Ngô Vương: Hồi thứ hai – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai

1168

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngoài sự tài trí của Ngô tướng quân, chính tâm đức luôn bao dung nhường nhịn của người anh rể đã khiến Dương Tam Kha luôn tâm phục khẩu phục Ngô Quyền.

HỒI THỨ HAI

Ôm mộng bá vương, vua Nam Hán giữa dòng thay ngựa
Kết giao hào kiệt, Dương Đình Nghệ vây hãm La thành

Nhận được tin cấp báo từ Giao Châu, triều thần Nam Hán không dám nấn ná vội bẩm lên hoàng đế. Trước đó, nhận thấy nhà Hậu Lương bên trong quyền thần chuyên chế, bên ngoài các phiên trấn xưng vương vô số, Lưu Nham bèn tự mình lên ngôi hoàng đế, bố cáo thiên hạ, xây dựng triều đại Nam Hán, cử binh tướng thảo phạt các nơi ôm mộng bá vương. Việc sai Lý Khắc Chính đem đại binh tiến chiếm Giao Châu, tuyệt diệt họ Khúc cũng là để đạt giấc mộng lớn của Hán đế. Vẫn biết Giao Châu là đất hiểm, song Hán đế cho rằng, có bình định phương Nam, mở mang bờ cõi, vơ vét sản vật, tạo dựng thiên uy mới dễ bề tranh hùng ở Trung Nguyên. Bình sinh, Hán đế Lưu Nham rất ưa các văn thần hoạch định triều chính. Hán đế còn là người tinh thông binh pháp, mưu thuật thâm sâu, chí lớn nuốt thiên hạ nên chiến tranh liên miên không dứt. Trong buổi thiết triều, Hán đế giận dữ cầm biểu xin viện binh của Lý Khắc Chính ném thẳng xuống dưới đám quần thần quát mắng:

– Lũ các ngươi chỉ giỏi khua môi múa mép, binh tướng Hán triều ngoài ngàn dặm lâm trận bị hại thử hỏi thiên uy ở đâu. Ta trước đã nói, Lý Khắc Chính sau khi chiếm cứ Giao Châu phải mau chóng tiến binh về phương Nam thu phục Ái Châu, đoạt lấy Hoan châu rồi chia đường thuỷ bộ mà tiến đánh Chiêm Thành mới là đại kế giành thiên hạ. Nay một tòa thành cỏn con còn lung lay sớm tối đâu phải là tài cán của bậc anh hùng. Các ngươi hãy mau chọn tướng giỏi, đem đại binh xuống Giao Châu thực hiện kế sách của ta mới được.

Đám văn võ triều thần xì xầm bàn tán không ai dám ngẩng đầu lên.

Đợi Hoàng đế có phần nguôi giận, thừa tướng Tô Chương mạnh dạn đứng lên tâu:

– Hoàng thượng thánh minh! Việc bình định phương Nam giương cao uy thiên tử là thuận lẽ trời, hạ thần xét thấy không phải bàn nữa. Nay theo ý chỉ của hoàng đế phải chọn người hiền đức, lại phải lão luyện việc binh nhung mới có thể đảm đương việc lớn. Lão thần xin tiến cử đại tướng Lý Tiến làm thứ sử Giao Châu. Bọn Lý Khắc Chính cho triệu về phủ dụ điều khiển việc khác. Xin hoàng thượng minh xét.

Không khí trong triều im phăng phắc.

Một lúc, Hán đế mới thong thả nói:

– Tô thừa tướng tuổi tác đã cao còn đêm ngày mưu cầu việc nước quả đáng khen thưởng. Lý Tiến là người có thể tin cậy giao phó. Nay ta giao thừa tướng chuẩn bị mọi việc để Lý Tiến nam chinh. Nên nhớ, đại quân ta sớm muộn cũng phải vào Trung Nguyên tranh hùng. Bốn quân thuỷ bộ phải sẵn sàng chuẩn bị nam chinh bắc chiến. Các ngươi hãy mau người nào việc nấy chớ có chậm trễ làm lỡ việc lớn của ta.

*

Đây nói tiếp chuyện binh tướng Ngô Quyền hạ trại nơi cổng Nam thành Đại La.

Từ buổi xua voi đánh bại kỵ binh của Lý Tri Thuận nơi cổng Nam thành Đại La, Ngô Quyền cùng các tướng cho lập trại liên hoàn vây kín phía Nam thành. Binh lính Ái Châu người người phấn chấn. Ngô Quyền lại cho người đi tìm đám dân chúng buổi trước bị binh lính Hán đốt phá làng mạc xua đuổi xa hàng chục dặm. Ngô tướng quân cho vỗ về dân chúng, cấp thóc gạo, gà lợn, yên ổn muôn dân. Ngô tướng quân lại cho kể tội giặc Bắc tham lam tàn bạo bắt giết Khúc chúa, tàn sát dân lành. Muôn dân trước đã từng chịu ơn họ Khúc, nay thấy bộ tướng của ngài kéo về đuổi giặc ai nấy mừng lắm. Hàng chục dặm làng mạc tiêu điều ngày trước cư dân lục tục kéo về theo nghề cũ. Ai cũng mong Ngô tướng quân mau chóng đại phá thành Đại La để mọi người thêm sinh kế làm ăn. Đang buổi đi xem xét, uý lạo muôn dân, bỗng viên tuỳ tướng phi ngựa tới báo đại quân của Dương công đã tới. Ngô Quyền vội lên ngựa về trại lớn đã thấy nhạc phụ Dương Đình Nghệ võ phục uy nghi tươi cười cất lời khen:

– Quyền nhi! Con ta quả là mãnh tướng trên chiến trường. Trận đầu ra quân đã đánh tan đội kỵ binh tinh nhuệ của Lý Khắc Chính. Cứ thấy phép hạ trại của con ta vững lòng lắm. Lại biết luôn mấy hôm, con thân đi uỷ lạo tướng sĩ, ân cần chăm sóc muôn dân, ta càng mừng lắm. Việc đuổi bọn Lý Khắc Chính kia về nước chúng đâu có khó gì nhưng việc an dân để làm vững ngôi nước mới là việc khó. Ta thấy con hành động quả đoán, suy nghĩ sâu xa nên rất an lòng. Nay đại binh đã đến, việc đuổi giặc Bắc con có mưu kế gì chăng?

Tôn Quyền thủ lễ rồi nói:

– Bẩm nhạc gia! Ân uy của Khúc chúa muôn dân còn cảm động huống hồ các thuộc hạ tướng lĩnh của ngài ở nơi đất hiểm hướng về còn nhiều lắm. Nay theo ý mạt tướng, nhạc gia hãy cho người tới Hồng châu mời Phạm Lệnh công, tới Phong Châu mời Kiều công cùng hội binh đuổi bọn Lý Khắc Chính mới là kế vẹn toàn.

Dương Đình Nghệ cười lớn nói:

– Quyền nhi quả sâu sắc hơn đời. Phạm Lệnh công, Kiều công và ta đều là nha tướng mấy đời chịu ơn họ Khúc nay lẽ nào mình ta dám tranh công. Khi mới khởi binh ở Ái Châu, ta đã cho người kíp đi gặp Phạm Lệnh công và Kiều công rồi.

Tôn Quyền không nói, thầm phục tài điều binh khiển tướng, tầm nhìn dài rộng của nhạc phụ mà càng thấy vững lòng. Suy nghĩ một lát, lại nhìn không thấy Đinh Công Trứ đi theo, Ngô Quyền bèn hỏi:

– Nhạc gia đã cử Đinh Công Trứ vào Hoan châu coi sóc việc binh bị quân lương rồi chăng?

Dương Đình Nghệ rạng ngời nét mặt nói:

– Quyền nhi quả thấu hiểu bụng ta. Việc quân cơ không nói con đều suy xét mười phần đúng cả khiến ta càng yên tâm. Nay ta giao cho con toàn bộ việc vây đánh thành Đại La. Làm thế nào đừng để hao tổn xương máu sĩ tốt mới là kế vẹn toàn.

Khi Dương công đi rồi, Ngô Quyền còn vân vi mãi. Ngô tướng quân vô cùng cảm ân đức của họ Dương. Khi ngài gả con gái yêu cho, không ít người nhìn Ngô Quyền với con mắt nghi kỵ. Hơn mười năm kiêm quản các việc của họ Dương, Ngô Quyền lúc nào cũng thận trọng giữ gìn. Dương Tam Kha, người em rể tài năng xuất chúng văn võ kiêm toàn và cũng rất hợp ý với Ngô Quyền và chị gái Dương Thị nhưng không hiểu sao Dương Đình Nghệ lại luôn đặc biệt tin tưởng Ngô Quyền. Khi được phân làm phó tướng cho Ngô Quyền, Dương Tam Kha nhất mực tuân theo. Ngoài sự tài trí của Ngô tướng quân, chính tâm đức luôn bao dung nhường nhịn của người anh rể đã khiến Dương Tam Kha luôn tâm phục khẩu phục Ngô Quyền. Cùng là bậc dòng dõi anh hùng, ân đức của châu mục Ngô Mân đã từ lâu khiến họ Dương nể trọng. Từ trong sâu thẳm, Ngô Quyền luôn thấy rõ sâu sắc điều đó. Điều này đã khiến mọi hành xử của hai họ Dương – Ngô khăng khít mấy chục năm nay.

*

Lại nói tiếp chuyện Lý Khắc Chính trong thành Đại La.

Sau buổi Lý Tri Thuận bại binh nơi cổng nam thành, một mặt Lý Khắc Chính cho người về triều đình xin viện binh một mặt đôn đốc binh tướng phòng thủ thành Đại La rất nghiêm ngặt. Phàm là những làng mạc bên ngoài thành họ Lý đều cho xua đuổi dân chúng dạt đi đến vài dặm. Họ Lý còn cho dồn bắt dân phu đào đắp những chỗ xung yếu. Nhiều nơi Lý Khắc Chính cho phá cả nhà cửa đình chùa sung gỗ đá để đắp thành nên đám phu phen dân chúng oán thán lắm mà trốn biệt đi cả. Việc quân càng bối rối, Lý Khắc Chính thường nổi nóng quát tháo binh tướng không mấy kẻ dám đến gần. Một hôm, họ Lý cho triệu Lý Tri Thuận và Độc Toàn Chân đến soái phủ nén bực tức hỏi:

– Ta được tin Hán triều cử đại tướng Lý Tiến xuống Giao Châu đánh dẹp giặc cỏ. Bề ngoài là thanh viện Đại La kỳ thực bên trong là nhòm ngó chức thứ sử Giao Châu của ta, khép ta vào tội bại binh đổi về phong toả khép tội. Đây chắc là kế hiểm của lão già Tô Chương muốn cài cắm thuộc hạ mà hãm hại ta. Các ngươi có ý gì mau nói ra để cùng ta hành xử.

