Nghệ sĩ Tấn Tài – Ông hoàng dĩa nhựa

772

Tương Như 

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong thế giới sân khấu dân tộc cách nay 6-7 thập niên, mỗi sao cải lương có một phong cách ca diễn khác biệt nhau. Khán giả hay phân biệt cách vô vọng cổ rồi dứt diểm ở chữ hò… ở cuối câu 1 sau khi diễn viên nói lối hoặc ca một bản ngắn. Với những nam nghệ sĩ nổi tiếng, nếu danh ca Út Trà Ôn có cách vào bài ca một cách bình tĩnh, chậm rãi tập trung giai điệu theo từng chữ một nhẹ nhàng mùi mẫn thì NSND Trọng Hữu vào 6 câu nghe sao thật dễ dàng! Trong khi NSND Thanh Tuấn hoặc nghệ sĩ Châu Thanh lại có thói quen vào 6 câu dồn dập đầy khí thế nghe rất xôm tụ để bắt khán giả tập trung nghe tiếng ca của mình. Cùng một thế hệ, nghệ sĩ Tấn Tài lại khu biệt một phong cách ca diễn độc đáo, khó ai nhầm lẫn với nghệ sĩ khác qua 500 vở diễn và cả nghìn bài Vọng cổ, Tân Cổ đã thu vào dĩa hát. NS Tấn Tài đoạt Huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1963 cùng với Bạch Tuyết, Thanh Tú, Diệp Lang, Kim Loan (Mộng Tuyền) và Trương Ánh Loan.

Đồng bằng sông Cửu Long bao trùm cả khu vực sông Tiền và sông Hậu là vùng đất màu của văn học nghệ thuật. Tại An Giang, miền biên thùy Tây Nam tổ quốc được coi không chỉ là miền đất văn hóa tâm linh với nhiều đền miếu chùa chiềng in đậm nhiều dấu ấn lịch sử mà còn là nơi sản sinh ra nhiều bậc anh tài văn nghệ. Ngoài các nhà chí sĩ, công thần của tổ quốc là Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), Thoại Ngọc Hầu (1761-1820), Nguyễn Quang Diêu (1888-1936), Bác Tôn Đức Thắng (1888-1980), còn có những danh sĩ như: Nguyễn Văn Hầu (1922-1995), Nguyễn Quang Sáng (1932-2014), Trịnh Bửu Hoài (sinh năm 1952) và nghệ sĩ khác Lê Trung (sinh 1919), Kim  Chưởng (1926-2014), Phan Nhân (1930-2015),… và Tấn Tài. Trong đó, nghệ sĩ Tấn Tài không những nổi tiếng trên sân khấu mà còn được thu bài ca vào rất nhiều dĩa hát nên đã được khán già suy tôn là “Hoàng Đế dĩa nhựa”.


Nghệ sĩ Tấn Tài được mệnh danh là “Hoàng đế dĩa nhựa”.

Nghệ sĩ Tấn Tài (1938-2011) tên thật là Lê Tấn Tài, sinh ra tại xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cha là Lê Thành Tâm và mẹ là bà Nguyễn Thị Đang. Tấn Tài xuất thân trong một gia đình không có ai theo nghiệp cầm ca. Sau khi thi đậu Trung học Đệ nhất cấp ở Long Xuyên, anh dạy học tại trường Thoại Ngọc Hầu, An Giang. Bản tính mê đàn ca hát cải lương từ nhỏ, nhân có phong trào đàn ca tài tử nổi lên rầm rộ, Tấn Tài đi học ca vọng cổ và cổ nhạc với hai nhạc sĩ tại địa phương là Hai Tỉnh và Út Thôi. Tấn Tài được trời cho có một giọng ca ngọt ngào truyền cảm, cộng với  khuôn mặt sáng sủa và ban nhạc tài tử tại địa phương. Thời bấy giờ, ở các rạp chiếu bóng tại tỉnh thành và những phong cách biểu diễn đặc biệt dễ thu hút người nghe nên anh chóng nổi danh ở đoàn hát nhỏ về hát tại nông thôn có lệ cho trình bày ngoài màn vài tiết mục ca tân, cổ nhạc trước khi tuồng hát chính thức bắt đầu diễn…

