp nập, tiểu tăng không khỏi thấy nao nao trong dạ, lòng đầy phấn chấn trong cuộc viễn du. Từ sư phụ đang còn chuyện trò với Lý trang chủ đã thấy một chiếc thuyền gỗ lớn tấp sát mép nước, chiếc cầu gỗ chắc chắn từ từ hạ bắc chếch lên bờ.

Lý trang chủ chỉ tay về phía thuyền mời Từ sư phụ:

– Bạch sư phụ! Hôm trước, Lý mỗ đã cho sửa soạn chiếc thuyền nhỏ đưa sư phụ xuôi dòng Câu giang cũng là tiện để hai thầy trò ngắm cảnh sông nước buổi xuân sang. Mùa này, gió yên nước lặng cũng là mùa đám thương thuyền dưới xuôi đến Đầm Bạch Long trao đổi sản vật tiện thể dâng hương cổ tự, thăm thú phong cảnh vùng đất Cổ Pháp. Năm nay, theo lời hẹn ước, các vị bô lão dưới xuôi sẽ lên thăm thú hương thôn ta cùng gặp gỡ với các họ, Đinh, Cù, Ma, Bạch, Lý, Vững, Giàng, Khái… Lý mỗ sẽ thay mặt sư phụ tiếp đón tận tình, xin người hãy yên tâm.

Từ sư phụ cảm khái nói:

– Lý trang chủ quả là người chu đáo. Cũng thật may mắn, hương Cổ Pháp có được người thảo thơm tình nghĩa như trang chủ. Ở đời đạo học như mây, pháp độ của Phật tổ ngấm sâu vạn vật cũng là phúc lớn của dân chúng. Lão tăng đi chuyến này sẽ sớm về để bàn với trang chủ một việc. Mọi việc trong ngoài hương ấp mong trang chủ hãy chu toàn cho.

Nói vừa dứt lời, Từ sư phụ và tiểu tăng mau chóng dắt ngựa xuống chiếc thuyền gỗ khá lớn được đóng vững chãi nhưng rất thanh thoát một nửa mui trần có những cột gỗ chắn thành khung xung quanh rất trang nhã. Đám người chèo thuyền cột xong ngựa cũng là lúc chiếc cầu gỗ từ từ rút lên khép vào bên mạn thuyền gọn ghẽ. Lúc đó tiểu tăng mới rơi giọt lệ chắp tay thủ lễ nói vọng lên bờ:

– Thúc phụ ở nhà mạnh khỏe. Con được đi cùng sư phụ sẽ sớm trở về.

Lý trang chủ lặng lẽ gật đầu. Tuy vẻ ngoài khuôn mặt giọt lệ chỉ trực trào ra nhưng trong bụng không khỏi mừng thầm khi thấy đứa cháu ruột chỉ mấy năm được Từ sư phụ rèn cặp đã trở thành một thiếu niên anh tuấn khỏe mạnh thần thái trầm tĩnh rất biết giữ gìn phép tắc nơi cửa Phật.

*

*    *

Bến sông Luy Lâu, mờ sáng mùa xuân.

Sau mấy ngày cổ trấn Luy Lâu tổ chức hội đầu xuân với nhiều trò chơi dân gian như đánh vật, đánh đu, đánh cờ, chọi gà, múa lân… sôi nổi mọi người dường như vẫn còn chìm sâu vào giấc ngủ. Từ nửa tuần trăng trước, theo tiếng trống tiếng chiêng giục về hội xuân cổ trấn Luy Lâu, đám người từ khắp các ngả đường bộ đường sông kéo đến cổ trấn rất đông đúc. Người nào người nấy áo quần tươm tất, sắc màu vui nhộn đi thành từng toán vừa ghé thăm đình đền chùa miếu vừa hòa vào từng điểm vui chơi. Năm nay, cổ trấn bố trí ba đám hát văn theo lối cổ trên những chiếc thuyền gỗ đậu giữa ao đình càng khiến khách thập phương không dứt ra được. Cổ trấn Luy Lâu từ ngày Sĩ Vương cho đặn các trò vui dân gian dịp đầu xuân lễ hội vẫn giữ được phong tục đó đến tận hôm nay. Trong cả tháng giêng, cổ trấn luôn ngập tràn sắc màu lễ hội.

Dưới bến Luy Lâu, dường như không ai để ý, từ nửa đêm nơi cuối nguồn sông Dâu đột ngột kéo đến mười hai chiếc thuyền gỗ lớn uy nghi trên dòng sông nhỏ. Đoàn thuyền đậu im phăng phắc giữa dòng sông nơi bến nước Luy Lâu. Khi trời sáng hẳn, đám dân chúng trên bến mới tò mò chỉ trỏ không hiểu thuyền buôn đến từ nơi nào mà uy nghi đến vậy. Ngay thuyền gỗ mùa nước lớn trong vùng Hoài Hoan, Cửu Đức hay mạn biển Hải Triều đem gỗ đá, muối sắt nhập kho quan viên trong cổ trấn cũng không to lớn đến nhường ấy. Mười hai chiếc thuyền như mười hai tòa thành nhỏ nổi trên sông.

Trên chiếc thuyền lớn nhất giữa đoàn, giữa khoang thuyền ấm sực đặt chiếc bàn gỗ lớn phủ tấm da báo, Vũ Lâm hầu Tiêu Tư vừa dùng xong bữa sáng thong thả quay ra bảo đám tùy tướng:

– Nay ta hãy giả lái luôn vào cổ trấn Luy Lâu trước. Nghe nói xưa nay ở Luy Lâu, dân chúng không biết đâu là triều Hán, triều Tấn, triều Ngô, triều Tề mà chỉ biết đến pháp độ của Sĩ Vương mà thôi. Nay mai các ngươi phải lưu tâm vừa là học cái uy của Sĩ Vương vừa phải dạy cho dân chúng biết Lương triều ta hoặc là lễ nghi triều dã hoặc là ân uy trong ngoài quốc thổ biên trấn đều phải hơn hẳn họ Sĩ kia mới được.

