Ngô Vương: Hồi thứ ba – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai

832

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày trước, Triệu Việt vương đánh giặc Lương nơi bến Giang Biên, chém tướng Dương Sằn đã dùng kế hỏa công đốt cầu phao trên sông Cái. Nay binh thuyền của Đằng Châu tướng sĩ đều thạo sông nước cả, xin Dương công minh xét có thể theo kế cũ mà làm chăng?

Ảnh minh họa – Nguồn internet

 

HỒI THỨ BA

Thuận dòng gió nước, Phạm Bạch Hổ hiến kế đốt cầu phao
Vâng chiếu Hán triều, Lý Khắc Chính hành lễ đón Lý Tiến

Đây nói tiếp chuyện Dương Đình Nghệ cùng chúng tướng ngày đêm đào hầm vây hãm Đại La thành.

Luôn mấy hôm, Dương Đình Nghệ lệnh cho Ngô Quyền, Dương Tam Kha, Đoàn Thành tạm thời ngưng chiến, chỉ chuyên tâm vào việc đào các đường hầm tạo thanh thế uy hiếp La thành. Nhận được tin viện binh của Lý Tiến đã hạ trại nơi bờ bắc sông Cái, cách bến Giang Biên ba mươi dặm, Dương Đình Nghệ cho triệu các tướng vào thương nghị. Dương công cho mời tướng Đằng Châu Phạm Bạch Hổ tới từ sớm chuyện trò thân mật nơi trướng hổ.

Khi các tướng đã tề tựu đông đủ, Dương công thong thả nói:

– Xin giới thiệu với các tướng, vị này là Phạm Bạch Hổ, trưởng tử của Phạm Lệnh Công cũng là bậc huynh trưởng kết giao đã mấy chục năm của ta. Nay Phạm công cho tướng quân đây cùng năm nghìn tinh binh đã giáp chiến với binh lính Hán triều mấy ngày nay khiến chúng khiếp đảm lắm rồi. Nay có đông đủ các tướng, ta muốn nghe kế sách đánh thành diệt viện của chư vị.

Mọi người đưa mắt nhìn viên tướng Đằng Châu, ai nấy đều trầm trồ thán phục vẻ ngoài cao lớn vạm vỡ, khí độ thần thái hiên ngang. Lại luôn mấy hôm, trong quân truyền kể vị tướng Đằng Châu năm bảy bận vượt muôn ngàn mũi tên ngọn giáo thân lên mặt thành chém tướng chặt cờ quân Hán vô số kể, nay tận mắt nhìn thất vị tướng tuổi tuy khá trẻ mà đường bệ nghiêm trang đều mười phần cảm mến.

Không khách khí, Ngô Quyền bước ra thủ lễ nói:

– Bẩm nhạc phụ! Thưa các vị tướng quân! Mạt tướng vốn nghe danh Phạm Lệnh Công ân uy rất nghiêm, lòng quân lòng dân Đằng Châu muôn người như một. Nay lại thấy Phạm tướng quân đây tuổi trẻ tài cao, thân đem tinh binh mãnh tướng phá thành giết giặc không kể muôn tên nghìn giáo quả đáng khâm phục. Việc đánh thành diệt viện, hẳn nhạc phụ đã có kế sách chu tất. Mạt tướng xin đợi lệnh để sớm được cùng Phạm tướng quân giết giặc trên chiến trường.

Phạm Bạch Hổ nhìn thật kỹ Ngô Quyền, thấy họ Ngô lời nói chính trực, sâu sắc, chỉ vài câu ngắn đã như thấu vào gan ruột mọi người, hiểu binh tướng Đằng Châu đến tận chân tơ kẽ tóc, trong lòng đã thầm cảm phục lắm. Lại thấy Ngô tướng quân cao lớn đường bệ, dáng đi như rồng, tiếng nói như chuông, không khỏi rúng động tâm can. Nghĩ trước nghĩ sau, Phạm Bạch Hổ bình tĩnh tiến ra thủ lễ nói:

– Bẩm Dương công! Thưa các vị tướng quân! Tiểu tướng vâng lệnh phụ thân cùng gia binh gia tướng vượt muôn dặm đến đây để Dương công sắp đặt việc đánh đuổi giặc Bắc. Gia phụ có dặn mọi việc nhất nhất theo ý Dương công, muôn chết không từ. Nay giặc kia viện binh vừa đến, chúng tất sẽ trong ứng ngoài hợp mà gây khó dễ cho ta. Ngày trước, Triệu Việt vương đánh giặc Lương nơi bến Giang Biên, chém tướng Dương Sằn đã dùng kế hỏa công đốt cầu phao trên sông Cái. Nay binh thuyền của Đằng Châu tướng sĩ đều thạo sông nước cả, xin Dương công minh xét có thể theo kế cũ mà làm chăng?

