Ngải bùa của núi – Truyện ngắn của Võ Văn Trường

681

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tỉnh rượu, hắn thức dậy đó là một sớm tinh mơ, tiếng vịt kêu rộ trên khắp cánh đồng bãi Vạc sương mù trắng nhờ nhờ trải dài như bất tận. Những đồng rạ đã xác xơ, chi chít dấu chân vịt. Hắn ngẫm trong bụng hôm nay lại phải chuyển đồng, cứ thế mỗi ngày mỗi xa. Vịt đang vào mùa đẻ trứng nên cần tẩm bổ. Phải tìm một cánh đồng mới vừa thu hoạch để có lúa tươi, cua, ốc, cào cào, châu chấu. Hơn nữa, vịt đẻ cần vận động bơi lội, chạy đồng tìm thức ăn nhiều thì mới tốt, ít tốn kém tiền mua lúa mà có trứng bán mỗi ngày.

Tác giả Võ Văn Trường 

Đêm về trong chòi canh giữa cánh đồng trống không mông quạnh, nhìn trời sao thưa, tiếng chó sủa từ trong xóm nhà văng vẳng vọng ra làm hắn cảm giác thật cô quạnh. Hắn hình dung trong những ngôi nhà có tiếng chó sủa kia đang ấm cũng những bữa cơm gia đình… tiếng cười nói bi bô của lũ trẻ, những ánh mắt âu yếm dành cho nhau.

Bỗng có tiếng vịt kêu thất thanh làm hắn giật mình vùng dậy, tay quờ nắm lấy ngay con rựa cán dài. Kinh nghiệm của kẻ cầm sào mách hắn biết chắc có kẻ trộm hay heo chó gì đó tấn công. (Còn lũ vịt mà kêu vừa và không đồng thanh thì có người lạ đến). Y rằng trước mặt hắn một bóng đen vụt chạy cùng tiếng vịt vùng vẫy, giãy đạp. Như phản xạ hắn đuổi theo, nhưng y như dưới chân hắn có thanh cây ngán lại làm hắn đổ bịch xuống ruộng. Tiếp đó là tiếng gậy đánh bồi vào đầu hắn cho đến khi ngất đi. Tỉnh dậy hắn chỉ mơ hồ có vậy.

Nghĩ lại cái nghề cầm sào như hắn cũng đâu phải bở ăn. Bởi làm nghề này phải chấp nhận bị chửi mắng khi lỡ để vịt chạy sang đồng người ta ăn lúa, bị người ta đánh thuốc làm vịt chết, bị đánh, bị cướp, dịch bệnh… ngay như cái tên cha mẹ đặt cho hắn là Kim (trong kim-mộc-thủy-hỏa-thổ) nhưng chừ ai cũng xách mé gọi là gã chăn vịt, rồi thằng này, thằng nọ.

Nghĩ về gia đình hắn nghe đau nhói ở ngực. Giá như hắn nghe lời vợ hắn.

– Anh Kim này, em sẽ theo anh. Đêm hôm ngoài đồng ngoài bãi… ở nhà em cũng không yên tâm được. Lúc đó hắn chợt nghĩ không chừng căn chòi canh vịt là những khách sạn ngàn sao cho những đêm trăng mật. Nghĩ thì vậy nhưng khi trả lời vợ không hiểu sao hắn nói đi đằng khác.

– Thôi em ở nhà, mỗi anh lo đàn vịt là được.

– Ai con gái, con lứa đêm hôm ngoài đồng ngoài bãi. Anh quen rồi. Thế rồi tự hắn phân trần gan ruột.

…cũng chăn vài lứa kiếm ít vốn rồi chuyển sang nghề khác vậy. Ngẫm cái nghề này vui có vui bởi chốn mô cũng tới nhưng mà lội hoài ngoài đồng rứa mà cũng tha hương. Tha hương theo cái nghĩa nhiều khi nhà cách cánh đồng mà phải ngủ bờ ngủ bụi.

