Nghệ sĩ lên mạng bán hàng hay bán mình?

854

Sau hơn 1 năm đương đầu với những làn sóng COVID-19, ngành thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước trưởng thành đáng kể. Trong đó, nhiều nghệ sĩ đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi để bán hàng online khá tưng bừng. Tuy nhiên, ngoài yếu tố thu hút từ hình ảnh cá nhân, thì những lời quảng cáo công hiệu của sản phẩm hoàn toàn không đáng tin cậy.

Thời COVID-19 hoành hành, các tụ điểm giải trí đều đóng cửa và thu nhập của giới nghệ sĩ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Vì vậy, tận dụng công nghệ kết nối, nhiều nghệ sĩ nhảy sang lĩnh vực bán hàng online như một giải pháp khôn ngoan.

Diễn viên điện ảnh Việt Trinh bán kính nhập khẩu thì diễn viên sân khấu Cát Tường bán mỹ phẩm nhập khẩu. Khán giả tin và mua, nhưng chất lượng sản phẩm thì vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, nóng bỏng nhất trên thị trường bán hàng online của nghệ sĩ là những loại thuốc ngăn chặn béo phì và đột quỵ.

Trong một video có thời lượng khoảng 7 phút đăng trên YouTube, nam diễn viên L. quảng cáo viên sủi giảm cân tên Slim Hami với nội dung các thành phần có trong viên sủi “giúp đào thải tất cả mỡ thừa và biến mỡ thừa đó thành năng lượng, đặc biệt dành cho chị em mỡ thừa nhiều, mỡ “xi măng, mỡ trâu”, mỡ lâu năm làm nhiều cách mà không tan”. Còn trong một livestream trên Facebook, nữ nghệ sĩ T. rao bán sản phẩm được cho là “có khả năng chống đột quỵ” với giá bán lẻ 950.000 đồng/viên.


Diễn viên Cát Tường thường xuyên livestream để bán mỹ phẩm.

Chưa hết, ồn ào nhất trong các câu chuyện của giới mộ điệu là ca sĩ H quảng cáo viên sủi Shami Xoan có khả năng “triệt tận gốc viêm xoang”, “hai em bé thần tiên”, “vị cứu tinh của những ai đang bị xoang”… Theo Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, sản phẩm Shami Xoan có tên gọi là  “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shami Xoan”, được cấp cho Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Griffin Việt Nam (Hà Nội). Giấy xác nhận quảng cáo số 2739 ngày 28.8.2020. Nội dung quảng cáo, ngoài các thành phần nhãn mác, thì công dụng là: hỗ trợ thông mũi, hỗ trợ giảm các biểu hiện chảy nước mũi, ngạt mũi, đau vùng đầu trán do viêm xoang. Không có nội dung nào nói là “sản phẩm rất đặc biệt, là vị cứu tinh của những ai đang bị xoang, hai em bé thần tiên, công nghệ nano Nhật Bản…”.

Khi kinh doanh cùng một mặt hàng, thì các nghệ sĩ cũng không ngần ngại cạnh tranh lẫn nhau bằng những lời quảng cáo được mở hết công suất. Thậm chí, nghệ sĩ M bạo mồm rao rằng sản phẩm mình đang bán là “loại thuốc dùng trong nội bộ Chính phủ”. Sự bát nháo của thị trường bán hàng online có sự tham gia nồng nhiệt của các nghệ sĩ, đã và đang tạo ra nhiều tình huống dở khóc dở mếu.

Đạo diễn Lê Hoàng nhận định: “Những nước mà nền nghệ thuật phát triển, người diễn viên làm việc của họ đã mệt chết rồi, họ không có sức đâu bán hàng online và họ cũng không làm việc đó. Mặc dù bán hàng online không xấu nhưng khi ta làm nghệ sĩ trong nền văn hóa cao và bận bịu chúng ta không còn thời gian làm chuyện đấy đâu.  Một thực trạng đáng buồn là một số nghệ sĩ không muốn nhận lời mời đóng phim vì thu nhập không cao như bán hàng online.