Đám tùy tướng, văn thần răm rắp tuân theo mệnh lệnh của Vũ Lâm hầu thay đổi trang phục, sắp đặt tùy tùng gọn ghẽ hơn chục người dùng thuyền nhỏ lướt vào cập bến Luy Lâu.

Vừa đi sát cùng chủ nhân, văn thần Lưu Thạo, người vốn đọc nhiều kinh sách, từng chu du nhiều nơi ở Trung Nguyên khi nhìn dọc hai bên phố sá cổ trấn Luy Lâu không khỏi thầm thán phục ngày trước Thái thú Sĩ Nhiếp với con mắt tinh tường đã sắp đặt đường sá nhà cửa quy củ đâu đấy. Mới biết dẫu nơi xa xôi ngàn dặm mà có người tài trị nhậm không chỉ chúng dân được yên ổn mà dấu ấn triều đại cũng được hiện hữu vào mỗi tòa nhà, đường sá, đền miếu.

Họ Lưu buột miệng nói với chủ nhân:

– Tại hạ vẫn nghe đồn Luy Lâu cổ trấn không thua kém gì các trọng trấn phương Bắc nay đến tận nơi quả là lời đồn không sai. Nay mai, xin với chủ nhân cho đám thầy địa lý khảo sát đo vẽ lập địa đồ khắp trong ngoài cổ trấn để tiện việc trị nhậm nơi đây.

Tân Thứ sử Giao Châu Tiêu Tư trong trang phục lái buôn nghiêm nét mặt nói:

– Tiên sinh quả là đã bị tên họ Sĩ kia mê hoặc rồi. Việc đo vẽ lập địa đồ tiên sinh hãy sai bảo đám thuộc hạ làm cho cẩn thận, còn như việc trị nhậm cổ trấn ra sao ta đã có phương lược riêng, tiên sinh tất phải lo nghĩ nhiều. Nay hãy dẫn ta đến đền thờ Lạc Long Quân cùng các thuộc tướng ở đây xem họ Sĩ kia rốt cuộc là người phương Nam hay người phương Bắc.

Thấy tân Thứ sử đột ngột có ý quở trách, họ Lưu thầm than khổ trong lòng, song đã ở cảnh cùng hội cùng thuyền nên chỉ biết cắn răng chịu đựng mà lặng lẽ cất bước không dám nói thêm nữa. Đi thêm một đoạn, đến trung tâm cổ trấn cũng là nơi đặt đền thờ Lạc Long Quân. Nguyên đền thờ này được dựng trên một quả đồi đất trong những năm đầu Sĩ Nhiếp đảm đương chức vụ Thứ sử Giao Châu.

Ngôi đền khá khang trang, vững vàng giữa quả đồi đất lớn xung quanh là những tầng cây cổ thụ hàng lối nghiêm ngắn. Trước cửa đền là một khoảng sân rộng có lát gạch vuông dày dặn xung quanh là tường gạch thấp đan xen những lối đi được lát bằng gạch nghiêng chạy vòng quanh đền chia ra nhiều lối nhỏ dẫn tới miếu thờ các vị tướng quân rất quy củ. Vũ Lâm hầu trong bụng thầm phục Sĩ Vương ngày trước có con mắt tinh đời chọn được nơi đắc địa lập đền thờ cho Lạc Long Quân cũng chính là tự lập đền thờ cho chính mình. Quả đúng như vậy, cách đó không xa, trên một đồi đất rộng phía bên phải, các Thái thú đời sau, theo nguyện vọng của dân chúng Luy Lâu đã lập một ngôi đền khang trang thờ Sĩ Nhiếp. Mới biết ở đời lòng dân là vạn đại. Người nào mang lợi ích chia sẻ với dân đều được tưởng nhớ công lao. Dẫu có ra sức lập đại công, chém giết binh tướng, khuất phục vua nước khác như đại tướng Mã Viện vâng mệnh Hán đế đánh dẹp Hai Bà Trưng chém giết vạn người cũng chỉ là gây thù chuốc oán bị người bản xứ coi là giặc mà thôi. Nay ta sang trị nhậm đất này phải sớm tạo ân uy mới mong dân chúng thần phục vậy.

Đoàn thương lái tiến vào trong sân đền cũng là lúc khá đông khách thập phương đến hành hương dâng lễ. Trên sảnh đền đặt một chiếc bàn gỗ lớn dùng để bày biện đồ cúng lễ. Đám người đến lễ ngày một đông phải xếp hàng theo thứ tự. Cụ thủ từ chừng đã cao tuổi nhưng vẻ mặt còn khá tinh anh vừa sắp đặt thứ tự các đoàn vừa yêu cầu mọi người giãn ra để các đoàn đến trước tiện việc hành lễ. Phía bên trong ngôi đền, đoàn các bô lão hai mươi bảy vị thuộc trang ấp vùng cổ trấn Luy Lâu đang thỉnh chiêng dâng lễ. Tiếng chúc văn tuyên đọc công trạng của đức thánh Lạc Long Quân cùng thánh mẫu Âu Cơ và các chư tướng vọng ra đều đều. Khách thập phương vẫn ùn ùn kéo đến ngày một đông chật cả sân đền đứng san sát vây quanh đoàn người của Vũ Lâm hầu. Ý chừng quá sốt ruột, tùy tướng Mã Phương dáng người vạm vỡ như hộ pháp, vệt râu quai nón rậm rì liên tục động đậy trên khuôn mặt đã bắt đầu lấm tấm mồ hôi gạt toán người sấn lên bàn sắp lễ. Thấy họ Mã tiến về phía trước, đám lái buôn vội theo sát tiến lên.

