Nẻo về bình yên – Phạm Thị Mỹ Liên

1106

(Vanchuongphuongnam.vn) – Quê hương, nơi ôm ấp và ru vỗ tuổi thơ. Tình quê hương da diết như dòng máu nóng chảy trong huyết mạch, làm nên nhịp đập mỗi trái tim.

Ảnh minh họa

Nơi ấy thấp thoáng mái nhà yêu thương sau bóng cây xanh khi tiết xuân đang độ nồng nàn. Đường làng dường như dịu êm và yên ắng quá. Hình như cảnh sắc thiên nhiên cũng đang hòa với tiết xuân.
Quê tôi là một vùng ven sông Thu. Nơi đây cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng tình người ăm ắp nồng hậu. Công việc đồng áng nặng nhọc đa số dành cho cánh cho đàn ông, đàn bà vừa chăm lo nhà cửa, chợ búa vừa chăm bẵm vạt ngô, ruộng lúa. Dẫu thế, sự sống vẫn kiên trì bám trụ và đâm chồi nảy lộc trên mảnh đất này. “Cây măng sậy vẫn bám bờ xanh mãi”, mặc cho cái cực vẫn bám quanh nhưng lòng thủy chung sắt son cùng quê hương của bà con không thay đổi.

Hành trình tuổi thơ của tôi nơi quê nhà là con đường rợp bóng cây xanh, những bờ bãi trải dài tít tắp. Con đường đất lấm lem ngày xưa ấy thành con đường chạy thẳng vào tim, đầy ắp vui buồn thơ dại. Bóng đời rợp mát bóng cây.

Một sự bình yên nơi làng quê hứa hẹn thật nhiều điều. Tôi thả hồn mình vào không gian bao la với lũ sẻ đồng ríu ran tung cánh trên những cánh đồng nối dài xa tầm mắt kia, với bầy dế cỏ hiền ngoan đang tấu lên khúc nhạc rì rầm khua nhẹ tâm hồn. Một bức tranh đồng đất xứ “rặc quê” trong thời khắc giao mùa, khiến tôi thấy tâm hồn mình rạo rực đến lạ. Có gì đó râm ran lồng ngực, cựa quậy trong huyết quản thôi thúc ta muốn hít hà, ôm lấy cả xóm làng, sự mướt xanh trên cánh đồng, triền ngô xanh mướt một màu qua vùng đất trĩu nặng hồn quê.
Nhớ cây si già cỗi, xù xì, rậm rạp biểu tượng của sự trường tồn và sức sống dẻo dai của người dân quê tôi. Ông tôi nói nó bị lụt cuốn trôi đến đây rồi bám bờ bám đất lớn lên. Thời thơ ấy chẳng bao giờ hết dại khờ, bao nhiêu lần bị má đánh có liên quan đến cây si. Nhớ mấy đứa con trai thi trèo lên cành cao nhất mặc cho người lớn la rầy. Nhưng bọn con trai kể lên trên đó khám phá được một thế giới đẹp đẽ vô cùng của không gian bao la và ánh sáng, cả cánh đồng và những ngôi nhà như thu nhỏ lại. Mỗi khi ngồi nép bên gốc si, chúng tôi lắng nghe tiếng gió và tiếng lá cây thì thầm to nhỏ như kể cho nhau nghe về những miền đất bí ẩn. Tuổi thơ trôi qua như cơn gió thoảng, giờ cây si không còn nữa cũng sau mùa lụt năm nào. Mỗi lần đi ngang qua tôi vẫn ngước mắt nhìn như một hoài niệm về người bạn cũ.

Tạm biệt góc hoài niệm xưa, tôi lại chạy ra cánh đồng mênh mông. Cánh đồng quê hương đẹp lắm! Sóng lúa vỗ rì rào lăn tăn đùa vui cùng gió, gió mang hương vị ngọt mát của sữa. Ngọn gió quê hương lại miên man thổi vào lòng tôi những giai điệu nhẹ nhàng mà da diết lòng. Gió vờn qua ngọn lúa xanh rì, rập rờn lượn sóng. Gió lùa vào hàng tre bao quanh làng, từng chiếc lá xạc xào thanh âm miền thôn dã. Đâu đó dưới những mái nhà, khói lam chiều vờn lên hòa vào ngọn gió như một tín hiệu dịu dàng của mâm cơm chiều đầm ấm. Dấu chân in trên in trên đường làng như in vào lòng những lắng sâu khó phai.

