Nghệ sĩ tiễn biệt nhạc sĩ Lam Phương trong lễ tang ở Mỹ

1186

Lễ tang nhạc sĩ Lam Phương diễn ra ngày 3/1 (giờ địa phương) tại Mỹ. Nhiều nghệ sĩ đã đến thắp hương, tiễn biệt ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Vào 13h ngày 3/1 (giờ địa phương) tức sáng 4/1 (giờ Việt Nam), lễ tang nhạc sĩ Lam Phương được tổ chức ở chùa Huệ Quang (California, Mỹ). Trong bối cảnh dịch Covid-19 căng thẳng ở Mỹ, những người đến viếng đều đeo khẩu trang, che chắn kỹ lưỡng.

Linh cữu của nhạc sĩ Lam Phương được đặt trang trọng trong khuôn viên chùa, bao quanh là nhiều vòng hoa tươi và hình ảnh của ông lúc sinh thời. Nhiều nghệ sĩ đã đến viếng và chia sẻ những kỷ niệm về người nhạc sĩ tài hoa.

“Nhạc sĩ Lam Phương sống bình dị, khiêm nhường”

Trước linh cữu của tác giả Thành phố buồn, nhạc sĩ Lê Quang cho biết anh rất buồn khi nhận tin đàn anh ra đi. Lê Quang kể anh và một số đồng nghiệp có ý định thực hiện một đêm nhạc riêng dành cho nhạc sĩ Lam Phương tại Rạch Giá Kiên Giang – quê nhà của ông.

“Chúng tôi đã chuẩn bị xong nhưng sức khỏe của anh Lam Phương không tốt. Bây giờ thì anh đã ra đi. Các thành viên trong ê-kíp vẫn cố gắng để hoàn thành đêm nhạc. Tôi đến đây để thắp hương và tiễn anh một đoạn đường cuối. Kính chào anh”, nhạc sĩ Lê Quang chia sẻ.


Nhiều nghệ sĩ đến tiễn biệt nhạc sĩ Lam Phương. 

Nhạc sĩ Chí Thiện – anh trai của Chí Tài – đi cùng vợ là MC Minh Phượng và ca sĩ Phương Loan đến thắp hương, chia buồn cùng gia quyến.

“Anh Lam Phương là nhạc sĩ mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Năm 15 tuổi, tôi hát bài đầu tiên do anh sáng tác là “Kiếp nghèo”. Trong ký ức tôi, anh là nhạc sĩ có lối sống bình dị, mộc mạc, khiêm nhường và thương yêu đàn em. Nhạc sĩ Lam Phương có tinh thần lẫn phong cách âm nhạc hiếm có. Anh ra đi để lại mất mát lớn với những tác phẩm để đời. Tôi thành kính và cầu nguyện cho anh an nghỉ”, anh trai của cố nghệ sĩ Chí Tài phát biểu.

Sinh thời, nhạc sĩ Lam Phương là một trong những cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam. Sau bảy thập kỷ gắn bó với âm nhạc, gia tài đồ sộ của Lam Phương gồm hơn 200 tác phẩm với những ca khúc quen thuộc như Thành phố buồn, Cỏ úa, Một mình, Cho em quên tuổi ngọc, Mưa lệ, Chờ người…

Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương trong lòng nhiều nghệ sĩ và khán giả thuộc nhiều thế hệ.


Nhạc sĩ Lê Quang chia sẻ kỷ niệm với nhạc sĩ Lam Phương. 

Với nhạc sĩ Huỳnh Nhật Tân, anh kể bản thân may mắn khi có dịp gắn bó nhiều năm trong công việc lẫn cuộc sống với nhạc sĩ Lam Phương.

“Tôi và chú Lam Phương có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, không thể xóa nhòa được. Tôi yêu quý, kính trọng con người cũng như những bài hát của chú”, anh bày tỏ.

Trước di ảnh của nhạc sĩ Lam Phương, ca sĩ Như Quỳnh nghẹn ngào. Cô là ca sĩ thể hiện thành công nhiều bài hát của ông.

