Nghệ sĩ đường phố – Truyện ký của Diễm Thi

580

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cứ đến gần những ngày gần Tết hoặc lễ lớn 30/4, Trung Thu, Giáng Sinh… người ta lại thấy bắt đầu không khí văn nghệ lan tỏa tưng bừng khắp phố phường. Những tranh Tết và tranh thư pháp sản xuất hàng loạt được treo bán ở các nhà sách ngay từ đầu tháng chạp âm lịch. Nơi lề đường thủ đô hay các tỉnh thành lớn trong nước, trong cảnh nắng đẹp hiu hiu ngọn gió heo may, thấy lác đác xuất hiện các nghệ sĩ đường phố không biết đến tự phương nào.

Đó là những nghệ sĩ cây nhà lá vườn. Thỉnh thoảng, những thực khách trong một quán cà phê hay tiệm cơm bình dân bên đường được thưởng thức một xen nuốt kiếm chớp nhoáng bên lề đường gần đó có thể làm teo ruột, không kém một nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp. Rồi đến những ca sĩ bán kẹo kéo, trong bộ y phục sặc sỡ, khó nhầm được với bất cứ ai. Các anh chị hành trình với chiếc xe máy gồ ghề, trang bị lỉnh kỉnh đủ đồ nghề, xuống những những câu vọng cổ mùi mẫn, quăng bắt, luyến láy ngọt ngào như kẹo kéo không thua gì vua vọng cổ Út Trà Ôn hay danh ca Minh Cảnh, hay sầu nữ Út Bạch Lan…

Dưới bóng cây mát mẻ nơi đường phố đông người hay nơi hành lang khách sạn, nhà hàng,.. người ta cũng thấy lác đác xuất hiện bóng dáng các họa sĩ hay nghệ nhân nghiệp dư, bắt đầu vẽ ký họa hay viết thư pháp cho khách bộ hành bản xứ hay nước ngoài yêu mỹ thuật.

Ai cũng biết, Ký họa (Sketch), chủ yếu vẽ chân dung (portrait) và phong cảnh Tiêu chí của nghệ sĩ ký họa là làm sao nắm bắt cho được cái thần thái chân dung con người hay cảnh vật qua sự biểu đạt chớp nhoáng chỉ bằng vài nét vẽ cô đọng mà ít khi sử dụng màu sắc.

Thư pháp (Calligraphy) có nghĩa là phương pháp viết chữ đẹp, một mô hình nghệ thuật có nguồn gốc từ lâu trên thế giới từ đông sang tây, được coi như một phương tiện thông tin, tuyên truyền hay một  hậu duệ của mỹ thuật (Arts).

Cũng như thủ đô Hà Nội, các tỉnh thành lớn trong nước Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… trong những ngày cuối năm, không khí hoạt động nghệ thuật đã sớm thể hiện rõ nét ngay từ trước ngày đưa Ông Táo về trời. Dấu ấn đặc biệt này được báo hiệu bằng tiếng rao bán sang sảng của những em nhỏ hớt hơ hớt hải chạy khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố: Ai mua cò bay, ngựa chạy đưa ông Táo về trời đây! Loại hàng giấy mang sắc thái tâm linh này, các em rao bán thực sự không phải là dòng tranh dân gian đúng nghĩa mà chỉ là một chủng loại hàng mã vẽ, ở dạng mộc bản, chỉ nhằm để phục vụ nhất thời cho một số bà con có nhu cầu cúng kiến trong ngày tiễn Táo quân về trời  –  ngày 23 tháng chạp âm lịch.

Mỗi năm, cứ vào độ mười ngày trước Tết Nguyên Đán, tại Tây Đô, trong không gian tươi sáng mát mẻ của những ngày cuối tháng chạp, khi bất chợt cảm nhận được cái lạnh se sắt của ngọn gió đông báo hiệu, nhóm anh em có máu văn nghệ, hành quân ra phố.

