Ngày có mưa – Truyện ngắn của Ngân Kim

732

 

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chú Dĩnh lại bắt đầu câu chuyện bằng câu dẫn “Hồi đó xứ này mưa dữ lắm…”. Lũ con nít lại nhao nhao hỏi “Hồi đó là hồi nào?” coi bộ như nghi ngờ hung lắm. Chú Dĩnh nạt tụi nhỏ “Làm như tao nói dối vậy tụi!”.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Chú không có nói dối, hồi đó y lời chú kể, còn bây giờ chú tự gạt chú thôi, rằng một ngày không rõ là thứ mấy, tháng mấy, năm mấy mưa sẽ ùn ùn kéo về, nước ngập tràn tất cả. Rồi nước rút. Một màu xanh tươi mới nhô lên. Đầu tiên là những ngọn cỏ. Cỏ bao giờ chẳng nhanh chân hơn tất cả mọi loài. Tiếp theo là mấy tàu thanh long, tua tủa nhú như muốn rạch nát bầu trời. Rồi tiếp đến là cây me già, mơn mởn lá xanh, lấp ló những nụ bông vàng tao nhã đầu mùa. Cuối cùng tới con người, tràn trề một màu xanh hy vọng.

Trong ký ức của chú, cái màu hy vọng ánh lên trong con ngươi sau buổi sáng có mưa đêm là màu đẹp nhứt. Bây giờ cái màu đó đi đâu mất biệt, mắt ai cũng một màu xam xám úa tàn. Duy chỉ lũ con nít, mắt chúng nó hồng ngọt như kẹo bông gòn.

Ở xứ này, chú Dĩnh là thanh niên duy nhất còn trụ lại, còn nhiêu toàn ông bà già khòm lưng lụm khụm ra vô. Tiếng là thanh niên chứ chú cũng tròm trèm năm mươi mùa me kết trái. Chưa vợ, chẳng con, cha mẹ không còn, chú một mình đơn độc trong căn nhà bắt đầu tới tuổi xập xệ, những mảng sơn đua nhau tróc trông loang lổ dị hợm. Chú được liệt vào thành phần tưng tưng. Tưng tưng chớ gì nữa, ở xứ nầy hễ ai còn sức làm việc đều khăn gói ra đi với mộng kiếm thiệt nhiều tiền, để lại ông già bà lão và mấy đứa trẻ nít. Chúng được một ông giáo già gom lại dạy vài tiếng mỗi ngày cho biết mặt chữ, phần còn lại của ngày dài mặc sức rong chơi.

Chú Dĩnh cũng hùa chơi với tụi nó. Cái dáng lóng ngóng nhảy dây của chú làm trò cười cho tụi con nít. Chú chẳng bao giờ biết giận, kể cả khi có đứa ráng chọc vào chỗ đau:

– Ủa sao chú Dĩnh ở lại làng? Tưng tưng nên hổng ai thèm mướn chớ gì!

Sau cái cười hề hề, chú vỗ vai thằng nhỏ:

– Mày nhìn kỹ đi, chú đẹp trai, đờn ông vầy mà tưng chỗ nào, chỉ tại…

Chú bỏ lửng câu nói, mắt sa nỗi buồn. Làm sao tụi nhỏ biết được chú thương cái miền đất này đến độ nào. Chú đã bò trên đất, chạy trên đất, lội trong bùn ao tanh òm lùng bắt cá, lội ruộng nhổ cỏ lúa rồi lăn lóc bò càng dọc bờ bắt cua. Mấy trò vui đó tụi con nít bây giờ đâu hình dung được. Nó đã theo mưa bốc hơi bay mất tiêu từ hồi nào chẳng rõ. Chỉ có lão me già là rõ nhứt, bởi vậy chú hay ngồi dưới gốc me lảm nhảm tâm sự, người ta không rõ biểu chú tưng.

Với chú lão me là người bạn diệu kỳ còn sót lại của mùa mưa năm cũ. Cái xứ này giờ chỉ còn cây me bám trụ nổi. Nhớ cái năm đầu tiên mưa không rớt, gió nồng hanh luồn lách từng kẽ hở trong nhà. Đất bắt đầu cụm lại, nẻ ra hàng tá đường vòng vo dị hợm. Xác cá chết khô còn sót lại đáy ao làm mồi cho lũ cò, lũ vạc. Giờ tới cả lũ chim cũng bỏ xứ này đi, thì có còn gì cho chúng nó ăn đâu mà ở? Cây cối nối nhau rời xa con người, vạt cải khằn vì nắng quá, dễ tính như mồng tơi còn không chịu nổi úa lá hết nữa là, dây mướp dây bầu từ từ quắt lại chỉ còn trơ trụi bộ xương còn trụ trên giàn. Thanh long là loài chịu hạn còn đổ vàng, tóp tàu dần dần rồi khô quắt. Mà nói chi cây, ngay cả người còn chẳng có giọt nước để uống phải rồng rắn xếp hàng mua nước từ mấy cái xe bồn miệt nào chở tới. Cứ hông mưa vầy đến người còn chết khô nữa chớ là cỏ cây!

