Ngày thơ Việt Nam: Trao cho thơ những cơ hội

494

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Chúng ta có một nghìn không trăm linh một cách để quảng bá thơ ca.


Tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, tháng 11 năm 2020, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

– Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều! Trong những năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã làm được một việc quan trọng là phát động và chủ trì một ngày hội dành cho thơ ca, ngày tôn vinh thơ ca vào Rằm tháng Giêng hàng năm trên cả nước mà nòng cốt là Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức hàng năm tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 2003 cho đến năm 2019, Ngày Thơ Việt Nam đã trải qua 17 mùa và người dân nước ta cũng quen thuộc với ngày hội và truyền thống tốt đẹp này. Cá nhân ông, ông nhìn nhận về quá trình mà chúng ta đã làm được trong 17 năm qua cũng như sự vận động của Ngày Thơ Việt Nam qua các năm như thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ Hội Nhà văn Việt Nam cũng không phải đơn vị khởi xướng Ngày Thơ Việt Nam mà đó là sự nối tiếp truyền thống của dân tộc. Chẳng hạn như làng Chùa quê tôi, từ rất lâu cho đến bây giờ, vào ngày 13 tháng Giêng người dân đều tổ chức hội làng, trong ngày hội, họ chủ yếu đọc thơ, thi bình thơ và thi cây cảnh. Những nét văn hóa đó đã có, đã tồn tại ở nhiều miền quê phía Bắc từ rất lâu đời. Sau này một số tỉnh khác như Phú Yên, Quảng Ninh,… cũng tổ chức hoạt động này từ rất sớm. Đến khi Hội Nhà văn Việt Nam quyết định tổ chức Ngày Thơ trên cả nước, thì lúc này Ngày Thơ mang tính chính thức hóa, tính xã hội rộng lớn hơn nhưng thực chất là sự kế thừa và phát triển những nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ xa xưa.

Trải qua gần 20 năm, Hội Nhà văn Việt Nam đã làm cho Ngày Thơ được Nhà nước và nhân dân công nhận là một lễ hội văn hóa. Việt Nam là một đất nước mà hầu hết người dân đều yêu thơ ca và hầu hết mọi người đều ít nhất một lần đã chép, đã thuộc hay đã làm một bài thơ. Không chỉ ở đất nước chúng ta, sau khi đất nước mở cửa, tôi có dịp đi nhiều nơi và thấy rằng, ở nước bạn, họ cũng có ngày thơ nhưng có tên gọi khác là liên hoan thơ, lễ hội thơ. Như lễ hội thường niên tại Nicaragua, trên các đường phố ngập tràn múa, hát dân gian và chủ yếu là thơ ca. Hay Colombia, một đất nước với tình hình chính trị và xã hội rối ren, nhưng lễ hội thơ được tổ chức hết sức long trọng và thu hút đông đảo người dân. Buổi khai mạc lễ hội thơ tại Colombia kéo dài nhiều giờ dưới trời mưa mà ba, bốn ngàn người dân vẫn ngồi che ô im lặng, và nghe thơ. Và như vậy, thơ ca không chỉ là của riêng tại đất nước Việt mà còn là vẻ đẹp, là truyền thống và nghi lễ của toàn thế giới, toàn nhân loại. Thơ ca từ xa xưa đã là một văn bản quan trọng nhất, khởi sinh ra các loại hình văn bản nghệ thuật khác, văn bản tôn giáo khác trong lịch sử thi ca thế giới. Chúng ta đã tôn vinh thơ ca, tạo ra Ngày Thơ và tổ chức Ngày Thơ ở một nơi phù hợp và ý nghĩa đó là Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Từ đó, Ngày Thơ cũng lan tỏa ra nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Khi chúng ta đi qua, ngắm nhìn Ngày Thơ, có thể chưa thể cảm nhận hết ý nghĩa của nó. Nhưng khi ta có dịp dừng lại, suy ngẫm và chiêm nghiệm, sẽ thấy Ngày Thơ có ý nghĩa quan trọng. Ngày Thơ không nên gói gọn trong bốn bức tường của Văn Miếu mà phải được lan tỏa, đi vào đời sống con người, là một trong những điều quan trọng nhất làm nên đời sống tinh thần của con người, hơn bao giờ hết trong thời đại này, chúng ta càng cần điều đó. Trong thời đại đứng trước nhiều thách thức của vật chất, của biến động, thơ ca sẽ biến thành sức mạnh để bảo vệ, che chở và vạch đường cho chúng ta.