Nguyên ngày trước, sau khi đức vua Lý Nam Đế bị thua binh ở hồ Điển Triệt đã giao lại binh quyền cho tả tướng Triệu Quang Phục, họ Triệu bèn đem quân về đầm Dạ Trạch ngày đêm luyện binh trữ lương, lại cho người đi khắp vùng tìm người tài giỏi về giúp kế trong quân dần dần gây lại thanh thế. Trần Bá Tiên khi ấy làm An Nam Đô hộ sứ sai đại tướng Dương Sằn đóng quân thủy bộ ở bến Giang Biên vừa để đề phòng các tướng cũ của Lý Nam Đế đánh úp kinh thành vừa tiện tay đàn áp, cướp bóc dân chúng An Nam. Khi binh lực dồi dào, lòng dân hướng về, Triệu Quang Phục chia binh hai đường thủy bộ nửa đêm tập kích trại Giang Biên, quân cứu viện của Trần Bá Tiên từ kinh thành theo đường cầu phao bắc qua sông Cái sang cứu Dương Sằn bị Triệu Quang Phục cho quân đốt cầu phao chết vô số kể. Không có viện binh, binh tướng Dương Sằn núng thế, trại thủy bộ Giang Biên bị đốt trụi, bản thân Dương Sằn bị Triệu Quang Phục chém chết tại trận. Sau chiến thắng Giang Biên, Triệu Quang Phục được các tướng và muôn dân suy tôn là Triệu Việt vương. Họ Triệu lên ngôi vương, cùng các tướng và dân chúng An Nam đánh đuổi đám người phương Bắc giành lại quyền tự chủ.

Dương Đình Nghệ nhìn vào Phạm Bạch Hổ thấy viên tướng trẻ họ Phạm lời nói ôn tồn mà sâu sắc, bàn vào việc quân cơ quả đoán, viện dẫn sử sách thông thuộc, vô cùng mừng rỡ, tiến đến sát vị tướng trẻ nói với mọi người:

– Quả là trời giúp chúng ta. Phạm tướng quân hiến kế đốt cầu phao giết giặc để chúng đầu đuôi không cứu được nhau quả là diệu kế. Giặc Bắc luôn cậy ngựa khỏe binh mạnh, lấy thịt đè người, nay ta chưa thể đưa voi qua sông để đón đánh chúng ở Giang Biên thì chỉ còn kế hỏa công đốt cầu phao giặc là vẹn toàn mà thôi. Ngay hôm nay, ta mệnh lệnh Ngô Quyền chọn hai ngàn dũng sĩ cùng theo xuống thuyền với Phạm tướng quân. Hai tướng hãy bí mật chia quân mai phục hai bên bờ sông đợi giặc kia đến giữa lòng sông hãy đổ ra đánh, tất chúng không qua được sông. Nơi các cổng thành Đại La, ta sẽ hư trương thanh thế để bọn Lý Khắc Chính không dám rời thành tiếp viện việc lớn tất thành.

Các tướng nghe theo sự sắp đặt của Dương Đình Nghệ. Ngô Quyền điểm hai ngàn tinh binh ngay trong đêm theo cùng binh tướng Đằng Châu xuống thuyền bí mật lập trận địa mai phục đón lõng đại quân của Lý Tiến trên mặt sông Cái.

*

Đây nói tiếp chuyện Lý Khắc Chính trong thành Đại La.

Nhận được tin đại tướng Lý Tiến đã xuống tới bờ bắc sông Cái đang hạ trại liên hoàn chuẩn bị cho đại quân bắc cầu phao qua sông, Lý Khắc Chính vội cho người thân tín theo cùng tả hữu của Lý Tiến đang đêm lấy thuyền nhỏ chèo gấp sang bên kia sông. Lý Khắc Chính hẹn sáng hôm sau sẽ chuẩn bị đại đội binh mã sẵn sàng tiếp ứng đại quân qua sông vào thành. Lý Khắc Chính còn dâng riêng vô số vàng bạc châu báu cho Lý Tiến, lại làm một tờ biểu trần tình việc chậm trễ không tiến vào Ái Châu, Hoan châu. Tờ biểu lời lẽ khiêm nhường thống thiết, chỉ mong muốn sớm được về yên hưởng tuổi già chứ tuyệt nhiên không dám nhắc gì đến chức phận kiêm quản Giao Châu.

Đọc xong tờ biểu trần tình. Liếc nhìn hòm vàng bạc châu báu, Lý Tiến chỉ thở dài không nói.

*

Theo sắp đặt từ hôm trước, mờ sáng, hàng vạn binh mã được Trương Ngao cùng các tướng dồn ép vào làng mạc chặt tre đẵn gỗ làm cầu phao để đại quân qua sông. Bất kể là nhà cửa đình chùa, binh lính Hán triều đều cho tháo dỡ chuyển ra bờ sông đóng từng nhịp từng nhịp cầu nổi trên mặt nước. Đám binh lính phương Bắc vốn không thông thạo sông nước nên đến quá trưa cầu mới được non nửa ngoằn nghèo trên mặt sông rộng. Nhìn xa xa, thi thoảng có những vạt lau sậy cây cối trôi bập bềnh tấp vào chiếc cầu càng khiến cho Trương Ngao sốt ruột quát tháo ầm ĩ. Họ Trương cho đẵn sạch cây cối nơi bờ sông vẫn không đủ gỗ lạt để bắc cầu. Điên tiết, họ Trương rút đao chém cụt đầu mấy tên lính già chậm trễ khi khiêng vác tre nứa để bọn ở giữa sông phải lơ lửng giữa dòng nước.

Bờ bên này sông, trong đám lau sậy um tùm, hai tấm lưng vạm vỡ đóng khố cởi trần chụm sát vào nhau. Phạm Bạch Hổ nhìn mãi vào chiếc cầu dang dở trên mặt sông, rồi nhìn Ngô Quyền nói nhỏ:

– Ngô huynh! Cứ đà này cho dù chúng có phá sạch làng mạc bên kia sông cũng phải đến tối mai mới bắc xong cầu. Tiểu tướng đồ rằng, đêm tối bọn chúng cũng không dám qua sông. Lũ ngựa Bắc vốn dát nước lắm. Mà binh Hán không có ngựa thì chỉ còn là những bị thịt mà thôi. Nay ta cho binh sĩ nạp sẵn đồ dẫn cháy phục ở hai đầu đợi giặc kia chớm đặt chân sang bờ nam mới nhất tề cắt cầu khiến chúng đầu đuôi không cứu được nhau mà chết đuối. Không biết huynh có cao kiến gì chăng?

