Nghệ thuật là vô cùng – Truyện ngắn của Vũ Khắc Tĩnh

872


Tác giả Vũ Khắc Tĩnh.

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Nga đi dạy về chưa kịp thay áo quần và cất cặp sách vở, đã chạy đi tìm gã. Trong khi đó, gã nằm gục đầu trên đống sách vở nằm ngổn ngang trên bàn.

Nga chạy đến bu cổ gã.

– Ngày mai mẹ về ở phi trường Đà Nẵng. Cha con mình đi Đà Nẵng đón mẹ, con xin phép nghĩ ở trường rồi.

Gã mắt nhắm mắt mở, tay dụi mắt:

– Cha mệt trong người biết đi có được không đây? Một mình con đi có được không?

– Con hồi nào đến giờ có khi nào đến phi trường một mình đâu! Giờ đi ra thấy cái gì cũng lạ lẫm, nói ra thì xấu hổ, người ta nghe họ cười. Cha cố gắng đi với con, mẹ thấy cha đi đón mẹ cảm động lắm đó.

Đêm đó, hắn thấy gã ủi áo quần treo trên móc, đánh bóng lại đôi giày cho mới để ngày mai đi Đà Nẵng đón vợ.

Từ ngày hắn gặp gã đến giờ, lần đầu tiên hắn mới thấy gã ăn mặc tươm tất. Dáng dấp không mập không ốm, với cặp kính cận dày cộm, gã đi với một cô gái lúc này không còn dắt theo con chó Nhật nữa. Con chó Nhật hồi đó đem về quê nuôi được một thời gian ngắn đã bị kẻ trộm trong làng rình bắt mất. Nga thương mến nó khóc hết nước mắt. Gã lại bàn thờ bà cụ thắp nén nhang thật thành kính. Gã cẩn thận dặn hắn ở nhà tưới nước mấy chậu cây kiểng trước sân.

Gã quay qua hỏi Nga:

– Mẹ con về lúc mấy giờ?

– Một giờ ba mươi phút chiều máy bay hạ cánh xuống phi trường, làm thủ tục xong hai tiếng đồng hồ, sau đó khoảng ba giờ chiều mới ra được.

Hai cha con một già một trẻ lên đường lúc ấy là 9 giờ 30 phút sáng. Xe chạy khoảng ba tiếng đồng hồ là đến bến xe Đà Nẵng. Xe dừng, gã và cô con gái xuống xe.

Gã tấp vào quán nước giải khát nghỉ chân dăm phút rồi đi tìm quán cơm ăn trưa. Xong xuôi, đón taxi đi vào phi trường.

Trên đường, các loại xe lớn nhỏ lao qua nhanh mang theo một chút bụi đường và khói xe. Chung quanh nhà ga và trong nhà ga, người đến kẻ đi đông nghẹt. Gã nhớ ở nhà ga nào cũng ngột ngạt và sặc mùi chua, các chiếc ghế chật ních những người ngồi, những đứa trẻ thì ngủ, hành khách có người đứng, ăn uống, trẻ em có đứa không ngủ thì chạy lăng xăng, lúc nào cũng đông đúc. Dường như ở ga lúc nào cũng cũng diễn ra những cuộc đi và đến liên tục không bao giờ dừng.

Gã cầm tay cô con gái, hai cha con đi lại trên sân ga dọc theo hành lang. Những người đi đưa tiễn và những người sắp đi đứng xếp hàng ngay ngắn trước quầy làm thủ tục giấy tờ tuỳ thân có vẻ xúc động và tỏ ra nôn nóng… Gã và cô con gái đứng trước cửa nơi ga đến. Lúc này đúng mười ba giờ ba mươi phút chắc tàu đã hạ cánh xuống phi trường và làm thủ tục lấy hành lý ra về cũng mất hết hai tiếng đồng hồ. Gã đứng xớ rớ, thấy đợi lâu quá, gã lấy thuốc lá ra hút bị bảo vệ nhà ga nhắc nhở không được hút thuốc nơi đây, gã dụi điếu thuốc bỏ vào thùng rác, Nga chỉ cho gã biết trên cây cột đầu kia có dán bảng báo cấm hút thuốc mà gã không để ý. Gã nói lẩm bẩm trong miệng, đúng là người nhà quê ít có dịp đến phi trường đâm ra ngờ nghệch.