Thấy có sự xô đẩy ở giữa sân đền, ông lão thủ từ nơi bàn sắp lễ quay ra ôn tồn nói lớn:

– Các vị khách thập phương hãy giữ gìn trật tự nơi cửa thánh. Các vị bô lão đang hành lễ trước thánh Lạc Long Quân và thánh mẫu Âu Cơ phải một khắc nữa mới xong. Nếu không gấp gì, mời chư vị hãy tản bộ quanh đền chờ các bô lão hành lễ xong hãy vào dâng hương cửa thánh.

Mã Phương trong lúc xô đám du khách sấn lên đã gạt trúng phải một lão bà ngã lăn ra đất. Lão bà hét lên chỉ vào mặt người vừa gạt ngã mình:

– Nhà ngươi mù mắt hay sao mà giẫm bừa lên người khác thế?

Không nén được nóng giận, Mã Phương chỉ mặt lão bà dưới đất mắng:

– Chính ngươi mới là kẻ mù lòa! Không mau tránh đường để bọn ta hành lễ thì đừng trách.

Phía sau, Lưu Thạo vội vạch người tiến tới can ngăn họ Mã:

– Mã huynh đệ hãy nén giận, chúng ta chờ đợi một lát cũng không sao.

Thấy có người can ngăn, lão bà càng được thể mắng người vừa xúc xiểm mình:

– Đồ có mắt không tròng. Nơi cửa thánh ngươi còn hống hách thế chỗ khác chắc là giết sống mụ đây rồi. Vùng Luy Lâu không có loại thương khách như ngươi. Mau cút đi cho khỏi bẩn nơi cửa thánh.

Đến nước này, không thể chịu nhịn được nữa, Mã Phương gầm lên xông tới túm chặt mụ già nâng bổng lên không trung hét lớn:

– Mụ già khốn kiếp! Tưởng ông mày không dám giết người hay sao?

Trong cơn kích động tột cùng trước sự xỉ vả thình lình của mụ già bản xứ, bất chấp đám đông bắt đầu la hét chạy giãn ra, mặc kệ mụ già giãy giụa trên đôi tay hộ pháp, họ Mã chưa nói dứt lời đã ném xoạch người đàn bà lắm điều tai ác vào giữa đám đông.

Đám đông ré lên kêu khóc.

Thương thay mụ già xấu số lắm lời không biết giữ mồm giữ miệng trêu chọc vào tổ kiến lửa bị quẳng như tấm giẻ rách nằm hộc máu giữa sân đền không còn động cựa gì nữa.

Trong đám đông, có nhiều tiếng hét vang lên:

– Có kẻ giết người! Có kẻ giết người!

Mọi việc chuyển biến quá nhanh, trong trang phục lái buôn, Vũ Lâm hầu Tiêu Tư chỉ biết đứng như trời trồng chưa kịp nói năng gì đã thấy hai mươi bảy cụ bô lão dừng ngay tiếng chiêng trong đền nối nhau bước ra vây quanh người xấu số.

Cụ thủ từ từ đầu nhìn rõ mồn một cảnh Mã Phương xô đẩy người hành lễ lại thấy hai bên chửi mắng lẫn nhau rồi kết cục mụ già bị Mã Phương xách ném quật xuống đất chết tươi vội khẽ chắp tay vào ngực lẩm bẩm:

– Nam mô a di đà phật…

Trong đám các cụ bô lão, một cụ mặc áo thụng đỏ chừng như là người cao tuổi nhất khẽ vuốt chòm râu bạc nhìn thẳng vào Mã Phương đang đứng như trời trồng nghiêm giọng hỏi:

– Đại nhân là người phương nào tới, tại sao gây náo loạn cửa đền?

Thấy không thể im lặng mãi, Vũ Lâm hầu đành tiến ra vái các cụ nói:

– Tại hạ là thương khách từ Hợp Phố đem hàng hóa mới tới bến Luy Lâu đêm hôm qua. Nghe danh cổ trấn có ngôi đền thiêng mới dắt nhau đến dâng hương, chẳng ngờ tiểu đệ đây bất chợt nổi nóng gây nên cơ sự. Nay ta xin nhận lỗi với các vị lão trượng. Có phải đền bù tiền bạc gì xin các vị hãy cứ nói thẳng ra.

Các vị bô lão thấy toán thương khách toàn những người cao to lực lưỡng, mặt mũi kẻ thì dữ tợn người ra vẻ kín đáo khó lường lại tự xưng là thương khách từ Hợp Phố biết không phải bọn tầm thường song cũng không thể nén giận khi chưa tìm hiểu đầu đuôi đã vô cớ đánh chết người lại sớm định dùng tiền bạc đền bù tính bài chuồn. Thấy khách thập phương sau phút kinh hoàng dạt chạy đã vây kín trở lại thành đám đông lớn, cụ áo đỏ nhìn khắp một lượt trầm giọng nói:

– Tấm lòng của quý khách vào dâng hương cửa thánh tuy là đáng quý, song đã đến nơi đây đều phải theo thứ tự trước sau mà hành lễ mới phải đạo. Xưa nay ở cổ trấn Luy Lâu, dẫu là chức dịch quan quân cũng đều theo lệ ấy. Nay quý khách bất chấp quy tắc, sấn sổ chen lấn tranh giành, lại vô cớ làm chết người không thể cứ nói đền tiền bạc là xong. Các vị phải ở lại để ta cho mời thôn trưởng tới kê biên tên họ, hỏi rõ danh tính, lại phải để bên chấp pháp khám nghiệm hiện trường, định rõ cái chết, lại phải thuận theo gia đình người xấu số có chấp thuận cho các vị đem tiền bạc ra bồi thường hay không. Đây là pháp quy của cổ trấn Luy Lâu, mong các vị thương khách thi hành cho.

