Ngày con chuột bị đánh chết

653

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tác giả Bạch Vân tên thật Lê Thị Phượng, quê quán tại Tân an, Long an. Hiện đang làm công việc cắt tóc tại Hayward, California, USA.  “Con Chuột Đã Chết rồi” là tác phẩm đầu tay của chị. Văn chương phương Nam trân trọng giới thiệu truyện ngắn này đến với bạn đọc.

Tác giả Bạch Vân

Cái nắng chói chang đang đổ xuống sân vườn của một ngôi chùa rộng lớn nằm trên một ngọn đồi ở Tiểu bang California. Những Phật tử già, trẻ, gái, trai và các trẻ em trong những trang phục thật chỉn chu và mượt mà muôn màu sắc vừa vui mắt, vừa mang đặc thù nét văn hoá của người Việt Nam- trang nghiêm và quyến rũ. Họ đang tụ tập thành nhóm và ngồi trò chuyện cười nói thong thả bên nhau sau một ngày lễ Vu Lan được tổ chức thật xúc động. Bên trong một căn phòng đủ mát và khá rộng rãi, Thầy Huệ Tâm đang ngồi ăn bánh và uống trà cùng với gia đình của Quang đến từ Tiểu bang Connecticut. Quang đã nghe về ngôi Chùa này nhiều lần rồi, nhưng hôm nay mới có dịp đến.

Những buổi trà đàm tuỳ duyên dường như không thể thiếu trong các ngôi Chùa vì đó là cung cách thân thiện của các Thầy với Phật tử và cũng qua đó để giúp cho Phật tử giãi bày những tâm sự hay có dịp học thêm Phật pháp. Lần này Quang và gia đình đã có duyên ngồi uống trà với Thầy Huệ Tâm trong một không gian thật đầm ấm riêng tư. Thầy vừa nói chuyện Phật pháp, rồi thăm hỏi, vừa pha trà, rồi rót trà. Bàn tay của Thầy pha bình trà trông thật nhẹ nhàng đến kỳ diệu. Trong cách Thầy pha trà thôi, người nhìn qua cũng đã có thể học ra được điều gì hay lắm. Rồi cũng đã tới lúc Quang và gia đình phải chào Thầy ra về trong sự nuối tiếc của một buổi chiều thật đẹp.

Thầy tiễn gia đình Quang ra cửa, rồi Thầy trở lại căn phòng riêng của Thầy ở cách đó không xa để chuẩn bị sinh hoạt buổi tối.

Thầy Huệ Tâm là một vị chân tu có tâm đạo rất cao đẹp và tâm thái rất tự do. Thầy là người sống rất nhân bản, rất sâu sắc nên các Phật tử gần xa rất thương và rất quý mến Thầy. Thầy cũng thường chỉ dạy cho Phật tử cách sống và suy nghĩ trong tỉnh thức, tồn tại, tự tại và đầy lòng nhân ái. Thầy luôn giúp đỡ những người có tâm trạng bất an tìm lại niềm vui sống trong gia đình và ngoài xã hội.

Thỉnh thoảng, Quang lại nghĩ tới thầy Huệ Tâm với nhân cách sống giản dị, bình thường, mộc mạc của một vị chân tu, nhưng sao lại có một sự cuốn hút như một sức mạnh phi thường của Chúa Kito vậy đó. Quang đã thật sự ngưỡng mộ thầy Huệ Tâm. Giờ đây với Quang, Thầy Huệ Tâm như là một niềm hy vọng tốt đẹp cho cuộc sống, như là một cây kim chỉ nam cho tâm linh.

  Thấm thoát một năm đã trôi qua. Mùa lễ Vu lan lại đến. Quang gọi thăm thầy:

 –  Dạ con chào thầy. Hôm nay thầy có khỏe không? Chùa năm nay tổ chức lễ Vu Lan lớn không thầy?

– Thầy khỏe, cũng bình thường, Bà con đến đông lắm. Sao sức khỏe thế nào, có gì mới?

– Dạ, con khỏe. Hôm nào thầy có dịp qua bên Connecticut một chuyến với gia đình con nha! Con ước gì có thầy ở bên này giảng pháp cho bà con nghe lắm thầy.

