Nâng cao chất lượng Cuộc vận động viết về đề tài thương binh, liệt sĩ

880

Ngày 11/3, tại Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc tọa đàm viết về chủ đề “Đền ơn đáp nghĩa”, hưởng ứng Cuộc vận động viết về đề tài Thương binh, Liệt sĩ, do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh, Tạp chí Văn nghệ TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

“Viết về đề tài chiến tranh cách mạng – lực lượng vũ trang nói chung và liệt sĩ, gia đình liệt sĩ nói riêng là món nợ của người cầm viết”. Đó là chia sẻ của nhà văn, đại tá Trần Thế Tuyển tại buổi tọa đàm. Theo nhà văn, đại tá Trần Thế Tuyển, chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm. Chiến công vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ XX “đánh thắng các tên đế quốc to” vẫn chói ngời trong lịch sử. Tuy nhiên, chúng ta chưa có nhiều tác phẩm văn chương xứng tầm với chiến công ấy. Để có ngày toàn thắng, để giành được độc lập, non sông thu về một dải, đã có hàng triệu người con ưu tú ngã xuống.


Ban Tổ chức chia sẻ về nội dung và ý nghĩa cuộc vận động viết về thương binh, liệt sĩ. Từ trái qua: nhà văn Bùi Anh Tấn, nhà văn Bích Ngân và nhà văn – đại tá Trần Thế Tuyển 

Đó chính là lý do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM phối hợp cùng Hội Nhà văn TPHCM và Tạp chí Văn nghệ TPHCM phát động cuộc vận động viết về đề tài thương binh, liệt sĩ nhằm tạo ra những tác phẩm có giá trị, góp phần khắc họa một giai đoạn lịch sử oanh liệt và gian nan của dân tộc; khắc họa chân dung những tấm gương bình dị mà cao quý, hiến dâng cả đời mình cho độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

“Đền ơn đáp nghĩa, ăn quả nhớ người trồng cây là đạo lý, nét đẹp văn hóa của dân tộc ta. Viết về đề tài chiến tranh cách mạng – lực lượng vũ trang nói chung và liệt sĩ; gia đình liệt sĩ nói riêng là món nợ của người cầm viết”, nhà văn Trần Thế Tuyển nói thêm.


Nhà văn – đại tá Trần Thế Tuyển chia sẻ tại tọa đàm

Một mặt đồng tình với ý kiến của nhà văn Trần Thế Tuyển, mặt khác, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng, đề tài thương binh, liệt sĩ không chỉ là món nợ mà còn là quà tặng cho người cầm bút. Theo anh, thực tế, có nhiều nhà văn trước khi viết về thương binh, liệt sĩ thì hoàn toàn vô danh. Trường hợp cụ thể là nhà văn Minh Chuyên, sau khi giải ngũ in rất nhiều, thậm chí có những tác phẩm dày 500-600 trang nhưng không ai biết. Chỉ đến khi ông viết về thương binh, liệt sĩ mới thành danh với loạt tác phẩm như: Người lang thang không cô đơn, Đứa con màu da thú, Vào chùa gặp lại, đặc biệt là bút ký Thủ tục để làm người còn sống…

“Đến thời điểm này, Minh Chuyên chỉ là một người chuyên viết bút ký và được giải thưởng Nhà nước nhờ viết bút ký về thương binh, liệt sĩ. Nếu anh thực tâm với nó thì nó là quà tặng giúp anh thành danh, có thành tựu”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đúc kết.


Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, các cuộc vận động viết về thương binh, liệt sĩ đang tập trung vào vấn đề “đền ơn” mà chưa khai thác sâu vào vấn đề “đáp nghĩa” 

Trong sự quan sát của mình, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng những năm gần đây, chúng ta viết về thương binh, liệt sĩ chỉ viết một vế duy nhất, đó là “đền ơn” mà gần như không có “đáp nghĩa”. “Đền ơn” ở đây là ca ngợi để đền ơn, “đáp nghĩa” là hành vi anh sống như thế nào để đáp nghĩa với những người đã khuất, đã hy sinh xương máu cho hòa bình. Điều này gần như không có.

