Nghĩa tình quê hương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

593

Xuân Trường – Đình Thăng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nằm nép mình bên dòng sông Bồ hiền hòa, thơ mộng, làng quê Niêm Phò xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) không những nổi tiếng với những đặc sản cam, quýt, rau má, cá lồng… mà nơi đây còn được người dân và du khách muôn nơi biết tới bởi Niêm Phò là một làng quê cách mạng, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Vị tướng tài đức vẹn toàn của quân đội ta.

Một ngày cuối tháng 4/2022, chúng tôi tìm về thôn Niêm Phò khi những vườn hoa vạn thọ, hoa cúc nơi đây đang bắt đầu chớm nụ, báo hiệu một mùa hạ mới sắp về.

Thôn Niêm Phò vẫn như bao đời nay, bình dị, mộc mạc và yên ả đến lạ thường. Có người đã từng ví, sự bình dị, mộc mạc đó như chính con người của Đại tướng vậy. Và giờ đây, Niêm Phò đã có một khu nhà lưu niệm, nơi lưu giữ nhiều kỷ vật thiêng liêng về Đại tướng. Đây đã là nơi hội tụ, hàn huyên tâm sự của những người đồng chí, đồng đội một thời vào sinh ra tử với Đại tướng. Họ là những người tù ở khám Chí Hòa, Lao Thừa Phủ… Những người ở khắp mọi miền Tổ quốc, cả những em nhỏ đang còn cắp sách đến trường. Họ đến với Khu lưu niệm Đại tướng không chỉ để nhìn ngắm những hình ảnh, gợi nhớ những kỷ niệm của Đại tướng qua những tư liệu, hiện vật mang đậm dấu ấn về những năm tháng không thể nào quên, về một thời đấu tranh cách mạng gian lao mà vinh quang, mà đến còn vì sự sẻ chia, tỏ lòng kính phục trước một con người cộng sản huyền thoại với câu nói bất hủ: “Nắm chặt thắt lưng địch mà đánh”…


Chị Võ Thị Ái Hoa, xúc động, tự hào khi được giao nhiệm vụ trông coi, chăm sóc khu nhà lưu niệm Đại tướng.

Chị Võ Thị Ái Hoa, người cháu dâu của Đại tướng được giao nhiệm vụ trông coi, chăm sóc cây cối, khuôn viên nhà lưu niệm, tiếp chúng tôi xúc động nói: “Được làm công việc trông coi khu nhà lưu niệm Đại tướng là tâm niệm, ước vọng của không chỉ bản thân mà của cả gia đình, dòng tộc tôi. Ngày lại ngày được đón tiếp các đoàn khách đến viếng, tìm hiểu khu nhà, tôi càng hiểu và tự hào về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đại tướng, người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế. Tôi tự hứa với lòng mình phải làm tốt hơn nữa công việc được giao”. Hơn hai năm nay do tình hình dịch covid-19 nên số lượng khách đến thăm quan vắng hơn. Những năm trước, khi chưa có dịch, số lượng người đến với khu lưu niệm ở Niêm Phò rất đông, chị Hoa cho biết thêm: “Đến với khu lưu niệm Đại tướng ở Niêm Phò có không ít cán bộ, học sinh, sinh viên, du khách trong và ngoài nước. Với nhiệm vụ của mình, phải gắng làm sao để mọi người khi về đây hiểu hết những nét dung dị, mộc mạc và thiêng liêng của Đại tướng và gia đình khi sống ở đây”.

Lật giở những trang nhật ký của những người đã từng đến thăm khu nhà lưu niệm ở Niêm Phò, chúng tôi thật sự xúc động trước tình cảm của họ đối với Đại tướng. Bạn Lê Quỳnh Anh, lớp K15 Đại học sư phạm Vinh, Nghệ An xúc động viết: “Kính thưa Bác Đại tướng Nguyễn Chí Thanh! Được đến thăm ngôi nhà lưu niệm của Bác, cháu vô cùng xúc động. Cháu biết được mỗi nơi Bác từng sống, chiến đấu, mỗi nẻo đường Bác đi qua đều để lại tình cảm thương yêu, trìu mến vô bờ của quân và dân cả nước. Đức độ và tài năng của Bác thế hệ chúng cháu nguyện mãi học tập suốt đời”.