Bình yên lại đến với tôi trong một buổi sáng đẹp trời, trong ánh sáng dịu dàng mà chói lóa. Ngồi một mình. Đằm sâu trong bình yên. Bâng khuâng trước đẫm ướt mùi hoa dại. Chợt thấy thương quá cái cảm giác ngu ngơ khi bàn tay giơ ra, khẽ khàng hứng một giọt sương rơi, thấy cái man mát lành lạnh lọt qua kẽ tay rơi qua ô cửa sổ. Thấy yêu quá cái dịu dàng thanh thoát khi khẽ chạm vào một giọt nắng hồn nhiên.

Nhớ ngày ấu thơ, có những sáng sớm tinh mơ, tôi theo chân mẹ ra đồng, ra vườn. Tôi mê nhất lúc bình minh, mặt trời như hòn lửa đỏ rực từ từ nhô lên ở chân trời đằng đông và những tia nắng đầu tiên nhảy múa trên màn lụa mịn màng theo gió thoảng đưa. Quê hiền hòa và dịu êmbình dị biết bao. Cánh cò đang rảo bước dạo quanh, thỉnh thoảng ngẩng lên như đón chào ngày mới.

Nhớ lại những ngày vừa thu hoạch vụ mùa, có lúa thơm hay bắp nếp dẻo, mẹ dành riêng một một ít bọc bao thật kỹ để dành cho ngày mưa. Khi ấy, tôi cùng mẹ nhóm bếp rồi bắt chảo gang đổ một ít lúa thơm, dùng que cời dài đảo qua đảo lại cho đến khi có tiếng nổ lụp bụp, vỏ lúa tách ra để lộ hạt gạo bỏng trắng. Bắp nếp dẻo mẹ cũng rang lên, sau đó ngào nước đường với tép gừng rưới lên, trộn đều và múc ra chén cho tôi ăn ngay bên bếp lửa ấm nồng. Vị ngọt ngào ngào ấy như tan chảy ra trong miệng.

Bao năm bôn ba nơi đất khách quê người, tôi vẫn đau đáu nỗi niềm về miền quê ấy – nẻo bình yên hồn nhiên trong trẻo luôn bám riết tâm hồn tôi trên bước đường tha phương. Tôi như kẻ mắc nợ ân tình của quê hương. Tiếng thì thầm thiết tha nồng thắm của cây si đang nghiêng ngả lá cành, làn gió làm lao xao cánh đồng lúa, bữa cơm thân tình là hoài niệm quê nhà luôn thao thức trong tôi.

Tôi lại nhớ con đường quen thuộc, uốn khúc quanh co hình dáng quê nhà. Dẫu rất là bình dị đơn sơ, nhưng mỗi khi xa thì vẫn muốn quay về. Nẻo quê, một quãng đời người, bước chầm chậm thôi bởi lòng thấy bâng khuâng đến lạ.

Tôi đứng lặng trong chiều, ngắm dòng sông quê lở bồi theo năm tháng. Giọt phù sa mỡ màng vun đất cho những cánh đồng xanh ngắt. Tôi hít căng lồng ngực mình mùi vị quê nhà, mắt nhắm lại như trôi giữa bạt ngàn sóng nước mây trời. Nhớ bên mâm cơm chiều bình dị, mẹ ngồi gắp thức ăn cho các con và ba lại khề khà những câu chuyện ngày xửa ngày xưa. Tôi thấy ngoài kia nắng xanh ngời khắp ngõ, gieo bao hi vọng nhớ thương. Những mái đầu cùng chụm vào nhau bên mâm cơm chiều ngọt ngào mùi vị quê nhà. Nhớ những buổi chiều không nắng, ba ngồi xỏ chỉ vào kim cho mẹ vá quần áo, ba nheo mắt hướng cây kim lên bầu trời cao rộng, mải miết để rồi giật mình khi nghe mẹ hỏi “xong chưa”. Tôi đứng lặng im bên góc nhà bình yên lắng nghe nhịp thở của thời gian để yêu thương, trân trọng.

P.T.M.L