Thầy cười hoan hỷ rồi hứa: Có dịp thì thầy sẽ đến.

Quang liền nói tiếp: Bên này không có Chùa đâu thầy ạ. Con định mua cái nhà, cũng vừa đủ lớn để lập thành cái Chùa. Con mời thầy về ở rồi thầy giảng pháp và giúp những người ở đây học thêm Phật pháp.

 Thầy Huệ Tâm nghe xong hoan hỷ nói: “Thầy cũng đi đây, đi đó giảng pháp thường mà. Thầy không thể hứa trước việc sẽ ở đó, nhưng có dịp để thầy giúp được bà con Phật tử là công việc cần làm.” , Quang nghe xong, lòng  mừng hẳn lên.

Bây giờ Quang phải bắt đầu nhìn ngó một căn nhà cho thích hợp với sinh hoạt của một ngôi Chùa. Cuối cùng thì việc tìm kiếm một căn nhà như ý đã hoàn thành. Đó là một căn nhà bằng gỗ không quá lớn có màu nâu hơi đậm, có một phòng khách rộng và dài, một phòng ăn ở giữa nhà, hai phòng ngủ, hai phòng vệ sinh, và một cái bếp nhỏ thông ra cửa sau. Ngoài sân có trồng vài cây thông cao và những cây bông trái hai bên dọc theo lối đi vào cửa chính ở phía trước nhà. Cái cửa chính là kiểu cửa có hai tấm cửa khép lại. Nhìn chung căn nhà rất mộc mạc, nhưng lại rất thu hút vì sự kết hợp đầm thắm và hài hòa giữa không gian và kiểu dáng.

Quang đã không ngờ là mình có thể làm nổi một việc lớn mà Quang vốn nghĩ rằng mình chỉ có dám mơ thôi.

Căn nhà đó giờ đây đã mang một vóc dáng có hồn của một ngôi Chùa nhỏ từ khi có thầy Huệ Tâm ghé chân qua. Thầy dự định sẽ ở lại đây vài tuần để gặp những Phật tử mới.

 Từ ngày thầy bước chân đến đây, bà con Phật tử đã dành cho thầy sự tôn kính và tấm lòng thành, họ luôn luôn chờ đợi những bài pháp với những lời  giảng thật thâm sâu của thầy. Thầy giảng nghĩa các danh từ và phân tích các cụm từ khó hiểu cho Phật tử nghe, rồi lâu ngày Phật tử cũng đã hiểu thêm ra về “Hạnh nguyện biến trang nghiêm”, “Định lực vững chãi, tâm bồ đề kiên cố, chí tu học vững bền, tự giác, giác tha, giác hạnh thành viên mãn.” Thầy cắt nghĩa từng chữ trong cụm từ đó thật cẩn thận. Những bài giảng của thầy thường nhấn mạnh vào hai chữ nhân quả và ba chữ tham, sân, si. Có lần thầy giảng về hai chữ nhân duyên rất hay.

 Thầy nói: “Cái duyên thường dẫn dắt đến cái quả. Duyên chính là cái nhân của cái quả. Có khi nó cho ra những quả tốt, nhưng có khi nó cho ra những quả xấu. Do đó mà không nên xem thường cái duyên.” Rồi thầy kể thêm những câu chuyện Phật pháp. Phật tử nghe xong thấy trong tâm linh như có thêm chút  tư lương trên con đường tu tập.

