Ngô Vương: Hồi thứ chín – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai

1070

(Vanchuongphuongnam.vn) – Kể từ buổi đám quân lén truyền nhau đọc hịch kể tội của Ngô Quyền, Kiều Công Tiễn tính khí bỗng đột ngột trở nên bất thường. Họ Kiều hạ mệnh lệnh đóng tất cả các cổng thành, người ra vào đều cho lục soát rất gắt gao.

HỒI THỨ CHÍN

Thảo phạt nghịch thần, Ngô Quyền trên bành voi đọc hịch
Cùng đường tuyệt mạng, Công Tiễn dâng biểu phục Hán triều

Đây nói tiếp chuyện Kiều Công Tiễn trong thành Đại La.

Sau buổi ám hại Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ tại quân doanh, Kiều Công Tiễn mang binh giáp vào ngôi đại điện một mặt cử bộ tướng ra ngoài thành đón Đỗ Tử Bình theo đường bộ hạ trại tại cửa Bắc thành và Kiều Công Chuẩn theo đường thuỷ hạ trại tại bến Giang Biên. Họ Kiều còn cho người về Phong Châu lấy thêm lương thảo, voi ngựa, gọi thêm văn võ tâm phúc xuống La thành.

Trong thành Đại La, không khí có phần căng thẳng. Mặc Kiều Công Tiễn cho người tuyên cáo Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ nửa đêm mắc chứng phong hàn đột ngột về trời song các quan văn võ và muôn dân đều bàn tán bán tín bán nghi.

Giữ nguyên giáp phục chủ trì họp hai ban văn võ trong ngôi đại điện, Kiều Công Tiễn nghiêm giọng phán bảo:

– Các vị quan tướng trong Đại La thành bất tất phải xì xầm bàn tán sau lưng ta kẻo ngay gian khó định khiến đám tuỳ tướng của ta phải vô lễ. Nay chẳng may chúa công bạo bệnh qua đời đã giao cho ta tạm thống suất binh quyền trong thành Đại La. Phàm mọi việc dân chúng binh lương, các ngươi cứ theo lệ cũ mà làm rồi bẩm báo lại với ta. Phàm kẻ nào không muốn ở lại, ta cho phép tự tiện rời đi quyết không truy cứu. Họ Kiều chúng ta cùng với họ Dương, họ Phạm xưa nay đều là nha tướng của Khúc chúa cả. Nay ai làm chủ thành Đại La cũng là theo ý trời mà thôi.

Kiều Công Tiễn vừa rứt lời, hai ban văn võ sợ sệt nhìn nhau không ai dám nói. Bỗng phía cuối đại điện có một viên quan văn dáng người nhỏ bé, toàn thân mặc đồ tang chạy thẳng lên chỉ vào mặt Kiều Công Tiễn quát:

– Kiều tặc! Ngươi là tên gian thần giết chúa còn mặt mũi nào nói lời vô lễ ở đây. Nếu ngươi không thành tâm hối cải tự trói mình đợi các tướng Ngô Quyền, Dương Tam Kha, Phạm Bạch Hổ về trị tội mai kia sẽ bị voi giày ngựa xéo hối không kịp đâu.

Kiều Công Tiễn rút gươm ra quát:

– Ngươi là ai mà dám xúc xiểm bản tướng, ăn nói hàm hồ không còn muốn sống nữa ư? Đợi họ Phạm họ Ngô về đây phân cao thấp với ta chắc ngươi đã hồn lìa khỏi xác rồi. Bay đâu, mau đem tên hỗn xược này ra ngoài chém đầu thị chúng.

Kiều Công Tiễn vừa rứt lời, đám võ sĩ xông tới lôi vị quan văn ra ngoài mặc người bị kéo đi kêu gào chửi bới ầm ĩ. Chiếc đầu lâu râu tóc dựng ngược bê bết máu đặt trên chiếc mâm đồng bê vào khiến hai ban văn võ mặt mũi tái như chàm đổ không ai dám nói một lời.

Kiều Công Tiễn nói mấy lời thị chúng rồi cho mọi người lui xuống cả. Vẫy đám đô tướng thân cận ở lại, Kiều Công Tiễn nghiêm giọng nói:

– Họ Kiều ta bây giờ đã cưỡi trên lưng cọp rồi, có muốn xuống cũng không được nữa. Ta nay binh lực có dư vài vạn, văn thần võ tướng Phong Châu xưa nay hùng tài đại lược, nào có kém gì sao cứ phải ở dưới người ta mãi. Các ngươi hãy cởi bỏ sợ hãi, quyết cùng vinh cùng nhục với bản tướng quân mới là chí khí của bậc anh hùng.

Các đô tướng đều nắm chặt đốc kiếm đồng thanh hô lớn:

– Chúng tướng xin được nguyện sống chết cùng đại tướng quân!

*

Doanh trại thủy quân của Phạm Bạch Hổ ở Đằng Châu.