Dòng người làm thủ tục xong đi ra cửa từng tốp một, Nga tiến sát vào bên trong cho dễ thấy, gã đứng ngoài chờ. Gã nhìn đồng hồ lúc này là 3 giờ 30 phút chiều. Vợ gã đi ra sau cùng, tay đẩy chiếc valy to đùng. Nga đứng vẫy tay miệng gọi “Mẹ…mẹ…”, vợ gã nhận ra đó là con gái. Nga càng lớn càng giống mẹ như hai giọt nước. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau mừng khóc thút thít.

Chị hỏi:

– Con đi với ai?

– Dạ, ba đứng phía ngoài.

Chị và cô con gái tiến về phía gã đứng. Và chị nhào tới ôm gã rất lâu, mặc cho đứa con gái đứng bên và những cặp mắt soi mói của những người đứng chung quanh. Gã xúc động nghe nóng ran người, mùi nước hoa nơi chị bay ra làm gã ngây ngất. Đôi môi của chị áp vào má gã rồi giữ nguyên ở đó. Cử chỉ này của chị toát ra vẻ tin cậy khiến gã thấy nhức nhối ở ngực, chị đưa ngón tay xoá đi vết son trên má gã.

Sao gã cứ đứng yên như bất động thế này nhỉ, phải nói với chị lời gì đó đi chứ, nhất định phải nói lời gì đi chứ, gã không được phép hoài nghi, gã quyết định rồi. Gã thầm nhắc đi nhắc lại nhưng rồi gã vẫn đứng nguyên như thế với nụ cươì yếu ớt trên môi.

– Thôi chúng ta thuê xe taxi về. Gã nói.

Trên đường về chị hỏi gã:

– Mấy năm rồi ở nhà anh làm gì, còn làm thơ siêu hình không, được mấy tập thơ rồi?

Gã không trả lời câu hỏi của chi mà chỉ nói:

– Em hỏi con Nga sẽ biết hết mọi chuyện trong nhà và ra ngoài ngõ. Anh nói ra cũng được, chỉ sợ gây ra mâu thuẫn vợ chồng không hay ho gì. Vã lại em mới về. Thời gian qua mấy năm em ở Mỹ em làm được những việc gì? Sung sướng hay khổ cực?

– Em hả? Mấy năm mới qua thất nghiệp, xin chưa được việc làm. Mới có việc làm thời gian sau này, và em mua ngôi nhà trả góp 25 năm. Lần này em đem con Nga qua ở với em. Mẹ khoẻ không anh? Em có mua tặng mẹ cái áo ấm.

– Mẹ vừa mới qua đời.

– Sao em thấy mặt mày anh tỉnh bơ vậy?

– Chẳng lẽ anh khóc rống lên.

Chị là một con người rất khôn ngoan biết rào trước đón sau, dù anh có giận đi mấy cũng dịu giọng nói, anh không thể nói những lời búa bổ xuống đầu chị vì cái tội bỏ gã và con gái đi Mỹ. Chị ngoại tình mới được đi Mỹ nếu không làm sao mà đi được. Gã biết vậy nên ngậm bồ hòn làm ngọt. Gã ngồi im lặng cố xua đuổi những tư tưởng ấy ra ngoài cho nhẹ cái đầu.

Chiếc xe taxi đổ xịch trước cổng làng. Hắn ra mở cổng:

– Chào chị!

– Ai vậy anh?

– Chú này ở Sài Gòn, chú ở đây với anh làm ruộng, làm rẫy và làm thơ.

– Anh mà cũng giỏi vậy sao, hèn gì thấy anh dạo này đen và ốm!