Một buổi sáng mùa Đông trong tiết trời rất lạnh, thầy thức dậy sớm. Như thường lệ, thầy nhìn ra ngoài khung cửa sổ. Ngoài trời tuyết trắng đang rơi rơi đầy trên sân. Gió mạnh đêm qua đã làm ngã đổ vài cây non mà các Phật tử mới mua đem về trồng trong vườn được mấy ngày. Không gian như bao trùm lên một màu u ám. Những cây thông cao với những tán lá của nó đã bị phủ đầy một lớp tuyết màu trắng xoá. Thầy đi xuống nhà bếp định nấu một chén hạt Yến mạch mà có một Phật tử đã mua cho thầy, nhưng bánh mì của các Phật tử đem đến ngày hôm qua vẫn còn tốt, nên thầy đã nấu nước sôi và pha một ly sữa nóng để ăn với bánh mì cho buổi sáng. Trong lúc thầy đang ngồi ăn sáng thì bỗng có một con chuột chạy nhanh qua trước mắt thầy từ một góc bếp. Thầy cũng nhìn theo và thấy nó đang chui vô ở đằng sau cái kệ chén trong góc phía bên kia tường. Trong đầu, thầy đã biết nhà này đang có con chuột. Hình dạng của con chuột đó cũng nhỏ thôi và trông nó rất đáng thương. Thầy nghĩ rằng chắc nó đang sợ và đang đói. Thầy ngồi im rồi thảy cho nó một miếng bánh mì. Thầy nghe tiếng nó rục rịch, rồi thầy đi lên phòng trên. Khi thầy đi xuống, miếng bánh mì vẫn còn nguyên đó. Thầy ngồi xuống bàn và tiếp tục ăn vài miếng bánh mì với  ly sữa nóng. Thầy biết là nó còn nhát. Thầy lại cho một vài miếng bánh quy vụn để gần dưới cái bàn, rồi thầy lại đi lên phòng. Sau đó thầy lại đi xuống, nhưng con chuột vẫn chưa thấy ra ăn. Thầy làm vài lần như vậy thì con chuột có vẽ như bớt sợ sệt, nó bò ra và lấm lét cắn lấy một miếng bánh rồi chui vào cái kệ nhấm nháp. Hết bánh nó lại bò ra nhìn thầy và ăn tiếp những mẫu bánh còn lại. Dần dần con chuột không còn sợ thầy nữa. Nó ra  nhìn thầy như thể rất biết ơn. Đôi mắt của nó cứ tròn xoe vô tư như đôi mắt của một cậu sinh viên. Thật là một điều kỳ diệu! Một con vật bé nhỏ thôi cũng biết cảm nhận được tình thương và sự an toàn. Và rồi nó thường chạy ra khi nghe tiếng chân của thầy đi xuống bếp.

Ngày ngày Phật tử vẫn đến chùa  làm Phật sự và sinh hoạt tâm linh. Một số Phật tử gần gũi của Chùa cũng đã thấy qua con chuột ra vào trong bếp và họ tự biết và coi nó như một con vật nuôi dễ thương của thầy. Bộ lông màu xám khá mượt mà của nó trải đầy trên toàn thân chỉ để lộ bốn cái chân và cái đuôi nhỏ xíu trông rất dí dỏm. Thỉnh thoảng nó cũng thích làm dáng cho mọi người vui khi nó chờ thầy cho ăn. Toàn thân nó đứng thẳng lên bằng hai chân sau, hai chân trước co lại để ngang trước ngực, mắt nó tròn xoe và đen lóng lánh ngó qua, ngó lại, rồi khựng lại một cái thật bất ngờ. Cái nhìn của nó khiến cho mọi người phải nở một nụ cười thật là thơ ngây. Đôi lúc nhìn nó không khác gì một công tử nhà giàu sành điệu, ít lời, và vui tánh. Hình ảnh của nó hoàn toàn không đáng sợ như mình đã thường nghĩ về nó như một loài gặm nhấm, phá hoại trong nhà hay ngoài đồng. Có nhiều lúc Phật tử đến Chùa hỏi thầy một cách dí dỏm pha lẫn sự thân thiện : “ Con chuột hôm nay có khỏe không thầy?” Thầy cười hoan hỷ và trả lời, “ Nó khỏe và cũng ngoan lắm!”

Thấm thoát mà thầy Huệ Tâm đã ở đây được gần sáu tháng. Do công việc hoằng pháp nên thỉnh thoảng thầy cũng đi đến Chùa này, chùa nọ để giảng thuyết cho bà con Phật tử xa, gần. Mỗi khi đi vắng, thầy thường chỉ khoá trái cửa và để con chuột trong đó vài ngày. Lần này trước khi đi, thầy cũng cho nó một vài miếng bánh mì, một ít pho mát, và một chút nước đựng trong một thố sành nhỏ màu đen để dưới chân bàn trong bếp.

