Sương Nguyệt Minh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ xưa đến nay, dư luận đã quá nhiều lần lên tiếng phản ánh, phê phán tình trạng xây dựng tràn lan, chất lượng yếu, băm nát quy hoạch. Thanh tra nhiều, nhưng tình trạng xây dựng lộn xộn vẫn không giảm. Có nhiều nguyên nhân góp gió thành bão, không thể không kể đến một bộ phận thanh tra xây dựng hư hỏng.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Theo kế hoạch năm 2019, Thanh tra Bộ Xây dựng tiến hành 90 cuộc thanh tra ở các lĩnh vực khác nhau. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh tra Bộ Xây dựng tổ chức thanh tra công tác quản lý, đầu tư xây dựng cơ bản tại thành phố Vĩnh Yên, huyện Tam Đảo và Vĩnh Tường. “… đoàn thanh tra làm việc với 29 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Tường từ đầu tháng 5, đến nay chưa có kết luận”. Sự việc ngày 12-6 vừa qua, Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang Nguyễn Thị Kim Anh (phó trưởng Phòng phòng chống tham nhũng – Thanh tra Bộ Xây dựng) và Đặng Hải Anh (chuyên viên Thanh tra Bộ Xây dựng) vòi tiền, nhận hối lộ… thực ra cũng không quá bất ngờ. Sự việc tai tiếng “… vòi tiền hàng chục tỉ đồng, nhận hối lộ khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quyết định của Bộ Xây dựng về việc thanh tra công tác quy hoạch, cấp phép, quản lý xây dựng tại một số dự án ở huyện Vĩnh Tường” chỉ là giọt nước tràn ly gây nên trạng thái phẫn nộ rộng khắp toàn quốc.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng xây dựng đạo đức, phẩm chất cán bộ thanh tra. Liêm chính phải đặt lên hàng đầu. Buổi bình minh của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Cụ Hồ đích thân mời cụ Bùi Bằng Đoàn, một vị quan đại thần nổi tiếng thanh liêm trong triều đình Bảo Đại giữ chức Tổng thanh tra. Cụ Hồ đã khuyên cán bộ thanh tra phải như cái gương cho người ta soi mặt. Thế nhưng các năm gần đây, “cái gương thanh tra” ấy đã thêm nhiều vết hoen ố. Hoen ố nhơ bẩn bởi “nhà dột từ nóc dột xuống”. “Nhà dột từ nóc dột xuống” nghĩa đen là sự hư hỏng, dột nát của mái nhà, nóc nhà. Nắng mưa gió bão đổ xuống, xâm thực hủy hoại, chẳng mấy chốc cái nhà đổ sụp. Nghĩa bóng là ở trên mất nết, hư hỏng thì ở dưới cũng hỏng hư, mất nết theo. “Người trên ở chẳng chính ngôi. Khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào” cũng chẳng có gì lạ lẫm.
Chắc bạn đọc còn nhớ nguyên Tổng Thanh Tranh Chính phủ Trần Văn Truyền “có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất”, dù thanh minh rằng “lao động thối cả móng tay” để xây dựng nên 6 cơ ngơi nhà đất, vẫn bị tổ chức yêu cầu kiểm điểm, thu hồi nhà đất và bị cảnh cáo. Trước lúc nghỉ hưu ông Truyền còn dồn dập ký quyết định bổ nhiệm 60 cán bộ thuộc quyền. Tiếp theo là Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng bổ nhiệm thần tốc 35 cán bộ gồm 11 cấp vụ và 24 cấp phòng trước khi ông hạ cánh an toàn. Ba bị can là vụ phó thuộc Thanh tra Chính phủ là: Lương Cao Khải, Dương Văn Lực và Bùi Xuân Bảy bị truy tố về các tội lợi dụng chức vụ quyền hạn; đưa hối lộ và nhận hối. Liên quan đến vụ án này, “nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh và phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Quốc Trượng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đoàn thanh tra, để lãnh đạo đoàn thanh tra lợi dụng nhiệm vụ được giao nhằm vụ lợi cá nhân, vi phạm pháp luật”. Dù Cơ quan điều tra thấy không đủ chứng cứ về việc ông Trượng nhận hối lộ 3.000 USD và 5 triệu đồng, còn ông Thanh đã báo cáo Ban Nội chính, rồi nộp lại số tiền 110 triệu đồng do Lương Cao Khải đưa, và Bộ Chính trị kết luận hai ông không nhận hối lộ, nhưng chờ được vạ thì má xưng, cũng bị thị phi, tai tiếng… vv.
