Ngô Vương: Hồi thứ năm – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai

871

(Vanchuongphuongnam.vn) – Luôn mấy trận toàn thắng, các đội binh mã ai nấy đều phấn chấn tuân theo mệnh lệnh của Ngô Quyền. Trong quân, họ Ngô thương yêu sĩ tốt như ruột thịt. Ngô Quyền bất kể đánh thành, đuổi giặc, ban đêm, ban ngày đều xông lên trước hàng quân rất dũng mãnh khiến ba quân đều cảm phục.

HỒI THỨ NĂM
Vâng theo đế mệnh, Trần Bảo vong mạng bến Giang Biên
Đưa voi qua sông, Ngô – Phạm – Kiều hợp binh phá giặc

Sau trận thua binh vỡ trại liên hoàn thuỷ bộ phía bờ nam cứu được Độc Toàn Chân vào thành, Lý Tiến vội cho triệu các tướng vào trướng hổ thương nghị. Đêm đêm, các cánh quân vây đánh La thành càng siết chặt. Bốn mặt thành, tiếng voi gầm ngựa hí âm i khiến Lý Tiến cùng binh tướng không phút nào yên.

Nhận hịch truyền của Dương Đình Nghệ, các nha tướng cũ, hào trưởng, châu mục các vùng đem binh lương, trâu ngựa đến thanh viện cho binh tướng Ái Châu, Đằng Châu, Phong Châu rất đông. Từ Hoan châu, Đinh Công Trứ vận chuyển tới vô số lương thảo, binh khí phá thành, đặc biệt là năm mươi thớt voi chiến càng làm tăng sĩ khí quân vây thành. Phía trại bắc sông Cái, binh tướng Hán triều không dám qua sông, chỉ loanh quanh nhặt nhạnh những thuyền vỡ nát của Độc Toàn Chân cho sửa sang được chưa tới ba mươi chiếc. Mạch nối liên hoàn bờ bắc – bờ nam – trại cổng bắc thành – soái phủ La thành đứt đoạn không còn liên lạc được với nhau.

Lý Tiến đi đi lại lại trong trướng hổ chưa biết mai kia tiến thoái ra sao. Độc Toàn Chân thấy vậy đắn đo rồi nói:
– Bẩm chúa công! Giặc cỏ ngày trước chúng còn tản mát nơi rừng xanh núi đỏ, nhút nhát sợ sệt, nay phút chốc binh tướng của chúng san sát mọc ra, đều là những kiêu binh mãnh tướng, lại biết dùng mưu sâu kế hiểm đánh bại quân ta, cắt đứt liên lạc thuỷ bộ của ta. Chi bằng chúa công mau cho người về triều xin viện binh để sớm tiêu diệt chúng.

Lý Tiến bực bội mắng:
– Ta vừa xuống Giao Châu trị nhậm chưa có công lao gì đã bại binh thua trận, nay mở miệng xin viện binh e rằng cái đầu không giữ được trên cổ đâu.

Độc Toàn Chân thấy họ Lý tuy giận nhưng trong lòng đã phân vân nhiều, liều thưa:
– Chúa công nói chí phải. Tuy vậy, giặc cỏ kia giờ bốn mặt vây thành, binh lương tiếp viện của chúng đổ về không dứt, ta không quyết kế sớm e rằng hối không kịp nữa. Mạt tướng liều chết xin chúa công mau cho người về cấp báo Hán đế. Viện binh có đến, ta trong ứng ngoài hợp mà phá tan giặc cỏ mới là đại kế lâu dài.

Lý Tiến trầm ngâm không nói. Độc Toàn Chân luôn mấy tháng ròng đã dốc hết sản nghiệp, binh thuyền, của cải sung quân không quản vào sinh ra tử giúp dập không thể lời nói hàm hồ. Luôn mấy trận, họ Độc đều đi đầu cáng đáng mọi việc. Khốn nỗi, giặc cỏ ngày càng ranh ma, trí trá khó lường. Chúng giả đánh thành rồi bất thần nửa đêm liều chết đốt trại khiến thuỷ bộ bị cắt đứt. Nay thêm lũ binh tướng Phong Châu của dòng họ Kiều kéo xuống gây thêm thanh thế càng khiến cục diện rối ren. Ta tuy còn hai vạn quân phía bờ bắc nhưng nếu không có thuyền bè, thuỷ binh hộ tống cũng chỉ là nuốt nước mắt nhìn nhau mà thôi. Thành Đại La, trước sau vẫn là một toà cô thành. Ta bây giờ mới cảm thấy sự tuyệt vọng, uất ức đến thành mụn độc của An Nam đô hộ sứ Cao Chính Bình xưa kia là cay đắng lắm.

Nghĩ trước nghĩ sau, Lý Tiến nói với Độc Toàn Chân:
– Ta cũng chẳng còn kế gì khác. E rằng tin thất trận mấy hôm vừa rồi đã về đến Hán triều cũng nên. Ta thân làm đại tướng, chưa quyết chiến được trận nào đã ở thế thua phải cầu xin viện binh là một nỗi nhục lớn của ta vậy.
Nói đoạn, Lý Tiến quan hoài nhìn viên tướng yêu cũng đang suy nghĩ lao lung lắm.

*

Đây nói tiếp chuyện quân Ái Châu, Đằng Châu, Phong Châu.
Quân Phong Châu sau buổi thừa thắng truy kích binh tướng Hán triều về tận sát cửa bắc thành Đại La, Kiều Công Tiễn không dám ham chiến cho hạ trại cách La thành năm dặm. Binh tướng Phong Châu lần đầu xuất trận đã ở thế thắng ai nấy phấn chấn kiểm điểm voi ngựa, dựng trại bắc cầu rất quy củ. Kiều Công Tiễn nhiều năm thao luyện quân sĩ nơi ngã ba Bạch Hạc không chỉ giỏi đánh bộ mà thuỷ binh cũng rất am tường. Họ Kiều cho người thám sát dọc sông, đường dẫn vào Đầm Sương Mù còn cho chia ra một nghìn binh lính sai tên phó tướng Hà Tiệp chọn chỗ đất cao sát con đường dẫn từ bãi sông Cái vào thành hạ trại. Xong xuôi đâu đấy, Kiều Công Tiễn cho người đi đường tắt tới báo tin với Dương Đình Nghệ xin vây đánh cửa bắc thành.

Nhận được tin Ngô Quyền và Phạm Bạch Hổ dùng kế liên hoàn thủy bộ đốt chiến thuyền, xua voi trận phá tan trại quân Hán, Dương Đình Nghệ mừng lắm. Hôm trước, khi đồng ý để hai tướng xuất binh, Dương công trong lòng còn nhiều lo lắng. Ông sợ rằng đang mùa nước sông dâng cao, đưa voi lên thuyền chèo ngược sông chẳng may không kịp sẽ hỏng đại sự. Song, Ngô Quyền đã khéo léo dùng nhiều ngựa chiến buộc dây chão lớn kéo chiến thuyền ngược sông kịp giờ hẹn trước với Phạm Bạch Hổ. Đúng nửa đêm, khi con voi chiến cuối cùng rời được lên bờ cũng là lúc đám thuyền nhỏ chứa đầy đồ dẫn hoả và thuốc súng nhất tề xông vào thuỷ trại giặc. Trận liên hoàn này, đã cho thấy Ngô Quyền và Phạm Bạch Hổ không chỉ anh dũng thiện chiến mà biết lợi dụng sức gió sức nước, xuất kỳ bất ý đem quân ít mà đại thắng quân đông. Với những tướng lĩnh thế này, việc lấy thành Đại La chỉ còn trong sớm tối.