Năm 21 tuổi (1959), một hôm nhân có đoàn cải lương Bướm Vàng của ông bầu Văn Thà đến xã Vĩnh Trạch biểu diễn tại nhà lồng chợ. Theo tập quán của các đoàn hát ngày xưa, để chuẩn bị cho phần hát trước ngoài màn, ông bầu Văn Thà đã mời Ban Ca nhạc Tài tử của xã trong đó có Tấn Tài tham dự. Khi Tấn Tài lên ca xong, khán giả vỗ tay như bắp rang, và nhiệt liệt hô “bis”, “bis” (hát thêm lần nữa) nhiều lần. Giọng ca và phong cách biểu diễn của Tấn Tài được khán giả hôm ấy đánh giá là hay hơn cả anh kép chánh của đoàn hát. Vui mừng vì nhận thấy Tấn Tài có chất giọng tốt ca hay, lại trình diễn với phong cách rất chững chạc được khán giả ái mộ, ông bầu Văn Thà kết nạp luôn Tấn Tấn vào  đội ngũ diễn viên của đoàn. Ông bầu gợi ý cho con gái mình là cô đào Thanh Lệ bắt đầu tìm cơ hội để gần gũi, gây cảm tình với Tấn Tài… Trong thâm tâm, ông chủ đoàn hát muốn đào luyện, phát huy thêm chuyên môn ca diễn ở Tấn Tài để anh sớm trở thành kép chánh của đoàn và sau đó làm rể ông, tạo thuận lợi cho sự phát triển của đoàn hát nhà.

Nhưng trong lúc hát ở Chợ Bà – Cái Vồn, mẹ Tấn Tài vì nhớ thương con trai đang cực khổ theo đuổi một nghề bấp bênh trôi nổi, vốn bị xã hội xưa nay coi thường là ”xướng ca vô loại” đã đến tận đoàn hát định bắt anh trở về nhà. Trong gia đình, Tấn Tài bẩm sinh từ nhỏ rất yêu thương, hiếu thảo với cha mẹ. Anh vừa tỏ ra vui mừng, cũng vừa xin lỗi mẹ vì đã quyết chí đi theo con đường ca hát. Cha mẹ anh thấy vậy, đành chìu theo ý nguyện của con. Nhưng gặp lúc thời vận chưa thông, sau đó vài tháng thì đoàn Bướm Vàng rả gánh. Cô đào Thanh Lệ cũng bỏ đi đâu không biết. Tấn Tài không dám trở về quê, đành tá túc tại nhà của một fan ái mộ anh tên Hiền ở Mương Điều, Cao Lãnh cùng cuốc đất trồng khoai sống tạm chờ thời cơ.

Ở Nam bộ ngày trước từ quận lỵ đến thôn làng, nơi nào cũng có ban đờn ca tài tử giúp vui trong những ngày lễ hội, cưới hỏi hay tiệc tùng. Một thời gian không lâu sau đó,  Tấn Tài được anh Hiền giới thiệu đi đờn ca tài tử tại các xã lân cận. Nghe Tấn Tài hát, lắm cô gái quê say mê giọng ca ngọt ngào của anh giáo làng văn nghệ đang thất cơ lỡ vận. Tuy nhiên, cuối cùng, Tấn Tài chỉ đáp lại tình yêu thắm thiêt của cô Năm Đủ, một giáo viên nết na của trường tiểu học xã Mỹ Hiệp. Không ngờ tình yêu trong sáng nên thơ giữa anh và cô giáo lại trớ trêu gặp sóng gió. Ông xã trưởng Mỹ Hiệp vốn đã đem lòng yêu cô giáo, muốn cưới cô mặc dù cô Năm Đủ trong lòng chỉ yêu Tấn Tài. Do vậy, quan làng chụp mũ ông thầy giáo mê cải lương Tấn Tài là cộng sản nằm vùng. Ngài xã trưởng Bèn chỉ đạo cho đàn em tới tìm bắt ông giáo mang hồn cốt nghệ sĩ ngay tại rạp hát khiến Tấn Tài nghe tin phải núp trốn dưới giề lục bình dưới ao sau đình làng. Bọn lính và ông xã trưởng tức giận bắn túi bụi mấy loạt đạn xuống ao nhưng cũng may không trúng đối tượng. Cuối đêm xảy ra sự cố, Tấn Tài trốn qua Sa Đéc cùng với anh Hiền bỏ nhà đi theo.