Lý Tri Thuận nhìn Độc Toàn Chân với vẻ mặt đầy biểu cảm. Độc Toàn Chân dè dặt nói:

– Thuộc hạ xưa nay chỉ quen đường buôn bán kiếm ăn chứ việc binh lương quân cơ triều chính nào có biết gì. Nay vâng mệnh Lý đại nhân, phàm là vàng bạc châu báu, lụa là gấm vóc, thóc gạo trâu bò đại nhân cần bao nhiêu thuộc hạ dẫu táng gia bại sản cũng phải chu cấp đủ còn mọi việc đánh giữ thế nào tại hạ không dám bàn đến.

Lý Tri Thuận vội tiếp lời:

– Bẩm đại tướng quân! Hán triều có cái khó của Hán triều! Hán đế chí trùm thiên hạ, luôn muốn hưng binh tranh hùng ở Trung Nguyên tất phải đánh dẹp phương Nam, thể hiện long uy thiên tử. Nay lại xét đại tướng quân vừa mới chiếm đất đoạt thành bắt chúa giặc dâng về Phiên Ngung công lao rõ ràng không thể một sớm một chiều mà xoá đi được. Dẫu là Tô thừa tướng tiến cử tay chân xuống Giao Châu thực hiện kế hiểm thay ngựa giữa dòng chắc chắn Hán đế vẫn sẽ trọng dụng đại tướng quân bởi nếu không lòng người sẽ ly tán, mai này nhân tài ai còn dám theo về với Hán đế nữa. Nay theo ý mạt tướng, ta hãy cố thủ thành đợi Lý Tiến kia đến xem hắn khu xử ra sao. Nếu Lý Tiến dốc toàn lực đánh tan binh tướng họ Dương ta cứ theo ý Hán đế giao lại La thành cho Lý Tiến là được. Nhược bằng chưa đánh đã đòi đất đòi thành ta phải có kế khác đề phòng trước là hơn. Mọi sự sắp đặt hẳn đại tướng quân đã có chủ ý rồi.

Nghe Lý Tri Thuận và Độc Toàn Chân bẩm báo, Lý Khắc Chính trầm ngâm một lát mới nói:

– Giao Châu vốn không phải đất đai của người phương Bắc chúng ta. Phong tục khác nhau lòng người càng khác nhau một trời một vực. Ta ngày trước được cử đi chinh phạt cũng là vạn bất đắc dĩ mà thôi. Nay tình thế phía trước giặc cỏ voi khoẻ binh mạnh, chúng còn phát hịch trưng tập tay chân các nơi của họ Khúc tiến về vây hãm La thành, phía sau thiên uy khó lường, các quan lại triều đình chỉ rắp tâm thay ngựa giữa dòng quả là chúng ta khó giữ được tính mạng. Luôn mấy hôm nay ta suy nghĩ lao lung lắm. Đại La xét cho cùng cũng chỉ là một toà cô thành mà thôi. Dẫu là ta hay Lý Tiến có gì khác nhau đâu. Bọn man di mọi rợ phương Nam bề ngoài tưởng là yếu đuối nhưng bên trong chúng đều đất nào chủ nấy, đời đời có anh hùng hào kiệt không dễ gì người phương Bắc trị nhậm được chúng đâu. Từ đó mà xét, ta nên cử người đón đầu trước đại quân của Lý Tiến mà bàn giao thành Đại La cùng với chức tước phẩm phục rồi xin về quê dưỡng già mới là kế vẹn toàn.

Lý Tri Thuận tỏ vẻ xúc động nhìn thẳng vào Lý Khắc Chính nói:

– Cũng do mạt tướng bất tài khinh xuất không diệt được giặc cỏ khiến nhuệ khí quân ta mất đi mới để liên luỵ tới đại tướng quân.

Độc Toàn Chân vội nói:

– Đại tướng quân bất tất phải suy nghĩ quá nhiều. Thành Đại La quân còn trên hai vạn, tinh binh mãnh tướng gồm đủ, lương thảo còn nửa năm nữa lo gì bọn giặc cỏ. Ta cứ thành cao hào vững đợi đại quân Hán đế đến rồi trong ứng ngoài hợp tất phá được giặc. Khi ấy chắc rằng Hán đế sẽ hạ chỉ để Lý Tiến đánh thẳng xuống phương Nam thì đương nhiên đại tướng quân càng kê cao gối ngủ ở La thành rồi.

Lý Khắc Chính nhìn hai kẻ tâm phúc thấy rõ được trong lúc nguy nan vẫn có người hiến kế tự dưng cảm động chân thành nói:

– Các huynh đệ đều là chân tay cật ruột của ta. Đời này kiếp này được sát cánh cùng các huynh đệ cũng là thoả chí bình sinh vậy. Còn như việc đánh giữ nay mai chỉ còn biết trông vào ý trời mà thôi.

*

Đây nói tiếp chuyện Dương Đình Nghệ cử người đưa thư đi các nơi tìm tướng cũ của Khúc Thừa Mỹ để cùng mưu việc vây hãm La thành.