Các Phật tử sẽ tạm ngừng sinh hoạt một vài ngày trong lúc thầy đi vắng và con chuột cũng sẽ được ổn vài ngày.

Đã có lần Quang nghe các Phật tử nói chuyện về con chuột, nhưng Quang làm ra vẻ không quan tâm. Từ khi biết có con chuột trong Chùa, Quang không được vui và muốn bắt con chuột ra quăng ra khỏi chùa vì Quang cho là con chuột rất là phá hoại và có khả năng gây nhiễm bệnh cho con người. Thật lòng, Quang chỉ muốn bắt con chuột bỏ nó ra ngoài đường hay nơi nào đó hoang dã cho nó sống.

Nhân lúc thầy đi giảng pháp ở một Chùa khác, Quang đi vào Chùa để bắt con chuột. Quang mở cửa đằng trước rồi bước vào trong phòng Chánh Điện. Không gian của phòng Chánh điện thật huy hoàng, huyền bí, và trang nghiêm. Tất cả yên tỉnh không có một tiếng động nào.

Quang đi nhanh xuống bếp, nhìn quanh chỉ thấy mấy miếng bánh mì, vài miếng pho mát và một chén nước nhỏ để dưới sàn nhà. Quang đang dọn dẹp mấy miếng bánh mì thì con chuột từ trong góc bếp chạy ra. Nó thấy người lạ nên hoảng sợ và chạy nhanh trốn vào sau kệ chén. Quang đứng đó chờ nó một lúc, nhưng nó không ra. Quang đi ra ngoài kho ở phía sau sân Chùa để lấy ra hai tấm ván dài và đem vào chắn hai tấm ván đó từ hai bên của góc tường tạo thành một hình vuông để chặn con chuột. Hai tấm ván có thể đủ cao để con chuột không chạy qua kịp trước khi Quang ra tay bắt nó. Quang cũng đã chuẩn bị một cái ca bằng mũ để chụp nó khi nó chạy ra và một cái khăn hơi dày để phủ lên nó và bắt nó bằng tay. Quang bắt đầu việc tấn công con chuột đang trốn sau kệ chén.

Quang đập nhẹ tay vô tủ chén tạo thành một tiếng “ầm.” Con chuột hoảng sợ, giật mình run rẩy. Nó vội chạy dọc theo vách tường để thoát thân thì gặp phải miếng ván chắn vào tường. Nó bò lên thật nhanh, vừa gần qua tấm ván thì Quang đã phủ khăn, thò tay định chụp nó. Nhưng con chuột nhanh chân quay đầu chui  trở vào nơi góc chén. Cuộc “săn lùng” con chuột thật không dễ dàng đối với Quang vì nó rất nhanh. Con chuột vẫn cố gắng nằm im sau góc chén.

Mất khá nhiều thời gian nhưng Quang vẫn chưa tìm được cách nào để bắt được con chuột. Vừa mệt, vừa thất vọng, Quang ngồi bệt xuống đất và cảm thấy bực tức. Trong lúc tức giận, Quang đi tìm một vật gì đó để đập con chuột. Quang tìm mãi trong bếp không thấy có cây gì để có thể đập con chuột ngoan cố đó. Cuối cùng Quang quyết định cầm cái chảo. Lần này, Quang đá chân vào tủ chén kêu một cái “rầm.” Con chuột hoảng sợ quá chạy tán loạn thật nhanh ra giữa khu bị rào chắn. Nó liên tục trượt té mấy lần trông rất thương hại và tội nghiệp. Thế nhưng, Quang vẫn cương quyết đưa cái chảo lên đập con chuột một cái làm nó chết ngay tại chỗ. Nhìn thấy con chuột nằm bất động, lòng Quang chợt cảm thấy hối hận cho hành động của mình. Quang kêu lên: “ Trời!”.