Tại tỉnh Sa Đéc, đoàn cải lương Hữu Tâm của ông bầu Ba Khuê đang đóng đô trình diễn, cả hai anh em cùng đến xin gia nhập nhưng bị từ chối dù Tấn Tài đã được thử giọng. Soạn giả Tứ Lang thương anh, âm thầm gợi ý cho Tấn Tài tìm đến đầu quân cho đoàn Tân Hương Hoa của ông bầu Sinh sẽ có tương lai hơn. Trước khi đến Bãi Sào để gặp đoàn Tân Hương Hoa, Tấn Tài không quên hẹn với cô Năm Đủ khi ổn định công việc sẽ trở về rước cô chung sống. Tại đoàn hát mới của bầu Sinh, trong một dịp may thiếu kép chánh, Tấn Tài được thay thế. Nhờ giọng ca lạ, hấp dẫn lại học tuồng mau thuộc, diễn xuất chững chạc, lôi cuốn khán giả, Tấn Tài không mấy chốc được chủ đoàn nâng lên chính thức thành kép chánh, hưởng lương cao và ký hợp đồng 60.000 đồng (một số tiền giá trị rất lớn so với thời điểm lúc bấy giờ) để hát trong 2 năm. Tấn Tài cưới cô giáo Năm Đủ là người vợ đầu tiên, sống hạnh phúc với nhau được 1 người con gái là Lê Thị Thanh Hà, đã từng là chủ một garage xe hơi ở Phú Thọ, Sài Gòn.

Tại đoàn Tân Hương Hoa, nghệ sĩ Tấn Tài thủ vai chính, tài nghệ diễn xuất mỗi lúc một thăng hoa trong các vở tiêu biểu: Hắc Y nữ hiệp, Tiếng ai khóc trên đồi, Hoàng tử trong gió lốc… Khi sang hát cho đoàn Song Kiều (1961) của bầu Thành, Tấn Tài ký một hợp đồng mới được 100. 000 đồng, vì chưa hết hợp đồng cũ, anh phải thối lại cho đoàn Tân Hương Hoa 60.000 đồng. Còn lại 40.000 đồng, Tấn Tài chia làm đôi, nhanh hẹn gởi thẳng một phần về cho cha mẹ ruột và cha mẹ vợ anh. Một hành động đẹp hiếm gặp ở giới nghệ sĩ được công chúng nghệ thuật và báo chí ca ngợi là có hiếu với cha mẹ. Trong khi thời bấy giờ, các sao nghệ sĩ thường hay lấy số tiền ký hợp đồng kếch sù vừa có được đem đi sắm xe hơi, mua hột xoàn… thay vì giúp đỡ cha mẹ già. Ở đoàn Song Kiều, Tấn Tài hát ngày càng thành công ở nhiều tuồng Tâm tình Mỵ Vương Phi, Nắng chiều quê ngoại, Nắng lên cổ tháp… Nhưng đời nghệ sĩ như con thuyền không bến, năm 1962, khi sang đoàn Thủ Đô của ông bầu Ba Bản, Tấn Tài được nghệ sĩ Ba Vân hướng dẫn thêm nghệ thuật nên nghệ thuật ca diễn của anh ngày càng thăng hoa.

Chỉ một năm sau, khi đóng vai chánh xuất sắc trong vở Cát Dung Phương Tử của soạn giả Thiếu Linh, Tấn Tài đoạt huy chương vàng danh giá giải Thanh Tâm vốn nghiêm túc chọn lựa nghệ sĩ trên tiêu chí cả tài và đức. Như vậy là chỉ sau bốn năm theo nghề hát, Tấn Tài đã vươn lên tới đỉnh cao nghệ thuật cao quý mà các đồng nghiệp ai cũng đều mơ ước. Đêm phát giải Thanh Tâm tổ chức trang trọng tại rạp Quốc Thanh bề thế, nghệ sĩ Tấn Tài thủ vai Hoàng Hoa Lữ đóng cặp với NSND Bạch Tuyết ở vai Chu Cẩm Luyện trong vở Khói sóng Tiêu Tương của Hoa Phượng và Nhị Kiều. Bên dưới khán giả, cha mẹ ruột và cha mẹ vợ của anh được mời ngồi hàng ghế danh dự cùng một hàng ghế với hai ông thầy dạy ca cho Tấn Tài khi xưa là Hai Tỉnh và Út Thôi gần sát sân khấu do anh đích thân mời. Cùng lúc, bà con ở xã Vĩnh Trạch hay tin cũng rủ nhau lên Sài Gòn xem đêm hát nhận huy chương vàng của ông thầy giáo làng giờ đây đã trở thành nghệ sĩ tài danh.