Ngô Quyền từ lúc gặp Phạm Bạch Hổ trong lòng vô cùng yêu mến, nhìn vị tướng trẻ đất Đằng Châu thong thả nói:

– Tiểu đệ hiến kế đốt cầu phao giặc kia tất bại. Ta cho rằng trận chiến lớn với giặc Bắc còn ở phía trước. Hán đế không cam tâm để phương Nam chúng ta tự chủ đâu. Phải đánh cho đại binh của chúng, dẫu là Hán đế Lưu Nhiễm thân chinh đem hùng binh xuống phương Nam cũng không còn mảnh giáp mới khiến chúng run sợ để ta tự chủ mới là kế lâu dài.

Phạm Bạch Hổ cảm phục nói với Ngô Quyền:

– Ngô huynh thật chí khí khác người. Việc đánh bọn giặc phương Bắc mai này đệ xin được cùng huynh vào sinh ra tử.

Ngô Quyền không nói, lặng lẽ đặt bàn tay vạm vỡ lên vai Phạm Bạch Hổ.

*

Từ lúc Trương Ngao rút kiếm liên tiếp chém cụt đầu mấy tên lính chậm chạp, việc bắc cầu khẩn trương nhộn nhịp hẳn lên.

Lý Tiến cho gọi Trương Ngao đến phán bảo:

– Tướng quân bất tất phải nôn nóng. Ở cái đất lụt lội ẩm ướt này, bọn giặc cỏ gian trá lắm. Xưa kia đại tướng Dương Sằn bị Triệu Quang Phục chém đầu ở Giang Biên cũng vào mùa nước lên như thế này. Lại đến Trương Bá Nghi, Cao Chính Bình bị vây hãm ở La thành mà vong mạng. Bọn giặc cỏ An Nam từ xưa đến nay vốn thường lẩn lút nơi đầm bãi, rừng rậm ít khi chịu xuất đầu lộ diện đánh nhau với đại binh phương Bắc. Thế mà khi có thời cơ, lũ giặc cỏ cứ như chui từ trong lòng đất ra vậy. Ngày trước, Cao Chính Bình có cả vạn trong thành Tống Bình còn bị giặc cỏ Phùng Hưng vây khốn đến chết. Ba quân thủy bộ của họ Phùng như được trời giúp đông vô số kể. Binh ta nếu không cẩn thận mắc vào mưu chúng sẽ ngàn thu ôm hận đó. Từ hôm xuất binh, ta luôn nghĩ hoàng thượng có phần gấp gáp đánh phương Nam không để cho binh tướng được nghỉ ngơi khó nắm chắc phần thắng. Nay đại quân ta đã đến đây, trong thành Đại La còn tới hơn hai vạn tướng sĩ của Lý Khắc Chính. Nay ta nếu cho toàn quân qua sông, không phải là kế vẹn toàn đâu. Ngươi hãy chia binh làm hai đội, chỉ cho một vạn lính già yếu qua sông trước lập doanh trại bên phía bờ nam sông Cái. Vạn nhất có trúng kế giặc cỏ còn có đường về đất Bắc.

Thấy chủ tướng đột nhiên thận trọng khác thường, Trương Ngao không dám khinh xuất quay trở ra chia binh theo ý chủ tướng.

Đến quá trưa hôm sau, khi cầu phao qua sông được bắc xong, Trương Ngao toan cho một vạn lính già yếu qua sông trước, Lý Tiến thấy thế bèn mệnh lệnh:

– Trương Ngao, ngươi nửa đời chinh chiến sao còn hồ đồ. Phép dùng binh không thể buổi chiều qua sông sang đất lạ, tất chuốc bại vong đấy. Nay ngươi hãy thử cho năm trăm binh lính sang sông trước, lại dắt đám ngựa già yếu đi qua cầu xem chúng có sợ hãi gì không rồi ngày mai đại quân qua sông còn chưa muộn.

Trương Ngao vâng dạ lui ra, bụng thầm nghĩ, không hiểu sao đại tướng quân càng ngày càng quá thận trọng, chưa gặp giặc cỏ mà đã đề cao chúng thực làm giảm sĩ khí của quân ta vậy. Từ trước đến nay, mỗi khi hành binh đều phải cho tướng giỏi ngựa khỏe làm tiên phong dẫn đầu nay đại tướng quân lại cho lính già ngựa yếu sang sông trước thật chẳng hiểu ra sao. Bên kia sông, trong thành Đại La còn tới cả vạn binh sĩ của Lý Khắc Chính, bên này binh tướng thiên triều vài vạn mà vô cớ sợ sệt giặc cỏ chẳng phải để chúng cười vào mũi người phương Bắc hay sao? Phép dùng binh xưa nay chưa đánh đã quá đề cao địch quân họ Trương chưa thấy bao giờ. Nhưng cứ nghĩ đến việc Dương Sằn, Trương Bá Nghi, Cao Chính Bình binh bại mạng vong ngày trước trong bụng Trương Ngao càng nghi ngại mà nhất nhất vâng theo mệnh lệnh của Lý đại tướng quân.

