Nghệ sĩ Năm Phỉ: Danh tài cải lương không danh hiệu

390

Cố nghệ sĩ cải lương Năm Phỉ (1906-1954) là hiện tượng kỳ lạ trên sân khấu cải lương miền Nam tại Mỹ Tho. Bà có phận đời lận đận nhưng là một giọng ca cải lương thiên phú không mấy ai sánh kịp. Năm Phỉ sớm trở thành ngôi sao sáng chói ngay từ khi mới vào tuổi 15. Ghi nhớ sự đóng góp của người nghệ sĩ đặc biệt này, tỉnh Tiền Giang đã đặt tên bà cho một đường phố chính: “Lê Thị Phỉ”.

Những vai diễn độc nhất vô nhị

Trong nghệ thuật cải lương ngoài giọng ca hay còn lệ thuộc sự hóa thân vào nhân vật của diễn viên. Khi ấy hình tượng vai kịch mới hoàn chỉnh và lôi cuốn người xem. Khi ở tuổi lên 10, cô bé Lê Thị Phỉ đã biết khóc than và buồn tủi với câu hát mỗi khi đi xem về. Cô được mẹ khích lệ theo đuổi nghiệp cầm ca.

Mấy năm liền cô âm thầm ca hát cho dù người cha tuyệt đối cấm. Đến mức khi được nhận vào đoàn hát đầu tiên ở Mỹ Tho (1919), Lê Thị Phỉ đã bị cha từ bỏ. Ông chủ rạp Hai Cu đặt nghệ danh cho cô là Năm Phỉ. Ông bầu là một thợ kim hoàn nhưng lại yêu đờn ca tài tử và cho con trai theo học có bài bản về cải lương. Con trai ông là Hai Giỏi có giọng ca mùi mẫn, sớm có tố chất nghệ sĩ.

Khi mời được Năm Phỉ, ông Hai Cu bán hết gia sản để thành lập đoàn Nam Đồng Ban. Ông hy vọng có người “Trời sinh một cặp” với con trai ông. Nghiệp lớn đã đến. Quả nhiên kép Hai Giỏi với cô đào nhí Năm Phỉ nổi đình đám ở Mỹ Tho. Rạp luôn cháy vé. Ông bàu Hai Cu giàu to.

Hơn thế nữa tình yêu giữa Năm Phỉ và Hai Giỏi nảy sinh. Họ càng diễn càng hay luôn kéo khách đến rạp. Nhưng không ngờ hai năm sau trong một đêm diễn kép Hai Giỏi bất ngờ ngã vật trên sân khấu. Giọng ca ngọt ngào ấy đã tắt ngấm và Hai Giỏi đột quỵ ra đi khi ở tuổi đôi mươi. Năm Phỉ quá đau buồn vì nghiệp tổ đang thăng hoa. Rạp hát đóng cửa.


Nghệ sĩ Năm Phỉ.

Khán giả lục tỉnh luôn mong chờ Năm Phỉ xuất hiện trở lại. Ông bàu Hai Cu lập lại đoàn mới mang tên Tái Đồng Ban. Năm Phỉ quay lại hát với kép chính khác là Năm Châu (NSND Nguyễn Thành Châu). Không ngờ đây mới đúng là “Thanh đồng Kim ngọc” thực sự. Năm Phỉ và Năm Châu đã làm rơi nước mắt của khán giả sau những vở “Lan và Điệp”, “Xử án Bàng Quý Phi”, “Lã Bố hý Điêu Thuyền”; hay “Trà hoa nữ”, “Phụng Nghi Đình”…

Giọng hát ấm và khàn khàn của Năm Phỉ ám ảnh bao người vì sự truyền cảm da diết. Riêng nghệ thuật diễn xuất đã được Năm Phỉ chăm chút từng chi tiết độc đáo gây ấn tượng bất ngờ cho khán giả. Nhân vật của cô thấm đẫm nội tâm phận đời, tạo sự cuốn hút sống động trên sân khấu.