 Việc làm của Quang tuy không có ai biết, tiếng kêu của Quang tuy không có ai nghe, nhưng cái tâm của Quang như đang bị thiêu đốt. Quang đang bị dằn vặt đau khổ khi nhìn con chuột nhỏ bé đang nằm ngoẹo cổ trên sàn và cái đầu của nó đang rướm máu. Quang dọn dẹp tất cả, rồi đem chôn con chuột đáng thương xuống đất.

Vài ngày sau thầy trở về. Thầy đi từ cửa sau thẳng vô bếp. Thầy không thấy chút bánh mì, hay chút pho mát nào dưới sàn gần cái bàn, chén nước cũng không, còn con chuột thì cũng không thấy chạy ra như mọi hôm nữa. Thầy ngồi một lúc lâu, rồi thầy uống một vài ngụm nước để chuẩn bị sinh hoạt. Nhưng linh cảm cho thầy biết hình như có một chuyện gì đó không hay đã xảy ra với con chuột.

Hôm sau là ngày Chủ Nhật. Các Phật tử lại đến Chùa sinh hoạt và tất cả đều vui mừng khi thầy về. Thầy không nói gì, nhưng đôi mắt của thầy hơi đỏ. Có Phật tử đã không kiềm lòng hỏi:

– Thầy ơi! Hôm nay thầy có khỏe không thầy?

 Một Phật tử khác hỏi tiếp:

– Có chuyện gì vậy thầy?.

Thầy vẫn chưa nói gì, thì Quang đến.

Thầy vẫn ngồi im, Quang nói ấp a ấp úng:

– Thầy ơi! Con, con đã vô thức làm con chuột chết. Con biết thầy buồn con lắm. Con không hiểu sao lúc đó con lại thiếu kiên nhẫn và sân si như vậy!

Thầy ôn tồn nói:

– Tất cả là đó do mình không làm chủ được cái tâm của minh đó chứ. Cái tâm Chánh niệm không có mặt nên cái tâm tham, sân, si đến dẫn dắt mình, nên mình mới làm sai, nhưng nếu mình có chút tỉnh táo thì mình cũng sẽ dừng lại ngay.

Dừng một chút, Thầy nói tiếp:

– Con người thường luôn sợ cái quả hơn cái nhân, nhưng khi gặp cái nhân thì coi thường! Con người cần phải nên biết sợ nhất là cái nhân. Cái duyên chính là cái nhân để tạo thành cái quả. Cái duyên ở đây là giữa con và con chuột, cái duyên ở đây là giữa con và cơn giận, sự không vui, sự không như ý, sự bực bội, sự thù ghét, rồi dẫn tới những thái độ và hành động không kiểm soát được nữa. Cũng chính vì những cái duyên tương tự đó mà thế gian đã có cảnh thật đáng tiếc mà lẽ ra không đáng xảy ra. Do đó mà chúng ta phải hết sức cẩn thận với muôn duyên. Bây giờ con biết thì con chuột đã chết rồi. Thầy nói xong, cả hàng Phật tử ngồi im lặng, không ai còn nói thêm hay hỏi thêm câu hỏi nào nữa.

Quang cúi đầu xuống tỏ vẻ ăn năn và hối hận về cách hành xử tàn ác của mình. Nước mắt của Quang đã rớt xuống vì hiểu ra những điều thầy vừa nói. Thầy đứng lên, rồi đi vào phòng. Thầy xếp lại mấy bộ quần áo vào cái túi xách vải màu nâu và kéo chiếc Vali nhỏ đựng những cuốn sách và những đồ cần dùng ra chỗ phòng ăn, nơi các Phật tử đang ngồi nói chuyện với nhau trong sự nghẹn ngào.

Thầy nói:

– Bây giờ thầy có việc phải đi và thầy không biết khi nào sẽ trở lại.

–  Thầy ơi,  Quang kêu lên!

– Con đã hiểu ra rồi. Con đã biết sợ cái duyên rồi, thầy ơi! Quang bật khóc thành tiếng!

Các Phật tử đứng ngồi không yên, lòng dạ xốn xang không ai nói nên lời. Hình ảnh của thầy cùng với cái túi xách vải màu nâu và cái Vali nhỏ cũng giống y như ngày nào thầy vừa mới đến nơi này.

Bạch Vân