Ngã rẽ – Truyện ngắn của Tạ Ngọc Diệp

753

Cây bút trẻ Tạ Ngọc Diệp

Phố lãng đãng giăng làn sương dày đặc, trên đường đến cơ quan những giọt sương còn đọng lại trên những ngọn cỏ xanh rì long lanh, khẽ chạm đến, rung rinh, giọt tròn nhỏ xuống tay mát lạnh.  Huyền đưa máy ảnh chụp ảnh con dế mèn lủi thủi đi kiếm ăn về muộn, bò qua khúc cây ngáng đường, đi vào ngã rẽ, mất hút vào hang sâu. Huyền quấn lại khăn rồi phóng xe đến cơ quan, lấy bình hoa đã được cất đi trong tủ lâu lắm rồi để lau chùi, cắm những bông hoa rực sắc.

Dãy núi xa xa phía tay phải Huyền là màn sương mù dày đặc. Huyền nghĩ đó là lòng hồ của một nhà máy thủy điện nào đó đủ để làn hơi bốc lên làm dày kịt bầu trời. Nhưng nó đẹp. Sau thời gian dài ủ dột, mưa suốt 100 ngày để ai cũng phải thảng thốt reo lên, gọi “trời ơi, ngừng mưa, bớt mưa”. Nhưng dài tận từ tháng 6, những người sống ở đây lâu lại nói rằng mưa thế mới đúng chất của Tây Nguyên, dài đằng đẵng, mốc meo, tối thui để người ta ngóng mặt trời như ngóng tin nhắn người yêu khi giả vờ giận dỗi. Mưa khủng khiếp. Nhưng nắng lên, những đợt mưa chuyển dần sang tối là biết nó đã đến cuối mùa. Được đẹp mỗi giai đoạn chuyển mùa, nó ủy mị như cô bé vừa mười tám dậy thì rồi chỉ đến hơn độ một tháng là cái nắng chang chang, khô khốc, bụi thốc lên đỏ đường mù mịt, kham khổ. Những đàn bò dần teo tóp, mệt rã vì nắng, khắc khổ như người đàn bà rũ bỏ lớp phấn son hương hoa xuân thì để chạy theo cơm áo gạo tiền trong mười năm đầu chông chênh của hôn nhân như Huyền.

Học xong đại học, ba mẹ xin cho chân cán bộ huyện sát thành phố. Sáng đi, tối về. Đối với tụi bạn đại học, Huyền là người được sắp sẵn, được an nhàn so với khối đứa học sư phạm ra, chạy mãi mới được chân biên chế tại một trường nào đó. Nhiệm vụ của giáo viên là dạy và dỗ. Nhưng mà giáo viên, họ cũng là con người, cũng có bản năng tham – sân – si, cũng mong nhà đẹp, xe xịn, cũng mong làm an nhàn, gần phố tiện nghi để con cái học hành nên họ cũng lo hình thức, thi đua, chạy chọt, kèn cựa, luân chuyển mà không ít người phải đáng đổi bằng danh dự. Cái thanh cao của nhà giáo để chiều chuộng theo bản năng, theo cái tiện nghi mà xã hội đang ùa theo. Vì cái nào nhiều người theo, ắt thiên hạ tưởng đúng. Họ khác Huyền. Huyền lấy Kiên, Kiên giờ là phó chủ tịch huyện Thanh Mai, phụ trách văn xã.

Kiên thuộc tuýp người chịu khó học hỏi, có ý chí cầu tiến. Học đại học xong, anh về Thanh Hóa không xin được việc làm, vào Tây Nguyên lập nghiệp, ở cùng người bà con xa. Người bà con làm rẫy ở tận Chư Sê, trúng mùa tiêu giá cao mấy năm, tậu nhà lầu, xe hơi nhưng ngặt nỗi hai ông bà chẳng con cái. Ông – thương binh, se duyên với bà là thanh niên xung phong rồi ở lại Tây Nguyên lập nghiệp, khai hoang, vỡ đất, đưa tiêu từ vùng Vĩnh Linh vào trồng, ươm giống bán, trúng vụ ông bà có tiền tỉ. Là thương binh lao động điển hình tiên tiến nhưng không con cái. Kiên ở cùng, chịu thương. chịu khó. Khi bà mất, ông mất, một tay Kiên lo liệu chôn cất mồ mả đình đám rồi gia sản đó ông bà di chúc để lại cho Kiên. Từ thanh niên tay trắng, Kiên có tiền tỉ, lấy đó làm bàn đạp để tiến sâu hơn trên bậc công quyền. Kiên thông minh, chịu khó, suy cho cùng cũng thuận lợi, nhưng nếu không làm nhà nước mà làm nông thì Kiên vẫn giàu vì đất này. Ai có tính toán là giàu nhanh. Vì đất tơi xốp, màu mỡ. Cây cắm vào đâu, rễ mọc đến đó, cắm sâu vào lòng đất rồi nở ra những chùm trái lúc lỉu. Cao su của nông trường bám rễ rồi chảy ra những dòng vàng trắng.