Thấy tình hình ngày càng căng thẳng, lại thấy các cụ bô lão có vẻ nghiêm nghị cáu giận, cụ áo đỏ áng chừng là người có uy tín lắm nên lời nói vừa dứt mọi tiếng tán đồng nổi lên râm ran bốn phía, Lưu Thạo vội vàng tiến ra vái tứ phía nói:

– Xin các lão trượng hãy bớt giận để tại hạ có lời phân giải. Chúng tại hạ đây trước tiên xin lỗi các vị lão trượng nơi cửa thánh đã để xảy ra việc bất như ý. Cũng do lần đầu mới đến không biết được quy cách của cổ trấn, lại thấy trời đã sắp chuyển sang trưa bèn nóng lòng muốn hành lễ trước còn kịp sang hành lễ bên đền Sĩ Vương. Nay tiểu đệ vô tình gây họa chỉ mong được sớm đền đáp bằng ngân lượng để chúng tại hạ xuống thuyền còn kịp đêm mai đến bến Giang Biên giao hàng cho quan Tổng quản. Nếu chẳng may chậm trễ quan Tổng quản trách phạt sẽ không biết ăn nói ra sao.

Lời Lưu Thạo chưa dứt, đám đông bốn phía tiếng hò hét đã vang lên:

– Bắt giữ ngay quân giết người lại! Định dùng tiền mua mạng người không xong nơi cửa thánh này đâu! Đừng để bọn Tổng quản phương Bắc ỷ thế làm càn bênh vực lũ gian thương. Bắt ngay bọn chúng xử tội tại nơi chúng gây án mạng.

Vũ Lâm hầu nhìn trước nhìn sau thấy đám đông ngày càng hò hét dữ tợn chưa biết tiến thoái ra sao bất đồ Mã Phương dường như không chịu thấu rút soạt thanh trường kiếm giấu trong bọc vải đeo phía sau trỏ đám đông quát lớn:

– Các ngươi không cút xéo hết ngay bản tướng sẽ không khách khí đâu!

Theo tiếng quát của Mã Phương, mười hai tên vệ sĩ giả dạng khách buôn đi cùng lập tức rút soạt đao kiếm chĩa ra bốn phía đồng thanh hét:

– Mau bảo vệ đại nhân!

Đám người đang hò hét chợt thấy đao kiếm không biết từ đâu rút ra loang loáng, lại thấy kẻ cao lớn vừa đánh chết bà lão sát khí đằng đằng tự xưng là bản tướng biết rằng không phải chỗ sinh sự lục tục kéo nhau đi hết. Vòng người giãn dần ngày càng thưa thoáng, duy chỉ hai mươi bảy cụ bô lão cùng vị thủ từ vẫn đứng im phăng phắc.

Đợi đám đông rút hết đi, cụ lão mặc áo đỏ mới tiến ra hỏi lớn:

– Chẳng hay các vị là binh tướng ở đâu? Đã thành tâm đến cửa thánh dâng hương sao còn đem theo đao kiếm? Đã vô cớ gây họa còn thị uy khách thập phương hỏi là theo đạo lý gì? Lão hủ sống đã ngót tám mươi tuổi chưa thấy ai hung hăng hỗn hào đến vậy.

Từ đầu đã khéo léo nhẫn nhịn, đến lúc này, Vũ Lâm hầu không còn giữ thể diện nữa trỏ cụ già mắng lớn:

– Ta là ai người thường như các người không thể biết được. Nay mai, Tổng quản Trương Húc sẽ cho các ngươi biết rõ thân phận của ta. Nay ta tạm tha cho đám dân đen các ngươi tội mạo phạm đại quan Lương triều. Hãy mau bảo bọn thôn trưởng sắc dịch ghi rõ tường tận mọi việc rồi báo lên quan trên. Đừng để lão gia nổi giận thì ngay cả cổ trấn Luy Lâu của các ngươi cũng khó mà toàn vẹn.

Các cụ lão trượng đứng sững người như không tin những điều mình vừa nghe còn chưa biết phản ứng ra sao trước thái độ quá ngang ngược của đám lái buôn giờ đã hiện nguyên hình là đám quan lại hống hách phương Bắc thì kẻ vừa mắng mỏ thị uy đã dẫn đầu đám lâu la rút thẳng xuống thuyền. Mới đi được một đoạn, phía đường lớn bỗng bụi bay mờ mịt, hơn hai trăm giáp sĩ ý chừng chờ chủ nhân lâu không trở lại đã nóng lòng xông thẳng lên bờ tìm đến đền thờ hộ vệ. Khi đoàn binh tướng rầm rầm rộ rộ rút xuống mười hai chiếc thuyền gỗ lớn nhổ neo đi rồi dân cổ trấn Luy Lâu vẫn còn bàng hoàng không tin vào điều vừa mới xảy ra.

*

Đây nói tiếp chuyện Từ sư phụ cùng tiểu tăng Lý Bí trên thuyền gỗ Đầm Bạch Long thuận dòng gió nước đầu xuân xuống Cổ Loa.