Bên bờ nam quan sát động tĩnh thấy đại quân của Lý Tiến dùng dằng chưa qua sông, lại thấy các đồn trại đóng theo thế liên hoàn trước sau hỗ trợ nhau rất nghiêm cẩn, Ngô Quyền bảo với Phạm Bạch Hổ:

– Hiền đệ xem tướng giặc không phải loại vừa đâu. Chúng hồ nghi không dám qua sông. Chắc chiều nay chỉ cho đám binh mã già yếu qua sông trước xem động tĩnh ra sao rồi mai mới dần dần chuyển đại binh qua sông. Ta càng phải cẩn thận lắm mới được. Giặc kia dường như đã đoán được mưu ta nhưng chúng tất phải qua sông. Nay ta chỉ có thể đánh úp được mẻ đầu quân chúng mà thôi. Lý Tiến vốn là danh tướng của Hán đế, không dễ gì một trận phá được chúng. Ngày mai, cứ theo kế ta mà làm. Mọi việc ta và đệ phải kiểm tra chu tất trong đêm nay mới được.

Phạm Bạch Hổ lặng lẽ cùng Ngô Quyền rút vào vùng lau sậy nơi các dũng sĩ Đằng Châu, Ái Châu đang chia nhau sắp đặt đồ dẫn hỏa, chủy thủ, câu liêm, dây sắt sẵn sàng tập kích đốt phá cầu phao.

Tờ mờ sáng hôm sau.

Qua mấy buổi chặt phá cây cối nơi bờ bắc sông Cái xơ xác ngổn ngang. Mùa nước lên, đám củi cành từ thượng du đổ xuống gặp những đoạn cầu phao bắc thấp níu cong tưởng chừng muốn phá tung về phía hạ lưu. Trương Ngao cho binh sĩ liên tục đi lại trên cầu dùng sào dài đẩy dìm từng đám từng đám củi rác rong rêu luồn ra khỏi cầu phao lại cho dùng chão mây níu chặt những thân tre lớn làm chỗ vịn cho binh mã tiện qua sông. Nhiều khúc họ Trương còn sử dụng ván sàn của đình chùa lát phẳng phiu khá chắc chắn. Trương Ngao kiểm điểm một vạn bộ binh, đa số già yếu vốn là hậu quân chuyển lên tiền quân cho qua sông trước. Đám binh lính ngơ ngác nhìn nhau. Xưa nay, theo họ Lý chinh phạt các nơi, chỉ toàn là ngựa khoẻ binh mạnh xông lên phía trước. Đám lính già nhăn nhó đùn đẩy nhau trên chiếc cầu gỗ bập bềnh mặt sông gió ù ụ thổi.

Trương Ngao tuốt kiếm lăm lăm chỉ về bên kia sông quát lớn:

– Các ngươi hãy chia nhau năm trăm người một đội lần lượt qua sông sang bên kia tất có đại binh của Lý Khắc Chính đón các ngươi vào thành tiện việc khao quân không việc gì phải sợ.

Đám binh lính Hán triều sau phút đùn đẩy hè nhau từng đội từng đội tiến bước vào chiếc cầu phao. Chiếc cầu ban đầu còn là một đường thẳng chỉ chốc lát ngoằn nghèo bập bềnh oằn oại trên mặt nước.

Đại đội binh lính đầu tiên qua cầu phao trót lọt không xảy ra bất cứ chuyện gì.

Trương Ngao bất thần tế ngựa xuống cầu hô lớn:

– Các tướng sĩ hãy mau theo ta sang bên kia sông hạ trại!

Vừa hò hét, Trương Ngao vừa tế ngựa lên cầu. Con ngựa tía của Trương Ngao luôn mấy hôm đôn đốc quần thảo nơi bãi sông tỏ vẻ không sợ sông nước lộp bộp đi trên đám ván gỗ bập bềnh hăng hái đưa chủ tướng qua sông.

Thấy chủ tướng đã đến giữa cầu phao bình yên vô sự, đám kỵ binh, bộ binh gần vạn tên phấn khích ùa nhau hăng hái qua sông.

Chiếc cầu phao oằn mình tưởng chừng không chịu nổi. Những chão mây xoắn bện kêu răng rắc. May giữa lúc nước chảy không xiết lắm khiến chiếc cầu còn giữ được thăng bằng. Đám binh lính hăng hái chỉ chăm chú nhìn sang bờ nam sông Cái mà không hay biết từng đám, từng bè lau sậy cao chất ngất đang lặng lẽ từ thượng du trôi dần vào sát cầu phao.

Sang tới bờ bên kia, Trương Ngao quành ngựa lên bờ quát đám binh lính sắp thành đội ngũ để đón bọn dưới cầu phao lên bỗng kinh hãi thấy hàng trăm đụn lau sậy khô nghi ngút khói đã trôi sát cầu phao. Còn chưa kịp định thần lửa đã bốc lên rần rật tấp vào chính giữa và hai bên đầu cầu. Những tiếng hét ầm ầm. Hàng trăm dũng sĩ Đằng Châu nhất tề tung mình khỏi mặt nước vung mã tấu, câu liêm, móc sắt chặt đứt cầu phao. Tiếng kêu khóc như ri. Từng mảng người đổ sầm sập xuống mặt sông ngầu đỏ. Những bè mảng lau sậy chứa sẵn đồ dẫn lửa cháy rừng rực loáng cái đốt cháy chia chiếc cầu dài dặc thành ba đoạn trơ vơ trên mặt sông rộng mênh mông. Phía bờ Bắc, Lý Tiến kinh hãi tế ngựa hô các tướng xua đội cung tên nhất tề bắn xuống mặt nước, nơi các dũng sĩ Giao Châu đang đốt cầu phao mặc tiếng kêu khóc của những kẻ trên cầu trong trận mưa tên. Phía bờ Nam, tiếng pháo lệnh vang lên ùng ùng, không biết từ đâu, năm mươi chiến thuyền lừng lững tiến ra mặt sông sôi sục. Đám tàn binh tàn tướng của Lý Tiến ngoi ngóp dưới sông bị các dũng sĩ trên thuyền dùng câu liêm, đinh ba dìm chết vô số. Trên bờ, một thảm cảnh kinh hoàng diễn ra. Hơn năm trăm binh lính Hán cùng phó tướng Trương Ngao bị hai ngàn binh lính Ái Châu vây chặt. Rừng cung tên thảy đều chĩa về đám giặc Bắc.

