Ngô Vương: Hồi thứ nhất – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai

871

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bấy giờ, khoảng những năm cuối nhà Đường, triều chính ngày một suy vi, giặc cướp phiên trấn nổi lên khắp nơi, các Tiết độ sứ tranh giành quyền lực, đất đai, đánh nhau triền miên không dứt.

 

 “…Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”

HỒI THỨ NHẤT

Dương Đình Nghệ thân chinh Bắc phạt
Lý Khắc Chính binh bại Giao Châu

Bấy giờ, khoảng những năm cuối nhà Đường, triều chính ngày một suy vi, giặc cướp phiên trấn nổi lên khắp nơi, các Tiết độ sứ tranh giành quyền lực, đất đai, đánh nhau triền miên không dứt. Đường triều dần rơi vào thế tự diệt vong, các trung thần, lương tướng theo nhau bỏ đi cả. Các vùng đất triều đình cai quản nay hoang phế quyền lực. Khắp nơi, các thổ hào, tù trưởng, hào trưởng, châu mục cát cứ xưng hùng miên man không dứt. Đến khi nhà Đường dứt hẳn (907), Chu Ôn, một Tiết độ sứ hùng mạnh, sau khi thảo phạt các vùng Hà Nam, Thiên Bình, Thái Ninh, Phượng Tường đột ngột về kinh sư trấn áp triều thần, ép Đường Ai Đế thoái vị, tự lập nên nhà Hậu Lương, bắt đầu cuộc đại loạn Ngũ đại thập quốc nồi da xáo thịt nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Cũng thời gian ấy, Tiết độ sứ Quảng Châu là Lưu Cung, một anh hùng hào kiệt đầy thế lực trưng tập binh lương, xây thành đắp luỹ xưng vua, lập nên nhà Nam Hán, chống nhau với nhà Hậu Lương của Chu Ôn hàng chục năm trời. Muôn dân trong ngoài cõi Trung Nguyên ngày càng lầm than trong biển lửa chiến tranh không dứt.

Ở Giao Châu, nhân Trung Nguyên nội loạn, nhà Đường diệt vong, thổ hào địa phương các nơi nổi lên đánh đuổi quan quân nhà Đường về nước. Trong những thổ hào, nổi trội nhất là Khúc Thừa Dụ với tài năng và binh lực hùng mạnh đã đánh đuổi quân tướng nhà Đường, chiếm giữ phủ thành Đại La, tự xưng là Tiết độ sứ. Năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, người con là Khúc Hạo nối nghiệp cha trấn nhậm Giao Châu, xây thành đắp lũy, sắp đặt binh lương tính kế lâu dài. Khi ấy, có người hiến kế cho Khúc Hạo sai con là Khúc Thừa Mỹ làm sứ sang nhà Nam Hán để dò xét thực hư. Khúc Thừa Mỹ vốn có nhiều toan tính, vài năm sau, khi kế nghiệp cha đã ngầm cho người sang Biện Kinh lĩnh Tiết việt của nhà Hậu Lương. Mọi việc chẳng may đến tai Lưu Cung, vua Nam Hán nổi giận đùng đùng, cho rằng họ Khúc ăn ở hai lòng, cũng là lúc đám đại thần xui đánh chiếm Giao Châu, thiết lập sự cai quản của nhà Nam Hán, vơ vét tài vật phương Nam. Lưu Nhiễm nghe theo, tức tốc cử đại tướng Lý Khắc Chính đem năm vạn binh mã xuống hỏi tội Khúc Thừa Mỹ. Quân Nam Hán đi tới đâu tàn sát cướp bóc muôn dân tới đó rất thảm khốc. Quân tướng của Khúc Thừa Mỹ chống đỡ không nổi, thua trận liên miên. Đại La thất thủ. Bản thân Khúc Thừa Mỹ bị bắt đóng cũi đưa về Phiên Ngung xử tội. Giao Châu trong sớm tối lại bị cai trị dưới sự bạo ngược của nhà Nam Hán phương Bắc.

Trong khoảng thời gian ấy, vùng đất Ái Châu vốn nằm trong sự cai quản của Dương Đình Nghệ, một vị hào trưởng thế lực lớn nhất vùng đồng thời là nha tướng tin cậy của Khúc Hạo. Hào trưởng Dương Đình Nghệ còn kết giao với các hào trưởng, châu mục nổi danh các vùng, đêm ngày luyện binh trữ lương, khẩn hoang lập ấp, chăm dân mở cõi, ngày càng trở nên hùng mạnh, dân tứ xứ theo về rất đông. Trong nhà Dương Đình Nghệ lúc nào cũng dư vài ngàn môn khách, văn thần võ tướng đủ đầy, thóc lúa trăm kho chật ních, ngựa voi ruộng vườn muôn kể, binh lính thuỷ bộ hàng ngàn, chẳng khác nào chúa của một vùng đất vậy. Trong số những anh hùng hào kiệt thường xuyên kết giao với họ Dương phải kể đến Ngô Mân, vị châu mục nổi tiếng vùng đất Đường Lâm và Đinh Công Trứ, vị hào trưởng trẻ tài danh vùng đất Đại Hoàng.

