(Vanchuongphuongnam.vn) – Con Phèn vừa xộc về đã húi đầu vào chân ba tôi ăng ẳng. Nó báo tin vừa phát hiện thú lạ hay chỉ đánh hơi thấy không biết nữa. Vừa húi đầu mấy cái vào chân ba, lại quay đầu chạy về hướng nổng tranh. Ba đang đứng giữa bậu cửa dở dang câu chuyện gì đó với chú Năm hàng xóm. Tôi chỉ thoáng thấy ông co chân hất nhẹ con Phèn.
Nhà văn Võ Văn Trường
Đoạn chạy được mươi thước, chưa thấy chủ đi cùng con Phèn lại chạy về húi đầu vào chân tôi. Biết rồi, mày ngầm ý nhờ tao giục ông chủ đây mà.
Ba quay lưng xách cái rựa, cùng tôi đi theo con Phèn ra nổng tranh.
– Thôi đúng rồi bầy chồn hương lại về.
– Xạ hương ngậy cả lên thế này làm gì qua mặt con Phèn.
Hàng ổi bờ vườn thơm lựng, đêm qua lũ dơi đánh chén lơ là làm mấy quả to bự rơi lổn ngổn dưới gốc. Ba nhặt một quả lên nghía nhìn.
– Không chỉ có lũ dơi mà mấy con chồn hương đã nếm thử, dấu răng sắc cạnh, chấu ba… khác hẳn lũ dơi. Con Phèn chạy ngược, chạy xuôi ăng ẳng như loan báo vùng lãnh thổ từng có kẻ lạ xâm lấn.
Trở về nhà ba lặng lẽ lấy ba cái bẫy lòn, còn gọi bẫy thòng lọng lên nổng tranh. Y rằng sáng hôm sau, hai trong ba bẫy phát huy hiệu quả. Dính bẫy, hai con chồn hương quày nát cả khoảnh tranh, cây bụi gần đó, rồi níu cứng trong tranh. Tuy không chuyên săn bắt, nhưng tôi rất nể tài bẫy thú của ba.
Ký ức tuổi thơ tôi không thể quên con Phèn. Không biết bao giờ nó đã là người bạn nhỏ của tôi. Nó kiêu hãnh vì bộ lông vàng đậm rất sáng, nổi nhất là khoan vằn quanh cổ giống như một chiếc khăn choàng đỏm dáng. Mỗi khi ngước lên nhìn lúc nào cũng chỉn chu, nghiêm túc, làm tăng khả năng tin tưởng của người đối diện khi con Phèn muốn truyền đi thông điệp gì đấy. Sau này không được đi săn nó phải quanh quẩn ở nhà, khi nào hứng chí nó lại rủ rê tôi chạy lên nổng tranh thả sức rượt khống đến mệt lữ rồi lặng lẽ trở về.
Những đêm trăng sáng, nhất là khi phát hiện có dấu thú rừng, nó ngước mặt lên trời tru lên rất tội nghiệp…
Nhìn con Phèn tôi không khỏi liên tưởng đến con Buck nổi danh trong tiểu thuyết Tiếng gọi nơi hoang dã của nhà văn Mỹ Jack London. Nếu nhớ không nhầm cha Buck là một con chó nòi Saint Bernard khổng lồ, mẹ là một con chó chăn cừu nòi Scottland. Dù được sinh ra trong nhung lụa với cuộc sống quý tộc an nhàn nơi đô thị nhưng khi số phận run rủi Buck phải quay trở về đồng hoang, thì bản ngã nguyên thủy con vật hoang dã đã ngay lập tức trỗi lên mạnh mẽ. Và Buck đã trở thành con sói đầu đàn thống trị vùng Alaska.
Còn con Phèn của tôi thì trung thành theo chủ và cũng bỏ nghề theo chủ khi chưa thể làm tròn sứ mệnh mà dòng máu chảy trong người nó luôn thôi thúc.
Ba bảo, tất cả những gì ông biết đều do ông Tư, một thợ săn có tiếng trong vùng, cũng là người bà con dòng tộc Võ nhà tôi truyền lại. Ông Tư qua đời đã lâu, nhưng chuyện về ông luôn kích thích tính tò mò của tôi cũng như đám trẻ làng Thượng ngày đó.
