Nghệ thuật chơi chữ trong câu đối của Nguyễn Khuyến

154

Chơi chữ và câu đối vốn là hai “sản phẩm” độc đáo của nghệ thuật ngôn từ tiếng Việt nói riêng. Để chơi chữ, tác giả cần phải có những phẩm chất mà không phải ai cũng có được, có học vấn đã đành, ngoài ra còn cần có sự nhạy bén, linh hoạt và tinh tế trong việc sử dụng ngôn từ.

Nguyễn Khuyến

Người có học vấn mới biết cách dùng chữ cho hay, cho “đắt”; biết cách dùng điển cho tài; biết cách thả từ cho khéo. Những lúc trà dư tửu hậu, các bậc túc Nho ngồi lại với nhau ngâm nga vài câu trong sách cổ, nhìn thấy hiện thực đương thời, cao hứng cất lên vài câu “chơi” vậy mà lại “đắt”.

Câu đối có đối liễn ngày xuân, có cặp câu tặng khách, hay có đôi dòng chúc tụng, hoặc vài lời sẻ chia. Đối có đối Hán và đối Nôm. Mỗi loại văn tự được sử dụng trong câu đối đều có ý vị riêng, nếu như câu đối chữ Hán thể hiện được học vấn uyên thâm của tác giả hướng đến tầng lớp trí thức bậc cao thì câu đối Nôm lại gần gũi với người bình dân.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, các thi nhân, trí giả chơi chữ, làm câu đối cũng nhiều, nhưng kết hợp được một cách tài tình giữa chơi chữ và câu đối, họa chăng chỉ có mình Nguyễn Khuyến. Cụ Tam Nguyên đã không ít lần phô diễn tài năng dùng chữ điêu luyện qua các cặp câu đối. Tài năng đó gần như là thiên phú, vừa đa dạng lại linh hoạt biến tấu muôn hình vạn trạng. Tuy nhiên ở bài viết này, tác giả chỉ muốn nhấn mạnh tài năng chơi chữ của Nguyễn Khuyến trong phương diện vận dụng trường liên tưởng và sự điêu luyện trong các trường hợp từ đồng âm.

Ở một cặp câu đối chữ Hán viết cho góa phụ bán thịt lợn, Nguyễn Khuyến viết:

Tứ thời bát tiết canh chung thủy,

Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang.

(Bốn mùa, tám tiết càng chung thủy

Dặm liễu, gò bồ muốn điểm trang)

Đây là một cặp câu đối thuần Hán văn, đại ý: “Bốn mùa, tám tiết lần lượt thay đổi có đầu có cuối; dặm liễu, bờ cỏ cũng muốn trang điểm”. Câu đối nói lên ý chí, quyết tâm chung thủy của người vợ góa trước nỗi xao xuyến, đòi hỏi được “điểm trang” của “dặm liễu, “gò bồ”. Tuy nhiên, hai chữ “tiết ” và “canh” trong vế trên và “bồ ” và “dục” trong vế dưới nếu đọc liền nhau lại có thể coi là tiếng Việt thuần túy, với “tiết canh” và “bồ dục” là hai món trong thịt lợn.

Đối chữ Hán đã hay, đối chữ Nôm của Nguyễn Khuyến cũng không kém phần đặc sắc, thậm chí còn dễ gây ấn tượng với người đọc hơn. Đối tượng được tác giả viết những câu đối Nôm cho đa số là người bình dân, họ sinh sống và làm những nghề lao động bình thường. Đối với mỗi nghề nghiệp, Nguyễn Khuyến luôn tìm đến một trường từ vựng phù hợp để tạo nên nhiều sắc thái ý nghĩa, vừa gần gũi thân quen lại vừa nhấn vào cảm xúc.

Khi viết câu đối cho mẹ con góa phụ của người thợ rèn, ông hạ bút:

Nhà cửa lầm than, con thơ dại biết lấy ai rèn cặp,

Cơ đồ bỏ bễ, vợ trẻ trung e lắm kẻ đe loi.

Ở hai vế đối này, tác giả đã dùng trường từ vựng liên quan đến nghề thợ rèn như: than, rèn, cặp, bễ, đe, loi… tất cả thể hiện được đặc trưng nghề nghiệp của người quá cố. Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh khác, những chữ này còn thể hiện được cảm xúc của mẹ con góa phụ. Từ nỗi lầm than khi trong nhà mất đi trụ cột, cho đến công việc bỏ bễ, con cái chẳng được ai rèn rũa chăm lo, vợ trẻ còn bị người đời đe nẹt. Tất cả được hiện lên một cách tài tình và khéo léo.

Đối với ông bán gà, khi vợ qua đời, cũng được Nguyễn Khuyến viết tặng:

Lồng tạo hóa úp rồi xao xác con tìm mẹ,

Gánh giang san để lại, lục tục trống nuôi con.

Trường từ vựng liên quan đến nghề bán gà gồm các từ: lồng, úp, gánh đã chỉ các vật dụng và hành động của người làm nghề buôn gà. Hơn nữa cụm từ “xao xác con tìm mẹ”, “lục tục trống nuôi con” vừa chỉ cảnh con nhà hàng gà mất mẹ, vừa gợi tiếng kêu của bầy gà con lạc mẹ cù bất cù bơ,… “trống nuôi con” là cảnh cha nuôi con thay mẹ, lại gợi chuyện của… gà! Đọc câu đối này, người đời cũng không khỏi cảm thán cho gia đình ông lão.

Nghề thợ nhuộm thì lại được Nguyễn Khuyến pha vào câu đối nhiều màu sắc, đúng với đặc trưng nghề nghiệp. Khi góa phụ anh thợ nhuộm khóc chồng xấu số, đã nhờ cụ Tam Nguyên cất bút cho đôi câu:

Thiếp kể từ lá thắm xe duyên, khi vận tía lúc cơn đenđiều dại điều khôn nhờ bố đỏ,

Chàng ở dưới suối vàng nghĩ lại, vợ má hồng con răng trắngtím gan tím ruột với ông xanh.

Câu đối trên đã có đủ thứ màu thường dùng cho nghề thợ nhuộm như: thắm, tía, đen, điều, đỏ và vàng, hồng, trắng, tím, xanh. Nhưng hơn nữa vẫn là nỗi xót thương ai oán của người ở lại nhắn đến người ra đi.

Trước Nguyễn Khuyến, bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng đã không ít lần chơi chữ trong sáng tác, đặc biệt bà đã vận dụng sự đồng âm giữa chữ Hán và chữ Nôm để tạo nên những lớp nghĩa vô cùng thú vị. Rất khó để đánh giá Nguyễn Khuyến có bị ảnh hưởng từ các bậc tiền nhân không, tuy nhiên chúng ta có thể khẳng định được rằng sản phẩm chơi chữ trong câu đối của cụ Tam Nguyên Yên Đổ là một sản phẩm của tinh hoa ngôn ngữ dân tộc.

Như Châu/ Văn nghệ Thái Nguyên