Ngày Nhà giáo Việt Nam: Người phụ nữ đã “nhào nặn” nên Diva Mỹ Linh?

554

Những ngày đầu bước vào giấc mộng âm nhạc, Mỹ Linh bị nhiều thấy cô từ chối, nhưng một người phụ nữ đặc biệt đã phát hiện ra tố chất của cô gái trẻ.

Hoà chung không khí ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều sao Việt đã dành những lời tri ân, biết ơn sâu sắc đối với những “người lái đò”. Dù là những nghệ sĩ nổi tiếng nhưng họ vẫn không quên thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo vào dịp đặc biệt này. Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ hiện đang là giáo viên, “người lái đò” nhiều thế hệ học trò cũng có những kỷ niệm đáng nhớ về ngày 20/11 này.


NSƯT Trần Đức và bà xã đều là giáo viên.

NSƯT Trần Đức cho hay: “Sau 35 năm công tác ở nhà hát Kịch Hà Nội thì tôi chuyển sang công tác giảng dạy ở trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Nói chung, chuyển nghề lúc mình đã có tuổi (50 tuổi) cũng có nhiều bỡ ngỡ. Nhưng, chính tình cảm học trò, niềm say mê giảng dạy đã níu giữ được tôi. ‘Nghề lái đò’ cần mẫn, truyền dạy kiến thức, nhìn thấy các em khôn lớn trưởng thành, tôi vui lắm. Hàng năm cứ vào dịp 20/11, các thế hệ diễn viên, sinh viên của trường lại về trường thăm thầy cô, khiến mình xúc động, vì nhiều em giờ rất thành đạt. Các em gặp tôi cứ tíu tít gọi ‘bố’ xưng ‘con’. Nhiều sinh viên còn đóng chung phim, làm dự án cũng với mình nữa, nên gặp nhau rất thoải mái”.

NSƯT Trần Đức cho biết thêm: “Mấy năm trở lại đây, sân khấu kịch bão hoà, nhất là năm nay do có dịch Covid- 19 nên nhiều em học sinh có tâm sự, các em thấy mông lung với nghề. Nhưng, tôi động viên các em. Mình làm nghề thì phải có niềm tin, phải có vất vả thì mới có những thành công. Các diễn viên trẻ cũng đi lên từ các vai diễn phụ, thậm chí nhiều năm chỉ đóng vai người cầm cờ trên sân khấu, phấn đấu dần mới có những vai được chú ý. Nhà tôi có hai người làm ở ngành giáo dục, bà xã tôi cũng là một người dạy nhạc nên mỗi năm 20/11 là nhà đông vui lắm. Vì các sinh viên cũ nhớ đến thầy, nên cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam là mời thầy đi liên hoan, gặp gỡ… vui lắm. Tôi trân trọng mọi tình cảm của các em”.

Diva Mỹ Linh thì cho hay: “Sau nhiều năm đứng trên sân khấu hát, tôi chuyển sang giảng dạy âm nhạc. Ngày 20/11, tôi có nhiều niềm vui lắm. Các con vào ngày này có nhắn tin, điện thoại chúc mừng cô Linh khiến tôi cảm động. Với 30 năm đứng trên sân khấu, tôi cố gắng truyền dạy cho các em những bí quyết để trở thành một nghệ sĩ thực thụ. Có phụ huynh nhắn với tôi rằng từ khi con họ học âm nhạc, bé đã tự tin, bạo dạn hơn rất nhiều. Đó là món quà mà không bút nào tả xiết.

Vào ngày 20/11, ngoài tình cảm học trò dành cho mình, tôi cũng bày tỏ lòng cảm ơn của mình với cô giáo Diệu Thuý. Đó là khi tôi bắt đầu thi vào Nhạc viện, được sự giới thiệu của bạn bè, tôi có đến xin theo học một số thầy cô. Trong khi một số người khác từ chối nhận thì cô Diệu Thúy đã đón nhận. Cô Diệu Thúy đã phát hiện ra tố chất âm nhạc và gợi mở, hướng tôi bước đi để có thành công như ngày hôm nay. Cô từng động viên tôi: ‘Viên ngọc phải mài thì mới đẹp được, em cũng phải vất vả mới có thành công’. Cô là người chỉ cách cho tôi hát cho hay, quan trọng hơn nữa là cô tin tôi. Bao năm qua, tôi là học trò của cô Diệu Thúy và cho đến sau này, cô vẫn luôn là người thầy, người huấn luyện viên đặc biệt của tôi”.


Diva Mỹ Linh luôn dành cho cô giáo Diệu Thuý sự biết ơn chân thành.

Trong mắt nữ ca sĩ này, giảng viên Diệu Thúy không chỉ là người thầy đầu tiên dạy hát, người đầu tiên phát hiện tố chất thanh nhạc đặc biệt ở cô học trò nhỏ mà còn là người thầm lặng trên con đường công danh ngày càng tỏa sáng của chị. Cô Diệu Thúy cũng chính là người chỉ bảo cách đối nhân xử thế và gần gũi với Mỹ Linh trong cuộc sống đời thường.

“Hiện tại, cô vẫn theo dõi những bước chân của Mỹ Linh, có lần sau đêm diễn, cô vẫn gọi Linh ra mà phê bình đấy, cô chỉ bảo cho tôi chỗ nào còn thiếu sót. Tôi cần cô đi xem là để cô phê bình, giúp mình tiến bộ, không vấp phải những lỗi sai đáng tiếc”, Mỹ Linh tiết lộ về cô giáo của mình.


Bằng Kiều thừa nhận mình chưa từng học thanh nhạc nhưng kiến thức nền tảng tốt, có khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ.

Chia sẻ với PV về người thầy đặc biệt của mình, Bằng Kiều cho hay: “Hồi nhỏ, tôi mê hát lắm, nhưng khi thi vào trường Nghệ thuật Hà Nội thì… trượt. Một lần, bố đưa mấy người bạn là nghệ sĩ về nhà chơi, tôi hát cho các chú nghe, trong đó có thầy Phúc Linh dạy kèn ở Nhạc viện. Thầy thích và bảo lên Nhạc viện học với thầy.

Thầy Phúc Linh chính là người định hình thẩm mỹ âm nhạc cho Bằng Kiều. Và, dù không học thanh nhạc giờ nào nhưng những năm học kèn ở Nhạc viện Hà Nội đã mang lại cho tôi một kiến thức nền tảng tốt về âm nhạc, khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ. Ngoài kèn, tôi còn có thể chơi guitar, trống và sáng tác ca khúc, hòa âm phối khí… Nếu ngày đó thầy không ‘rủ rê’ Bằng Kiều thì làm gì có tôi hôm nay. Tôi luôn biết ơn thầy, biết ơn số phận đã cho tôi mê đắm với âm nhạc suốt đời”.

Lạc Thành/Người đưa tin