Nằm trong căn chòi canh, nghe tiếng ếch nhái um oang giữa tiếng hơi thở cánh đồng trở dạ ngạt ngào hương bùn đất dịu lắng trong sương khuya làm hắn không sao chợp mắt. Hắn ngồi dậy châm thuốc lại phì phà rít như một kẻ nghiệm thuốc lào.

*

Hắn lại nhớ trưa đó ghé nhà cũng là trưa hắn lùa vịt về cánh đồng gần nhà chuẩn bị cho chuyến chuyển đồng. Gần đến nhà hắn khựng lại khi nghe vợ hắn nói cười vui vẻ với cái thằng khốn nạn thời quần què, chăn trâu, cắt cỏ với hắn. Nghe tiếng đoán hình được là vậy.

– Theo ý anh, em cũng đã bảo sẽ theo lão. Lão ngầm nghĩ em hết lòng vì lão.

– Cho lão chết.

– Ngày trước cũng vậy, lão chúa dại. Rồi tiếp đó là âm thanh của trò ân ái.

Không nuốt được nỗi bực tức hắn hét lên rồi lao vào như ăn tươi, nuốt sống đôi dâm dật.

Nhanh chân nhanh tay hơn hắn, tay người tình của vợ tháo chạy mất dép, thế là hắn nắm lấy vợ đè ra bóp cổ cho đến bất tỉnh. Cũng may khi đó đứa trẻ trên võng chợt khóc ùa. Chẳng hiểu sao hắn lại buông tay bỏ chạy.

Quay lại căn chòi chăn vịt, hắn lấy chai rượu ra tu ừng ực. Người nóng ran, dù ngoài trời cơn gió thu se lạnh rồi chuyển sang rét ngọt tự lúc nào.

Hắn nghĩ đời hắn sao chó thật. Bom đạn chiến tranh đã cướp đi cha mẹ, hắn sống với bà cô, tuổi thơ phải bỏ học sớm, lam lũ làm lụng ngay ở tuổi thiếu niên. Hắn trở thành đại ca của đám trộm cắp, du thủ du thực cấp làng.

Còn vợ hắn bây giờ ngày trước cũng chỉ cách nhau mỗi cánh đồng. Ba mẹ đi cải tạo vì dính vào chất cấm nên phải sống nhờ nhà người bác họ. Học hành chẳng đầu đũa gì nhưng được mỗi đến tuổi nhổ giò, trổ mã lại căng mẩy, quyến rũ, đa tình… khiến thằng con trai mới lớn nào trong làng cũng ước ao một lần chiếm đoạt.

Với hắn cũng không ngoại lệ. Hắn mơ sẽ lấy được cô gái làng bên xinh đẹp kia làm vợ lắm nhưng ác nỗi thân phận hắn làm sao bì được với trai làng. May mắn là mùa vụ năm đó, gia đình người bác cô bé nhờ hắn đến giúp vụ thu hoạch lúa. Cái nghề mạt hạng lấy mồ hôi đổi tiền, đong thóc đã giúp hắn gần gũi được cô bé. Dù rất cần tiền nhưng hắn quyết không lấy đồng nào.

– Hôm nào bác có việc gì cứ gọi cháu. Cháu sẽ giúp cho.

Đôi mắt lúng la lúng liếng rất đa tình của cô bé nhìn hắn tình ý.

– Anh Kim giỏi thật. Hôm nào rỗi rãi ghé nhà em chơi nhé.

Nói xong cô bé nhoẻn miệng cười để lộ hàm răng trắng tinh, gò má lúm đồng tiền làm hắn nghe lòng dạ mát rượi y như vừa cạn ly nước dừa xiêm khi đang đi ngoài nắng về.

Liếc mắt khuôn ngực phập phồng, trong tưởng tượng hắn nhe răng cắn cái bặp vào không khí.

Không ngờ cô bé phát hiện hành vi quái quái đó của hắn.

– Anh có dám không!

Biết bị bắt nõn hắn cuối mặt xuống, đôi bàn chân di di trên đất cứ y như mèo ăn vụng bị chủ phát hiện.