Các cụ ngày xưa dạy “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Những đấng bề trên của ngành thanh tra còn lùm xùm tội nọ tật kia như thế, thì thanh tra cấp dưới như Nguyễn Thị Kim Anh, phó trưởng Phòng phòng chống tham nhũng – Thanh tra Bộ Xây dựng không làm loạn mới lạ. Thầy nào tớ ấy, rồi còn học thầy không tầy học bạn, sẽ có bao nhiêu bạn, bao nhiêu học trò của Nguyễn Thị Kim Anh còn giỏi sách nhiễu đơn vị bị thanh tra hơn cả đàn anh, hơn cả thầy?
Nghề thanh tra xưa nay vẫn là một nghề hot. Hot là bởi đi tác nghiệp là quyền hành tăng lên gấp đôi, kẻ hầu người hạ. Khách sạn sang trọng, ăn uống linh đình, phong bao lủng nhủng. Dĩ nhiên, cũng có nhiều người thanh liêm, nhưng cũng đầy kẻ cơ hội kiếm chác. Được đi thanh tra như một phần thưởng, như một ân huệ. Đó cũng là một sự thật đau lòng trong muôn vạn cái đau lòng thường nhật. Hot còn bởi đối tượng bị thanh tra săn lùng, dụ dỗ, mua chuộc để tránh phải rơi vào vòng lao lý. “Thú thực là từ khi làm Tổng thanh tra, không chỉ cá nhân mình mà tôi cũng phải canh giữ cả vợ con. Nhiều khi người ta tác động vào vợ con mình”, ông Trần Văn Truyền khi còn đương nhiệm đã nói về cái sự giữ mình như thế.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International – TI): “Tham nhũng là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân”. Vậy thì, vòi vĩnh tiền của đơn vị bị thanh tra, nhận hối lộ cũng phạm tội tham nhũng. Ông sếp nhận tiền đút lót của đối tác, của cán bộ thuộc quyền muốn tiến thân, hay anh kế toán, chị thủ quỹ bình thường sai phạm còn bị lên án gay gắt, thì người làm công tác thanh tra tham nhũng càng cần phê phán, lên án. Bởi thanh tra viên là người của nhà nước tiến hành “hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Có nghĩa là người thi hành pháp luật. Thi hành pháp luật mà lại… vi phạm pháp luật, thì còn ra thể thống gì? Điều trớ trêu, phản cảm là bà Nguyễn Thị Kim Anh là phó trưởng phòng chống tham nhũng cầm đầu đoàn kiểm tra thì lại phạm tội tham nhũng. Nhận tiền thì sẽ làm sai lệch kết quả thanh tra, bỏ lọt sai phạm, cũng đồng nghĩa với dung dưỡng cái xấu, cái sai, cái vi phạm pháp luật. Ông Tống Văn Nga, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu công khai trên truyền thông về sự việc buồn thê thảm này như sau: “Nếu cơ quan thanh tra vòi vĩnh sẽ bẻ cong pháp luật, đó là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này cần xử lý nghiêm để giữ uy tín của cơ quan thanh tra.”
Không biết các vị thanh tra các cấp mỗi lần xuống cơ sở tác nghiệp, hay lúc trà dư tửu hậu có nghe câu đùa cợt: “Thanh tra, thanh mẹ, thanh gì. Cứ có phong bì là chúng thanh kiu”. Chả lẽ hình ảnh người cán bộ thanh tra lại thê thảm như thế? Phong bì là… tiền. Tiền có thể là Việt Nam đồng, có thể là USD. Mà “tiền là Tiên, là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý…”, dân gian ví von đầy hình ảnh như thế, có ai đi tác nghiệp thanh tra mà có gan từ chối, quay lưng lại với tiền? Thanh tra xây dựng ở một huyện Vĩnh Tường nông nghiệp nhỏ bé, không giàu có, công trình xây dựng cũng không quá đồ sộ, mà vòi vĩnh đòi hàng chục tỉ đồng thì doanh nghiệp lấy tiền ở đâu để chung chi. Phải cấu véo vào dự án, thế thì chất lượng công trình sẽ ra sao? Mỗi chỗ ăn bớt một ít; cuối cùng đoàn thanh tra cũng móc hầu móc cổ ra ăn nữa thì công trình từ con voi thành con chuột. Chỉ có người dân sử dụng là thiệt đơn thiệt kép.