Dương công lại càng vui mừng khi binh tướng Phong Châu đã xuất trận thanh viện xuống vây Đại La thành. Khi được kể cách hành binh đuổi giặc, việc bố phòng doanh trại nơi cửa bắc thành của Kiều Công Tiễn, Dương công khen lắm. Binh pháp có dạy giặc cùng chớ đuổi, nay chủ tướng Phong Châu truy kích quân Hán vừa thong thả nhịp nhàng vừa để chúng thấy được trùng vây đang xiết chặt quả không phải người thường. Ta vẫn nghe đồn, Kiều công có được người con trưởng văn võ toàn tài quả không hổ danh họ Kiều đất Phong Châu vậy.

Đại La thành sau vài tháng trước sau bị vây hãm, đổi chủ thay tướng, hiện chỉ là một tòa cô thành, dẫu có viện binh đóng bên kia sông Cái cũng không thể qua sông ứng cứu. Nay lại thêm năm mươi thớt voi chiến của Đinh Công Trứ từ Ái Châu chuyển ra đóng bên bờ sông Cái càng khiến cho quân Hán khiếp vía. Binh lương các nơi dồn về vây thành ngày càng đông đúc. Lòng căm hận người phương Bắc cai trị hà khắc dân chúng phương Nam được dịp như ngọn lửa cháy bùng càng lúc càng lớn. Mới thấy sức dân như sức nước, không một thành trì nào chống đỡ nổi khi lòng dân phẫn nộ. Suy nghĩ trước sau, Dương Đình Nghệ hẹn với các tướng buổi bốn mặt công thành. Sĩ khí toàn quân trong ngoài đều vô cùng phấn chấn.

*

Hán đế Lưu Cung nhận được tin cấp báo từ Giao Châu Lý Tiến binh bại liên tiếp đang bị vây chặt trong thành Đại La vội cho mời tể tướng Tô Chương tới mật nghị. Họ Tô tuổi tác đã cao nhưng đêm ngày cúc cung vì đế nghiệp của Hán đế được họ Lưu rất trọng dụng. Ngày trước, việc phái binh thảo phạt Giao Châu cũng là chủ ý của tể tướng. Việc thay ngựa giữa dòng, triệu hồi Lý Khắc Chính về kinh sư cũng là ý của Tô Chương cả. Nay Giao Châu nguy khốn, Lý Tiến như cá nằm trên thớt trong Đại La thành khiến Hán đế Lưu Cung bực tức mắng Tô Chương:
– Ngươi trên triều khuyên ta động binh thay tướng đất Giao Châu, Lý Tiến liên tiếp bại binh cấp báo về xin tiếp viện. Ngươi thân làm tể tướng, đã biết tội của mình chưa?

Tô Chương im lặng một lúc để cho Hán đế nguôi giận mới bình tĩnh tâu:
– Hoàng thượng thánh minh! Chúng thần đêm ngày vì hoàng thượng cúc cung tận tuỵ không có ý gì khác. Nay tội thần tiến cử Lý Tiến xuống Giao Châu thảo phạt, trị nhậm cũng là tuân thánh ý của hoàng thượng. Lý Tiến một mình đem binh vào nơi ngàn dặm, không quản lam sơn chướng khí, rời bỏ thê tử đều một lòng vì đế nghiệp của hoàng thượng. Giặc cỏ Giao Châu cứng đầu cứng cổ, hoàng thượng càng phải tỏ rõ thiên uy. Theo ngu ý của tội thần, hoàng thượng hãy phái thêm binh tướng lên đường thảo phạt Giao Châu, trước là cứu trung thần bị vây trong cô thành đêm ngày mong ngóng thiên uy, sau là dẹp tan giặc cỏ, tiến đánh xuống phương Nam, dùng lương thảo người ngựa của chúng để phục dịch công cuộc tranh hùng ở Trung Nguyên mới được.

Hán đế Lưu Cung thấy Tô Chương lời nói thống thiết, trước sau chỉ là tuân theo thánh ý bèn dịu giọng truyền chỉ:
– Ngươi chỉ được cái khéo miệng bênh lũ bại trận. Nay ở phía Bắc, đám quần hùng còn đang tranh đoạt lẫn nhau ta chưa thể xuất binh vào Trung Nguyên. Hãy để cho chúng tương tàn phân cao thấp ta ngồi đợi cũng chưa muộn. Còn việc Giao Châu không thể bại binh thêm lần nữa. Nay giao cho ngươi truyền chỉ lệnh đại tướng Trần Bảo kíp đem ba vạn binh tướng xuống làm cỏ Giao Châu.
Tô Chương vội quỳ xuống nhận mệnh:
– Hạ thần tuân chỉ!

*

Nhận được tin báo Hán đế Lưu Cung cho đại tướng Trần Bảo cùng ba vạn tinh binh cấp tốc hành quân xuống Giao Châu cứu thành Đại La, Dương Đình Nghệ cho họp các tướng nơi soái phủ. Dương công cho mời cả chủ tướng Phong Châu Kiều Công Tiễn tới tham dự. Đợi các tướng ổn định đâu đấy, Dương Đình Nghệ nghiêm trang nói:
– Nay ta được tin đại tướng Trần Bảo vâng mệnh Hán đế Lưu Cung đem ba vạn tinh binh ngày đêm thẳng tiến xuống thành Đại La. Hán triều vốn có dã tâm đoạt các châu quận phương Nam từ lâu rồi. Hán đế muốn nuốt gọn phương Nam để tranh hùng nơi đất Bắc phát động chiến tranh là nghịch lẽ trời. Người phương Nam chúng ta, các đời Khúc chúa trị nhậm nuôi dân đã mấy chục năm yên ổn, nay chỉ vì dã tâm của Hán đế mà dân chúng lầm than, lòng người ly tán, cụ già con đỏ bỏ mạng thương tâm, người phương Nam chúng ta vạn bất đắc dĩ mới phải cầm gươm giáo đánh đuổi lũ giặc phương Bắc. Nay bọn chúng cậy binh nhiều tướng lắm xuống chiếm đất ta không thể nói lý với kẻ tham tàn. Ta nay muốn đánh lớn một trận, chém tướng giặc tại đất ta để mỗi khi chúng nghĩ đến phương Nam là hồn bay phách tán. Không biết ý các tướng thế nào.

