Ngày xuân nhớ thầy với bài thơ tuyệt bút

603

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thầy dạy Văn lớp Đệ Nhị (lớp 11) của tôi tại Cần Thơ là giáo sư Nguyễn Tri Hựu (1903-1957), bút danh Anh Pha, gốc người tỉnh Bến Tre. Xuất thân từ khoa tiếng Pháp trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào khoảng giữa nửa đầu thế kỷ 20, thầy yêu tiếng Việt và thích làm thơ.

Tác giả Nguyễn Thanh

Sau khi tốt nghiệp về dạy học tại Lycée Cần Thơ (sau là Trung học Đệ nhị cấp Phan Thanh Giản), thầy xin dạy môn Việt Văn cho học sinh các lớp Đệ Nhị Cấp Trong hơn 30 năm đứng lớp, tận tụy dạy tiếng mẹ cho học trò, thầy sử dụng hầu hết thì giờ còn lại để làm thơ. Thầy Nguyễn Tri Hựu làm thơ theo đủ thể loại, đặc biệt là thơ Đường, một thể thơ có niêm luật nghiêm ngặt rất khó làm hay, ngoại trừ các thi sĩ bậc thầy như Hồ Chí Minh, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử,… Giáo sư Nguyễn Tri Hựu đã xuất bản tập thơ “Hoa muộn Tây Đô” (1956) trong đó có nhiều bài làm theo thể Thất ngôn Bát cú Đường luật, độc đáo nhất là 4 bài mang chủ đề về Tứ đổ tường. Giáo sư còn một số bài thơ làm theo thể song thất lục bát, lục bát, thơ mới, tứ tuyệt… được phổ biến giữa đồng nghiệp yêu thơ và học trò, ngoài những bài thơ nổi tiếng của các thi sĩ Pháp như: Sonnet (Đoản ca) của Félix Arvers (1806-1850), Le Lac (Cái hồ) của Lamartine (17970-1969),… được thầy dịch từ tiếng Pháp ra thơ Việt.

 

  1. TỬU

Rượu nhập lời ra, cụ hóa thằng

Sống nào vì lẽ uống cùng ăn.

Đặt Mai quế lộ trong lùm đế,

Giấu Ngũ Gia bì dưới cội măng.

Cất chén Lưu Linh, tay lập cập,

Xem thơ Lý Bạch, chữ lăng nhăng.

Hơi men dù mạnh, dằn tâm xuống,

Đầu bạc nêu gương kẻ trắng răng.

 

  1. SẮC

Sắc bất ba đào vẫn bũa xô

Sông Tương rộn rịp, cậu tìm cô

Nguồn ân lạch cạn, ai say đắm

Bể ái thuyền đầy nước chảy vô.

Chức Nữ rấp ranh tung cánh nhạn,

Ngưu Lang hăm hở vượt cầu ô

Yêu đương một phút sầu muôn kiếp

Tống Ngọc, Tràng Khanh cũng chạy rô.

 

  1. TÀI

Canh bài xào xạc suốt canh gà

Hốt của lòng tham, khó bỏ qua.

Tài xỉu, đề, me, quơ nát đất,

Băng cô, cào, phé, quét tan nhà.

Cạn lưng, con quyết khiêng rương bố

Sạch túi, cháu toan cạy tủ bà.

Đổ bát đem bùa mê, thuốc lú,

Ru hồn con bạc trẻ như già.

 

  1. KHÍ

Tiền bạc ai đem đốt lửa lò,

Ra dio một bóng vặn tò mò

Khêu đèn tỏ rõ xe dây nhớ,

Cất tiếng ro ro gở mối lo.

Tin gởi theo mây, truyền lẹ nhỉ,

Nhạc đưa dưới gió, giữ mùi cho.

Nha yên huyền dịu mê hồn bướm,

Kiều diễm tiên nâu khéo dở trò.

Anh Pha (Hoa muộn Tây Đô)

Cái hay ở 4 bài thơ này là, ngoài nội dung lành mạnh mang tính giáo dục cao, về nghệ thuật, tác giả đã sử dụng thành thạo luật thơ Thất ngôn bát cú Đường luật. Bài thơ được sáng tác với niêm luật vững vàng, tu từ phong phú (điển cố: Lưu Linh, Lý Bạch, Tống Ngọc, Tràng Khanh; cường điệu: nguồn ân, bể ái), ngôn ngữ chọn lọc, đầy màu sắc và tượng hình: lập cập, lăng nhăng, rấp ranh, hăm hở. Độc đáo nhất là tác giả đã áp dụng loại vần cực kỳ hiểm hóc, không dễ làm và cũng rất khó đối: vần ở 5 chữ cuối câu 1,2,4,6 và 8 đọc lên nghe có nghĩa đặc biệt, người chơi thơ gọi là vần Từ Thứ. Vần lần lượt ở các Bài 1, 2, 3, 4, là:  thằng ăn măng nhăn (g) răng/ xô cô vô ô rô/ gà qua nhà bà già/ lò mò lo cho trò. Hoặc: ôi thôi rồi nồi xôi, chà và la ma tà,… Nhớ lại, nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (1830-1910) cũng đã sử dụng vần Từ Thứ: voi mòi còi roi thoi (không có nghĩa) trong bài thơ luật Đường thách họa “Tôn phu nhân quy Thục với người bạn thơ đối lập về quan điểm, lập trường chính trị của mình là Tôn Thọ Tường (1825-1877) trong cuộc bút chiến giữa hai người thời Pháp thuộc vào cuối thế kỷ 19 ở nước ta.

Nhà thơ Anh Pha Nguyễn Tri Hựu mất vì bệnh tim, khi đang đứng lớp tại trường, được GS. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Kính đứng ra làm lễ truy điệu rất trọng thể tại sân trường trước hội đồng giáo sư và tập thể học sinh.

Xuân Tân Sửu. 16. 02. 2021

N.T