Sau đêm hát nhận huy chương danh giá (1963), nghệ sĩ Tấn Tài được ký hợp đồng lên 150.000 đồng rồi được nghỉ năm ngày để cùng cha mẹ, hai thầy giáo và bà con trở về quê.

Đứng vai kép hành trên sân khấu Thủ Đô, Tấn Tài ca diễn thành công trong các vở Tình Người Tử Tội, Bóng người bên song cửa, Nhạc nữ Quý Xuyên, Cây quạt lụa hồng, Khi mặt trời lên, Cát Dung Phương Tử…             

Là một nghệ sĩ hàng đầu trên nhiều sân khấu lớn, Tấn Tài vẫn có bản tính rất tốt là không bao giờ kén bạn diễn. Nhưng vì nổi tiếng nên những nghệ sĩ đóng cặp với anh ngoài NSND Bạch Tuyết còn lại cũng đều là những diễn viên gạo cội như: NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Thanh Nga, NSND Lệ Thủy, NSND Ngọc Giàu, Mộng Tuyền, Mỹ Châu… Khi sang hát cho đoàn Dạ Lý Hương của bầu Xuân (1964), Tấn Tài và NSND Bạch Tuyết vẫn là cặp đôi diễn viên nòng cốt. Nghệ sĩ Tấn Tài có những vai hát để đời trong các tuồng: Cố gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Võ Tòng sát tẩu, Sương mù trên non cao…

Với tiếng vang tích cực trên sân khấu, Tấn Tài được liên tục mời thu bài ca vọng cổ. Sau hãng dĩa Hoành Sơn của ông Ba Bản đã thu tiếng hát của Tần Tài qua các bài nổi tiếng Ai lên xứ hoa đào, Dưới rặng ô môi, Đà Lạt mưa rơi, Mùa thu lá bay…. Nghệ sĩ tiếp tục thu bài ca cho các hãng đĩa khác ở Sài Gòn như Việt Nam của cô Sáu Liên, Hồng Hoa, Continental của ông Đông, Việt Hải của Mr. Tứ Hải… Các đĩa vọng cổ do Tấn Tài ca được công chúng mộ điệu nhiệt liệt tán thưởng, bán chạy như tôm tươi: Hàn Mặc Tư, Hạng Võ biệt Ngu Cơ, Thương miền đất đỏ, Tâm sự anh gù, Qua đò Mỹ Thuận… Trong thập niên 1960, Tấn Tài thu 5-6 đĩa hát, mỗi đĩa được định giá là 12.000 đồng, tương đương với 1 lượng vàng lúc bấy giờ. Dù trong cuộc đời hoạt động ca hát cũng từng làm bầu đoàn Tân Thủ Đô – Tấn Tài, nhưng từ đó, nghệ sĩ Tấn Tài đã nổi danh một thời vang bóng là “Hoàng đế dĩa nhựa” trên sân khấu cải lương nước nhà.

                ***

Sở dĩ Tấn Tài được coi là một giọng ca lạ, mang tính cách liêu trai, gây khoái cảm đặc biệt cho khán giả là ngoài kiến thức chuyên môn, phải có còn do tính nghiêm túc chi li của một nhà giáo. Nắm nội dung bài ca hoặc lời thoại của nhân vật trong vở diễn, Tấn Tài đã không ngại tốn công, đã hết sức chịu khó đọc kỹ nghiên cứu để nhấn nhá, luyến láy đúng chỗ theo từng thanh âm của ngôn từ… Hoặc biết cân nhắc để vuốt ve quăng bắt giai điệu cho hợp lý hợp tình trên từng cây số bài ca hay đoạn diễn trong vở hát nhằm khơi gợi xúc cảm nghệ thuật nơi khán giả. Suy nghĩ về nghệ sĩ Tấn Tài, vua soạn giả – NSND Viễn Châu có ý kiến chính xác: “Tấn Tài xuất thân là một nhà giáo nên cách ca và luyến láy của anh đầy tính văn học. Về kỹ thuật ca, Tấn tài ca như muốn đùa giỡn với giàn đờn. Bởi người nghệ sĩ phải nắm vững niêm luật, cách chơi mới dám đùa giỡn với nhịp. Nghe anh ca vọng cổ mà sướng trong sự cảm nhận, bởi chất nam tính trầm hùng, chất lãng mạn liêu trai như quyện chặt vào bài vọng cổ”.