“Ngày Thơ không nên gói gọn trong bốn bức tường của Văn Miếu mà phải được lan tỏa, đi vào đời sống con người, là một trong những điều quan trọng nhất làm nên đời sống tinh thần của con người, hơn bao giờ hết trong thời đại này, chúng ta càng cần điều đó”. (Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều)

– Vâng! Ngay cả đất nước chúng ta cũng vậy, chưa bao giờ bình yên hoàn toàn cả, nhưng thơ ca cũng chưa bao giờ thôi nảy nở trong tâm hồn mỗi con người, mỗi làng quê. Hội Nhà văn Việt Nam đã trên cơ sở truyền thống của các làng quê, vùng miền nâng lên thành truyền thống và nghi lễ của quốc gia, có tính xã hội và lan tỏa. Nhưng giữa tính chuyên nghiệp và tính đại chúng hóa đối với thơ ca có gì mâu thuẫn không thưa ông? Và khát vọng của chúng ta, mục đích chúng ta hướng tới, thông qua Ngày Thơ là gì?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Ngày Thơ như một lễ hội. Lễ hội có những đặc điểm và tác động khác đối với xã hội. Ngay ở lễ hội lớn của các nước phát triển, công chúng đến đó không phải để nghiên cứu về các tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục văn hóa của vùng đó mà nhằm lan tỏa một đời sống tinh thần nào đó. Có nhiều người nói ngày hội thơ ca tại sao không có văn. Trước kia đã có nhiều người có ý định làm ngày văn Việt Nam. Chúng ta đã hiểu lầm việc đó. Thơ ca có đặc trưng đặc biệt. Trên thế giới cũng không có ngày văn học. Họ có hội thảo văn học nhưng lại có liên hoan thơ. Liên hoan thơ là một lễ hội. Đất nước chúng ta cũng vậy. Chất dân gian không mâu thuẫn với tính chuyên nghiệp. Bởi tính chuyên nghiệp không chỉ thể hiện trong Ngày Thơ mà thể hiện ở tất cả các hoạt động khác của Hội Nhà văn trong một năm, từ việc trao giải thưởng, kết nạp hội viên, hội thảo chuyên ngành… Nếu chỉ chăm chú làm lễ hội thì sẽ không chạm đến chuyên môn nhưng chỉ chuyên môn thuần túy thì chúng ta đã bó buộc, đóng kín lại sức lan tỏa và vẻ đẹp của thơ ca với đời sống. Chúng ta đã làm được những điều cơ bản cho một lễ hội thơ ca, như một tuyên ngôn rằng: Ở đó, thi ca đã được trú ngụ trong đời sống, vẻ đẹp đã được thi ca truyền đến và ở đó con người được sống nhân ái đầy ước mơ.

Trong một cuộc họp báo về Ngày Thơ Việt Nam tại Hội Nhà văn, tôi có được nghe ông chia sẻ về việc không chỉ riêng Hội Nhà văn tổ chức Ngày Thơ của đất nước tại Hà Nội mà các tỉnh thành cũng tổ chức Ngày Thơ ở địa phương họ, từ đó vẻ đẹp thơ ca được thắp sáng, trải dài trên đất nước suốt ngày Rằm tháng Giêng là một hình ảnh thật kì ảo. Để tạo dựng và duy trì hình ảnh đó, Hội Nhà văn Việt Nam có gợi mở gì đối với Hội VHNT ở các địa phương trong việc tổ chức Ngày Thơ hàng năm?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hội nhà văn Việt Nam đã gợi mở, gợi dẫn ra những ý tưởng về mặt tổ chức và nội dung ở nhiều năm trước. Trong năm 2020, vì tình hình dịch, việc tổ chức Ngày Thơ không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối nên Hội Nhà văn quyết định dừng lại hoạt động từ rất sớm; chúng tôi đã gửi công văn đến các Tỉnh ủy, UBND và các Hội VHNT địa phương. Còn năm nay, chúng tôi chọn chủ đề thơ năm 2021 để chào mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII là “Tổ quốc và Mẹ”. Đây là những điều quan trọng và lớn lao nhất đối với mỗi con người, với các thi sĩ. Tuy vậy, năm nay diễn biến dịch vẫn hết sức phức tạp nên chúng tôi buộc phải dừng lại Ngày Thơ và nghiên cứu việc tổ chức ngày hội này theo một hình thức khác.

Sau này, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ thực hiện một đề án về thơ ca. Chúng tôi sẽ hướng dẫn cho các Hội VHNT địa phương, trong Ngày Thơ cần làm gì để thơ ca có sức lan tỏa.
Thơ ca không chỉ tồn tại trong trang sách, hội trường, trong một không gian, một nhà thơ nhất định mà cần lan tỏa trong đời sống ở nhiều lĩnh vực. Làm thế nào đọc xong các bài thơ, công chúng vẫn thấy được kết quả thành tựu thơ trong một năm đó là những gì. Chúng ta cần lựa chọn thơ như thế nào, chọn hình thức nào để lan tỏa thơ ca … Đó là những việc chúng tôi sẽ làm.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, tính chuyên nghiệp không chỉ thể hiện trong Ngày Thơ mà thể hiện ở tất cả các hoạt động khác của Hội Nhà văn trong một năm, từ việc trao giải thưởng, kết nạp hội viên, hội thảo chuyên ngành… “Nếu chỉ chăm chú làm lễ hội thì sẽ không chạm đến chuyên môn nhưng chỉ chuyên môn thuần túy thì chúng ta đã bó buộc, đóng kín lại sức lan tỏa và vẻ đẹp của thơ ca với đời sống”, ông nói.