Địa bàn chiến đấu của đoàn nghệ sĩ nghiệp dư là một địa chỉ quen thuộc của bà con địa phương. Trên mép lề đại lộ Hòa Bình, đối diện với cửa vào siêu thị Coop – Mark, trước cửa viện KSND, điêu khắc gia chính hiệu Trương Quốc Thái (đã mất), biểu diễn sở trường của anh là thêm những bức tranh thư pháp chữ Hán với nét bút lông điêu luyện, trông qua rất gần gũi với thiếp Lan Đình ngày trước của Vương Hy Chi (303-361, đời Đông Tấn – Trung Quốc):

Khen thay bút pháp đã tinh/So vào với thiếp Lan Đình nào thua (Nguyễn Du). Cắm quân tại ngả tư đại lộ Hòa Bình – Xô Viết Nghệ Tĩnh, thuộc phạm vi hành lang lề đường viện Bảo Tàng Thành phố được gọi là phố Ông Đồ, là đội ngũ các nhà thư pháp tài hoa son trẻ nhiệt tình, đa phần xuất thân từ trường các Đại học ở Cần Thơ. Rải rác trong những ngày cao điểm, một số sinh viên yêu thư pháp, cũng đánh du kích tại các góc ngã tư đường hay nhà hàng, khách sạn tiệm buôn trong thành phố theo yêu cầu của khách hàng để thỏa mãn lòng yêu cái đẹp nghệ thuật.

Riêng nhóm nghệ sĩ Đan Thanh vừa mang ít nhiều chất tài tử và lãng tử gồm các thành viên có chỗ làm việc ổn định trong đời sống: trường học, cơ quan nhà nước hoặc từ một hội văn học nghệ thuật tại địa phương. Anh Văn Ngon là sĩ quan, chị Ngọc Thu là cán bộ còn bạn Bửu Vinh là bác sĩ, Như Ngọc là sinh viên y khoa trong khi Đan Thanh làm nghề gõ đầu trẻ, có chân trong trong Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật. Cứ gần đến thời điểm làm việc, ai cũng hăm hở gọi điện nhau chuẩn bị hành quân ra phố! Môi trường tác nghiệp của đoàn, ngoài các sàn diễn di động bất ngờ theo yêu cầu phải dẫn đoàn đi hát rong, còn lại là những tọa độ đỏ thường xuyên có mặt hàng năm tại: Đình Thần Long Tuyền – Bình Thủy trong lễ “Ngày Thơ Việt Nam”, Hội chợ Thương mại Cái Khế, Công viên Văn hóa Miền Tây, Chợ Hoa đường Nguyễn Thái Học, tiền sảnh chùa Ông gần chân tượng Bác Hồ tại bến Ninh Kiều, Cần Thơ…

Cái không giống ai của nhóm là phong cách thể hiện đặc thù của từng thành viên. Nghệ sĩ mang chất nhà binh Văn Ngon nổi bật trước tiên với nét chữ tài hoa độc đáo dù chưa được như rồng bay phượng múa, nhưng với sắc màu acrylic mịn màng, nét bút lông bay bướm, tinh tế rất dễ thương của anh cũng đã mấy lần xuân làm rung động, xao xuyến trái tim của bao khách thưởng ngoạn nghệ thuật. Nhà nữ thư pháp Ngọc Thu sở trường với những bức tranh chữ nhỏ, như trên danh thiếp, thiệp cưới hỏi, phong cách đài cát điêu luyện đầy cá tính, rất khó bị ai đụng hàng ! Nghệ nhân y sĩ Bửu Vinh, trải nghiệm lâu năm trong lĩnh vực hội họa và thư pháp, chuyên xử lý những bức tranh chữ cỡ lớn bằng màu, sơn mà phải trình bày gai góc, có minh họa hình ảnh chim thú, hoa lá, trăng sao vì anh vốn là tay vẽ giỏi.  Nữ bác sĩ Như Ngọc, tốt nghiệp xuất sắc ngành Y, rất yêu mỹ thuật, vẫn luôn gắn bó với đoàn, không hề vắng mặt buổi nào để tiếp lo phần tài chính.

