Nghệ thuật tự sự của Nguyễn Anh Đào trong tập truyện ngắn ‘Những hạt gạo xoay tròn’

1033

Nguyễn Phương Hà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong tập truyện ngắn “Những hạt gạo xoay tròn” (Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019), Nguyễn Anh Đào đã tập trung thể hiện những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống: vấn đề thân phận con người, nhất là người phụ nữ trong đời sống xã hội hiện nay. Tập truyện hấp dẫn người đọc không chỉ ở những phát hiện về bản chất con người với những giá trị nhân văn sâu sắc mà còn ở những nét mới mẻ và khá độc đáo trong sáng tạo nghệ thuật của nhà văn như nghệ thuật trần thuật, sáng tạo tình huống truyện và xây dựng nhân vật.


Tập truyện ngắn “Những hạt gạo xoay tròn” của Nguyễn Anh Đào.

Không gian nghệ thuật trong tập truyện là không gian bối cảnh và không gian tâm lí. Không gian bối cảnh chủ yếu là không gian sinh hoạt với phạm vi nhỏ hẹp trong gia đình, xóm làng hay một ngõ phố, một nhà trọ, một phòng khách sạn, vv… thể hiện khuynh hướng phản ánh cuộc sống đời thường của con người trong những mối quan hệ gần gũi với người thân, bạn bè (Hoa tiên trên đỉnh núi, Những bậc thang, Duyên muộn, Biến mất, làm mẹ, ngày thượng thọ…). Không gian tâm lý xuất bên trong nhân vật hoặc trong tâm trạng của người kể chuyện. Đó là không gian xuất hiện trong những dòng hồi ức triền miên của nhân vật đầy những tâm trang vui buồn, những mơ ước, mộng mị, những ám ảnh mơ hồ mà nhân vật nói ra được. Điều này thể hiện sự quan tâm của nhà văn hướng đến thế giới nội tâm, thế giới tinh thần của con người (Những hạt gạo xoay tròn, Chỉ cần tình yêu, Linh cảm…). Gắn liền với không gian ấy là quan niệm thời gian tuyến tính và thời gian tâm trạng được thể hiện trong tác phẩm. Nhân vật được thể hiện qua các sự kiện, tình tiết diễn biến theo thời gian tuyến tính. Ở truyện Linh cảm, thời gian khách quan dường như rất ngắn nhưng được kéo dài ra vì những diễn biến cảm xúc, tâm trạng, hồi ức của nhân vật Hoà khi đến dần với cái chết. Truyện Vùng ký ức trắng, thời gian khách quan là khoảnh khắc nhân vật người đàn ông lớn tuổi tìm về với bà Lựu – người tình cũ bị ông bỏ rơi mấy chục năm trước. Nhiều truyện được tổ chức theo mô hình thời gian: Hiện tại – quá khứ hồi tưởng – hiện tại, như vậy, nhà văn đã nhìn theo điểm nhìn của nhân vật, nhìn nhân vật từ bên trong, nhìn nhân vật và sự kiện qua “cái bây giờ” và “ở đây” tức là nhà văn đã thể hiện được quan niệm thời gian hiện tại chưa hoàn thành, đang diễn ra và đầy phấp phỏng mong chờ.

Trong tập truyện này, Nguyễn Anh Đào chủ yếu dùng hình thức tự sự ngôi thứ ba (16/22 truyện, chiếm khoảng 77%), nhưng đã nhìn theo tiêu cự bên trong của của nhân vật. Do đó, nội dung kể không còn là đơn giản là sự việc xảy ra bên ngoài mà người kể muốn thông báo, mà là bản thân sự cảm biết, nhận thấy của các nhân vật đối với các sự việc ấy (Hoa tiên trên đỉnh núi, Duyên muộn, Mơ ước cuối cùng, Về nương bóng mẹ…). Có 6 truyện được kể theo ngôi thứ nhất (23%), trong đó có 5 truyện được kể bằng nhân vật “tôi” (Những hạt gạo xoay tròn, Biến mất, Tuổi thơ ám ảnh, Làm mẹ, Những con chuột bị treo cổ), riêng truyện Ngày thượng thọ được kể theo ngôi thứ nhất qua vai một người cháu kể về bà ngoại của mình. Điều này thể hiện sự đa dạng, linh hoạt trong hình thức tự sự, giúp nhà văn đi sâu khám đời sống tinh thần của con người. Tác giả cũng đã sử dụng biện pháp nghệ thuật độc thoại nội tâm và dòng ý thức gắn liền với không – thời gian tâm trạng (như đã nói ở trên) để thể hiện tâm lí nhân vật. Độc thoại nội tâm dùng vào việc miêu tả quá trình suy nghĩ trong nội tâm và lời nói thầm kín, viết ra để đọc chứ không nói ra thành lời như trong kịch. Dòng ý thức cũng là một hình thức độc thoại nội tâm nhưng là độc thoại nội tâm với một sự tự do liên tưởng, không có mục tiêu đặc biệt nào, không có có sự khống chế của logic. Đó là những dòng tâm trạng, hồi ức, suy tư miên nan của nhân vật  tôi trong Những hạt gạo xoay tròn, nhân vật mụ trong Hoa tiên trên đỉnh núi, Hoà trong Linh cảm, vv…