Đứng giữa hàng quân, Ngô Quyền chỉ Trương Ngao mắng:

– Bớ tướng giặc! Ngươi hãy xuống ngựa chịu hàng.

Trong cơn điên loạn, lại thấy binh lính dưới sông bị hại vô số kể, Trương Ngao gầm lên:

– Giặc cỏ! Ta liều chết với các ngươi.

Khi Trương Ngao chồm ngựa xông về phía Ngô Quyền cũng là lúc họ Ngô phẩy tay xạ tiễn. Thương thay Trương Ngao cùng hơn năm trăm binh tướng Hán triều già nửa đời chinh chiến không thể ngờ có ngày toàn bộ làm mồi cho trận mưa tên.

Đứng bên kia sông, Lý Tiến thương cảm khóc ngất nhưng cũng chỉ biết kêu trời.

*

Sau khi thu nhặt đám tàn quân còn sống sót dưới sông lên bờ bắc, Lý Tiến hạ mệnh lệnh đại quân cố thủ trong trại không bàn tới việc sang sông nữa. Những tre gỗ bắc cầu phao họ Lý cho trục vớt xếp thành ải luỹ chắn ngay sát bờ sông. Khi quân bờ nam rút đi, Lý Tiến cho tìm thuyền nhỏ sang bên kia sông nhặt xác của phó tướng Trương Ngao về chôn cất cẩn thận. Những là binh lính tử trận gom thành gò lớn hỏa táng ngay ở bãi sông khiến binh lính tinh thần càng giảm sút. Ngay chiều hôm đó, bất chấp nguy hiểm, nghe tin đại quân Lý Tiến vượt sông giữa đường bị binh tướng Đằng Châu đánh úp đốt cầu phao thảm bại, Lý Khắc Chính lập tức cử Lý Tri Thuận đem theo ba ngàn tinh binh đến bờ nam thanh viện. Lý Khắc Chính cho gọi Độc Toàn Chân hỏi đến đội thương thuyền mau chóng xung vào quân ngũ để tiện bề  sử dụng dùng cho đại quân của Lý Tiến qua sông.

Lý Tri Thuận và Độc Toàn Chân tới nơi thì chỉ còn lại chiến trường xơ xác, thây chất ngổn ngang, tiếng quạ kêu rợn óc. Phía bờ bắc, trại lính của Lý Tiến đóng san sát. Họ Độc bàn với Lý Tri Thuận để đám binh lính dọn dẹp chiến trường rồi thân chinh cùng đội thương thuyền năm mươi chiếc nay đã được chưng dụng làm chiến thuyền khẩn trương chèo qua sông.

Đang bồn chồn trong trướng hổ, bỗng nghe tùy tướng cấp báo có vài chục chiến thuyền từ phía bờ nam nhằm bờ bắc tiến sang, Lý Tiến cả kinh đập tay xuống bàn quát tháo:

– Bay đâu, mau sửa soạn cung tên nghênh địch! Bọn giặc cỏ quả ăn phải gan hùm mật gấu dám ban ngày tập kết đại doanh của bản tướng còn ra thể thống gì.

Chúng tướng vâng dạ lui ra. Lý Tiến mặc giáp lên ngựa ra thẳng bờ sông nhìn kỹ lá cờ trên chiếc thuyền lớn bèn cười ha hả bảo tả hữu:

– Chiến thuyền của Hán triều ta đó! Mau chuẩn bị để ta tiếp sứ giả của Lý Khắc Chính.

Nói đoạn Lý Tiến quay trở lại trướng hổ quát tả hữu sắp hàng gươm giáo sáng quắc vừa kịp lúc Lý Tri Thuận và Độc Toàn Chân vào đến trại lớn đang được mấy viên tuỳ tướng đưa vào trướng hổ.

Vừa nhìn thấy hai tướng của Lý Khắc Chính, Lý Tiến mắng lớn:

– Sao chủ tướng của các ngươi giờ này còn chưa tới? Lẽ nào đã theo quân phản loạn cả hay sao?

Lý Tri Thuận đợi Lý Tiến nguôi giận mới đứng ra bẩm báo:

– Bẩm đại tướng quân! Binh tướng Đại La đang cố thủ giữ thành chờ viện binh của Hán đế. Cả tuần trăng nay mấy mặt thành bị vây gấp lắm chủ tướng của mạt tướng không dám khinh xuất rời thành mong đại tướng quân minh xét.

Độc Toàn Chân lựa ý nói theo:

– Bẩm đại tướng quân! Tại hạ không kể ngày đêm đã cho sửa soạn chuyển thương thuyền thành chiến thuyền để phục vụ đại tướng quân sai bảo. Không biết giặc cỏ dám mạo phạm thiên uy tội đáng muôn chết xin đại tướng quân giáng tội.