Vâng mệnh Dương công, Đoàn Thành cùng đám tuỳ tướng cải trang làm thương lái đến thẳng  đất Trà Hương thuộc Đằng Châu, vùng đất được cai quản bởi cha con họ Phạm là Phạm Lệnh Công và Phạm Bạch Hổ cũng là một nha tướng của họ Khúc ngày trước. Phạm Lệnh Công nối đời làm chủ đất Đằng Châu, ơn đức chăn dân mở đất đã thấm vào muôn nhà. Ngày họ Khúc giữ ngôi nước vẫn khen Phạm Lệnh Công là bậc hào trưởng bên ngoài mềm mại bên trong cương cường tự chủ mà cho quyền kiêm quản toàn bộ các vùng đất thuộc Đằng Châu.

Từ buổi Lý Khắc Chính xua binh xuống La thành bắt Khúc Thừa Mỹ về Phiên Ngung, Phạm Lệnh Công đã lập tức cho trưng tập binh mã lương thuyền ngày đêm bàn mưu khởi sự. Con trai trưởng là Phạm Bạch Hổ nhiều lần xin cha cho xuất binh đánh xuống La thành nhưng Phạm Lệnh Công chưa quyết. Kíp nghe tin Dương Đình Nghệ khởi hơn hai vạn binh mã voi ngựa lại cho Ngô Quyền làm tiên phong đã áp sát La thành Phạm Lệnh Công mừng lắm nói với con:

– Ta đoán sớm muộn gì tinh binh mãnh tướng Ái Châu cũng sẽ khởi sự hỏi tội đánh đuổi giặc phương Bắc. Nay quả nhiên Dương Đình Nghệ xuất binh Bắc phạt. Nay mai Dương huynh tất cho người đến hẹn binh với ta.

Phạm Lệnh Công vừa nói dứt lời đã có gia nhân vào bẩm báo có người của Dương Đình Nghệ vào xin gặp. Phạm Bạch Hổ cung kính nói:

– Phụ thân đoán việc như thần, nay mai xuất binh tiến thủ thế nào để báo ân rửa nhục cho Khúc chúa vừa mở mang cơ nghiệp mong phụ thân chỉ dạy. Lát nữa tiếp người của Dương Đình Nghệ nếu kẻ kia cậy có tinh binh mãnh tướng mà càn rỡ phụ thân chỉ cần ra hiệu con sẽ cho đám võ sĩ giết quách chúng đi, ta tự tiến binh đoạt lấy La thành, đuổi Lý Khắc Chính về phương Bắc, phân phong ranh giới với binh tướng Ái Châu cũng chưa muộn.

Phạm Lệnh Công ôn tồn nói:

– Hổ nhi! Việc binh là việc hiểm. Nếu chỉ biết chém giết thoán đoạt không phải là chí khí của bậc anh hùng. Phải biết thương đến muôn dân mà giữ vững giềng mối xã tắc mới là chí khí của Phạm gia ta. Ngươi nên nhớ họ Phạm chỉ có thể làm thần tử mà hưởng phúc phận của mình thôi. Cãi lại ý trời chỉ là rước vào đổ gãy trong sớm tối.

Phạm Bạch Hổ lắng nghe Phạm công vừa nói hết cũng là lúc gia nhân dẫn đoàn khách người Ái Châu bước vào sảnh đường. Chia ngôi chủ khách ngồi xong, Đoàn Thành bước lên cung kính vái chào Phạm công vừa nói:

– Tiểu sinh là Đoàn Thành người Ái Châu vâng mệnh Dương công tới chào Phạm công. Tiểu sinh vẫn nghe Phạm công ơn đức khắp nơi, lòng người Đằng Châu muôn một hướng về. Nơi thôn cùng xóm vắng nhà nhà đều thóc lúa đầy bồ, trâu bò sinh sôi miên man không dứt quả là phúc ấm của muôn dân vậy.

Phạm Lệnh Công thấy Đoàn Thành dáng người thanh thoát, ăn nói từ tốn khiêm cung trong lòng đã cảm mến đến bảy tám phần bèn ôn tồn nói:

– Đâu dám! Đâu dám! Ta vốn được Khúc chúa nối đời giao việc Đằng Châu, đêm ngày không dám khinh xuất, muôn dân còn nhiều cơ cực nào đã có công lao gì. Đâu được như Dương công, đất trải trăm dặm, dân các tộc thượng du, hạ bạn, cửa sông, cửa biển muôn nẻo theo về. Lại nữa, hôm trước ta còn đương muốn vào xin chủ ý của Dương công việc đuổi giặc Bắc, nay đã thấy tinh binh vài vạn áp sát La thành, đội voi chiến của Dương công nửa ngày xéo tan kỵ binh của Lý Khắc Chính mà lòng kính phục. Dương công quả đoán hành sự, mới là cột chống trời của phương Nam chúng ta. Nay có gì Dương công sai bảo, ta quyết không chậm trễ.

Đoàn Thành nghe như nuốt từng lời. Xưa nay, thiên hạ vẫn đồn Phạm Lệnh Công tài trí ơn đức đều hơn người. Nay chỉ vài câu nói đã vào thẳng việc lớn mà vẫn nhẹ nhàng như không. Sẵn lòng để người khác điều khiển mình mà vẫn giữ được nét ôn hoà chừng mực, quả không phải người thường. Đoàn Thành cung kính đáp:

– Xin đa tạ Phạm công! Dương công có dặn tiểu sinh mọi chuyện hợp vây giặc Bắc ở La thành mong Phạm công sớm định đoạt cho. Hiện nay, Hán đế cuồng vọng phương Nam đã dùng kế thay ngựa giữa dòng, sai Lý Tiến đem năm vạn tinh binh đang đêm ngày tiến xuống thành Đại La thay đổi cho Lý Khắc Chính. Nếu để chậm trễ, chúng trong ứng ngoài hợp tất không chỉ Đại La nguy khốn mà các vùng Đằng Châu, Ái Châu, Hoan châu, vó ngựa Bắc sẽ giẵm đạp lên mồ mả tổ tiên của chúng ta. Mong Phạm công sớm liệu cho.