Gã và cô con gái đẩy chiếc valy vào nhà. Chị đứng lại dăm phút nhìn quan cảnh chung quanh, lững thững đi vào sau cùng.

Chị đến bàn thờ thắp nén nhang và vái lạy bà cụ.

– Em ở Mỹ về mà chẳng mua được gì nhiều, chỉ mua cho anh vài cái áo chemise và một con dao cạo râu, cho con Nga một vài bộ quần áo. Gọi là món quà Mỹ.

– Em mua làm chi cho tốn tiền, những thứ đó ở Việt Nam thiếu gì, giá cả rẻ nữa.

Chị nói chị biết nhưng vẫn mua, đó là thể hiện chút tình cảm đối với chồng con bao năm xa cách.

Thỉnh thoảng gã lên rẫy, Nga đi dạy còn lại chị và hắn ở nhà. Hắn nói chuyện với chị rất nhiều, hắn mới biết chị rất thích nói chuyện và nói rất nhiều, có công việc gì đó muốn đứng dậy đi mà cũng không đi được. Chị nói hắn ở đây sống được với gã thì quá giỏi, gã ít nói nhưng mỗi lần nói ra toàn là triết lý với một luồng tư tưởng kỳ lạ không một ai hiểu nổi, nên chị và gã không hợp tính nhau nhưng vẫn sống với nhau chắc có lẽ vì cô con gái.

– Hồi bà cụ còn sống hay la ảnh hoài, quí trọng thơ ca hơn vợ, nên trong cuộc sống của anh chị hay xảy ra mâu thuẩn lên đến đỉnh điểm.

Hắn nghe và thấy hết mọi chuyện, nhưng hắn nói với chị rất ít về gã, hắn không dám nói nhiều, hắn tôn trọng gã cũng như tôn trọng chị. Hắn rất quí mến gã cũng như chị lần đầu hắn mới gặp, chị nói chuyện có duyên và có cái gì đó lôi cuốn người nghe.

Nếu chị nói chuyện có chừng mực và ít lại thì vẫn hay hơn nói nhiều, làm người nghe đôi khi nhàm chán.

– Chị về lần này chơi có lâu không?

– Được khoảng hai tháng. Chủ yếu về để bổ sung một số giấy tờ cho con Nga kịp phỏng vấn. Vừa rồi chị có nói với ảnh làm giấy tờ, chị sẽ bão lãnh anh qua Mỹ nhưng anh nói ở lại quê sống chứ không đi. Đó là quyền quyết định của ảnh, chị tôn trọng.

Đã nhiều lần hắn có nghe gã nói về chuyện đi Mỹ nhưng gã không đi, hắn nghe và không can dự vào chuyện này làm chi, chỉ có vậy mà gã và chị không cải thiện cho cuộc sống tốt hơn. Chị đẹp nhưng trong suy nghĩ của chị hàm chứa biết bao nhiêu điều uẩn khúc làm sao hắn biết được, có đi guốc trong bụng chị đâu mà biết. Gã nói gà chị nói vịt. Đến giờ này mà chị vẫn còn nói không muốn gã dấn thân vào con đường văn chương, nếu gã nổi tiếng đã nổi tiếng rồi, mà nổi tiếng làm gì cũng không ăn được. Chị nói hồi còn ở Sài gòn chị đi làm nuôi gã.

Trái lại với gã dù gì đi nữa thà mất vợ chó không bỏ được niềm đam mê, gã nói một cách mạnh mẽ. Gã còn nói nghệ thuật là vô cùng.

Hắn thấy và hiểu được tâm trạng của gã. Tình cảm của gã và chị vẫn giữ trong lòng, nhưng bề ngoài không đồng một quan điểm chung. Hắn biết chị ghen với văn chương. Hắn thiết nghĩ cái mấu chốt của vấn đề là gã ít vỗ về chăn gối với chị mà lại bù đầu vào những trang sách và thơ siêu hình.

