Ngã ba sông – Truyện ngắn của Trọng Bình

1476

(Vanchuongphuongnam.vn) – Con sông dài uốn éo nhưng tự nhiên có đoạn này thẳng tắp dài cho đến trung tâm xã Khánh Hưng. Giống như cuộc đời của chị uẩn khúc gian truân, không biết ngày mai rồi số phận có chịu buông tha cho chị nữa không? Như ngã ba sông này vậy, không ai biết nó là một ngã ba, nếu như không có cây cầu khỉ bắc ngang qua đó.

Tác giả Trọng Bình 

Nhân bước từ dưới xuồng ba lá lên, mùa này mới chớm mưa, nước sông mấp mé, lục bình trôi dạt vào chiếc vó bè cũ kỹ bên cạnh một cái lều lợp bằng mấy tàu dừa khô, sóng nhè nhẹ vỗ vào bờ nghe chan chát hơi phèn. Nhân bước mạnh vào trong nhà rồi cất tiếng hỏi to:

– Có người lớn ở nhà không con?

– Má con chèo xuồng đi bán kem dưới xã rồi! Đứa bé trai chừng 10 tuổi da đen nhẻm, vẻ mặt khá nhút nhát trả lời.

– Chắc má con sắp về rồi hả?

– Chưa đâu chú, nếu bán hết ở xã thì mới về, còn không hết Má con phải chèo xuồng ra tới mé biển để bán, tới xế mới về tới nhà chú ơi!

– Cha con đâu rồi?

– Dạ… ổng theo gái rồi! Đứa bé gái chừng năm, sáu tuổi hai tay nắm hai song cửa sổ, ngồi trên giường trả lời tỉnh bơ.

Nhân lạnh toát người khi nghe câu trả lời của cháu bé, nhìn vào đôi mắt nó Nhân thấy ánh lên một vẻ căm hờn dữ dội, mặt nó nghiêm nghị, sát khí hằm hằm. Nhân đưa mắt quan sát toàn cảnh ngôi nhà thì… trống phộc từ trước ra sau, vách nhà chỗ dừng bằng lá, chỗ thì bằng mấy tấm bạt đã sờn cũ kỹ, cỏ từ bên ngoài bò theo vách lá đến ngang ngực. Nói là cái giường chứ thực ra là bộ vạc lót bằng ba tấm ván be xuồng hư, không cắt tề đầu, nhìn là thấy thiếu bàn tay người đàn ông, cảnh tượng đó khiến Nhân chạnh lòng.

– Tại sao con lại nói vậy? Nhân hỏi.

– Tại Má con nói vậy, mà Ba con bỏ đi lâu rồi, từ lúc con còn nhỏ xíu, con không nhớ mặt Ba.

Sự thật thà ngây thơ của đứa bé làm Nhân quặn thắt trong lòng, thời này mà còn cảnh đó nữa sao? Nhân quan sát dưới bếp, một cái sào tre treo vài bộ quần áo cũ, mấy cái xoong khói bám đen xì, cái dàn để chén đũa bằng sậy khô yếu ớt lắc lư, cái tủ chỉ có bộ khung không có thứ gì ở trong đó. Tuy lợp bằng lá nhưng bên ngoài lại che toàn là cao su sọc, cột nhà thì cây nào cũng giằng bằng dây các loại, miễn sao cứng là được. Nhân lẩm bẩm “Cảnh chị Dậu thời nay đây sao?”

Một cảm nhận đầu tiên không thể nào quên được của anh chàng sinh viên tình nguyện.

– Năm nay con bao nhiêu tuổi? Ngồi cạnh em bé trên bộ vạc ọp ẹp, Nhân hỏi.

– Dạ! 12 tuổi, thằng con trai tướng mạo mạnh khỏe, đứng khép nép trả lời.

– Con không giúp Má công việc gì sao?

– Dạ có, nhưng hôm nay có anh và chế con bác Hai ở U Minh qua chơi nên Má con biểu ở nhà. Vừa trả lời nó vừa đưa mắt nhìn ra cái chòi vó mé sông có hai đứa bé choai choai đang ngồi đó.

– Vậy con giúp Má làm việc gì?

– Hái dừa mướn, ai mướn gì làm cái đó. Nó trả lời giọng đầy mặc cảm.

– Được nhiều tiền không?

– Đủ ăn gạo!

– Con còn đi học không?

– Nghỉ rồi, hồi năm ngoái, Ba bỏ đi không có tiền đi học, Má biểu nghỉ.

Nhân đứng lên đưa mắt qua bên kia sông, nhìn cây cầu tre vắt vẻo mà tâm trí mông lung, số phận của cả gia đình này như cây cầu đó sao? Một cơn gió lùa qua làm xôn xao mặt nước, lá dừa đập vào nhau xào xạc, lá còng vàng úa rơi lả tả xuống dòng sông.

– Mà chú là ai mà đến nhà con vậy? Thằng bé gặng hỏi.

Nhân lúng túng quay lại, hai đứa nhỏ nghiêm trang đứng phía sau, mắt chúng tràn ngập một hy vọng gì đó.

– Chú là thanh niên tình nguyện, về đây giúp đỡ bà con xóm mình.

– Thanh niên tình nguyện là gì hả chú? Đứa con gái có vẻ lanh lảu hơn cái tuổi của nó hỏi trong ánh mắt bừng sáng nhiều tia hy vọng.