Các tướng nghiêm nghị nhìn nhau chưa ai muốn nói trước. Thấy thế, Dương Đình Nghệ nhìn chủ tướng Phong Châu Kiều Công Tiễn nói:
– Mời Kiều tướng quân hãy cho biết cao ý của mình để các tướng cùng luận bàn xem.

Thấy được tín nhiệm, Kiều Công Tiễn đứng dậy thận trọng nói:
– Tiểu tướng vốn muốn nghe cao ý của các tướng đã nhiều lần lâm trận lập công nơi chiến trường, đánh bại quân Hán trước, song Dương công đã mệnh lệnh, tiểu tướng xin được mạn phép bàn vào việc quân. Cứ theo ý tiểu tướng, Dương công hãy hạ lệnh bốn mặt vây thành, nhất tề phá vỡ thành Đại La xử tội Lý Tiến, Độc Toàn Chân và bọn gian tặc rồi toàn quân nghênh địch đánh viện binh Trần Bảo cũng chưa muộn. Tiểu tướng tuy bất tài xin cùng với năm nghìn binh tướng Phong Châu công phá cửa bắc thành.

Dương Đình Nghệ nhìn khắp các tướng vẻ muốn khuyến khích mọi người nói rõ chủ ý của mình.

Đoàn Thành cung kính đứng ra nói:
– Bẩm Dương công! Thưa các vị tướng quân! Việc đánh giữ chắc rằng Dương công và các tướng đều có chủ ý cả rồi. Tiểu sinh xin được có đôi điều bàn thêm. Nếu ta quyết chiến phá thành Đại La gấp trong sớm tối, e rằng sẽ là lưỡng bại câu thương. Binh pháp có dạy, quân gấp hai lần thì tiến đánh, gấp ba lần thì vây thành, gấp năm lần mới có thể phá thành. Quân Hán trong thành Đại La còn dư hai vạn, Lý Tiến là tướng giỏi của Hán triều không dễ gì mắc mưu quân ta đâu. Phía bờ bắc, hai vạn tinh binh quân Hán lẽ nào chịu ngồi yên để mất thành. Nếu chúng chia binh liều chết qua sông, ta lại phải chia binh chống cự, kíp đến khi ba vạn tinh binh của Trần Bảo xuống được Giang Biên tình thế sẽ chưa biết thế nào.
Dương Đình Nghệ và các tướng nghe Đoàn Thành nói, thấy họ Đoàn trước sau nhìn nhận thấu đáo quân tình ai cũng thầm nể trọng. Việc binh xưa nay, nơi màn trướng, nếu có được người giỏi định mưu mới là chắc thắng.

Một lát sau, Ngô Quyền đứng ra nói:
– Bẩm nhạc gia! Thưa các vị tướng quân! Lời của Kiều huynh, Đoàn huynh đều đúng cả. Ta một mặt vẫn phải tính kế đánh một trận thật lớn, chém tướng chặt cờ để Hán đế hễ nghĩ đến phương Nam là không dám động binh. Một mặt phải tính toán kỹ lưỡng binh lực thế trận hai bên mới nắm chắc phần thắng. Ý của Kiều huynh là phá thành quyết chiến. Ý của Đoàn huynh đánh thành chỉ là hư chiêu, còn chủ ý phải qua sông bày trận đánh tan viện binh Trần Bảo tất Lý Tiến chỉ còn nước bỏ ấn tín tìm đường về phương Bắc. Theo thiển ý của mạt tướng, ta lên đưa voi ngựa qua sông quyết chiến một trận với Hán triều.

Lời Ngô Quyền chưa dứt, Phạm Bạch Hổ đã đứng vụt ra nói:
– Ngô tướng quân nói chí phải! Việc binh xưa nay đánh giữ tuỳ lúc tuỳ thời. Nay giặc Bắc cậy binh đông cố thủ ở La thành, ta có địa lợi là dòng sông Cái mênh mông để chia cắt chúng. Ta dẫu có cho toàn quân qua sông quyết chiến với Trần Bảo thì Lý Tiến kia cũng chỉ biết giương mắt ra nhìn mà thôi. Theo ý mạt tướng, ta hãy phao tin bốn mặt phá thành, lại cho Kiều tướng quân dốc toàn lực đánh thẳng vào cửa bắc, còn đại binh Ái Châu, Đằng Châu, voi ngựa tướng lĩnh thuỷ bộ tất thảy qua bến Giang Biên bày trận quyết chiến với Trần Bảo. Trần Bảo từ xa đến, người ngựa mệt mỏi tất bại vong, khi đó Lý Tiến chỉ còn cách bỏ thành về phương Bắc. Xin Dương công quyết định cho.

Dương Đình Nghệ thấy các tướng sôi nổi bàn luận ai cũng quyết kế đánh bại giặc Bắc trong bụng mừng thầm bèn nhìn các tướng khẳng khái nói:
– Bản tướng vốn đã chủ trương phải đánh cho giặc Bắc kinh sợ một phen. Nay chúng không kể đạo lý dẫn xác đến quả là trời ban cho người phương Nam chúng ta lập chiến công vậy. Tuy thế cũng không được khinh địch. Lý Tiến trong La thành dẫu bị vây bốn mặt vẫn có thể thủ thành đợi viện binh. Chúng ta muốn đại thắng đánh tan quân cứu viện của Trần Bảo phải quyết kế toàn quân Ái Châu, Đằng Châu voi ngựa nhất loạt qua sông đánh tan hai vạn quân Hán ở bờ bắc sông Cái trước khi Trần Bảo kịp hội binh mới mong thủ thắng. Nay ta quyết định, ngay đêm nay Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ cùng ta cho toàn bộ voi ngựa binh lính qua sông, ngày mai phá trại giặc. Lệnh cho Dương Tam Kha cùng Đoàn Thành mỗi người một ngàn quân hò reo nghi binh đánh các cửa thành Đại La. Về phía Kiều tướng quân, sáng mai khi ta công phá trại bắc quân Hán hãy dốc sức đánh vào cửa bắc thành khiến Lý Tiến đầu đuôi không cứu được nhau. Các tướng hãy mau chia nhau thực hiện đại kế phá giặc.

Chúng tướng dạ ran khẩn trương người nào việc nấy.

Kiều Công Tiễn trước khi trở về quân doanh còn kịp nói với Dương Đình Nghệ:
– Dương công hãy yên tâm qua sông phá giặc. Việc ở thành Đại La tiểu tướng xin dốc sức phá thành cầm chân Lý Tiến để Dương công đại thắng quân Hán. Mong Dương công sớm đại thắng đánh bại Trần Bảo trở về bắt Lý Tiến báo thù rửa nhục cho Khúc chúa.
Dương Đình Nghệ lòng đầy khảng khái vỗ vỗ vào lưng viên tướng Phong Châu, luôn miệng nói:
– Kiều gia hồng phúc đầy nhà mới có được những vị tướng uy phong như Kiều công tử đây. Phong Châu quả là vùng đất có lắm anh hùng, khí thiêng hội tụ. Đuổi xong lũ giặc Bắc, ta nhất định lên Phong Châu thăm Kiều công một lần mới được.
Kiều Công Tiễn cảm kích xin cáo lui về quân doanh.