Mấy hôm trước, khi tiếp đón đoàn chiến thuyền của Dương Tam Kha xuống cửa biển Đằng Châu chuẩn bị thao luyện thủy quân, Phạm Bạch Hổ thân xuống soái thuyền đón chủ tướng thủy quân họ Dương lên bờ mở tiệc. Luôn mấy năm không gặp, Phạm Bạch Hổ vẫn đường bệ khí phách như ngày trước cùng Ngô tướng quân xông pha tên đạn đốt thuyền chém tướng ở Giang Biên. Phạm Bạch Hổ vốn thành thạo sông nước thủy chiến, từ lâu được Dương Đình Nghệ yêu lắm, đã mấy lần muốn đích thân làm tướng cùng thao luyện với họ Phạm. Ở Đằng Châu, uy danh của Phạm gia trải mấy đời càng dày vững mãi lên. Phạm công dẫu đã trên bảy mươi tuổi song còn tinh anh lắm.

Vừa bước vào quân doanh, nhìn vào trong thấy Phạm công râu tóc trắng như cước đang ngồi sẵn trên chiếc kỷ lớn, Dương Tam Kha vội bước đến thi lễ vái chào:

– Tiểu tướng xin kính chúc Phạm công an khang! Lẽ ra phụ thân cuộc này thân chinh xuống vấn an lão bá song hôm trước đột nhiên trong người không được khỏe đã cử tiểu tướng xuống thay chào Phạm công, mong người xá cho.

Phạm công tươi cười đứng dậy nắm tay Dương Tam Kha:

– Tướng quân quá lời rồi! Lão hủ đây tuổi tác đã cao, vẫn tưởng cuộc này được đón Dương công xuống Đằng Châu ngao du một phen tiện thể xem các tướng bày trận thuỷ binh thao luyện để các lão hủ được mở rộng tầm mắt. Ai ngờ Dương công bận việc nước, giao cho tướng quân xuống Đằng Châu kiểm điểm binh thuyền. Lão hủ đây nhất định mấy bữa nữa xin được theo soái thuyền của tướng quân lên Đại La thành thăm Dương công một chuyến.

Phạm Bạch Hổ thong thả tiếp lời Phạm công:

– Bẩm phụ thân! Dương tướng quân đây hiện nay đang thống suất thủy quân thành Đại La, đã mấy năm nay thành thạo phép đánh thuỷ lắm. Xưa kia, khi Dương chúa cùng Ngô tướng quân vây bốn mặt thành ác chiến ở Giang Biên, binh tướng Đằng Châu đã thấy được oai dũng của Dương tướng quân trong công cuộc đuổi giặc Nam Hán. Nay Dương tướng quân thay mặt chúa công xuống hội binh ở Đằng Châu thao luyện, quả là dịp để binh tướng Đằng Châu mở rộng tầm mắt, kíp sau này có thêm kinh nghiệm thuỷ binh để phò trợ chúa công.

Dương Tam Kha vội tiến ra nói:

– Phạm lão bá, Phạm tướng quân quá khen rồi, tiểu tướng không dám nhận. Bàn về binh pháp thủy bộ, tiểu tướng còn phải học tập Ngô tướng quân, Phạm tướng quân nhiều. Nếu không có hai đại huynh dẫn đầu, việc đuổi giặc Bắc sẽ không có thành tựu như ngày hôm nay đâu.

Ba người đang sôi nổi bàn luận, bỗng ở ngoài viên tuỳ tướng dẫn hai người cao lớn ăn mặc theo lối thường dân hớt hải bước vào nói là tướng ở La thành xin được gặp Dương Tam Kha. Họ Dương thất kinh nhìn ra thấy Lê Lân và Trịnh Báo, hai tướng được chúa công giao cho kiêm quản các đội voi chiến trong thành Đại La.

Dương Tam Kha vụt đứng dậy hỏi:

– Lê Lân, Trịnh Báo! Sao các ngươi lại có mặt ở đây? Đã có chuyện gì sao?

Lê Lân, Trịnh Báo sụp xuống khóc ngất nói trong nước mắt:

– Chúa công… Chúa công đã bị Kiều Công Tiễn sát hại tối qua rồi.

Cả ba người thất kinh cùng xúm đến. Dương Tam Kha quỳ xuống nắm chặt vai Lê Lân hỏi dồn:

– Ngươi nói sao? Kiều Công Tiễn dám giết cha ta rồi ư? Có lẽ nào thế được?

Phạm Bạch Hổ hai tay nắm hai vai Trịnh Báo gần như xách bổng họ Trịnh lên không trung dằn từng tiếng:

– Ngươi ăn nói quàng xiên gì vậy? Có muốn ta lấy mạng ngươi không?

Thấy hai tướng giận dữ bất thường, Phạm công vội ôn tồn nói:

– Hai tướng chớ nóng nảy mà gây thêm chuyện. Hãy bình tĩnh để người ta thuật lại đầu đuôi câu chuyện xem sao.

Bấy giờ, Lê Lân, Trịnh Báo mới hoàn hồn kể lại đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, Dương Tam Kha khóc ngất lên rút soạt kiếm nghiến răng nói:

– Thằng phản thần Kiều Công Tiễn quả là lòng lang dạ sói dám vong ơn bội nghĩa giết phụ thân ta. Ta thề dẫn binh về bắt sống ngươi, xẻo thịt ngươi, ăn gan ngươi.

Phạm công mặt đầy biểu cảm nói:

– Dương tướng quân chớ quá đau lòng. Mấy hôm gần đây, lão hủ thấy trong người luôn bồn chồn mất ngủ, lại được tin Dương công đột ngột lâm bệnh, không theo thủy quân xuống Đằng Châu ta đã có phần lo lắng. Nay quả nhiên họ Kiều bất chấp đạo trời, hạ độc thủ Dương công. Mấy năm liền Phong Châu tích trữ binh lương quả đã có lòng dạ khác từ lâu rồi. Ta chỉ đau đớn rằng, người trong một nước hãm hại lẫn nhau sẽ là cái họa mất nước đấy thôi.

