Ngắn & rất ngắn của Minh Thái và Nguyễn Thị Hậu

837

19.3.2018-21:40

 Tập truyện Ngắn & rất ngắn

của Nguyễn Thị Minh Thái và Nguyễn Thị Hậu

 

LAI RAI VỀ… DÀI NGẮN

 

PHẠM XUÂN NGUYÊN

 

NVTPHCM- Không, không phải vì Hà Nội đang xuân mới, hoa lá tưng bừng sắc hương, hoa đào bích vẫn thắm, hoa mai vẫn trắng muốt cánh mỏng, nở bùng trong mưa bụi và giá rét tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018, mà tôi muốn dông dài. Tôi đang viết lời giới thiệu tập truyện “Ngắn & rất ngắn” của hai tác giả Nguyễn Thị Minh Thái và Nguyễn Thị Hậu nên bất chợt chơi chữ dài ngắn lai rai, vậy thôi.

 

Tập truyện này từng xuất hiện tám năm về trước. Tôi chính là người “đầu têu” cho hai tác giả gom truyện in chung một tập, và sáng kiến ghép ngắn tên hai người thành Thái – Hậu – bậc mẫu nghi thiên hạ. Và cố nhiên là hai nữ nhân đã bắt Nguyên tôi phải có lời giới thiệu sách. Vậy mà sách ra năm 2010 đã không có lời của tôi. Chẳng hiểu sao. Hay tôi nghĩ cứ để Thái Hậu tự lên hương bằng chính truyện ngắn và rất ngắn của họ chăng? Năm nay, 2018, sách tái bản, vẫn truyện in chung, song, tên mỗi người đứng riêng, tôi được nhắc món nợ cũ. Lần này thì tôi phải có lời…

 

Nguyễn Thị Minh Thái và Nguyễn Thị Hậu, hai người đều là tiến sĩ, một về nghệ thuật, một về lịch sử, và cả hai đều ham muốn viết văn. Văn chương của họ hình như cũng mang đậm nhạt, xa gần với tính cách nghề nghiệp của họ.

 

Nguyễn Thị Minh Thái vốn dân Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội, lại mang trong mình gốc gác của miền quê nghệ thuật (quê nội Hà Đông, quê của áo lụa, đã thành thơ:Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”; quê ngoại Bắc Ninh, làng Đình Bảng, với “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”) và dòng họ mê đàn hát, văn chương, nghệ thuật chèo sân đình, ca trù… nên văn chị sóng sánh cảm xúc, tình ý nén chặt và bung tỏa như thơ. Đọc truyện của chị, ngắn vừa độ xinh xẻo, thấy xao động âm vang của thơ, ở đó cảm hứng chủ đạo là của nhân vật trữ tình, với tâm trạng trữ tình.

 

Chị viết truyện, như muốn cái dào dạt sóng trong lòng được khơi mở, xô đẩy, tràn ra câu chữ. Có tích, có truyện chẳng qua cũng chỉ muốn đong cho đầy một chữ Tình. Sự thực, tác phẩm văn chương khởi đầu của Minh Thái lại là thơ tình, viết rải rác cho riêng mình, từ 1973, mãi đến 2016, chị mới xuất bản lần đầu tập thơ “Tị nạn chiều”, với hàng trăm bài thơ tình đã viết, bắt đầu từ hơn 40 năm về trước. Đọc truyện Minh Thái thấy rõ tâm trạng giằng xé, thổn thức, ngậm ngùi, tiếc nuối và cô đơn, cứ ập ã như sóng trên con sông tìm về biển hạnh phúc.

 

Có gì đấy dữ dội và dịu êm như Sóng của Xuân Quỳnh, nữ thi sĩ mà chị thán phục và nặng lòng yêu mến. Nên, những khoảng lặng rơi trầm giữa dòng chữ đôi khi được viết như thản nhiên, dửng dưng trong truyện của Minh Thái khiến người đọc như bị hụt hẫng và bâng khuâng, muốn âm thầm cùng tác giả và nhân vật đi tìm một cái gì đấy bị buông bỏ, bị đánh mất, hay là tìm lại chính mình của thuở nào đã từng ngất ngây hạnh phúc. Và hạnh phúc đã bị rơi vỡ. Những ai biết Minh Thái ngoài đời, trong nghề nghiệp và cả trong các nghiên cứu khoa học của chị, sẽ gặp lại ở truyện, cả trong thơ nữa, một Minh Thái đầy đam mê, khờ dại, và cuồng nhiệt. Truyện ngắn và thơ quả là một nguyên bản khác của tâm hồn Nguyễn Thị Minh Thái. Có viết gì cũng về một chữ Yêu.