Khi nghe tin Lý Khắc Chính đem năm vạn binh tướng tiến đánh Giao Châu, tuyệt diệt họ Khúc, bắt Khúc Thừa Mỹ đóng cũi đưa về Phiên Ngung xử tội, Dương Đình Nghệ cho mời các thổ hào, châu mục địa phương, các vị bô lão trong vùng, lại cho gọi các gia thần, gia tướng trong đám môn khách về ngôi nhà lớn thủ phủ Ái Châu thượng nghị.

Khi mọi người ai ngồi ghế nấy im phăng phắc, Dương Đình Nghệ đầu chít khăn nhiễu xanh, lưng thắt đai lụa tía khảm bạc, chân đi giày vải thêu phượng, đĩnh đạc đường hoàng cất giọng sang sảng:

– Kinh thưa các bậc lão trượng, các vị huynh đệ đã cùng Dương gia gắn kết buồn vui mấy chục năm qua. Ta mới được tin từ Đại La, bọn Lý Khắc Chính vâng mệnh vua Nam Hán xua binh tướng chiếm đoạt Giao Châu, bắt chúa ta đóng cũi giải về phương Bắc. Ta vốn là bộ tướng của họ Khúc, còn chưa có công lao gì. Mới ngày nào tiên chúa Khúc Hạo mất đi, còn di dặn ta giúp dập tân chúa Khúc Thừa Mỹ. Ta đêm ngày chưa nghĩ ra kế gì để giúp chúa mới đã gặp lúc lũ giặc Bắc đã xuống tay quá nhanh. Tháng trước, vừa được tin Lý Khắc Chính xua binh tướng vào Giao Châu, ta đã định đem binh  lên đường giúp chúa. Binh lương đang cắt đặt chưa kịp lên đường đã được tin chúa thất trận ở Đại La bị Lý Khắc Chính bắt về Phiên Ngung. Lòng ta đau xót căm tức biết là nhường nào. Nay cho triệu mọi người đến, xin được nghe kế tiến thủ để khỏi làm nhục mệnh tiên chúa.

Gian nhà lớn hơn trăm người theo ngôi chủ khách các hàng ghế nghiêm ngắn im phăng phắc. Một lúc, vị hào trưởng họ Đinh vốn được mời đến từ châu Đại Hoàng vượt hơn trăm dặm núi non đứng dậy thủ lễ rồi nói:

– Đinh mỗ ta vốn đã sớm nghe giặc phương Bắc chiếm thành trì, bắt chúa Giao Châu đóng cũi xử tội mà căm phẫn, bèn lập tức đến đây họp bàn với Dương huynh. Hiện tình, giặc kia càn rỡ, chúng cậy ngựa khoẻ binh mạnh, chiếm cứ đất đai thành trì, giết chóc dân ta rất thảm khốc. Lòng dạ tham lam của người phương Bắc chưa bao giờ dứt với người phương Nam. Nay theo ý Đinh mỗ, Dương huynh hãy vì đại nghĩa mà thống suất binh quyền, chọn tướng giỏi, dùng người hiền Bắc tiến một phen. Có lẽ nào chúng ta giương mắt nhìn Lý Khắc Chính kia tàn hại mồ mả đất đai dân chúng Giao Châu?

Lời Đinh Công Trứ còn chưa dứt, một vị lão trượng râu tóc trắng như cước tiến ra cất giọng trầm hùng:

– Lời nói của hào trưởng Đinh Công Trứ thật như từ gan ruột phơi ra vậy. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Ta đây đã sống gần tám mươi tuổi, từ nhỏ đã thấy cái họa phương Bắc là họa ngàn đời. Tiếng là vua chúng phân phong quan tước cho người phương Nam chúng ta, nhưng thực chất ta chỉ làm trâu ngựa cho chúng. Họ Khúc đã mấy đời làm tướng, kiêm quản Giao Châu, giúp dân giúp nước công lao có phải một hai buổi là kể hết được đâu. Tướng quân Khúc Hạo nhiều phen vào tận vùng Hoan Châu, Ái Châu vỗ về dân chúng, giáo hóa lễ nghĩa, bày việc canh cửi tầm tang, trồng cấy, mới có được cuộc sống no đủ. Ái tướng của ngài là Dương công đây một lòng nhân đức, kính trên nhường dưới, mở đất nuôi dân, muôn kế lắng nghe, bốn biển theo về yên ổn đã mười mấy năm nay rồi. Nay họ Khúc lâm nạn, lẽ nào người Ái Châu, Hoan Châu chúng ta không rửa nhục?

Vừa nói, lão trượng vừa để rơi giọt lệ già xuống chòm râu cước trắng khiến mọi người đều xúc động. Lời cụ già vừa dứt, trong các gia tướng, một vị tướng trẻ cao lớn dị thường, mặt mũi khôi ngô, bước ra cất tiếng sang sảng tựa chuông đồng:

– Đinh công nói chí phải! Lão trượng nói chí phải! Theo ngu ý của mạt tướng, giặc Bắc vô đạo xuống chiếm Giao Châu bắt chúa ta đóng cũi giải về đất chúng trời người đều căm hận. Xưa nay, trời đất đã phân phong Nam – Bắc – Đông – Tây, đất nào chúa nấy, chia nhau tự lập tự cường. Cơn cớ gì, lũ giặc Bắc năm lần bảy lượt chiếm đất phá thành phương Nam chúng ta. Thù này tất phải báo. Nhạc phụ hãy mau điểm binh tướng, con nguyện làm tiên phong bắt tên giặc già Lý Khắc Chính để đổi lấy Khúc chúa về làm chủ Giao Châu mới hả được giận này.

