Ngày Thơ Việt Nam: Trao cho thơ những cơ hội

687

Ngày Thơ Việt Nam là một hoạt động văn hóa lớn, được tổ chức thường niên vào dịp Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng). Gần hai thập niên qua, mỗi dịp chào đón một năm mới là khách thơ lại nô nức tìm về Văn Miếu – Quốc Tử giám cũng như các điểm tổ chức Ngày Thơ trên cả nước. Ngày Thơ Việt Nam đã như một món quà tinh thần quý đối với những người yêu thi ca. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã hai năm (2020, 2021), như nhiều hoạt động văn hóa xã hội khác tạm thời phải gác lại, Ngày Thơ Việt Nam cũng đành lỡ hẹn cùng công chúng.

Nhân dịp Tết Nguyên tiêu năm nay, mời bạn đọc, các nhà phê bình, nhà thơ, và đại diện phía đơn vị phát động, chủ trì Ngày Thơ Việt Nam hàng năm – Hội Nhà văn Việt Nam cùng nhìn lại hoạt động văn hóa này, nhìn lại những Ngày Thơ đã qua và hướng đến những Ngày Thơ sắp tới trong tương lai.


Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV tại sân Thái Miếu, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Bài 1: Các nhà phê bình nói gì về Ngày Thơ Việt Nam?

Bằng quan sát của mình về Ngày Thơ Việt Nam những năm qua, các nhà phê bình đã có những nhìn nhận đánh giá khác nhau về sự kiện văn hóa này. Qua việc hỏi ý kiến của họ, chúng tôi nhận ra một điều, tất cả đều mong muốn một Ngày Thơ đổi mới, sáng tạo để thơ thực sự được tôn vinh cũng như có vị trí xứng đáng trong đời sống tinh thần của công chúng yêu thơ cả nước. Rất nhiều những ý kiến, đề xuất, gợi mở… nhưng tựu trung lại đều vì một Ngày Thơ vừa đảm bảo tính chuyên nghiệp vừa có sức lan tỏa lớn.

Nhà phê bình Văn Giá: Nên phân ra hội chính – hội lệ

Ý nghĩa của Ngày Thơ Việt Nam thì đã rõ rồi, ta không bàn nữa. Giờ chỉ bàn cách làm sao cho nó tốt lên thôi.

Theo tôi, nên 3-5 năm làm HỘI CHÍNH, còn lại các năm làm HỘI LỆ. Khái niệm “hội chính”, “hội lệ” là cách nói dân gian, các cụ bô lão trong các làng mạc hiện giờ vẫn nói. Nghĩa là không phải năm nào cũng dềnh dang làm hội theo cách cứ phải đủ lệ bộ, bầy biện, làm to, đón rước, mời mọc tốn kém. Chỉ có Hội chính mới đầu tư như vậy. Còn các năm thường, hội lệ các cụ chỉ biện một mâm lễ lên để kính cáo Thần/Thánh, tỏ lòng tôn kính, cầu cho quốc thái dân an, dân làng no đủ… Việc lễ này không tổ chức đông người. Chỉ các cụ trong Ban tế lễ đại diện đứng ra làm.


PGS.TS Văn Giá 

Chiểu theo tinh thần này, Hội Nhà văn Việt Nam nên 3-5 năm làm Hội chính một lần, tại Văn Miếu, làm to như mọi năm. Còn các năm khác, nên chuyển về các địa phương, kết hợp giữa Trung ương và địa phương cùng làm. Như vậy, ý nghĩa vẫn đảm bảo, truyền thông vẫn đảm bảo, mà đỡ tốn kém; đặc biệt là phát huy được nhân lực vật lực của địa phương, nhất là tinh thần sáng tạo của địa phương. Nhờ thế, không hội nào giống hội nào, rất đa dạng và sinh động. Tôi đã mấy lần nói ý này trực tiếp với nhà thơ Hữu Thỉnh ngày ông còn đương chức, cũng đã trả lời báo chí mấy lần, nhưng không ai để ý. Các cụ ngày xưa tính toán kĩ và thâm hậu lắm. Năm nào cũng làm hội như hội chính thì vừa tốn kém, vừa nhạt trò.