Huyền gặp Kiên trong một buổi giao lưu của hai đợn vị kết nghĩa. Huyền là con nhà có điều kiện so với bạn bè, ba mẹ Huyền không giàu có nhưng gia giáo nề nếp. Đi học đại học Huyền đã không phải động tay chân vào việc gì. Khi bạn bè lo nghĩ đến mì tôm, nước sôi cuối tháng thì Huyền vẫn đóng tiền cơm theo tháng cho căn tin. Đến bữa thì ăn, học, đọc báo, làm tình nguyện. Không làm thêm. Ra trường, Huyền được bạn bố xin cho về chân nhà nước thế là ổn định, lương vùng hai đủ để Huyền xăng xe và sắm sửa. So với bạn bè Huyền sướng, đầy người tị nạnh nhưng Huyền thấy mình đơn lẻ như một ngã rẽ giữa con đường thẳng băng mà bạn bè lấy cái chông gai làm bàn đạp để phấn đấu, cái sung sướng ấy đặt giữa hoàn cảnh khó khăn của một huyện miền núi thấy nó khập khiễng như anh xây ngôi biệt thự giữa làng quê có những ngôi nhà sàn mái tranh mà nhà trong làng không được xây cao hơn mái nhà rông như một hương ước của làng người Dân tộc thiểu số, như đề cao tính cộng đồng tồn tại hàng trăm năm trên đất này trong cuộc sống chống chọi với thú dữ, thiên tai, địch họa. Họ phải gắn kết, ai tách biệt, ai bị cộng đồng xa lánh coi như sống không bằng chết. Huyền ước ao được thoát khỏi cái vỏ bọc êm ấm ấy một lần bằng việc khoác ba lô ra khỏi nhà nhân dịp tết Nguyên đán như lũ bạn, tụi nó đến một đảo nhỏ, cắm trại, sinh sống trải nghiệm một mùa tết rồi về, đứa nào cũng đen nhẻm nhưng nụ cười lấp lánh sự tự tin hy vọng khi kể về lễ hội Cầu Ngư, đua thuyền chỉ có ở miền biển. Huyền nghĩ, dân tộc Việt tính cộng đồng thấm vào máu rồi, ở đâu con người ta cũng đoàn kết, gắn bó với nhau, không phân biệt miền núi hay miền xuôi, vùng Kinh hay Thượng. Huyền chỉ ước thôi, còn làm chắc Huyền không làm được, ba mẹ Huyền không cho phép, Huyền không dám. Rồi kết hôn với Kiên, ba năm, không con cái. Kiên được bầu vào Hội đồng nhân dân huyện rồi là Phó Chủ tịch phụ trách văn xã. Huyền nghiễm nhiên thành vợ sếp. Cuộc sống an nhàn, đi làm, cơm nước, cơ quan công đoàn cũng sắp xếp cho Huyền việc nọ, việc kia để phấn đấu nhưng Kiên ngăn, lo con cái, đàn bà chỉ lo tốt cơm nước, phục tùng chồng là được, cơm ngon, canh ngọt, giường chiếu sạch sẽ, người ngợm thơm tho để chồng muốn trở về nhà, muốn lên giường, để sau một ngày họ được lao động kiệt sức thêm lần nữa rồi ngủ ngon, hết. Huyền cũng muốn đi đây đó nhưng nghĩ đến bếp cơm thiếu bàn tay Huyền thì Kiên sẽ không đủ chất, lo quần áo là chưa đủ phẳng để Kiên có thể phát biểu gọn ghẽ trong buổi khai giảng đầu năm của một trường nào đó có đầy cô giáo xinh đẹp, sẵn sàng đưa mắt qua ông sếp đầy quyền lực trẻ trung, một vợ, không con.

