Nghệ sĩ với thằng bần

604

                                                                                                             

Nguyễn Thanh

Tặng bạn văn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sự phong phú vật chất kinh tế và những tác phẩm văn học nghệ thuật sáng giá xưa nay thường tiến hành ngược chiều trong lịch sử tiến hóa của xã hội con người mặc dù ta không có khuynh hướng ca ngợi tư tưởng “bỉ sắc tư phong” (1) của Nguyễn Du. Tuy nhiên, khẳng định chân giá trị vĩnh hằng ở một vị trí đặc thù của văn chương nghệ thuật, người đời không thể không nhắc đến câu nói “Tất cả mất hết, chỉ còn lại văn hóa” (2) trong tư tưởng đó, văn học nghệ thuật là hiện thực tiêu biểu và cao quý cho văn hoá.

Nhà văn Nguyễn Thanh

Vậy mà trớ trêu thay, ngoài những nhà cách mạng lỗi lạc và anh hùng dân tộc, hầu hết văn nghệ sĩ nổi tiếng – những người sản sinh ra tác phẩm văn nghệ được lưu truyền muôn đời cho hậu thế, lúc còn sinh tiền thường phải sống trong một hoàn cảnh hết sức đói nghèo nghiệt ngã.

Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984, tự là Lộc Đình), trong quyền “Nghề văn” (3) nói về cái nghèo của văn nghệ sĩ đã tỏ ra đau đáu khi nhắc lại tình cảnh nhà thơ Thứ Khanh trước kia. Sở hữu những vần thơ tuyệt bút lay động hồn người nhưng Thứ Khanh suốt đời không có được một ngôi nhà để ở đến nỗi vợ chồng, con cái phải tạm bợ sống chui rút bữa no bữa đói trên một chiếc ghe nhỏ ngày ngày lênh đênh trên sông nước miền Tây. Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939), cái gạch nối linh hồn thi ca giữa hai thời đại mới cũ vào đầu thế kỷ 20, có lúc cũng não nề ta thán về cái giá trị của thị trường chữ nghĩa “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” nên đã phải mở Hà lạc lý số để kiếm thêm chút phụ tài chính hằng ngày cho vợ con dù trong thâm tâm nhà thơ vẫn biết mình phải làm một việc cực chẳng dã.  Trong lúc đó, nhà thơ Nguyễn Vỹ (1910-1971), người khởi xướng trường phái thơ Bạch Nga lại thể hiện tỏ rõ sự hằn học về hoàn cảnh nghiệt ngã khốn đốn của giới cầm bút “Nhà văn An Nam khổ như chó”. Chỉ nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) với tâm hồn thanh thoáng mới nhẹ nhàng hơn trong cảnh báo đối tượng lấy chồng cho con gái “Con ơi đừng lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm con ơi, cực lắm con”. Thi sĩ Trần Tế Xương còn gọi Tú Xương (1870-1907) cũng phải nhờ vào sự chịu khó tần tảo buôn bán của người vợ nhà để ông có thể yên tâm theo đuổi nghiệp thơ. Nhà văn Tam Ích Lê Nguyên Tiệp trong tình cảnh cô đơn thiếu thốn nợ nần đành tự mượn cái chết rất thương tâm tại nhà trọ ở Sài Gòn để giải quyết.

Còn nữa, nhà văn Nguyễn Bá Thế (1925-1996)(4) ở trong một ngôi nhà lá ọp ẹp ở hẻm Vú Sữa, khu Chòm Mả (nay là đường  Hoàng Văn Thụ) Cần Thơ hằng ngày viết báo nhưng vẫn sống không nỗi bằng đồng tiền nhuận bút. Nhà văn cam đành âm thầm lấy số tử vi cho khách dù trong lòng anh vẫn biết mình làm một việc khó coi. Trong khi người vợ ốm yếu hiền lành hằng ngày phải thức dậy từ sáng sớm, lặn lội bán từng hủ nhỏ tương chao tại bến Ninh Kiều mãi đến chiều muộn mới về nhà để tạm xoay trở kinh tế cho đời sống gia đình. Dù vậy, gia đình vẫn vui vẻ hạnh phúc, vợ con nhà văn luôn tạo ra thuận lợi cho Thế Nguyên theo đuổi nghề viết lách cho đến ngày cuối đời. Nghệ sĩ sân khấu cải lương nổi tiếng, cô Năm Cần Thơ công chúng ca ngợi là chim hoạ mi thuộc thế hệ các nghệ sĩ tiền phong nổi tiếng như : Năm Châu, Phùng Há, Kim Thoa,Tám Thưa, Năm Nghĩa, Bảy Cao…  sống vào khoảng trước sau giữa thế kỷ 20 cũng phải sống chật vật khó khăn suốt cả đời hoặc trong lúc tuổi về chiều. Tình cảnh họ cũng không khác trường hợp hiện nay của nhạc sĩ Vinh Sử, tác giả của những ca khúc phổ biến được bạn trẻ bình dân yêu thích từng bị một số người cho là nhạc sến có lúc phải sống trong hoàn cảnh cô độc, thiếu thốn đói nghèo!

Phương Tây cũng không thiếu những trường hợp tương tự. Picasso (1881-1973 ), gốc người Tây Ban Nha, cánh đại bàng nghệ thuật tầm vóc quốc tế, khi chưa thành đạt cũng có giai đoạn nghèo túng phải sống dựa vào bạn bè, dù về sau được coi là nghệ sĩ tiêu biểu của trường phái lập thể (cubism). Cũng không khác Honoré de Balzac (1799-1850), tiểu thuyết gia Pháp nổi tiếng, tác giả “Miếng da lừa” (La peau de chagrin) có lúc cũng lâm vào cảnh khó khăn về vật chất, phải ngồi gồng lưng, hùng hục viết lách ngày đêm để thanh toán nợ nần cho các nhà xuất bản mà nhà văn đã nợ tiền trước.

Chắc chắn không phải là một nghịch lý. Thực tế là để bù đắp lại những hy sinh bằng tất cả tim óc và hạnh phúc trong sự hưởng thụ vật chất suốt cả cuộc đời gian khổ truân chuyên của những người làm công tác văn học nghệ thuật. Người đời đã đặc biệt trí tuệ dành cho văn nghệ sĩ nhiều đãi ngộ ưu việt ít khi có tầng lớp người nào được xã hội và hậu thế trân trọng, ngưỡng mộ. Hãy thử nhìn ngay hiện thực rõ ràng không ai có thể phủ nhận được trước mắt ta: từ thủ đô, tỉnh lỵ, thành phố… tên những trường học, bệnh viện, viện bảo tàng, những con đường, là mang tên ai. Đó là tên các nhà cách mạng yêu nước, anh hùng dân tộc trọn đời hy sinh sự nghiệp đấu tranh bảo vệ quê hương tổ quốc, và tiếp đó là những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ có nhiều công lao to lớn đóng góp cho sự xây dựng nền văn hóa nghệ thuật quý giá của dân tộc.

N.T

 

(1)  Mặt này thịnh thì mặt kia suy (Lạ gì bỉ sắc tư phong): Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen – Truyện Kiều)

(2) Tout s’oublie, seule la culture reste – Tư tưởng phương Tây

(3) NXB Nguyễn Hiến Lê, Sài Gòn trước 1975

(4) Nhà văn Nguyễn Bá Thế có bút danh: Nhất Tâm, Thế Nguyên, Nam Xuân Thọ Quê ở Cái Răng, Cần Thơ, ông là tác giả của hơn 20 tác phẩm văn học thuộc thể loại tiểu thuyết và sưu khảo.