Mọi người nhìn kỹ thấy đó chính là Ngô Quyền, vị tướng trẻ cũng là con rể của Dương công luôn rất được họ Dương yêu mến cho theo sát bên mình. Phàm là các việc binh lương sĩ tốt, Dương Đình Nghệ đều giao cho. Các việc mở đất đóng thuyền, săn bắt voi ngựa, trao đổi thóc gạo sắt muối nơi thượng du hạ bạn, vùng sông cửa biển nhất nhất Dương công đều giao phó. Ngô Quyền là con cả của hào trưởng Ngô Mân ở Đường Lâm, vốn là một bậc huynh trưởng của Dương Đình Nghệ từ buổi hai người cùng theo về với Khúc Hạo. Khi Ngô Quyền tròn mười tám tuổi được Dương Đình Nghệ gả con gái yêu cho. Từ đó hai nhà Dương – Ngô ngày càng khăng khít. Ngô Mân được Dương Đình Nghệ tin tưởng kính trọng lắm. Họ Ngô ở châu Đường Lâm là một họ rất có thế lực trong vùng. Ngô châu mục văn võ kiêm thông, bề ngoài hòa nhã, bên trong cương cường. Việc rèn dạy các con, đặc biệt là con trưởng Ngô Quyền hết sức nghiêm khắc. Ngô Quyền khi mới sinh đã có điềm lạ trời ban. Từ đó, châu mục Ngô Mân càng giữ gìn, đêm ngày mời những thầy giỏi về giáo huấn cho con trai cùng đám gia tướng.

Dương Đình Nghệ tươi cười phấn chấn nhìn khắp lượt các bô lão, Đinh Công Trứ và Ngô Quyền. Dương công đứng dậy nói:

– Xin cảm ơn sự chỉ bảo của các vị lão trượng. Ta cảm ơn tấm lòng trung nghĩa của Đinh công. Còn với Quyền nhi, chí khí của con ta hết sức cảm động. Việc tiến binh rửa nhục cho Khúc chúa phải bàn thật kỹ mới được. Lý Khắc Chính là bậc danh tướng của hoàng đế Lưu Cung không phải dễ đánh bại đâu. Chúng vừa thắng lớn, tất sĩ khí còn hăng, binh lực lương thảo đều dồi dào. Nay lại đang mùa mưa bão, thuỷ bộ hai đường tiến ra đất Bắc hỏi tội chúng không phải dễ dàng. Chi bằng ta hãy cho người đem một phong thư giả đến xin hàng. Trước khiến chúng thêm kiêu ngạo khinh suất. Sau là kế tranh thủ thời gian để ta sắp xếp binh lương cho tinh nhuệ mới có thể thủ thắng chúng được.

Mọi người im lặng lắng nghe. Ai cũng thấy được những suy nghĩ sâu xa của Dương công. Xưa nay, bất luận là việc trong nhà hay việc ở ngoài các vùng đất Ái Châu, Hoan Châu được họ Khúc trao quyền kiêm quản, Dương Đình Nghệ đều hết sức thận trọng. Việc lớn việc nhỏ đều trưng tập ý kiến của các gia thần, gia tướng, thỉnh thị các bậc lão trượng rất kỹ lưỡng rồi mới thực thi. Bởi lẽ đó, Ái Châu, Hoan Châu hàng chục năm nay hết sức yên ổn. Cư dân cường thịnh. Lúa gạo trâu bò đầy nhà đầy cửa. Những đội thuyền đi biển đánh bắt hải sản ngày càng đông đúc. Các làng chài, làng rèn, làng mộc, làng muối đêm ngày nhộn nhịp. Muôn dân ai cũng biết ơn công đức của họ Dương. Mấy lần, Khúc chúa thân chinh đến Ái Châu, Hoan Châu đều khen lắm.

Mọi người còn đương lắng nghe như nuốt lấy từng lời, bỗng nhiên một vị gia thần trạc tuổi ngũ tuần, chòm râu đốm bạc dài chấm ngực bước ra nói:

– Dương công! Việc trước mắt kế sách của Dương công sau trước đều vẹn toàn cả. Tại hạ chỉ lo là giặc kia tinh ranh bạo nghịch, nếu không có người giỏi đi dâng thư, chúng tất cho ta là lập kế trá hàng mà đề phòng, việc lớn ắt khó thành. Theo ngu ý của tại hạ, người đưa thư xin hàng tất phải trí dũng gồm đủ, là cật ruột của Dương công mới mong việc thành vậy.