Lý Tiến thấy hai viên tướng lời lẽ nhún nhường lại biết đặt việc thủ thành, đóng thuyền làm trọng bèn vờ tỏ vẻ nguôi giận nói:

– Các ngươi vì Hán đế mà phải muôn dặm xuống phía nam cũng vất vả rồi đó. Cũng may mạt tướng đã bày kế thí chút lính ốm ngựa già cho đám giặc cỏ để chúng kiêu căng mai kia vào Đại La ta sẽ dễ bề bắt giết hết chúc. Chẳng hay các ngươi đem tới được bao nhiêu chiến thuyền có thể trở binh lính qua sông?

– Bẩm toàn bộ chiến thuyền được năm mươi chiếc.

Lý Tiến vội đứng lên nói:

– Các vị tướng quân. Trời đã chiều rồi, giặc cỏ tất đã rút đi xa. Nay ta hạ lệnh hai tướng hãy dùng năm mươi chiến thuyền cấp tập trở binh lính sang bên kia sông. Nếu để chậm trễ, ngày mai chưa biết tình hình ra sao đâu.

Các tướng vâng mệnh lui ra khẩn trương đưa binh lính sang phía bờ nam đến tối mịt được gần một vạn binh sĩ.

*

Sau khi thuật lại trận tập kích đốt cầu phao trên sông giết chết phó tướng Trương Ngao phía bờ nam cùng đoàn chiến thuyền về bến Giang Biên an toàn, Dương Đình Nghệ cho khao thưởng quân sĩ vừa thắng trận đồng thời cho gọi Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ vào dặn:

– Ta tuy thắng trận song thế giặc giờ đã khác trước. Hán đế liên tiếp hưng binh xuống phía nam dã tâm lớn lắm. Đạo binh này chưa bị diệt đạo binh khác đã kế tiếp xuống phương Nam ta gây hoạ chiến tranh. Lúc trước đi mai phục giặc qua sông, ta quên không dặn các ngươi bố trí đối phó với đội thương thuyền của đám gian thương phương Bắc trong Đại La thành. Lũ này ngày thường chúng vơ vét sản vật của ta động có chiến tranh chúng là những tên nội gián cực kỳ nguy hiểm. Ta chắc rằng giờ này chúng đang khẩn trương đưa đại quân của Lý Tiến qua sông rồi.

Phạm Bạch Hổ sững người nói:

– Phạm công! Mạt tướng lập tức xin đưa binh thuyền trở lại quyết chiến với giặc không để chúng qua sông.

Ngô Quyền trầm ngâm nói:

– Giờ này ngược thuyền lên đó e không còn thời cơ nữa. Một là giặc kia đã có phòng bị. Hai là đội thương thuyền của chúng giờ đã là chiến thuyền rồi. Đám thương nhân phương Bắc phần nhiều là cướp biển trôi vào Đại La từ lâu thông thạo sông nước vùng Giang Biên ta không thể khinh xuất. Xin nhạc phụ tính kế khác là hơn.

– Quyền nhi nói đúng đó. Giặc kia cùng đường tuyệt kế giao chiến với chúng phải hết sức cẩn thận. Ta hãy cứ chia binh ba mặt vây thành. Không hiểu tại sao chưa thấy có tin gì của Kiều công ở Phong Châu.

Nhắc đến Kiều công, Phạm Bạch Hổ vụt nhớ lời cha nói hôm trước đã toan bộc bạch cùng Dương Đình Nghệ song đã kịp dừng lại. Thấy vị tướng trẻ tuổi họ Phạm thoáng vân vi, Ngô Quyền khích lệ:

– Hiền đệ có gì cứ nói thẳng với nhạc gia đừng ngại.

Phạm Bạch Hổ suy nghĩ giây lát rồi nói:

– Phong Châu là vùng đất tiềm lực giàu mạnh, binh đông đất hiểm xưa kia các vua Hùng từng đặt Quốc đô ở đó. Họ Kiều ở Phong Châu nối đời làm tướng lĩnh, hào trưởng, lại giao du rộng rãi với các vùng thế lực hùng mạnh lắm. Khi Khúc chúa còn kiêm quản Giao Châu nhiều lần muốn tạo dựng giềng mối kết thân mà các thủ lĩnh Giao Châu cứ lần nữa. Nay Dương công thành tâm kết giao hào kiệt lẽ ra Kiều công đã phải đưa binh xuống Đại La rồi. Nay còn chưa tới tiểu tướng có chỗ không hiểu mong Dương công chỉ giáo.

Dương Đình Nghệ thấy Phạm Bạch Hổ thường ngày thẳng thắn nay khi bàn về họ Khúc ở Phong Châu quá dè dặt bèn nói:

– Phạm tướng quân chưa biết đấy thôi. Ta và Phạm công ở Đằng Châu, Kiều công ở Phong Châu, Ngô công ở Đường Lâm vốn tình huynh đệ sâu nặng lắm. Vả chăng, chúng ta đều là nha tướng thuộc hạ của Khúc chúa cả càng phải trân thành một lòng đánh đuổi lũ giặc Bắc mới mong thành đại sự. Ta nghe nói, Kiều công có công tử trưởng là Kiều Công Tiễn văn võ toàn tài là bậc anh hùng lắm tất sẽ hiến kế để họ Kiều nêu cao chính đạo, rạng danh với đời. Mai kia vào thành Đại La ta sẽ giới thiệu Kiều Công Tiễn với Phạm tướng quân đây để kết giao cũng là dần bàn giao việc lớn cho các ngươi chứ lũ ta sớm muộn cũng tuổi tác cao rồi. Phạm tướng quân hãy ghi nhớ cho.