Đặc biệt vai diễn Bàng Quý Phi đã làm cho người xem luôn xao động với mỗi đêm diễn. Sự tiết chế động tác được nhấn nhá và hòa quyện trong lời ca của Năm Phỉ làm mê hoặc lòng người. Có lần diễn đến đoạn Bàng Quý Phi vừa than và lê lết đến van xin quan tòa tha chết đã làm khán giả thương cảm và bức xúc. Có những người đã cùng đứng dậy la lên đòi tha cho Bàng Quý Phi. Ai nấy cùng khóc thương cho người đẹp quyền lực một thời mà chính họ đã từng ghét bỏ.

Năm Phỉ nhanh chóng nổi lên là ngôi sao số một của nghệ thuật cải lương. Cô đã được ông chủ Phước Cương để ý trong nhiều đêm diễn. Mấy năm sau ông đã thành lập đoàn hát và mời cặp đôi Năm Phỉ-Năm Châu về diễn (1926). Ông đem lòng yêu thương Năm Phỉ và đã cưới cô làm vợ.

Với tư duy đầu tư lớn mang tầm vượt đại dương, ông bầu Phước Cương đã kinh doanh nghệ thuật rất hiệu quả. Có lần lên Sài Gòn diễn, cô đào Năm Phỉ làm khuấy động lòng người và tạo nên dấu ấn khó quên. Vai diễn Bàng Quý Phi hay đến nỗi chính phủ lúc đó đặt vấn đề đưa đoàn Phước Cương sang Paris biểu diễn (1931). Họ muốn đem chuông đi đánh nước người để tôn vinh một tài năng thuộc về phụ nữ nước nhà.

Thật bất ngờ trong cuộc trình diễn mang tầm quốc tế này, nghệ sĩ Năm Phỉ được nhận tới 4 huy chương kèm theo số tiền thưởng đến 230.000 đồng (tiền Pháp), có giá trị hàng ngàn lượng vàng khi đó. Nói thêm trong giai đoạn này đã xuất hiện nghệ sĩ Phùng Há, Bảy Nam, Kim Oanh… Nhưng giọng ca và tài năng diễn xuất của Năm Phỉ luôn được tôn vinh bậc trên.

Chính vì thế NSND Ba Vân đã từng phát biểu: “Theo tôi, cô Năm Phỉ là thiên tài trong lĩnh vực cải lương, một tấm gương sáng trong việc rèn luyện và sáng tạo nghệ thuật. Có thể nói cô là người dẫn đầu trong nghệ thuật diễn xuất thật không quá đáng”.

Nỗi cô đơn bất tận

Nghệ sĩ Năm Phỉ luôn vượt qua những truân chuyên đời riêng để tỏa sáng sân khấu. Đó là thánh đường nghệ thuật của cô, ngay cả khi tình duyên trắc trở. Mối tình đầu tiên với kép Hai Giỏi sớm lụi tàn. Nhưng sớm vượt qua nỗi đau, Năm Phỉ vẫn cất tiếng hát và đằm mình vào số phận nhân vật.

Cuộc đời là sự dâng hiến cho nghệ thuật, Năm Phỉ đã từng bày tỏ: “Hễ bước ra sân khấu thì phải hát hết mình, sống trọn vẹn với vai tuồng các nhân vật đó. Phải hát thật hay chớ không phải làm điệu bộ huê dạng để làm đẹp, để mua tiếng vỗ tay của khán giả”. 

Sau đó cuộc tình tan vỡ chóng vánh với ông chủ Phước Cương cũng không làm Năm Phỉ nhụt chí. Nỗi đau này còn làm tổn thương tình thần kinh khủng bởi chỉ ít lâu sau ly hôn, ông Phước Cương đã cưới nghệ sĩ Bảy Nam (em gái Năm Phỉ). Nhưng cô vẫn tiếp tục diễn và dâng hiến cho nghệ thuật. Năm Phỉ còn được vua Bảo Đại trao những huy chương Kim Tiền mà hiếm nghệ sĩ cải lương nào có được.


