Nghĩa nặng Trần huynh

991

Phương Đình

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau mấy năm thống nhất ba miền, vào một buổi sáng thu đẹp trời, nắng long lanh màu thủy tinh. Tại trường Cấp 3 Thành phố Cần Thơ, nay là trường Châu Văn Liêm, hiệu trưởng Trần Hoán vừa thân mật bắt tay tạm biệt vài vị khách ra về. Đất nước còn trong thời Bao cấp, các cơ quan còn bận rộn nhiều công việc cần ổn định cho vấn đề chuyên môn và đời sống của nhân viên. Thì giờ lúc đó càng thêm quí giá.

Văn phòng hiệu trưởng không thật rộng, lại bị choán bởi mấy tủ đứng bằng sắt lâu đời chứa hồ sơ giấy tờ nhưng mặc nhiên khiến không khí trở nên ấm áp, thân thiện.

Tranh thủ thời gian, tôi xin phép vào phòng:

– Thưa hiệu trưởng!

– Chào đồng chí Thanh. Anh Trần Hoán thân mật gọi tôi đồng chí dù tôi chỉ là giáo viên cũ lưu dụng còn ngoài Đảng. Sở hữu khuôn mặt trời cho luôn vui vẻ dễ gần, anh hiệu trưởng vừa nhìn thẳng vào mắt tôi, vừa kéo chiếc ghế gỗ cũ:

– Mời đồng chí Thanh ngồi chơi.

Trong khi tôi đang chuẩn bị trình bày với anh chút chuyện gia đình, anh Trần Hoán niềm nở:

– Có gì mới không đồng chí Thanh?

– Thưa hiệu trưởng, tôi có chút việc riêng, muốn xin được phép thưa với hiệu trưởng.

Cũng như nhiều gia đình khác ở miền Nam sau 1975, tôi có đứa em trai tên Nguyễn Văn Dư bản tính rất hiền lành, gần tốt nghiệp Đại học thì bị động viên. Trót lỡ dính ngoài ý muốn vào chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước đây, nó đã  nghiêm túc trình diện đúng ngày theo thông báo của Ủy ban Quân quản và sau đó đi học cải tạo ở Bắc Thái. Những lần liên lạc tin tức, thư từ, vì là anh lớn trong nhà, tôi luôn tích cực động viên em tôi hết sức chấp hành tốt nội qui của trại cải tạo, cố gắng học tập tốt để sớm được trở về đoàn tụ gia đình. Cha mẹ tôi đều già yếu, hay đau ốm không thể đi đứng, tôi có bổn phận lo liệu mọi việc cho em tôi. Chính tôi là người đã nhiệt tình động viên nó ở lại nước nhà trong thời điểm vô cùng nhạy cảm kề cận trước ngày giải phóng.  Nhìn trân trân vào đôi mắt nó, tôi đảm bảo:

– Không bao giờ có chuyện trả thù, tắm máu hay xảy ra biển máu như dư luận xốc nổi của ít thành phần cường điệu, hoặc xuyên tạc sai sự thật của một của một số người chưa hiểu rõ cách mạng đâu em!

Sáng sớm ngày 29/4/1975, từ nơi cơ quan làm việc, em tôi mặt mày tái mét, hấp tấp về nhà tìm gặp tôi:

– Chắc chắn vậy không anh?

– Thật vậy mà em!

Tôi mạnh dạn khẳng định với em tôi một như lời đinh ninh cam kết tự đáy lòng.

– Chắc chắn là như vậy. Không bao giờ xảy ra việc đó đâu em.

Trong lúc nó còn đang phân vân, tôi quyết củng cố thêm lòng tin ở nó.

– Chúng ta là người Việt Nam, Nam Bắc cùng một nhà, cùng là con Hồng cháu Lạc mà. Em hãy tin ở anh.

Dư đã tin tưởng nghe lời tôi, nó lại kéo thêm nhiều bạn bè cùng cơ quan ở lại Việt Nam trong khi nó có đủ điều kiện để lên phi cơ hay xuống tàu rời khỏi thành phố.