Phạm Lệnh Công còn đang vân vi bỗng vị tướng cao lớn đứng phía sau không nhịn được gầm lên:

– Bọn giặc Bắc vẫn chứng nào tật nấy chỉ muốn ăn tươi nuốt sống các vùng đất phương Nam chúng ta. Phụ thân hãy mau mệnh lệnh xuất binh cùng với binh tướng Ái Châu vào bắt Lý Khắc Chính kíp sửa soạn chống nhau với Lý Tiến đuổi giặc Bắc về đất chúng. Con tuy bất tài xin năm ngàn tinh binh ngay đêm nay theo đường thuỷ áp sát phía đông La thành đánh giặc.

Đoàn Thành nhìn kỹ thấy vị tướng trẻ mặt to tai lớn, khí độ hiên ngang, cặp mắt sáng quắc như sao khiến người khác phải lạnh mình thầm đoán đây chính là Phạm Bạch Hổ, người mới sinh đã có nhiều điềm lạ, mới hơn mười tuổi đã nổi tiếng võ vật cung kiếm hơn người, lại có biệt tài bơi lặn. Họ Phạm rèn con rất nghiêm. Không chỉ theo đường võ, Phạm công còn mời các thầy giỏi đến dạy đám con cháu trong nhà đường ăn nét ở nề nếp gia phong lắm. Phạm Bạch Hổ được giao kiêm quản huấn luyện đám gia đinh, nhất là đội thương thuyền vừa buôn bán các vùng cửa sông cửa biển vừa khơi thông luồng lạch bến bãi để muôn dân Đằng Châu thuận tiện làm ăn. Tiếng tăm Phạm Bạch Hổ truyền đi khắp nơi, nhà nhà yêu mến. Phạm Lệnh Công cũng vì thế mà được thong thả. Vừa nghĩ, Đoàn Thành vừa cung kính nói:

– Vị này có phải là tướng quân Phạm Bạch Hổ chăng? Buổi xua voi giày xéo kỵ binh Lý Khắc Chính, tướng Ngô Quyền quân Ái Châu còn nói nếu có Phạm Bạch Hổ ắt đã xông thẳng vào thành phá tan bọn giặc Bắc rồi. Nay được diện kiến quả là may mắn vậy.

Phạm Bạch Hổ khuôn mặt khẽ giãn ra còn chưa dám nói, Phạm công ôn tồn bảo:

– Có phải Ngô tướng quân là con của hào trưởng Đường Lâm Ngô Mân chăng? Lão phu cũng lâu lắm rồi không gặp Ngô huynh, nay các bậc hậu thế chí khí hơn đời quả là phúc phận cho người Nam lắm. Còn như với Bạch Hổ phải học hỏi nhiều lắm. Nơi chiến trận, đánh giặc không phải chỗ của kẻ nhát gan, lại càng phải lấy cơ trí làm đầu đuổi giặc mới mong được vẹn toàn. Cứ như trận chiến vừa rồi cho thấy Ngô Quyền hơn đời nhiều lắm. Phép đánh giặc phải khi mau khi chậm. La thành với người phương Nam chúng ta là trung tâm trời đất linh khí non sông, còn đối với đám giặc Bắc chỉ là một tòa cô thành mà thôi. Đêm nay ta giao binh cho con toàn quyền xuống La thành cùng binh tướng Ái Châu hãm giặc. Nên nhớ tuyệt đối không được tranh công. Đánh La thành là trận nhỏ. Mai kia, đánh quân của Lý Tiến cũng chưa phải là trận cuối cùng đâu. Giặc Bắc có bao giờ thôi nhòm ngó đất ta đâu. Phải đánh cho chúng đại bại không còn manh giáp để hễ nghĩ đến chinh phạt phương Nam là run sợ tận trong tim óc mới là đại kế lâu dài.

Đoàn Thành cung kính vái tạ:

– Cảm ơn Phạm công đã cho xuất binh vây giặc. Tiểu sinh xin được từ biệt ngay còn đến Phong Châu gặp gỡ với Kiều công rồi về bẩm báo Dương công. Khi nào rảnh rỗi, tiểu sinh lại xin được hầu chuyện Phạm công.

Đoàn Thành đi rồi, Phạm Lện Công mới trầm ngâm nói:

– Nay mai con xuống thành Đại La nhớ chỉ chuyên tâm đuổi giặc. Mọi việc tiến thủ nhất nhất theo điều khiển của Dương Đình Nghệ. Dương công tài trí hơn ta nhiều lắm. Còn như việc Dương công tin gọi họ Kiều ở Phong Châu ta lại thấy có điều bất ổn. Họ Kiều ở Phong Châu đã mười mấy đời làm quan tướng, tham vọng và thực lực không phải nhỏ đâu. Cái ta lo sợ nhất là nạn huynh đệ tương tàn, cảnh nổi da xáo thịt khiến lũ giặc Bắc kia có đường quay lại tàn sát dân ta mới là cái hoạ trong tim óc vậy.