Với Đan Thanh, người bầu gánh mỹ thuật trách nhiệm chung trong đoàn bao giờ cũng ấn tượng với người xem ở xen biểu diễn vẽ tay trái, viết tay phải, khi bằng bút lông, bút sắt, khi với mực, màu các loại hoặc sơn dầu. Do vậy, anh lúc nào cũng lôi cuốn người xem mỗi khi cầm cọ ngồi vào bàn làm việc trong sắc phục tề chỉnh của ông Đồ. Chưa nói đến nét ký họa như lột hết hồn cốt nhân vật, nhiều bức tranh thư pháp của Đan Thanh đều có minh họa hoặc trang trí bằng màu trên nền tranh sau khi viết chữ cả Việt Hoa Anh Pháp Đức Hàn…vì anh cũng là giáo viên đa ngữ (multilingual teacher). Nét chữ trong tranh thư pháp của anh biểu lộ một phong cách đặc biệt. Từng sắc độ đậm nhạt, cường độ lớn nhỏ nổi bật vẻ tân kỳ mà chân phương như được tác giả thổi hồn vào nên dễ gây xúc cảm ở người thưởng ngoạn nghệ thuật. Dù bận rộn túi bụi tại túp lều mỹ thuật dã chiến, có lúc Đan Thanh còn phải ngồi đăm chiêu moi tìm lại trong ký ức câu thơ, đoạn thơ hay của một thi sĩ nổi tiếng hoặc phải suy nghĩ ra câu đối, sáng tác ngay bài thơ ngắn hoặc đoạn văn bằng tiếng Việt hay ngoại ngữ tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Viết thư pháp tức là Vẽ tranh chữ – thiết nghĩ cần đảm bảo tính chân phương, để chuyển tải đúng đến người xem nội dung chủ đề, dù có phá cách nghệ thuật, bay bướm quăng bắt đường nét đến mức độ nào. Nhà thư pháp có lẽ không nên để cho khách hàng băn khoăn thắc mắc rồi mới giải thích: Tôi vẽ theo trường phái siêu thực, lập thể hoặc khuynh hướng đa-đa (dadaism)… là điều thường gặp mà khách mua tranh đã phản ánh. Hiển nhiên, vẽ ký họa mà làm cho anh thanh niên này giống ông cụ kia hay cô Tư bên cạnh nhà bị tưởng nhầm ra bà bảy Bảy xóm trên là không nên!.

Những ngày lễ, Tết, trong không khí ấm áp của ngày xuân, nhà cửa khang trang, gia đình đầy đủ, bà con, bè bạn vui vầy, mọi người chúc mừng nhau những câu ý nghĩa hay, những điều tốt cần làm. Ngồi ăn miếng dưa hấu tươi ngon, nhìn lên tường nhà thâm nghiêm, trong sóng nhạc nhạc xuân lành mạnh, những hình ảnh trong sáng, điểm xuyết bên câu đối nội dung sâu sắc, trình bày xinh đẹp chân phương, lòng ai cũng cảm thấy rạng rỡ, ngày xuân thêm mặn nồng ý vị trước những chậu mai, cành đào, giò lan tươi thắm.

Có dịp vui vẻ bên ly rượu, chung trà bên dĩa bánh mứt, trong những ngày vui, để hàn huyên tâm sự, cũng là cơ hội tốt để mọi người lạc quan nghĩ đến ngày mai tươi sáng. Văn nghệ sĩ cũng có dịp nghĩ lại công việc của mình trong ngày qua và nhìn lên con đường phía trước. Người cầm cọ, cầm bút có tài năng và nhân cách, tức là người nghệ sĩ chân chính – không khác một sứ đồ – lúc nào cũng cần có một thông điệp về phong cách nghệ thuật và tính nhân văn trong đó nổi bật là bài học làm người – cho đúng với sứ mệnh cao quý văn nghệ từ xưa đến nay.

Diễm Thi