*
Làng Thượng xưa núi lớn sát kề, cây cối rậm rạp, cọp beo, heo rừng, chồn cheo nhiều vô kể. Cọp về tận nhà dân trong làng quấy phá, bắt trâu bò, lợn gà. Trước cách mạng 8.1945, làng Thượng lập ra phường săn thú dữ gồm những thanh niên khỏe mạnh, giỏi võ, chí ít cũng có một ngón nghề nào đó đặc biệt. Và bằng tài nghệ bẩm sinh, ông Tư trở thành thủ lĩnh phường săn thú của làng.
Ba kể, ngoại hình ông Tư khá khác người, mặt xương, trán dô, mắt nhỏ nhưng hai tai thì rất lớn, vểnh về trước. Người ta bảo chính cái tai này nên ông rất thính. Với cọp thì không nói làm gì, vì cọp ăn thịt sống đi đâu là sực lên mùi măng thiu theo đó. Còn những loài khác như gấu, nai, chồn cheo… ông đều phát hiện được. Ngoài đặt bẫy, phường thợ săn làng Thượng do ông Tư cầm đầu còn tổ chức những trận săn cọp, chuyện kể cứ như huyền tích của những người khai sơn lập địa.
Một lần ông Tư săn con cọp cái rất dữ, nó đã bắt khá nhiều trâu bò của làng. Năm đó, sau mùa động dục, khi đã thụ thai, cọp cái đuổi cả chồng đi, lén về làng tìm cái ăn nên ai cũng lo sợ. Cứ khi trời về chiều, nhá nhem tối nhà nhà cổng đóng then cài. Trâu bò thì lừa cả vào chuồng… thế mà không thoát được nanh vuốt con cọp cái dữ tợn này.
Lần đó, theo theo dấu vết cọp cái vừa tha một con bê, ông Tư đã tìm đến cửa hang. Phát hiện có người, cọp quay lại chạm mặt. Ông rút ngay cây giáo ra thủ. Mắt nhìn chăm chắm hai mắt hổ, lựa thế. Kinh nghiệm đi rừng dạy cho ông biết, nếu nó đập đuôi về phía trái, nó sẽ nhảy sang phía phải, còn đập đuôi phía phải, nó sẽ lao sang bên trái. Nhưng con cọp lần này lại cuốn đuôi vòng tròn dưới bụng, nên ông biết nó sẽ bổ thẳng từ trên xuống. Đúng như dự đoán, sau cái đập đuôi nó đã vọt lên không trung, nhe nanh, giơ vuốt chụp thẳng xuống đầu ông.
Ông Tư tấn thủ chắc như bàn thạch, bật ngọn giáo nhằm ngay chớn thủy của cọp. Sức nặng của con cọp làm thanh giáo gãy đôi, ông ngã chỏng chơ, nhưng nửa thanh giáo đã thấu tim chúa sơn lâm.
Người săn cọp bị xây sát nhẹ nếu chủ quan không rửa sạch vết thương, dùng thuốc chữa trị nhiễm trùng có khi mất mạng. Bởi móng vuốt cọp rất độc. Một kinh nghiệm ông Tư cho biết, những thợ săn không may bị thương do thú dữ giữa rừng thì phải nhanh chóng tháo vỏ dao ra, cạo phần đen bên trong sau đó hòa với nước lã, uống là khỏi. Theo ông con dao rừng chặt nhiều loại cây lâu năm, trong đó có cả cây độc và cây thuốc quý, nhựa các cây này tích tụ vào vỏ dao tạo nên chất giải độc hiệu nghiệm.
*
Như thường lệ, hôm đó sau khi tìm chỗ đặt bẫy xong, ông Tư chọn một gốc cây ngồi kéo mớ thuốc rê chờ đến khi trời sáng để đi thăm bẫy. Lạ là suốt đêm hôm ấy ông thấy trong người cảm giác bất thường, một nỗi sợ mơ hồ. Không phải là sợ thú dữ hay là chuyện ma quỷ giữa rừng mà cái cảm giác bất an, nhất là suốt đêm đó ông nghe tiếng khỉ gào thảm thiết, gần sáng thì nhỏ dần rồi tắt lịm.