Phạm Bạch Hổ trợn trừng cặp mắt đẫm lệ nghiêm giọng dằn rõ từng tiếng:

– Phản thần Kiều Công Tiễn! Ta phải băm xác ngươi ra.

Để cho hai tướng bớt khổ não, Phạm công ôn tồn nói:

– Kiều Công Tiễn bất chấp luân thường đạo lý, bất chấp mệnh trời chỉ vì hư danh mà làm điều bạo nghịch hẳn đã trù tính từ lâu. Ta chắc rằng giờ này binh tướng thuỷ bộ Phong Châu đã xuống phong tỏa thành Đại La rồi. Nay các tướng tiến lui phải bàn bạc cho kỹ. Việc bắt tên phản thần đền tội là đạo lý phải làm nhưng binh tướng Ái Châu, Đằng Châu giao chiến với binh tướng Phong Châu hẳn không ai muốn đâu. Trước mắt, Dương tướng quân hãy cho người báo vào Ái Châu để Ngô Quyền liệu việc. Lại phải cho người mau chóng lên Đường Lâm báo tin kẻo họ Kiều đi trước một bước bắt toàn bộ Ngô gia làm con tin khiến việc càng thêm rối.

Dương Tam Kha khóc nói:

– Phạm lão bá dạy gì tiểu tướng cũng xin vâng lời, nhưng nay cha ta chết còn chưa lạnh, thân xác còn ở trong tay gian tặc ta còn mặt mũi nào ở lại Đằng Châu nữa. Xin cáo biệt lão bá cùng Phạm huynh, ta sẽ lập tức cùng binh thuyền về ngay Đại La quyết sống chết với gian tặc họ Kiều.

Phạm Lệnh Công và Phạm Bạch Hổ thấy Dương Tam Kha quá đau buồn, sợ cho đem binh về ngay sẽ mắc mưu Kiều Công Tiễn bèn khuyên giải thiệt hơn. Lại biết bọn Lê Lân, Trịnh Báo đã báo tin vào Ái Châu rồi, Phạm Bạch Hổ liền cử ngay mấy viên tướng thân cận dưới trướng giao cho một phong thư bất kể ngày đêm tới Đường Lâm báo tin. Hai tướng Dương-Phạm cho bố cáo toàn trại t thủy quân việc hệ trọng vừa xảy ra, lại cho các chiến thuyền đều để tang Dương Đình Nghệ. Trong quân, tiếng than khóc động trời. Đội ngũ binh thuyền nhất loạt cuốn buồm xếp gọn trên mặt thuyền, thay vào đó là những lá phướn trắng rủ thõng xuống mặt sông.

*

Đây nói tiếp chuyện Ngô Quyền ở Ái Châu.

Trong mưa lạnh, sau khi toàn quân hành lễ tưởng nhớ vong linh Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền cho kiểm điểm toàn bộ binh mã Ái Châu, một mặt cho người vào báo với Đinh Công Trứ ở Hoan Châu.

Vừa chập tối, việc cắt đặt binh mã tạm ổn thỏa đã thấy bên ngoài có người báo Đinh Công Trứ vừa về tới xin vào gặp. Họ Đinh thân chít khăn tang trắng, đôi mắt đẫm lệ vừa nhìn thấy Ngô Quyền đã bưng mặt khóc:

– Ngô tướng quân ơi! Ta đã mấy lần xin Dương công để binh tướng bản bộ của ta canh giữ thành Đại La thì đâu có ngày hôm nay. Người tốt với muôn dân sĩ tốt nhường ấy có ngờ đâu lòng dạ sói lang của họ Kiều. Dương công ơi! Ta không được gặp mặt người nữa rồi…

Ngô Quyền nén đau thương nói với Đinh Công Trứ:

– Đinh tướng quân xin hãy bớt đau buồn. Ta đây cha mẹ chẳng còn, những muốn được ở thành Đại La hầu hạ nhạc phụ gần gũi thê tử mà có được đâu. Nhạc phụ cả đời vì việc nước có sá gì đến sinh mạng của mình. Nay tên phản thần làm điều bạo nghịch, ta phải thân chinh hỏi tội, mong Đinh tướng quân hãy vì nhạc phụ ở lại trấn nhậm Ái Châu, Hoan Châu. Xin Đinh công đừng lỡ chối từ.

– Ngô tướng quân bắt ta ở lại Ái Châu không được đi giết tên phản thần Kiều Công Tiễn khác gì giết chết ta còn hơn.

Vừa nói Đinh Công Trứ vừa khóc rống lên.

Một lúc, đợi để họ Đinh bớt đau buồn, Ngô Quyền mới nói:

– Đinh tướng quân có còn nhớ lời nhạc phụ dặn chăng? Nhạc phụ dạy ta rằng, việc yên ổn nhân tâm, mở mang binh lực không ai bằng Đinh Công Trứ. Nay nhân lúc rối ren, ta lại kéo cả ra thành Đại La, ngộ nhỡ Ái Châu, Hoan Châu sinh biến loạn chẳng phải là giở đi mắc núi giở lại mắc sông để phụ tấm lòng của nhạc phụ ư?