Thời gian sau tiếng đồn cô bé làng bên có bầu nhưng không biết của ai. Làng xóm tổ chức cuộc họp đưa vụ việc ra kiểm thảo. Không biết sao hôm đó hắn uống rượu ở đâu về, bạo gan đến ngay nơi diễn ra cuộc họp rành rẽ thưa chuyện và nhận mọi lỗi lầm về mình.

Vụ việc cũng đến hồi kết. Ngày hắn và cô bé làng bên về ở với nhau cũng đơn giản chỉ vài mâm cơm bởi cô hắn cũng vừa mới qua đời. Chỉ hơn tuần sau đó, hắn đưa vợ về hẳn bên nhà nơi cánh đồng bãi Vạc để sống đời sống vợ chồng và chuẩn bị cho sự ra đời đứa trẻ.

Số tiền dành dụm có được hắn gầy dựng đàn vịt, chuyển sang nghề cầm sào. Nghĩ bụng đoạn trường trải qua hắn thấy ông trời cũng biết chiều ý hắn nhưng nghĩ kỹ cũng bất công với hắn lắm. Con mà vợ hắn đẻ ra… Chừ vợ hắn chết, không chừng tù mọt gông. Sau mấy đêm suy nghĩ hắn quyết định bán đàn vịt rồi lên núi theo những phu vàng mà quê hắn cũng khối người tìm đến những mong đổi đời.

Thoáng cái 15 năm trôi qua.

*

Trong ánh sáng bập bùng của bếp lửa giữa ngôi nhà sàn của già làng bản Nóc, Thành ý tứ đợi già Y Mạn phì phà vài hơi thuốc mới khẽ khàng thưa chuyện. Bởi Thành biết già làng Y Mạn đã thương ai, giúp ai là làm đến nơi đến chốn. Gắn bó nơi rừng rú này gần hai chục năm trời Thành hiểu được điều đó. Lại là người cắm dùi ở làng bãi Vạc nên Thành cũng không lạ gì câu chuyện tình của tay Kim – tức gã chăn vịt, cô bé xinh đẹp làng bên mà sản phẩm bây chừ là thằng Tờn – cái thằng mà tiếng khóc của nó đã ngăn được một án mạng suýt đã xảy ra cách đây 15 năm.

– Thưa với già làng, nó đây là đứa con một người bạn. Nó đi tìm ba nó. Mấy năm ni ba nó lên trên này tìm trầm vàng, theo nghề bùa ngải nhưng giờ biệt vô âm tín.

– Sao, nó theo bùa ngải với ai.

– Ở làng ni già biết cả. Chỉ có Y Bua.

Già làng Y Mạn rút cái điếu cày châm lửa rít thuốc rất điệu nghệ. Quờ tay sang bên hông ông lấy ca nước chế vào ống điếu rồi vấn thêm mớ thuốc vo tròn nhét nơi đầu tẩu. Ánh lửa thân củi cháy vừa sụn xuống, tàn lửa lăn tăn bay lên tạo tác bức chân dung mà Thành như đã thấy đâu đó về các già làng vùng cao được đăng tải trên tranh ảnh, sách báo.

– Tìm trầm rồi học theo bùa ngải gì đó…

– Rời nhà đi được gần năm, ba thằng Tờn có về đem một số tiền cho con và sửa chữa căn nhà (tội nghiệp lúc này mẹ thằng bé cũng biệt vô âm tín đẩu đâu tận miền sông nước miền Tây, đến nay cũng không tin tức gì).

– Chú cứ yên tâm. Ngải bùa đồng bào mình trên đây thực hư thế nào rồi các chú sẽ biết. Còn bây giờ…

Già làng Y Mạn đứng dậy bê chum rượu góc nhà, rồi lấy ít thịt nai khô trên giàn bếp. Biết ý Thành phụ trợ đoạn tiếp theo cho bữa rượu bốn người gồm: Già làng Y Mạn, Thành, thằng Tờn và một lão niên trong làng có tên Y Bua. Rượu vào đôi ly, mặt ai nấy đều rạng tươi bên ánh lửa. Câu chuyện của bốn người trở nên rôm rả hẳn lên.