Theo đó, một số việc đã làm, bây giờ làm cho tốt hơn: đọc thơ, trình diễn thơ, hát các các khúc phổ thơ; tổ chức sân chơi riêng cho các CLB thơ… Cần nghĩ thêm các hình thức như đố thơ, thả thơ, đọc thơ, ngâm thơ, bình thơ; hội thảo/ tọa đàm khoa học về thơ, giao lưu tác giả, giới thiệu tác phẩm mới, viết thư pháp thơ… thế nào đó cho phù hợp và sinh động. Không cần tham nhiều hoạt động, chỉ cần chọn mấy cái chính sao cho phù hợp, chất lượng và sinh động là được.

Cần chấm dứt ngay việc thả bóng bay treo thơ lên trời. Hiện tiết mục này đã nhàm và bộc lộ một số hạn chế khiến dư luận đàm tiếu: chọn thơ không đích đáng, thả bong bóng lên trời gây ra ô nhiễm môi trường…

Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam: Nên tổ chức RAP thơ

Về việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam vào rằm tháng Giêng hàng năm – ta khu biệt vào hoạt động do Hội Nhà văn Việt Nam gánh trách nhiệm chủ trì, diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, tôi xin có mấy ý kiến lộn xộn và liều lĩnh như sau:

Ngày Thơ nên khai mạc trang trọng nhưng ngắn gọn, có thể bỏ luôn phần văn nghệ mở đầu, thường là hát múa, cho bớt rườm rà mà lại tránh gây loãng không khí. Cũng nên bỏ luôn việc các nhà thơ lên sân khấu để tự đọc thơ mình để khỏi phát sinh… tị nạnh ngầm, ít nhiều gây mất đoàn kết giữa các thi nhân. Thả bóng bay có gắn “những câu thơ hay” lên trời cũng thôi luôn. Tại sao thôi, thì cứ theo dõi dư luận những năm trước khắc biết.


Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam

Ngày Thơ Việt Nam diễn ra vào dịp Nguyên tiêu, sau thời điểm Hội Nhà văn Việt Nam đã công bố kết quả giải thưởng (năm trước) của mình. Như thế có thể lấy ngay tập thơ được giải để làm một thảo luận mở, ngoài trời, cho rộng đường dư luận về một giá trị thơ ca đã qua thẩm định của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngay trong trường hợp năm trước đó không có giải cho thơ, thì việc để trống/ trắng thơ trong cơ cấu giải thưởng của Hội cũng rất đáng là vấn đề để trao đổi về thực chất của một năm thơ Việt.

Ngày Thơ Việt Nam là để tôn vinh thơ, nhưng theo tôi, không tôn vinh thơ chung chung, mà là tôn vinh sự kết tinh các giá trị thơ ca thể hiện ở những tác giả lớn trong lịch sử thơ ca dân tộc. Vì vậy, nên chăng, mỗi một Ngày Thơ Việt Nam hãy chọn ra một “nhà thơ của năm”, cổ hay đương đại đều được, để bàn luận, thưởng thức (Có muốn đọc thơ trên sân khấu thì chỉ nên đọc thơ của tác giả thơ này).

Nên dành thời gian cho các hoạt động vừa có tính chất sôi nổi, vừa cho thấy được những phương thức tồn tại khác của thơ, bên cạnh những phương thức truyền thống đã có phần quen nhàm. Biểu diễn các ca khúc từ thơ được phổ nhạc là một cách. Một cách khác, thời sự và trực tiếp hơn, là RAP. RAP = Rhythm – and – Poetry. RAP thuộc về nghệ thuật biểu diễn được đông đảo giới trẻ ngày nay yêu thích, thậm chí say mê, nhưng RAP cũng chính là một-thơ-khác mà ta không thể bỏ qua nếu thật sự quan tâm đến thơ đương đại. Nếu tổ chức được hoạt động này, Ngày thơ Việt Nam chắc chắn thu hút được công chúng trẻ, và vì thế sẽ trở nên… phấn chấn hơn rất nhiều.


Màn thả những câu thơ hay lên trời dù mang lại hiệu ứng thị giác tốt trong những Ngày thơ trước nhưng đã gây nhiều tranh cãi về nội dung các câu thơ và được một số nhà phê bình nghị nên dừng lại

Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa: Nên hợp nhất các sân thơ tại Văn Miếu

Ngày Thơ Việt Nam do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức theo tôi nên được cải tiến theo hướng tinh gọn, thiết thực, sáng tạo, ấn tượng. Nên chăng chỉ ưu tiên tập trung đầu tư tổ chức tại không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), còn ở các tỉnh/thành thì để cho các hội văn học nghệ thuật địa phương tự chủ tổ chức, tất nhiên là theo tinh thần chỉ đạo chung từ cơ quan Trung ương. Ở không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám thì cũng nên co cụm lại một sân thơ chung, bởi tâm lí của khách thơ (cũng giống như của con người nói chung) là tò mò và… tham lam, nên nếu đứng ở sân thơ này thì sẽ trông sân thơ nọ.


Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa

Nếu sáp nhập các đội trẻ, già, câu lạc bộ, trăm miền… lại với nhau thì các đội sẽ có cơ hội tương tác, hiểu nhau để không bài nhau. Nên giảm thiểu cái màn tác giả tự đọc thơ mình, bởi nó quá xưa cũ, vả lại thơ làm ra là để khách thơ đọc bằng hồn, trong im lặng lắng sâu, chứ không phải là để khách thơ… nghe; mà với cái chất lượng của hệ thống âm thanh như lâu nay, cộng thêm hiệu ứng tiếng ồn của đám đông, thì nếu ai đó muốn nghe cũng khó mà nghe cho thủng một văn bản thơ hoàn chỉnh. Nên tăng cường các màn đố thơ, hỏi đáp thơ… để kéo khán giả lại gần hơn với sân khấu. Màn treo thơ, thả thơ nên dày công dày tâm hơn, tránh chọn những câu thơ hoặc trời ơi đất hỡi hoặc không đủ sức độc lập khi tách khỏi chỉnh thể bài thơ. Ngày Thơ Việt Nam nếu được tổ chức thuyết phục sẽ gây tạo dư âm, kích hoạt, củng cố, tiếp truyền niềm yêu thơ nơi khách thơ, và đặc biệt là họ lại đón đợi ngày này năm sau, để xem có gì hấp dẫn mới.

TS. Nhà phê bình Đỗ Anh Vũ: Nên in tác phẩm thơ làm quà tặng cho khách tham dự


TS. Nhà phê bình Đỗ Anh Vũ

Theo tôi, khi tình hình bệnh dịch Covid đã được kiểm soát, Ngày Thơ Việt Nam là hoạt động nên được duy trì và tiếp tục phát triển, nó không chỉ có ý nghĩa tích cực trong việc tôn vinh văn học, tôn vinh thơ ca mà còn có ý nghĩa tích cực về mặt văn hóa, chứng tỏ được một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về việc trọng văn trọng lễ. Một dân tộc có đời sống văn học phát triển là một dân tộc có đời sống tinh thần mạnh mẽ. Dân tộc ấy nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách để ngày càng có thêm nhiều cống hiến và sáng tạo. Dĩ nhiên, bên cạnh việc duy trì Ngày Thơ Việt Nam, hình thức tổ chức cũng nên tạo ra nhiều đổi mới hơn để hấp dẫn và thu hút khán thính giả. Các tác phẩm trình diễn nên được in ra nhiều hơn để làm quà tặng cho những người đến tham dự. Việc kết hợp đọc thơ với nền nhạc, vũ đạo, ánh sáng, bài trí và sắp đặt sân khấu chắc chắn sẽ tạo ra những hiệu ứng nghệ thuật cao.

TS. Nhà phê bình Phan Tuấn Anh: Thơ ca đích thực không phải của đám đông


TS. Nhà phê bình Phan Tuấn Anh 

Về những Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức trong thời gian qua, có thể thấy sự thu hút công chúng đang giảm dần. Thơ đang trở thành “một di sản bị mất giá” như cách nói của Milan Kundera, dẫu chúng ta, trên một phương diện nào đó, vẫn là một “cường quốc thơ ca”. Về cơ bản, lỗi không nằm ở nhà thơ và những sản phẩm tinh thần của họ. Tôi vẫn nghĩ, chưa bao giờ thơ ca là một nghệ thuật phù hợp, hay có sở trường để trình diễn, diễn xướng tại các lễ hội thơ trong các ngày thơ Việt Nam. Thơ ca là một nghệ thuật của cái đơn côi, nó sinh ra trong nỗi cô đơn của thi sĩ, và bạn đọc sẽ thưởng thức thơ ca như một hành vi riêng tư, bí mật. Tôi thích cách suy tư của Octavio Paz về bản chất cô đơn của thi ca. Thơ ca đích thực, không phải của đám đông, hay mang tính giải trí cộng đồng.