*

Theo mệnh lệnh của Ngô Quyền, binh tướng Ái Châu bao gồm hơn trăm thớt voi chiến đang vây cửa nam thành từ chập tối lặng lẽ tháo chiêng trống, bỏ nhạc ngựa, cuốn cờ xí ra thẳng bến sông lên đội thuyền lớn của Phạm Bạch Hổ sang bên kia bến Giang Biên. Luôn mấy trận toàn thắng, các đội binh mã ai nấy đều phấn chấn tuân theo mệnh lệnh của Ngô Quyền. Trong quân, họ Ngô thương yêu sĩ tốt như ruột thịt. Ngô Quyền bất kể đánh thành, đuổi giặc, ban đêm, ban ngày đều xông lên trước hàng quân rất dũng mãnh khiến ba quân đều cảm phục. Ngô tướng quân sau mấy trận giao tranh càng tỏ rõ phong độ của kẻ làm tướng, thắng không kiêu chỉ càng thêm thâm trầm quả quyết khi lâm trận. Ngô tướng quân cùng với Phạm Bạch Hổ đánh thủy đánh bộ đều rất ăn ý nhịp nhàng. Quân Đằng Châu thành thạo sông nước càng thêm sức mạnh và sự tin tưởng vào chiến thắng trước quân Hán.

Hai tướng Ngô – Phạm đưa được hơn hai vạn binh tướng Ái Châu, Đằng Châu sang bến Giang Biên cũng là lúc trời vừa tảng sáng. Hai tướng cho binh lính ăn uống đầy đủ ngay trên lòng thuyền lúc qua sông, voi ngựa có đầy đủ thóc cỏ, mía lau nên đội ngũ qua được sông sang bến Giang Biên vững vàng sung sức lắm. Khi kiểm điểm binh mã thuyền bè, Dương Đình Nghệ không khỏi khen thầm hai tướng.

Đứng trước hàng quân mã chỉnh tề, kỵ binh, tượng binh cơ nào đội nấy giáp phục nghiêm trang, dưới sông, gần trăm chiến thuyền đội hình hùng tráng, Dương Đình Nghệ lớn tiếng mệnh lệnh:
– Ta nay lệnh cho các tướng chia hai đường thuỷ bộ thẳng tiến tới phá trại địch. Binh lính Hán triều xâm phạm đất đai của người phương Nam chúng ta, giày xéo mồ mả tổ tiên ta chúng tất phải bị đuổi về nước chúng. Khi giáp trận, quân Hán tất bại, ta hãy chia binh gây thanh thế đuổi chúng là đủ. Giặc thua chạy cùng đường, quân ta không được tàn sát đuổi tận giết tuyệt. Chúng vỡ chạy càng khiến viện binh của Trần Bảo không còn lòng dạ nào mà chiến đấu nữa.

Chúng tướng rạ ran nhất tề lên voi ngựa, chiến thuyền thuỷ bộ nhằm trại Bắc quân Hán thẳng tiến.

Cũng giờ khắc đó, ba mặt thành Đại La, tiếng chiêng trống, tiếng voi gầm ngựa hí nổi lên ầm ầm.

Đại quân của Dương Đình Nghệ dẫn đầu là đội voi chiến do Ngô Quyền chỉ huy xốc thẳng tới phía trước ải luỹ trại quân Hán phía bờ bắc. Đám voi chiến sau nhiều lần giày xéo quân Hán tỏ ra vô cùng hăng máu cứ nhìn đám cờ Hán mà xông thẳng vào.

Trại quân Hán, luôn mấy trận thua binh còn chưa biết tiến thoái ra sao chỉ biết đóng chặt cửa trại chờ viện binh của Trần Bảo đến cứu. Đang khi quân cứu viện còn chưa đến, bỗng đâu bốn mặt lửa khói ngút trời, ba quân thuỷ bộ Ái Châu, Đằng Châu như từ trên trời rơi xuống, từ dưới lòng sông chui lên ầm ầm kéo đến. Mấy chục chiến thuyền của Phạm Bạch Hổ áp sát trại giặc nhất tề vung cần máy bắn đá giáng bão táp vào giữa trại giặc khiến chúng kêu khóc như ri. Đám quân Hán toan liều chết xuống vài mươi chiếc thuyền vỡ nát chạy trốn sang bên kia sông không còn kịp nữa. Những đoạn cầu phao bắc dở trên mặt sông sau vài loạt đạn đá đã chìm nghỉm xuống nước sông ngầu đỏ. Trên bờ, cảnh tượng còn kinh hoàng hơn. Đội voi chiến trăm con gầm rống phá toang cổng trại xông thẳng vào chính giữa vừa bắn tên lửa đốt trại vừa nhất loạt xạ tiễn. Trên bành voi chiến, Ngô Quyền như tướng nhà trời giáp trụ loé sáng vung từng chặp lao đồng vào đám quân Hán khiến chúng chết như ngả rạ. Quân Hán vỡ trận, lại không có tướng giỏi chỉ huy, sau nửa khắc chống đỡ yếu ớt đua nhau quăng giáp cướp ngựa mạnh ai nấy chạy về phía Bắc. Phía sau, theo mệnh lệnh của Dương Đình Nghệ, binh tướng Ái Châu chỉ thúc trống đồng trống cái xua đuổi đám tàn quân. Quân Ái Châu bắt được ngựa chiến áo giáp, gươm giáo nhiều vô số kể. Khi điểm lại binh mã thuỷ bộ sau trận thắng lớn mặt trời con chưa lên quá con sào. Lý Tiến ở trong thành Đại La và đại tướng Trần Bảo đang hành binh cứu viện chắc chắn không thể ngờ được chỉ hơn một canh giờ, trại lớn phía bắc đã hoàn toàn bị xoá sổ, hơn vạn binh mã kẻ quẳng giáp người mất ngựa thương vong sót lại được hai ba nghìn ôm đầu máu lủi thủi nhằm phương Bắc vừa chạy vừa ngóng đợi viện binh.

Dương Đình Nghệ hạ lệnh phá dỡ trại giặc, lại cho người vào các vùng lân cận tìm dân chúng tới lấy lại gỗ đá đình chùa nhà cửa mà đám quân Hán cướp về làm trại. Dương công cùng các tướng đem voi ngựa giúp các vị bô lão và dân chúng chuyên chở những thứ bị quân Hán lùng cướp.

Đến quá buổi chiều, Dương công hạ lệnh binh sĩ chia hai đường thuỷ bộ lui về bến Giang Biên hạ trại. Bịn rịn chia tay các vị bô lão hương thôn, Dương Đình Nghệ cảm động hứa sẽ sớm đánh tan quân Hán lấy lại La thành để muôn dân an hưởng thái bình.

Trong ngày hôm đó, khi Lý Tiến được cấp báo phía trại bờ bắc lửa cháy ngút trời sắp vỡ, họ Lý hoảng sợ chưa biết ứng phó ra sao cũng là lúc ba mặt thành Đại La tiếng voi ngựa ầm ầm, giặc cỏ xông tới trước cổng thành khiêu chiến.

