Nghề mại dâm | Hoi Nha Van Thanh Pho Ho Chi Minh

993

03.4.2018-08:20

“Gọi tôi là Ryn đi, tôi thích tên này!”. Người có giọng hơi khàn và yếu ớt cười, trên cổ vẫn còn lộ rõ vùng chuyển động của yết hầu đề nghị tôi gọi bằng tên con gái.

 

Ryn làm ở quán bar trong Soi Nana. Những “soi” (hẻm) nhấp nháy đèn màu ở dọc trục đường Sukhumvit luôn xếp trên cùng trong danh mục điểm đến của du khách tại Bangkok. Đó là những “phố đèn đỏ”. Đặc sản được chào bán thường có gái hoặc nam giới mại dâm, massage tình dục, hẹn hò và vui chơi từ A tới Z.

 

Những mâu thuẫn đạo đức không được đếm xỉa nhiều ở nơi này. Ngay cạnh những con hẻm này là một khu mua sắm chuyên phục vụ khách Hồi giáo từ Malaysia và Trung Đông. Quý ông chơi bời thâu đêm ở Soi Cowboy sau đó đi bộ một quãng là tới cửa hàng bán khăn choàng hijab tuyệt đẹp, giá rẻ, đủ mẫu mã mua làm quà tặng cho vợ hay người yêu ở quê nhà. Trong khi tôi uống bia, ba người đàn ông quấn khăn trùm đầu của người theo đạo Sikh bước vào. Ryn nắm tay một anh, bạo dạn dắt vào trong và gọi những cô gái khác ra tiếp.

 

Khó có thể nhìn rõ nghề mại dâm ở Thái có hợp pháp hay không. Có đến ba đạo luật tại quốc gia này định nghĩa nghề bán thân thể, kích thích ham muốn tình dục hoặc trao đổi cơ thể lấy tiền là bất hợp pháp. Năm 2003, Bộ Tư Pháp của Thái dự định hợp pháp hóa nghề mại dâm để thu thuế và kiểm soát bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nỗ lực chính thức này bất thành vì nhiều giá trị đạo đức truyền thống trong xã hội Thái.

 

Nhưng phố đèn đỏ vẫn là phần quan trọng của ngành du lịch, với 6,4 tỷ USD thu được năm 2015. Chính quyền Bangkok, Pattaya từ lâu đã nới lỏng và cho phép các con đường “đèn đỏ” có tên trên bản đồ du lịch. Những giao dịch được diễn ra “khuất mắt trông coi”: ở một khách sạn theo giờ nào đó trong Soi Nana, anh tặng tiền cho tôi, tôi tặng tình cho anh, yếu tố mua bán xem như không tồn tại.

 

Dù đầu tháng 2/2018 vừa qua, thủ tướng Thái Lan nói họ không muốn tên đất nước mình nổi tiếng về công nghiệp tình dục nữa thì ngành này ở Thái đã bùng nổ suốt gần 60 năm qua với một tỷ trọng nhất định vào tổng GDP cho nước này.

 

Năm 2017, một công nhân tình dục tại Thái Lan có thể kiếm được 5.000 baht/đêm (tương đương 3,5 triệu VND), gần gấp 20 lần lương tối thiểu ở Thái là 300 bath/ngày. Theo Bộ Y tế Thái Lan, có khoảng 120.000 công nhân tình dục đang hành nghề.

 

Để thoát khỏi ánh mắt dò xét của người bản địa, Ryn chuyển đến Bangkok hành nghề trong các khu phố du lịch chuyên dành cho khách nước ngoài.  Giống như hàng chục ngàn cô gái nông thôn ở miền núi phía Bắc và Đông Bắc Thái, tiền từ những đêm ở Soi Nana sẽ tìm đường về lại mái nhà nơi cô đã ra đi. Cô kể, nhờ nghề này mà cô có tiền chăm sóc cả gia đình, giúp cha mẹ xây nhà và phẫu thuật chuyển giới. May thay, nhiều tổ chức đấu tranh vì quyền phụ nữ, tổ chức xã hội dân sự hỗ trợ người như cô kiểm tra sức khỏe, kiểm soát bệnh tật, chống bạo hành và nạn buôn người.