Một vài lần đầu có thể “lạ miệng” với bạn đọc khi thấy nhà thơ, mà đa phần là những người trẻ chưa có nhiều danh tiếng “làm trò” trên sân khấu. Sau dần, người ta sẽ chán đi, vì không hiểu, không tìm được bản chất tinh túy của thơ ca ở đó, nhất là trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 hay những vấn đề quan thiết hơn đang diễn ra mỗi ngày. Những Ngày thơ Việt Nam trong tương lai, tôi nghĩ cần đầu tư vào các sự kiện có tính chiều sâu học thuật, như hội thảo khoa học, hay triển lãm sách, hội chợ sách thơ, tọa đàm giới thiệu sách. Thơ ca cần quay về ngôi đền của nó, như một hành vi có tính thiêng liêng và dâng hiến của thi nhân, trong vương quốc của nỗi buồn và nỗi đau bất khả giải. Bạn đọc sẽ đến với thơ như một sự suy tư triết học, hoặc một sự đồng cảm, chia sẻ có tính tri âm. Thơ ca sẽ chết ở đám đông, nếu nó đứng đơn côi một mình. Mặc dù, bản mệnh đích thực của nó, là bản mệnh của nỗi cô đơn.


Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII năm 2019 là Ngày thơ gần nhất được tổ chức với chủ đề “Sông núi trên vai” – một chủ đề cũng gây tranh cãi trong khâu dịch thuật sau khi Ngày thơ diễn ra

Nhà phê bình trẻ Vũ Kiều Chinh: Tất cả chỉ là trao cho thơ thêm những cơ hội

Tôi biết ơn giảng đường, vì với tôi, đó có lẽ là không gian (tương đối) đúng để tôi bắt đầu với thơ. Những người bạn tuổi tôi, không phải ai cũng được bài bản học cách để hiểu thơ trước khi thực sự biết yêu thơ. Người trẻ của thế hệ chúng tôi, trước những bức tường graffiti nhằng nhịt phép toán của một thời đại công nghệ thay vì những dòng nắn nót thơ, liệu có còn biết yêu thơ? Còn. Tôi tin rằng bất cứ ai, dù khi còn là một đứa trẻ hay đã bước qua ngưỡng của trưởng thành, đều có đôi lần trong cuộc đời thấy rung động trước một câu thơ đẹp. Chúng tôi chỉ thiếu không gian để làm nảy nở những mầm xúc cảm đó.


Nhà phê bình trẻ Vũ Kiều Chinh

Thế hệ của chúng tôi có phần đáng thương bởi nếu coi tình cảm với thơ như nỗi xúc động khi ngước lên bầu trời và bắt gặp một tán cây đẹp, thì mặt đất đủ đầy thậm chí thừa mứa vật chất này đang làm thiếu vắng đi ở chúng tôi những cơ hội để nhìn lên phía trên kia – nhìn vào thơ. Thơ, dù đã nỗ lực nhiều để media hóa bằng cách này hay cách khác, vẫn cứ trầy trật để tới tay số đông những người trẻ. Tôi, đứng thiên hơn về phe những người đọc của tuổi tôi, không cố bao biện cho sự ít đọc, sự vô cảm dần đều của chúng tôi đối với chữ nghĩa, nhưng mong mỏi thơ – với vốn liếng giàu có của mình, với hàng tỉ, hàng triệu những giọt cảm xúc mà thế hệ này nối đến thế kia đã chồng lên nhau – biết cách để tìm đường tới lũ trẻ thiệt thòi chúng tôi hơn.

Thơ, ở thời điểm hiện tại, có lúc phải náu mình trong hình dạng của một bìa sách bắt mắt, một tiêu đề gây hấn, những câu nói trending, đồ họa thơ, phổ nhạc cho thơ, rap lênvẽ ra,… đưa thơ từ hình thức tồn tại với đơn vị “quyển”, “trang” sang bất cứ một thể nghiệm visual nào khác, miễn là khiến thơ có thêm những không gian để lên tiếng, hiện hình. Những điều đó – không đồng nghĩa với việc yêu cầu thi ca phải gạt đi những cảnh vẻ của riêng mình, sự kiêu hãnh của một thể loại văn học phức tạp bậc nhất với những tham vọng chạm được những “chỗ hun hút” nhất của thế giới bên trong, tất cả, chỉ là để trao cho thơ thêm những cơ hội – cơ hội được nhìn thấy, được đọc, được hiển thị trước khi được hiểu, để thơ không cần phải đứng trước câu hỏi đầy bất an rằng: Còn tuổi nào cho… thơ?

Theo Lê Phong/VNQĐ