Đan Thanh
Tặng Họa sĩ Tô Dự
(Vanchuongphuongnam.vn) – Mỹ thuật thuộc phạm trù nghệ thuật tạo hình hình thành trên tiêu chí thể hiện cái Đẹp bằng đường nét, sắc màu và hình tượng. Do ảnh hưởng của hoàn cảnh chính trị xã hội đặc biệt, hội hoạ nói riêng và mỹ thuật nói chung của thành phố Cần Thơ phát triển hạn chế trong điều kiện không mấy thuận lợi của năm mươi năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu.
Tranh Thanh Bình của Đan Thanh
Từ năm 1954, đa phần hoạ sĩ và giáo viên mỹ thuật hoạt động trong khoảng thời gian dài ấy tốt nghiệp từ trương Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội), trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (Sài Gòn), học hàm thụ (par correspondance) ở trường mỹ thuật của nước ngoài (Pháp) hoặc mày mò tự học rồi học thêm ở một khoá học tư (như trường dạy hội hoạ của hoạ sư Vương Quốc Đạt tại Sài Gòn trước đây) về mỹ thuật trong hoàn cảnh không thể xa nhà. Các giáo viên Mỹ thuật sau khi tốt nghiệp ra trường hoặc đi dạy môn hội hoạ tại các trường phổ thông bên cạnh các môn văn hoá khác. Hầu hết các giáo viên dạy mỹ thuật hoặc họa sĩ chuyên nghiệp đều là những người tránh làm việc cho chính quyền đương thời nếu ở trong tuổi phải thi hành nghĩa vụ quân dịch hoặc ra hoạt động tự do trong phạm vi nghệ thuật theo sở trường yêu thích của mỗi người.
Tại Cần Thơ, ngoài những hoạ sĩ chuyên vẽ pa-nô quảng cáo ăn lương tại các rạp chiếu bóng hay theo các đoàn cải lương, một số trụ lại dạy hội hoạ tại các trường Phan Thanh Giản (sau 1975 là Cấp 3 TP rồi PTTH Châu Văn Liêm hay các Trung học Tư thục), Đoàn Thị Điểm như GS. Hoạ sĩ: Nguyễn Cường, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Văn Ẩn, Hiếu Đệ, Nguyễn Thanh…
Trước 1975, các hoạ sĩ vùng giải phóng hoặc đi tập kết ở miền Bắc từ năm 1954, sau khi vượt Trường Sơn về hoạt động trong MTDTGPMN hoặc trong chiến khu như các hoạ sĩ Tô Dự, Thái Đắc Phong, Nguyễn Phước Sanh… Sau ngày thống nhất đất nước, các hoạ sĩ cách mạng về thành cùng một số hoạ sĩ hoạt động tại thành phố trước đây hợp thành một đội ngũ trong hội Văn nghệ Giải phóng, hội Văn nghệ Tỉnh, hội Văn học Nghệ thuật và nay là hội Mỹ thuật TP Cần Thơ.
Trong thập niên 60, GS Hội hoạ Nguyễn Cường (Tốt nghiệp trường CĐMTĐD) hướng dẫn bộ môn Mỹ thuật cho học sinh các lớp Đệ nhất cấp trường Trung học Phan Thanh Giản, sau đó là các GS Hoạ sĩ Hiếu Đệ, họa sĩ Khiết… Riêng hoạ sĩ Nguyễn Cường, ngoài những buổi lên lớp ở trường công PTG, thầy còn dạy kèm thêm ngoài giờ theo yêu cầu cho một nhóm học sinh yêu nghệ thuật. Thầy dạy ngay tại căn nhà thuê ở tại giữa đường Võ Tánh (nay là Trương Định, đối diện trường Châu Văn Liêm hiện nay). GS. Nguyễn Cường đã hướng dẫn, đào luyện nhóm học sinh yêu hội hoạ về sau còn gắn bó với màu cọ trong đó có nhiều người sau này đã đi vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp và đã nổi tiếng như: Nguyễn Trung, gốc người Sóc Trăng, đã đạt nhiều giải thưởng mỹ thuật cao quí và đã sáng lập ra Hội Hoạ sĩ Trẻ từ đầu thập niên 70 tại Sài Gòn, kế đến là Lê Tấn Lộc (Hội MTVN), Nguyễn Đồng (hoạ sĩ hải ngoại)… Riêng Nguyễn Thanh (vừa dạy Việt Văn và Mỹ thuật vừa mở phòng vẽ tại Cần Thơ từ 1963 đến nay).
