Nghĩ về lá thư cuối cùng của Bác Hồ gửi cho ngành giáo dục

2351

Ngày 15/ 10/ 1968, Bác Hồ đã gửi một thư đầy tâm huyết cho các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên, học sinh các cấp Mẫu giáo, Phổ thông, Bổ túc văn hóa, Trung học chuyên nghiệp và Đại học. Lá thư là tình cảm ấm áp và sự quan tâm sâu sắc của Người dành cho ngành Giáo dục giữa lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt.

Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ, đầy khó khăn, Bác đã đặt ra ngay nhiệm vụ diệt “giặc dốt” bên cạnh diệt “giặc đói” và “giặc ngoại xâm”. Ngày 03/9/1945, tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Chính phủ, Người đề nghị “mở chiến dịch chống nạn mù chữ”. Tiếp theo, ngày 04/10/1945, Bác ra “Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học”. Người viết: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường tháng 9/1945, Người chỉ rõ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Và từ đó, năm nào Bác cũng có thư gửi cho ngành Giáo dục vào dịp khai giảng năm học mới.

Sự quan tâm sâu sắc của Bác với ngành Giáo dục thể hiện rõ nét nhất trong lá thư cuối cùng, trước một năm Người đi vào cõi vĩnh hằng. Mở đầu lá thư, Bác đã biểu dương ngành Giáo dục trong điều kiện chiến tranh gian khổ và ác liệt nhưng vẫn phát triển nhanh và mạnh hơn bao giờ hết. Người đã dẫn ra các số liệu cụ thể về số trường, số người đi học ở các cấp học, đặc biệt Người biểu dương các trường đã có nhiều cố gắng trong việc thi đua dạy tốt, học tốt. Người khẳng định: “Ta đã thắng giặc Mỹ trên cả mặt trận giáo dục và đào tạo cán bộ”. Phần thứ hai của lá thư, Bác nêu rõ những khó khăn gian khổ do đế quốc Mỹ dã tâm xâm lược nước ta. Người chỉ rõ Giáo dục cần phải thực hiện những nhiệm vụ lớn hơn trước, đó là:

“Nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu Chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông… Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục dạy tốt học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn…Cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở trường học ngày một tốt hơn”.

Từ năm học đó khẩu hiệu Thi đua Dạy tốt – Học tốt xuất hiện ở tất cả các trường học, các cấp từ Mẫu giáo đến Đại học. Đây cũng là mục tiêu mà thầy và trò trong nhiều năm qua luôn cố gắng thực hiện và đã đạt được nhiều thành tích đáng mừng.

Trong thư, Bác rất coi trọng vai trò dân chủ của quần chúng: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ Xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ”. Cuối cùng, Người nhắc nhở các ngành, các cấp ủy Đảng và Chính quyền phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp Giáo dục, phải chăm lo cho nhà trường về mọi mặt để đưa sự nghiệp Giáo dục tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới.

Tư tưởng chỉ đạo “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng” đã đặt nền móng cho phong trào “xã hội hóa giáo dục” hiện nay, đã được Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục – Đào tạo và các lực lượng xã hội vận dụng sáng tạo trong việc xây dựng và phát triển sự nghiệp Giáo dục. Các địa phương phần lớn đã xóa được các phòng học tranh, tre, nứa, lá, xóa các lớp học “ca ba”, đã từng bước kiên cố hóa trường học, nhiều trường đã đạt “chuẩn quốc gia”, huy động số học sinh các cấp ra lớp đúng độ tuổi, đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục ở các địa phương…

Quán triệt lời dạy của Bác, ngành Giáo dục – Đào tạo hiện nay đang triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cùng các cuộc vận động, như: “Hai không”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Việc thực hiện lời dạy của Bác cũng đang được thể hiện một cách cụ thể trong việc đổi mới nội dung, phương pháp Giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới cơ chế quản lý tài chính Giáo dục…

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những lời Bác dạy vẫn mang tính thời sự tươi mới. “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, toàn thể thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên và học sinh, sinh viên với  khí thế, quyết tâm mới sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, đưa sự nghiệp Giáo dục phát triển lên một tầm cao mới, thỏa lòng mong ước của Bác ở lá thư cuối cùng gửi cho ngành Giáo dục.

Lê Xuân
(Hội nhà văn Cần Thơ)

Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập (Viện Xuất bản kinh điển Văn kiện Đảng thuộc Viện Mác- Lê nin – NXB Sự thật – Hà Nội 1984)