Tháng năm bước qua, cả xứ nhìn trời ngóng cơn mưa đầu mùa.

– Sao chưa mưa bây?

– Chắc mai mưa á!

Mai lại nhìn trời, lại hỏi lại chờ mai nữa. Mai miết miết mà mặt trời vẫn chói chang trên cao như cố sức làm khô những gì còn teo tóp chưa ngả màu xám xịt.  Đếm mai riết từ hồi đó tới giờ vẫn chưa thấy ổng rớt hột mưa nào. Mấy ông già chặc lưỡi thêu dệt “Không mưa nữa đâu. Xứ này đã bị một lời nguyền nào đó, giống cái xứ gì trong phim Tề Thiên mà bị rớt lò luyện đơn xuống á, giờ chắc phải tìm được quạt ba tiêu quạt mấy cái mới mưa nổi!”. Lý do cà chớt vậy mà dân xứ này truyền tai nhau mới ghê chớ. Chú Dĩnh thì hông tin vào lý do đó, chú hay ngược ngạo vậy đó, cái gì người ta tin chú hổng bao giờ tin. Theo chú thì xứ này hổng mưa nữa là tại mưa ghét bỏ xứ nầy rồi, giống cô người yêu giận hờn vu vơ bỏ đi mất biệt, mới đầu chỉ là khơi khơi muốn đổi gió ai dè sau thấy xứ khác đẹp hơn nên ở miết đó luôn.

Cái lý do đó hao hao giống chuyện tại sao chú chưa vợ. Thì người yêu chú cũng bỏ chú tới xứ khác rồi ở đó miết chẳng thấy quay lại. Nói vậy thì cũng hơi oan xíu, người ta có quay lại một hai bận thăm cha mẹ. Có bận người ta về dắt theo một thằng nhỏ, mảnh khảnh, trắng xanh, hai con mắt to tròn nhìn thứ gì cũng lạ lẫm. Thằng nhỏ hổng giống người ta tẹo nào, chắc giống ba nó. Chú Dĩnh ngó nó tặc lưỡi, chú tiếc sao thằng nhỏ hổng giống mẹ, uổng, mẹ nó có đôi mắt ướt luôn làm tan chảy trái tim người khác mỗi khi vô tình nhìn vào. Mà lạ kỳ thiệt, đôi mắt người ta giờ cũng chẳng còn ướt nữa, khô queo như cái đất xứ này. Ngược ngạo vậy ha, khi ở xứ khô rang thì mắt ướt mà khi tới xứ có mưa thì mắt khô queo!

Chú Dĩnh hay để ý mấy cái chuyện tầm phào vậy đó. Ai đời nhìn đờn bà con gái mà đi nhìn mắt ướt hay khô. Vậy mà chú lại yêu người ta tha thiết chỉ vì người ta có đôi mắt ướt. Lần đầu vô tình nhìn vào, chú tặc lưỡi người gì có đôi mắt đẹp thiệt, ướt rượt như có nước ở trỏng.

Bởi vậy giờ nhìn lại người ta chú dửng dưng chẳng chút đau khổ, hệt như tình yêu ngày trước cũng theo mưa bay đi chẳng thấy trở lại. Người xứ này thì tặc lưỡi biểu nhau chắc thằng Dĩnh đau dữ lắm mới tửng, con nhỏ giờ ngon quá xá mà. Ờ, người ta giờ áo quần là lượt, bước chân ra có xe bốn bánh rước, nắng không chạm mặt, bụi không có vé bám vô làn da mềm mượt trắng ngần. Ờ, người ta giờ ngon quá xá. Vậy mà chú cứ dửng dưng như chưa hề quen.

Tiếc chi một đôi mắt đã thôi không còn ướt?

*

Bữa nay mắc chứng gì mà ổng kéo mây đen giăng kín. Cả xứ túa nhau ra sân, tặc lưỡi dòm, bao nhiêu “nhà tiên tri” vắt óc nghĩ rồi đua nhau phán:

– Bữa nay mưa chắc cho coi!

– Xíu tối mưa!

– Nửa tiếng nữa mưa chớ tối gì!

– Tối nay hổng mưa tui đội đầu xuống đất đi luôn.

– Chuẩn bị rửa mấy cái khạp để hứng nước đi bà con ơi.