Tranh Xóm Chài
Trong thời gian khá dài dạy Hội hoạ tại Cần Thơ, Giáo sư Nguyễn Cường có nhiều hoạt động đặc biệt đáng ghi nhớ. Những chủ nhật hay ngày lễ nắng ráo, học sinh lớp hội hoạ được thầy Nguyễn Cường hướng dẫn đi vẽ phong cảnh ngoài trời thật thú vị. Địa điểm mà thầy trò lớp hội hoạ thường là các nơi có phong cảnh đẹp như Vườn Thầy Cầu (đường Huỳnh Thúc Kháng ngày nay, gần cầu Rạch Ngỗng), Chợ Mít Nài (nay là chợ An Nghiệp) Chùa Ba Cô (bên kia bờ sông Cái Khế đối diện với chợ Mít Nài), Đầu Sấu, Cái Răng, Xóm Chài … Những tranh vẽ tốt, GS. Nguyễn Cường gom lại gởi đi dự triển lãm tranh học sinh ở nước ngoài tại Nhật, Đức…). Ở trường Đoàn Thị Điểm có giáo sư hội họa Nguyễn Thị Tâm, sau 1975 nổi tiếng cả nước và trên thế giới về tranh lụa.
Trong khi đó, các hoạ sĩ Nguyễn Văn Ẩn, Nguyễn Robert… thỉnh thoảng mở cuộc triển lãm phòng Văn hoá Hoa Kỳ ở đường Phan Đình Phùng (Ngay Bảo tàng Thành phố Cần Thơ bây giờ), hoặc tại Ty Thông tin Cần Thơ (nơi Ngả Tư đường Phan Đình Phùng và Nguyễn Thái Học hôm nay). Trong thập niên 70-80, cứ gần đến Tết Nguyên Đán, nhóm Giáo sư phụ trách Mỹ thuật, như Nguyễn Văn Ẩn, Nguyễn Thanh (trường Phan Thanh Giản), Nguyễn Thị Tâm (Đoàn Thị Điểm) lúc gần đến Tết Nguyên Đán vào cuối học kỳ I, thường tổ chức cho học sinh thi vẽ tranh theo đề tài tự do, không mang nội dung chính trị, sau đó phát giải thưởng và chọn những tấm tranh đẹp đem treo ở phòng giáo viên hay phòng khách nhà trường.
Các hoạ sĩ còn lại ở Cần Thơ như Nguyễn Robert thì vừa dạy vẽ vừa dạy làm thơ miễn phí cho học sinh tại nhà riêng của hoạ sĩ ở cạnh chùa Bửu Liên Tự (Chùa Cây Bàng) – tại đường Mạc Đỉnh Chi ngày nay. Hoạ sĩ Nguyễn Robert lúc đó phụ trách vẽ pa-nô quảng cáo cho rạp chiếu bóng Tây Đô, đường Võ Văn Tần ngày nay. Rạp hát và chiếu bóng Tây Đô là một rạp lớn vào bậc nhất tại Thành phố Cần Thơ lúc ấy. Nguyễn Robert dáng người cao ráo, để râu, tính tình vui vẻ hay cười, có biệt tài hoạ hình tài tử chiếu bóng trên pa nô mà không cần lấy tỷ lệ trên ô vuông trước bằng bút chì. Tay trái hoạ sĩ cầm hình mẫu, mắt nhìn quan sát, tay phải chấm màu bột (gouache) vẽ ngay mà thật sinh động và giống và hình mẫu ít hoạ sĩ nào sánh kịp. Con gái của Hoạ sĩ Nguyễn Robert là Nguyễn Thị Quế sau này cũng vẽ tranh và triển lãm vài lần tại Cần Thơ. Ở rạp chiếu bóng Trung Ương cạnh khách sạn Phan Trung (ngả tư đường Tân Trào và Lê Thánh Tôn ngày nay), về sau đổi tên thành rạp hát Lao Động, hoạ sĩ Chung Xây cũng có nét vẽ tài hoa cá tính nhưng vì anh hay uống rượu nên mất sớm ở tuổi trung niên. Khoảng năm 1954-1955, ở gần cầu Xáng Thổi, có hoạ sĩ Tốc vừa vẽ tranh vừa làm thêm nghề hớt tóc để sống.