Phạm Bạch Hổ nghe lời cha mà vân vi mãi.

Ngay đêm hôm đó, Phạm Bạch Hổ cho kiểm điểm binh thuyền, đem theo hơn năm ngàn binh tướng ngược dòng sông Cái tiến về La thành. Phạm Bạch Hổ lại cho người lập tức đến báo tin với đại quân của Dương Đình Nghệ rằng Đằng Châu đã xuất binh. Các tướng sĩ Giao Châu từ khi họ Khúc thất thủ La thành theo về với Phạm Bạch Hổ rất đông. Ai cũng muốn có ngày trở về đánh đuổi giặc Bắc trả thù rửa nhục cho họ Khúc.

*

Nhận được tin báo Phạm Lệnh Công ở Đằng Châu sai con là Phạm Bạch Hổ cùng hơn năm ngàn tinh binh theo đường thuỷ áp sát phía đông La thành, Dương Đình Nghệ mừng lắm cho gọi tiên phong Ngô Quyền đến bảo:

– Ta vẫn biết Phạm Lệnh Công là người khí khái có ơn tất trả có thù tất báo nay đã cho con trai là Phạm Bạch Hổ vốn là một dũng tướng của Đằng Châu đem quân theo đường thuỷ áp sát phía đông La thành. Ta đoán nay mai, họ Kiều cũng sẽ xuất binh từ Phong Châu xuống hợp vây giặc Bắc. Lý Khắc Chính có mọc cánh cũng không bay thoát khỏi thành Đại La. Có điều, nếu để Lý Tiến kịp hợp binh xuống La thành, ta và giặc giằng co sẽ chưa biết thành bại ra sao. Nay Quyền nhi có kế gì hãy mau nói cho ta biết.

Ngô Quyền suy nghĩ một lát rồi nói:

– Quân Đằng Châu mới đến, sĩ khí đang hăng chỉ muốn đánh thành lập công trong sớm tối. Quân Ái Châu ta đội ngũ càng sẵn sàng phá thành diệt giặc. Theo phép hành binh, Lý Tiến có dốc sức cũng phải năm ngày sau mới đến được bờ bắc sông Cái. Chúng muốn qua sông phải bắc cầu phao tất dùng đến tre nứa đẵn chặt các làng mạc nhanh cũng phải ba bốn ngày. Ngày mai, ta nên hẹn binh với Phạm Bạch Hổ cùng tấn công La thành từ hai mặt đông và nam. Lại cho truyền tin quân Phong Châu đang kéo đánh phía tây để giặc kia thêm rối, dẫu không phá được thành cũng tiêu hao phân nửa binh lực giặc. Xin nhạc phụ hãy mệnh lệnh để tướng sĩ ngày mai công thành phá giặc.

Dương Đình Nghệ thong thả nói:

– Ngày mai mệnh lệnh toàn đội tiên phong đánh cửa nam thành Đại La. Ta sẽ cho đào vài đường hầm để xua voi vào trong thành đánh giặc. Đại quân phía sau sẽ thanh viện cho các tướng công thành. Nên nhớ, thành trì cũng là đất đai của người phương Nam chúng ta. Cốt sao hãm giặc để chúng tự thua mới là thượng sách.

Ngô Quyền vâng lệnh lui ra chuẩn bị binh mã cho buổi phá thành.

*

Tin cấp báo dồn dập bay vào trong soái phủ thành Đại La.

Lý Khắc Chính như ngồi trên đống lửa, luôn mấy hôm liền không dám rời giáp phục chỉ huy các tướng thân chinh đôn đốc binh lính phu phen gia cố thành trì. Phàm là những hào nước bãi lầy, họ Lý đều cho cắm la liệt chông sắt, rọ đá xuống đó. Những cánh cổng gỗ lim nặng chịch được bọc thêm hai ba lần sắt dày vững phòng voi xô đổ. Nghe tiếng thình thịch của đội quân Ái Châu đang đào một đường hầm lớn chui ngầm phía dưới đoạn tường thành phía nam càng khiến Lý Khắc Chính bấn loạn. Y lập tức cho đào những hố lớn trữ sẵn đồ dẫn hoả sẵn sàng cho đốt cháy hòng bịt đường hầm. Nghe theo kế của Lý Tri Thuận, Lý Khắc Chính cho trưng dụng bất kể là đồ đồng đồ sắt đồ cúng đồ thờ gom lại đúc rèn thành những mũi chông lớn sẵn sàng bịt đường hầm khi voi chiến xông vào thành. Nỗi ám ảnh của trận voi giầy khiến binh lính Hán triều hễ nghe tiếng voi gầm đều hoảng loạn mất ăn mất ngủ. Đã thế, cứ đêm đêm, Ngô Quyền cho binh lính thúc trống thúc cồng ầm ầm bốn bề càng làm giặc kia lao núng. Đám voi chiến hễ nghe tiếng cồng đều nhất loạt gầm lên rung chuyển một vùng. Chiều chiều, Ngô Quyền thường chia hơn trăm thớt voi làm hai đội tập trận ngay dưới chân cổng thành phía nam khiến binh tướng Hán triều như kiến nằm trong chảo, tinh thần chiến đấu rệu rã đến bảy tám phần. Còn chưa nghĩ ra kế gì, đang bồn chồn trong soái phủ, đã thấy Lý Tri Thuận cùng Độc Toàn Chân hốt hoảng bước vào. Lý Tri Thuận run giọng nói:

– Bẩm đại tướng quân! Phía đông thành, binh tướng Đằng Châu của tướng Phạm Bạch Hổ đã áp sát đang cho bắc thang mây, dùng máy bắn đá bắn cấp tập vào kho chứa vũ khí tình hình nguy ngập lắm.