 

Cảnh sát bảo vệ an ninh 24 giờ trong khu phố đèn đỏ ở Thái. Nhân viên không bị đánh đập và xâm phạm thân thể trong quán bar. Họ được nhìn nhận như một thành phần kinh tế đang tồn tại dưới sự kiểm soát của nhà nước.

 

Còn tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Xuân Lập tuần rồi vừa khẳng định với các nhà báo rằng “Mại dâm không thể là một nghề. Ít nhất là từ nay đến năm 2020.” Ông cũng cho rằng, nhà quản lý đã “quá nhân văn trong vấn đề này” bởi không hình sự hóa người mua, bán dâm. Họ chỉ bị xử phạt hành chính, “bán dâm cho một người thì xử phạt vài trăm ngàn, bán cho nhiều người thì phạt tăng lên”; Người mua dâm khi bị phát hiện, bắt quả tang cũng chỉ bị xử phạt và thông báo cho thủ trưởng cơ quan nếu là cán bộ công chức, và pháp luật hiện vẫn “không quy định việc bêu tên người mua, bán dâm”.

 

Tuyên bố mạnh mẽ này làm tôi nhớ đến Ryn. Cách Ryn hành nghề mại dâm ở phố đèn đỏ Bangkok không làm tôi hoảng sợ, bất an như những cô gái đứng đường hay phóng xe trên đường tối ở Sài Gòn. Cho dù nhà quản lý diễn đạt theo cách nào, thì mại dâm trên thực tế vẫn là một “nghề”. Theo một nghiên cứu của ILO, ước tính số người bán dâm ở Việt Nam là 101.272 người năm 2016. Tức là số lượng không kém Thái Lan nhiều. Những câu đe dọa về “hình sự hóa” và những nỗ lực ra quân truy quét mang tính tình huống không xóa sổ được sự tồn tại của họ ngay ngày mai. Nhưng họ cũng không có sự đảm bảo an toàn nào nếu tiếp tục như hiện nay. Họ tự xoay xở với nguy cơ dịch bệnh, bị lạm dụng, bị tấn công, bóc lột, buôn bán, không được bảo đảm ở mức cơ bản các tiêu chuẩn về an sinh.

 

Vì không được và chưa biết bao giờ sẽ được đưa vào, hay thậm chí bị đưa ra hoàn toàn khỏi “vòng pháp luật”, ngành công nghiệp tình dục ở Việt Nam vẫn để ngỏ nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy. Trong đó, mại dâm trẻ em, mại dâm có bệnh tật, bạo lực tình dục, buôn bán nô lệ tình dục hoàn toàn có nguy cơ phát triển mạnh mẽ ở các góc khuất, giống như đã từng xảy ra ở Thái trước giai đoạn thừa nhận và quy hoạch phố đèn đỏ.

 

Nếu như không thể phân định rạch ròi ngay, giữa một bên là quyết tâm triệt phá đến tận cùng, và một bên là thừa nhận và quản lý những con người này, thì mọi tuyên bố dù sắt đá đến đâu đều chỉ là… lời nói, chỉ kéo dài một cuộc tranh luận vốn đã kéo dài cả thập kỷ.

 

Và trong cuộc tranh luận không có hồi kết đó, trong cái trạng thái mập mờ mà nhà quản lý cho rằng vẫn “quá nhân văn”, hàng trăm nghìn cô gái vẫn đứng trong các góc tối hàng đêm, và đối mặt với những rủi ro không thể lường trước.

 

KHẢI ĐƠN/VNE

 

 

>> XEM TIẾP NHỊP SỐNG SÀI GÒN…