Đinh Công Trứ im lặng một lát rồi gạt nước mắt nói:

– Ngô tướng quân trong lúc đau thương này còn rất sáng suốt. Phản thần Kiều Công Tiễn kia binh lực Phong Châu thủy bộ có đến vài vạn, y lại là kẻ thao lược, còn nhẫn tâm nên không thiếu thủ đoạn. Ta đây dẫu lòng căm phẫn có thừa nhưng đâu phải là địch thủ của hắn. Ta lại sợ rằng, kẻ kia chó cùng rứt giậu mà cầu viện Hán triều, nếu chúng ta cùng xuống cả La thành tất đầu đuôi khó cứu. Ta xin ở lại trấn thủ hai châu, dốc hết binh lương, voi ngựa để tướng quân xuống La thành bắt phản thần.

Ngô Quyền xúc động nói:

– Đại thế sâu xa Đinh tướng quân đều hiểu. Ta xin thay mặt nhạc phụ tạ ơn ngài. Mai kia dẹp xong phản thần, xin được cùng các tướng ghi công đức của ngài. Nhạc phụ ta nếu không có được những người như Đinh tướng quân, ắt chỉ còn biết ôm hận ngàn thu mà thôi.

Sau khi để tang ba ngày trong toàn quân, lại cho lập hương án lớn trong đại điện để muôn dân Ái Châu, Hoan Châu đến viếng, cắt đặt mọi việc trong ngoài xong xuôi, Ngô Quyền thân làm chủ tướng đem theo trên một vạn binh mã nhằm hướng Bắc tiến quân. Bành voi chiến đều được quấn những dải khăn tang trắng, gươm giáo đều buộc vải trắng, mũ mão binh tướng quấn ngang một tấm lụa trắng gió bay phơ phất. Cả đoàn binh mã người ngựa xếp thành đội ngũ ngay sát bờ sông sương khói chờn vờn. Chủ tướng Ngô Quyền giáp phục chỉnh tề, thắt dải lụa trắng ngang chiếc mũ đâu mâu, lưng đeo kiếm lệnh hai tay giơ cao tờ hịch tuyên đọc trước ba quân tướng sĩ:

Nguyên văn lời hịch như sau:

 Nay truyền tới ba quân tướng sĩ!

Truyền khắp muôn dân Ái Châu, Hoan Châu, Trường châu…

Tên phản thần Kiều Công Tiễn vốn ăn lộc chúa ta, làm tướng ở La thành. Trong được chúa tin dùng cho nắm binh quyền, còn cho làm giả tử; ngoài được Kiều công căn dặn yên phận thần tử, còn cho quân bản bộ Phong Châu xuống canh giữ cửa thành. Vậy mà hắn vì tham hư danh đã ủ mầm phản loạn. Trên trái mệnh trời giết chúa, dưới lừa muôn dân làm tội thần, thật muôn ngàn lần đáng chết.

Nay ta cầm gươm gạt lệ, vì chúa công thống suất ba quân, vì muôn dân nguyện bắt nghịch thần, trước là giữ giềng mối cương thường của nước, sau là tỏ rõ tấm lòng trung hiếu với Dương gia, giúp yên ổn các châu trong cõi. Đó cũng là thực hiện tâm nguyện suốt đời của chúa công vậy.

Bớ tướng sĩ ba quân!

Ta thân dẫn binh đi, chỉ hỏi tội phản thần Kiều Công Tiễn và đồng đảng, truyền kể hịch này phân rõ trắng đen. Người Phong Châu là cùng một nước không được giết bừa; binh tướng Phong Châu hiểu lẽ phải theo về đều là anh em một nhà với chúng ta không phân biệt đối xử. Các ngươi hãy ghi nhớ điều đó.

Binh tướng Ái Châu, Hoan Châu vì đại nghĩa thảo phạt nghịch thần.

Ngô tướng ta vì muôn dân quyết trừ phản tử.

Hẹn ngày ba quân cùng ta vào La thành tế chúa.

Khóc rỏ máu mắt, xin tỏ rõ tấc lòng riêng.

Lời hịch vừa dứt, tiếng chiêng tiếng trống bốn phía rền vang. Từng hồi cồng âm i dội trên mặt sông sương khói bảng lảng khiến đám chim chóc bay tóa lên kêu từng tiếng thê lương.

Mấy hồi cồng còn chưa dứt, hơn vạn binh mã hét lên ầm ầm như sóng đổ:

– Mau giết tên phản thần Kiều Công Tiễn…

– Mau giết tên phản thần Kiều Công Tiễn…

*

Đây nói tiếp chuyện ở Đường Lâm.

Nhận được tin cấp báo phản thần Kiều Công Tiễn hạ độc thủ giết Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, Ngô phu nhân Dương thị ở Đường Lâm thất kinh khóc ngất, đám gia nhân phải vực vào trong mãi mới tỉnh cho sai người báo cho hai công tử Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn vào vấn an mẫu thân.

Nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, hai anh em Xương Ngập, Xương Văn khóc nói:

– Mẫu thân chớ quá đau buồn! Nay cha con trấn thủ ở Ái Châu hẳn đang đưa binh về hỏi tội Kiều tặc. Ở Đường Lâm chúng ta cũng phải nghiêm ngặt đề phòng họ Kiều. Mấy năm nay, vâng theo chủ ý của phụ thân, Đường Lâm đã luyện binh trữ lương được hơn ngàn người chia thành đội ngũ thủ ở các nơi hiểm yếu. Tướng quân Phạm Bạch Hổ cùng cậu Dương Tam Kha đang đem chiến thuyền xuống Giang Biên hội binh với phụ thân. Họ Kiều vô đạo làm điều càn rỡ tất trời không dung đất không tha. Mẫu thân hãy giữ gìn sức khỏe đợi phụ thân về bắt Kiều tặc hãy cùng xuống tế vong linh ngoại công nay mai mới được.

Dương thị gạt nước mắt nói:

– Trước nay đã mấy lần tiên sinh Đoàn Thành khuyên nhủ ngoại công các con phải dè chừng Kiều Công Tiễn. Nay người tin tưởng họ Kiều mà nuôi ong tay áo thật đau xót lắm thay. Ngoại công các con tấm lòng trời biển bao dung mà cuối đời gặp phải hoạ lớn. Phụ thân các con làm tướng ngoài Ái Châu xa xôi trăm dặm cũng là vì sự bền vững của nước, sự no đủ của dân. Ta những mong Xương Ngập, Xương Văn sớm trưởng thành, xuống Đại La giúp dập ngoại công. Nào ngờ sự thể đột ngột tráo trở khó lường. Nay mai binh mã Đằng Châu, Ái Châu kéo xuống La thành hỏi tội phản thần lại sẽ đầu rơi máu chảy. Xác ngoại công các con còn chưa lạnh đã lại gươm giáo chém giết lẫn nhau. Các con phải lấy đó làm gương để sau này tránh xa mầm họa loạn thần tặc tử.

Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn lạy tạ mẹ rồi lui ra cùng các tuỳ tướng cắt đặt công việc phòng thủ trong châu Đường Lâm.

Còn lại một mình, Dương thị lén gạt nước mắt cho gọi đám gia nhân sai bảo việc lập hương án thờ quan Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ. Mấy năm gần đây, mọi việc trong châu Đường Lâm, Dương thị đều thay Ngô tướng quân kiêm quản. Vốn dòng dõi con nhà tướng được dạy dỗ từ nhỏ, Dương thị cắt đặt mọi việc đâu vào đấy khiến đám binh lính và dân trong vùng đều tín phục. Phàm là việc lớn việc nhỏ của dòng họ Ngô ở Đường Lâm, Dương thị đều đích thân quán xuyến hết sức cẩn thận. Các vị lão trượng trong châu ốm bệnh đều được thăm nom hiếu kính. Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn cũng đã mười bảy, mười tám tuổi lại sớm trưởng thành nên dần dà Dương thị bớt đi được nhiều phần công việc. Dương thị đang nghĩ tới việc xin với Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ cho Ngô Xương Ngập xuống thành Đại La, xin cho Ngô Xương Văn vào Ái Châu theo nghiệp nhà tướng. Còn chần chừ chưa quyết đã tai hoạ lớn ập xuống đầu.

Chỉnh sửa lại hương hoa trước nhang án thờ Tiết độ sứ, Dương thị không kìm được hai dòng lệ khấn rằng:

– Cha ơi! Cả đời cha nhân đức khắp muôn dân trong ngoài đều kính phục nay sao nỡ có việc phản thần hãm hại kinh thiên động địa đến nhường này. Nay cha linh thiêng hãy phù trợ cho chúng tướng sớm bắt phản thần xử tội. Muôn dân Đại La, Phong Châu cùng binh lính nào có tội tình gì mà phải cuốn vào mối họa này. Cha khôn thiêng hãy đưa đường chỉ lối để binh tướng lìa bỏ họ Kiều, không phải chịu cảnh đầu rơi máu chảy. Con chắc đó cũng là tâm nguyện của cha.

Cứ thế, vừa đọc lời khấn trước hương án, hai hàng lệ của Dương thị cứ chảy mãi không thôi.

*

Đây nói tiếp chuyện Kiều Công Tiễn trong thành Đại La.

Kể từ buổi đám quân lén truyền nhau đọc hịch kể tội của Ngô Quyền, Kiều Công Tiễn tính khí bỗng đột ngột trở nên bất thường. Họ Kiều hạ mệnh lệnh đóng tất cả các cổng thành, người ra vào đều cho lục soát rất gắt gao. Binh lương khí cụ ở các kho đều cho kiểm điểm hết một lượt. Bốn đội voi chiến cho rút vào trong thành càng gia tăng không khí căng thẳng của thành Đại La. Nhiều hộ dân vốn trước kia mang ơn quan Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ lập ban thờ cúng bái đều bị Kiều Công Tiễn cho phá bỏ, bắt giết tàn nhẫn. Đám văn thần võ tướng ở Phong Châu được bổ sung vào thành Đại La mỗi khi có việc tấu trình thường rất cẩn thận ngó trước ngó sau càng khiến họ Kiều nổi nóng. Thế mới biết đạo lý của người ở ngôi cao nếu chỉ dựa vào gươm giáo, mưu sâu kế hiểm sẽ khó có thể thi hành theo ý mình mà chẳng qua chỉ như lấy giấy bọc lửa mà thôi. Bề ngoài, dẫu đám quan văn quan võ vâng dạ thi hành, song họ Kiều thừa biết bên trong chúng luôn thắc thỏm không yên. Nhất là từ khi có bài hịch kể tội Kiều Công Tiễn, binh tướng trong thành càng dè dặt lẫn nhau. Lại có tin thuỷ quân Đằng Châu hợp binh với thuỷ quân của Dương Tam Kha đã tiến đến bãi Màn Trù đang xếp thành đội ngũ đợi binh mã Ái Châu do Ngô Quyền thống suất để ba mặt giáp công. Hôm trước, Kiều Công Chuẩn cùng Đỗ Tử Bình vào bàn việc cho một đạo binh lên Đường Lâm bắt Dương thị, Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn về thành Đại La làm con tin, song chưa kịp quyết đã có tin đưa về binh tướng Đường Lâm đóng chặt các hiểm địa, phong tọa đường vào rất nghiêm ngặt, khó có thể xuất kỳ bất ý đưa binh vào được. Một mặt, các cánh quân Đằng Châu, Ái Châu đang kéo xuống thành Đại La ầm ầm khiến cho Kiều Công Tiễn không còn bụng dạ nào nghĩ tới chuyện bắt Dương thị và đám công tử họ Ngô nữa.

