13.3.2018-17:00
Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh và nhà văn Nguyễn Minh Ngọc
30 năm cuộc hải chiến Trường Sa (14.3.1988 – 14.3.2018):
Ngày xuân hầu chuyện vị tướng CQ-88
NGUYỄN MINH NGỌC
NVTPHCM- Nói đến Hải quân nhân dân Việt Nam, không thể không nhắc đến các vị tư lệnh như Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, Đô đốc Giáp Văn Cương, Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh, bởi đó là những người đặt nền móng và có công lớn xây dựng và phát triển một quân chủng kỹ thuật hiện đại…
“Trước hết phải khẳng định, chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ở biển Đông”. Chiều mùng 6 Tết Mậu Tuất 2018, mấy anh em chúng tôi kéo nhau tới thăm Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân (1993-2000), Anh hùng LLVTND tại nhà riêng ở quận 2, TP.HCM.
Quê hương và dòng họ
Tướng Mai Xuân Vĩnh sinh năm 1930 tại làng Thọ Linh Thượng, tổng Thuận Thị, phủ Quảng Trạch (nay là thôn Thọ Linh, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) trong một gia đình nông dân. Thủy tổ dòng họ Mai này ở làng Trung Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam (nay là xã Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội). Cụ tổ Mai Phúc Khánh được triều đình (vua Lê Thái Tông, 1460-1497) giao cầm quân vào Nam dẹp loạn ở Ô Châu, và được phong tước Tham Nghị Trác Lộc Nam.
Sau khi giành thắng lợi, trên đường lui binh trở về, thấy vùng đất dưới chân núi Ngùi bên dòng Rào Nan (một nhánh của sông Gianh) phong cảnh sơn thủy hữu tình, thổ địa phì nhiêu chưa có người khai phá, cụ Tham Nghị bèn vận động thân binh thuộc hạ và được triều đình cho phép, ở lại đây khẩn hoang, lập ấp. Và làng Kim Linh được hình thành vào cuối thế kỷ XV. Dưới thời vua Minh Mạng (1823) thấy tên làng mang chữ Kim, húy kỵ Đức Thủy tổ Cao hoàng nhà Nguyễn, nên buộc phải đổi sang chữ Thọ, làng Thọ Linh. Đến thời vua Khải Định, xét công lao của cụ Mai Phúc Khánh từ buổi đầu khai khẩn, tạo dựng cuộc sống cho dân bền vững, triều đình truy phong cho cụ tước “Đại lang Dực bảo Trung hưng, Trung đẳng Linh phù Tôn thần”.
Là hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ Mai, tướng Mai Xuân Vĩnh là chắt nội của cụ Mai Lượng, một võ quan dưới triều vua Tự Đức. Sau khi phái chủ hòa trong triều đình Huế ký Hiệp ước Patenotre (6-6-1884), cụ Mai Lượng từ quan về quê ở ẩn, bất hợp tác với những kẻ cam tâm bán nước cho ngoại bang. Ngày 25-3-1885, sau sự biến “kinh thành Huế”, vua Hàm Nghi xuất bôn ra Tân Sở, Quảng Trị, xuống chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân chống Pháp. Khi nhà vua xa giá đến Quảng Bình, cụ Mai Lượng đến xin yết kiến Sơn Triều và được vua Hàm Nghi phong chức Lãnh binh, sát cánh cùng với nhiều người khác phò vua, chống giặc. Người dân trong vùng quen gọi cụ là Lãnh Mai. Giữa lúc nghĩa quân đang dồn sức kháng Pháp, thì Lãnh Mai qua đời vì bệnh sốt rét, tròn 53 tuổi. Thi hài cụ Lãnh Mai được nghĩa quân an táng sâu trong rừng, tránh sự trả thù của giặc. Sau này, hài cốt của cụ được gia đình và bà con đưa về an táng tại quê nhà. Ngày 24-1-1998, mộ cụ Mai Lượng được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng “Di tích Lịch sử – Văn hóa”.