Nguyễn Anh Đào đã thu gọn cốt truyện hết mức, dồn nén vào những tình huống căng thẳng, tình tiết lạ hoá, bất ngờ, có ý nghĩa nhất để thể hiện nhân vật, phần lớn là những tình huống hành động – tâm lý, như các truyện: Những hạt gạo xoay tròn, Hoa trên đỉnh núi, Biến mất, Làm mẹ, Tuổi thơ ám ảnh, Những con chuột bị treo cổ. Tuy nhiên, người đọc lại có cảm giác: tác giả không cố ý xây dựng cốt truyện với những tình huống gây cấn để thu hút sự chú ý, lôi cuốn người đọc như nhiều truyện ngắn truyền thống. Ngay cả những tình huống, những chi tiết có thể gây ấn tượng mạnh, tác giả cũng chỉ gợi ra sơ lược, thoáng qua trong ký ức, hoài niệm của nhân vật hoặc trong lời văn tường thuật như “sắp bị bỏ quên” của người kể chuyện (truyện Làm mẹ). Cái mà tác giả tập trung thể hiện là thế giới nội tâm, là vùng ẩn mật của con người chỉ được phát lộ trong những hoàn cảnh, những tình huống ấy. Một số truyện được giản lược tối đa, chỉ còn là những mảng hồi ức, tâm trạng của nhân vật trong một cảnh ngộ nào đó như: Linh cảm, Ước mơ cuối cùng. Truyện Con chó bị xích ngoài cổng sắt được kể theo lối truyện đồng thoại, nghĩa là dùng nghệ thuật nhân hoá loài vật để kể chuyện con người. Đây là những nét mới trong nghệ thuật truyện ngắn của nhà văn.