Sau nhiều ngày cho đám cận thần, đô tướng dò xét quân dân trong thành Đại La, thấy được lòng người li tán, xôn xao, Kiều Công Tiễn lao lung lắm. Họ Kiều cho mời hai tướng Kiều Công Chuẩn, Đỗ Tử Bình vào trong soái phủ bàn định mọi việc.

Khi cả ba còn đang mỗi người theo đuổi một ý riêng bỗng bên ngoài báo có vị đạo trưởng xin đến gặp. Kiều Công Tiễn đăm chiêu nói:

– Ngày trước họ Kiều ta đang yên ổn cũng chính tên đạo trưởng này giở thói mê hoặc khiến ta bị đẩy vào tình thế khó xử như hôm nay. Tên đạo trưởng này những tưởng biết sợ mà tuyệt tích đi giữ mạng, nay sao hắn dám ngang nhiên đến đây không biết có quỷ kế gì. Lát nữa nếu nó còn ăn nói hàm hồ, ta sẽ cho giết quách đi để khỏi xao động lòng quân, cũng là tẩy đi cái mầm họa tàng ẩn trong gan ruột.

Nói đoạn, sai tả hữu cho gọi đạo trưởng vào trong.

Vừa nhìn thấy vị đạo trưởng, Kiều Công Tiễn thoáng giật mình, sực nhớ một dáng người chập chờn buổi hô binh tướng bắn tên vào đám binh mã bên bờ sông Cái. Còn chưa nghĩ ra đó là ai vị đạo trưởng đã tiến tới thủ lễ rồi thản nhiên nói:

– Đại tổng quản La thành Độc Toàn Chân xin có lời chào các vị tướng quân!

Cả ba người Kiều Công Tiễn, Đỗ Tử Bình, Kiều Công Chuẩn đều giật nảy mình giương mắt nhìn vị đạo trưởng.

Đạo trưởng nghiêm trang nói:

– Kiều tướng quân cùng các vị bất tất phải nghi kỵ gì ta. Ta thuận theo ý chỉ cả Hán đế xuống bàn việc lớn với các tướng quân. Luôn mấy năm nay, binh hùng tướng mạnh của Hán triều đang tung hoành ở Trung Nguyên, chỉ vài năm nữa tất thống nhất thiên hạ, góc bể chân trời đều là đất đai quận huyện của nhà Hán. Các tướng hãy mau tỉnh ngộ, sớm thức thời, dâng biểu xin thần phục cống nạp Hán triều. Làm thế, không chỉ giữ được vinh hoa phú quý mà còn được làm quan tướng ghi vào sử sách. Đất An Nam từ xưa đến nay vốn là quận huyện của người phương Bắc đã là thuận mệnh trời. Nay Kiều tướng quân phía trước bọn Dương Tam Kha, Phạm Bạch Hổ binh thuyền đang kéo xuống, phía Nam mãnh tướng Ngô Quyền dẫn hai vạn tinh binh cùng hàng trăm voi trận đầu chít khăn tang thân mang giáo sắc đang ngày đêm đánh xuống thành Đại La thề bắt sống tướng quân. Nay các tướng đây nếu giao phong với chúng, chẳng phải là tự đem mình vào miệng cọp hay sao. Nếu Kiều tướng quân thức thời, theo mệnh Hán triều mà quy thuận, lập tức binh tướng thuỷ bộ của Hán đế sẽ kéo xuống phương Nam thì việc bắt lũ Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ, Dương Tam Kha chẳng phải là thù cũ nợ mới đều được kiêm toàn hay sao? Các tướng hãy suy nghĩ cho kỹ. Còn như việc thay hình đổi dạng, bày đặt cơ mưu của tổng quản ta các tướng bất tất phải hồ nghi nhiều nữa.

Kiều Công Tiễn lần nữa giật mình nhìn kỹ vị đạo trưởng dẫu đã thay hình đổi dạng song vẫn còn nhiều nét trên thân thể giống với đại tổng quản Độc Toàn Chân huyết thống của quan thái thú Độc Cô Tồn từng trị nhậm An Nam mà càng kinh sợ. Hóa ra, Độc Toàn Chân đã bí mật thay hình đổi dạng, nhiều năm qua âm thầm theo dõi cục diện ở Giao Châu. Cái trò dùng lời thơ bí ẩn âm thầm kích động Kiều gia phản chúa chính là độc kế của Độc Toàn Chân. Hán triều vốn xưa nay không thời khắc nào không nhòm ngó An Nam đã sử dụng đòn độc này.