Nhà nghèo, hoàn cảnh cơ cực, mẹ mất sớm, em gái cũng đi theo mẹ lúc chưa đầy 2 tuổi. Đói rét, bệnh tật hành hạ, cậu bé Mai Xuân Vĩnh lên cơn sốt hàng tháng trời, người gầy rộc, da vàng ệch, tóc rụng sạch. Không một viên thuốc, suýt chút nữa thì cậu bé đã không qua khỏi. Trong cơn quẫn bách và gần như tuyệt vọng, vì quá thương con nên người cha liều mua cái chân giò luộc cho con ăn, kẻo sợ nó chết đói… Lạ kỳ thay, có lẽ nhờ phương “thuốc thần” này mà cậu bé đỡ dần, rồi qua khỏi và sống sót.
Tháng 5-1950, chàng thanh niên Mai Xuân Vĩnh trúng tuyển vào bộ đội, chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn 101 – Trần Cao Vân, trên chiến trường “Bình Trị Thiên khói lửa”. Chàng lính trẻ từng dự trận các đánh nổi tiếng, trận Thanh Hương (11-3-1951), trận chống càn Thanh Lam Bồ (6-1951), chiến đấu và đưa anh em thoát khỏi vòng vây của địch sau cuộc hành binh “Cá Sấu” (Operation Caiman) vào tháng 9-1952… Đơn vị ông tham gia chiến đấu ở Hạ Lào và đông bắc Campuchia. Sau hòa bình lập lại, tháng 6-1961, thượng úy Mai Xuân Vĩnh được cử sang Liên Xô học Trường Hải quân Ki-rov ở thủ đô Ba-cu (Azecbaijan), bên bờ biển Caxpiên…
Tư lệnh Hải quân Mai Xuân Vĩnh (giữa) kiểm tra việc xây dựng nhà lâu bền ở bãi đá ngập nước trên quần đảo Trường Sa
Những ngày dậy sóng
Đã sắp bước vào ngưỡng cửu thập, nhưng nom ông hãy còn tráng kiện và mẫn tiệp. Trong cuộc đời binh nghiệp nửa thế kỷ, ông có hơn 40 năm gắn bó với biển cả, hai lần học đào tạo bài bản và nâng cao về Hải quân tại Liên Xô, tốt nghiệp Học viện Vorosilov. Ông bồi hồi nhớ lại câu chuyện 30 năm trước…
Đầu năm 1987, tình hình trên biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp và gay gắt. Cùng với việc tổ chức các cuộc diễn tập của hải quân, Trung Quốc nhiều lần đưa các tàu giả dạng đánh cá đến khu vực quần đảo Trường Sa, tiến hành trinh sát, thăm dò, đo đạc, khảo sát biển đảo, đặt ngầm các tấm bê tông “kỷ niệm” ở các bãi đá san hô ngập nước. Ngày 3-9-1987, Quốc hội Trung Quốc thông qua quy chế đưa đảo Hải Nam thành tỉnh, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Với chủ trương nhất quán “Không dùng vũ lực và đe dọa vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thương lượng hòa bình”, chúng ta đã có nhiều đối sách mềm dẻo, song kiên quyết. Nhưng khi phát hiện đối phương dồn dập hoạt động sâu cả vào phía nam quần đảo Trường Sa, BTL Quân chủng Hải quân có kế hoạch đóng giữ các bãi đá ngập nước. Trong đêm 24-10-1987, Tư lệnh Giáp Văn Cương ra lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cho tất cả các đảo thuộc Lữ đoàn 146 ở quần đảo Trường Sa. Ngày 9-1-1988, Đảng ủy Quân chủng HQ ra nghị quyết xác định: “Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo ở quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất…”.
Sau khi Trung Quốc chiếm bãi đá Chữ Thập, Hải quân ta gấp rút triển khai thực hiện kế hoạch đã định. Do tình hình cấp bách, để kịp thời xử trí các tình huống xảy ra, Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Vùng 4 Cam Ranh, trực tiếp chỉ huy bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa. Sáng sớm 17-2-1988 (mùng một Tết), đoàn cán bộ hơn 60 người (chủ yếu là cán bộ chỉ huy – tham mưu HQ) có mặt ở Gia Lâm lên máy bay AN-26 vào Cam Ranh. Non trưa, chiếc máy bay vận tải quân sự lượn nhiều vòng trên trời, vẫn không sao liên lạc được với đài chỉ huy sân bay. Qua ô cửa, thấy từng vạt mai núi rải sắc vàng trên khắp bán đảo. Nắng gắt và gió lộng. Ngoài kia, biển vẫn thăm thẳm một màu xanh bí ẩn. Phía dưới sân bay vắng hoe, không một bóng người. Phải mất hơn 10 phút, chiếc AN-26 mới đáp xuống đường băng.