Một người phụ nữ – nhân vật tôi (Những hạt gạo xoay tròn) với hoàn cảnh rất éo le, ngặt nghèo: mang thai đến tháng thứ bảy chờ đến ngày sinh nở trong lúc lại mang bệnh hiểm nghèo, khó có thể qua được cuộc vượt cạn và chờ đợi cái chết đến gần nhưng cô vẫn kiên quyết và tin tưởng vào việc sinh con của mình. Bà mẹ chồng của cô tỏ ra lặng lẽ, lạnh nhạt đến cay nghiệt đối với con dâu, thường chiều sẫm lại bắt cô đi rải gạo quanh làng, bất kể trờ mưa gió. Thời gian nặng nề trôi và bất ngờ đã đến, thai phụ vượt qua cuộc sinh nở “mẹ tròn con vuông” ở bệnh viện, trong sự hài lòng và ngạc nhiên của ông bác sĩ. Khi được trở về nhà, nàng sững sờ, hốt hoảng khi nhìn thấy bàn thơ với di ảnh mẹ chồng. Đến đây, nàng mới thấu hiểu những hành động đầy vẻ kỳ quặc, thần bí và những lời cầu xin trong những lần thắp nhang khấn vái của bà mẹ chồng: bà đã chấp nhận cái chết để cho cho con dâu được sống và cháu nội được sinh ra yên lành. Một người đàn bà xấu xí với khuôn mặt biến dạng – nạn nhân của sự nghèo đói và bạo hành gia đình (Hoa tiên trên đỉnh núi). Hàng ngày, mụ phải nhọc nhằn leo trèo trên những vách núi cheo leo, hiểm trở, lấy lá thuốc kiếm tiền cho lão chồng vũ phu chơi gái. Thật trớ trêu khi mụ phải chứng kiến cái trò ấy của lão chồng lặp đi lặp lại ngay trong căn nhà tối om của mình, chỉ cách chỗ mụ ngồi một tấm rèm vải thun nhầu nhĩ. Thời gian trôi qua, mụ phải sống cô độc, tủi nhục với công việc vất vả, nguy hiểm, sự bạo hành tàn nhẫn của lão chồng và một giấc mơ hư ảo. Đến khi  nhận ra sự vô nghĩa lý của cuộc đời, mụ đã đốt cháy ngôi nhà, giải thoát cuộc đời u tối của mình bằng cái chết. Nhân vật Hạ trong truyện Biến mất là một cô gái với diễn biến tâm lý rất phức tạp trước và sau cái chết tức tưởi của người cha. Cha cô – một ông giáo làng –  đã không chịu đựng nổi khi đứa con trai lớn “hư hỏng” phạm tội giết người, bị toà tuyên án tử hình và bốn đứa con trai còn lại cũng biến mất khỏi địa phương. Nhưng rồi, người đọc lại ngỡ ngàng trước một sự thật được phát lộ trong ngày cúng  mở cửa mả cho người cha: Cái người anh hai giết, thiệt ra là cả năm anh em cùng đánh chết ổng, chính là nhân tình của má. Nhưng ổng chỉ lợi dụng má để rình mò bắt quả tang ba nấu rượu, để lập công và để hại gia đình mình…. Người anh trai cả đã hành động để bảo vệ cha và nhận tội một mình giết người để những người em được bình yên trước pháp luật và vì thế mà gánh luôn cả tội hư hỏng, bất hiếu. Tuổi thơ ám ảnh là phản ứng bất thường của người phụ nữ tuổi năm mươi khi nhìn thấy hai đứa con gái sinh đôi của mình ngủ bên cha chúng. Chị đã làm tổn thương chồng và các con của mình bởi phản ứng dữ dội, quyết liệt, cắt ngang tình cảm cha con của họ trước sự bàng hoàng, ngạc nhiên và bất lực của anh chồng tội nghiệp. Người đọc quá ngỡ ngàng khi hiểu được nguyên nhân của sự việc ấy. Đó là một tuổi thơ tủi nhục, bất hạnh, khổ đau đến tận cùng và quá sức chịu đựng của người phụ nữ đã trở thành nỗi ám ảnh: Một cô bé lấm lem, mồ côi mẹ, sống cùng gia đình nội cùng ông bà, cha và bác ruột, mới tám tuổi đầu đã bị ông bác ruột dụ ra đồng rồi cưỡng bức một cách man rợ, thú vật, rồi khi trở về nhà lại phải cắn răng chịu những trận đòn của người cha tàn độc trước sự chứng kiến lạnh lùng, vô cảm của những người thân. Vết thương chưa lành thì năm năm sau, cô bé ấy lại bị chính cha ruột của mình cưỡng bức và trở thành nô lệ tình dục ngay trong nhà mình, cho đến năm mười tám tuổi, cô bỏ nhà ra đi. Tình huống truyện đã góp phần thể hiện nhân vật và tính chất bất toàn của đời sống vốn ngổn ngang, bề bộn. Vùng ký ức trắng kể về một người đàn ông phải rời xa người phụ nữ mà mình yêu thương, gắn bó và đã có với nhau một đứa con gái, chỉ vì sự mù quáng, cố chấp của bà mẹ. Bà mẹ của ông, nghe theo lời của ông thầy bói bảo rằng: bà Lựu – người tình của ông – có số sát phu, nên mẹ ông nhất định không chấp nhận đứa con dâu như vậy. Bà Lựu bị phụ tình và mất luôn cả đứa con gái mới vài tháng tuổi, đau đớn, thất thểu chạy khắp nơi để tìm con trong thất vọng rồi trở nên điên loạn. Người đàn ông nghe theo lời mẹ, đã hai lần kết hôn nhưng cô vợ nào cũng phải bỏ đi vì trong tim ông luôn có hình bóng yêu thương của người tình cũ. Tuổi già, ông tìm về với bà Lựu với mong ước được làm một người bạn của bà, kể cho bà nghe những kỷ niệm đẹp thuở xưa. Đọc tác phẩm, thấy một không khí căng thẳng, gây cấn, đầy kịch tính, đau thương và ngậm ngùi, được nén chặt trong mấy trang sách. Truyện Linh cảm có cốt truyện được thu gọn hết mức, chỉ còn một vài hồi ức kết hợp với cơn mê sảng của nhân vật. Ngoài nhân Hoà, truyện còn có những nhân vật khác với những cái tên như thằng Thanh, thằng Giang ( bạn), Hà Phương ( người tình), người mẹ, những đứa con và cả người anh trai, nhưng tất cả chỉ hiện ra mờ nhạt trong dòng chảy ký ức, dòng độc thoại triền miên của Hoà.

