Nghe xuân về đâu đó – Tản văn của Ái Duy

738

(Vanchuongphuongnam) – Tôi chỉ yêu những giờ phút trước giao thừa mỗi khi Tết đến, sau khi bù qua sớt lại trăm nỗi lo toan của một bà nội trợ mấy ngày giáp năm.

Tết quê trong ký ức – Anh internet

Từ ngày còn bé cho tới bây giờ, đó là thời khắc đẹp nhất bởi được phép buông xả nhẹ nhàng làm rỗng mình, mọi công việc đều dừng lại và cũng là thiêng liêng trang trọng nhất kết thúc một năm qua. Tất nhiên mỗi giai đoạn đời người có khác, lúc khó khăn có khi chỉ còn vỏn vẹn chưa đầy một tiếng đồng hồ cho đại sự này, nhưng đó là giây phút mà tôi luôn cảm nhận được sự trân quý của cuộc sống dành riêng cho mình.

Tôi may mắn giữ được một ký ức tuổi thơ lành lặn, về gia đình, xóm làng. Ngày ấy bình yên, rộn ràng qua lại quanh năm chớ tối giao thừa là nhà ai nấy ở. Từ chạng vạng tối là người lớn đã không cho trẻ con đi đâu qua nhà hàng xóm để giữ chút tôn nghiêm cho nhà người ta. Các bà mẹ pha nước ấm nấu bồ kết lôi bầy con ra tắm gội sạch sẽ, vừa kỳ đất vừa chì chiết chưa thấy ai ở dơ như tụi bây, nhiêu đây đất rắc hột cải vô lên cây luôn. Làm như tụi nhỏ một năm mới tắm một lần vậy. Thậm chí đi lại nói cười cũng bắt phải nhẹ nhàng, không cho bọn trẻ chạy ra chạy vô từ ngoài cổng cứ như là sợ thất lễ với cô bác ông bà đã quy tiên mới được rước về ăn Tết với con cháu đang hiện diện đâu đó không bằng. Trẻ con thì thào với nhau, gần tết rồi, sắp tới giao thừa rồi, khuya nay phải thức đón giao thừa mới được.

Rồi làm gì để chong mắt đón giao thừa? Một trong những trò vui được bọn trẻ nhà tôi ngày xưa bày ra trong khi chờ đợi là chơi cờ cá ngựa. Một bàn cờ đủ tay là bốn người chơi, mỗi người bốn con cờ ngựa bằng nhựa to bằng ngón tay út. Bàn cờ bằng giấy có kẻ từng ô tròn là đường đi một vòng của con ngựa, nó được di chuyển theo mặt con xúc xắc mà chủ nhân gieo ra mỗi khi tới lượt, ra mặt ngũ thì đi năm ô tức năm bước, mặt tứ thì đi bốn ô, mặt nhứt hoặc lục thì được xuất chuồng, đại khái vậy. Đi sao cho đủ một vòng về tới “chuồng” cả bốn con là thắng. Nghe qua thì dễ nhưng thiệt ra lắm lúc tức không chịu được khi con ngựa của mình gần về chuồng rồi lại bị con sau đá hoặc bị quân địch chận ngay đường đi, giả dụ nó cách mình 2 ô thì mình cần phải đổ xúc xắc ra đúng mặt tam mới tiến lên đá nó ra chỗ khác được. Tử tế thì lấy con ngựa của mình gạt nhẹ con ngựa kia ra, xâu xấu thì búng văng khỏi bàn chơi ngạo nghễ. Bà ngoại Lớn của tôi vốn nóng tánh, một lần ngồi chơi chung con ngựa của bà bị chặn lâu quá, đến khi bà đổ được đúng nút liền phóng lên đá bay con ngựa đối thủ văng ra khỏi cửa xa phải hơn năm thước, báo hại con nhỏ bạn cờ vửa quệt nước mắt vừa ấm ức bò bò đi tìm trối chết mới ra bại mã. Cờ tàn thì lăn ra ngủ cả đám, trời sáng bét ngơ ngác hốt hoảng ngồi dậy nhìn nhau, ủa ủa tới Tết rồi hả.

