Nắng hạ

1093

Phạm Văn Hoanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Một sớm mai thức dậy, mở toang cánh cửa, ra vườn hít thở bầu không khí trong lành, ta chợt thấy gió nam hây hẩy. Ta cảm nhận hình như mùa hạ đang về.

Nhà văn Phạm Văn Hoanh

Mùa hạ về thật đấy ư? Sao mà nhanh quá! Mới hôm qua cái rét Nàng Bân vẫn còn, bầu trời âm u, thế mà sáng nay phía đằng đông mặt ông Trời đỏ gay lần lượt buông những sợi nắng chói chang xuống mọi nơi khiến cho mọi vật trở nên sáng chói. Ánh nắng ban mai không còn lạnh lẽo như hôm qua nữa. Nắng mỗi lúc một chói chang. Khi ông mặt trời lên đến đỉnh đầu, ánh nắng lại càng chói chang hơn, ai ra đường cũng phải che kín, tránh sự xâm hại của nắng. Đến khi chiều tà, nắng rớt, hoàng hôn bao phủ khắp mọi nơi, gió vi vu trên những cành cây, nắng mới dịu dần.

Nắng hạ khiến nhiều người khó chịu. Nhưng nếu để ý một tí ta sẽ thấy nắng hạ có cái lãng mạn, tình tứ của riêng mình. Nắng hạ cũng đồng nghĩa với những mùa hoa sắp về. Ở làng quê có rất nhiều hoa: hoa gạo, hoa sen, hoa phượng vĩ, hoa bằng lăng… Những trưa mùa hạ từ cửa sổ của căn nhà nhỏ, ta có thể nghe thấy một bản giao hưởng hương hoa đang thánh thót ngân nga dưới đôi tay tài hoa của người nghệ sĩ thiên nhiên. Này là thanh âm trong trẻo của hoa sen, này là giai điệu du dương của hoa phượng vĩ, này là tiếng rung nhè nhẹ của hương hoa gạo mộc mạc, chân thành… Bên bản giao hưởng hương hoa, ta còn được thưởng thức một bản giao hưởng nữa từ dàn nhạc ve sầu, từ tiếng kêu khắc khoải của chim cuốc, tiếng tu hú gọi bầy… Dường như có bao nhiêu hương hoa, có bao nhiêu loài vật là có bấy nhiêu cung bậc thanh âm. Chúng cứ ngân lên, hoà quyện vào nhau rồi lại tan loãng ra, rồi lại vút lên như bất tận. Ta ngồi yên trong sự tĩnh lặng của trưa hè làng quê mà tha hồ thưởng thức bằng tất cả khứu giác, thính giác của mình. Tự nhiên ta cảm thấy yêu cái nắng hạ vô cùng. Yêu nhất là bọn học trò.

Nắng hạ cũng còn đồng nghĩa với việc học sinh nghỉ hè. Tuổi học trò không gì sung sướng bằng nghỉ hè. Ngày xưa lúc còn học trò, nhà thơ Xuân Tâm đã từng thốt lên:

Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,

Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về.

Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,

Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!

Nắng hạ, nhà trường đóng cửa suốt ba tháng liền. Ngày ấy không có cảnh học thêm như bây giờ. Ba tháng hè bọn học trò chúng tôi tha hồ bơi nhảy. Đứa thì ở nhà vui cảnh đồng quê. Đứa thì đi nghỉ mát đó đây. Chỉ có những nhà giàu có mới được đi nghỉ mát, còn những đứa học trò nghèo xóm tôi cứ mải mê suốt ngày thả diều, câu cá, hay chơi những trò chơi dân gian. Ôi những chiều nắng hạ ngày xưa sao mà vui quá! Nó cứ lưu giữ trong lớp tuổi ấu thơ của chúng tôi cho mãi đến tận bây giờ. Quên sao được, cứ chiều chiều, sau khi làm xong công việc nhà, chúng tôi lại chạy ra bãi đất trống nơi có hàng dương liễu tỏa bóng che mát để chơi nhiều trò hấp dẫn. Hấp dẫn nhất là trò chơi đánh trỗng. Cả nam lẫn nữ bắt phe. Phe nào thua phải cõng phe thắng chục vòng. Trò chơi đánh trỗng không an toàn nhưng được cái là vui. Tôi nhớ có lần người em gái vì ham vui và nhiệt tình mà bị hòn trỗng trúng ngay vào trán, máu phun ra. Từ hôm ấy em không dám đánh trỗng nữa. Chiều nào em cũng ra ngồi dưới hàng dương nhìn chúng tôi. Chúng tôi rủ thế nào em cũng lắc đầu. Em bảo là đánh trỗng về bị ăn đòn. Nghe em nói tôi thương quá. Tôi cũng từ giã trò chơi đánh trỗng để thả diều với em. Và cũng từ đó tôi và em thân nhau như anh em một nhà. Hễ nắng hạ về tôi lại rủ em thả diều, câu cá…

Bỗng một mùa nắng hạ, tôi không nhớ năm nào, em lại xa tôi. Em xa tôi mãi mãi. Cha mẹ em ép em lấy chồng. Tim tôi như vỡ vụn. Thế là những mùa nắng hạ sau tôi không còn cùng em thả diều câu cá nữa. Từ ấy đến giờ đã qua mấy chục mùa nắng hạ rồi tôi chưa một lần gặp em.

Năm nào nắng hạ về, tôi cũng về quê. Tôi tìm lại bãi đất trống và hàng dương liễu để ôn lại chút kỷ niệm của một thời quá vãng, nhưng bãi đất trống giờ đã mọc chen chúc nhà cửa, còn hàng dương cũng bị hóa kiếp từ lâu. Tôi tìm ra sông. Dòng sông cũng chỉ bằng con mương. Tôi thoáng chút buồn, nhưng rồi lại thấy vui. Không vui sao được khi làng quê tôi ngày một đổi mới.

Mặc dù người xưa cảnh cũ đã đổi thay nhưng kỷ niệm những ngày nắng hạ vẵn không thể nào thay đổi trong tôi. Tôi vẫn nhớ, vẫn yêu màu nắng hạ vô cùng!

P.V.H