Thuyền nhẹ nước xuôi, cảnh sắc hai bên bờ dòng Câu giang đầu xuân cỏ cây hoa lá xôn xao khoe sắc. Có những vụng nước rộng cây cối hai bên bờ xòa ra cả mặt nước chim chóc nhảy nhót rất vui nhộn. Những thân cây cổ thụ xòa bóng rợp cả khúc sông lấm tấm khai hoa điệp lên nền trời xuân sắc màu lộng lẫy. Lần đầu rời cổ tự, tiểu tăng phấn chấn đứng ở đầu thuyền không ngớt chỉ trỏ, trò chuyện với những tráng đi theo lệnh Lý trang chủ đưa hai thầy trò xuống ngã ba Bạch Hạc. Hai con ngựa tía trên thuyền nhìn sang hai bờ sông nước chừng phấn khích gõ móng bồm bộp xuống mặt ván thuyền. Nguyên hai chú tía mật này Lý trang chủ đem về từ miền thượng đạo rừng Hắc Lâm. Vị tù trưởng nơi thượng đạo xưa nay vốn có mối giao tình sâu sắc với Lý gia đã đích thân kén chọn tặng đôi ngựa quý. Giống ngựa lông tía vùng thượng đạo Hắc Lâm không những dẻo dai vượt rừng leo núi cả ngày không mệt mỏi còn có thể vượt lầy lội rẽ nước sông hồ rất khéo. Lúc mới lên thuyền vó ngựa còn nghi ngại chỉ giây lát chúng điềm nhiên gại móng nhìn kỹ hai bên bờ chừng như để nhớ đoạn đường đang vượt qua nhằm ngày về không lạc lối. Thuyền như lướt trên mặt sông. Dọc đường, cứ một quãng ngắn, lại có vài tốp thuyền ngược lên Đầm Bạch Long. Mùa xuân không chỉ là mùa lễ hội các tộc người hai bên bờ Câu giang còn là dịp du xuân tiện thể giao thương khắp các vùng miền. Từ ngày Lý trang chủ cho mở rộng bến bãi Đầm Bạch Long, lượng hàng hóa, trâu bò dê ngựa, muối sắt, gỗ gạo vận chuyển về nhộn nhịp tất bật lắm. Chính vì thế, hương dân các tộc ở Cổ Pháp cuộc sống ngày càng sung túc mãi lên.

Thuyền đi đến sẩm chiều tới vùng ngã ba sông Bạch Hạc. Từ sư phụ cùng tiểu tăng từ biệt các tráng đinh dắt ngựa lên con đường nhỏ men sát bờ sông. Chờ khi bóng hai người cưỡi ngựa lẫn hút trong những vạt lau chiều in bóng xuống mặt sông chạng vạng chiếc thuyền gỗ mới từ từ quay mũi ruổi tay chèo phăm phăm ngược nước trước khi mặt trời lặn xuống mặt sông.

Nhẹ nhàng thúc ngựa đi nước kiệu, Từ sư phụ khẽ xoay người nói với tiểu tăng:

– Thầy trò ta đi nửa dặm đường nữa tới cổ tự Hạc Trì. Cũng gần mười năm rồi, không biết Cù sư phụ còn giảng pháp ở đó không?

Tiểu tăng Lý Bí khe khẽ gật đầu chăm chú nhìn vào con đường phía trước. Đường mòn theo sát bờ sông có những chỗ cây cối xòa ra chỉ vài bước chân không nhìn thấy người phía trước chứng tỏ vùng này cư dân thưa thoáng và dường như mọi di chuyển đều theo thuyền trên sông nước cả khiến con đường gần như bị bỏ quên mặc cỏ dại cây cối lấp đầy.

Chẳng mấy chốc, trong ánh sáng lấp lóa của những tia nắng cuối cùng, ngôi cổ tự nằm sát dòng sông đã hiện ra trước mắt. Cả một rừng cổ thụ vươn lên bầu trời đang bắt đầu tối thẫm khiến ngôi chùa càng trở lên tịch mịch.

Nhẹ nhàng xuống ngựa, hai thầy trò cột hai con tía mật ngay bãi đất trống nhỏ trước cổng tam quan cũ kỹ rêu phong thong thả tiến vào chùa. Cổng tam quan vẫn mở. Trong chùa đã le lói ánh đèn nhưng tịnh không thấy bóng người nào cả chỉ đều đều tiếng mõ lốc cốc thanh tịnh vang lên.

Từ sư phụ nhìn vào trong tự cất giọng:

– Nam mô a di đà phật! Chẳng hay Cù sư phụ có ở trong tự đó chăng?

Tiếng hỏi dứt đã lâu mới thấy tiếng mõ lốc cốc ngừng lại. Nơi cánh cửa gỗ vẫn mở từ trước xuất hiện một vị tiểu tăng trạc mười ba mười bốn tuổi dáng người thanh mảnh đứng thi lễ nói:

– Các vị thí chủ đi đâu sao lại đến cổ tự vào lúc chiều muộn thế này? Xin mời các thí chủ vào trong dùng trà.

Từ sư phụ đưa mắt nhìn vị tiểu tăng mảnh khảnh. Lúc này, mặc dù trời đã tối sẫm song tiểu tăng đã nhận ra hai vị khách cũng là bậc tu hành khoác áo vải nâu, đeo bị cói, chân đi giày cỏ. Hai người chắc từ xa đến bởi có tiếng ngựa gõ móng lộp bộp ngoài cổng tam quan. Thấy vậy vị tiểu tăng trầm giọng nói:

– Xin mời sư phụ và sư huynh vào tệ xá dùng trà.

Bấy giờ, Từ sư phụ mới cất tiếng:

– Nam mô a di đà phật! Lão tăng từ hương Cổ Pháp ghé thăm bạn cũ. Không biết Cù sư phụ có được khỏe mạnh không?