Có những cô diễn viên rất thành công với bán hàng online. Họ còn nói với tôi rằng lười nhận phim vì thu nhập không cao bằng bán hàng online, đi đóng phim chỉ để khán giả nhớ tên vì là nghệ sĩ người ta mới mua hàng. Đấy là mặt tích cực của vấn đề nhưng ngược lại thì những người đó đâu còn quan tâm đến tác phẩm nữa. Mình cũng không trách được vì phim không nuôi sống được họ, họ mới phải làm như vậy nhưng hai cái ảnh hưởng đến nhau. Xem vui lắm vì có nhiều người cực kỳ duyên dáng nhưng mặt khác cũng có nhiều người sex lắm. Có những người bán quần áo sẵn sàng cởi, thay đồ trước camera để tăng lượt xem, tương tác, câu like”.

Bà Chang Trần đang làm việc cho Google ở Việt Nam cho biết, xu hướng sử dụng KOL (Key Opinion Leader – người nổi tiếng có nhiều fan, có tầm ảnh hưởng, được nhiều người biết đến) hoặc Influencer (người có sức ảnh hưởng) đang rất thịnh hành trên thị trường quảng cáo. Họ có thể là các nhà báo, nghệ sĩ, ngôi sao bóng đá đang được mến mộ, cũng có thể là một blogger, chuyên gia ở một lĩnh vực nào đó. Họ đều sở hữu lượng tương tác “khủng” trên YouTube, Facebook, Instagram… và có lượng fan không hề nhỏ.

Hình thức quảng cáo KOL qua mạng xã hội đa dạng, linh hoạt hơn, tiết kiệm và hiệu quả hơn rất nhiều so với hình thức quảng cáo truyền thống. Để quảng cáo trên báo chí, nhãn hàng phải chi ra từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng cùng với hàng loạt chiến dịch marketing khác nhau. Trong khi đó, chi phí quảng cáo trên mạng xã hội cũng tương tự nhưng tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn. Hiệu quả quảng cáo cũng được đo lường cụ thể qua số lượng lượt xem, phản hồi của khách hàng.


Diễn viên Việt Trinh khẳng định bán hàng online chỉ để lấy tiền làm từ thiện.

Nhiều năm qua, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế phải liên tục cảnh báo nhiều loại thực phẩm đang tràn lan trên mạng bằng cách dựa hơi người nổi tiếng. Đáng sợ hơn, nhiều người nổi tiếng còn quảng cáo Vaceine Hasumi “có thể ngừa ung thư bằng cách tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể và không gây ra tác dụng phụ”.

Theo giới chuyên môn, hiện nay không có Vaceine nào phòng và điều trị được ung thư như quảng cáo Hasumi. Ngay Vaceine ngừa ung thư cổ tử cung hiện đang được sử dụng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, cũng mới ngừa được một số type virút HPV, tức là làm giảm được nguy cơ mắc bệnh chứ không phải tiêm Vaceine là 100% không mắc bệnh.

Việc quảng cáo Vaceine Hasumi hoàn thiện 100% trong điều trị ung thư giai đoạn 1, 2, 3, ung thư giai đoạn 4 tỉ lệ thành công70 – 80% là hoàn toàn sai sự thật và cực kỳ nguy hiểm. “Quảng cáo này khiến người bệnh bỏ các điều trị đặc hiệu, có hiệu quả cao, thậm chí có khả năng khỏi bệnh để theo Vaceine này. Hậu quả là người bệnh mất đi cơ hội được điều trị và dẫn đến mất mạng. Đó là chưa kể vấn đề về chi phí.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, người nổi tiếng thường quảng cáo trên trang cá nhân là họ dùng sản phẩm, họ thấy thế nọ, thế kia, thực chất có thể họ không dùng nhưng là phát ngôn cá nhân nên không thể xử phạt. Chỉ có thể xử phạt nếu sản phẩm chưa có đăng ký tiêu chuẩn, là hàng giả, hàng nhái, nhưng cũng chỉ phạt được nhà sản xuất/ kinh doanh. Có thể phạt tờ báo, đài truyền hình, nhưng họ quảng cáo trên trang cá nhân của mình thì lại chưa có quy định. Vì vậy người tiêu dùng vẫn phải theo dõi kỹ thông tin và lựa chọn kỹ càng, không nên tin tưởng để mua theo thần tượng nếu quảng cáo sai phạm như Vaceine ngừa ung thư.