Còn đang nói chuyện bàn bạc, bỗng ở ngoài Dương Tam Kha thân vận giáp phục vào bẩm báo:

– Bẩm phụ thân! Thưa các vị tướng quân! Đại quân của Lý Tiến đã dùng thuyền buôn của Độc Toàn Chân qua sông được bốn năm phần rồi. Thám sát của ta báo về Lý Tiến chia binh chỉ cho một nửa quân sang sông.

Dương Đình Nghệ chăm chú lắng nghe rồi nhìn sang Ngô Quyền có ý muốn hỏi. Ngô Quyền ngẫm nghĩ rồi nói:

– Tên cáo già Lý Tiến lẽ nào còn có viện binh?

Phạm Bạch Hổ vội nói:

– Không thể nào! Phép dùng binh của người phương Bắc dẫu độc hiểm nhưng luôn ở cái thế vua chúa sai khiến bề tôi thảo phạt phương Nam. Vua chúa tướng lĩnh người phương Bắc vốn thường nghi kỵ lẫn nhau, quyết không giao toàn bộ binh quyền cho tướng soái bên ngoài được. Lại nữa, Lý Tiến vừa kéo binh xuống, còn chưa giao tranh thắng bại, Hán đế dẫu muốn tăng viện các đại thần chắc chắn can ngăn. Trung Nguyên quần hùng rình rập không dễ gì Hán đế dám rút bớt binh lực cũng là bẻ bớt nanh vuốt của mình đi vậy.

Dương Đình Nghệ buột miệng khen:

– Phạm tướng quân suy đoán sâu sắc lắm. Ta cho rằng Lý Tiến chia binh chỉ qua sông một nửa chính là còn chưa tin tưởng Lý Khắc Chính trong thành Đại La. Các tướng phương Bắc bao giờ cũng phòng thủ lẫn nhau. Lý Tiến danh nghĩa vâng mệnh thay Lý Khắc Chính kiêm quản Giao Châu, thảo phạt các vùng đất phương Nam nhưng kỳ thực là cướp quân quyền của Lý Khắc Chính. Nay hai họ Lý tranh nhau cũng là thời cơ tốt của chúng ta. Chi bằng ta tạm thời án binh bất động xem chúng đấu nhau rồi hành sự cũng chưa muộn.

Các tướng đều khen là phải rồi chia nhau ai về đội nấy.

*

Đây nói tiếp chuyện Lý Tiến cho đại quân qua sông.

Sau khi chia một nửa binh mã hạ vững trại phía bờ bắc ngày đêm chặt cây đẵn gỗ đắp ải luỹ rất kiên cố, Lý Tiến thân chinh cùng hai vạn tinh binh chọn ngày lành thẳng tiến vào thành Đại La. Từ buổi có được đám thương thuyền, Lý Tiến ngày đêm giữ Độc Toàn Chân trong soái phủ sai bảo cắt đặt các việc, đôn đốc, trưng tập thêm thuyền bè đậu kín cả khúc sông. Họ Lý lại cho dựng trại thuỷ bộ liên hoàn bờ bắc bờ nam rất nghiêm ngặt. Bên ngoài còn cho phao tin lập ải lũy để tạo thanh thế ỷ dốc với thành Đại La, bên trong triệu các tướng phủ dụ công cuộc Nam chinh rất cần binh thuyền thuỷ quân nên việc trọng dụng Độc Toàn Chân là kế vẹn toàn.

Lý Tri Thuận sau buổi sang bờ Bắc bẩm báo chỉ biết ngày đêm lo cung cấp lương thảo, vật dụng, thuyền bè để Lý Tiến dựng trại luôn tỏ ra sốt ruột. Mấy lần Lý Tri Thuận xin Lý Tiến sớm vào thành giải vây, Lý Tiến chỉ gạt đi nói dựng trại thuỷ bộ hùng mạnh mới là cách giải cứu thành Đại La bền vững hơn cả. Khi về bẩm báo lại với Lý Khắc Chính, chỉ thấy Khắc Chính thở dài nói:

– Ta cũng chỉ là biên tướng của Hán đế. Nay Lý Tiến dốc sức vì hoàng thượng, ta cũng nên chấp thuận mọi đòi hỏi của đại tướng quân thôi. Mai kia đại tướng quân vào thành, ta sẽ cung kính dâng ấn tín Giao Châu cũng là theo ý vua mệnh trời, các ngươi không việc gì phải lo lắng.

Dò xét mọi mặt, lại thấy Lý Khắc Chính thực tâm muốn hồi triều xin an hưởng tuổi già, Lý Tiến bảo với các tướng:

– Cũng đều người nhà Lý gia cả, các ngươi bất tất phải nghi ngờ. Ai cũng là mệnh quan triều đình, hãy nghĩ đến việc giết giặc lập công phía trước là hơn. Ta mai kia kiêm quản Giao Châu cũng chỉ là thần tử giữ đất cho Hán đế. Xưa kia, vua Triệu Đà dẫu đất đai ngàn dặm còn xin về thần phục Trung Nguyên. Đó mới là đạo trời các ngươi nên biết.

Nhằm đúng ngày lành, đại quân của Lý Tiến người ngựa trang nghiêm rực rỡ, cờ lọng san sát, tiền hô hậu ủng tiến vào thành Đại La. Lý Khắc Chính mình mặc quan phục, nghiêm ngắn cùng hai hàng văn võ ra tận cửa Bắc thành đón đại quân. Lý Khắc Chính lại cho treo đèn kết hoa, cắm cờ quạt la liệt khắp trong thành. Đội nghi vệ nghênh đón Lý Tiến trang nghiêm hành lễ khiến Lý Tiến hài lòng lắm.