Vị tiểu tăng khẽ đứng qua một bên giơ tay mời hai vị khách vào trong vừa xúc động nói:

– Bạch sư phụ! Thì ra là Từ sư phụ ở hương Cổ Pháp, bạn tri âm của lão sư phụ. Bạch thầy! Sư phụ năm trước đã theo về với Phật tổ rồi.

Từ sư phụ khẽ sững người trấn tĩnh nói:

– Nam mô a di đà phật! Sao sư phụ sớm về nơi cực lạc không đợi lão tăng đến thăm lấy một lần. Lão tăng đây kể tuổi còn hơn Cù sư phụ hai niên vậy không hiểu lý do gì sư phụ sớm rời tự theo Phật tổ làm vậy?

Vị tiểu tăng rơm rớm đáp:

– Luôn mấy năm trước, sư phụ vẫn còn khỏe mạnh lắm. Ngài vẫn vào tận trong dân vùng thượng du giảng pháp, dạy việc nông tang, cày bừa, dệt vải, xẻ gỗ dựng nhà. Có thôn cách đến hơn mười dặm có đám hiếu nào thỉnh sư phụ đều đích thân đến lập đàn siêu độ cho. Đột nhiên năm trước, đúng mùa nước to dâng ngập sân cổ tự, ngài tịnh độ niệm kinh luôn một tuần liền rồi cứ thế hóa lúc nào không biết. Trước đó sư phụ có căn dặn khi nào có Từ sư phụ ở Cổ Pháp xuống hãy đưa cho một chiếc hộp gỗ. Tiểu tăng đợi đã hơn một năm nay.

Tiểu tăng Lý Bí từ nãy tới giờ ngồi im lắng nghe câu chuyện cửa chùa lòng dạ không khỏi bâng khuâng. Mới thấy việc sinh tử mất còn với các vị cao tăng cũng nhẹ nhàng như mây bay gió thoảng.

Từ sư phụ đợi tiểu tăng đem chiếc hộp gỗ ra mới thong thả nói:

– Lão tăng với Cù sư đệ trước đây là đồng môn huynh đệ cùng học một thầy. Sư đệ vốn đạo pháp cao thâm nhưng tính tình quá khiêm nhượng chỉ ưa thích những chốn tịch mịch để tiện ẩn mình mới chọn cổ tự Hạc Trì làm nơi giảng pháp. Dẫu thế sư đệ vẫn nhớ lời tổ dạy phải đồng hành với dân chúng trong công cuộc mưu sinh. Sư đệ không chỉ thông thuộc kinh phật mà còn rất giỏi lục nghệ, mọi việc thổ mộc nông tang, dựng nhà cất nóc đệ ấy đều tinh tường. Nay sư đệ sớm về nơi cực lạc không biết có điều gì dặn lão tăng đây?

Vừa nói Từ sư phụ vừa nhẹ nhàng mở nắp chiếc hộp gỗ. Bên trong là chiếc thẻ trúc được bọc bằng chiếc vuông vải nâu. Trên thẻ trúc chi chít những dòng chữ nhỏ được khắc rất tinh xảo.

Dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu khi mờ khi tỏ, Từ sư phụ lặng lẽ đọc những dòng chữ rồi ngồi im có vẻ suy nghĩ lắm.

Thấy Từ sư phụ im lặng suy tư, hai vị tiểu tăng ngồi phía đối diện trên ghế gỗ cũng chỉ lặng lẽ nhìn mãi vào sư phụ.

Sau hai tuần ở lại nơi cổ tự Hạc Trì, căn dặn các việc với tiểu tăng Phạm Hiền, dâng hương trò chuyện nơi mật thất lưu giữ tro cốt của Cù sư đệ, hai thầy trò từ biệt lên đường. Một tuần ở đó, Lý tiểu tăng và Phạm tiểu tăng quyến luyến nhau lắm. Lý Bí hơn Phạm Hiền một tuổi được tôn làm sư huynh. Phạm tiểu tăng rất phục tài sư huynh không chỉ đạo pháp tinh tường, sử kinh thông suốt mà còn rất giỏi võ vật, cưỡi ngựa. Tuy chỉ ít ngày, Lý Bí đã kịp dạy cho Phạm Hiền phép luyện thở dưỡng thần và bộ quyền pháp nhằm rèn luyện sức khỏe. Phạm tiểu tăng vóc người thanh mảnh nhưng trí tuệ mẫn tiệp, học đâu biết đấy, lại rất cầu thị không ngại hỏi sư phụ và sư huynh mọi việc đạo – đời. Thấy hai tiểu tăng khăng khít với nhau, Từ sư phụ trong bụng rất vui mừng.

Buổi chia tay nơi sân cổ tự, Từ sư phụ nói với Phạm tiểu tăng:

– Nay ta và sư huynh con xuôi xuống Cổ Loa rồi tiện thăm thú các tự vùng Long Đỗ, Luy Lâu, Chu Diên, chắc phải cuối năm mới trở về. Con ở lại tự nhớ siêng năng đạo pháp, rèn luyện gân cốt thêm an vững. Lời dặn của Cù sư đệ ta đã thuộc ở trong lòng, nay con hãy giữ chiếc hộp gỗ, chờ ta đi khỏi hãy mở ra mà tu tập theo di nguyện sư phụ con.

Tiểu tăng Phạm Hiền xúc động nói:

– Bạch sư phụ! Thưa sư huynh! Con tám tuổi mồ côi cha mẹ được Cù sư phụ đón vào cửa chùa nuôi dạy. Nay người sớm về đất Phật dặn con sau này mọi việc phải theo lời Từ sư phụ. Nay con đợi sư phụ, sư huynh ở cổ tự này mong sớm được đón thầy nghe lời chỉ dạy. Đệ tử nguyện sẽ chuyên cần sớm tối. Sư phụ, sư huynh không phải bận tâm nhiều cho đệ tử.