Người đặt tên CQ-88
Bấy giờ, tình hình trên quần đảo Trường Sa càng lúc càng nóng lên. Kể từ thời điểm này, Tư lệnh Giáp Văn Cương và Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Mai Xuân Vĩnh thường xuyên túc trực tại Sở chỉ huy tiền phương Quân chủng. Hải quân ta huy động lực lượng tối đa với cường độ hoạt động lớn và tốc độ tương đối nhanh, bước đầu ngăn chặn được việc mở rộng xâm chiếm của đối phương. Sau khi soát xét lại khả năng, BTL Quân chủng thống nhất, trước tiên phải đóng giữ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Tuy nhiên, xung quanh khu vực này, TQ đã chiếm giữ một số điểm (Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Huygơ) với một số lượng lớn tàu chiến bảo vệ.
Tối ngày 11-3-1988, tàu HQ-604 do đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng, xuất phát từ Cam Ranh. Tàu chở hai đội xây dựng của Trung đoàn công binh 83, cùng một số cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ đóng giữ đảo của Lữ đoàn 146, thiếu úy Trần Văn Phương chỉ huy. Thêm bộ phận đo đạc biển của Tiểu đoàn 6 Hàng hải và 2 học viên Trường Sĩ quan chỉ huy – Kỹ thuật Hải quân (nay là Học viện HQ). Trung tá Trần Đức Thông, Phó lữ trưởng Lữ 146 chỉ huy chung.
Giữa trưa 13-3, hai tàu HQ-604 và HQ-505, xuất phát từ Đá Lớn đi Cô Lin, Gạc Ma. Tiếp đó, tàu HQ-605 (đại úy Lê Lệnh Sơn, thuyền trưởng) cũng từ Tốc Tan đi Len Đao. Cả ba tàu của ta đều là tàu vận tải. Tại Sở chỉ huy tiền phương, Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Mai Xuân Vĩnh truyền đạt mệnh lệnh và hướng dẫn cho các đơn vị triển khai đóng giữ đảo. Chiều cùng ngày, tàu HQ-604 đến Gạc Ma, tàu HQ-505 cũng đến Cô Lin thả neo an toàn. Nhưng ngay sau đó, tàu hộ vệ 502 của Trung Quốc từ phía Huygơ ập đến chỉ cách tàu ta 50m, gọi loa tuyên bố đây là lãnh hải của họ và yêu cầu ta phải rời đi. Mặc cho đối phương la lối, cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ-604 vẫn cương quyết không rời đảo.
21 giờ đêm 13-3, Sở chỉ huy lệnh cho Trần Đức Thông, Vũ Phi Trừ (tàu HQ-604) và Vũ Huy Lễ (thuyền trưởng tàu HQ-505) quyết giữ Gạc Ma, Cô Lin và cho phép tàu ủi bãi để giữ bằng được 2 bãi đá này. Sở chỉ huy lệnh tiếp: “Khẩn trương thả các xuồng máy, xuồng nhôm để bám giữ đảo, chuyển vật liệu lên làm nhà!”. Mãi đến 3 giờ sáng 14-3-1988, anh em ta mới cắm cờ ở Gạc Ma. Sau bức điện số 17 của Vũ Huy Trừ gửi lúc 6 giờ 45 phút, ngày 14-3-1988, Sở chỉ huy mất liên lạc với tàu HQ-604.