Phía cổng bắc, tinh binh mãnh tướng Phong Châu kéo đến đông nghịt. Dẫn đầu đám quân phá thành là vị tướng oai phong mấy hôm trước đuổi giết lũ Độc Toàn Chân tới tận chân thành. Binh tướng Phong Châu sử dụng những thang mây lớn quăng móc lên mặt thành bất kể tên đạn, gỗ đã lăn xuống như mưa. Các dũng sĩ Phong Châu tay cầm khiên lớn, hông dắt mã tấu sắc lẻm đua nhau tiến sát chân thành khí thế rất hăng. Lý Tiến vội vã sai hổ tướng Lý Phục và Độc Toàn Chân đem năm nghìn binh lính tử chiến nơi cổng thành phía bắc không để cho quân Phong Châu lên được mặt thành. Đến giữa trưa, khi quân Phong Châu và binh lính các mặt thành đều rút ra ngoài ngưng chiến Lý Tiến mới biết đại binh của Dương Đình Nghệ đêm trước đã qua sông đại thắng bắt giết hơn vạn binh lính Hán triều nơi bờ bắc. Lý Tiến ngã phịch xuống ngay trướng hổ miệng hộc máu tươi tả hữu xông vào cứu mãi mới gượng dậy được. Độc Toàn Chân cùng Lý Phục chia binh đóng chặt bốn mặt cổng thành.

*

Đây nói chuyện viện binh của đại tướng Trần Bảo vâng mệnh Hán đế xuống La thành cứu Lý Tiến.

Trần Bảo vốn là tướng yêu của Hán đế Lưu Cung từng theo xa giá nam chinh bắc chiến đã hàng chục năm nổi tiếng là một tướng lão luyện. Họ Trần vốn rất giỏi kỵ binh, thường chỉ cần vài trăm kỵ đã dám tung hoành trong chốn muôn tên nghìn giáo như vào chỗ không người. Hán đế vốn định dùng họ Trần đem đại binh chống giữ với binh tướng nhà Hậu Lương song nghe lời tể tướng Tô Chương bèn cho viên tướng yêu xuống Giao Châu dẹp giặc cỏ. Trần Bảo vẫn biết Giao Châu là nơi lầy lội, đầm nước ao hồ nối nhau không dứt, không phải chỗ để dụng kỵ binh nhưng mệnh thiên tử không thể cưỡng. Họ Trần cũng quá hiểu thực lực của giặc cỏ không phải nằm trong mấy tờ biểu tấu mà lũ man di đều là những tinh binh mãnh tướng từng nhiều phen khiến quân Hán ôm đầu máu bại trận. Luận về binh thư chiến giáp, xưa nay vùng đất phương Nam không thiếu anh hùng dư sức đánh bại các danh tướng phương Bắc. Càng ngẫm ngợi trong lúc hành binh, Trần Bảo không khỏi nén dạ thở dài. Cuộc đời tướng soái trên sa trường vó ngựa bọc thây nào có sá gì, nhưng vạn nhất chết ở nơi lầy lội khuất nẻo phương Nam cũng chẳng ra thể thống gì. Họ Trần đời đời làm tướng soái càng khiến chủ tướng Trần Bảo ôm mối quan hoài trong cuộc hành binh.

Đi luôn sáu bảy ngày, khi tiến vào đất Giao Châu người ngựa có phần mệt mỏi, chủ tướng Trần Bảo hạ lệnh tạm dừng chân để binh sĩ được nghỉ ngơi cũng là lúc đám tàn quân Hán người không áo giáp ngựa chẳng yên cương lôi thôi lếch thếch quỳ xuống xin chịu tội.
Để làm nghiêm lòng quân, Trần Bảo cho đem chém mấy viên tướng bại trận đồng thời tra hỏi cẩn thận binh lực của giặc cỏ Giao Châu. Nắm xét mọi tình hình xong, để quân sĩ nghỉ ngơi nửa ngày, Trần Bảo không dám chậm trễ cùng các tướng gấp rút tiến thẳng xuống vùng Giang Biên đối diện La thành. Khi còn cách bến Giang Biên mười dặm họ Trần hạ lệnh toàn quân chia thành ba đội lớn hạ trại.

*

Sau khi đại phá trại giặc nơi bờ bắc sông Cái, Dương Đình Nghệ theo hai đường thuỷ bộ kéo về bến Giang Biên chỉnh đốn binh mã, quân lương, thuyền bè. Kịp vừa lúc hai chục thuyền vận chuyển lương thảo, khí cụ, đạn đá từ Đằng Châu tới bến Giang Biên. Ngay sau buổi bị đạn đá của Độc Toàn Chân phá tan bảy thuyền lương, thấy rõ sự lợi hại của đạn đá trên chiến thuyền, Phạm Bạch Hổ đã cho người về xin với Phạm Lệnh Công gấp rút điều tiết lương thảo, nhất là đạn đá để đánh trận. Trong trận đại phá trại giặc, uy lực của đạn đá trên các chiến thuyền là rất lớn. Chúng khiến binh tướng Hán khiếp sợ vỡ trận như ong vỡ tổ làm mồi cho đám voi chiến giày xéo.

Có được hơn mười thuyền đạn đá, Dương Đình Nghệ mừng lắm. Dương công lập tức cho vận chuyển từng cơ số đạn lên các chiến thuyền.

Phạm Bạch Hổ từ chiếc soái thuyền lên bờ thi lễ nói với Dương công:
– Bẩm Dương công! Hôm trước, đạn đá của Độc Toàn Chân phá vỡ thuyền lương Đằng Châu, mạt tướng đã sớm quyết định phải có nhiều đạn đá kịp thời đánh trận mới dễ bề thủ thắng. May nhờ gia phụ sớm định kế cho tiếp viện quân lương. Có binh khí này mai kia ta dùng để bắn quân Trần Bảo.

Dương Đình Nghệ tươi cười nói:
– Quân ta mấy lần đại thắng đều nhờ vào sức lực và trí tuệ của binh tướng Đằng Châu. Mới thấy rằng, Phạm công trù tính sâu xa, đội chiến thuyền là thượng sách đánh giặc Bắc. Dưới lòng sông có thể vừa khống chế vừa chia cắt chúng. Trên bãi cạn có thể dùng đạn đá phá trại để voi ngựa Ái Châu dễ bề thủ thắng. Quả là trời giúp chúng ta.

Sau khi tiếp nhận lương thảo cùng vài trăm sọt đạn đá, Phạm Bạch Hổ lập tức mệnh lệnh cho tướng chuyển lương ngay trong đêm thuận nước xuôi dòng xuống Đằng Châu lấy thêm đạn đá phòng khi dùng đến. Viên tướng vội vái chào chủ tướng cùng các thuyền mau chóng xuôi dòng khuất dạng.

Nhìn đám thuyền lương nhẹ lướt trên dòng sông mênh mang sóng vỗ thoáng chốc đã lẫn hút về tận cuối chân trời, Dương Đình Nghệ nghiêm trang nói với Phạm Bạch Hổ:
– Phạm tướng quân! Trận này, nhất định quân ta sẽ đại thắng.

