Chiều 2/4, Nhà hát Trần Hữu Trang và Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP HCM đã phối hợp tổ chức chuyến về nguồn tại Tiền Giang. Các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ đã thắp hương tưởng nhớ soạn giả Trần Hữu Trang.
NSND Thanh Vy xúc động gặp lại soạn giả Việt Thường – con của soạn giả Trần Hữu Trang trong chuyến về nguồn do Nhà hát Trần Hữu Trang và Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP HCM tổ chức ngày 2/4
Ông Phan Quốc Kiệt – Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, trưởng đoàn – bày tỏ: “Nằm trong kế hoạch tổ chức khánh thành Nhà Truyền thống của Nhà hát Trần Hữu Trang, chúng tôi tổ chức chuyến về nguồn mang ý nghĩa nhớ ơn những bậc tiền nhân đã kiến tạo nền nghệ thuật truyền thống cải lương, trong đó công lao của soạn giả – liệt sĩ Trần Hữu Trang rất to lớn. Năm nay cũng là kỷ niệm 25 năm ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh – năm 1996, Tiền Giang có ba tài danh được trao giải thưởng vinh dự này, gồm: Soạn giả Trần Hữu Trang, nhạc sĩ Hoàng Việt và họa sĩ Nguyễn Sáng. Năm 1996, cả nước vào thời điểm đó chỉ có 15 văn nghệ sĩ được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, đó là niềm vinh dự rất to lớn của quê hương Tiền Giang”.
Tập thể nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Trần Hữu Trang trong chuyến về nguồn tại Nhà lưu niệm Trần Hữu Trang ngày 2/4
Đoàn đã đến thắp hương tại Nhà lưu niệm soạn giả – liệt sĩ Trần Hữu Trang ở ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Các nghệ sĩ đã biểu diễn hai trích đoạn nổi tiếng của ông là: “Tô Ánh Nguyệt” và “Đời cô Lựu”.
Đoàn xúc động khi xem nhà lưu niệm nơi gìn giữ nhiều tài liệu, hình ảnh quý của soạn giả Trần Hữu Trang. NSND Thanh Vy nói: “Chuyến đi thật sự ý nghĩa, để lại trong lòng tôi nhiều cảm xúc. Tôi tin rằng công chúng và các thế hệ nghệ sĩ sẽ mãi nêu cao tinh thần kiên trung trong các tác phẩm sân khấu cách mạng mà soạn giả Trần Hữu Trang đã để lại cho đời”.
NS Phùng Ngọc Bảy và NSƯT Phượng Hằng diễn lại trích đoạn “Tô Ánh Nguyệt” trong chuyến về nguồn do Nhà hát Trần Hữu Trang và Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP HCM tổ chức ngày 2/4.
Đoàn đã đến tham quan rạp hát Thầy Năm Tú tại TP Mỹ Tho, di tích hơn 120 năm tọa lạc giữa trung tâm thành phố. Đây được xem là rạp hát dành cho bộ môn cải lương đầu tiên được xây dựng tại miền Nam. Vở cải lương đầu tiên của Việt Nam được diễn ra tại đây, vào ngày 15-3-1918. Đó là vở “Kim Vân Kiều”, do thầy Năm Tú (tên thật Châu Văn Tú) thuê viết, chỉ huy dàn dựng và tổ chức ra mắt đúng vào ngày sinh nhật của mình.
Các nghệ sĩ lão thành Đoàn cải lương Nam Bộ trong chuyến về nguồn do Nhà hát Trần Hữu Trang và Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP HCM tổ chức ngày 2/4
Đoàn đã có buổi giao lưu văn nghệ và ôn lại truyền thống lịch sử của vùng đất Tiền Giang, nơi đã sản sinh ra nhiều tài năng cho vườn hoa nghệ thuật. Nhắc lại sự hy sinh oanh liệt của soạn giả Trần Hữu Trang trong chiến tranh.
Các nghệ sĩ tham quan rạp hát Thầy Năm Tú tại TP Mỹ Tho
Ông Lê Văn Dũng, Phó giám đốc Sở VH, TT và DL Tiền Giang, đã trao tặng huy hiệu của tỉnh cho tất cả các nghệ sĩ lão thành thuộc Đoàn cải lương Nam Bộ tham gia chuyến đi, gồm: NSND Thanh Vy, NSƯT Lê Thiện, Phi Điểu, Thanh Hạp, Thanh Dậu, Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung, NS Thanh Thủy, Hoàng Khanh… và các nghệ sĩ đang công tác tại Nhà hát Trần Hữu Trang.
Ông Lê Văn Dũng trao huy hiệu của tỉnh Tiền Giang tặng NSND Thanh Vy, NSƯT Phi Điểu và NS Thanh Thủy
Đại diện thế hệ nghệ sĩ trẻ có mặt trong chuyến về nguồn ý nghĩa này, NSƯT Thy Trang cho biết: “Đối với thế hệ trẻ chúng tôi, chuyến về nguồn này thật sự rất bổ ích. Vì trong suốt chuyến đi, chúng tôi đã nghe các cô chú của đoàn cải lương Nam Bộ kể về quá trình biểu diễn trên khắp mọi miền đất nước. Những vai diễn, vở diễn ca ngợi chiến công hào hùng của dân tộc ta, để từ đó càng thêm yêu nghề và hăng hái lao động nghệ thuật để xứng đáng với niềm tin yêu của thế hệ đi trước”.
NS Diễm Kiều và Kim Luận biểu diễn trích đoạn “Đời cô Lựu” trong chuyến về nguồn do Nhà hát Trần Hữu Trang và Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP HCM tổ chức ngày 2/4
Soạn giả Việt Thường, con trai của cố soạn giả Trần Hữu Trang, xúc động nói: “Tôi vừa xuất viện hai hôm nay, sau khi điều trị căn bệnh tim tại BV Nguyễn Trãi. Hôm nay, đoàn nghệ sĩ về thăm nhà lưu niệm của cha tôi, cho tôi thêm nhiều động lực để sống khỏe, tiếp tục được làm điểm tựa cho thế hệ trẻ đang làm chủ sân khấu hôm nay”.
NSƯT Lê Thiện xúc động gặp lại soạn giả Việt Thường
Theo Thanh Hiệp/NLĐ