Nghĩ từ Đất và Nước

308

1. Dù là cây cao bóng cả, hay lìu tìu như cỏ rả cũng phải trồi ra từ đất. Trong đất có nước. Nước nuôi đất, đất nuôi cây. Chê đất là chết, chê đất thì mầm cây rễ cây bám vào đâu? Đất và nước cho muôn loài sinh sản, là bệ đỡ cho muôn loài. Đất nước là nền móng cho quốc gia, là Tổ quốc cho một dân tộc.


Ảnh minh họa (nguồn Internet).

Đất đai là chỗ tì dựa cho con người cùng cỏ cây muôn loài. Đất cho thức ăn, tạo nên sự sống. Rời khỏi đất, cỏ cây khô héo chết dần. Lời than: nghèo không có tấc đất cắm dùi, hiểu theo cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng đều đau đớn lắm. Việc đó cũng dính tới đất, chẳng cần dẫn chứng, vì nó hiện hình hàng ngày, trước mắt thế gian. Nhìn thì cỏ là cỏ, cây là cây, đất là đất, nước thì hư ảo một chút, nhưng ngàn vạn sinh vật đều do đất và nước tạo thành. Đất và nước, hai thành tố quyết định sự sống muôn loài. Người xưa đã để lời cho con cháu sống đừng quên gốc. Gốc là đất nước đấy, không phải là cái gốc cây đâu. Gốc cây vẫn chỉ là cây phân nhánh rễ hút màu mỡ của đất nước nuôi cây, cái gốc ấy không chuồi sâu gắn kết với đất thì cây và gốc cũng chết tức thời. Triết học cũng từ quan sát ấy mà ra, chính trị cũng từ đó luận ra, những cuộc vận động cách mạng cũng dựa trên quy luật ấy mới lọt tai nhân quần để tập hợp lực lượng.

Từ thực tế đến lý thuyết là do quan sát tổng kết, chứ làm gì có lý thuyết tự dưng được đẻ ra. Trong thế giới này, chẳng có thứ chủ nghĩa nào tự nhiên đẻ ra mà không có đúc kết từ quy luật vận hành của vũ trụ. Chỉ có điều không nghiên cứu không thấu đáo hoặc vụ lợi nó làm cho lý thuyết méo mó đi thì nó hỏng thôi. Nếu lý thuyết không gắn liền với cuộc sống, đúng với quy luật tự nhiên thì cũng chỉ là thứ bịa tạc suông hão, vờ vĩnh và lừa bịp, sẽ chết yểu dù ban đầu có thể tí ngọ ngoạy. Thực tế đã có, những chủ thuyết mập mờ thiếu gốc rễ đang khô héo dần, chết dần, vì nó không cho người ta niềm tin. Khi ấy cuộc sống hoang dã còn gia trị hơn thứ lý thuyết nửa mùa này nhiều. Hoang dã, luôn lặng lẽ chịu sự chi phối của quy luật sinh tồn, là thứ triết học tự nhiên thì còn gì mà thắc mắc. Đất là thứ rất thật. Đất có hình khối, sờ mó được. Còn nước thì ảo hơn. Hai cái thực và ảo kết hợp trong cặp phạm trù sự thống nhất giữa hai mặt đối lập làm cho đất nước trở nên có hình hài, sức mạnh. Nước không màu không mùi vị tinh khiết đến vô cùng. Nước có mùi vị là của chất khác trộn vào. Nước ở bầu thì tròn ở ống thì dài, sẵn sàng theo khuôn định sẵn. Không gì dễ bằng chặn nước, nhưng tức nước thì vỡ bờ, nước làm cho núi phải lở.

Nước ẩn trong đất thì không nhìn thấy, nhưng nuôi sự sống. Khi lượng nước nhiều hơn, thì theo năng lực riêng của mình, nước luồn lách liên kết tạo thành mạch nước theo nguyên lý nước chảy chỗ trũng. Vì nước có khả năng lan tỏa tự nhiên, lạnh đóng băng, nóng bốc hơi mà nước có một trường tồn tạị lớn hơn cả đất. Nước có trong không gian dạng mây, và khi nước bốc hơi hội tụ lại thì thành mưa. Nước có mặt ở khắp nơi. Nước là sự sống.