Hai nhà đều mong có mụn cháu, căn nhà hai gác dần thưa vắng tiếng người, ánh điện trong nhà trở nên lạnh lẽo, chiếc đàn piano, món quà cưới mà ba mẹ Huyền tặng đã phủ một lớp bụi mờ trên tấm vải nhung, chiếc đàn ấy không ngân lên tiếng nào từ khi Kiên thường xuyên họp hành, thăng tiến, ăn cơm nhà hàng nhiều hơn ở nhà. Huyền cũng chẳng buồn nấu, ăn vặt, tạt qua ba mẹ ăn vội vàng. Đàn bà có chồng thanh xuân đưa đẩy nhanh chóng, dù đàn bà thời này xuân sắc được níu giữ lâu hơn nhờ son phấn thẩm mĩ nhưng những vết chân chim ở khóe mắt cứ hiện rõ dần.

Huyền chưa bao giờ nghĩ đến ngã rẽ khác. Ly hôn. không bao giờ! Cho đến khi Đức đến.

Đức là bạn học cấp ba với Huyền, nhà Đức khó khăn, khi học cao đẳng nghề thì Đức nhận được học bổng của chính phủ Nhật Bản, sau khi học xong thì ở lại Nhật làm tích cóp đủ vốn thì về. Đức muốn làm một cuộc tri ân nho nhỏ cho quê hương, và nhờ Huyền kết nối với những làng đặc biệt khó khăn để anh tài trợ xây trường. Nhìn đứa bạn cùng lớp lăn lộn với những dự án, bản vẽ, thiết kế mà Huyền thấy thương, mái tóc nhạt dần màu xanh, lúi cúi trên bản vẽ để chỉnh sửa. Huyền muốn đưa bàn tay của mình lên vén những sợi tóc đổ xuống từ trán. Có Đức, con đường từ nhà đến cơ quan Huyền thấy gần lại. Huyền thấy những đứa trẻ ở làng dễ thương dù mặt mũi lấm lem, quần áo đầy bụi đất.

Hai ngày cuối tuần, Huyền rủ nhóm bạn chơi cùng về làng với mớ quà cáp đùm đề cá khô, gạo trắng, dầu ăn và quần áo cũ. Huyền cùng họ ngủ lại dưới nền nhà sàn để cho những cơn gió đầu mùa rít thốc vào kẽ ván, bếp lửa nhà sàn bập bùng. Sương đêm tý tách trên mái tôn, tiếng côn trùng rả rích đi ăn sương, chúng hòa tấu, chúng trò chuyện khi con người nghỉ ngơi, chúng nói chuyện về đồng loại, về thời sự của cánh đồng, về đợt nắng của mùa khô, về dự trữ lương thực cho ngày giá lạnh. Chúng có thể nói về những con người lạ lùng mới đến vùng của chúng sống, họ nói với nhau ngôn ngữ khác người Jrai ở đây thường nói, họ tắm cho trẻ con, họ rửa tay cho trẻ con, họ cắt tóc cho từng đứa. Từng đứa trẻ ở làng hiếu kỳ cười, dòm ngó rồi mạnh dạn, sáng sủa khi họ mặc cho chúng những bộ đồ cũ. Huyền thức dậy sớm, đi thẳng ra con đường đất trước nhà H’liên, con đường mấp mô đầy ổ gà dẫn ra cánh đồng vẫn còn sương, mùi lúa đương thì làm đòng thoang thoảng thơm. Sau khi chương trình phát thanh trên loa bật lên thì trời sáng rõ. Lúa được giăng một làn sương mỏng, hoa xuyến chi, hoa ngũ sắc nở lấp ló trên bờ ruộng. Xa xa những bụi dã quỳ nở bung xòe như một thiếu nữ Jrai tiềm ẩn được khơi dậy để hội nhập. Con gà nào đó ngủ nướng cũng kịp cất lên tiếng gáy báo hiệu, rồi đi xuống chuồng kiếm ăn, bới móc cả ngày.

Huyền ngồi bên bờ suối, nhìn những cô gái Jrai đi gùi nước ở giọt nước gần đó về. H’liên cũng vừa về kịp, H’liên kể về buổi tối ngủ rẫy. Huyền hỏi: “Thế H’liên không sợ khi ngủ rẫy á?”

“Có gì đâu mà sợ chị, thú rừng thì ở xa, rẫy cũng ở xa nên không có ai đi qua lại.”

“Thế còn người, chẳng nhẽ không sợ?”

“Dạ, không có ai đâu chị. Chị biết không ngủ rẫy thích lắm, mỗi năm em xin ba em ngủ mấy lần.”

“Kể chị nghe với!” – Huyền nói.

