Nghệ thuật và văn học Hàn Quốc đã sát cánh trong thời thuộc địa đen tối

1409

Thời kì hoàng kim của văn học và nghệ thuật hiện đại của Hàn Quốc xảy ra vào đầu thế kỉ 20 có lẽ là một nỗi băn khoăn đối với nhiều người. Vì sao dưới thời kì ảm đạm của chế độ thực dân Nhật Bản lại hình thành bối cảnh cho một nền văn hóa Hàn Quốc phát triển rực rỡ với những tương tác sống động, mang tính cộng đồng giữa các nghệ sĩ và nhà thơ?


Bìa cuốn Nhà thơ và Họa sĩ (2021) của Youn Bum-mo.

Trên thực tế, Seoul thuộc địa, được gọi là Gyeongseong, từ những năm 1910 đến 1940, được hình thành và xác định bởi một làn sóng xung đột giữa truyền thống và hiện đại hóa. Dòng chảy của những ý tưởng, triết lí và văn hóa mới từ phương Tây đã thu hút những trí thức trẻ Hàn Quốc – những nghệ sĩ và nhà văn – những người cảm thấy thất bại trước sự thống trị của đế quốc Nhật Bản. Họ chia sẻ với nhau về tinh thần phản kháng và sự bền bỉ, hình dung về kỉ nguyên mới thông qua sự hợp tác rèn luyện tình bạn và truyền cảm hứng cho nhau cả trên những bức tranh và những trang sách.

Cuốn sách mới phát hành, Poets and Painters (tạm dịch: Nhà thơ và họa sĩ) của nhà phê bình nghệ thuật Youn Bum-mo, giám đốc Bảo tàng nghệ thuật đương đại và hiện đại quốc gia, Hàn Quốc (MMCA), làm sáng tỏ những hợp tác sáng tạo như vậy trong nghệ thuật và văn học được rèn giũa trong thời kì thuộc địa của Nhật Bản và thời kì sau Chiến tranh Triều Tiên những năm 1950.

Các bài viết bao gồm các cuộc phỏng vấn Youn Bum-mo trực tiếp thực hiện với các nghệ sĩ được đề cập, hoặc với gia đình và đồng nghiệp của họ, cũng như những so sánh, đối chiếu đến các tài liệu lịch sử khác đã bị mất hoặc chưa từng được biết đến trước đây. Kết hợp chúng lại với nhau, các nguồn chính này cung cấp một cái nhìn sâu sắc hơn về cộng đồng trí thức và sáng tạo đã nở rộ ở Hàn Quốc hiện đại.


Hình minh họa của họa sĩ Jung Hyun-woong kèm theo bài thơ của Baek Seok, Me, Natasha and the White Donkey (tạm dịch: Tôi, Natasha và con lừa trắng; 1938).

Một trong những sự hợp tác chính được thảo luận trong cuốn sách là kết quả của mối quan hệ giữa họa sĩ Rha Hye-seok và nhà thơ Choi Seung-goo.


Rha Hye-seok.

Rha Hye-seok (1896-1948), là nữ họa sĩ, nhà văn theo phong cách phương Tây của Hàn Quốc và còn là tác giả nữ quyền đầu tiên của Hàn Quốc. Bà nổi tiếng vì những tác phẩm hội họa, những truyện ngắn, tiểu thuyết về nữ quyền, quan điểm gây tranh cãi về bình đẳng hôn nhân và đề cao sự rèn luyện sự nghiệp của người nghệ sĩ. Tất cả cá tính và sự nghiệp của bà đều hình thành trong thời điểm mà người phụ nữ chỉ được mong đợi tập trung vào trách nhiệm làm mẹ, làm vợ của mình.

Khi bà học ở Tokyo, bà đã gặp Choi Seung-goo. Họ yêu nhau say đắm cho đến khi nhà thơ mất vì bệnh lao khi tuổi đời còn trẻ. Bút danh của họ – “Jeongwol” của Rha và “Sowol” của Choi – có chung kí tự Trung Quốc, “wol” và gợi ý về mức độ thân thiết được vun đắp giữa hai nghệ sĩ.

Youn không chỉ tập trung vào những chi tiết tình cảm, lãng mạn của họ, mà còn tập trung vào tinh thần thách thức họ đã chia sẻ để chống lại các chuẩn mực xã hội thời nay, điều này đã trở nên rõ ràng trong các tác phẩm của họ. Trong bài thơ Light (tạm dịch: Ánh sáng, 1918) của Rha, một tia sáng quý giá đã đánh thức người kể chuyện khỏi bóng tối và nhắc nhở cô ấy về bổn phận phải theo đuổi đam mê của mình. Ở đây, “ánh sáng” được hiểu là nguồn giác ngộ xã hội thúc đẩy mọi phụ nữ Hàn Quốc tìm kiếm sự giải phóng khỏi những giá trị gia trưởng, định chế.

Bài thơ của Choi Seung-goo, Belgium’s Warrior (tạm dịch: Chiến binh Bỉ; 1915) thúc giục một người lính Bỉ chiến đấu cho đến cùng chống lại cuộc xâm lược của các bộ tộc Đức – một thông điệp ẩn dụ gửi đến giới trí thức thời kì đó về điều kiện của Triều Tiên thuộc địa.