Tiếng xe mô tô chạy ầm ầm. Xa xa, một chiếc xuồng máy bên kia sông kêu xình xịch, những người đánh bắt cá nối đuôi nhau đi từ phía bờ sông lên bờ.

Đã đến lúc đứng dậy đi, trở về với trạng thái người đã lớn tuổi, trở lại một người điềm đạm như gã, mặc vào người bộ quấn áo bạc màu nắng gió của gã, chăm lo công việc chưa được chu đáo, bận bịu với ruộng đồng, rẫy nương, giấy tờ, nói những lời lẽ của gã. Phải vật vã lắm gã mới buộc được những lời cởi mở trong hắn.

Thông thường gã bước vào một ngày mới với tâm trạng nôn nóng, thậm chí hăng say giống như hắn. Nhưng hôm nay gã không hề cảm thấy tâm trạng ấy, không hiểu sao gã cảm thấy buồn và không muốn rời bỏ nơi này.

Từ trong ngôi nhà, gã băng qua cánh đồng rồi lên đồi. Lên đến nơi, có một vài người đi làm rẫy chạy vượt qua mặt gã. Họ đều mặc áo mây dô ba lổ, quần đùi, cuốc đất trồng hoa màu, khoai, sắn là loại nông sản trồng ngắn ngày, mau thu hoạch, Mặt mấy người đó đỏ gay, đẫm mồ hôi, họ gật đầu chào gã. Gã không hề biết rằng có nhiều người buổi sáng nào cũng lên đây.

Hay đấy…. hay đấy… Gã khẽ ngân nga. Gã lúc nào cũng làm chủ được mình. Trì hoãn, đắn đo làm gì nữa. Thử nghĩ mà xem, người ta cũng bắt chước gã trồng hoa màu, vì thấy gã trồng thành công. Có một vài người trong số họ đưa ngón tay vào miệng và huýt sáo nghe dội lại bên kia núi. Gã cũng bắt chước huýt sáo nhưng không thành tiếng, gã bỏ cuộc chơi huýt sáo. Mọi nổi e sợ lo lắng của gã, tất cả những gì trước đây hình như không thể khắc phục được đều trở nên đơn giản, thật ra, cùng lắm thì cái gì đe doạ gã, quở trách chứ gì, cự tuyệt chứ gì, chẳng lẽ những việc đó lại quan trọng lắm sao? Tìm cách giữ được khu đồi trồng hoa màu là điều quan trọng hơn. Gã chỉ sợ giông gió, bão lụt làm tình làm tội giống cây trồng không giữ được thôi. Dĩ nhiên, phải bảo vệ vùng sông nước, kênh đập để có chỗ lấy nước tưới cây, khi suối khe gần đó cạn kiệt nước. Gã ngồi rung đùi.

Gã thấy ngọn đồi toàn là màu xanh bát ngát, màu nắng chảy tan dần nhợt nhạt đi và bị màu xanh cây lá thay thế, thấy bóng tối ngắn lại và sương long lanh như hạt kim cương đọng lại trên các lá cây. Những giây phút như thế xảy ra thật quá ít trong cuộc đời này, hay ít ra cũng không nhiều trong cuộc đời gã, trong cuộc đời hắn, và thế lá một sai lầm. Còn nếu việc trồng hoa màu đó không thành công thì cũng được thôi, không có ai dám phàn nàn về gã được, gã đã hết sức cố gắng kia mà. Cái cố gắng đó không phải là tội, đòi hỏi đâu phải lỗi, nếu bị trừng phạt cũng chẳng sao. Vì gã đã nướng hết số tiền dành dụm để mua giống cây trồng được ươm trong các bịch nylon nhỏ, chưa kể đến cuốc, xẻng, xà beng máy bơm nước phục vụ cho giống cây trồng, phục vụ cho sản xuất. Có lẽ hắn kể ra mọi người sẽ hiểu và thông cảm cho những người đam mê văn chương lại phải đi làm nông.