Phần lớn các truyện của Nguyễn Anh Đào có số lượng nhân vật không nhiều, một số nhân vật gần như được giản lược, thu gọn hết mức: chẳng có tên tuổi, lai lịch, hoàn cảnh, nhân vật nhoè mờ, rất khó định dạng. Tác giả không chú ý nhiều đến việc miêu tả ngoại hình hay quá trình phát triển tâm lý, tính cách nhân vật mà tập trung thể hiện thế giới nội tâm và sâu hơn nữa là phát hiện những khoảng mờ tâm linh, những vùng ẩn mật của bản thể con người với dòng chảy vô thức, từ đó, thể hiện hình ảnh con người cô độc với bi kịch thân phận. Một số nhân vật thể hiện những nét cá tính một cách cực đoan bằng những hành động bất ngờ, dữ dội, quyết liệt trong những cảnh ngộ cụ thể, đó là những nét mới trong sáng tạo nghệ thuật của tác giả thể hiện khá rõ trong tập truyện ngắn này. Người đọc thấy lạ lẫm bởi hành động của nhân vật bà mẹ chồng (Những hạt gạo xoay tròn) khi cứ chiều đến thì trải chiếu, thắp hương khấn vái trước ban thờ rồi buộc con dâu mang túi gạo đi rải quanh làng, một việc làm rất kỳ quái: Bà không nói với tôi được một câu nhẹ nhàng, chỉ có những mệnh lệnh. Gần một tháng nay, tôi còn phải làm cái việc mà mình không biết để làm gì, đó là đi rải gạo. Chi tiết  rải gạo từ tục cúng cô hồn trong tín ngưỡng tâm linh có từ xa xưa ở Trung Quốc và Việt Nam được sử dụng để tạo ra tình huống truyện đầy nghịch lý, bất ngờ. Đồng hành với những bước đi khó nhọc, loạng choạng trong cơn ho, cơn quặn đau của thai phụ là những cơn gió rít theo sau lưng, những  hạt gạo xoay tròn và  những cái bóng đen bay quanh cơn gió trên đầu. Hình ảnh những chiếc bóng đen là hiện thân của ma quỷ, của thần chết và những thiên thần đeo cánh trắng là biểu tượng của sự sống, chúng xuất hiện nhiều lần theo bước chân của nhân vật: Chúng tôi cùng nhảy múa quên cả thời gian, bỗng những chiếc áo trắng biến mất, mà trước mặt tôi là những bóng áo đen từ từ tiến tới, tôi hoảng hốt tháo chạy. Họ, là họ, là những bóng áo đen đã khiến mẹ chồng tôi bắt tôi đi rải gạo quanh làng. Các chi tiết, sự kiện được kết nối bởi những dòng suy tưởng lúc mê, lúc tỉnh của nhân vật, hiện thực và huyền ảo hoà quyện vào nhau khiến người đọc như lạc vào một thế giới vô thức đầy mê sảng, ảo giác, mang không khí của nghệ thuật siêu thực. Những điểm mờ, những góc khuất của tâm hồn con người được phát lộ ngay trong cuộc sống đời thường, đó là đức hy sinh thầm lặng của người mẹ – người phụ nữ.