– Ai đi soi ếch, soi cua hôn?

-…

Cái không khí ngày mưa được “khai quật” sống lại. Người ta cười nói, hẹn hò hệt như trẩy hội. Cái gì ngày mưa người ta cũng nhớ, cũng hò hẹn, duy chỉ có cái điều quan trọng nhứt là tối nay chắc gì đã mưa thì hông ai thèm bận tâm dòm tới.

Duy nhất có chú Dĩnh là nghi ngờ. Dòm cái bộ áo đen ổng mới thay, chú Dĩnh chặc lưỡi vu vơ:

– Quỡn quá đổi áo chơi chớ chắc gì mưa hà!

Chú nói cũng có lý vậy mà bao đôi mắt dòm chú như muốn nuốt sống. Ai biểu nói chi vậy tụi, để cho người ta cứ vui, đời bao nhiêu lần còn được sống trong niềm vui ngày mưa nữa?

Người ta cả tin dễ sợ, vậy là rồng rắn kéo nhau chà máng hứng nước. Mấy bà già í ới gọi nhau “đổi công” chà máng, cứ lần lượt hùa nhau chà từng nhà. Lúc cái máng cuối cùng trong xứ được chà sạch thì cũng tầm mười một giờ đêm. Bình thường giờ này ngủ mất đất lâu rồi, hôm nay thì ai cũng thức. Cánh đàn ông ngồi uống trà chơi cờ tướng bên cạnh đống đèn bin, bình điện, cây chĩa. Đồ nghề chuẩn bị hết rồi, lòng người rạo rực hết nấc, chỉ còn chờ ổng rớt hột mưa thôi.

Chưa bao giờ xứ này nhộn nhịp vậy!

Chưa bao giờ xứ này đồng lòng vầy!

Trời vẫn im hơi lặng tiếng. Mưa chắc còn kẹt đâu ở xứ thiên đường nào đó.

Người ta không chấp nhận sự thật. Người ta vẫn cố thức chơi đánh cờ. Cược một ván với ổng coi sao. Tối nay mưa chắc, cá nhiêu cũng cá. Cái bàn cờ tướng chốc bỗng thành sạp cá độ, ai cũng hí hửng móc tiền đặt vào ô có mưa. Sống ở đời ai cấm ta hy vọng. Hy vọng là thứ giúp người ta tồn tại tới giờ, đứt sợi dây ấy coi như tiêu, cầm chắc sống trong đau khổ.

Cho tới lúc gà gáy canh năm người ta vẫn ngồi chờ hạt mưa đầu tiên rớt xuống. Có chút sợi nghi ngờ tìm cách chen chân vào những đôi mắt đang hau háu nhìn trời nhưng thẳng thừng bị gạt ra. Không lý nào ổng quên mất xứ nầy. Ổng đã nhớ ra mới cho làm mây đen sì tới chớ. Ờ, ráng chờ đi, rồi cũng mưa.

Ráng chờ đi.

Ráng chờ đi.

Ráng chờ tới khi hạt mưa đầu tiên rơi xuống…

Lúc chú Dĩnh giật mình tỉnh khỏi giấc mơ thì mặt trời đã đỏ ối phía đằng đông sau cái cột điện cao thế to ế. Trời trong xanh như thể chưa từng có gợn mây đen nào. Chú Dĩnh bước ra nhà văn hóa, nơi cả xứ đêm qua tụ họp. Lúc nhúc người còn ở ngoải. Mà lạ kỳ thiệt, không ai động đậy, hệt như hóa tượng. Tất cả đôi mắt đều hướng chung nhìn trời mặc cho chú Dĩnh săm soi từng người một trong nỗi lạ kỳ.

Chú Dĩnh ngước mắt nhìn theo họ, chú thấy cái màu vàng ươm của nắng đương chờ tới. Đánh rớt tiếng thở dài, chú biểu đám tượng người:

– Có mưa đâu mà ngóng đợi!

Cả đám tượng đột nhiên động đậy, rồi lũ lượt cơn sóng thở dài quẫy đạp không gian tĩnh mịch. Mọi người lục tục kéo nhau đem đồ nghề về nhà.

Vậy là mưa chính thức bỏ quên xứ nầy thiệt rồi!

Kể từ bữa đó, người trong xứ tròng mắt xám không còn nữa, thay vào đó là một màu trắng dã, trắng đến độ không phân biệt nổi đâu là tròng trắng đâu là con ngươi. Duy chỉ có chú Dĩnh mắt vẫn đen như thể chú không phải dân xứ nầy vậy, và chú vẫn chơi nhảy dây với tụi con nít bên lão me già hệt như chưa từng có chuyện gì xảy ra…

N.K