Họ Kiều giận run người toan rút kiếm kết liễu vị đạo trưởng, song nghĩ từng lời từng chữ của Độc Toàn Chân đều nhắm vào chỗ cốt yếu sinh tử ngay trước mắt bèn run giọng nói:

– Thì ra tổng quản ngài đã hạ độc kế với bản tướng, đẩy bản tướng đến chỗ bị thiên hạ chê cười. Nay còn mở miệng thuyết khách xui ta thần phục Hán đế chẳng phải là để sau này thành tội nhân thiên cổ hay sao? Ta thà rằng ngọc nát thành tan còn hơn để người đời sau nguyền rủa. Ngài hãy mau trong lúc ta chưa đổi ý tìm đường về phương Bắc kẻo hối không kịp đâu.

Hai tướng Kiều Công Chuẩn, Đỗ Tử Bình thấy vậy đều nói:

– Kiều gia bao năm thận trọng giữ mình bỗng khinh suất nghe theo đạo trưởng khiến bây giờ giở đi mắc núi giở lại mắc sông. Nay ngươi lại xui chúng ta thần phục Hán đế chẳng phải là sẽ mãi mãi bị người đời sau nguyền rủa hay sao? Mong đại tướng quân hãy xem xét cho thật kỹ.

Đạo trưởng Độc Toàn Chân cười ha hả nói:

– Các tướng nói sai rồi! Ta nếu muốn giữ mạng mình đã chẳng đến đây bàn việc với các tướng. Việc trong thiên hạ xưa nay kẻ thắng làm vua kẻ thua làm giặc là lẽ thường tình. Ngay Hán đế ta tranh hùng ở Trung Nguyên cũng là theo đạo lý đó mà thôi. Nay các tướng đều ngồi trên lưng cọp cả, liệu có kế gì xuống dễ dàng được chăng? Xét về đạo lý, theo lời hịch văn của Ngô Quyền, muôn dân An Nam tất theo họ Ngô mà hỏi tội họ Kiều. Xét về thực lực, tài cầm quân của Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ hẳn Kiều tướng quân đây khó có thể thắng được. Nay nếu các tướng cố chấp không theo về Hán triều chẳng những thành Đại La họ Ngô sẽ làm chủ mà ngay cả đất Phong Châu của các tướng cũng sẽ không giữ được đâu. Người Ái Châu, Hoan Châu vốn không ưa gì họ Kiều sẽ nhân thể đắm đò giặt mẹt thì mồ mả tổ tiên Kiều gia sẽ ra sao đây? Nếu các tướng không mau quyết kế, thần phục Hán triều ta e rằng hối thì đã muộn.

Kiều Công Tiễn cùng hai tướng đắn đo nhìn nhau, nhìn gã đạo trưởng cũng đang lao lung suy nghĩ chưa biết tiến thoái ra sao. Nếu đơn thương độc mã nghênh chiến với binh tướng Ái Châu, Đằng Châu, Đường Lâm quả là cầm chắc thất bại. Cái họ Kiều lo sợ nhất là lòng dân các nơi đều không thần phục hành động soán ngôi vị của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ. Khi lòng dân không theo về, dẫu thành cao hào sâu, binh tướng đầy đủ cũng chỉ là cô độc mà thôi. Mới thấy rằng đạo lý của người giữ ngôi cao không nằm nơi gươm giáo mưu kế mà phải là nhân tâm đức độ bao dung. Suy tính trước sau, Kiều Công Tiễn như thấy trước cảnh voi ngựa Ái Châu, thuỷ quân Đằng Châu ào ào phá vỡ La thành, tuyên kể tội trạng họ Kiều trong con mắt khinh bỉ của muôn dân cùng đám quan văn vốn không ưa gì sự thoán đoạt. Nay nếu ta không tính sớm chỉ còn con đường chết. Phụ thân ta bao năm lấy lễ nghĩa đức độ làm đầu đã chủ trì mọi việc ở Phong Châu êm thuận, lòng người theo về mới là kế lâu dài của bậc đại trí vậy. Ta nhất thời hồ đồ, nửa đêm ôm mộng, lại không phân biệt được trung gian, bây giờ chỉ còn cách trông chờ vào Hán triều mà thôi. Thì các châu quận thuộc đất An Nam từ xưa đến nay đã có hàng ngàn năm xưng thần phương Bắc đã sao đâu? Xưng thần để giữ lấy yên ổn thoát khỏi cảnh binh đao cũng là đạo lý của người anh hùng. Ngay mấy đời họ Khúc đều theo nhau triều cống nhà Đường mà hưởng lộc. Nếu Khúc Thừa Mỹ không đêm dài lắm mộng ăn ở hai lòng đến mức tự hại bản thân thì An Nam vẫn theo lệ cũ phụ thuộc vào Nam Hán mà giữ lấy yên hàn cho trăm họ. Đến khi Dương Đình Nghệ cậy có huân công, lại đem bọn văn võ ở Ái Châu, Hoan Châu ra Đại La thành tự mình tiến chiếm ngôi cao chẳng phải là không coi Hán triều ra gì ư? Hán đế Lưu Cung mấy lần sai tướng xuống điều binh bại lẽ đâu nuốt được hận này? Nên cái việc ta bị mắc mưu của họ Độc để thuận dòng cho binh tướng Hán triều lần nữa xuống phương Nam là cái lẽ tất yếu vậy. Nay ta nếu không thuận theo thì trước mắt là binh tướng Ái Châu, Đằng Châu; phía sau là tuyệt lộ cũng chỉ còn nước chết. Nay nếu dâng biểu thần phục Hán triều chẳng những trước mắt nếu thành Đại La thất thủ vẫn có thể cứu được Kiều gia, giữ được Phong Châu làm đất căn bản tính kế lâu dài sau này. Rồi cứ mặc kệ binh tướng Hán triều đánh dẹp bọn Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ, Dương Tam Kha xem cục diện ra sao rồi tính kế cũng chưa muộn vậy.