Tôi là giáo viên được phép dạy môn Văn học, Mỹ thuật, bắt đầu lên bục giảng từ năm hai mươi mốt tuổi cho đến nay. Trừ khoảng thời gian ba lần nhịn đói ép xác, cam chịu sụt ký để được xếp vào loại Bất lực vĩnh viễn, để khỏi đi quân dịch khi còn học Đệ nhất cấp, một lần sau bị gọi trình diện đi học sĩ quan Thủ Đức, tôi phải bỏ trường Trung học Long Mỹ, Cần Thơ (nay thuộc Hậu Giang), trốn về dạy tư tại các tư thục ở Tây đô. Một thời gian lâu gần mười năm sau, tôi mới xin đi dạy giờ lại ở trường trung học Cái Răng rồi về Phan Thanh Giản cho đến ngày thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, tôi tiếp tục dạy học tại trường Cấp 3 Thành phố Cần Thơ. Nhờ có quá trình làm báo, viết văn chống thực dân đế quốc, và từng tích cực tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên Cần Thơ (1970-1972) trong giai đoạn hoạt động sôi nổi của học sinh Lê Văn Nuôi và sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, tôi được bầu vào Ban Chấp Hành Hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố Cần Thơ (1975-1980) với chức vụ Tổng Thơ ký (Chủ tịch hội khi ấy là nhà thơ Hoài Nam Tử). Ở trường học, ngoài đứng lớp, tôi phụ trách luôn vai trò khối trưởng, chủ nhiệm lớp và Trưởng ban Báo chí, Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền, Trưởng ban Văn nghệ của nhà trường.

Khách quan nhận xét, tôi đã hoàn thành tốt mọi công tác được giao trong buổi bình minh lịch sử sau ngày giải phóng với nhiều giấy khen về thành tích tốt đã đạt.

Trong thực tế lúc ấy giờ, tôi là giáo viên gốc người Nam bộ, còn anh hiệu trưởng Trần Hoán là cán bộ giáo viên chi viện từ miền Bắc mới vào được mấy năm. Tôi là giáo viên Văn, còn anh Hoán dạy Hóa nhưng hiện tại đang là hiệu trưởng. Hai đồng nghiệp ùng trường từ hai đầu đất nước mới quen biết nhau qua công tác giáo dục ở cùng một cơ quan, nhưng lại ở hai bộ môn khác nhau: khoa học xã hội nhân văn và khoa học tự nhiên. Quen sống nội tâm, tôi bản tính kiệm lời, ít giao du nên không có nhiều bạn bè, còn anh Hoán trái lại rất bặt thiệp, ngôn ngữ lưu loát lại nhiều trải nghiệm cuộc đời nên có lắm anh em đồng nghiệp ngoài xã hội. Cá tính hai người xem ra rất khác biệt nhau. Anh và tôi cũng chẳng bao giờ một lần cùng ngồi uống cà phê hay nhâm nhi nơi quán rượu. Lại nữa, anh ở giai tầng lãnh đạo, còn tôi chỉ là nhân viên, là lính của anh. Cả anh và tôi đôi khi có việc mới chuyện trò tâm sự sau các buổi hội họp ở nhà trường.

Thế mà, khi tôi muốn gặp anh để nhờ chút việc riêng của gia đình, hiệu trưởng Trần Hoán đã cư xử với tôi bằng một thái độ tử tế đặc biệt tôi không thể nào ngờ được. Dù chuyện thằng em, đã có lần trình bày với Phó hiệu trưởng chuyên môn kiêm Tổ trưởng tổ Văn trong đó tôi là thành viên, nhưng tôi thất vọng vì không đạt được ý nguyện.

– Việc đó chưa có chỉ thị của cấp trên.

Nữ tổ trưởng trả lời tôi với vẻ mặt lạnh lùng, xa cách rồi không nói gì thêm.