– Ngày Thơ năm 2020, 2021 không được diễn ra đã đem lại những cảm giác buồn, hụt hẫng và tiếc nuối cho các nhà thơ và khán giả yêu thơ. Với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chắc hẳn ông cũng có những tâm tư về điều này. Ông có thể chia sẻ dự định, mong muốn của Hội Nhà văn Việt Nam trong việc duy trì Ngày Thơ ở những năm tới?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Trong tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, Hội Nhà văn Việt Nam buộc phải dừng lại hoạt động ý nghĩa này. Trước mắt, ở Ngày Thơ Việt Nam năm nay, với tư cách cá nhân, tôi sẽ kêu gọi các nhà thơ hội viên trong Ngày Thơ năm nay, ai có thơ thì đăng trên facebook, lên mạng xã hội, hoặc ghi lại một video đọc thơ, hay chia sẻ, nói điều gì đó về thơ ca. Còn về lâu dài, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ dùng thời gian này để nghiên cứu một cách kĩ lưỡng nội dung và cách thức để thơ ca lan tỏa nhất. Việc dừng Ngày thơ có một lợi thế đó là: Ban chấp hành chúng tôi sẽ tư duy lại, tổ chức lại kĩ lưỡng hơn, có độ sâu hơn việc tổ chức Ngày Thơ làm sao để có thể đạt được hai hiệu quả: Một là tính lan tỏa cộng đồng trong nghi lễ của một Ngày Thơ với đời sống rộng lớn; Hai là thể hiện những bước đi, những thành tựu của thơ ca trong một năm ở Ngày Thơ vào năm tới. Nếu tình hình năm tới chưa đẩy lùi được dịch, Hội Nhà văn sẽ phác thảo hình thức Ngày Thơ online kêu gọi cả các nhà thơ quốc tế tham gia, và năm nay sẽ có thời gian dài để chuẩn bị kĩ lưỡng, chu đáo hơn cho Ngày Thơ những mùa sau.

Trong một số năm tổ chức Ngày Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam đã lồng ghép tổ chức Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, tác giả thơ ở nhiều nước đã tham dự, chung vui với các nhà thơ Việt Nam trong Ngày Thơ Việt Nam, cùng lan tỏa vẻ đẹp của thơ ca khu vực và thế giới. Chắc hẳn Hội cũng mong muốn thơ ca là “đại sứ văn hóa” quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè năm châu?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới là một mục đích lớn của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X. Chúng ta đã tổ chức được 4 hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Bây giờ là lúc biến những ý tưởng từ các nghị đó thành sản phẩm cụ thể. Và chúng tôi sẽ báo cáo chính phủ cũng như kêu gọi rộng rãi sự ủng hộ của các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia vào việc này.
Chúng ta có thể thấy rằng một số ít nhà thơ theo con đường tiểu ngạch, sách của họ đã được dịch, đã được giới thiệu và xuất hiện trên thế giới. Họ được ghi nhận bằng các giải thưởng uy tín trên thế giới. Sách của họ xuất hiện trên một số kênh bán sách trực tuyến ở nước ngoài như Amazon. Hội Nhà văn Việt Nam cũng cần thực hiện chiến lược bền bỉ như vậy. Chúng ta nên học hỏi một số đất nước gần gũi trong châu Á như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Họ đã làm rất xuất sắc vai trò quảng bá văn học của mình. Nhiệm vụ quan trọng của chúng ta trong năm 2022 là triển khai quảng bá thơ ca nói riêng và văn học nói chung một cách sâu rộng bằng nhiều hình thức, nền tảng ra thế giới.


Sân thơ thiếu nhi trong Ngày Thơ Việt Nam năm 2018 với chủ đề “Đường Xuân” sử dụng tranh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm sân khấu.