Thu nhập từ bán hàng online của các nghệ sĩ như thế nào? Có hai cách, hoặc ăn theo sản phẩm bán được, hoặc chỉ quảng cáo đơn thuần, và thường được trả theo đầu việc (hình ảnh, video, livestream, tham gia sự kiện, quyền sử dụng hình ảnh, độc quyền hình ảnh…).

Nếu quảng cáo đơn thuần bằng hình ảnh, một diễn viên có thể kiếm được từ 10 – 30 triệu đồng cho một hợp đồng. Còn giá quảng cáo với hình thức livestream trực tiếp trên mạng xã hội thì thù lao sẽ cao hơn so với quảng cáo bằng hình ảnh. Với các sao sở hữu lượng người hâm mộ và theo dõi hùng hậu, nguồn thu nhập này có thể lên tới hàng trăm triệu đồng/ lần.

Quản lý của một nữ diễn viên hài chia sẻ, chỉ nhận lời quảng cáo khi các nhãn hàng trình ra đủ giấy tờ xác nhận kiểm duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, họ không thể kiểm tra được giấy tờ đó là giả hay thật và sản phẩm đó có chất lượng như thế nào? Nghĩa là chính họ cũng chưa từng dùng sản phẩm, nhưng cứ nói bừa để bán hàng.

Hậu trường nghệ sĩ bán hàng online thực sự trăm hồng nghìn tía. Trong đó, hình thức livestream ít kỳ công hơn vì nhãn hàng cũng sẽ lên kịch bản sẵn, bản thân nghệ sĩ chỉ cần truyền tải lại sao cho tự nhiên, dễ hiểu nhất. Còn hình thức tự làm video sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian hơn. Dù công việc này không đơn giản, lắm rủi ro nhưng lại là thị trường kiếm tiền màu mỡ. Các hotgirl, nghệ sĩ, thậm chí hoa hậu cũng chịu đầu tư nhiều công sức để có dấu tick xanh với lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội hay đạt nút vàng, nút bạc trên YouTube để tăng cơ hội kiếm tiền từ quảng cáo và bán hàng online.

Nghệ sĩ có nguy cơ bán rẻ tên tuổi của mình cho những món hàng online. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là sức khỏe cộng đồng khi trót tin vào tay nghề quảng cáo của nghệ sĩ. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan với tư cách Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Tình trạng nghệ sĩ nói quá lố, “thổi phồng” công dụng của sản phẩm so với nội dung cho phép quảng cáo là đang vi phạm các quy định trong lĩnh vực quảng cáo. Đồng thời, pháp luật Việt Nam cũng cấm quảng cáo làm người dân hiểu lầm sản phẩm này có tác dụng hơn thuốc. Có trường hợp nghệ sĩ và nhãn hàng tự thỏa thuận kịch bản quảng cáo trên Zalo, Facebook…

Cần xem xét, bổ sung các quy định để ràng buộc những cá nhân khi xuất hiện trong các clip quảng cáo phải có trách nhiệm hơn với phát ngôn của mình. Nhất là khi một người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho sản phẩm nào đó thì đa số họ chưa biết hết về công dụng hoặc có thể chưa từng sử dụng thử sản phẩm họ đang rao bán. Nghệ sĩ phát ngôn quảng cáo cho sản phẩm bất hợp pháp, phát ngôn sai công dụng điều trị của sản phẩm phải bị xử lý vì đưa tin sai sự thật”.

Theo Gia Quan/Văn nghệ Công An