Nghệ sĩ Tuyết Mai – giọng đọc vàng ngân mãi

591

Giọng đọc Tuyết Mai một thời ngân vang từ Bắc vào Nam, nơi đồi núi đến hải đảo… lưu giữ ký ức với “Đây là tiếng nói Việt Nam…”.

Nghe tin nghệ sĩ Tuyết Mai qua đời ở tuổi 97 tại Hà Nội, thính giả nhiều thế hệ tưởng nhớ giọng đọc trầm ấm, mượt mà của bà trên các chương trình đài phát thanh – giọng đọc gắn liền với một số dấu mốc của đất nước và là “bầu trời tuổi thơ” của nhiều người. Còn đồng nghiệp của Tuyết Mai khóc khi nhớ về người nghệ sĩ tài đức.

Tuổi đôi mươi, Tuyết Mai – tên thật là Bùi Thị Thái – gia nhập Hội Phụ nữ cứu quốc, tham gia các hoạt động trong vai trò ca sĩ. Giọng hát của bà vang lên ở khắp nơi: phòng trà, đường phố, các sự kiện cổ động, động viên đồng bào, chiến sĩ… Khi Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập tháng 9/1945, bà được chọn thu âm những ca khúc đầu tiên. Nghệ sĩ thể hiện thành công nhiều nhạc phẩm, đặc biệt là bằng tiếng Pháp, tiếng Anh… Bởi thế, mỗi lần đón khách quốc tế, ông Trần Duy Hưng – Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội bấy giờ – đều mời bà đến hát.


Nghệ sĩ Tuyết Mai (phải) và nghệ sĩ Hà Phương trong một buổi đọc tại phòng thu của Đài tiếng nói Việt Nam. Ảnh tư liệu

Năm 1958, từ địa điểm sơ tán về Hà Nội, bà xin chuyển sang làm phát thanh viên, lấy nghệ danh Tuyết Mai – theo tên con gái thứ ba. Mùa xuân năm ấy, giọng bà lên sóng, được thính giả yêu mến bởi sự rõ ràng, chuẩn mực, thanh thoát, mượt mà.

Thời chiến, bà được giao đọc các tin tức chính trị quan trọng, cùng một số giọng nam như Việt Khoa, Trần Phương… Sau này, nghệ sĩ gắn bó loạt chương trình Đọc truyện đêm khuya, Tiếng thơ, Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc… Từ Bắc vào Nam, nơi đồi núi đến hải đảo xa xôi… giọng đọc Tuyết Mai da diết tựa kể chuyện,sâu lắng, chất chứa tâm tình.

Trong bài phỏng vấn năm 2010, nghệ sĩ Tuyết Mai nói về kỷ niệm được giao đọc bản tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Bà nghẹn ngào, xúc động, trong khi lãnh đạo yêu cầu phát thanh viên không được khóc trên sóng. Sinh thời, nhà văn Tô Hoài nhận xét: “Đài Tiếng nói Việt Nam cần phải chuẩn mực về cách phát âm. Có một giọng nói đạt đến mức chuẩn mực mà tôi công nhận đấy là giọng chị Tuyết Mai”.

Nghệ sĩ Hà Phương – đàn em, đồng nghiệp thân thiết của Tuyết Mai – nói đàn chị là người sành điệu về âm thanh. Bà được trời phú cho khả năng cảm nhạc tinh tế, xuất thân là ca sĩ, có chồng, con là nhạc sĩ nên nghe chuẩn và phát âm hay.

Thuở còn là phóng viên chiến trường ở Nghệ An, mỗi lần có bài, Hà Phương lại đạp xe hơn 400 km ra Hà Nội nộp cho đài, thường được Tuyết Mai đọc luôn. Khi nghe tác phẩm, ông xúc động, không nghĩ bài viết của mình lại có hồn, rực lửa như vậy. Hà Phương nói: “Đối với tôi khi đó là một vinh hạnh vì giọng đọc của chị giúp nâng chất lượng tác phẩm, mang đến nhiều cảm xúc. Bấy giờ nhiều nhà văn, nhà thơ đều muốn được Tuyết Mai thể hiện tác phẩm của mình”.


Nghệ sĩ Tuyết Mai là phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam đầu tiên được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú đợt một năm 1984, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993. Hàng triệu thính giả tôn vinh bà là “Giọng đọc vàng trên sóng phát thanh”.

“Giọng đọc vàng” của Tuyết Mai trời chỉ cho một phần, còn lại do lao động, khổ luyện mà thành. Nghệ sĩ Hà Phương nhớ lại mỗi buổi sáng, bà thường dậy sớm luyện thanh, tập thở theo phương pháp của các ca sĩ. Những giờ nghỉ, khi tay thoăn thoắt đan len cho con, bà vẫn tranh thủ luyện khẩu hình, cách phát âm, nhả chữ. Trước giờ thu, nghệ sĩ luôn đọc kỹ kịch bản, đánh dấu từng chỗ ngắt, nghỉ, lấy hơi sao cho chuẩn xác. Đến ngày về hưu, bà vẫn nghe lại băng thu thanh của mình để tìm lỗi sai, rút kinh nghiệm. Bà cũng cẩn trọng trong ăn uống, sinh hoạt nhằm bảo vệ cổ họng, giữ thanh âm ở mức đẹp nhất.