– Ông đánh giá thế nào về nền thơ ca Việt Nam so với khu vực và thế giới? Nhìn vào giải thưởng văn học lớn nhất của nhân loại là giải Nobel gần đây và các tác giả được tôn vinh trong giải văn học này ông có nghĩ rằng các tác giả thơ Việt Nam nếu được quảng bá đúng hướng cũng không thua kém các tác giả thế giới hay không?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta không thể so sánh vấn đề này một cách cụ thể, đơn giản. Chẳng hạn ở Việt Nam nhiều người có đặt câu hỏi: Nhà thơ, nhà văn này có thể đoạt giải Nobel hay chưa? Thực ra chúng ta phải xem xét lại, nhìn nhận lại. Đọc các tác phẩm của các tác giả đoạt giải Nobel để thấy rằng văn học nước ta còn cần nỗ lực cả một chặng đường rất dài. Mỗi thi sĩ đều cần nỗ lực rất lớn. Nhưng thi ca không nhằm mục đích là mỗi nước đều phải có giải Nobel như một sự ghi nhận, mà tại mỗi quốc gia, thi ca phải thực sự có tác dụng với cộng đồng ngôn ngữ, văn hóa, hình thái xã hội của mình. Khi chúng ta thực hiện điều đó đầy đủ, trọn vẹn, thi ca được tôn vinh trọng thị trong quốc gia, cộng đồng chúng ta thì nó mới bắt đầu có khả năng bước ra một thế giới khác. Quan trọng hơn, chúng ta phải cho thế giới biết rằng, ở đất nước này có một nền thi ca.

Tôi nhớ chị Điền Tiểu Hoa, một dịch giả của Trung Quốc đã chuyển ngữ một tuyển truyện ngắn gồm 40 truyện ở Việt Nam ra tiếng Trung Quốc sau một thời gian rất dài Trung Quốc không dịch tác phẩm văn học Việt Nam. Bằng nỗ lực tuyển lựa, dịch thuật của mình, chị Điền Tiểu Hoa đã khiến các giáo sư Trung Quốc am hiểu tiếng Việt ngạc nhiên: “Chúng tôi không ngờ Việt Nam lại có nền văn học hay đến thế”. Họ bất ngờ vì chưa từng được đọc các tác phẩm văn chương Việt Nam. Nếu ta không tuyển chọn, không dịch thuật một cách bền bỉ để quảng bá ra khu vực và thế giới thì trên bản đồ văn học thế giới sẽ không có hình ảnh Việt Nam. Chiến tranh đã đi qua rất lâu, nhưng trên thế giới chỉ biết đến Việt Nam qua chiến tranh chống Mĩ và chiến thắng trong cuộc chiến đó, còn những điều khác họ không biết. Dù đã là muộn, nhưng chúng ta cần phải thực hiện để hình ảnh Việt Nam được nhận diện, có giá trị nhất định với dân tộc, trong khu vực và thế giới.

– Vâng! Và việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam hàng năm một cách bài bản, chuyên nghiệp và đúng hướng sẽ góp phần rất nhiều vào việc để thơ ca đi vào đời sống, lan tỏa những vẻ đẹp của nó. Mong rằng dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi để thế giới bình yên, các hoạt động được trở lại bình thường, trong đó có văn học và thơ ca, sân thơ của Ngày Thơ Việt Nam khắp cả nước sẽ được đón các nhà thơ, nhà văn và công chúng yêu thơ trở lại. Và trong lúc chờ đợi đó, người yêu mến thơ ca cả nước cũng có quyền trông đợi vào những điều mới mẻ và khác biệt ở Ngày Thơ trong tương lai…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Mới mẻ là nhu cầu tự thân của mỗi cá nhân. Tự thân không xóa đi món ăn hôm qua, mà làm nên một cảm hứng mới. Chắc chắn chúng tôi sẽ đầu tư, lấy ý kiến của những người quan tâm thơ ca làm ra ngày hội thơ ca mới mẻ, đa dạng hơn, hiệu quả hơn. Chẳng hạn chúng ta có thể chọn những địa điểm khác nhau để tổ chức Ngày thơ, không chỉ tại Văn Miếu. Đọc thơ trong không gian rộng lớn bất tận của thảo nguyên Tây Nguyên hay vùng núi phía Bắc và dùng hệ thống trực tuyến để lan tỏa chúng chẳng hạn. Chúng ta có thể tạo ra một ấn phẩm thi ca của năm đó bằng việc tập hợp lại đề cử các bài thơ hay nhất từ các tạp chí văn học nghệ thuật chuyên ngành. Ấn phẩm đó phải hấp dẫn về nội dung, có minh họa đẹp và giá đẹp, để bán tại Văn Miếu và các địa phương khác. Từ đó người đọc sẽ hiểu những tác phẩm hay, tiêu biểu được tuyển chọn trong một năm qua. Hay việc phổ biến in dán những bài thơ trên đường phố như nhiều nước trên thế giới đã làm… Chúng ta có một nghìn không trăm linh một cách để quảng bá thơ ca, để lan tỏa vẻ đẹp của thơ cả trong mỗi người dân Việt.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo Bình Nguyên – Dương Tử/VNQĐ