Già làng Y Mạn bắt đầu kể: Ngày trước các thầy mo ở các bản làng vùng sâu dùng xác hài nhi luyện bùa để được phù hộ may mắn, làm ăn phát tài; hay dùng bùa thiên linh cái làm bằng đầu lâu của cô gái trẻ còn trinh, khi luyện thành công có thể sai bảo vong hồn đoạt mạng kẻ khác. Người trúng bùa đang khỏe mạnh bỗng ốm yếu xanh xao, bác sĩ khám không ra bệnh… rồi chết một cách khó hiểu.

Tuy nhiên theo già làng Y Mạn, một số thầy bùa ngải hiện nay thiếu tâm đức nên thường làm mọi thứ theo yêu cầu gia chủ chứ không phân tích lợi, hại liên quan đến việc đặt, yểm bùa ngải. Rõ là như vậy tự các thầy tạo nên nghiệp chướng, không chừng sau lại hại đến thân mình. Và rồi già làng Y Mạn bảo sẽ giới thiệu một thầy ngải có tâm cho Thành và thằng Tờn có thể vào rừng tìm người vào ngày mai. Kết quả thế nào còn do căn duyên và số mệnh.

Trong câu chuyện của già làng Y Mạn, Thành và thằng Tờn mới dần già ít nhiều hiểu đôi điều bí ẩn về ngải bùa của núi. Những câu chuyện ly kỳ, nếu không được kể từ một già làng chắc cả Thành và thằng Tờn đều cho đó là chuyện hoang đường. Và người thầy ngải mà già làng giới thiệu không ai khác đó chính là Y Bua.

Y Bua cho hay, ngày trước Y Bua và con trai từng có những ngày tháng tìm trầm, xuyên rừng đến các tỉnh lân cận rồi sang tận Lào.

Có rất nhiều thứ ngải, mỗi loại có công hiệu khác nhau. Có thứ ngải được làm bằng lông mép của con cọp rồi cắm vào măng tre để lâu ngày “biến” thành sâu. Sau đó, con sâu được nuôi dưỡng để lấy thứ phân sâu thải ra. Đi rừng nếu gặp cọp ở khu vực phát mùi chỉ cần lấy thứ ngải này đốt xông là cọp bỏ đi.

Có thứ ngải ngậm trong miệng lúc đi rừng, hương ngải, vị ngải khiến rắn rết tránh xa mình. Ngậm ngải trong miệng sẽ tăng thêm sức lực mỗi ngày có thể trèo đèo lội suối hàng chục cây số đường rừng mà không biết mệt. Không những vậy, hương ngải bị khắc chế bởi hương trầm, nếu vào khu vực có trầm thì hương ngải sẽ bị hút cạn, không còn nghe thấy mùi vị gì nữa. Phu trầm căn cứ vào đó để khoanh vùng tìm kiếm.

Có thứ ngải làm bùa yêu nên đồng bào nơi đây mới lưu truyền về phép linh nghiệm: Ngải ta thả trúng quả mơ, quả mơ nhớ ta mà rụng cuống/ Ngải ta thả trúng trái mận, trái mận yêu ta mà phải lìa cành/ Ngải ta thả trúng gái tơ, gái tơ yêu ta tha thiết/ Ngải ta thả trúng gái già, gái già vì yêu ta mà quên nhà…

Bí quyết của người đi rừng là đừng để người lạ biết được ngày sinh tháng đẻ của mình bởi đây là yếu tố tiên quyết để chuốc ngải. Cảnh giác khi tiếp xúc với người lạ, khi uống trà nếu tách trà bằng sứ nghi ngút khói mà tách lại lạnh toát thì tuyệt đối không được uống. Khi được mời uống trà, uống nước, liếc xuống xem, nếu ly trà không thấy đáy hoặc không phản ánh hình ảnh của mình thì có thể đã bị chuốc ngải.

