“Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?”

449

Có một điều chắc chắn mà không ai tranh cãi, rằng từ xưa đến nay, phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo nghệ thuật.

Tại sao lại như thế? Khó có thể trả lời chỉn chu và hài lòng tất cả mọi người, chỉ biết rằng những gì thuộc về phái đẹp cũng đều gợi lên sự thăng hoa trong cảm xúc ở người sáng tạo nghệ thuật lẫn công chúng của họ.

Khi người phụ nữ nói, Nguyễn Du cảm nhận: “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”. Miệng cười ấy đã là bông hoa, sau này, một nhạc sĩ cũng viết: “Em ơi, em là hoa biết nói”, còn cách nói nào tinh tế hơn nhằm ca ngợi vẻ đẹp của tạo hóa đã ban cho phái đẹp? Ai lại không từng ám ảnh và yêu thích câu thơ của Văn Cao: “Trên đường đi/ Anh đặt em trên dốc núi/ Để tìm lại những đường mềm của núi”.

Núi sừng sững, gai góc và vững chãi, tất cả gợi lên sự mạnh mẽ, cứng cáp nhưng khi có người phụ nữ xuất hiện thì núi đã khác. Khác ở đây vẫn do thân hình mềm mại đến độ ca dao đã từng khái quát: “Thân em như tấm lụa đào”, vì thế ta mới thấy được nét đẹp khác của núi. Nói đúng hơn, ngay cả núi cũng mềm đi, chứ huống gì là người trước nhan sắc đó. Âu cũng là “sức mạnh” của người phụ nữ đấy thôi. Từ đó đã tạo ra sự mê hoặc kỳ diệu:

“Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím” (Hữu Thỉnh). Tím là biểu hiện của nỗi buồn, tức là họ đủ sức đem lại những cảm xúc khác nhau…

Ở họ, nhạc sĩ Hoàng Quý lại nhìn thấy “Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng, xao xuyến nỗi niềm yêu” là tâm cảnh rạo rực lúc kết hợp giữa tóc, mây, gió để trở thành bộ ba hòa quyện nhau “dâng sóng”. Sóng ở đây là hiểu theo nghĩa cảm xúc đang trào dâng dào dạt. Rõ ràng, chỉ có người phụ nữ mới đem lại xúc cảm mới mẻ này. Hoặc nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có ca từ: “Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn sóng, yêu ai em nắn cung đàn đầy vơi”. Thú vị quá, “làn sóng” này vừa là sóng tóc đang “nhẹ rung” nhưng ở sự liên tưởng, nếu ta nghĩ đó cũng là “sóng nhạc” do người đẹp “nắn cung đàn” thì càng hay chứ sao?

Không những thế, thật sửng sốt và vẫn kỳ lạ nhất khi thi sĩ Bích Khê thốt lên ngạc nhiên: “Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm? Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?”. Nét đẹp của giai nhân đã khiến người ta đôi lúc không thể lý giải nổi câu hỏi đó. Thế thì tự bản thân người phụ nữ đã là hương, một làn hương khó có thể quên và ám ảnh dài lâu…

Và nghĩ cho cùng, nét đẹp tinh khôi mà tạo hóa ban cho người phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật trước đây, bây giờ và mãi mãi…

Theo Lê Minh Quốc/NLĐ