Mặt trời ló dạng, ông Tư bắt đầu đi thăm những chiếc bẫy đã đặt chiều qua. Ngay chiếc bẫy đầu tiên, một con nai lớn dính bẫy đã chết, mắt trắng dã. Quan sát kĩ, ông Tư nhận thấy đó là một con nai đang có mang. Như điềm báo chẳng lành, ông tìm đến chiếc bẫy thứ hai thì phát hiện một con khỉ mẹ dính bẫy thòng lọng treo bổng lên cao đã tắt thở. Bên dưới một chú khỉ con thoi thóp sắp chết do khát sữa. Ông Tư sực nhớ tiếng khỉ gào đêm qua. Đó là tiếng con khỉ bố đứng bên cạnh nhưng bất lực nhìn vợ, con gặp nạn… Khi ông Tư xuất hiện thì khỉ bố không bỏ chạy mà cứ chắp tay vái lạy liên tục, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng…
Đành lòng ông Tư phải dùng cành cây đuổi nó mới đi. Trước khi đi khỉ bố đã cắp luôn chú khỉ con chỉ còn thoi thóp. Mủi lòng, ông Tư đã chôn khỉ mẹ tại đó. Ba hôm sau ông tìm đến. Khác thường, bên ngôi mộ nhỏ bác chôn khỉ mẹ, có một vuông đất nhỏ hơn. Lấy cây rựa bới lên, ông phát hiện xác chú khỉ con. Lại nghĩ về gia đình khỉ, ông ray rứt mãi.
Đời riêng ông Tư cũng không mấy người rành rẽ. Họ chỉ biết nghe đâu ông từng có vợ, con. Rồi vợ bỏ đi, con mất nên một thân một mình. Con chó săn đầu đàn khi phường săn tan rã đã về ở với ông Tư như là hai người bạn. Thấu cảm đời nhau dù là một người, một vật.
Ba trầm tư, đời người có những điều khó nói, có những điều lặng lẽ theo người xuống mộ. Ngoài nghề săn, ông Tư còn có tài bốc thuốc Nam cho dân trong vùng. Cảm, sốt, ban sa, nóng lạnh…ông cho nắm lá về uống là khỏi. Hè năm ấy, sau đợt săn dài ngày trở về, ông phải thức luôn trưa để bốc thuốc cho số người đã đợi ông nhiều ngày. Người cuối cùng là một phụ nữ trùm khăn kín mít. Cứ nghĩ chị ta cảm sốt, sợ gió máy gì… nhưng khi chị nói ông mới hay, người bệnh từ vùng khác đến nhờ chữa vết thương. Rồi chị ta xin được ở lại, vì vết thương quá nặng. Chuyện tình giữa ông Tư và cô gái bịt khăn còn dài nhưng ở cái xứ heo hóc núi như làng Thượng nên cũng chẳng mấy ai để tâm. Chỉ có phường thợ săn là xì xào bàn tán về cái nhan sắc của cô gái trẻ hơn hẳn con gái trong vùng lại phải duyên người thủ lĩnh của họ.
Cuộc sống bình lặng trôi đi, người phụ nữ bịt khăn trở thành người nâng khăn sửa túi cho ông Tư. Chẳng mấy khi thấy chị ra khỏi nhà cho đến khi đứa bé chào đời o, e tiếng trẻ. Ai cũng nói ông Tư trẻ ra vì cái duyên trên trời rơi xuống.
Làng Thượng quê tôi ngày đó, thời điểm thú dữ hoành hành dữ dội nhất là khoảng ba tháng cuối năm. Đó là khoảng thời gian các động vật trong rừng bắt đầu ngủ đông. Thức ăn khan hiếm buộc chúng phải ra khỏi rừng nhằm vào các chuồng trâu bò, vật nuôi tại các gia đình để kiếm ăn. Đất Quế Sơn ngoài ông Tư ra còn vài thợ nữa, nhưng không mấy tiếng tăm. Còn làm kẹp để bẫy cọp thì cả tỉnh Quảng Nam không đâu bằng kẹp làm ra ở làng Lỗ Gián, Quế Sơn.