Từ sư phụ nhìn đôi vai mảnh khảnh, cặp mắt sáng láng của vị tiểu tăng ân cần nói:

– Có gian nan rèn luyện mới thành công quả. Hôm trước ta thấy Kiều gia ở trong hương thôn Hạc Trì đến thăm cổ tự là người có viễn kiến sâu sắc, trò chuyện khiến ta rất yên tâm. Việc các lão trượng vùng Hạc Trì tuần tiết đều đến dâng hương cầu phúc ta đã bàn với Kiều trang chủ rồi. Có việc khó gì, con hãy thẳng thắn trao đổi với Kiều gia.

Nói đến đó, ba thầy trò từ biệt lên đường. Tiểu tăng Lý Bí mấy lần quay đầu nhìn lại cho tới khi cổng tam quan khuất bóng.

*

Sau hai ngày đi đường vất vả, Từ sư phụ và tiểu tăng Lý Bí đến vùng đất Cổ Loa lúc chạng vạng chiều.

Vùng thành ốc Cổ Loa khá tiêu điều. Sau ngày An Dương Vương để rơi kinh thành vào tay Triệu Đà, họ Triệu nhằm trả thù ngày trước bị chết nhiều binh tướng dưới chân thành đã cho phá bỏ nhiều đoạn, xua đuổi dân chúng, chặn sông khơi nước khiến vùng thành cổ triền miên ngập trong biển nước hoang. Nhằm dứt nền quốc thống người Giao Chỉ, Triệu Đà di dời trị sở sang vùng đất khác lại bách hại dân chúng khiến trăm họ vô cùng phẫn uất. Cổ Loa ngày trước vốn có nhiều tòa nhà gỗ lớn họ Triệu tháo dỡ còn sót lại dân chúng quanh vùng nhớ ơn đức vua An Dương Vương cùng tướng quân Cao Lỗ đã lặng lẽ gom gỗ đá dựng lên hai căn miếu nhỏ để thờ.

Hai thầy trò Từ sư phụ và tiểu tăng Lý Bí dừng chân trước ngôi miếu hoang thờ Cao tướng quân. Trong ánh chiều chạng vạng, thấp thoáng bóng dơi bay lạt xạt khiến môi miếu cổ càng thêm phần lạnh lẽo.

Hai thầy trò cột ngựa ngay bãi đất bên ngoài rồi lặng lẽ đứng quan sát. Một lát sư phụ bảo:

– Ngày trước, nếu vua An Dương Vương nghe lời tướng quân Cao Lỗ thì đâu đến nỗi vong quốc vong thân cùng đường tuyệt lộ phải giết cả con gái mình như thế. Mới thấy lời nói của trung thần không phải lúc nào các bậc vua chúa cũng nghe lọt vào tai.

Tiểu tăng Lý Bí trước ngôi miếu hoang không khỏi bần thần nói:

– Bạch sư phụ! Gốc nước là những trung thần nghĩa sĩ, nền tảng quốc gia là tấm lòng dân chúng hướng về. Vua phụ lòng dân, bậc quân trưởng không nghe lời hiền sĩ để đến nỗi kinh thành nguy nga tráng lệ bỗng chốc trở thành gò đất hoang vu thật đau xót lắm thay.

Hai thầy trò đang cảm khái chuyện trò bỗng đâu có bóng người hô hét chạy rầm rập từ con đường đất bên ngoài vào trong ngôi miếu cổ. Từ sư phụ thoáng thấy hai thiếu niên bận đồ vải nâu hốt hoảng chạy phía trước, phía sau là một đại tăng to lớn với cặp lông mày dữ tợn, khuôn mặt đằng đằng sát khí vừa nhắm bắt hai thiếu niên miệng vừa hò hét:

– Lũ tiểu quỷ các ngươi mau đứng lại để lão gia xử tội!

Hai thiếu niên thấy trong miếu có bóng người vội luồn qua hai con ngựa nhảy vào trong sân miệng kêu cứu rối rít.

Từ sư phụ bước ra chắn trước hai thiếu niên miệng nói:

– Nam mô a di đà phật! Chẳng hay phương trượng có việc gì cáu giận đến nỗi đuổi bắt đệ tử nơi cửa miếu này?

Đại tăng miệng thở hồng hộc vung cánh tay hộ pháp chỉ thẳng vào mặt Từ sư phụ hét to:

– Lão hòa thượng thối tha mau cút đi để lão gia trừng trị hai tên tiểu quỷ.

Từ sư phụ ôn tồn nói:

– Chẳng hay chúng có lỗi lầm gì mà đuổi đánh chúng? Phương trượng ở chùa nào, sao không dùng pháp độ giáo hóa đệ tử mà lại động chân động tay với chúng?

Lão tăng liên tiếp vung quyền miệng hét lớn:

– Lão hòa thượng thối tha! Ta đánh chết ngươi trước rồi dạy dỗ bọn kia cũng chưa muộn.

Vừa hò hét, lão tăng vừa vùn vụt tung quyền cước ào ạt nhằm Từ sư phụ đánh xuống không thương tiếc. Từ sư phụ chậm rãi tránh hết đòn này đòn khác rất uyển chuyển. Hai thiếu niên thấy đột nhiên có người che đỡ cho chúng sợ hãi lẻn trốn vào bên trong miếu mặc kệ lão tăng nổi cơn thịnh nộ bức bách lão sư phụ không quen biết ngay ngoài cửa miếu.