Gã đi với dáng điệu quả quyết, với tâm trạng sảng khoái, thanh thản. Gã cảm thấy đôi chân hôm nay của gã sao bước thật nhanh nhẹn, gót chân đặt xuống trước rồi từ từ nhấc đến đầu ngón chân, gã cảm thấy tất cả các bắp thịt, các gân cốt ở đây đều làm việc hết sức nhịp nhàng. Giá như bao giờ cũng được như thế này thì quá tuyệt vời: dậy sớm, chạy ngắm nhìn vẻ đẹp, không hề sợ hãi gì hết, chỉ nghĩ đến những cảm giác tâm hồn gợi lên, nhìn lại bản thân mình qua buổi rạng đông và chim chóc. Giờ đây gã cảm thấy thoải mái và rõ ràng đến nổi gã thấy thầm thương cha mẹ gã trước kia đã phải sống ở đây một cách kín đáo, lúc nào cũng phập phồng sợ hãi về cơ ngơi khang trang và thoáng đãng, sợ có ai đó dòm ngó.

Bỗng nhiên gã thấy khó chịu, cảm giác đó đến một nơi nào đó, gã quay đầu lại bắt gặp một đôi mắt đang nhìn gã từ dưới chân đồi. Đôi mắt chằm chằm dõi nhìn gã một cách trìu mến, ân cần. Người phụ nữ gật đầu chào và lầu bầu một câu nói gì đó không nghe rõ. Gã máy móc đáp lại. Sau khi đi vài bước, gã chợt đoán ra và quay đầu lại. Người phụ nữ đang xuống dưới về phía làng, sau lung mang một gùi rau lang. Trước đây người phụ nữ đã ly dị chồng, ở vậy nuôi hai đứa con một trai một gái, chị thường mặc bộ áo quần màu xanh nhạt bó sát người, còn trên mái tóc dày mượt mà của chị bao giờ cũng có đội mũ rộng vành hoặc mũ lưỡi trai, hoặc một thứ gì đó duyên dáng.

Chị chào hỏi chuyện trò lúc nào cũng vui vẻ, cởi mở, với nụ cười dịu dàng trên môi. Chị không đẹp lắm nhưng có duyên ngầm, vì vậy mà nét e thẹn toả sức thu hút. Dù đã hai con nhưng nhìn vóc dáng chị rất hấp dẫn. Từ ngày chị ta biết được gã hiền triết ở ngôi nhà đó, chỉ có mẹ già và cô con gái, vợ sống ở nước ngoài, chị cảm thấy thích thú và mê gã. Lúc nào chị cũng tỏ vẻ khiêu khích và kích động sự thèm muốn nhục dục với gã khi vợ sống lâu năm ở nước ngoài. Chị bày mưu lập kế hầu làm lung lạc trái tim gã, nhưng chị đâu có biết được trái tim gã đã hoá đá lâu rồi.

Khi còn nhỏ, gã thường nhìn chị đi lại bên những giá sách chật chội trong thư viện của trường, chị để chạm bộ ngực vào các giá sách và gã cảm thấy thích thú xen lẫn xấu hổ. Khi đó, gã đã phải lòng chị. Giờ đây, gã hoàn toàn không hiểu được hành động đó, nhưng nhắc mình vội đọc cho xong quyển sách để có thể đến thư viện sớm, để đổi mượn cuốn sách khác. Năm tháng rồi cũng trôi qua, thân hình chị trở nên nặng nề, vụng về, nhưng điều đó xảy ra dần dần và cho đến nay gã vẫn nhận ra được ở chị một cô gái e lệ ngày trước.

Gã biết được thiếu người đàn ông để chia sẻ, để chăn gối ôm ấp những đêm giá lạnh của mùa đông nên chị đem lòng để ý đến gã, hòng khơi dậy trái tim chai đá của gã. Chị không kịp dập tắt ánh mắt của mình, gã gặp chị một cách bất ngờ, nhưng đáng chú ý là chị không có vẻ bối rối, không tránh đôi mắt đi chỗ khác mà hết sức thản nhiên tiếp tục nhìn gã với vẻ hơi lạnh lùng, không phù hợp với bản tính của chị lúc ban đầu. Có thể nghĩ, đó là thái độ trả thù nhưng do đâu và vì lẽ gì? Không thể tưởng tượng nổi một người phụ nữ lại như thế. Vì một lý do đơn giản là không được đáp lại tình yêu nồng cháy của chị. Ngay đến cái tên của chị cũng rất đơn giản, người ta thường gọi là chị Ly.
Về đến nhà, khi đứng cạo râu trước gương, các câu nói cứ lần lượt xảy ra trong đầu gã.