Dường như đã lâu lắm rồi tôi không còn quan tâm đến chuyện xuất hành đầu năm, không để ý xem ai là người đạp đất nhà mình. Phong tục Tết này chắc cũng không ít nhà còn giữ, hoặc theo truyền thống cổ xưa của ông bà để lại theo kiểu xưa bày nay làm, hoặc kiêng cử theo kiểu có kiêng có lành, hay đơn giản hơn chỉ là chút không khí ăn theo cho vui. Xuất hành mà bài bản thì cũng lắm nhiêu khê, chẳng những phải ra khỏi nhà đúng ngày đúng giờ mà còn phải đi đúng hướng, mặc áo màu gì, thậm chí trên tay cầm bông trái màu gì… đặng hạnh ngộ quới nhân tiền tài vô như nước. Còn chuyện đạp đất sau giao thừa mới lắm thứ cười ra nước mắt. Năm nào mà có chuyện không vui xảy ra thế nào cũng lầm bầm chửi rủa kẻ nào đạp đất đầu năm xui xẻo. Xưa nhà tôi ở xóm cũ nhà cửa san sát rào thưa cổng thấp, trước giao thừa bà ngoại tôi hay kỳ công đi mời ai đó sáng giá hạp tuổi sáng mùng một tới nhà xông đất dùm để lấy hên cho cả năm. Nhưng mười lần thì hết chín bị bể dĩa, bởi ngay sau tiếng pháo giao thừa đồng loạt vang rền thì chó mèo cả xóm cuống cuồng chạy tứ tung muốn xông nhà nào thì xông bất kể. Lũ phá đám chui tuốt xuống gầm giường rên ư ử run cầm cập mặc kệ chủ nhà vác gậy hò hét đuổi đi. Người lớn chắc từ bi hỉ xả không tính chớ lũ trẻ con cứ oang oang mắng vốn nhau qua hàng rào sao con kiki nhà mày đạp đất nhà tao, con mina nhà tao chạy vô nhà mày loạn xạ cả lên. Sau bà ngoại tôi nghĩ ra cách trị, trước giao thừa một vài phút bà ra ngõ thắp nhang khấn vái đợi có tiếng pháo báo hiệu đầu tiên là lập tức quay vô dậm dậm chân vài cái ý là đã xông đất, chó mèo kệ.

Từ rất lâu rồi tôi chẳng còn mấy tin vào sự may mắn xuất hành xin lộc đầu năm lẫn tìm kiếm người sang đạp đất cho. Sáng tinh sương mùng một Tết, khi cả thành phố vẫn còn đang say ngủ, tôi thường chạy xe một mình ra biển như mọi ngày trong năm nhưng khác chút với một chiếc áo mới. Những ô cửa hãy còn im lìm, không tiếng xe cộ còi réo các nẻo đường bỗng trở nên hiền từ, rộng rãi và thoáng đãng, hai bên hè phố không còn dấu vết tàn dư năm cũ, các khu chợ trống trơn thông thống những cái sạp lặng thinh nằm kề. Bãi biển ngày đầu một năm cũng mang vẻ bình yên như vậy, khoáng đạt và thanh sạch vô cùng tận, không cả dấu chân trên cát. Chỉ vài bóng người thả bộ xa xa, hoặc ung dung dưới làn nước ấm áp trong lành. Gặp được ai quen lạ gì cũng cười duyên chào nhau, biết ai kia cũng chọn biển làm ý trung nhân. Thả nổi trên biển mênh mông ngửa mặt nhìn trời thăm thẳm, thấy mình nhẹ như rong như rêu, thấy bao ràng buộc giằng níu rơi rụng đâu mất. Xuất hành đầu năm của tôi là đây, để tận hưởng cuộc sống theo cách giản dị nhất an nhiên nhất, tạ ơn biển cứu rỗi.

Mỗi lần quay về nhà mình từ biển sáng sớm mùng một Tết tôi lại thầm nghĩ, mình lại tự đạp đất nữa rồi. Ngõ nhỏ quen thuộc vẫn chưa kịp lao xao. Mở cửa nghe mùi nhang trầm bao dung, mùi mai vàng thanh tao, xao xác từng cánh hoa bay lả tả. Nhà cửa sạch bong từ đêm qua, vắng lặng vì chưa ai ngủ dậy. Giày dép xếp ngay ngắn ngoài hiên. Tiếng chuông gió đong đưa vọng từ balcon xuống. Ừ, cũng vẫn thấy hạnh phúc khi xuân về, dù chỉ ghé ngang qua chốc lát.

                                                                                                      A.D