Đại tăng sau hồi loạn đả tay đấm chân đá bạt mạng không hạ được địch thủ thở hồng hộc càng điên tiết rút soạt thanh chủy thủ giắt sẵn bên hông xông vào quyết sát hại kẻ ngáng đường.

Thấy vậy, Từ sư phụ khẽ lùi lại nói:

– Nam mô a di đà phật! Người tu hành sao lại đem sẵn đao kiếm định giết người vô cớ làm vậy? Ngươi không sợ Phật tổ trách phạt hay sao?

Đại tăng hùng hổ mắng:

– Hôm nay ông đây sẽ cho ngươi về chầu trời tha hồ mách chuyện với Phật tổ.

Vừa nói vừa hét, đại tăng sấn đến vung chủy thủ đâm bừa vào Từ sư phụ. Từ sư phụ đảo bộ nghiêng sang một bên đồng thời quét ngang ngọn cước thần tốc sát sạt mặt đất khiến lão tăng to lớn đổ oạch xuống như một cây thịt trước sân miếu khiến chủy thủ văng ra khỏi tay. Đại tăng tức tốc nghiêng người cuộn nửa vòng đứng phắt dậy nhặt cây chủy thủ lại lập tức xông vào đâm kẻ vừa đánh ngã y. Từ sư phụ không khách sáo nữa nhẹ nhàng tiến lên tay đưa loang loáng một chặp đã thấy đại tăng bị tước chủy thủ đứng như trời trồng vì đã bị điểm một loạt huyệt đạo khắp toàn thân tê dại miệng cứng mắt mở trừng trừng.

Từ đầu đứng xem sư phụ trừng trị tên ác tăng, tiểu tăng Lý Bí không khỏi thần phục thân thủ phi phàm của sư phụ lúc đó mới quay người nói vọng vào trong ngôi miếu cổ:

– Hai vị tiểu huynh đệ hãy ra ngoài cho sư phụ ta hỏi chuyện. Lão ác tăng đã bị điểm huyệt không hại được người nữa rồi.

Hai thiếu niên lúc đó mới hoàn hồn thập thò bước ra khoảng sân nhỏ phía trước. Từ sư phụ nhìn kỹ cả hai thấy mặt mũi sáng sủa, dáng người nhanh nhẹn, tuy không giấu được vẻ sợ hãi nhưng thần sắc lộ rõ vẻ điềm tĩnh trang nghiêm bèn ân cần hỏi:

– Chẳng hay hai ngươi đã gây ra chuyện gì khiến đại tăng đây đến nỗi phải đuổi đánh đến cùng như thế?

Một thiếu niên tiến lên thủ lễ thưa:

– Bạch sư phụ! Đệ tử là Điền Công còn sư đệ đây là Điền Thái đều vào cửa phật từ năm bảy tuổi ở với lão sư phụ. Tháng tám năm ngoái, chẳng may lão sư phụ bạo bệnh qua đời được hương dân trong vùng ma chay chu tất còn thay nhau cắt đặt người đến cổ tự để giúp đỡ chúng tiểu tăng. Ba tháng trước, không biết đại tăng đây ở phương nào thình lình đến cổ tự ở lì không chịu rời chùa còn làm những chuyện thương luân bại lý, hãm hiếp đàn bà con gái ngay trong cổ tự. Thường ngày, đại tăng bắt chúng tiểu tăng đi khất thực ở nơi xa tối mới cho về tự để tiện giở trò đồi bại với các nữ phật tử. Chẳng dè hôm nay tiết trời mưa gió, từ giữa chiều tiểu tăng và sư đệ về sớm bắt gặp quả tang đại tăng đang hại người khiến đại tăng nổi giận đuổi giết chúng tăng đến đây. May nhờ có sư phụ ra tay cứu giúp chứ không biết tính mạng chúng tăng sẽ ra sao?

Từ sư phụ nghe tiểu tăng thuật lại câu chuyện trong lòng vô cùng phẫn nộ song ngài cố nén giận chiếu ánh mắt rực sáng vào lão đại tăng đã bị điểm huyệt nhưng hai tai vẫn nghe rõ từng tiếng tố tội mình mặt tái xám vì sợ hãi, miệng ú ớ nhưng không thốt nổi lời nào.

Từ sư phụ nén giận chỉ đại tăng mắng:

– Ngươi quả là nghiệt súc đã dám vấy bẩn cửa thiền còn mặt mũi nào tụng kinh niệm phật nữa. Ta lẽ ra thay mặt Phật tổ xử ngươi tội chết cũng đáng song mạng người là quý ta tạm tha cho. Ngươi hãy cút khỏi nơi đây mau hoàn lương tránh xa những tội lỗi đã gây ra, tuyệt đối không được phạm lại kẻo trời đất không dung tha ngươi lần nữa đâu. Cả đời ngươi tuyệt đối không được bước vào bất kỳ một chùa chiền đình miếu nào nữa. Hãy nhớ công ơn cha mẹ sinh thành mà tu tâm dưỡng tính sống tốt phần đời còn lại. Ngươi hãy mau cút đi!

Nói đoạn, Từ sư phụ thong thả tiến tới trước tên ác tăng vung tay giải các huyệt đạo cho gã thuận tay ném chiếc chủy thủ rơi chõm xuống đầm nước phía xa. Tên ác tăng sau giây phút bàng hoàng sượng sùng khổ sở không dám nhìn vào mấy người trong miếu lặng lẽ lê tấm thân bầm giập to lớn bước ngược con đường đất dẫn vào ngôi miếu hoang.

Khi cái bóng rùm ròa lẫn khuất trong ánh chiều chạng vạng cũng là lúc hai thiếu niên cùng leo lên ngựa với Từ sư phụ và Lý Bí tìm về ngôi cổ tự.

P.V.K