Câu trước nói hay hơn câu sau, điều đó khiến cho gã tức giận, cáu gắt thêm. Không phải gã tức giận gã mà tức giận người phụ nữ goá chồng đã lâu. Giá như chị Ly mắng gã, thoá mạ gã, đe doạ gã còn tốt hơn biết mấy. Đằng này, đem so với thái độ kiêu hãnh, đùa cợt và điềm tĩnh đầy ngạo mạn của những kẻ trí thức tế nhị ấy, chị Ly đã làm hỏng một buổi sáng đẹp trời như mơ của gã. Dù gã có trân trọng buổi sáng đó thế nào chăng nữa, nó cũng bị đầu độc.

Trong cuộc đời gã, có thể tìm thấy một vài phương án sống không được thực hiện. Mỗi người đều đã từng gặp cơ hội có thể chọn một cái nghề khác, ăn ở với một phụ nữ khác, hiểu và thông cảm cho việc làm của mình hay sống một nơi khác.

Ngay khi học ở trường trung học, gã đã có ý chọn ngành học sau này là ngành kinh doanh hay là ngành khoa học vì gã học môn toán rất giỏi. Nhưng rồi gã không thực hiện được ước mơ đó, dĩ nhiên là gã thi trượt, gã không làm được bài toán hóc búa làm mờ mắt gã, không biết lý do tại sao. Đến những năm sau này, bài toán đó còn ám ảnh đến gã. Thất bại trong thi cử làm cho gã nhụt chí khí. Để trả thù cho bản thân, gã nộp đơn vào học đại học Văn khoa, gã lại thích thú và đam mê với ngành học văn chương. Cuộc đời gã từ đó bước sang một ngã rẽ khác, gã đi tìm tài liệu để hiểu thêm và phát huy khả năng làm thơ, gã muốn hơn thiên hạ về cách vận dụng ngôn từ trừu tượng và mơ hồ một chút. Đó là dòng thơ siêu hình. Trong đời gã, có lẽ đây là thời hoàn kim nhất. Thật hạnh phúc khi nghĩ rằng mọi chuyện đều phụ thuộc vào gã, gã có thể làm nên cú hích trên con đường nghệ thuật, biết đâu được trong tương lai…

Vợ gã hồi xưa là một nữ sinh trường Gia Long xinh đẹp, gặp gã như bị thôi miên vì dáng dấp đẹp trai lãng tử. Gã là một sinh viên đại học Văn khoa lãng mạn, cũng là một nhà thơ siêu hình, nên tình yêu đến với nhau mau chóng và dễ dàng. Nhưng ngặt một nỗi, khi chị đã là vợ, chị không muốn gã lún sâu vào con đường làm thơ để cứu cánh, chị muốn gã làm một ngành nghề khác có thể kiếm được nhiều tiền, cho nên trong gia đình sinh ra mâu thuẩn. Mới đầu, chị nói nhỏ vừa đủ nghe, sau thì lớn tiếng đến nỗi những người hàng xóm cũng nghe, và chị hay bỏ nhà đi chơi lang bạt đâu đó với bạn bè vài ngày mới về nhà.

Gã buồn, hay uống rượu và lao đầu vào làm thơ ca siêu hình mang tính chất triết lý hoài nghi thấm đượm tư tưởng siêu hình, đầu óc lúc nào cũng nghe tưng tưng như đi trên mây trên gió, nhả ra những ngôn từ hư hư thực thực mang đậm chất triết lý mơ hồ.