Dương Đình Nghệ nhìn viên gia thần họ Đoàn thầm cảm phục. Đoàn Thành vốn dòng dõi danh tướng Đoàn Kiếm, người từng theo Mai Thúc Loan khởi nghĩa đánh giặc Đường. Về sau, hậu duệ họ Đoàn nhiều đời nối chí cha ông đánh giặc lập công. Cháu nội Đoàn Kiếm là Đoàn Phương vốn từ buổi đầu đã theo phò Phùng Hạp Khanh, kế đến theo Phùng Hưng đánh đuổi giặc Đường giành quyền độc lập cho nước. Từ khi theo về làm gia thần cho họ Dương, Dương Đình Nghệ luôn lắng nghe ý kiến của Đoàn Thành. Họ Đoàn bên trong nho nhã chừng mực, bên ngoài chu tất mọi việc được giao. Đoàn Thành rất có uy trong đám gia thần gia tướng. Họ Đoàn đã quả quyết nói rõ ý mình tức là trong bụng đã có chủ ý tiến cử người đi gặp Lý Khắc Chính rồi.

Dương Đình Nghệ thong thả hỏi:

– Đoàn tiên sinh đã có chủ ý tiến cử người rồi sao?

Đoàn Thành nghiêm trang đáp:

– Thưa Dương công! Kính thưa các bậc lão trượng! Phàm từ trước tới nay, vào hang cọp lừa giặc chỉ có thể dùng trí không dùng sức. Dẫu là vậy, cuộc này người được cử đi phải trí dũng gồm đủ. Trước phải tỏ rõ thiệt hơn để giặc kia cân nhắc lợi hại. Sau phải biết nhún nhường đối đáp chúng để chúng khinh suất kiêu căng. Đối với giặc phương Bắc thời nào cũng vậy, chúng luôn cậy thế thiên triều coi các vùng phiên trấn như cỏ rác mà dọa nạt nhục mạ vô cớ. Nhân cuộc này, ta phải trước lừa giặc sau dạy dỗ cho chúng một bài học mới được.

Đoàn Thành vừa dứt, Đinh Công Trứ tiến ngay ra nói:

– Đoàn tiên sinh! Ta tuy bất tài xin nguyện vì Dương công đem thư tới trại giặc.

Lại một vị tiến ra xin nói. Mọi người trông thì là Ngô Quyền:

– Mạt tướng tuy bất tài xin được thay Đinh công vào trại giặc.

Mọi người nhìn nhau không ai dám nói. Dương Đình Nghệ vội bước đến chỗ Đinh Công Trứ ôn tồn cất giọng:

– Đa tạ Đinh công đã dám vì rửa nhục cho Khúc chúa mà sẵn lòng vào núi đao biển lửa. Song ta nghĩ, Đinh công hãy sớm trở lại châu Đại Hoàng sửa soạn binh tướng thuyền bè để nay mai kéo quân ra hỏi tội Lý Khắc Chính sớm được chu toàn là hơn. Việc này hãy để Quyền nhi thay ta một phen. Lý Khắc Chính vốn là tay lão luyện, sai Quyền nhi đi sẽ khiến y dễ thuận lòng. Huynh trưởng Ngô Mân đời đời thế tập châu Đường Lâm là người danh tiếng, ắt họ Lý kia cũng biết đến. Chẳng phải lũ giặc Bắc ngày đêm mong muốn các châu mục, sách động phương Nam chúng ta thần phục đó sao? Còn như việc viết thư xin hàng, nay ta giao cho tiên sinh Đoàn Thành. Lời lẽ thế nào chắc tiên sinh tự biết.

Mọi người đều thống nhất quyết sách của Dương công. Đoàn Thành chắp tay thủ lễ nghiêm trang nói:

– Tại hạ xin nhận lệnh!

*

Nay nói chuyện Lý Khắc Chính và Lý Tri Thuận ở thành Đại La.

Sau buổi cầm bắt Khúc Thừa Mỹ ở thành Đại La cho đóng cũi giải về Phiên Ngung, Lý Khắc Chính và Lý Tri Thuận chia quân bốn mặt đóng giữ các cửa thành rất nghiêm ngặt. Phàm là những văn thần bộ tướng cũ của Khúc Thừa Mỹ, Lý Khắc Chính đều cho soát xét kỹ lưỡng, kẻ nào chống đối đều giết không tha. Đám người quan quân cũ Đường triều còn sót lại, họ Lý cho mời ra hỏi các việc trị nhậm ở Đại La thành ngày trước rất tỉ mỉ. Trong đám thương nhân nhà Đường buôn bán trong thành đã mấy đời làm ăn giàu mạnh được tiến cử, Độc Toàn Chân, một thương khách nối nghiệp nhà họ Độc từ thời Độc Cô Tồn làm Thái thú Giao Châu được Lý Khắc Chính mời vào tiếp kiến riêng. Họ Lý thừa biết rằng, đám thương khách trong Đại La thành mới thực sự nắm bắt mọi ngóc ngách của quan viên xứ này. Đại La thành tiếng chỉ là thủ phủ trị nhậm vùng đất Giao Châu, song thực chất chẳng khác nào kinh đô của một nước vậy. Họ Khúc kia đã ba đời tự cường làm Tiết độ sứ Giao Châu, hẳn gốc rễ cật ruột còn nhiều, không thể ngày một ngày hai dứt hẳn đi được.

