Phiên bản tiếng Anh của Mô hình nhân vật trong nghệ thuật hát bội Việt Nam (Types of Characters in Vietnamese hát bội: A Quick Guide) do nhóm Hiếu Văn Ngư và ICHCAP hợp tác thực hiện đã chính thức có mặt trên ichLinks, nền tảng thông tin về di sản văn hóa phi vật thể tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
ICHCAP là tên viết tắt của Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) bảo trợ.
Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish và ICHCAP đã chọn 15 kiểu (mô hình) nhân vật điển hình trong hát bội để giới thiệu và quảng bá bằng những hình ảnh, clip ghi hình sinh động kèm với sự diễn giải về đặc điểm hóa trang, kỹ thuật diễn xuất… của các nhân vật điển hình, được lưu trữ tại đường link: https://ichlinks.com/exhibition/hat-boi/.
Tham gia giới thiệu “Mô hình nhân vật trong nghệ thuật hát bội Việt Nam” có các nghệ sĩ thể hiện nhiều nhân vật điển hình trên sân khấu hát bội gồm: NSƯT Hữu Danh, NSƯT Linh Phước, NSƯT Linh Hiền, NSƯT Thanh Trang, nghệ sĩ Bảo Châu, Hoàng Tuấn, Thanh Bình, Đông Hồ, Hà Trí Nhơn, Kiều My, Anh Thi… và ban nhạc với nhiều nghệ nhân thuộc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM.
Các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM biểu diễn trích đoạn “San hậu” tại Bảo tàng Lịch sử TP HCM.
Thông tin trên khiến giới văn nghệ sĩ quan tâm đến nghệ thuật hát bội vui mừng. NSND Đinh Bằng Phi cho rằng sự hiện diện của nghệ thuật hát bội Việt Nam trên nền tảng số quốc tế sẽ giúp cho việc quảng bá, gắn kết sân khấu truyền thống và văn hóa nghệ thuật với ngành du lịch.
“Điều quan trọng hơn hết là giới trẻ trong và ngoài nước có thêm kênh thông tin để tìm hiểu rõ nét hơn về nghệ thuật hát bội của dân tộc. Nhất là với các bạn trẻ sinh ra và lớn lên tại các quốc gia trên thế giới, khi muốn truy cập những thông tin về sân khấu truyền thống, trong đó có nghệ thuật hát bội sẽ dễ dàng cập nhật và tương tác” – NSND Đinh Bằng Phi cho biết.
Còn theo NSƯT Ngọc Khanh, sự nhanh nhẹn trong cách tiếp cận với nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là của giới trẻ qua những dự án quảng bá trên các nền tảng số đã đưa sân khấu hát bội đến gần giới trẻ hơn. Sau thành công của các dự án “Vang vọng trống chầu”, “Đường đến hát bội”,… bà cảm thấy thú vị khi nghệ thuật hát bội có thêm một kênh thông tin hữu ích để quảng bá đến du khách và cộng đồng quốc tế.
“Với phiên bản tiếng Anh, các quốc gia dễ dàng truy cập và tìm hiểu, qua đó nâng tầm tương tác, để họ có thể tìm hiểu thêm về văn hóa, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam trong thời đại ứng dụng công nghệ phát triển. Với kênh thông tin này, khi thực hiện chương trình “Sân khấu học đường”, nghệ sĩ bộ môn hát bội của chúng tôi cũng sẽ dễ dàng tiếp cận với khán giả sinh viên, học sinh biết ngoại ngữ. Trong lúc dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc tìm hiểu nghệ thuật qua những thông tin trên mạng xã hội rất cần những nền tảng số như dự án thiết thực này” – NSƯT Ngọc Khanh nhận định.
Theo Thanh Hiệp/Người lao động