“Hôm nay, tôi đến đây tiễn biệt chú. Có lẽ những mỹ từ dành cho nhạc sĩ Lam Phương đều không đủ. Tôi xin dành cho ông những vần thơ do mình sáng tác.

Người đã khuất / Niềm vui không trọn vẹn / Bọt biển tan hòa / Nhịp sống trùng khơi / Tạ ơn mẹ / Rong chơi mọi tuổi đời / Trong mộng giúp người về nơi yên nghỉ”, cô bày tỏ.

“Tôi sẽ hát mãi những ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương”

Cũng trong lễ tang, gia đình chia sẻ lại những tâm sự, tưởng nhớ của các nghệ sĩ đang ở Việt Nam dành cho tác giả Phút cuối.

Ca sĩ Thanh Hà khóc khi không có mặt ở Mỹ để tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa.

“Hiện tại, con ở một nơi rất xa, không thể gặp chú lần cuối. Con xin gửi lời chân thành biết ơn đến chú. Chú là người đã dìu dắt, uốn nắn con từ những ngày đầu đi hát. Những lần con hát sai, chú cũng không bao giờ chỉ trích. Cảm ơn âm nhạc của chú đã nuôi dưỡng tâm hồn con. Con sẽ hát mãi những bài ca của chú” – ca sĩ Thanh Hà gửi lời chia buồn.


Lễ tang của nhạc sĩ Lam Phương được tổ chức ở chùa Huệ Quang. 

Trong ký ức của Đức Tuấn, nhạc sĩ Lam Phương là người đàn ông hiền lành, hồn hậu và giọng nói nhẹ nhàng.

“Những sáng tác của chú gắn bó với cả cuộc đời tôi. Từ khi còn nhỏ, tôi đã nghe nhạc chú và thuộc lúc nào không hay. Nhạc sĩ Lam Phương sáng tác cả nghìn bài hát, ở nhiều thể loại, phản ánh những chủ đề khác nhau của cuộc sống”, anh nói.

Đức Tuấn cho biết dù nhạc sĩ Lam Phương ra đi nhưng những sáng tác của ông vẫn còn trường tồn, sống mãi với thời gian và không gian. Nam ca sĩ sẽ tiếp tục thể hiện các tác phẩm của ông để thế hệ sau tiếp tục yêu mến và dành sự kính trọng cho cố nghệ sĩ.

“Điều may mắn của tôi là có dịp nói chuyện với chú nhiều lần. Ngoài đời, tính chú Phương ấm áp, nhẹ nhàng mà vô cùng hài hước. Cách chú nói chuyện truyền cảm, hấp dẫn. Bệnh tật đã làm chú khó khăn trong cuộc sống hàng ngày nhưng chú vẫn lạc quan”, anh chia sẻ.


Danh ca Hương Lan (bên phải) là người thể hiện thành công nhiều sáng tác của cố nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Đức Trí cũng gửi thư để tiễn biệt tác giả Cỏ úa. Anh đánh giá Lam Phương là nhạc sĩ viết tình ca tiêu biểu.

“Ngoài những bản tình ca, nhạc sĩ Lam Phương còn có những bài hát ca ngợi quê hương rất chân tình. Các bản nhạc của ông viết không chỉ hay, mà hơn hết thảy, xóa đi ranh giới giữa sang trọng và bình dân, chỉ đọng lại sự gần gũi, đằm thắm. Tôi chưa may mắn có dịp gặp ông ngoài đời nhưng qua âm nhạc, tôi ngỡ như quen ông từ lâu” – nội dung bức thư tiễn biệt của nhạc sĩ Đức Trí dành cho ông.

“Con sẽ nhớ mãi nụ cười hiền hậu luôn nở trên môi của chú. Con là fan của chú mãi mãi. Chú ra đi nhưng âm nhạc của chú còn sống mãi về sau”, ca sĩ Bằng Kiều tưởng nhớ ông.

Cuối buổi lễ, nhiều nghệ sĩ đã thể hiện các nhạc phẩm của Lam Phương như lời tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa. Những ca khúc Một mình, Biển tình, Chuyện buồn ngày xuân, Thành phố buồn... vang lên trong không gian của chùa Huệ Quang khiến những người có mặt đều xúc động.

Hoàng Yến/Zing