 

Hậu làm khảo cổ và những truyện rất ngắn của chị quả có ý vị của những nhát đào xới vào các vỉa tầng tâm tư, tình cảm con người. Chúng được lấy ra (hay gom vào) từ “những mảnh vỡ” mà tác giả khai quật được trên đường đời, trong những chuyến đi, những cảnh ngộ, cả những tâm tình. Chỉ một cử chỉ, một sự việc, hoặc chỉ là một quan sát, Hậu đưa ra một so sánh, liên tưởng, đối lập, hoặc chỉ buông lửng, từ đó tạo ra những mảnh vỡ trong tâm trạng người đọc. Mảnh vỡ của những hoang mang, bất an, cô đơn của con người thời nay. Những mảnh vỡ đó đang trầm tích ngày ngày trong cuộc sống và kết tụ lại trong lòng người. Gọi là truyện, nhưng cái viết ngắn của Hậu lại chính là ký họa đời sống, khiến người đọc lo âu và bất ổn trước điều tưởng như vụn vặt, nhỏ bé diễn ra hàng ngày quanh mình, trong mình…

 

Trở lại tên tập sách là “Ngắn & rất ngắn”. Nhớ lại khi tôi nảy ý tưởng, muốn Thái và Hậu in chung tập truyện, và sáng kiến ghép tên hai người thành cái tên hay hay, còn có lý do là đọc truyện của họ, tôi thấy dung lượng của chúng vừa ngắn lại vừa rất ngắn, có thể gọi chung là truyện “ngăn ngắn”. (Kiểu như Thế Lữ nghĩ ra mục “tin văn vắn” cho tờ báo Phong Hóa hay Ngày Nay ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX). Truyện ngắn, trong định nghĩa kinh điển của nó về một thể tài văn học, nằm trong chữ “moment” (khoảnh khắc), để phân biệt nó với tiểu thuyết là một quá trình (dài). Vậy, truyện “ngăn ngắn” là gì? Có phải là “khoảnh khắc” của chính “khoảnh khắc” không? Trên thế giới loại truyện này đã có khá lâu, với những tên gọi như “short-short story”, “very short fiction”, “flash fiction”… Triết gia Friedrich Nietzsche cho đó là loại truyện tham vọng nói mười câu mà đủ đầy bằng cả cuốn sách. Một triết gia khác là Karl Popper cho rằng đọc loại truyện đó người đọc không phải hiểu mà chỉ có thể đoán hiểu. Nhà văn Mỹ Joyce Carol Oates nói nhịp điệu của loại truyện này gần với thơ, dồn nén trong khoảng không gian hẹp, nghiệm sinh của người đọc chỉ có thể được khơi gợi mà thôi.

 

Bởi vậy, loại truyện “ngăn ngắn” là một dạng như “hạt cơ bản” trong vật lý học mà Werner Heisenberg, cha đẻ của lý thuyết bất định, đã nói: “Các nguyên tử và hạt cơ bản tự chúng không phải là cái thực, chúng tạo nên một thế giới của tiềm năng và khả dụng, hơn là những sự việc và sự vật thực tế”. Xét theo độ dài thì truyện của Hậu là “ngắn ngắn” (hay “rất ngắn”) và truyện của Thái là ngắn. Truyện của Thái còn có nhân vật, tình huống, có câu chuyện được đẩy đưa và dẫn dắt. Truyện của Hậu chỉ là một vài dữ kiện, đôi khi rời rạc, không kết dính, để gợi nghĩa như kiểu ngụ ngôn, mà phần nhiều ý nghĩa cũng đã được tác giả nói ra.

 

Vậy là sau tám năm, tập truyện này xuất hiện trở lại. Trong thời gian ấy, hai tác giả đã kịp có thêm sách mới, truyện mới. Và họ vẫn trung thành với phong cách đã có, Thái thì truyện ngắn, Hậu thì rất ngắn. Tập sách lần này in ra có thêm vài truyện, đọc sẽ thấy thú vị hơn. Không chỉ vì Thái – Hậu đã lấy lại tên đầy đủ và riêng biệt của từng người, mà còn vì đọc họ, ta thấy cả hai đã khéo đong đầy trong kiểu truyện “hai trong một” của họ những chuyện tình muôn thuở của đàn bà, cũng là muôn thuở cuộc đời, được viết ra từ lối nhìn, lối nghĩ, lối cảm của hai nhà khoa học đều có mắt xanh văn chương. Rốt cuộc thì ngắn hay rất ngắn, văn chương cũng không nệ ngắn dài, mà cốt ở tâm tình chứa đựng đằm thắm trong bề sâu câu chữ…

 

Tôi nói vậy, chẳng lẽ Thái – Hậu cho là đã quá lai rai, bởi lẽ ra tôi cần nói ngắn?

 

Hà Nội gần Rằm tháng Giêng Mậu Tuất 2018`

 

 

 >> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…