Từ những lập luận khó hiểu và trừu tượng, hắn bỗng chuyển sang những chuyện vụng dại trong cách cư xử của gã, biến ưu điểm của gã thành khuyết điểm, biến tính chất phác của gã thành đần độn ngu ngốc, biến lòng yêu chân lý của gã thành ra những chuyện bâng quơ.

Hắn thuyết phục gã rằng lòng tốt và sự trung thực phải được thể hiện một cách thông minh, phải sử dụng sự khôn khéo, phải biết đánh thức bất kỳ một kẻ đốn mạt nào cũng có thể làm hỏng việc làm tốt đẹp nhất. Tất cả những kẻ háo danh ấy, tất cả những kẻ đố kỵ ấy, tư lợi ấy, và những kẻ gian xảo vụ lợi ấy đều là những kẻ cô thế. Trong cuộc sống hư thực, không thể giữ trong sạch đến mức vô trùng. Nếu muốn làm một việc quan trọng và cần thiết, phải vừa mềm dẻo vừa quyết liệt.

Vào những ngày của mùa đông xa xưa, khi gã vừa đám cưới xong, gã thường đưa chị đến đây. Họ lao vùn vụt xuống tận mé sông, và khi leo trở lại lên đồi, họ đua nhau chạy thục mạng, người ướt đẫm mồ hôi vừa thở hổn hển lại vừa thích thú.

– Anh không tin ngay được là em có mặt ở miền quê này.

Chị nắm tay gã, gã vẫn chậm chạp đi không quay đầu lại, chị gần như vừa níu lấy gã vừa lấy lại hơi thở. Dù sao đi nữa thì đúng là chị thật, gã gọi tên Thuỳ bằng một giọng run run.

Đó là một mùa đông xa xưa…. Mấy mươi năm rồi, bây giờ không còn là mùa đông nữa. Chị lại về đây với một tâm thể khác. Không nên hỏi xem chị tìm thấy gã như thế nào, do đâu mà chị biết được những mảnh vỡ tâm hồn giằng xé nhau khi tình cảm không còn mặn nồng. Chị cảm thấy sức nặng của tấm thân nòng hổi và nhịp tim chị đập mạnh dần chìm vào vô tận thời gian.

Vậy giờ… gã không tin chị. Gã nói với lòng biết ơn nhưng không thành tiếng, chị thầm tự nhủ, bởi vì gã không nói thành lời một điều gì hết. Cổ gã nghẹn lại vì đau đớn và biết ơn.
Hắn thấy gã sung sướng là chị đã kiềm chế lại được, đã nén lại được tình cảm của mình. Kiềm nén lòng biết ơn còn khó hơn kiềm nén một cơn tức giận. Nếu chị buông lỏng thì sao? Chị sẽ nói lung tung về những sở thích của gã. Có thể lắm chứ. Lần đầu tiên tính điềm đạm đáng khen của gã không làm cho gã sung sướng, mà trái lại, gã cảm thấy như một sự thành công nhất định về tâm tình con người. Trong đời gã, đã bao lần gã phải kìm hảm những cơn bột phát thịnh nộ như vậy. Chúng sẽ đưa gã đến đâu vào những cuộc đời giả định này!

Dần dần, gã đã quen và giữ được bình tĩnh trước mặt chị.

Chị vẫn chưa lấy lại được hơi thở đếu đặn. Khuôn mặt chị như toát lên hừng sáng trong dòng đời đầy những sắc màu lung linh huyền ảo. Còn trên thực tế, chị vẫn còn ngạo mạn, vẫn còn tự hào về chút sắc đẹp tiềm ẩn trong con người của chị. Chị thấy mà gã hầu như không thấy được điều đó.

Môi chị chum lại vì ngạc nhiên, chị bước hụt chân và bỗng nhiên cất tiếng cười khe khẽ.
Từ giây phút ấy, chị đã có một ưu thế nhất định trong ngôi nhà này. Hình như gã đã nhượng bộ để gỡ bớt những gánh nặng trong tâm hồn gã, để an ủi gã, ít ra thì gã cũng thấy có vẻ như vậy, như bị trói tay trói chân trong một mớ hỗn độn.