2. Bàn về sự học, thời Nho giáo thịnh hành, câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thày, nửa chữ cũng là thày) thịnh hành đến mức không ai là không biết. Rồi lại có câu: “Vạn thế sư biểu” tôn vinh Khổng tử là người thày của muôn đời. Cái thời chữ nghĩa hiếm hoi, câu nói đó là để hướng người ta đến chữ nghĩa khai quang, hiểu đạo lý để làm người, đã dẫn đến sự ngộ nhận của Nho giáo. Nho giáo coi chữ nghĩa mình là nhất. Chữ nho là chữ của thánh hiền (!). Dù trong vòng chữ nghĩa có được của thày cũng chỉ một giới hạn hiểu biết nhất định thôi. Nếu “Vạn thế sư biểu” là đúng thì thế gian này chắc chẳng có sáng tạo gì chẳng có nhận biết gì nữa, vì thày của muôn đời đã có tất cả. Vậy kho hiểu biết thế gian này bé thế chăng?

Sự học từ a,b,c đến Trung học, Đại học, Cao học… là những cây cầu đi lên của học thức. Đoạn này thì từng cây cầu có những người thày đặt vào đầu trò những kiến thức cơ bản làm nền móng. Để ra trường làm được việc thì phần kiến thức ngoài sách vở mới là cái vận hành được công việc, mới là cái quyết định. Kiến thức ngoài sách vở là cuộc sống và môi trường, tất cả cùng vận hành theo một quy luật. Có kiến thức rồi, đọc ra được sự vận hành đó để áp dụng vào công việc. Lúc này càng rõ: Trường đời mới là ông thày lớn, mới là “Vạn thế sư biểu” chứ không phải hư danh Ngài Khổng tử do đám cuồng nho tôn vinh.

Cuộc sống khi có nhiều nhận định sai dễ dẫn đến ngộ nhận. Ngộ nhận kéo dài thì lộng giả thành chân, cái giả lúc ấy hoành hành tác oai tác quái rất khó ngăn trở, thành mối hiểm nguy cho tiến trình xã hội. Để hạn chế tối đa những thứ trái quy luật vẫn đang tồn tại đôi khi có những việc nhỏ cũng cần có phản biện, Phải có nhiều góc quy chiếu mới có thể kết luận. Mà những kết luận đó rồi cũng mang tính tương đối, vì đến lúc nào đó có khi lại có phát hiện mới phủ nhận nó. Phản biện có ý nghĩa đưa sự việc tiến gần đến chân lý hơn thôi.

Xin lấy một ví dụ. Đây là nửa phát ngôn, nửa tâm sự của một giáo sư mà tôi quen biết. Ông nói: Học trò tôi, có nhiều anh giỏi. Phải thày giỏi mới có trò giỏi. Vậy tôi là thày giỏi đúng không? Vâng, tam đoạn luận và cuối cùng là ngộ nhận. Vị giáo sư chỉ đúng một nửa nhưng lại nhận cả phần. Trên cái nền tảng tiếp thu, người trò kia còn bao nhiêu vận động trong việc tìm kiếm thêm tri thức, tự bổ sung cho hoàn thiện để mở ra chân trời mới dưới chân mình. Có bao nhiêu trò dưới tay thày làm được như thế. Còn bao nhiêu chẳng làm được gì vì không học được ông thày xã hội và môi trường. Nhưng giáo sư không biết hoặc cố tình không biết. Môi trường xã hội là nguồn trí tuệ vô hạn với tất cả mọi người, khai thác cả đời cũng không thể hết. Môi trường ấy là ông thầy không trên bục giảng mà không phải ai cũng theo làm học trò được. Đây mới là “Vạn thế sư biểu”, kiến thức của ông thày này là mạch nước ngầm không bao giờ cạn.

Theo Đỗ Đức/Văn nghệ