Ngày phố ‘thành’ sông

647

Hồ Thu

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Ngày phố thành sông”, “Chảy đi sông ơi!”, “Ai bè chuối không?”, “Thùng xốp du thuyền”…, đó là nội dung, ý tưởng ngồ ngộ tôi đọc được trên facebook, zalo hay những câu nói tếu táo của mọi người trong những ngày lụt này…

Mưa, mưa to, rồi lụt. Quê tôi – khúc ruột miền Trung yêu thương, vùng đất chịu nhiều nắng gió mưa to bão tố hâu như năm nào cũng gồng gánh chịu. Năm nay, mưa có vẻ nặng hạt và nhiều hơn, liên tục hơn. Đã những ngày mưa to, tầm tả và mênh mông nước. Nơi tôi ở là trung tâm thành phố, vùng ven theo những ngày mưa nước dâng cao và ngập dần trong nước, rồi nước lênh láng lên những tuyến phố. Các phường vùng ven đã nghe tiếng loa cảnh báo để thông báo cho người dân về mọi thứ để đảm bảo an toàn. Đi trong mưa, tôi nghe như tiếng loa gấp gáp hơn, dòng người vẫn lặng lẽ đi về mưu sinh trong những cơn mưa trắng trời đến nao lòng. Tin tức truyền thông dự báo, phản ánh thời tiết và lũ lụt khắp nơi nhan nhản. Mùa lụt đến rồi. Và có những người như tìm lại ký ức một thời quê nhà…

Là mùa lụt, mùa mưa gió bời bời cứ như lời hẹn với quê tôi ngày trước. Trong lát cắt tuổi thơ ngày ấy, với vô vàn khó khăn nhưng người dân quê tôi – một làng nhỏ nằm bên bờ bắc sông mẹ Thu Bồn xứ Quảng – đã vượt qua những thăng trầm “sống chung với lụt”. Người lớn như ba mẹ tôi, quanh năm vất vả và chuẩn bị sẵn sàng chuẩn bị cho mùa lụt đến. Là cây rơm cho trâu bò ăn. Là mọi thứ được phơi khô để dành cho cái ăn trong gia đình như hạt lúa, hạt mè, đậu phụng, lát khoai, lát sắn hay hạt bắp. Là đống củi khô chất trên cao để nấu vào mùa lụt. Lại còn hũ dưa gang muối, mắm cái…

Tôi vẫn nhớ như in cả xóm chung mổ con heo, hay các bác trai rủ nhau đi cất cá, giăng lưới… rồi chèo ghe chia đến mỗi nhà ký thịt, con cá, con tôm… Ba tôi bảo: Lụt như rứa mới “ấm”. Còn lũ trẻ con như chúng tôi, háo hức cắm cây nhắm mốc nước lên, đóng bè chuối, bắt dế hàng rào vườn nhà, rủ nhau kêu inh ỏi đi lội nước lụt. Đến khi nước lụt rút, nhìn mực nước vơi dần xuống thì ai nấy cũng tiếc nuối. Nhớ thời ấy, hầu như năm nào lụt cũng “ghé thăm” quê tôi. Sự cần mẫn chịu đựng gió mưa, bão tố cùng với sự chuẩn bị chu toàn sẵn sàng “đón lụt”, “chịu lụt” đã trở thành một nếp sống nếp nghĩ chân chất mộc mạc của người dân. Nhớ những mùa lụt nước trắng các đồng Nhứt, đồng Nhì, Bãi Trước, Bãi Sau… nhớ những ngày sông mạnh mẽ dòng nước tuôn chảy cuồn cuộn về hướng biển. Nhớ hàng tre xanh um bao quanh làng theo dòng nước lại ngả nghiêng, xơ xác sau mùa lụt, nhớ nền nhà đất rải tro đầm phẳng lại, nhớ những con đường phủ bùn non còn in hằn vết chân… Tôi vẫn nhớ, có năm lụt không về hoặc lụt nhỏ, nước còn ngoài sông, chỉ lên cao chút thôi, khoảng sân trước nhà mấy bác trong xóm ngồi uống nước chè xanh chuyện trò. Bất chợt ba tôi bào: Lụt nhỏ nhở như ri coi như không có lụt, mấy ông thì răng chứ tôi cảm thấy thiêu thiếu, nhơ nhớ cái gì đó. Chừ mà lụt to. là hay lắm”. Ngay tối hôm ấy, trong bữa cơm, tôi là đứa con “nhiều chuyện” hay thắc mắc hỏi ba. Ba mới giải thích rằng lụt to thì “hay” là vì được đi cất cá, đi vớt củi rều, đồng sạch không còn chuột mùa sau cắn lúa… Là bữa cơm đơn giản, không cầu kỳ mà  nóng hổi được mẹ nấu bếp củi trên cao không như mọi ngày. Ba còn bảo, lụt to là các con được háo hức đón nhận niềm vui thả bè chuối, lội nước, bắt dế như đã từng…