Từ ngày chị về, ít khi thấy chị ngồi trong phòng khách uống trà. Sao hôm nay hắn thấy chị ngồi một mình, uống trà một mình, mắt chị nhìn chằm chằm bức tranh chân dung phụ nữ. Chị hỏi hắn:

– Bức tranh chân dung này ở đâu mà anh Dục có vậy chú?

– Em vẽ triển lãm ở nhà Văn hoá. Nga thấy thích em tặng cho Nga.

– Vậy à, bức tranh chân dung đẹp lắm.

Chị ngồi cười thầm, phụ nữ nào mà giống y hệt mình như hai giọt nước. Ở đời, có những cái xảy ra bất ngờ đầy thú vị.

– Em vẽ một cô bạn, không ngờ khuôn mặt ấy lại giống chị như đúc.

– Chú vẽ thật tuyệt. Đã đến lúc chúng tôi không còn gì quí giá ngoài bức tranh đó.

Hắn cũng có cuộc sống riêng của hắn, đầy sóng gió, hắn không cảm thấy mình là người xa lạ ở đây.

– Chị về làng quê này thấy không khí ở đây như thế nào?

– Sống ở đâu quen ở đó. Ở Mỹ thì thời tiết bất thường.

Như ở Los chẳng hạn, sáng sương mù dày đặc, trưa nắng nóng, tối lạnh cóng người ngủ phải đắp chăn. Tháng này là mùa thu ở Mỹ, cây lá thay màu, trời trong trẻo rất dễ chịu. Chị về đây nắng nóng quá, dù là miền quê cây lá nhiều, nhưng không có gió cũng như không.

– Chị lúc nào mới qua lại bên Mỹ?

– Đợi Nga phỏng vấn có kết quả như thế nào, chị mới yên tâm đi.

Đôi khi, hắn có cảm giác như mình đang ngồi trong một quán cà phê. Tất cả sự đời tích tụ lại trong phin cà phê, rồi đột nhiên nhỏ từng giọt từng giọt xuống ly, không theo một trình tự nào hết, quay tròn chị, quay tròn hắn, cuốn phăng chị đến nổi chị không còn nghe thấy lời lẽ của chính chị mà cảm thấy giọng chị mỗi lúc một rắn rỏi, mỗi lúc một hào hứng về những mẫu chuyện đời lan man chưa hề nói cho một ai biết, để làm chi, để cho gió cuốn bay đi.

Gã thì chưa bao giờ nói ra những lời như thế, gã sống rất tế nhị, dù chị có những mặt xấu được che bởi những cái mặt nạ, gã vẫn cho là tốt.

Hắn biết chị ở nhà một mình rất buồn, mùa này ở quê rất bận rộn. Sáng nào gã và hắn cũng ra đồng hay lên rẫy, trưa đứng bóng mới về đến nhà.

– Chị có chuẩn bị đi chơi đâu không?

– Một hai ngày nữa chị đi chơi với mấy chị bạn. Ra Đà Nẵng chơi vài ngày, sau đó đi Cù lao chàm. Chị nói anh đi cùng cho vui nhưng anh nói bận công chuyện đồng án. Chị cảm thấy anh bây giờ là một người khác, hoàn toàn khác xưa rất nhiều, thơ văn làm cho con người anh ấy thay đổi tâm tính.

– Chị không muốn anh làm thơ phải không?

– Theo chị, anh nên làm một cái nghề khác nhàn nhã mà có tiền, chứ nghề nông cũng kham khố quá.

– Chị không nghe anh nói sao, nghề nông khổ, nhưng không bao giờ đói.

Hắn biết, dù thế nào gã cũng hiểu rắng mọi chuyện sắp sửa kết thúc và vì thế mà gã thấy thêm can đảm.

Hắn nói thế không đúng hay sao?

V.K.T