Ảnh kỷ niệm chuyến đi Pháp biểu diễn của nghệ sĩ Năm Phỉ.

Nhưng niềm an ủi cho cuộc tình đứt đoạn ấy đối với Năm Phỉ chính là khi em gái cô và ông chủ Phước Cương sinh hạ được một nhan sắc kỳ tài-Kim Cương. Nghệ sĩ Năm Phỉ đã coi Kim Cương như con ruột và hết lòng dậy dỗ. Sau này khi thành lập đoàn riêng, gia đình đã ghép hai tên Năm Phỉ-Kim Cương để làm thương hiệu. Từ đó hai cô cháu tiếp tục đồng hành trên sàn diễn và miệt mài theo năm tháng. Nhiều phen hát thâu đêm suốt sáng mỗi khi có biểu tình chống Pháp.

Năm Phỉ đã làm công tác tuyên truyền cho cách mạng. Năm Phỉ đã thay mặt Hội Ái hữu cải lương bước lên diễn đàn kêu gọi đấu tranh đòi tự do nghiệp đoàn, áo cơm, dân chủ (1-5-1938). Đây là cuộc biểu tình lớn hàng ngàn người do Ban Công đoàn của Đảng Cộng sản tổ chức diễn ra tại rạp hát Đội Có (Phú Nhuận-SG).

Từ đó nghệ sĩ tiếp tục trôi theo dòng đời nghiệt ngã. Những vai diễn của Năm Phỉ luôn luôn như ngọn lửa cháy sáng đêm đêm. Mỗi khi các đoàn biểu diễn có tên Năm Phỉ, khán giả nườm nượp kéo đến thưởng thức. Họ hồi hộp với mọi cung bậc tâm lý của nhân vật trên sân khấu. Người ứa lệ, kẻ hò reo vui buồn cùng số phận vai diễn trong vở tuồng.

Ai cũng yêu thương cô đào thương luôn làm mê hoặc lòng người này. Nhưng không ngờ trong một đêm diễn trở về mọi người đều sửng sốt khi thấy Năm Phỉ thốt ra câu muốn đi gặp tổ nghề. Đó là những cơn đau đầu dữ dội ập đến. Không ít lần cô đã bị choáng khi say hết mình trong từng câu hát và điệu bộ trên sân khấu. Quả không ngờ chỉ trong thời gian ngắn sau Năm Phỉ đã gục ngã dưới ánh đèn màu chiếu rọi ở tuổi 48.

Người đập vỡ cây đàn

Hay tin ngôi sao cải lương Năm Phỉ mất vì đứt mạch máu não (1954) đã làm giới kịch nghệ choáng váng. Khán giả tham gia đám tang đông nghìn nghịt. Trong lòng họ luôn ấn tượng với giọng hát tràn đầy tâm cảm này. Với họ, cô là ngôi sao Bắc đẩu-Kim tiền số một. Đặc biệt trong đám tang đưa tiễn Năm Phỉ có nhạc công Chín Trích. Ngón đàn ông nỉ non khóc than trong mấy ngày liền bên thân xác người đẹp. Chín Trích là người chơi đàn cho Năm Phỉ hát đã mấy chục năm ròng.

Hai người như hình với bóng. Năm Phỉ luôn ca ngợi Chín Trích. Cô cho rằng mình hát vào vai được là nhờ tiếng đàn say đắm này. Trong đám tang nghệ sĩ Năm Phỉ, Chín Trích đã than khóc: “Cô Năm đã mất rồi. Từ nay Chín Trích sẽ không còn đờn cho ai ca nữa”. Nói xong ông đập vỡ cây đàn rồi gục đầu bên quan tài. Người nhà Năm Phỉ đã chôn cây đàn này theo cô xuống tuyền đài. Đó cũng là niềm an ủi còn lại cuối cùng trong nỗi cô đơn bất tận của nghệ sĩ tài hoa này.

Theo Văn nghệ Công An