Lúc đó, 3 tàu Trung Quốc đưa 40 lính đổ bộ lên vị trí cắm cờ của ta ở Gạc Ma. Dưới sự chỉ huy của thiếu úy Trần Văn Phương, các chiến sĩ ta kiên quyết bảo vệ cờ Tổ quốc, không cho đối phương lao vào. Họ nổ súng, anh Phương ngã xuống. Binh nhất Nguyễn Văn Lanh xông lên cùng anh em xiết chặt hàng ngũ, bảo vệ lá cờ. Hai bên giằng co, đánh nhau bằng tay không. Lanh vừa đánh bật khẩu súng ngắn trên tay tên chỉ huy đối phương, thì một tên lính từ phía sau dùng lê đâm lén, khiến anh ngã xuống. Một dòng máu nhuộm đỏ ngay dưới chân cột cờ Tổ quốc, lá cờ đỏ sao vàng vẫn hiên ngang trước gió. Hành động dũng cảm của các anh Phương, Lanh và sự kiên cường của cán bộ, chiến sĩ ta, đã buộc đối phương phải rút về tàu.
Không thể tranh chấp với ta trên đảo, chiều muộn ngày 14-3-1988, hai tàu hộ vệ 502 và 531 của Trung Quốc nã pháo vào tàu HQ-604 của ta, làm tàu bốc cháy và chìm ở phía nam Gạc Ma chừng 300m. Trung tá Trần Đức Thông và đại úy Vũ Phi Trừ cùng một số chiến sĩ ta hy sinh. Các tàu HQ-605, HQ-505 của ta cũng bị bắn chìm, bắn hỏng. Một số anh em hy sinh không lấy được thi thể… Máu của cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã ngặn chặn được hành động ngang ngược của đối phương.
Bìa cuốn hồi ký “Miền sóng vỗ” của Mai Xuân Vĩnh
Cuối tháng 3, đầu tháng 4-1988, Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Mai Xuân Vĩnh dẫn đầu đoàn cán bộ HQ hơn 60 người ra thăm bộ đội Trường Sa. Dọc hải trình định sẵn, qua các điểm đối phương chiếm giữ, mặc dù họ cho tàu lớn đi với tốc độ cao ra uy hiếp và khiêu khích, nhưng với bản lĩnh của người chỉ huy dạn dày kinh nghiệm trận mạc, ông truyền cho anh em sự điềm tĩnh. Ông bảo, biển đảo của ta, chủ quyền của ta, tàu cứ đi theo hướng và tốc độ không đổi. Nếu đối phương cố tình húc vào tàu ta thì tàu của chúng không bể đầu cũng lủng ruột! Thấy chiếc tàu khu trục tên lửa chuyển hướng chạy song song cách tàu ta chừng 500m, ông cười lớn: “Chỉ có nguyên thủ quốc gia đi trên biển mới có tàu chiến lớn hộ tống! Hôm nay, đoàn ta… rất oai!”.
Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh từng chỉ huy nhiều cuộc diễn tập hiệp đồng chiến đấu của hải quân với sự linh hoạt và quyết đoán, được cấp trên đánh giá cao. Ông trực tiếp chỉ đạo xây dựng các công trình lâu bền và công sự chiến đấu trên quần đảo Trường Sa. Từ việc kiên quyết làm nhà bằng bê tông cốt thép trên lô cốt để rút kinh nghiệm, ông đã thuyết phục được cấp trên đồng ý với Hải quân. Điều đó không có gì lạ, khi ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (đồng tác giả) cho cụm công trình: “Các giải pháp KHCN trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng cụm công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa…”. Vào độ tuổi “xưa nay hiếm” (3-2000) ông mới được cấp trên cho nghỉ hưu.
Năm 2011, tôi có may mắn được giúp Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh nhuận sắc cuốn hồi ký “Miền sóng vỗ”, Nhà xuất bản QĐND ấn hành… Đây là một cuốn sách hay, rất phong phú, sinh động và trung thực về Hải quân nhân dân Việt Nam từ trước đến nay. Với 1.200 bản in, nhưng tiếc rằng chỉ khoảng vài trăm cuốn đến được tay bạn đọc! E sợ… nhạy cảm, nên người ta cố nại ra một vài lý do để “giam” cuốn sách này vào kho. Thật buồn hết chỗ nói!
Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 4-2017, Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.
>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…