Độc Toàn Chân vội vã đế theo:

– Bẩm đại tướng quân! Kho lương thảo vũ khí ở phía nam chưa chuyển kịp đã bị bọn giặc cỏ Ái Châu bắn tên lửa cháy sạch đêm qua rồi.

Lý Khắc Chính buông phịch tấm thân nặng nề xuống chiếc ghế bọc da hổ mãi mới xua tay nói:

– Các ngươi hãy mau đi tử chiến giữ thành. Bất kể là vàng bạc gấm vóc, các ngươi hãy treo thưởng để binh lính liều chết chống giữ mới được. Chỉ nay mai đại binh của Lý Tiến đến đây ta giao thành trì cho y là xong. Nếu không giữ được Đại La, trong con mắt của Hán đế, chúng ta chỉ là một lũ tướng thua trận đáng xử chém mà thôi.

Vừa hấp tấp chạy vào, Độc Toàn Chân, Lý Tri Thuận lại hấp tấp chạy đi đôn đốc quân sĩ tử chiến giữ thành.

Lý Tri Thuận và Độc Toàn Chân người nam kẻ đông chia nhau ra hai mặt cổng thành đôn đốc binh tướng chống giữ. Họ Lý thống xuất năm nghìn binh mã đội ngũ chỉnh tề ra thẳng phía đông thành Đại La. Đại quân của Lý Khắc Chính cả tuần nay dàn hết về hướng nam đào hầm đắp ải luỹ chống nhau với tiên phong Ngô Quyền. Giằng co luôn mấy hôm thắng bại còn chưa biết nay đột nhiên binh mã Đằng Châu của Phạm Bạch Hổ theo đường thuỷ kéo lên khí thế rất mạnh mẽ. Lá cờ đại thêu chữ Phạm cực lớn bay phần phật phía ngoài cổng đông thành Đại La trong tiếng trống trận thúc ầm ầm. Lớp này lớp khác thang mây ập vào các tường thành. Binh lính Đằng Châu giáp phục gọn gàng, tay đao tay kiếm hò nhau xông lên phá thành rất hăng. Ầm… ầm…, từng loạt đạt đá từ chiến thuyền rít ù ù quăng vào bên trong phía đông thành phá tan hoang khu kho chứa vũ khí, quân lương của Độc Toàn Chân. Từ ngày được giao kiêm quản binh lương, Độc Toàn Chân không kể là trưng thu hay cướp bóc đều giở thói con buôn chiếm đoạt rất nhiều. Y còn cho xây cất những kho riêng tiếp giáp phía đông thành, nơi có đội thương thuyền buôn bán của họ Độc. Độc Toàn Chân một mặt cho tay chân bộ hạ mau chóng di dời đội thương thuyền vượt qua bến Giang Biên kéo về khúc sông rộng phía bắc sẵn sàng đón đợi đại quân của Lý Tiến cũng là tàng chữ của cải sẵn sàng tẩu tán về phương Bắc. Luôn mấy hôm, Độc Toàn Chân sai thợ giỏi tìm kiếm lắp đặt máy bắn đá lên thương thuyền nhưng chưa kịp xong việc quân của Đẳng châu đã ồ ạt kéo xuống. Độc Toàn Chân không dám bẩm báo điều này với Lý Khắc Chính, sợ họ Lý nghi kỵ. Nay tình hình nguy cấp, họ Độc kéo riêng tên thủ hạ Mã Diều Tử dặn cứ như thế như thế. Mã Diều Tử quá hiểu họ Độc đã cùng đám võ sĩ thân tín chuyển phần lớn kho của cải của họ Khúc ngày trước xuống đội thương thuyền. Điều này, Lý Khắc Chính và Lý Tri Thuận hoàn toàn không biết.

Được hứa hẹn tặng thưởng vàng bạc châu báu, lại ở thế cùng đường tuyệt lộ, binh lính Hán triều liều chết chống nhau với binh tướng Đằng Châu, Ái Châu trọn một ngày trời không phân thắng bại. Nơi cổng đông giáp sông Cái mùa nước đương lên, mặc đám chiến thuyền áp sát bắn đạn đá dữ dội, binh tướng Hán triều vẫn đứng vững trên mặt thành. Tướng Đằng Châu Phạm Bạch Hổ giáp trụ đẫm máu đã mấy lần thân chinh lên được mặt thành chém giết mở đột phá khẩu nhưng các binh tướng Đằng Châu không theo kịp. Trong làn mưa tên, họ Phạm đành phải lướt xuống chân thành chờ đợi thời cơ. Kịch chiến đến sẩm tối, binh lính hai bên đều thương vong vô số. Biết chưa thể phá vỡ ngay được cổng thành, Phạm Bạch Hổ hạ lệnh toàn quân rút xuống chiến thuyền lui về bên kia sông.