Đối lập với hiện thực bi đát, nghiệt ngã của người đàn bà – mụ (Hoa tiên trên đỉnh núi) là những giấc mơ cứ lặp đi lặp lại trong suốt những ngày tháng đau đớn của nhân vật: Trong những giấc mơ chập chờn của đứa con gái mồ côi, nó nhìn thấy bàn tay cha chấp chới từ chóp núi, bàn tay nở ra những bông hoa trắng, hương thơm ngào ngạt … bàn tay nâng mụ bay lên, có hương thơm phả vào người sẽ khiến mụ trở thành cô gái xinh đẹp như bao cô gái ngoài phố kia…. Chính những giấc mơ đó, những bông hoa trắng đó là niềm hy vọng, níu giữ cuộc sống của người đàn trên thế gian, nhưng sức chịu đựng của con người luôn có giới hạn và khi đã hết sức chịu đựng, người đàn bà đã có hành động phản kháng bất ngờ, quyết liệt: Tìm đến cái chết, cũng là đến với tiếng gọi của người cha, với giấc mơ bông hoa trắng của mình: Con gái, bước lên, chỉ chính con bước lên hái được bông hoa đó, con mới nhận được phép màu. Người đàn bà đã biến thành tiên nữ: tiên nữ gật đầu, cùng thảm hoa trắng muốt bay về phía ánh sáng và hương thơm, nhưng không quên nhìn xuống chân núi, dáng hình một “con quỷ cái” đang nằm ngủ, gối đầu lên tảng đá đã bị phủ một lớp máu tươi. Giấc mơ lãng mạn, đẹp đẽ cũng không thể xoá mờ được cái tàn khốc, nghiệt ngã của hiện thực cuộc đời. Nhân vật người đàn bà trong truyện ngắn này là một kiểu nhân vật chấn thương, thể hiện ở những thương tổn về thể xác và những chấn thương tinh thần sâu sắc với một thân xác rã rời, một tâm trạng cô đơn, hoài nghi về sự hiện tồn vô nghĩa và trống rỗng của chính mình và cuối cùng là tìm đến cái chết để được giải thoát khỏi bi kịch vong thân.

Nhân vật Tâm trong Làm mẹ là quản lý một trong chuỗi khách sạn của gia đình chồng ở thành phố biển với cuộc sống giàu sang. Tâm cần một đứa con để ở lại ngôi nhà này; để níu giữ cái hạnh phúc mong manh mà ai nhìn vào cũng thèm muốn kia, nhưng cô không thể có con dù đã đi thụ tinh nhân tạo nhiều lần. Nhìn những đứa con của người bạn cũ đi du lịch đang vui vẻ chạy nhảy, nô đùa ở sảnh khách sạn, Tâm không khỏi chạnh lòng và trách ông trời không công bằng với mình. Tâm không biết được rằng, quy luật nhân quả mù mịt ở đâu chẳng biết, lại ứng nghiệm vào cuộc đời cô. Thời con gái, Tâm lỡ làng rồi nhẫn tâm chối bỏ đứa con khi thai nhi đã lớn, đã có hình hài, không thể phá thai mà chỉ có thể dục sinh non. Tâm đã giết đứa con của mình khi nó vừa cất tiếng khóc chào đời bằng một cách tàn ác khủng khiếp, không thể hình dung được. Tất cả hành động tội ác đó của Tâm xuất phát từ những toan tính vị kỷ và nông nổi: … rằng tương lai của nó thì sao, rằng hạnh phúc của nó thì sao, rằng sĩ diện của gia đình nó thì sao? khi phải sinh đứa bé này ra. Tâm đã phải trả giá cho quá khứ lầm lỗi và tội lỗi của mình, phải sống quãng đời cô độc, vô vọng, đầy dự cảm hãi hùng về tương lai, và điều đáng nói là nhân vật này không hề có thái độ ăn năn, hối hận về tội lỗi của mình. Qua nhân vật Tâm, tác giả phản ánh và cảnh báo về tình trạng tha hoá nhân cách, lối sống vị kỷ với những toan tính lạnh lùng, vô cảm, làm băng hoại tâm hồn và cả nhân tính của một số người trong xã hội hiện đại.

