Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2022):
(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong đời mỗi con người ta bắt gặp biết bao ngã ba. Có ngã ba của những con đường gặp nhau trên mặt đất, có ngã ba nơi hội tụ của sông lớn, sông con. Có ngã ba nơi gặp nhau của những dòng văn minh đông, tây, kim, cổ. Một dân tộc, một con người cũng có khi đứng trước một ngã ba vận mệnh. Nhưng chẳng có nơi nào trên mảnh đất hình chữ S này lại có một ngã ba làm bằng xương máu của mười cô gái tuổi từ 18 đến 22. Đó là ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).
Di tích Ngã Ba Đồng Lộc
Nhà thơ Huy Cận đã có bài Ngã ba Đồng Lộc (1971) viết sau sự ra đi của các cô bằng một giọng vừa trữ tình đằm thắm, vừa triết lý sâu xa: “Các ngã ba khác trên đời làm bằng nước, bằng sông, bằng thủy triều lên xuống/ Hay bằng đá, bằng đất/ Bằng xi măng cốt sắt/ Bằng vôi trắng gạch xây/ Bằng đèn xanh, đèn đỏ đủ màu/ Hay bằng những sự chênh vênh vấp ngã/ Nhưng ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu”. Nơi đây mỗi mét vuông đất phải hứng chịu ba trái bom bự. Chị Võ Thị Tần đội trưởng thanh niên xung phong của các cô, chuyên lấp hố bom. Chị La Thị Tám chuyên phát hiện bom nổ chậm, nhiều khi tự nguyện làm một cọc tiêu sống đứng cắm cờ canh bom để dẫn đường cho xe ra tiền tuyến. Đôi chân các cô còn nhanh hơn kíp nổ. Nhiều nhà thơ đã xem Ngã ba Đồng Lộc là ngã ba trái tim, là huyết mạch giao thông không thể để tắt nghẽn trên con đường xe chạy vào Nam. Nhà thơ Xuân Hoàng đã bắt gặp một sắc màu đẹp giữa tuyến lửa đầy bom đạn này:
Có phải rừng xanh vắt trên tuyến lửa
Cho ngã ba này một sắc hồng sen
Nhà thơ Trần Mạnh Hùng trong một Chiều qua Đồng Lộc đã thắp nén nhang tưởng niệm thay lời ru gửi tới các cô:
Chói chang nắng lửa chiều hè
Ngã ba Đồng Lộc anh về thăm em
Hương thầm ai mới đốt lên
Gió Lào thổi héo tóc mềm cỏ nâu.
Hương thơm vẫn tỏa ngát suốt ngày đêm trên mười ngôi mộ. Tương truyền rằng những ai qua đây, thắp nhang khẩn cầu đều được hồn thiêng của các cô nâng bước, những ai chưa chồng chưa vợ tới cầu mong đều được chim liền cánh, cây liền cành. Các cô ra đi giữa độ tuổi đang yêu với bao ước mơ xanh và lý tưởng đẹp. Nhưng hại thay! Bom Mỹ đã cắt ngang, vùi lắp. Bởi thế hồn trinh của các cô vẫn tỏa sáng ban phát và vun đắp tình yêu cho biết bao lứa đôi hò hẹn. Trong bài “Mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc” nhà thơ Đồng Đức Bốn cảm thấy như mười ngôi mộ ấy được xây bằng tiếng chim ca bên trời chứ không phải bằng gạch, đá, xi măng, vôi vữa nữa. Và hình như các cô vẫn lẫn quất đâu đây như người đi vắng một lát thôi:
Cầm cỏ thì thấy mồ hôi
Cầm đất thì thấy dấu môi vẫn hồng.
Sự sống vẫn phập phồng, vẫn tỏa hương trên đất Mẹ. Nhà thơ Bùi Văn Bồng lặn lội từ Thanh Hóa vô Can Lộc, Hà Tĩnh để viếng mộ các cô và cảm nhận sự trinh trắng:
Mười làn môi chưa một lần hò hẹn
Mãi trẻ trung cô gái ngàn năm
Mười mái tóc chưa trai làng nhẹ vuốt
Mãi xanh cùng cây lá Trường Sơn.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến như gặp lại các em giữa chiến hào khói lửa cháy bỏng:
Các em đi khi mười tám tuổi xuân
Và để lại những trái tim trong trắng
Tiếng các em thét gọi nhau trong chiến hào khói lửa
Còn cháy lòng bao chiến sĩ xung phong.