Ở nơi cửa nam thành, dựa vào số đông liều chết chống giữ, lại có mấy con hào chắn giăng sẵn lưới sắt, cọc nhọn. Nhân mùa nước lên, các hào rãnh đều rộng thêm ra đến vài trượng khiến binh lính Ái Châu chưa có cách gì tiếp cận được chân thành. Quân Hán cậy đông, hò nhau lên mặt thành sử dụng cung tên, gỗ đá quyết liều chết giữ thành. Dương Đình Nghệ thấy Ngô Quyền đôn đốc binh tướng đánh mãi chưa chiếm được thế thắng bèn hạ lệnh lui quân về trại. Hơn trăm thớt voi trận bố phòng ngay ngoài cổng nam thành Đại La để thị uy quân Hán đề phòng chúng liều mạng đánh ra. Dương công lại cho đào thêm hai đường hầm nữa làm kế hư thực khiến binh tướng Hán triều không biết nơi nào mà chống giữ.

*

Đây nói tiếp chuyện đại tướng Lý Tiến vâng mệnh Hán đế đem năm vạn quân thẳng tiến xuống Giao Châu.

Hôm trước, sau buổi thiết triều được tể tướng Tô Chương tiến cử phong chức thứ sử Giao Châu kiêm quản các vùng đất phương Nam, Lý Tiến tạ ân lĩnh chỉ lập tức điểm binh tướng lên đường.

Trong hàng ngũ các tướng soái của Hán đế, Lý Tiến là một tướng lão luyện có nhiều công tích, đặc biệt việc đánh thành giữ đất mở mang bờ cõi thế lực cho Hán đế. Những không muốn rời xa viên ái tướng, song cục diện Giao Châu không thể chần chừ. Để Lý Tiến xuống phương Nam còn là chủ ý của tể tướng Tô Chương. Họ Tô luôn lao tâm khổ tứ vì Hán triều mà lập công dựng nghiệp. Luôn nhiều năm trời, Hán đế động binh không ngừng khiến bốn phương đều chìm trong khói lửa chiến tranh. Thống xuất phương Nam vừa nằm trong dã tâm mở mang bờ cõi đến tận vùng duyên hải, tạo lập thiên uy để tranh đoạt Trung Nguyên, vừa còn là chỗ để rèn luyện các trung thần ái tướng. Lý Tiến vừa khẩn trương dẫn đại quân xuống Giao Châu vừa tính toán cân nhắc việc khu xử nơi Đại La thành. Dù gì, Lý Khắc Chính cũng đã có công đánh dẹp Giao Châu, bắt sống Khúc Thừa Mỹ, lại đã dâng về vô số vàng bạc châu báu cho Hán đế. Nay chỉ riêng việc chậm trễ không tiến đánh Ái Châu, Hoan châu, tiến chiếm Chiêm Thành mà thay người khép tội giữa dòng quả còn có chỗ chưa ổn. Thân làm biên tướng ngoài ngàn dặm, đâu phải muốn đánh là đánh được đâu. Mới thấy cái khó của đạo làm tướng, lại càng thấy cái khổ của thân làm thần tử, giữ được mạng sống cũng không dễ gì. Lý Tiến trong cuộc nam chinh xuống Giao Châu trong lòng ngổn ngang trăm mối là vì thế.

Đến khi tiền quân báo về đại đội binh mã đã áp sát bờ bắc sông Cái chỉ còn cách bến Giang Biên ba mươi dặm, Lý Tiến mệnh lệnh hạ liên hoàn trại bên bờ bắc, lại cho thám sát thăm dò đo mực nước, dòng chảy rất cẩn thận. Trại vừa hạ xong, Lý Tiến cho triệu các tướng vào trướng hổ thương nghị. Lý Tiến nghiêm nghị nói:

– Nay ta vâng mệnh Hán đế thảo phạt giặc cỏ, nêu rõ thiên uy, nay mai tất vào thành Đại La kiêm quản các việc ở Giao Châu. Các ngươi theo ta đã lâu ngày hãy bàn định cho kỹ việc đánh dẹp, tiếp quản sau trước không được để sai sót gì mới được.

Chúng tướng ai nấy sau chặng đường dài khá mệt nhọc còn chưa biết nói gì. Lại thấy chủ tướng tỏ ra vẻ quan hoài thận trọng bèn chỉ nhìn nhau chưa ai dám lên tiếng. Một lát, phó tướng Trương Ngao, người vốn mười mấy năm vào sinh ra tử cùng chủ tướng mạnh dạn bước ra nói:

– Bẩm đại tướng quân! Theo ý mạt tướng, ta cho binh mã nghỉ hết đêm nay, ngày mai mệnh lệnh chặt tre gỗ bắc cầu phao để đại binh qua sông. Bọn giặc cỏ Giao Châu vốn trí trá, chúng lại thạo về sông nước, đại binh không lập tức qua sông e rằng việc binh thất lợi làm tổn hại thiên uy của Hán đế.

Nơi trướng hổ tiếng xì xầm bàn bạc cất lên. Để các tướng bàn tán một lúc, Lý Tiến dõng dạc mệnh lệnh:

– Nay hãy theo kế của Trương tướng quân. Ngày mai các ngươi phải khẩn trương đôn đốc bắc cầu phao cho đại quân sang bờ bên kia mới được. Ngay đêm nay, hãy cho người tìm thuyền nhẹ lẻn vào trong thành báo cho Lý Khắc Chính là đại quân ta đã tới đây, rồi tiện thể dò xét xem thực lực binh tướng của giặc cỏ và Đại La ra sao rồi mau báo sớm để ta biết.

Chúng tướng vâng dạ cắt đặt ai về trại nấy.

Bài viết liên quan:

1. Ngô Vương: Hồi thứ nhất – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai

2. Ngô Vương – một mô hình tiểu thuyết lịch sử