Có người cho rằng, phong cách ca của Tấn Tài vừa ngọt, vừa cao, vừa nhẹ… Tấn Tài có một làn hơi rất riêng, dễ nhận ra nhất là cách ông nhấn kéo dài những chữ mang dấu sắc và cách ông vuốt những chữ mang thanh trắc (sắc, hỏi, ngã, nặng). Ông thả hơi cho những chữ này rất nhẹ và mỏng như lá lúa… Ví dụ như ba tiếng “Thái Chân ơi”, trong vở Chuyện tình An Lộc Sơn, ông ca thành “Th…á…i… Chân ơi” thay vì ca liên tục như những người khác. Hay trong bài vọng cổ Hận Kinh Kha, trong câu thơ nói lối: “Tân khách muôn người lệ chứa chan”, Tấn Tài cũng kéo dài thật mỏng và thật nhẹ hai chữ chứa và chan. Nghe Tấn Tài ca, ta có cảm giác như tiếng ca đang văng vẳng từ xa nhưng lại rất gần. Thật đúng là một giọng hát liêu trai.

Với nghệ sĩ lớn, ngoài tài năng ca diễn dễ nhận ra trên sân khấu, người ta còn còn để ý đến nhân cách và đạo hạnh của họ qua cung cách ứng xử với những người chung quanh. Ở nghệ sĩ Tấn Tài, khán giả dễ nhận ra anh trước hết là một đứa con hiếu thảo biết yêu thương cha mẹ, có lòng tôn sư trọng đạo, sống thủy chung với vợ (cô giáo Năm Đủ mất, Tấn Tài mới tục huyền với nghệ sĩ Như Ngọc). Anh bao dung, không kén bạn diễn dù mình đã nổi tiếng hàng sao nghệ thuật, rộng rãi với bà con và biết lo cho gia đình con cái. Ba người con của Tấn Tài đều thành đạt: cô Lê Thị Thanh Hà là chủ một doanh nghiệp, hai con trai là Lê Tấn Danh (danh hài Tấn Beo) và Lê Tấn Phúc (hề Tấn Bo) đều sống đàng hoàng, giỏi làm ăn và biết lo cho cha mẹ, em út.


Nghệ sĩ Tấn Tài bên con trai – diễn viên hài Tấn Beo.

Nhận xét về “Hoàng đế dĩa nhựa” Tấn Tài, các nghệ sĩ tài danh cùng thế hệ đã có những ý kiến tích cực về anh. “Anh là một danh ca có sự nghiệp với nhiều vai diễn được khán giả yêu mến… Làn hơi của anh rất ngọt ngào truyền cảm” (NSND Lê Thủy). NSND Kim Cương cũng ngợi khen Tấn Tài ngoài khả năng ca diễn còn biết làm bầu gánh để tạo cơ hội cho nghệ sĩ cải lương có công ăn việc làm.

Tóm lại, nghệ sĩ Tấn Tài là một chân dung nghệ sĩ cải lương đích thực có giọng ca lạ, ngọt ngào, cùng với số lượng vai diễn thành công và số lượng phong phú về bài ca thu vào dĩa hát. Công chúng mộ điệu gọi nghệ sĩ Tấn Tài là một giọng hát liêu trai, hấp dẫn, đứng riêng một cõi trong giới cải lương và suy tôn anh là “Hoàng đế dĩa nhựa”. Theo cách nhìn của tôi, điểm sáng đáng ngưỡng mộ ở nghệ sĩ Tấn Tài là, ngoài tài năng, anh còn là một trong những nghệ sĩ có tinh thần dân tộc, suốt đời đã gắn bó keo sơn với tổ nghiệp sân khấu cải lương nước nhà và dân tộc quê hương.

T.N