Những ngày tháng xưa cũ thời ấy không được “ghi hình ghi ảnh” lại như sự tiện dụng của chiếc điện thoại ai cũng có trong tay trong thời buổi công nghệ bây giờ. Ngày tháng ấy vẫn cứ vướng vít neo đậu trong lát cắt ký ức ngọt ngào không bao giờ quên được. Nhưng, khi được nhìn thực tại của ngày hôm nay, trong tôi càng nhớ quê nhà da diết. “Ngày phố thành sông” là những dãy nhà cao tầng san sát nhau, đường phố là dòng nước lụt từ sông tràn lên, lênh láng những cửa hiệu buôn, những mini shop, những khu dân cư đông đúc… Trong nhà, những vật dụng như tủ lạnh, bếp ga, xe máy… được dọn dẹp kê lên cao. Hay, chiếc bè chuối ngày nào thời tôi còn nhỏ ở quê, bây giờ hình ảnh ấy thay bằng chiếc thùng xốp trẻ con đùa vui trước nhà đang nổi trên nước với những chiếc thuyền giấy xếp lại thả lon ton trong “dòng sông phố”… Trẻ con thời nào cũng hiếu động tươi vui, lội nước, những con phố nước tràn qua ít thì đi xe đạp tung tóe nước đùa giỡn vô tư. Mưa to, có lúc tạnh, có lúc hưng hửng nắng… như từ người lớn đến trẻ con đều tranh thủ thời tiết để “đón lụt”. Chợ cũng thành sông rồi, nên chợ ngày lụt ở phố cũng “di động” trên những vỉa hè cao. Nhiều góc phố bỗng dưng thành chợ, chớp nhoáng, theo cơn mưa cơn nắng thất thường ngày lụt. được bày bán đủ thứ rau củ quả, cá thịt. Nhưng, nhiều nhất vẫn là cá sông, tôm sông từ việc đánh bắt được, găng lưới, cất vó, hay “vắt hồ” chạy lụt… Cá sông cá đồng ức nước đủ loại, nhất là cá vụn. Cá vụn kho nghệ với nén, đó là món ăn hương vị mằn mặn ngày mưa ngày lụt và rất hao cơm vì ngon …

Tôi đang ở phố. Và ngày lụt ở phố vẫn có rất nhiều điều thú vị để lưu giữ trong tâm hồn mình những thời khắc này. Rồi, từ phố mà nhớ quê nhà, lúc này quê nhà cũng biển trời nước lụt mênh mông trắng sông trắng đồng. Rồi cũng từ hiện tại, nhớ về tháng ngày ký ức tuổi thơ đồng đất nhão nhoẹt ngai ngái bùn non chân lấm tay bùn. Thế giới mạng như zalo, facebook và các phương tiện truyền thông khác liên tục nhiều thông tin, hình ảnh về những ngày mưa lụt này. Nhìn đâu cũng nước…

Và với riêng tôi, có đôi dòng lắng lại với tâm khảm mình cho những khoảnh khắc, là ngày phố “thành” sông…

H.T