Vừa nghĩ, Lý Khắc Chính vừa nhìn thẳng vào Độc Toàn Chân thong thả vấn an:

– Ta vốn biết Độc huynh nhiều đời buôn bán cường thịnh xứ này. Nay Đường triều khí số đã hết, Hán đế nối nghiệp đại thống, thiên hạ chưa yên. Nay ta vâng mệnh Hán đế, thống suất binh mã thảo phạt Giao Châu, chỉ hỏi tội kẻ nghịch thần họ Khúc, các ngươi không có gì phải sợ. Độc huynh gia thế lẫy lừng, huyền cơ thông suốt, nay có điều gì chỉ giáo cho ta chăng?

Độc Toàn Chân lướt nhìn Lý Khắc Chính. Thấy họ Lý phương phi bệ vệ, tướng mạo oai phong, trong bụng đã thầm phục đến bảy tám phần. Lại thấy giọng điệu khoan hòa có ý thăm dò người cùng nòi giống vừa chân thành vừa sâu sắc bèn lựa lời nói:

– Bẩm Đại tướng quân! Họ Độc chúng tôi xưa nay chỉ biết kiếm miếng cơm manh áo nơi phiên trấn cuối đất cùng trời, không dám có ý gì bàn vào chính sự. Quan gia Độc Cô Tồn ngày trước trị nhậm Giao Châu cũng là vâng chiếu chỉ của Đường triều mà thôi. Họ Độc xưa nay quan – thương rành mạch, việc ai nấy làm, mong Đại tướng quân hiểu cho.

Lý Khắc Chính cười ha hả đứng dậy vỗ vai Độc Toàn Chân:

– Độc huynh đệ! Ngươi nói thế cũng có chỗ còn chưa đúng. Chúng ta cùng nòi giống phương Bắc xuống phương Nam, kẻ chém giết trị nhậm, người buôn bán phát tài, đều là cùng hội cùng thuyền cả. Nay nếu không biết dựa lưng vào nhau, cùng lùi cùng tiến, để bọn giặc cỏ Giao Châu ngóc đầu dậy phản kháng thiên triều, thì chẳng những của cải của ngươi chẳng thể giữ được mà ngay đến cái đầu cũng không còn ở trên cổ đâu.

Độc Toàn Chân toát mồ hôi vội nói:

– Bẩm Đại tướng quân! Độc gia không có ý gì khác ngoài phụng sự cao ý của ngài. Có gì cần sai bảo, Toàn Chân này muôn chết không từ.

Lý Khắc Chính trở lại giọng vỗ về ôn tồn nói:

– Là ta nói vậy thôi. Nơi Đại La thành này, phàm là sinh kế của đám dân chúng, thương nhân, thầy bói, thầy cúng, thầy thuốc, thầy đồ từ nay giao cho ngươi cả. Cứ làm mạnh tay vào. Mọi việc có khó gì, ta sẽ bảo Phó tướng Lý Tri Thuận giúp thêm cho.

Độc Toàn Chân rời khỏi tướng phủ thành Đại La về phố cửa sông cứ thở dài thườn thượt.

*

Nhận được tin báo Dương Đình Nghệ, viên nha tướng của Khúc Thừa Mỹ đang trấn nhậm các vùng đất Ái Châu, Hoan Châu sai con rể là Ngô Quyền dâng thư xin hàng, Lý Khắc Chính cho mời Phó tướng Lý Tri Thuận vào soái phủ. Lý Tri Thuận sau một tuần trà mới thong thả hỏi:

– Chủ tướng cho gọi mạt tướng có gì sai bảo chăng?

– Lý hiền đệ bất tất phải dò hỏi ta. Ta và đệ từ buổi xuống vùng đất chó ăn đá gà ăn sỏi này đã sớm cùng vinh cùng nhục rồi. Triều Nam Hán ta, tiếng là hùng cứ một phương, nhưng suy xét kỹ trước sau đều thọ địch cả. Phía Bắc, Chu Ôn đã chiếm đến sáu bảy phần thiên hạ, xưng thiên tử ngày đêm vây ép hoàng đế ta. Bọn man di mọi rợ phương Nam anh hùng hào kiệt không phải ít. Chúng ta từ ngày vào thành Đại La này, bề ngoài tuy phẳng lặng nhưng bên trong là ngồi trên núi đao biển lửa, chín chết một sống đó thôi. Ta và Lý hiền đệ nếu không chung lưng đấu cật cùng nhau liệu việc ắt là họa đến nơi đấy.

Lý Tri Thuận thấy chủ tướng nói lời gan ruột, bèn cảm động thưa:

– Bẩm Lý huynh, tiểu đệ sau này có được chút công lao gì, phúc phận ra sao đều trông chờ ở Lý huynh cả. Xứ Giao Châu, người phương Bắc chúng ta công thành danh toại nào có mấy ai, mà ôm hận ôm nhục biết bao nhiêu người. Cứ nhìn tấm gương cha con Trương Thuận – Trương Bá Nghi, tiếp đó là An Nam Đô hộ sứ Cao Chính Bình gần đây ắt rõ. Bọn Giao Châu bề ngoài thần phục nhưng bên trong rặt những phường phản loạn khó lường lắm. Mọi việc tiểu đệ nhất nhất nghe theo lệnh huynh.