Hoạ sĩ Tốc vẽ tranh đẹp bằng bột màu (gouache) cảnh nông thôn với những mái nhà lá, nhà tranh. Bên cạnh nhà là những con đường quê bò lang thang khắp xóm làng, giữa những lũy tre làng um tùm xanh mướt, được nối với nhau bằng những chiếc cầu tre lắt lẻo còn gọi là cầu khỉ vì nó thường bắc chênh vênh khá cao trên mặt nước sông lạch ở miền quê. Nguyễn Thanh lúc đó còn đi học lớp Đệ Lục (lớp 7 bây giờ) Đệ Nhất cấp ham học Vẽ và đã tập tành vẽ tranh thú rừng hoặc tranh sơn thuỷ để thờ bằng màu bột khô mua từ các tiệm sơn. Màu bột đem về nhà được pha chế thêm với a dao. Tranh thờ dạo ấy bán được một tấm khoảng 50đ, nhưng đó là một số tiền giá trị rất lớn đối với học sinh trung học. Từ năm 1963, sau khi bị gọi đi sĩ quan trừ bị Thủ Đức lúc đang dạy tại Trung học Long Mỹ, Cần Thơ, Nguyễn Thanh không chấp hành nhập ngũ, bỏ trường công lánh về Cần Thơ dạy tư tại các trung học tư thục Thủ khoa Huân và Ngọc Phú cùng nhóm với GS. Nguyễn bá Thảo dạy Pháp văn. Đồng thời Nguyễn Thanh còn mở thêm phòng vẽ Đan Thanh lần lượt tại các địa điểm: 15 Minh Mạng rồi 53 Hai Bà Trưng.
Sau năm 1975, Nguyễn Thanh lúc đầu vẽ tại nhà riêng ở đường Hoàng Văn Thụ – Cần Thơ, sau đó dời ra 116 Xô Viết Nghệ Tĩnh, 43 Ngô Quyền rồi 9 Võ Thị Sáu, TP. Cần Thơ cho đến nay, tính ra cũng đã gần 20 năm. Nhớ lại năm 1969-1970, tại Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang ngày nay) có tổ chức ba lần triển lãm tranh của các hoạ sĩ: Nguyễn Thanh, Thiện Mỹ và Vạn Tân. Mỗi lần tập trung được hơn 100 hoạ phẩm. Trong những kỳ triển lãm đó, giá bán một tấm tranh cao nhất là 50.000đ trong khi lúc đó giá một chiếc xe Honda 50 chính cống của Nhật chỉ là 24.000đ. Như vậy, nếu đem đối chiếu với thời giá hiện nay thì một tấm tranh lúc đó có giá trị hơn một lượng vàng y (loại vàng số 9999)!
Sau 30/4/1975, từ những ngày đầu tháng 5, trong bối cảnh sôi nổi của những ngày đầu mới giải phóng, tất cả anh em văn nghệ sĩ thành phố trong đó có hoạ sĩ và những người làm công tác mỹ thuật bắt đầu tập trung vào hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố Cần Thơ (Chủ tịch: Nhà thơ Hoài nam Tử, Tổng thơ ký: Nhà giáo – Nhà văn Nguyễn Thanh (Đan Thanh). Các hoạ sĩ Thành phố có mặt ngay từ đầu gồm: Hương Văn Hiền, Nguyễn Dư, Hà Văn Phú… (Năm Phú). Sau hơn mười năm chuyển tiếp, Hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố sáp nhập luôn vào hội Văn nghệ tỉnh Hậu Giang (tức TP. Cần Thơ lúc bấy giờ) vốn được thành lập năm 1976 quy tụ thêm nhiều hoạ sĩ như: Trần Đình Nghĩa, Lý Xinh, Hà Văn Phú (Năm Phú), Hương Văn Hiền, Nguyễn Văn Ẩn… lần lần được tăng cường chủ lực thêm với các hoạ sĩ, điêu khắc gia từ trong chiến khu ra như Tô Dự, Thái Đắc Phong, Nguyễn Phước Sanh…
Trong thời gian bao cấp, các hoạ sĩ chỉ công tác phục vụ cho chính quyền cách mạng trong bộ phận thông tin tuyên truyền gặp không ít khó khăn về kinh tế. Công lao hai hoạ sĩ Trần Đình Nghĩa (đã mất), Hà Văn Phú (đã mất), Lý Xinh (đang ở hải ngoại), Đặng Thị Tư (không còn hoạt động)… phải được nhắc tới về tinh thần phục vụ rất tích cực. Tuy nhiên, trong thời kỳ bao cấp khó khăn về kinh tế của 10 năm đầu mới giải phóng, hầu hết các hoạ sĩ bận bịu nhiều về cơm ăn áo mặc nên chưa có sáng tác đáng kể ngoài tranh cổ động có mục đích phục vụ cho yêu cầu chính trị. Phải đợi đến thời kỳ mở cửa từ 1986, cùng với đa phần lĩnh vực nghệ thuật khác, hoạt động nghệ thuật tạo hình mới có điều kiện bắt đầu phát triển mạnh mẽ và khởi sắc cho đến hôm nay.
Đ.T