Năng lượng siêu thực trong bóng của con nhân sư

325

Hoàng Thụy Anh

Phan Ngọc đã từng nói: Thơ vốn dĩ có cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải xúc cảm và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này.

Trần Hoàng Phố cũng tổ chức ngôn từ một cách tinh tế như thế. Nhưng ông biết chọn lọc và định hướng con đường thơ ca của mình bằng năng lượng siêu thực. Điều ấy được thể hiện rất rõ qua “Bóng của con nhân sư”(1).

Chạm vào tận cùng của bản chất sự vật, thế mạnh thơ siêu thực sẽ phát khởi mọi khả năng của trí tuệ và mới lạ của câu chữ. Những câu thơ siêu thực trong “Bóng của con nhân sư” xáo trộn, chia cắt hệ thống đau thương bằng cảm quan phi lý. Cái tôi bị cắt xé bằng sự suy ngẫm. Nó là kết quả nghiệm chứng của dòng chảy tư tưởng. Chính vì thế, Trần Hoàng Phố phá bức tường cổ điển của những tập thơ trước(2), hệ thống, cân bằng chúng bằng dạng thức tự do: lắp ghép từ, câu ngắn dài đan cài, câu thơ thiết kế tầng bậc… Năng lượng cảm xúc thơ từ đó rộng mở đa chiều. Cảm xúc thăng hoa cái vô tận của bản ngã.

Tập thơ Bóng của con nhân sư

Bóng và hành trình tìm bản ngã

Âm hưởng của những tập thơ trước về kí ức xưa tuôn trào mạnh mẽ hơn ở tập “Bóng của con nhân sư”. Hình ảnh “bóng” ám ảnh, trở đi trở lại trong hầu hết các bài thơ: Hình như là bóng của nỗi bình an; Chén mộng du này đầy bóng hình xa xôi; Bóng của một cái bóng; Và cái bóng lắc lư buồn rầu khốn khổ trong anh; Bóng trần gian não nùng in rợn giữa sao khuya; Bồng bềnh đêm chếnh choáng bóng mồ côi; Phế tích buồn trong bóng chiều huyền thoại/ Bóng vương tôn vua chúa đi về/ Những chiếc bóng nổi trôi ở chân trời phù du huyền ảo/ Một nụ cười buồn của Vô thường (Phế tích buồn)… Cảm xúc hướng nội, nên các con chữ trong thơ Trần Hoàng Phố rượt đuổi đến tận cùng của hồi ức, của kỷ niệm. Chúng nhào nặn, quấn riết cái tôi đa cảm và mở ra những tầng ngầm day dứt. Những cuộc trở về ấy rối loạn tâm thức và câu chữ, bởi nó là hệ quả của sự thức dậy linh hồn:

Biển linh hồn anh gào rú giấc mơ xưa xa lắc thuở dịu dàng hương
Chén sa mạc đêm này bỗng chầm chậm thơm đường cong môi em

(Chén đêm)

Kí ức được tái hiện bằng những âm thanh, những gương mặt, những cảm giác từ cái tôi thăm thẳm cô đơn. Cái tôi được đặt trong nhiều mối tương quan với các sự kiện khác, tìm đến đa bản ngã từ chính cái bóng của chính mình. Cô đơn tận đáy đời:

Thành phố – giọt mưa buồn rơi trong mắt em
Anh không còn nhìn thấy những vì sao lung linh trong đáy cốc đời mình
Dòng sông lững lờ trôi không gặp bể giữa sương mù ngày tháng
Những hàng cây xanh non mưa quất than van trong tim anh
Giọt nước mắt em rơi trên môi anh
Mưa đông rơi trên những con đường mưa rơi trên những mái nhà thành phố
Anh nếm thấy trắng xóa đại dương của cô đơn
                                                (Thành phố, mưa và tôi)