Lý Khắc Chính ôn tồn nói:

– Ta cho gọi tướng quân là để bàn việc tiếp nhận thư hàng của viên nha tướng Dương Đình Nghệ. Cứ theo chỗ ta biết, họ Dương này không phải tầm thường đâu. Y hiện hùng cứ Ái Châu, Hoan Châu, lại kết giao rộng rãi, được dân chúng yêu mến sẽ càng khó cho ta. Nếu không vì Khúc Thừa Mỹ lắm mộng hồ đồ xin Chu Ôn phong vương tước thì phương Nam này không dễ lấy thế đâu. Nay chúng đến hàng chỉ là bề ngoài, bên trong, chúng tất dùng binh sống chết với ta đó. Ta xin nghe cao ý của tướng quân.

Lý Tri Thuận trầm ngâm một lúc mới nói:

– Bẩm đại tướng quân! Bọn chúng dùng kế Tiên lễ hậu binh. Chúng ta đường đường là nước lớn buộc phải vỗ về chúng. Nay mai, ta sẽ tương kế tựu kế mời tên Dương Đình Nghệ cùng chúng tướng của hắn đến nhận lĩnh tước phong rồi giết sạch một mẻ. Bọn binh tướng Ái Châu, Hoan châu tất như rắn mất đầu mà thần phục đại tướng quân vậy.

Lý Khắc Chính nhìn viên phó tướng nói rõ từng tiếng:

– Cũng chẳng còn kế nào khác. Nay giao cho ngươi tiếp nhận thư hàng rồi chọn ngày lành tháng tốt bảo bọn họ Dương vào Đại La nhận ân thưởng của Hán triều.

Lý Tri Thuận vâng lệnh lui ra.

Sáng hôm sau, Lý Tri Thuận cho sai gọi Ngô Quyền đến dâng thư hàng của Dương Đình Nghệ.

Bên trong tướng phủ, Lý Tri Thuận ngồi oai vệ sau chiếc bàn gỗ lớn bọc da hổ, hai hàng gươm giáo sáng quắc. Đám võ sĩ tuốt đao trần quắc mắt nhìn ra phía cửa thị uy.

Ngoài chiếc sân rộng, một người cao lớn đầu chít khăn lụa xanh, thân bận bộ võ phục bằng vải thô màu chàm, chân đi giày vải, lưng đeo chiếc túi da báo khá lớn, bước đi uyển chuyển vững chãi thong thả giữa hai hàng gươm giáo tiến tới quỳ xuống thủ lễ với Lý Tri Thuận:

– Mạt tướng Tôn Quyền, con rể của tội tướng Dương Đình Nghệ đến tướng phủ Lý đại nhân xin nhận tội.

Lý Tri Thuận đang lim dim cặp mắt một mí đột ngột giật mình trước giọng nói vang như chuông khánh và tấm thân gấu lừng lững của viên tướng xin hàng vùng Ái Châu. Y không khỏi chột dạ trước thần khí anh hùng của kẻ vừa thốt ra lời nhận tội. Lập tức tự trấn tĩnh, Lý Tri Thuận ồ à cất giọng bề trên:

– Cho ngươi được bình thân! Các ngươi sớm biết tội với Hán triều cũng đáng được ta xem xét. Nay ta nói cho ngươi biết! Tên nghịch thần Khúc Thừa Mỹ đã phạm thiên uy, ăn ở hai lòng, hoàng đế ta đã kể tội mà phanh thây hắn. Các ngươi là loại tay chân nơi biên trấn, ở chỗ xa xôi không biết kịp hối cải thực bụng, nay lại dám dùng kế trá hàng với đại tướng thiên triều ư?

Ngô Quyền bình tĩnh nhìn thẳng vào Lý Tri Thuận giọng ôn tồn mà vẫn vang động ngôi đại điện:

– Bẩm đại tướng quân! Tướng quân chưa xét đến cái thế cùng của nhạc phụ tôi đã vội cho chúng tôi là trá hàng chẳng phải là ép binh tướng họ Dương vào con đường phản loạn thiên triều hay sao? Nay tôi vâng mệnh nhạc phụ, thành tâm dâng thư xin hàng. Nhạc phụ còn cho dâng danh sách gia thần gia tướng, địa đồ đường sá núi non, sản vật sắt muối đủ cả, còn chưa đủ thành tâm ư? Nếu đại tướng quân đã có bụng nghi ngờ, xin hãy giết tôi rồi đem đại binh hỏi tội nhạc phụ cũng chưa muộn.

Lý Tri Thuận càng nghe càng kinh ngạc. Cổ kim chưa thấy kẻ đi xin hàng nào lại đòi tự chém mình làm tin như vậy. Thường đã ham sống sợ chết cầu hàng tất phải lạy lục tìm con đường sống. Nay kẻ kia khí phách khác thường, phong độ hiên ngang, lời nói cứng cỏi. Xứ Giao Châu này đúng là ngọa hổ tàng long không thể xem thường.