Youn ghi nhận: “Thơ của Choi đáng chú ý vì tinh thần phản kháng và thừa nhận thực tế khắc nghiệt, đặc biệt khi xét đến việc giới văn học những năm 1910 chứa đầy những bài thơ vô cảm.”

Yi Sang, tên thật là Kim Hae-gyeong (1910-1937), được biết đến nhiều nhất với những bài thơ và tác phẩm viết thử nghiệm, tiên phong. Đồng thời ông cũng là một nhà thiết kế đồ họa và họa sĩ, thể hiện những hình ảnh cho tác phẩm của mình như tiểu thuyết Wings (tạm dịch: Đôi cánh) và ảnh bìa cho tạp chí Chosun and Architecture cùng nhiều tác phẩm khác. Giới phê bình nghệ thuật luôn đưa ra một câu chuyện rằng, bút danh của ông bắt nguồn từ hộp công cụ vẽ tranh di động mà người bạn thân nhất là nghệ sĩ Gu Bon-ung đã tặng ông như một món quà. Tình bạn giữa hai người được ghi lại trong tác phẩm nghệ thuật đầy biểu cảm của Gu Bon-ung, Portrait of a Friend (tạm dịch: Chân dung một người bạn; 1935) khắc họa tính cách kì lạ, hay e ngại của Yi Sang.


Bức tranh “Chân dung một người bạn”.

Trong thời kì thuộc địa Nhật Bản, “Hwamun” là một thể loại mới được giới thiệu trên các tạp chí văn học, nơi các nghệ sĩ vẽ những hình ảnh minh họa phù hợp với các bài thơ nổi bật. Họa sĩ Jung Hyun-woong đã vẽ minh họa cho bài thơ nổi tiếng của Baek Seok, “Tôi, Natasha và con lừa trắng,” vào năm 1938, mô tả trực quan tâm trạng kì lạ, mơ mộng của câu thơ với cách sử dụng đơn giản các màu đỏ, đen và trắng.

Youn nhắn nhủ: “Người đọc có thể hiểu được bầu không khí xung quanh bài thơ bằng cách nhìn vào bức vẽ.”

Mối quan hệ tốt đẹp giữa nghệ thuật và văn học Hàn Quốc tiếp tục kéo dài đến thời hậu chiến, đáng chú ý là mối quan hệ giữa họa sĩ Lee Jung-seob và người bạn lâu năm, nhà thơ Ku Sang.

Những lời chứng của nhà thơ cho thấy cái nhìn thoáng qua về cách người nghệ sĩ cố gắng bán các tác phẩm của mình để có thể đoàn tụ với gia đình ở Nhật Bản. Khi Lee Jung-seob cuối cùng từ bỏ hi vọng vì khó khăn tài chính, Ku Sang kể lại nỗi đau và sự thống khổ đó dần dần chuyển sang sự tự hành hạ bản thân rồi trở thành bệnh tâm thần của Lee. Bức tranh Family of Poet Ku Sang (tạm dịch: Gia đình nhà thơ Ku Sang, 1955) được Lee vẽ khi ông đang cư trú tại nhà Ku ở Daegu trước khi ông qua đời một năm sau đó một cách bi thảm. Niềm khao khát tình yêu gia đình của người nghệ sĩ này được thể hiện qua bức chân dung người bạn của anh ấy tặng đứa con trai nhỏ của mình món quà là một chiếc xe ba bánh mới.


Bức tranh Gia đình nhà thơ Ku Sang.

Cuốn sách cũng đề cập đến tình bạn giữa hai nghệ sĩ nổi tiếng, Park Soo-keun và tiểu thuyết gia Park Wan-suh. Năm 1952, cả hai cùng làm việc gần trụ sở Lục quân Hoa Kì tại Cửa hàng Bách hóa Donghwa ở trung tâm Seoul. Tiểu thuyết gia chịu trách nhiệm bán hàng rong dịch vụ vẽ chân dung cho lính Mĩ trên đường phố, trong khi họa sĩ phụ trách vẽ chân dung. Họ trở nên thân thiết, tham gia vào những cuộc trò chuyện đầy suy tư khi đến quán cà phê hoặc cùng nhau đi bộ đến trạm xe điện sau giờ làm việc. Sau đó, bức tranh của Soo-keun, Two Women and a Tree (tạm dịch: Hai người phụ nữ và một cái cây; 1962) đã truyền cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của Wan-suh, The Naked Tree (tạm dịch: Cây khỏa thân; 1970), trong đó nhân vật chính là họa sĩ dịu dàng, đầy nhiệt huyết.

“Cuốn sách khám phá cách những người sáng tạo sống trong một thời đại đen tối. Họ chấp nhận thời đại và do đó làm phong phú thêm thế giới nghệ thuật. Thật tiếc khi sự đồng hành thân thiết giữa các nhà văn và nghệ sĩ được kể lại đơn giản như một điều gì đó của quá khứ trong thời đại hiện tại”, tác giả Youn giới thiệu, bày tỏ hi vọng về sự hội tụ chân thành và kết hợp giữa các thể loại hội họa và văn thơ một lần nữa.

Theo Hiên Ngọc (VNQĐ)/ Dịch theo bài viết của Park Han-sol (Koreatimes)