Rượu vào đã ngà ngà, dựa lưng sau vách căn bếp nhà sàn như bức vẽ sù sì khắc khổ. Nhìn cái bóng Y Bua trên vách, già làng Y Mạn thêm chuyện:

– Nói về ngải có lẽ Y Bua rõ nhất. Chính Y Bua sau khi vợ qua đời đã bắt được một người thiếu nữ khá xinh đẹp tại một bản sâu trong rừng không cần đến trâu heo, chiêng ché. Chừ Y Bua không đi trầm nữa chuyển sang trồng sâm, cuộc sống khấm khá rồi.

Cơn mưa rừng ở đâu đó đổ xuống rất nhanh, đêm tối giữa bản vắng vùng cao, màn đêm như xoắn vào nhau, chỉ đợi có những ánh chớp xuyên trong làn mưa trắng nhờ mới phá vỡ bức màn nhung đen kịt. Khi cơn mưa dần tạnh, đêm dần tan, Thành mở mắt mới hay mình đêm qua đã nằm trên sạp gỗ bên cạnh căn bếp của già làng Y Mạn. Đánh thức thằng Tờn xong thì phía đông mặt trời bừng lên những tia nắng mới. Một góc trời hiện ra xanh rì, không một gợn mây.

Núi rừng ngày mới bất chợt trẻ ra cứ như người vừa cạn ly thuốc cải lão hoàn đồng.

Thành và thằng Tờn bắt đầu lên đường với hy vọng sẽ tìm gặp được người cần tìm. Cất công hai ngày đường rồi cũng đến một bản nhỏ có hòn đá đen như cái mõm chó mà Y Bua từng bảo nơi đây cũng có một thầy cầm ngải. Hỏi thăm người trong bản thì mới biết thầy cầm ngải đã qua đời gần cả năm, còn vợ chồng ở chung với thầy cũng vừa đột ngột ra đi trong đợt thiên tai gây sạt lở núi hồi đầu tháng.

Đêm ấy ở lại bản nhỏ có hòn đá đen, người trong bản đã kể cho Thành và thằng Tờn nghe lai lịch những người sống chung với thầy cầm ngải của bản, nghe đâu từ xuôi lên theo học nghề bùa ngải. Để trả thù người đầu ấp tay gối không chung thủy với mình hay tình thương chưa dứt mà người đàn ông ấy đã dùng ngải quyến dụ người phụ nữ của mình ngày xưa lên rừng. Họ sống khá biệt lập nên cũng chẳng mấy người cặn kẽ, duy có người thầy cầm ngải qua đời thì ai cũng biết.

Thầy cầm ngải ra đi hôm trước hôm sau trời giông lớn, một đợt sét đã đánh đúng vào ngôi mộ. Mộ nứt toát ra và ngay đường nứt ấy đã mọc lên một loại cây dại lớn rất nhanh, khá giống cây nghệ, dân đồn rằng đó là cây ngải. Người trong bản mõn chó lại lánh đi không ai lại gần vì sợ ngải ăn. Và cũng từ đó, ngón phép bùa ngải của gã thanh niên dưới xuôi lên tầm sư học nghề đầy bí ẩn cũng hết hiệu nghiệm.

Sau trận ốn thập tử nhất sinh cả vợ chồng gã dưới xuôi lên đã còn không nhớ mình là ai nữa. Ngơ ngơ ngác nhác như có xác mà không hồn, trong ngôi nhà sàn nhỏ dưới chân núi có hòn đá đen như mõm chó trước khi một thảm họa thiên tai kinh hoàng ập xuống. Núi lở.

Thật hư chưa rõ nhưng sau chuyến đi rừng tìm cha không thành, thằng Tờn cứ đau đáu trong đầu, không chừng đôi vợ chồng ở bản kia chính là người mà nó đi tìm. Linh tính mách bảo nó điều đó.

Dưới xuôi tình hình dịch bệnh kéo dài, thời gian sau thằng Tờn quyết định bỏ nhà lên hẳn rừng núi để làm nghề cửu vạn cho các bãi vàng như bị ai đó bùa ngải, như một nghiệp chướng.

Ngẫm nghĩ về cuộc đời, phận người sao lắm nổi nênh!

Ngày cuối tháng 7.2020

V.T.T