Họ Lý đột ngột đập tay xuống bàn mắng:

– Tên hàng tướng kia, việc khu xử của Lý gia ta phải đợi ngươi bày biện cho hay sao? Nay ngươi đã không sợ chết ta sẽ cho toại nguyện. Bay đâu! Lôi cổ tên giặc cỏ này ra ngoài chém cho ta.

Đám võ sĩ ập vào lôi Ngô Quyền ra ngoài chém, Ngô Quyền gạt tay khiến mấy tên võ sĩ loạng choạng dạt cả ra, đoạn bình thản nói:

– Để ta tự đi cũng được rồi! Xin anh em chém gọn cho một nhát ta đây biết ơn lắm!

Vừa nói, Ngô Quyền vừa thong thả đi ra ngoài sân lớn, nơi có chiếc bệ gỗ lim chuyên dùng để chặt đầu các tột nhân vừa ha hả cười vang.

Khi đám võ sĩ chuẩn bị vung đao, bỗng Lý Tri Thuận rời tướng phủ, từ xa nói lớn:

– Mau dừng tay! Tráng sĩ đây quả không nhục mệnh chủ. Mau bày tiệc để ta trò chuyện với con rể Dương công. Mai này mọi việc ở Giao Châu tất phải nhờ cậy vào cha con họ Dương rồi.

*

Trong ngôi nhà lớn, thủ phủ vùng Ái Châu dùng làm chỗ hội họp đám gia thần gia tướng. Từ ngày Đại La thất thủ, Dương Đình Nghệ cùng các gia thần gia tướng càng tất bật chuẩn bị việc binh lương. Khi nghe Ngô Quyền thuật lại toàn bộ việc dâng thư hàng, ai nấy đều không khỏi khâm phục sự ứng phó nhanh nhẹn của họ Ngô. Dương Đình Nghệ nhìn mọi người nói:

– Quyền nhi quả chí khí hơn người, nay đã lừa được giặc trở về bình an vô sự. Khi để con đi vào chỗ hiểm, ta trong bụng vẫn tin con sẽ ung dung trở về. Song chắc chắn, bọn Lý Khắc Chính, Lý Tri Thuận thừa biết ta hàng chỉ là bề ngoài mà thôi. Chúng chưa giết Quyền nhi còn cho thấy binh lực của chúng không phải dồi dào hùng mạnh gì. Ta nay nên gấp tiến quân mới là giành thế thượng phong. Ý các tướng thế nào?

Mọi người nhìn nhau rồi đều dồn các cặp mắt về phía Đoàn Thành ý như muốn họ Đoàn lên tiếng trước.

Đoàn Thành thong thả đứng lên nói:

– Dương công quả đã nhìn thấy ruột gan của bọn Khắc Chính, Tri Thuận ở Đại La. Nếu chúng giết Ngô Quyền, lập tức khởi binh vào Ái Châu ắt dễ cho ta nhiều lắm. Nay chúng chơi trò dụ hàng, gọi Dương công đến Đại La để phân phong chức tước mới là kế hiểm. Trước là không làm mất lòng người Giao Châu, Ái Châu, Hoan Châu. Sau là dùng Dương công để dứt lòng người hướng về họ Khúc. Ta nhân kế ấy, lặng lẽ cho đại quân tiến thẳng ra Đại La chắc chỉ một trận là quét sạch bọn Lý Khắc Chính mà thôi.

Đoàn Thành vừa dứt lời, một vị tướng trẻ bước ra nói:

– Đoàn huynh nói chí phải! Nay Ngô huynh đã sớm lập công vào tận hang hùm lừa giặc, mạt tướng tuy bất tài xin lĩnh năm ngàn tinh binh làm tiên phong bắt Lý Khắc Chính về cho phụ thân xử tội.

Mọi người nhìn ra thấy viên tướng trẻ dáng người cao lớn, mặt rộng, mũi thẳng, vầng trán thanh thoát, dáng vẻ hiên ngang. Đó chính là Dương Tam Kha, công tử trưởng của Dương công, em rể tướng Ngô Quyền.

Mọi người à ồ đua nhau lên tiếng bàn kế tiến thủ rôm rả hẳn gian nhà lớn.

Để một lúc, Dương công mới khoác tay ra hiệu im lặng đồng thời chỉ vào Ngô Quyền hỏi:

– Quyền nhi! Ngươi vừa từ Đại La trở về, đã tận mắt thấy binh tướng Hán triều diễu võ dương oai. Nay ta hỏi ngươi, nếu xuất binh đánh đuổi giặc Bắc, phần thắng có nắm chắc được chăng?

Ngô Quyền nãy giờ không bỏ sót ý kiến một người nào thong thả bước ra nói:

– Bẩm nhạc phụ! Theo thiển ý của mạt tướng, bọn Lý Khắc Chính không đời nào tin ta hàng phục thật đâu, nhưng chúng mượn vào đó tất rêu rao binh tướng Ái Châu, Hoan Châu đã xin thần phục để phỉnh lừa các vùng đất xung quanh Đại La đến xin hàng. Khúc chúa bị bắt đi khiến lòng người không phục, các tướng cũ của họ Khúc đều ém binh thủ hiểm đợi ngày hỏi tội bọn Lý Khắc Chính mà còn chưa có thời cơ. Nay việc lớn chỉ còn trông đợi vào nhạc phụ mà thôi. Theo thiển ý của mạt tướng, nhạc phụ hãy dốc toàn bộ binh tướng Ái Châu tiến đánh Đại La, kể tội Lý Khắc Chính, lòng dân sẽ theo về, chắc chắn sẽ thành đại sự. Mạt tướng tuy bất tài xin được lĩnh ấn tiên phong đuổi giặc.