*

Đây nói tiếp chuyện Lý Tiến trong thành Đại La.
Nhận được tin đại tướng Trần Bảo vâng mệnh Hán đế Lưu Cung đem hơn ba vạn tinh binh đã xuống hạ trại cách Giang Biên mười dặm Lý Tiến vội cho triệu Độc Toàn Chân vào đại điện bàn kế. Mấy ngày liên tiếp, biết là đã trúng kế của Dương Đình Nghệ để họ Dương đưa hàng vạn binh tướng voi ngựa qua sông phá tan trại nơi bờ Bắc khiến viện binh chưa đến đã kinh hãi. Họ Dương đã cùng các tinh binh mãnh tướng từng bước dắt mũi Lý Tiến dẫu binh lực còn nhiều mà đành thúc thủ trong toà cô thành tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, nơi cửa Bắc thành Đại La, binh tướng Phong Châu không ngày nào không hò reo thách đánh. Viên chủ tướng Phong Châu ranh mãnh chia quân làm kế hư thực khắp nơi khiến Lý Tiến càng thêm rối bời. Họ Lý thấy trước cơ sự tuy có viện binh thực chẳng sáng sủa gì. Muốn bỏ thành qua sông hợp binh với Trần Bảo cũng không được. Thuyền bè chẳng có. Rục rịch sang sông tất bị thuỷ binh Đằng Châu vây chặt. Trần Bảo dẫu có là danh tướng cũng không thể mọc cánh mà bay vào thành Đại La. Hàng ngàn kỵ binh phương Bắc nay đóng trại nơi bờ sông lầy lội càng không phải là kế vẹn toàn.

Luôn mấy hôm, Dương Đình Nghệ chỉ cho giữ vững cửa trại, thao luyện thủy binh ngay trước mũi Trần Bảo. Càng nghĩ, Lý Tiến càng bồn chồn không yên. Họ Lý như thấy trước vận mệnh đen tối của mình.

Đang suy nghĩ miên man, bỗng có Độc Toàn Chân vào bẩm báo:
– Bẩm chúa công! Nay đại binh Hán triều đã đến tất sẽ cầm chân toàn bộ tinh binh mãnh tướng của giặc cỏ bến Giang Biên. Ta nên chăng đưa binh ra quyết chiến nơi cửa Bắc tiêu diệt lũ Kiều Công Tiễn để bớt đi mối lo về sau cũng là giảm áp lực giặc cỏ vây thành. Mong chúa công sớm định liệu.

Lý Tiến trầm ngâm một lát mới nói:
– Tâm sự của tướng quân ta hoàn toàn biết được, song có nỗi khổ là nếu ta tiến binh ra ngoài thành mười phần thất lợi đến sáu bày phần. Đây là đất chúng, khi cần đánh chúng lại lẩn như trạch, khi binh ta muốn giao phong chúng trốn chui trốn lủi vào rừng rậm đầm lầy để đến lúc ta mỏi mệt chán nản mới quây vào như đỉa muỗi mà quấy phá quân ta. Mấy lần ta bại binh đều là do thuỷ quân của chúng xuất quỷ nhập thần khi thì đốt thuyền bè doanh trại khi thì dùng máy bắn đá nhất tề phá vỡ ải luỹ của ta. Giặc cỏ chiến thuyền trên sông có đến hơn trăm chiếc, nếu ta xuất binh khỏi thành giặc kia nhất tề lên bờ đánh úp dẫu Trần tướng quân có mọc cánh sang kịp ta cũng chắc chắn chuốc lấy bại vong. Nay chỉ còn chờ vào việc Trần tướng quân đánh bại giặc cỏ bên kia sông, phá hết chiến thuyền của chúng ta mới có thể thủ thắng được.

Độc Toàn Chân thấy Lý Tiến tính toán trước sau như thế không còn gì nói bèn lủi thủi lui về quân doanh. Họ Độc đã cảm thấy sợi dây thòng lọng siết sâu vào cổ họng không còn đường sống. Xưa kia, dẫu là Khúc Hạo hay Khúc Thừa Mỹ xưng Tiết độ sứ trị nhậm Giao Châu đều mười phần nể mặt Độc Toàn Chân đến bảy tám phần. Tổ tông của họ Khúc cũng là được thứ sử Giao Châu Độc Cô Tồn nhiều lần giúp đỡ mới có được thực lực quản hạt Giao Châu. Họ Khúc khu xử mềm mại với đám thương nhân người Hán, mặc sức để Độc Toàn Chân làm ăn nơi Đại La thành. Đang yên đang lành, ngờ đâu Khúc Thừa Mỹ đem lòng dạ khác muốn thờ hai chúa rước hoạ vào thân mới có thảm cảnh hôm nay. Nay họ Độc ta, gia sản xung quân hết, những là gia nhân gia thần đều như cá nằm trên thớt, đợi ngày các bộ tướng của họ Khúc nhập thành tận diệt. Chao ôi! Cái hoạ chiến tranh khi đã tự rước vào mười phần thì mười phần là tự diệt thân vậy. Vừa nghĩ, Độc Toàn Chân vừa cám cảnh thương cho dòng họ Độc chẳng may sắp tuyệt tự nơi vùng đất phương Nam.

*

Đây nói tiếp chuyện Trần Bảo cùng binh tướng chống nhau với đại binh của Dương Đình Nghệ nơi bến Giang Biên.

Luôn mấy hôm không thấy voi ngựa của Dương Đình Nghệ tới khiêu chiến, Trần Bảo cùng các tướng cũng không dám manh động xuất binh. Biết được mấy trận thua binh của quân Hán đều là do khinh suất liều mạng qua sông, lại bị thuỷ bộ hai mặt giặc cỏ nửa đêm dùng hoả công đốt giết, Trần Bảo cảnh giác cho quân thám thính dọc khắp bờ bãi ven sông. Phàm là lau lách cây cối đều cho chặt phá sạch. Phàm là nhà cửa dân cư đều đuổi dài đến mấy dặm. Ba trại lớn của Trần Bảo hạ theo thế liên hoàn trước sau ứng cứu rất nghiêm ngặt. Họ Trần lại cho binh lính đi dọc triền sông gom góp các thuyền nhỏ, thuyền vỡ nát khôi phục lại giả như có ý sẽ vượt sông. Quân Hán còn chặt tre đóng bè neo buộc khắp các bờ bãi vừa để phòng khi thuỷ quân của Phạm Bạch Hổ kéo đến sẽ thả bè cản chiến thuyền. Đại binh Hán triều, nhất là đám kỵ binh nhiều ngày không được xung trận tỏ vẻ bồn chồn nóng giận.