Mọi người ở đài hay gọi nghệ sĩ là mọt sách, bách khoa toàn thư. Trong túi của bà, lúc nào cũng có một vài cuốn, đủ thể loại, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến khoa học, chính trị. Bà đọc để bổ sung kiến thức, hiểu và truyền tải thông tin chính xác nhất. Nhờ vậy, nghệ sĩ biến hóa linh hoạt khi đọc các chương trình văn nghệ và chính luận – hai thể loại đối lập.

Có lần khi đang ngồi trò chuyện, Hà Phương hỏi trêu: “Sao chị lúc nào cũng đọc hay thế?”, nghệ sĩ cười đáp: “Mình đọc trên đài là đọc cho bạn mình nghe, cho dân mình nghe thì phải đọc sao cho họ thích chứ”. Nghệ sĩ Hà Phương nói: “Tuyết Mai là người chị tuyệt vời, xét ở cả tài năng và đức độ”.

Trong ký ức của đồng nghiệp, nghệ sĩ Tuyết Mai hiền lành, hết lòng vì mọi người. Nghệ sĩ Việt Hùng cho biết khi gia nhập đài năm 1973, ông là lính mới, từ ngành giao thông lấn sân. Nhờ chất giọng tốt, Việt Hùng được phân vào tổ nói – nay là phòng phát thanh, Tuyết Mai là tổ trưởng. Không có trường lớp đào tạo, ông may được đàn chị chỉ dạy, từ cách ngồi trước micro như thế nào, đặt tài liệu ra sao đến cách lấy hơi, đọc tin sao cho chuẩn xác…

Nhà Việt Hùng ở Thường Tín, cách xa trạm thu ở Mễ Trì, đi lại vất vả, nghệ sĩ tạo điều kiện để đàn em công tác. Có năm, chiều 30 Tết, bà đề nghị làm giúp phần việc còn lại, cho Việt Hùng về sớm vài tiếng kịp đón giao thừa với gia đình. “Hôm đó cuối năm hiếm xe, tám giờ tối tôi mới về đến Văn Điển rồi đi bộ thêm hai tiếng để tới nhà. Nếu không có chị Tuyết Mai, chắc còn phải đến sáng”, ông kể.

Nhiều năm nay, do dịch, tuổi già sức yếu, Việt Hùng không thể đến thăm hỏi đàn chị như trước. Nghe tin nghệ sĩ qua đời, ông khóc nói: “Chị ấy hướng dẫn tôi từ những cái nhỏ nhất. Công việc chị rất bận nhưng chưa bao giờ bỏ rơi hay gắt gỏng tôi. Với tôi, Tuyết Mai là chị lớn, cô giáo đáng trân trọng và biết ơn”.

Không chỉ Việt Hùng, nhiều thế hệ phát thanh viên trong nước được Tuyết Mai hướng dẫn. Nghệ sĩ còn từng được mời giảng dạy, huấn luyện cho phát thanh viên của đài NHK Nhật Bản, Đài tiếng nói nước Nga. Quá tuổi nghỉ hưu, do yêu cầu công việc, bà sẵn lòng ở lại đài thêm vài năm.

Trong bài phỏng vấn năm 2009, nghệ sĩ Vũ Hà – nguyên Phó trưởng ban Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam – nói đàn chị tài năng nhưng khiêm nhường, cầu thị. Có lần khi đọc bài về nghệ thuật chèo, bà nhầm “chiếng chèo” thành “chiếu chèo”. Khi Vũ Hà ra hiệu ngừng, vào phòng thu chỉ sai. Bà cười xin lỗi, nói chưa biết nên nhầm lẫn, xin đọc lại cho chính xác. Trong phòng có đồng nghiệp biết tiếng Trung, mỗi lần gặp từ mới hoặc bài đọc dịch chưa rõ nghĩa, bà đều đến nhờ giải thích kỹ càng, ghi lại cẩn thận để tránh sai sót.

Nhạc sĩ Tuyết Minh – con gái nghệ sĩ – cho biết tuổi già, sức khỏe giảm sút, lúc nhớ lúc quên nhưng đầu giường bà luôn đặt vài cuốn sách để xem khi cần. Thi thoảng, bà vẫn mở lại bản thu các chương trình, miệng lẩm nhẩm từng từ “Chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc”…, như thể đang ôn bài.

Độc giả Thi Lai Hoang bình luận: “Giọng đọc gắn bó nhiều thế hệ, khi trầm lắng, truyền cảm, khi hào sảng, mạnh mẽ (trong các bản tin), lúc lại thủ thỉ, tâm tình (Đọc truyện đêm khuya), khi tình cảm, tha thiết (Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc). Khó ai có thể thay thế được. Thành kính chúc bà yên nghỉ”.

Theo Hiểu Nhân/VNE