Lần đầu tiên, truyền thuyết về á thần Maui sẽ được kể bằng một ngôn ngữ rất đặc biệt: Ngôn ngữ ký hiệu Hawaii (HSL), một bản sắc văn hóa độc đáo của người dân bản địa đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng.
Maui, nhân vật đặc biệt trong truyện thần thoại Hawaii, là một á thần, con trai của thần gác cổng âm phủ Makeatutara và người phụ nữ trần gian tên là Taranga. Truyền thuyết của người dân Hawaii kể rằng, chính Maui là người đã có công trong việc kéo nhiều hòn đảo trong lòng đại dương để góp phần hình thành quần đảo Hawaii hiện nay.
Người kể lại huyền thoại Maui bằng ngôn ngữ đặc biệt là Linda Yuen Lambrecht (sinh năm 1944), một phụ nữ khiếm thính, nuôi ước mơ giữ gìn loại ngôn ngữ được xem như di sản và trí tuệ của người dân Hawaii.
Linda Yuen Lambrecht, người phụ nữ có tình yêu kỳ lạ với thủ ngữ HSL
HSL là thủ ngữ đặc biệt được sử dụng ở Hawaii từ những năm 1820. Nhiều bằng chứng cho thấy người Hawaii khiếm thính đã phát triển loại thủ ngữ độc đáo này qua nhiều thế hệ, từ trước khi Vương quốc Hawaii sụp đổ vào năm 1893.
Năm 2013, một nghiên cứu của Đại học Hawaii cho thấy HSL là ngôn ngữ độc lập, hình thành và phát triển trên quần đảo Hawaii mà không có sự ảnh hưởng từ bên ngoài. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đã chứng minh có hơn 80% từ vựng của HSL không giống với ngôn ngữ ký hiệu Hoa Kỳ (ASL). Từ thập niên 1940, ASL gần như đã thay thế hoàn toàn HSL ở Hawaii. Khi thế hệ của bà Lambrecht qua đời, HSL có thể sẽ bị xóa sổ vĩnh viễn.
Từ năm 2018, Lambrecht đã mở các lớp học HSL cho công chúng. Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, Lambrecht chuyển sang giảng dạy trên Zoom. Không chỉ dạy ngôn ngữ HSL, Lambrecht cùng với các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học thực hiện dự án bảo tồn ngôn ngữ HSL.
Sinh ra ở Honolulu, bà Lambrecht tiếp xúc với HSL từ khi mới sinh thông qua hai người anh trai cũng bị khiếm thính. Lambrecht và các anh sớm đã theo học ngôi trường cho trẻ khuyết tật, sau này là trung tâm dạy học cho người điếc và người mù ở Hawaii (HSDB). Ở trường, dù được dạy bằng cách đọc và nhép theo khẩu hình hoặc ngôn ngữ ASL thì cô bé Lambrecht vẫn thích thú khi được lén lút giao tiếp với bạn bè bằng thủ ngữ HSL.
Với bà Lambrecht, HSL không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là bản sắc văn hóa bản địa mà bà luôn muốn giữ gìn.
Từ 2013-2016, dự án bảo tồn HSL do bà Lambrecht và giáo sư ngôn ngữ học James “Woody” Woodward, người đã dành 30 năm để nghiên cứu và ghi lại các thủ ngữ trên khắp châu Á, phối hợp thực hiện đã hoàn thiện kho lưu trữ video và phát triển bản thảo cho cuốn từ điển HSL nhập môn. Dù không còn khoản tài trợ từ Chương trình tài liệu về các ngôn ngữ có nguy cơ bị “xóa sổ” (ELDP) nhưng nỗ lực hồi sinh ngôn ngữ đang trên bờ vực “tuyệt chủng” ở Hawaii vẫn tiếp tục.
Bà Lambrecht và cộng sự cũng không nhận được nhiều sự ủng hộ trong việc bảo tồn HSL. Có ý kiến lo ngại, việc một người, hoặc một nhóm nhỏ người, có thể giữ lại một hình thức ngôn ngữ đang đứng trước nguy cơ “tuyệt chủng” trong một thời gian ngắn gần như là điều không tưởng.
Bà Linda Yuen Lambrecht đang trò chuyện bằng thủ ngữ HSL.
Bà Kimiyo Nakamiyo, bạn học của bà Lambrecht, dù tôn trọng công việc của bạn, nhưng vẫn cho rằng HSL không có giá trị, mọi người nên dùng thủ ngữ chính thống là ASL vì nó được đồng bộ hóa với ngôn ngữ quốc tế.
Dẫu vậy, cùng với bà Lambrecht, nhiều người dân ở Hawaii đã và đang góp sức giữ gìn HSL với suy nghĩ: HSL không chỉ giúp người khiếm thính giao tiếp, mà còn góp phần lưu truyền bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ sau.
Bà kể những câu chuyện thiếu nhi bằng HSL và tự ghi hình lại để giới thiệu với công chúng. Mới nhất là clip truyền thuyết Maui, câu chuyện về nhân vật đã kéo các hòn đảo Hawaii lên từ lòng đại dương.
Cảm nhận sự cấp bách trong việc gìn giữ và quảng bá thủ ngữ HSL, nhưng do đại dịch, Lambrecht chưa thể hoàn thành các mục tiêu đặt ra, chưa đưa được các lớp HSL vào trường học. Bà hy vọng sẽ đạt được mục tiêu này vào mùa xuân tới.
Theo Tuấn Huy/PNO