Nhân vật Hoà trong Linh cảm mang nặng tâm thức cô đơn, buồn đau với trạng huống sinh tồn cơ bản là bị bỏ rơi, sợ hãi, dằn vặt: Những người bạn từng thề vào sinh ra tử, giờ đang ở đâu? Những người yêu từng thề thốt trăm năm cũng đi đâu mất biệt? Trong những giấc mơ lạnh buốt, Hoà chỉ nghe được tiếng khóc nỉ non của mẹ hoà lẫn trong tiếng cười vô tư của hai đứa con bé dại;  Bạn bè và người yêu, không ai đang nghĩ đến Hoà, không có trái tim nào đang hướng về anh, sợi dây vô hình anh đang cố kết nối và đứt đoạn. Nỗi sợ hãi cũng lớn dần lên với sự tuyệt vọng: Nỗi sợ hãi mỗi lúc một lớn, cứ nỗi sợ hài tăng lên thì màn sương trước mặt cũng dày lên, đến mức, Hoà thấy mình không còn chút liên hệ nào với thế giới bên ngoài nữa. Trong hành trình đến cái chết, với trạng thái cô độc, hoảng loạn của nhân vật Hoàng, hình ảnh hiện thực nhoè mờ nhường chỗ cho những hình ảnh ảo giác, siêu thực: Hình ảnh trái tim – biểu tượng của sự sống – xuất hiện nhiều lần, khi thì nguội lạnh, không một chút hơi ấm nào, khi lại phát ra luồng ánh sáng vàng, bay vút lên, xuyên thẳng qua lớp sương mờ. Hình ảnh màn sương mờ oan nghiệt  bao quanh ghành đá như là biểu tượng của nỗi sợ hãi trước cái chết: Nỗi sợ hãi mỗi lúc một lớn, cứ nỗi sợ hãi tăng lên thì màn sương trước mặt cũng dày lên. Ở truyện  này, tác giả đã dùng thủ pháp nghệ thuật dòng chảy vô thức để bộc lộ thế giới tinh thần hỗn mang, mộng mị, vô thức, ý thức mờ nhoà của nhân vật, thể hiện tình trạng lưu đày của con người và nỗi trống rỗng của cuộc sống. Khẳng định ý thức cá nhân với sự phong phú, chiều sâu đời sống tinh thần, tâm trạng, cảm xúc là cần thiết, nhưng con người là một thực thể xã hội, vượt ra ngoài những quan hệ gia đình và xã hội, con người cũng không thể tồn tại với tư cách của nó.

Nhìn chung, tập truyện Những hạt gạo xoay tròn đã thể hiện khá sinh động và có sức thuyết phục vấn đề thân phận con người với nỗi cô đơn bản thể bằng một niềm trăn trở đau đáu về kiếp người, vấn đề bất bình đẳng giới và những mặc cảm giới tính của người phụ nữ, lên án nạn bạo hành gia đình, xâm hại trẻ em, sự tha hoá, loạn luân, thú tính của một số ít người đã mất đi ý thức cộng đồng, chỉ sống với bản năng tính dục. Qua đó, tác giả đã lên tiếng mạnh mẽ, quyết liệt để bảo vệ quyền sống, quyền phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em gái trong đời sống có nhiều biến động và bất cập hiện nay, khi mà những chuẩn mực đạo đức truyền thống đang bị bào mòn bởi lối sống thực dụng và sự phì đại của thông tin. Với lòng cảm thương sâu sắc, tác giả khẳng định niềm khát khao về một sống cuộc sống có ý nghĩa, nhân văn, gắn bó, yêu thương với cuộc đời; gợi cho người đọc nhiều dằn vặt, suy tư về sự sống, về năng lực tinh thần của con người trong hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống và lẽ phải trong xã hội hiện tại, để sống tốt lên, phong phú và sâu sắc hơn. Nguyễn Anh Đào đã sử dụng linh hoạt nghệ thuật trần thuật, sáng tạo tình huống truyện, xây dựng nhân vật, nhiều sự kiện, tình tiết được khúc xạ qua hồi ức, dòng tâm tư, giấc mơ, ảo giác của nhân vật, một số nhân vật được đặt trong hoàn cảnh kịch tính, éo le với những nét tính cách dữ dội, quyết liệt, bị xô lệch và có những phản ứng bản năng méo mó. Khám phá, thể hiện đời sống bên trong của con người và những giá trị nhân văn mới mẻ là thành công đáng nghi nhận của tác giả ở tập truyện ngắn này.

N.P.H