Đắn đo mãi, Kiều Công Tiễn giọng đầy bi phẫn nói với Độc Toàn Chân:

– Những lời đạo trưởng nói với ta quả là những suy đoán sâu xa mà người thường không thể hiểu hết. Đạo trưởng đã là người buộc dây bày kế thì nay hãy cởi nút đặt mưu tưởng cũng là lẽ trời mà thôi. Ngày trước, Kiều gia ta dẫu là nha tướng của các đời Khúc chúa song đều một lòng một dạ hướng về phương Bắc vọng thờ chưa dám sơ suất điều gì. Luôn mấy trận Dương Đình Nghệ cùng bọn Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ công phá La thành, đại chiến Giang Biên chém tướng Trần Bảo ta cũng chỉ ở ngoài thanh viện mà thôi. Nay mong đạo trưởng hãy tỏ rõ tấm lòng trung thành của ta với Hán đế để ngài phân biệt rõ phải trái sau này tránh hỏi tội ta. Còn như việc cố thủ giữ thành, binh tướng Phong Châu thuỷ bộ có tới hơn hai vạn chắc chắn sẽ giữ thành được ba tháng. Ta đã cam tâm tình nguyện hướng về Hán triều vậy mong đạo trưởng hãy hết sức giúp họ Kiều chúng ta. Mai này ta sẽ cùng với đạo trưởng làm chủ thành Đại La, cùng nhau trị nhậm các vùng đất An Nam chẳng phải là thỏa chí bình sinh của đạo trưởng hay sao. Mong đạo trưởng hãy mau thay ta dâng biểu lên Hán đế để ngài cử binh xuống giải vây La thành mới được.

Độc Toàn Chân tỏ vẻ vui mừng nhưng hết sức nghiêm trang nói:

– Kiều tướng quân! Các vị tướng quân đã suy nghĩ được trước sau như thế tổng quản ta đây mừng lắm. Các tướng nên nhớ, từ xưa đến nay, các triều đại vua chúa phương Bắc xuống thần phục phương Nam đều là để mở mang bờ cõi đất đai, chăn dắt, giáo hóa muôn dân tứ di cùng đồng tâm chầu về thiên tử thuận theo lẽ trời. Chẳng qua các nước nhỏ thời nào cũng có giặc giã nổi lên chống lại thiên triều đều là bỏ chỗ sáng tìm vào chỗ tối, khiến thân bại danh liệt, nước mất nhà tan, mồ mả tổ tiên bị đào xới đâu phải phương kế của đại anh hùng. Ngay như ở Trung Nguyên, quần hùng nổi lên tranh đoạt thiên hạ thì cái lẽ thành bại cuối cùng vẫn là kẻ thắng làm vua kẻ thua làm giặc. Xét về nhân tài vật lực đất đai người ngựa, An Nam quyết không phải đối thủ của Hán triều, vậy việc phải thần phục chỉ còn là vấn đề thời gian. Nay nếu tướng quân thức thời đi trước Ngô Quyền kia một bước mới là nhìn xa trông rộng. Tướng quân nếu bại trước Ngô Quyền họ Ngô muốn yên thân cũng phải xưng thần triều cống Hán đế. Tướng quân nếu thắng mà Hán đế biết được ngài trước đây cự tuyệt dâng biểu xin về há chẳng phải để ngài nổi giận mà cử đại tướng đem đại binh xuống hỏi tội hay sao? Nay Kiều tướng quân chân thành quy thuận quả là phúc lớn của Hán đế cũng là sự sáng suốt của Kiều gia vậy. Ta sẽ lập tức thay ngài dâng biểu về thành Phiên Ngung để Hán đế định đoạt. Ta với Hán đế vừa là lẽ quân thần còn có chỗ thâm giao khác nữa. Tổ phụ của ta Độc Cô Tồn và tổ phụ của Hán đế ngày trước từng là bạn đồng liêu phục vụ Đường triều nên việc phái binh xuống phương Nam là lẽ đương nhiên.

Độc Toàn Chân nói xong ai nấy đều chìm trong một không khí khá căng thẳng.

1. Ngô Vương: Hồi thứ nhất – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
2. Ngô Vương: Hồi thứ hai – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
3. Ngô Vương: Hồi thứ ba – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
4.
 Ngô Vương: Hồi thứ bốn – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
5. Ngô Vương: Hồi thứ năm – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
6. Ngô Vương: Hồi thứ sáu – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
7. Ngô Vương: Hồi thứ bảy – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai

8. Ngô Vương: Hồi thứ chín – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai

9. Ngô Vương – một mô hình tiểu thuyết lịch sử