– Ừ…! Thì là sinh viên trường Đại học đi làm công tác tình nguyện ở vùng xa, như sửa nhà giúp gia đình con, bắc cầu qua sông, làm đường đi, trồng cây…

– Vui quá hen! Ở đây hổng có ai làm thanh niên tình nguyện, mai mốt lớn con làm như chú! Đứa bé hồn nhiên trả lời làm khóe mắt Nhân cay xè, sống mũi lạnh buốt, xúc cảm trào dâng.

– Nhưng nhà con đâu có lá đâu mà chú sửa dùm! Thằng con trai ngửa cổ nhìn mặt trời xuyên từ nóc nhà xuống nói.

Một đợt cảm xúc mới lại tràn về trong Nhân, Nhân ngồi sụp xuống, cầm tay hai đứa trẻ nói ‘‘Các chú sẽ vận động mọi người trong xóm giúp đỡ gia đình các con’’.

Nhân bước nhanh đi trong vẻ ngỡ ngàng không hiểu của hai đứa trẻ.

*

Trong bữa cơm chiều nhà chú Bảy Nhàn – Trưởng ấp, Nhân đã tìm hiểu hoàn cảnh của gia đình cơ cực và bất hạnh của hai đứa trẻ ấy.

Chị tên Đào, nhưng số phận chị lại không giống như tên của mình, thời con gái chị tương đối xinh xắn, gia đình chị cũng như mọi gia đình khác trong ấp Bình Minh này, bình bình an an, cuộc sống rất đời thường. Chị thương một anh thanh niên nghèo từ miệt trên xuống đi cày trâu thuê, Ba Má chị và dòng họ đồng ý, họ nên duyên vợ chồng, và một cuộc sống mới với bốn thành viên hai già hai trẻ.

Từ khi gia đình có tiếng khóc của trẻ thơ cũng là lúc Má chị lâm bệnh nặng, gia đình phải bán dần bán dần… đến hết đất. Rồi má chị qua đời. Không bao lâu, do vết thương của chiến tranh, bệnh tật kéo dài bị lao lực sức khỏe, Ba chị cũng theo vợ mình, để lại cho đôi vợ chồng trẻ một khoản nợ ngoài khả năng hoàn trả. Túng thiếu, vợ chồng không đất đai, phải làm thuê làm mướn, con cái thơ dại, gia đình thường xuyên cãi cọ, lớn tiếng đánh nhau, không có chỗ ở, hai vợ chồng ra ngã ba sông dựng lều cất vó kiếm sống nuôi con.

Anh chồng xưa kia vốn chất phác, bây giờ chán nản, rượu chè, hành hạ vợ con. Một hôm anh đánh vợ con giữa đêm khuya chỉ vì không chịu bơi xuồng qua sông mua rượu, xóm giềng phải lội sông can ngăn, không biết vì lý do gì sáng hôm sau anh bỏ đi biệt tích tới bây giờ, bỏ chị và hai đứa con lam lũ trong cảnh bần hàn cơ cực.

*

– Kìa! Con Đào đi bán về hay gì đó Má mày ơi! Gọi nó lên đây tui biểu! Tiếng chú Bảy gọi với ra sân.

Trời nhá nhem tối, Nhân thấy dáng một phụ nữ đen đúa, gầy còm khuôn mặt hốc hác khắc khổ, liêu xiêu đi vào.

– Bữa nay con ráng bán cho hết, nên về trễ, không biết sắp nhỏ ở nhà thế nào? Chú Bảy kêu con có chuyện gì vậy? Chị Đào vừa hỏi vừa cởi cái nón lá ra quạt nhè nhẹ.

– Vô đây đi, tao nói bay nghe vụ này. Trên xã phân công mấy chú cán bộ trẻ này xuống để giúp bà con nghèo xóm mình. Hồi trưa chú Nhân đây có đến nhà bay để khảo sát tình hình, vận động bà con giúp Má con tụi bay sửa sang lại cái nhà để ở, chớ ít bữa mưa xuống rồi… thấy tụi bay cực quá, tao đây cũng cầm lòng không đặng! Vừa vấn thuốc rê chú Bảy vừa chậm rãi trình bày.

– Dạ! Được cán bộ quan tâm Má con tụi con chỉ biết cảm ơn thôi chứ không có gì đền đáp… chị nói trong rưng rưng nước mắt… chứ nhà nghèo, neo đơn thất học biết nói sao bây giờ hả chú Bảy? Lúc này thì giọng chị méo hẳn, chị cố gồng mình nhưng mặt thì nhăn lại cho tiếng khóc không bật ra thành lời.

– Tao thông báo cho bay mừng, thôi về đẳng lo cho sắp nhỏ đi con, sáng mai mấy chú cán bộ tới liền à…

– Dạ! thưa chú thím Bảy con dzề, chào mấy chú cán bộ tui dzìa.

Dáng chị đi ra nhanh nhảu gấp gáp, Nhân ngồi dõi theo, từ nãy đến giờ im re không nói câu nào.

Đêm đó Nhân không tài nào ngủ được, cứ nhắm mắt lại là thấy hình ảnh gia đình chị, họ không có gì ngoài nỗi bất hạnh. Cuộc đời chị chắc chắn sẽ gắn liền với cái ngã ba sông đó, một cái ngã rẽ mà Nhân chưa bao giờ thấy, nó uốn lượn rồi thẳng tắp, êm đềm và khô khan, chỉ có một mái nhà xiêu vẹo trước là một cái vó bè phèn đã đóng thành lớp chỏng trơ càng gọng lên trời. Lưa thưa vài đám dừa nước lắc lư dưới dòng nước mặn chát, nó mặn như cuộc đời chị, nó xót xa như những đứa trẻ thiếu vắng hơi ấm và dạy dỗ của Ba nó vậy.

Ngày mai Nhân sẽ đến đó…

T.B