“Nhà rẫy được làm để đi làm nghỉ lại, cũng giống như ở nhà nhưng nhà rẫy ít đồ hơn, sáng ở rẫy mặt trời đẹp lắm! Em nấu cơm, ba em đi bẫy con chuột, con chồn, hay con gà rừng rồi nướng lên, rồi em chấm muối ăn. Ngon lắm, ngon hơn ở nhà nhiều. Hôm qua, em với em trai em đào một cái hố. Sáng nay, đã thấy con ếch đẻ những quả trứng tròn tròn ở đó. Trời ơi, thích lắn chị ạ! Khi nào chị về làng em nữa, em sẽ đưa chị đi về rẫy nhà em chơi.”

Huyền gật gật đầu, sống ba mươi năm ở đây, Huyền chưa bao giờ xuống làng chơi chứ nói gì đến ngủ rẫy nhưng lần này đến làng Ngot của H’liên, Huyền sẽ đến thêm lần nữa. Huyền nhìn những đứa trẻ nằm lủng lẳng trên lưng mẹ mà khát con. Huyền đã đến bệnh viện năm lần, hai lần đi với Kiên, bác sĩ nói hai vợ chồng bình thường, dù đã bước đến năm thứ tư của hôn nhân, gần như là hết thời kỳ vàng son mật ngọt của hôn nhân…

Căn nhà hai gác mặt đường của Huyền trở nên lạnh lẽo vì hai người sống ở đó không còn chung giường, họ đi về lệch giờ để tránh nhau. Huyền nghe nói Kiên đã có người đàn bà ở bên ngoài. Huyền đã gặng hỏi và đề nghị ly hôn nhưng Kiên phủ nhận, Kiên cần Huyền, vì cán bộ gương mẫu như Kiên cần Huyền cho sự thăng tiến, Kiên cần Huyền cũng như ông bạn của bố Huyền đang làm chức bí thư huyện ủy. Kiên không thủ đoạn, Kiên chỉ tận dụng những gì đáng lẽ mình phải thuộc về và khai thác triệt để.

Huyền chuyển về nhà mẹ sống, Kiên đến năn nỉ và đưa xe đón về với lời ngon ngọt. Huyền biết thừa Kiên đang diễn. Bởi, về nhà thì phận người nào, người ấy sống.

Huyền hẹn Đức đến quán cà phê Chiều trên phố Hoàng Diệu, con đường có hàng thông đổ bóng, mùi nhựa thông thoang thoảng, tiếng hát của ca sĩ Lệ Quyên văng vẳng “người ra đi như quên hết muôn lời ca, người mang theo những khao khát một cuộc sống…” Quán chia thành hai gian nhà, gian phía bên này tách biệt với bên kia, có phủ một bức tường hoa ti gôn để những cặp đôi hẹn hò. Khung cảnh đầy lãng mạn đủ để người ta yêu nhau, nắm lấy tay nhau để ngả vào vai nhau sau chuỗi ngày mệt mỏi vì nhiều áp lực đè nén. Cô phục vụ quán nhận ra Huyền là người quen, khiến Huyền kéo ghế ngồi đối diện với Đức. Họ kể về chuyện thời học sinh, Đức thổ lộ có thích Huyền nhiều lắm, nhưng nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ dám nói, cho đến ngày gặp lại Huyền. Thấy Huyền đượm buồn và hư hao của cuộc hôn nhân lạnh lẽo. Huyền cười. Huyền ổn. Không như lời tụi bạn đồn đoán. Đức cũng cười, nhấp ngậm cà phê phin đắng đót cuối buổi chiều. Quán thưa vắng. Huyền nhìn người đàn ông đi ra cửa bên cạnh của quán cà phê, nhận ra Kiên với chiếc áo kẻ sọc xanh mà Huyền tặng nhân dịp hai năm ngày cưới, cười cùng cô gái trẻ. Huyền có nghe loáng thoáng Kiên có lịch đi công tác ở huyện X. Đức nhìn thấy Kiên, rồi lướt mắt đưa về phía Huyền. Lúng túng, cả hai cùng đưa tay vào cây xương rồng trổ bông li ti trên bàn. Xương rồng gai góc nhưng ẩn chứa một sức sống mãnh liệt ở vùng sa mạc khô cằn, nơi chỉ có nó với tình yêu nắng gió tồn tại được để rồi lá biến thành gai, những kẽ lá, kẽ gai chỉ còn những lỗ bóng khí nhỏ xíu để hạn chế thoát nước. Huyền rụt tay lại. Đức với theo nắm lấy tay Huyền…