Phía đại quân của Dương Đình Nghệ, sau trận thắng lớn lòng quân dâng lên rất cao. Dương Đình Nghệ được các bô lão hương thôn trong vùng đem thóc gạo, trâu bò đến khao quân. Luôn mấy hôm, Dương công cùng hai tướng Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ ân cần tiếp các vị phụ lão hẹn ngày đại thắng quân Hán. Có cụ bô lão vùng Chu Diên cùng đám tráng đinh chở đến năm sáu thuyền cam bưởi đã chín vàng để khao quân mừng đến nỗi chân tay díu lại, khuôn mặt già khắc khổ rơi những giọt lệ.

Một cụ chạc hơn bảy mươi tuổi ân cần nắm tay Dương công nói:
– Nước ta từ thượng cổ luôn bị bọn người phương Bắc đè nén kìm kẹp. Nay Dương công hãy vì muôn dân mà đánh đuổi chúng đi lão đây chết mới nhắm mắt được.

Dương Đình Nghệ xúc động còn chưa nói lên lời lại có một cụ bô lão râu trắng như cước vùng sông nước Màn Trù đem đến ba thuyền cá đầy để khao quân níu vai Dương công mừng rỡ nói:
– Ta sống đã gần tám mươi tuổi chưa từng được thấy binh lính người phương Nam chúng ta mạnh mẽ oai phong như thế này bao giờ. Dương công nhất định phải lấy lại thành Đại La để lão hủ đây còn được vào kinh thành dâng hương tiên tổ.

Ngô Quyền cùng Phạm Bạch Hổ vội đỡ các vị lão trượng vào quân doanh nghỉ ngơi, ân cần thăm hỏi, xin thu nhận sản vật khao quân đâu vào đấy lại cử người đưa các vị lão trượng cùng tráng đinh về bản quán để tiện việc quân.

Xong xuôi mọi chuyện, Dương Đình Nghệ cho gọi các tướng vào thương nghị. Dương công thong thả nói:
– Viện binh Trần Bảo luôn mấy hôm không ra đánh quân ta, ta cũng tạm cho quân ngơi nghỉ. Trận quyết chiến bến Giang Biên này ta phải đánh cho Trần Bảo không còn manh giáp để Hán đế Lưu Cung thấy được uy phong của người phương Nam chúng ta. Lý Tiến như cá nằm trên thớt ta không phải bàn đến làm gì, cứ để Kiều Công Tiễn vây thành là đủ. Mai kia Trần Bảo bại binh, Lý Tiến chỉ còn nước xin hàng giữ mạng về phương Bắc mà thôi. Đánh trận lớn này, các tướng có cao kiến gì không?

Lời Dương công vừa dứt, Phạm Bạch Hổ đĩnh đạc đứng ra thưa:
– Bẩm Dương công! Viện binh của Trần Bảo và binh tướng của ta tuy quân số ngang nhau song giặc Bắc sẽ tất bại. Chúng có năm điều tất bại. Giặc kia bất chấp thuỷ thổ, rời bỏ sở trường, dám đưa ngựa Bắc xuống phương Nam tranh hùng là một điều tất bại. Trần Bảo thân làm chủ tướng chỉ vì mệnh vua chứ bản thân không hề muốn chinh chiến phương Nam, trong lòng ôm chứa nhiều điều u uất là hai điều tất bại. Dương công sớm đưa voi ngựa qua sông phá tan trại giặc tiền phương đón chúng khiến chúng khiếp sợ trong lòng là ba điều tất bại. Lý Tiến rụt rè sợ sệt, thủy quân tan tác không thể liên lạc được với viện binh là bốn điều tất bại. Xưa nay, người phương Bắc hành binh xuống phương Nam đều không thuận lẽ trời là năm điều tất bại.

Lời Phạm Bạch Hổ như lời kể tội lũ giặc phương Bắc khiến mọi người đều vô cùng xúc động càng cảm thấy sự chân thành hào sảng của vị tướng họ Phạm. Lời còn chưa dứt, Ngô Quyền xuất ban đứng ra thưa:
– Bẩm nhạc gia! Thưa các vị tướng quân! Tiểu tướng xin được nói năm điều tất thắng của đại binh ta. Quân ta trên dưới một lòng, nhất hô bá ứng, những phen vào sinh ra tử đều không quản sinh mệnh của mình vì đất đai mồ mả tiên tổ người phương Nam mà đánh giặc là một điều tất thắng. Nay đại binh sang sông, muôn dân hướng về mang đến cho thóc gạo trâu bò mong ngày đuổi giặc là thuận lẽ trời là hai điều tất thắng. Binh tướng Ái Châu, Đằng Châu, Phong Châu, thuỷ bộ liên hoàn, đồng tâm đồng sức giết giặc lập công, khí thế muôn người như một là ba điều tất thắng. Dương công thân làm soái tướng, vì đại nghĩa xuất binh để rửa nhục cho nước, khơi lại giềng mối bình an cho dân trời-người đều cảm động là bốn điều tất thắng. Binh tướng Hán trong ngoài La thành đi đến đâu đều hung dữ cướp phá khiến muôn dân đồ thán oán hận không dứt. Đại binh ta đi đến đâu đều mở lượng hiếu sinh, ân cần với hương thôn phụ lão, giúp dập muôn dân dựng lại nhà cửa đền miếu khiến lòng dân theo về là năm điều tất thắng. Có được năm điều này, dẫu Hán đế Lưu Cung đem hùng binh xuống phương Nam tất cũng đại bại để lại mối nhục ngàn năm.

Dương Đình Nghệ cùng các tướng nghe những lời như lời hịch của Ngô tướng quân trong lòng vô cùng xúc động, có người nước mắt rịn ra. Ai ai cũng như muốn lập tức lên đường đánh giặc.

Dương Đình Nghệ để cho mọi người bớt xúc động mới trang nghiêm nói:
– Phạm tướng quân! Ngô tướng quân! Các tướng quả đã nói đến tận gan ruột của ta, của ba quân tướng sĩ. Nay ta mệnh lệnh sáng sớm mai toàn quân lên đường phá giặc. Thuỷ binh, tượng binh, kỵ binh, bộ binh nhất loạt chia làm năm mũi tiến thẳng vào trại giặc. Ta thề trận này sẽ phá tan đại binh Hán triều, giết chết Trần Bảo, để nhà Hán không bao giờ dám nhòm ngó xuống Giao Châu nữa.

Các tướng phụng lệnh dạ ran mau chóng ai về trại nấy chuẩn bị cho buổi xuất binh.

*

Bến Giang Biên mờ sáng hôm sau.
Trên sông, hơn trăm chiến thuyền xếp thành đội ngũ nhằm thẳng phía trại lớn quân Trần Bảo nơi bờ Bắc tiến đến. Trên thuyền im phăng phắc, không hề có tiếng chiêng trống, chỉ tiếng mái chèo ăn nước phầm phập. Đội hình kéo dài đến nửa dặm bề ngoài khá lặng lẽ như đoàn thuyền buôn đông đúc nhưng bên trong ẩn tàng những sấm sét sắp sửa giáng xuống đầu quân Hán.