Nói về vụ Thanh tra Bộ Xây dựng vòi tiền, nhận hối lội bị bắt quả tang, ông Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói đó là vi phạm cá nhân. Vâng! Đành rằng cá nhân ai làm người nấy chịu, nhưng cá nhân lại là người của tổ chức, là cán bộ được lựa chọn, được cấp ủy thông qua vào nguồn. Những người vi phạm pháp luật ấy đang thi hành công vụ, do Bộ Xây dựng cử đi, chứ không phải đang nghỉ phép giải quyết việc riêng ở nhà. Cá nhân vi phạm pháp luật thì cơ quan cũng bị ảnh hưởng ít nhất là mất thi đua khen thưởng, nặng thì tổn hại uy tín ngành. Rõ ràng là uy tín của Thanh tra Bộ Xây dựng đang bị lung lay, giảm sút lòng tin. Các cụ ngày xưa bảo: “Con sâu bỏ rầu nồi canh” là thế. Ông Tư lệnh ngành còn “khẳng định sẽ kiên quyết xử lý, không bao che, dung túng bất cứ cá nhân nào”, và “Bộ Xây dựng cũng đã ban hành quy chế hoạt động thanh tra Bộ, quy chế làm việc của đoàn thanh tra cũng như quy chế giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Bên cạnh đó còn có những chỉ thị nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ thanh tra”. Cái gì cũng làm để thanh tra tốt lên, mà sao lại để xảy ra chuyện Thanh tra Bộ vòi vĩnh hàng chục tỉ và nhận hối lộ? Ở đây, có vấn đề về công tác cán bộ. Lập đoàn thanh tra thì phải chọn cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, có đạo đức trong sạch, đủ năng lực trình độ. Chọn người liêm chính không chọn lại bổ nhiệm kẻ thấy đồng tiền là mắt lấm la lấm lét như quạ vào chuồng lợn. Hoặc, cán bộ cũng không đến nỗi nào, nhưng tác nghiệp trong môi trường “đảo người gù”, thì không ai dám đứng thẳng lưng. Thẳng lưng, không cúi đầu lại thành kẻ dị dạng.
Nói đi, thì cũng phải nói lại: Thanh tra hư cũng một phân nửa là do cơ quan, doanh nghiệp bị thanh tra. Nếu các thủ trưởng cơ quan, các chủ doanh nghiệp cứ sản xuất kinh doanh đúng pháp luật thì làm gì còn đất cho quan tham thanh tra dụng võ. Chẳng qua, các vị doanh nhân, sếp to sếp nhỏ các tổ chức hành chính sự nghiệp lách luật, thấy sai luật cũng cứ làm liều, nên đến khi bị thanh tra thì sai tùm lum. Sai không tự giác sửa mà lại mua chuộc, dụ dỗ, quyến rũ thanh tra vào con đường phạm pháp. Có muôn vàn phương sách đối phó và những lời nói dối được chuẩn bị sẵn để nghênh tiếp các đoàn thanh tra. Họ giấu sai lầm, họ ém khuyết điểm. Họ che chắn, phong bao những vi phạm pháp luật, che mắt thanh tra. Che mắt thanh tra không được thì ngã giá, chia chác. Chia chác thì phải có sự đồng ý, thỏa thuận của hai bên: thanh tra và người bị thanh tra. Thanh tra cũng được, mà doanh nghiệp cũng thắng. Chỉ thuế của nhà nước là thất thu.
Con người khôn ngoan thành công là biết đúng, biết đủ, biết tự sửa mình. Làm thanh tra mà không thanh liêm, lợi dụng nghề để cơ hội kiếm chác làm giàu thì “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma” thôi.