Chuyện thật hoàn toàn chứ không phải giai thoại. Để bảo vệ dân, một chánh tổng ở làng Thạnh Bình, Tiên Cảnh, Tiên Phước quê cụ Huỳnh Thúc Kháng là Huỳnh Khiêm đã bỏ công đến tận Quế Sơn để mua kẹp. Bởi thời đó, vùng Tiên Phước cũng nổi tiếng nhiều cọp dữ. Cháu cụ Huỳnh Thúc Kháng là Huỳnh Toản cũng là thợ săn cọp có tiếng… rồi Huỳnh Nãi cũng quê cụ Huỳnh là người sống sót sau cùng của phường săn cọp triều Nguyễn được thành lập theo chỉ dụ đặc biệt của vua Bảo Đại.
Mùa thu năm ấy ở làng Thượng trời đất thật yên bình. Bình minh, những gió mát lành thổi từng đợt, nắng vàng khe khẽ điểm tô không gian xóm núi lô xô những mái nhà có tiếng nghé ọ, tiếng người gọi nhau í ới, tiếng tra cán rựa, cán cuốc vẳng lên những âm thanh như sinh khí đặc trưng của làng Thượng. Mặt trời chênh chếch nắng lùa lũ mây trắng khi sớm còn nhởn nhơ đã giấu mình phía mấy đỉnh núi cao. Tiếng tù và rúc vang lên, phường săn tụ họp cho chuyến săn mở hàng đầu thu. Chia tay ông Tư người vợ trẻ còn bồng đứa nhỏ chạy theo dúi cái bi đông nước lá chè khô vào cái áo lắm túi của ông Tư. Họ nhìn nhau như sự gửi gắm những tin yêu ngày vắng nhau. Bởi nghề săn giữa rừng luôn đối mặt với bao hiểm nguy.
Ông Tư không ngờ rằng đó cũng là lần chia tay cuối cùng của ông với người vợ trẻ và đứa con chào đời chưa bao lâu.
*
Ông Tư đi hôm trước thì hôm sau có một người đàn ông mặc sắc phục thuộc một đơn vị nghĩa quân, kè kè khẩu súng tìm đến người phụ nữ bây giờ là vợ ông Tư. Hình như họ là tình cũ, người phụ nữ đã bội tình khi người đàn ông đi xa. Đúng tuần ông Tư trở về thì chứng kiến cảnh tượng thật bất ngờ. Nhà thì cửa đóng then cài, vắng tanh, vắng ngắt.
Phá cửa bước vào ông Tư đứng tim khi tận mắt chứng kiến cảnh đứa con gái lên hai nằm vắt bên cối giã gạo. Tất cả cứ y như cảnh gà đã cắt cổ đợi nhúng nước sôi làm lông.
Đột ngột và quá khiếp sợ, ông Tư chỉ kịp hét lên một tiếng rồi ngất đi. Sau đó, nhiều người đề nghị đi báo chính quyền sở tại nhưng ông Tư ngăn lại… cô gái kia đã là gì với ông đâu, họ đâu hề cưới hỏi. Làm lớn chuyện, coi như đâm đầu vào vòng lao lý.
Âm thầm chôn cất đứa con bé bỏng tội nghiệp rồi lại sống như những ngày trước đây chưa có biến cố tang tóc trong đời. Đêm đêm ông Tư lại nghĩ đến con khỉ đực kêu gào thảm thiết, cảnh con khỉ mẹ đã chết, con khỉ con khát sữa cũng đã tắt thở… rồi cảnh đứa trẻ lên hai.
Ông Tư tuyên bố giải nghệ, rã đám phường săn, con chó đầu đàn được về với ông Tư. Lúc đó tên nó cũng là Phèn.
Cuối năm đó, ông Tư tư ốm nặng rồi mất. Con Phèn cũng không ăn uống gì, sau đám tang ông Tư mấy ngày nó ra đuôi mả ông chủ nằm và chết ở đấy. Thương tình người ta chôn nó gần chủ. Ba tôi bảo, trên đời không nên gieo cái ác, dù là dã thú. Ngón nghề ông Tư truyền lại cho ba từ lâu ông cũng đã bỏ hẳn.
Xóm rừng mùa trọng hạ 2020
V.V.T