Trong trường ca “Những tấm bia khắc tên con gái”, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã phác thảo dáng đứng hiên ngang của người con gái làm cọc tiêu báo bom nổ chậm, lồng lộng như bà Nữ Oa đội đá vá trời trong thần thoại, vừa mang vẻ đẹp thánh thiện vừa rất trần thế :
Em cấy vào đêm sự sống mong manh mùi con gái
Với những hàng tiêu bằng thân thể trắng ngần
Những vầng ngực rời nơi trú ẩn
Kéo trăng về bên hút bom câm…
Các em đang ngồi trên cỏ xanh hay đang gieo hạt ? Các em chơi với gió, với trăng hay đang đùa giỡn trên đồng cỏ hoa vàng ? Các em không bao giờ chết cả. Bởi các em đều nhận ra chân lý Sự sống chẳng bao giờ chán nản. Em bất chấp mọi bi kịch, mọi sự nghiệt ngã của chiến tranh, và thanh thản:
Khoảng trời xanh nằm yên trong lòng đất
Đêm đêm tâm hồn em tỏ sáng
Những vì sao ngời chói lung linh
(Khoảng trời và hó bom – Lâm Thị Mỹ Dạ).
Ai đã một lần qua ngã ba Đồng Lộc cũng nghĩ về một Cung đường con gái như nhà thơ Lê Mạnh Tuấn đã viết về các cô :
Tuổi xuân về nghĩa trang rồi
Cứ mong mỗi ngày trở lại
Hoa rừng hái đặt lên môi
Các cô đã ngã xuống để góp phần làm nên một “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” (Lê Anh Xuân).
Hai mươi bốn năm sau kể từ ngày các cô đi vào cõi vĩnh hằng, nhà thơ Mai Văn Phấn đã có bài thơ Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc thành kính dâng lên. Bài thơ đạt giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1995. Chỉ vẻn vẹn có mười câu lục bát như ứng với mười nén nhang của tâm cảm:
Tháng ngày gương lược về đâu
Chân trời để xõa tóc màu cỏ non
Các cô nằm lại trên cồn
Những chùm bồ kết khô giòn trong cây
Khăn thêu những dấu tay gày
Thành mây Đồng Lộc bay bay trắng trời
Người ơi, tôi gặp lại người
Hơi bom vẫn thổi rụng rời cát khô
Nhang này quặn nỗi đau xưa
Tôi này tôi của cơn mưa về nguồn.
Mười câu thơ chia làm năm khổ, mỗi khổ chỉ hai câu như kiểu thơ hai-ku của Nhật, nén nỗi đau lại để cho những giọt nước mắt lặng rơi đều đều như năm nốt nhạc viếng hồn tử sĩ. Các chi tiết hữu hình như gương lược, bồ kết, khăn thê, cỏ xanh… cứ tràn ngập nhựa sống tuổi trăng tròn. Nhưng rồi tất cả lại rơi vào thinh không, tĩnh lặng. Và ở đây chỉ có cỏ xanh ngắt như mái tóc thề của các cô, chỉ có mây trắng bồng bềnh như chiếc khăn thêu mà các cô chưa kịp gửi tặng người yêu. Và đâu đây ta vẫn ngưởi thấy mùi ngai ngái của đất pha lẫn mùi khói bom giữa cát bụi khô rang sau mỗi trận gió Lào. Nhà thơ nguyện làm một cơn mưa về nguồn mong làm dịu bớt nỗi đau cháy bỏng của chiến tranh và làm mát lòng các cô nơi chín suối. Đó cũng là nghĩa tình uống nước nhớ nguồn , mà nhà thơ đã nói hộ chúng ta.
Đã có hàng trăm bài thơ của các tác giả chuyên và không chuyên viết về Ngã ba Đồng Lộc, viết về mười cô gái hồn trong như suối tưới. Âm hưởng chung của các bài thơ là một giai điệu buồn lắng nhưng không bi lụy. Ở một số bài vẫn tạo được không khí trầm hùng, bay bổng của một bản anh hùng ca theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn của một thời oanh liệt, như các bài: “Ngã ba Đồng Lộc” của Huy Cận, “Cung đường con gái” của Lê Mạnh Tuấn, trường ca “Những tấm bia khắc tên con gái” của Nguyễn Hữu Quý, “Khoảng trời và hố bom”của Lâm Thị Mỹ Dạ, “Viếng em” của Bùi Văn Bồng… Nhiều bài, nỗi đau lắng vào chiều sâu pha chất ngậm ngùi nhưng không thiếu chất lạc quan như các bài của Đồng Đức Bốn, Mai Văn Phấn, Trần Mạnh Hùng, Xuân Hoàng, Nguyễn Đình Chiến…
Ngợi ca sự bất tử của mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc cũng chính là ngợi ca lòng dũng cảm, đức hy sinh cao đẹp của phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại. Có lẽ chẳng có thơ văn nào, giai điệu nào, màu sắc nào diễn đạt được hết sự hy sinh thầm lặng, cao quý của các cô. Mỗi chúng ta hãy cùng nhà thơ Trần Mạnh Hùng hành hương về Đồng Lộc:
Anh về Đồng Lộc, em ơi
Nén nhang tưởng niệm thay lời hát ru…
Lê Xuân