Theo anh, những người thuộc thế hệ sau, có người sinh ra không thấy mặt bố, họ đã sống, đã cống hiến như thế nào. Cần có những bài viết về những người là con của liệt sĩ, sinh ra không thấy mặt bố nhưng họ sống rất tử tế, thậm chí bây giờ đang tranh đấu cho công bằng xã hội. Đây chính là hành vi đáp nghĩa vô cùng ý nghĩa đối với các liệt sĩ.

“Cuộc vận động cần mở ra hướng đó, không chỉ ca ngợi để đền ơn mà có hành vi để đáp nghĩa. Ngọn lửa của những người lính năm xưa được trao truyền đến thế hệ hôm nay như thế nào, thì cuộc vận động sẽ phong phú hơn, xứng đáng với sự chờ đợi cũng như sự hy sinh của những người đã nằm xuống”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết.


Để có những tác phẩm chất lượng cho cuộc vận động, nhà văn Bùi Anh Tấn đề xuất mở trại sáng tác, mời các nhà văn, nhà báo tham gia 

Ở một chiều hướng khác, để cuộc vận động có những tác phẩm đạt chất lượng, theo nhà văn Bùi Anh Tấn, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ TPHCM – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, Ban Tổ chức có thể lưu ý đến việc tổ chức trại sáng tác với quy mô nhỏ, khoảng 10-15 cây bút là các nhà văn, nhà báo, những người đã có tác phẩm hoặc có đề cương tác phẩm. “Chúng ta mời họ tham dự trại trong vòng một tuần. Trong thời gian đó, các nhà văn nhà báo sẽ hoàn thiện tác phẩm cho cuộc vận động”, nhà văn Bùi Anh Tấn chia sẻ.

Cuộc vận động viết về đề tài thương binh, liệt sĩ kéo dài 3 năm từ nay đến năm 2024 với 3 thể tài: ký văn học (đợt 1); thơ, truyện ngắn (đợt 2) và truyện dài, tiểu thuyết (đợt 3). Trong năm đầu tiên, Ban tổ chức nhận bài thuộc thể tài ký văn học, các tác giả dự thi thể tài truyện dài, tiểu thuyết có thể chuẩn bị đề tài hoặc sáng tác ngay từ bây giờ. Đối với thể ký, mỗi bài viết không quá 3.000 chữ, có nội dung ca ngợi sự hy sinh cao cả của liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ; tôn vinh những nhà tài trợ, hảo tâm, những người thiện nguyện đồng hành với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ chăm lo, hỗ trợ gia đình liệt sĩ (ưu tiên trên địa bàn TPHCM và miền Đông Nam bộ).

Ban tổ chức bắt đầu nhận bài đến ngày 1/10/2022, tổng kết và trao giải vào tháng 12/2022. Các tác phẩm tham gia dự thi phải có nội dung gắn liền chủ đề của cuộc vận động, ca ngợi liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tôn vinh những nhà tài trợ, hảo tâm (yêu cầu người thật, việc thật; ưu tiên trên địa bàn TP.HCM và miền Đông Nam Bộ).

Hội đồng giám khảo gồm các cây bút uy tín. Đồng trưởng ban tổ chức là nhà văn, nhà báo, đại tá Trần Thế Tuyển, nhà văn Trịnh Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM và nhà văn Bùi Anh Tấn – Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ TP.HCM.

Thành viên ban chung khảo có thêm sự góp mặt của nhà văn Trần Văn Tuấn – nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nhà văn Trầm Hương – Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM và PGS.TS Bùi Thanh Truyền.

Các tác phẩm dự thi có chất lượng cao và đoạt giải sẽ được in thành tập sách hoặc đăng trên tạp chí Văn nghệ TP.HCM, đặc san Linh khí quốc gia và website của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM cũng như Hội Nhà văn TP.HCM.

Cuộc vận động dành cho tất cả các nhà văn, nhà báo, người viết trong và ngoài nước.

Cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải nhất (20 triệu đồng), 2 giải nhì (10 triệu đồng/giải), 3 giải ba (7 triệu đồng/giải) và 5 giải tư (4 triệu đồng/giải). Tác phẩm dự thi gửi về địa chỉ: Hội Nhà văn TPHCM, số 81 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM. Điện thoại: 02839321987. Hoặc email: linhkhiquocgia2021@gmail.com.

Theo Hồ Sơn/SGGP