Khi đã ổn định nơi chính điện thành Đại La, Lý Khắc Chính cúi người thi lễ nói:

– Bản tướng vâng mệnh cung kính đón đại tướng quân nhập thành chủ trì đại cuộc Giao Châu; những là sổ sách lương tiền, các tùy tướng đây sẽ trình lên đầy đủ; những là quân lương binh mã, phó tướng Lý Tri Thuận sẽ dâng lên không dám sai sót; mọi mặt thóc gạo, thuyền bè, sản vật, quan tổng quản Độc Toàn Chân chắc đã bẩm báo hết với đại tướng quân rồi.

Đợi cho Lý Khắc Chính nói xong, các quan văn võ im phăng phắc, Lý Tiến mới dõng dạc đứng lên nói:

– Ta vâng mệnh Hán đế xuống Giao Châu cũng là thuận ý trời mà thôi. Đại nhân Lý Khắc Chính cùng các ngươi nam chinh đã lâu, nay Hán đế nhớ thương mà cho gọi về, còn để là thưởng cho việc bắt tên Khúc Thừa Mỹ ngày trước. Các ngươi chớ có bụng dạ nào khác mà không được hưởng trọn thiên uy của Hán đế. Nay ta vâng chiếu, tiếp nhận Giao Châu, thấy Lý đại nhân cùng các ngươi kiêm quản Giao Châu cũng có phép tắc. Giặc cỏ dẫu ngông cuồng nay mai ta tất một trận đánh tan. Khen cho các ngươi nhiều năm ở Giao Châu vẫn còn giữ được phong tục lễ nghi phương Bắc. Nay Lý đại nhân có nguyện vọng gì, hãy nói thẳng ta xin hết sức giúp cho.

Cả đại điện không ai dám thốt ra một lời nào.

Trên chiếc bàn lớn phủ vải đỏ rực rỡ, những là ấn tín uy nghi, sổ sách mấy chồng, bên dưới hòm xiểng vàng bạc châu báu chất ngất như thay lời nói nên sự cam tâm tình nguyện của Lý Khắc Chính.

Lý Khắc Chính từ tốn bước ra vái tạ nói:

– Bản tướng xin chúc mừng đại tướng quân an khang trị nhậm Giao Châu, tạo uy vũ cho thiên tử, phúc phận của các thần tướng. Còn như lòng riêng của bản tướng chỉ xin vài chiếc thuyền nhỏ theo đường sông đường biển về chịu tội với hoàng đế là đủ lắm rồi.

Lý Tiến ân cần rời chính điện, xuống nắm tay Lý Khắc Chính mặt đầy biểu cảm nói với hai hàng quan văn võ:

– Lý huynh bảo trọng! Các ngươi nhớ lấy tấm gương hết lòng vì xã tắc của Lý gia ta. Mọi việc Lý huynh dặn dò ta đều nghe theo cả.

Lời Lý Tiến vừa dứt, đại điện thành Đại La tiếng kèn tiếng sáo tiếng nhạc nổi lên miên man không dứt. Yến tiệc được bày ra. Từng đoàn nhạc công, ca kỹ xiêm y rực rỡ tiến ra múa hát khiến ngôi đại điện thoáng chốc huyên náo nhộn nhịp khác thường mặc tiếng cồng đánh, tiếng voi gầm phía Nam thành thi thoảng vẫn dội lên.

Ngay đêm hôm đó, không đợi Lý Tiến phải cho người đưa tiễn, Lý Khắc Chính cùng mấy người tâm phúc dùng mấy chiếc thuyền nhẹ lặng lẽ ngược dòng sông Cái khuất dạng. Mấy năm kiêm quản Giao Châu, vàng bạc châu báu cùng các sản vật họ Lý vơ vét được cũng nhiều, lại cướp sạch các kho lẫm trong thành Đại La của Khúc Thừa Mỹ vô số của cải nhưng Lý Tiến cũng chỉ dám tay không mà đi. Đã bị thay ngựa giữa dòng, những tên Hán gian trong đội ngũ quan lại thành Đại La không ít, nếu tham lam chút của cải ngoài thân chỉ là chuốc họa mà thôi. Mai này, chẳng may Lý Tiến tấu biểu về triều vu thêm tội biển lận công quỹ tội càng thêm nặng. Lý Khắc Chính ngày xuống Giao Châu diễu võ dương oai bao nhiêu nay nửa đêm phải ngậm ngùi thành Đại La lòng đầy ngẫm ngợi bấy nhiêu mới thấy đạo làm quan tướng thành bại không thể nào nói trước mà lúc nào cũng như đi trên núi đao biển lửa sống chết vinh nhục chẳng biết thế nào. Hôm bắt chúa Giao Châu Khúc Thừa Mỹ đóng cũi giải về Phiên Ngung họ Khúc đã nguyền rủa Lý Khắc Chính sớm muộn gì cũng phải chịu tội chết nay quả lời nguyền đang dần ứng nghiệm. Trong lòng thuyền gỗ nhỏ, bên ngoài sương khói mang mang, bên trong tâm sự Lý đại quan nhân trăm mối tơ vò. Họ Lý cứ thở dài thườn thượt.

Bài viết liên quan:

1. Ngô Vương: Hồi thứ nhất – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
2. Ngô Vương: Hồi thứ hai – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai

3. Ngô Vương – một mô hình tiểu thuyết lịch sử