Nơi bãi sông, Ngô Quyền cho toàn quân xuất binh. Đội tượng binh một trăm thớt voi chia làm hai cánh mỗi cánh có năm ngàn bộ binh theo sau khí thế rất lẫm liệt. Ngô tướng quân lại cho kỵ binh chia ra làm ba đội theo đường vòng xuất phát trước sớm vây bọc các trại lớn của quân Hán. Đích thân Dương Đình Nghệ ngồi trên bành voi xung trận khiến khí thế quân Ái Châu, Đằng Châu vô cùng hăng hái.

Đại quân của Dương Đình Nghệ tiến tới gần sát ba trại lớn của viện binh Trần Bảo mà đám quân tướng người Hán vẫn chưa hề hay biết. Luôn mấy hôm, chưa có kế sách tiến thủ gì, Trần Bảo chỉ biết án binh bất động cố thủ trong quân doanh chờ đợi thời cơ.

Khi các đạo quân bộ đã áp sát ba trại lớn quân Hán cũng là lúc hơn trăm chiến thuyền của Phạm Bạch Hổ nhất tề quay ngang đội hình dàn trận.

Ùng… ùng… ùng…

Ba tiếng nổ cực lớn vang lên làm hiệu lệnh. Khi binh tướng Hán triều nơi trại lớn gần mép sông trong màn sương mù lãng đãng còn chưa hiểu chuyện gì thì một trận mưa đạn đá bất thần đổ sầm sập vào khắp quân doanh. Phạm Bạch Hổ dàn hàng ngang chiến thuyền áp sát bờ Bắc hổi hả thúc quân bắn đạn đá ầm ầm vào trại giặc. Tiếng kêu khóc rên la âm i náo loạn cả một khúc bãi sông. Từng lớp gỗ đá doanh trại bắn tung lên hoà vào máu thịt người ngựa quân Hán vô số kể. Trại quân Hán mau chóng vỡ nát cháy nổ rất khủng khiếp. Binh lính Hán người không kịp mặc giáp, ngựa không kịp thắng yên cương tranh nhau tìm đường thoát ra khỏi tầm bắn của đạn đá cũng là lúc trên bành voi chủ tướng Dương Đình Nghệ cho nổ pháo tay nhất tề ném vào trại giặc. Quân Hán vừa thoát khỏi tầm đạn đá gặp ngay đám voi chiến xông thẳng vào giày xéo hồn bay phách tán tháo chạy kêu khóc rất thảm thiết.

Nhận được tin trại lớn nơi bờ sông đã bị binh tướng Dương Đình Nghệ ba mặt giáp công đánh giết vỡ tan, Trần Bảo cùng đám tuỳ tướng nơi trại trung tâm vội vã lên ngựa cự địch cũng là lúc đội voi chiến thứ hai năm mươi thớt do Ngô Quyền chỉ huy đã xộc thẳng xuống trước cửa trại.

Trên bành voi, thoáng thấy đám binh tướng người Hán, Ngô Quyền hét lớn:
– Tướng giặc Trần Bảo mau xuống ngựa chịu trói!

Ba quân bốn phía đồng thanh hô lớn:
– Trần Bảo mau xuống ngựa chịu trói!

Lời quân chưa dứt, muôn tên đã vèo vèo bay về phía đám kỵ binh quân Hán. Trần Bảo luống cuống quành ngựa gạt tên cùng đám tuỳ tướng xông bừa ra phía trước quyết phá vòng vây. Các tướng người Hán bất chấp trận mưa tên ào theo chủ tướng đánh thốc về phía doanh trại phía xa còn chưa bị tập kích hòng thu nhận binh tướng quay lại quyết chiến. Binh lính Hán thấy chủ tướng tháo chạy cũng đua nhau bỏ trại kẻ tìm ngựa người quẳng giáp ào theo. Ngô Quyền lập tức xua voi truy kích. Phía sau, đám bộ binh Ái Châu ào lên chém giết bắt sống quân Hán vô số kể. Dưới bờ sông, sau khi phá nát doanh trại quân Hán, Phạm Bạch Hổ cùng các dũng sĩ Đằng Châu nai nịt gọn gàng nhất tề bỏ thuyền lên bộ khí thế rất mạnh mẽ.

Chưa đầy nửa canh giờ, hai trại lớn của Trần Bảo chỉ còn trơ lại những lều bạt gỗ đá cháy nham nhở cùng hàng ngàn xác người ngựa xương thịt lẫn vào nhau thê thảm.

Trong tiếng chiêng trống ầm ầm, tiếng ngựa hí voi gầm trời long đất nở, quân Hán như ong vỡ tổ đầu đuôi không cứu được nhau, binh tướng bị chia cắt, người ngựa bị trăm thớt voi giày xéo rất thảm thương. Khi đám tàn binh rút được về trại Bắc cũng là lúc vòng vây của quân Ái Châu, Đằng Châu siết chặt. Trong cơn hoảng loạn, Trần Bảo vừa thoát vào trong trại lại lật đật lên yên ngựa bảo các tướng:
– Ta chinh chiến đã nhiều mà chưa thấy quân nào dũng mãnh thiện chiến như giặc cỏ ở đây. Nay các ngươi muốn sống hãy theo ta mở đường máu rút về phương Bắc may ra còn kịp.

Lời họ Trần còn chưa dứt bỗng hai bên phía sau quân doanh, tiếng pháo lệnh nổ vang, tiếng cồng chiêng ầm ầm, hai đội kỵ binh quân Ái Châu như từ trên trời rơi xuống hò reo đánh thẳng vào trại. Trần Bảo kinh hãi giật cương ngựa lao thẳng ra phía trước đã thấy cờ xí ngợp trời, chiêng trống dồn vang, bốn mặt quân Ái Châu, Đằng Châu sát khí xung thiên xông thẳng về phía quân Hán hò reo chém giết. Trên bành voi, Dương Đình Nghệ trỏ vào Trần Bảo mắng lớn:
– Tướng giặc kia, ngươi còn chưa chịu xuống ngựa đầu hàng hay sao?

Trần Bảo vội cùng đám tùy tướng quành ngựa sang hướng khác bỗng lại thấy một đội voi chiến sầm sập kéo đến, trên lưng voi là viên đại tướng oai phong lẫm liệt trỏ thẳng vào họ Trần thét:
– Trần Bảo! Ngươi mạng vong ở đất Giang Biên này rồi!

Chưa dứt lời thét, cánh tay Ngô tướng quân liên tiếp vung những ngọn lao đồng về phía đám tuỳ tướng đang che chắn cho Trần Bảo. Những tiếng kêu rú lên man dại. Người ngựa phọt máu đổ nhào như núi đổ. Trần Bảo còn chưa biết trốn chạy vào đâu bỗng trận mưa tên ập xuống. Thương thay đại tướng Trần Bảo vâng mệnh Hán đế Lưu Cung thảo phạt phương Nam còn chưa đến được Đại La thành đã vong mạng nơi bến Giang Biên.

1. Ngô Vương: Hồi thứ nhất – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
2. Ngô Vương: Hồi thứ hai – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
3. Ngô Vương: Hồi thứ ba – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
4.
Ngô Vương: Hồi thứ bốn – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
5. Ngô Vương – một mô hình tiểu thuyết lịch sử