Nhà thơ sống với quá khứ, trăn trở với quá khứ, mong tìm được cái bóng bình an của thời gian để lắng nghe “tiếng chim câu gù mơ hồ dưới bóng những sớm mai”, để giữ lấy khoảnh khắc “Chén sa mạc đêm này bỗng chầm chậm thơm đường cong môi em”. Nhưng hoài vọng ấy đôi khi lặn vào sâu vào tầng nham thạch của cõi lòng như vết tích ngoài tầm kiểm soát. Vì thế, Trần Hoàng Phố chối bỏ hiện tại, quăng quật mình ở chốn phiêu du, hư ảo là để trốn chạy cái nghịch lý đang ăn mòn mọi thứ trong hiện tại. Cái tôi ấy cô quạnh, trống rỗng trong thế giới trớ trêu thật giả. Và nhà thơ tìm bóng mình ở em. Em là một phần của cái bóng trong chuyến tìm bản ngã của nhà thơ. Tìm em để hiểu mình. Nhưng hình ảnh em cũng nhạt nhòa sương khói:

Thành phố – nụ cười em lạ lùng/ Mắt em nắng mưa nào hư thực/ Anh nhìn không thấy màu mắt của hoàng hôn/ Bàn tay dịu mềm của ai hững hờ xa lạ/ Anh không hiểu những chiếc lá đang màu xuân hay đông (Thành phố, mưa và tôi)

Mỗi cái bóng mở ra tâm hồn băn khoăn, trăn trở, suy tư của nhà thơ. Nhưng cuộc truy tìm nào rồi cũng sẽ đến một giới hạn. Với Trần Hoàng Phố, dường như chưa có đích cuối cùng. Bởi, tìm chính mình ở “kí ức xa lắc” thì chưa đủ dù ông từng tuyên bo “ăn ở với chính bóng mình”. Ông tìm ngay trong cõi thiền. Chạm vào cõi thiền, ông chạm đến bản ngã chính mình bằng hành trình vượt lằn ranh của hiện thực. Con đường giác ngộ dịch chuyển tâm thế của nhà thơ, soi chiếu vào bản thể, định hướng cái bóng của nhà thơ.

Cuộc sống bày ra biết bao nhiêu cạm bẫy. Chỉ cần nhích một tí, sự chuyển đổi đã được đo đếm. Nếu không giữ được bản lĩnh khó có thể đoạn tuyệt với những hẹp hòi, rỗng rễnh, vô nghĩa… đang bủa vây. Để dựng xây hệ giá trị cho riêng mình, vượt ra khỏi giới hạn của cái tôi, nhà thơ nhập thế, thấu suốt bằng tâm thiền:

Và con mắt Thiền
Nhìn vào cõi Vô minh
bóng tối
lòng mình
                                                (Trở về)

Như vậy, Trần Hoàng Phố mượn bóng, mượn hành trình ngược dòng để tìm chính mình. Trên Hành trình hướng thiền, ông đã tìm được bản ngã của mình, cởi bỏ những vướng bận, bừng ngộ đạo tâm.

Ám ảnh thời gian

Thời gian nghệ thuật trong thơ thường đa chiều. Nó có thể vận hành, tiến, thoái, ngưng đọng… tùy vào chủ quan của thi nhân. Do đó, thời gian thơ luôn chứa đựng chiều sâu triết lý, hàm chứa biểu tượng. Đọc “Bóng của con nhân sư”, bên cạnh tiếng vọng của linh hồn, chúng ta còn bắt gặp nỗi ám ảnh thời gian. Trần Hoàng Phố không quay quắt níu giữ thời gian mà tan chảy vào dòng trôi ấy để cảm nhận gương mặt thời gian. Ông lắng nghe được bước đi của thời gian ngay trong chốn hư vô. Thời gian còn hiện hữu hóa bằng nhiều chiều kích của không gian:

Bông hoa lặng câm cắm trong chiếc bình thời gian/ Đã vô hồn/ Như sắc đẹp ảm đạm ngày tàn (Muộn sầu ngày tàn)

Hồn xưa, bóng xưa như nhân thêm nỗi buồn trong cuộc săn đuổi khôn cùng của thời gian:

Những đám mây thời gian đuổi bắt vô tận/ Nỗi buồn ngàn năm/ Rơi xuống/ Đọng thành/ Giọt lệ/ Trăng (Giọt lệ trăng)

Thời gian làm cho cuộc hành trình tìm bản ngã thêm diệu vợi. Nó xuyên thấm, len lỏi ngay trong cái bóng của nhà thơ. Nó trở thành biểu tượng bất diệt của bản thể. Nhưng con đường tìm bóng mình trải qua vô tận của thời gian, chông gai của cuộc đời đâu dễ dàng đến được bến Chân Như? Trần Hoàng Phố đã làm được. Thơ ông hiển lộ tính minh triết, hóa đạo trong tinh thần nhập thế:

Ta trở lại thương từng ngọn cỏ/ Từng bơ vơ trong bão táp cuộc đời/ Cõi nào đây ta từng dừng mỏi bước chân trần/ Có ai đến hôn vào mỗi dấu vết chia xa/ Để nỗi nhớ thấm vào đất đai sinh nở/ Để hóa thân cho lộng lẫy bụi trần/ (Gió xuân thì).

Tập “Bóng của con nhân sư” không chỉ hay vì hành trình tìm bóng của nhà thơ mà còn hay vì những đứt khúc, chắp nối của ngôn từ. Ngôn từ của nhà thơ quẫy đạp trong thế giới của nhịp siêu thực. Ông sử dụng nhiều phép so sánh. Phép so sánh mở ra nhiều liên tưởng thú vị, làm mới thơ và thay đổi những định vị quen thuộc của người đọc, lôi kéo người đọc cùng tác giả phát huy các tầng nghĩa của thơ. Những câu so sánh lạ khá nhiều trong tập thơ.

So sánh bằng từ so sánh “như”, cái biểu đạt gia tăng thêm điểm nhìn mới cho cái được biểu đạt. “Chiều” được so sánh như chiều sâu của đôi mắt người chết, nhà thơ đã cảm nhận được tận cùng của nó. “Chiều” đâu chỉ là thời gian thuần túy mà nó còn là ám ảnh thân phận:

– Chiều cô đơn
thăm thẳm
như mắt người chết
                                                (Tận cùng chiều)

Nhà thơ còn định dạng, hoán vị, giao thoa giữa cái vô hình và hữu hình để đạt đến cái khả thể:

Trong đêm khuya lá rụng/ Như một nét nhạc buồn/ Chậm rãi cứa tim
                                                                        (Gió xuân thì)

Trong tập thơ này, vì quá mải miết tìm cái bóng của chính mình nên nhiều hình ảnh thơ lặp đi lặp lại, thiếu sự bão hòa. Tuy nhiên, người đọc không thể dứt ra khỏi trường trạng thức của nhà thơ. Những giấc mộng đầy ám ảnh, chập chờn, ma quái. Guồng máy ấy chuyển động đến cội nguồn tâm linh, vượt khỏi phiền não cõi nhân gian, bất tận hồn thiền bằng những va đập giữa chất truyền thống và chất hiện đại; giữa có và không; giữa sinh và tử… Tìm bóng chính mình, bóng thời gian là hành trình bất tận khôn nguôi về ám ảnh bản thể và ý nghĩa đời người.

————
(1) Trần Hoàng Phố, Bóng của con nhân sư, NXB Thuận Hóa, 2010.
(2) 
Cõi nhân gian lạ lẫm, NXB Thuận Hóa, 2002 và Quê quán tôi xưa, NXB Thuận Hóa, 2002.

Đồng Hới, ngày 15-2-2011
H.T.A

Theo Tạp Chí Sông Hương