“Cháu tiếc rằng mình sinh sau, đẻ muộn, nên không có cơ hội được gặp Đại tướng…”, Phạm Văn Quang đến từ TP Hồ Chí Minh bày tỏ cảm xúc. “Cháu sinh ra ở Huế, sống ở Nha Trang. Chứng kiến những hiện vật in dấu một thời của Đại tướng càng làm cho cháu kính trọng hơn về sự giản dị, đức hy sinh vì nước, vì dân của Đại tướng” – Nguyễn Thị Trang, một sinh viên viết. “Chúng con đến đây, được tận mắt chứng kiện sự mộc mạc, giản dị của Đại tướng. Từ đáy lòng mình, chúng con đời đời nhớ ơn Đại tướng. Nguyện học tập và làm theo tấm gương Đại tướng” – nhóm học sinh Trường Quốc Học Huế bày tỏ cảm xúc.

“Tôi gặp và cùng hoạt động với anh Vịnh (Nguyễn Chí Thanh) từ đầu năm 1937… Tiếp xúc và cùng hoạt động với Nguyễn Vịnh tôi càng thấy rõ con người đầy nhiệt tình cách mạng, sôi nổi trong sáng của Anh, hiên ngang trước kẻ thù, chân tình, cởi mở, chan hòa với anh em, bàn bè, được mọi người tin yêu, mến phục”, đồng chí Hoàng Anh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ đã viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như vậy.

Về lại Niêm Phò lần này chúng tôi thật may mắn khi gặp được ông Lê Xuân Quang, 74 tuổi, cháu gọi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bằng cậu. Khi được hỏi những kỷ niệm về người cậu Nguyễn Chí Thanh, ông xúc động nói: “Tui còn nhỏ thì cậu đã đi tham gia cách mạng. Tui chỉ biết cậu qua lời kể của mẹ. Mẹ tui kể, khi còn ở quê, cậu Thanh là người sống giản dị, ham học ham làm, sống chan hòa với bà con xóm giềng, luôn hết mực yêu thương giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn và cậu chỉ có mong muốn duy nhất là được đi theo cách mạng… Tui rất tự hào về cậu Thanh!”


Khu nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Bên chén trà nóng hổi ngày cuối ngày tại nhà ông Quang, ông Lê Văn Luông, 64 tuổi, cựu chiến binh làng Niêm Phò phấn khởi: “Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Đại tướng hay những ngày lễ lớn của dân tộc, lòng người càng thêm rạo rực. Ai cũng gấp rút thu vén công việc đồng áng, bếp núc để có thời gian hồi tưởng về những kỷ niệm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Thời gian có trôi đi, nhưng làng Niêm Phò, nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn luôn lưu giữ hình ảnh dung dị, mộc mạc của Đại tướng và gia đình”.

Những ngày này, người dân làng Niêm Phò đang nô nức phấn khởi đón chào kỷ niệm  lớn của dân tộc. Người dân Niêm Phò tự hào về nơi đã từng ghi đậm dấu ấn tuổi niên thiếu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – người con ưu tú của quê hương. Một mùa hạ mới đang về. Ký ức những ngày tháng sống, chiến đấu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và gia đình ở làng Niêm Phò lại trỗi dậy trong chúng tôi. Có người lần đầu tiên, có người đã nhiều lần tới đây, trong họ đều trào dâng niềm tin yêu kính trọng, tự hào vô bờ về một vị tướng tài đức vẹn toàn của quân đội ta.

X.T-Đ.T