Tôi thầm nghĩ, dù sao là giáo viên cùng một tổ, lại là tổ Văn, thuộc khoa xã hội nhân văn thì anh em dễ tình cảm, chia sẻ nhau, xử sự với nhau một cách nhân văn hơn. Tôi đau lòng nhưng không trách người tôi kỳ vọng sẽ giúp tôi, cứu em tôi. Vì lẽ tôi đã thật lòng tin ở tổ trưởng tôi là chưa có chỉ thị của bề trên.

Thời gian vút bay nhanh thật không ngờ. Hơn bốn mươi năm qua  vào dạo ấy với bao nhiêu đổi thay tích cực của chính quyền cách mạng để hôm nay đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập tự chủ, sở hữu được muôn vàn thành tựu của một đấy nước thực sự phồn vinh, thanh bình và hạnh phúc. Đôi lúc, trong niềm tự hào của người công dân một nước độc lập, giàu mạnh về mọi mặt trong đó có giáo dục, đôi khi tôi còn mãi chạnh lòng, đau đáu về cách ứng xử giữa những người gọi là đồng nghiệp với nhau.

Nghe tôi trình bày rõ ràng nội dung lá đơn xin bảo lãnh em tôi đang đi học tập cải tạo chính xác như hiện thực cuộc đời nó và hoàn cảnh gia đình tôi, hiệu trưởng Trần Hoán vui vẻ nhìn tôi, thản nhiên:

– Đồng chí cho tôi xem.

Anh Hoán nói là xem, nhưng thực ra chỉ nhìn qua phần đầu lá đơn có tên tôi, cơ quan tôi công tác rồi mắt anh lướt nhanh xuống bên dưới trang cuối lá đơn bốn trang viết tay trên giấy ca-rô, nơi khoảng còn trống chừng non một phần ba trang. Bên phải là chữ ký tên của tôi, anh Trần Hoán nhìn rồi lấy bút bi ra ghi nhanh lời xác nhận và ký tên, đóng dấu. Anh không cần đọc kỹ phần nội dung quan trọng trong lá đơn tôi đã trình bày trung thực trên hơn ba trang giấy ở giữa chỉ vì hoàn toàn tin tôi. Anh hiệu trưởng Trần Hoán xác nhận rất tích cực trên lá đơn tôi xin bảo lãnh đứa em đang đi học tập cải tạo, ngoài sức tưởng tượng khiến tôi vô cùng xúc động.

Một thời gian mấy năm sau, nhờ tuân thủ nghiêm túc nội quy cải tạo học tập tốt, em tôi đã sớm về  vui vẻ sum họp gia đình, được trả lại quyền công dân khiến gia đình cha mẹ tôi vô cùng hạnh phúc.

Trải qua hơn bốn thập niên kể từ ngày giải phóng và giờ đây anh Trần Hoán đã đi xa, mỗi lúc gặp lại đứa em, tôi cảm thấy lòng không khỏi băn khoăn tự hỏi: Phải chăng vì lòng thương người, vì tình đồng bào ruột thịt hay do lòng tin trọn vẹn ở đồng nghiệp nên anh Hoán đã quên mình, làm một việc mà người khác không dám làm. Chính lòng tin mãnh liệt của anh hiệu trưởng đã giúp tôi hiểu ra một sự thật về niềm tin cao quý ở con người. Trong đám tang anh Trần Hoán, dưới cơn mưa nặng hạt, bao nhiêu bạn bè đồng nghiệp trong dòng người đi viếng anh lần cuối cùng, nhiều người đã nghẹn ngào, sùi sụt trong nước mắt, họ triền miên nối đuôi nhau hơn cây số trên đường tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ vĩnh hằng.

Tưởng niệm gần ba mươi năm ngày mất của anh hiệu trưởng Trần Hoán, người thủ trưởng kính mến, giàu nhân cách và đáng yêu, tôi không bao giờ quên tấm lòng tốt và niềm tin trong sáng của anh với nhân viên. Ngậm ngùi thương nhớ anh, tôi xin mượn những dòng chữ nhỏ bé trong bài viết này để bày tỏ lòng chân thành ngưỡng mộ trước lòng tin quý giá và nghĩa cử cao đẹp của Trần huynh.

P.Đ