Dương Đình Nghệ nghe xong trang nghiêm nhìn mọi người nói:

– Kế của Quyền nhi rất hợp ý của ta. Dẫu vậy ta còn canh cánh một việc. Việc tiến đánh Đại La đuổi bọn Lý Khắc Chính về phương Bắc không khó nhưng làm chủ Giao Châu lâu dài chưa biết phải tính thế nào? Lại lúc đó, Ái Châu, Hoan Châu càng phải vững như bàn thạch tạo thế chân vạc mới có thể trước là đánh bại bọn viện binh phương Bắc, sau là an dân lập nghiệp mới là đại kế lâu dài.

Mọi người im lặng trước phương lược tiến thủ của Dương công. Ai ai cũng thấy mình đang đặt trên vai trọng trách lớn lao mà sẵn sàng vào núi đao biển lửa trong công cuộc đuổi giặc phương Bắc.

*

Nhận được hung tin Dương Đình Nghệ đích thân thống suất đại binh nhằm Đại La thẳng tiến, lại sai con rể Ngô Quyền làm tướng tiên phong dẫn năm ngàn binh mã đã áp sát phía Nam thành Đại La, chỉ còn cách cổng thành hai mươi dặm, Lý Khắc Chính thất kinh vội cho gọi Lý Tri Thuận vào soái phủ.

Khi Lý Tri Thuận còn chưa kịp ngồi, Lý Khắc Chính đã lập tức nói:

– Tướng quân! Họ Dương kia thật gan to bằng trời. Ta đang định lừa hắn đến để giết, hắn lại hưng binh truyền hịch kể tội ta xâm phạm đất chúng còn ra thể thống gì. Hôm trước, lẽ ra người phải giết quách con rể hắn đi rồi sớm cử binh vào Ái Châu hỏi tội hắn mới phải. Nay giặc cỏ đã đến sát Đại La, ngươi có kế gì chăng?

Lý Tri Thuận toát mồ hôi nghĩ lại việc viên tướng họ Ngô phong độ phi phàm đang lĩnh ấn tiên phong còn cách chỉ hai mươi dặm trong bụng mười phần đã run sợ đến năm sáu phần nhưng vẫn cố trấn tĩnh nói:

– Bẩm đại tướng quân! Quả là giặc cỏ đã ăn gan hùm mật gấu dám làm phản, tội không thể tha. Chúng còn lu loa kêu gọi đám tàn binh tàn tướng của họ Khúc hợp vây Đại La quả không phải loại vừa. Nay ta phải kíp cho người về Hán triều xin viện binh, một mặt cố thủ trong thành không ra đánh mới được. Giặc kia vốn quân ô hợp, chỉ vài tháng cạn sạch lương thảo tất phải rút về Ái Châu mà thôi.

Lý Khắc Chính đi đi lại lại bực bội nói:

– Chưa đánh đã thủ thành còn ra thể thống gì. Quân lương của chúng ta dư vài vạn, tướng ta lại vừa thắng lớn, nay không ra đánh, giặc kia càng được thể gọi bầy đàn của chúng đến hợp vây Đại La sẽ không phải kế lâu dài đâu.

Thấy Lý Khắc Chính có ý muốn khai chiến, Lý Tri Thuận bèn gượng nói:

– Nếu đại tướng quân quyết đánh, mạt tướng xin dẫn một vạn binh mã ngày mai xuất chiến đánh với tiên phong Ngô Quyền của giặc cỏ. Đại tướng quân hãy giữ vững bốn mặt thành trì làm kế thanh viện cho mạt tướng.

Lý Khắc Chính nghiêm giọng mệnh lệnh:

– Vì Hán triều, vì Lý gia, ta lệnh cho tướng quân đem một vạn tinh binh ngày mai xuất chiến chém tướng giặc. Chúng có thua trận xin hàng cũng chém sạch giết sạch để làm gương. Ta sẽ thống xuất đại binh sẵn sàng ứng cứu.

Lý Tri Thuận vâng dạ lui ra về tướng phủ điểm binh tướng chuẩn bị xuất chiến.

*

Đây nói tiếp chuyện Ngô Quyền dẫn năm ngàn tinh binh áp sát phía Nam thành Đại La.

Đội binh mã của Ngô Quyền ngày đi đêm nghỉ đã được hơn một tuần. Buổi qua châu Đại Hoàng, vùng đất của Đinh Công Trứ, đích thân châu mục họ Đinh chuyên chở rượu thịt, mổ trâu bò khao quân.

Đinh Công Trứ khảng khái nâng bát rượu mời Ngô Quyền nói lớn:

– Ngô tiểu đệ làm tiên phong chuyến này ắt chém tướng giặc, đoạt lại Đại La thành, giúp Dương công giành lại đất Giao Châu, công lớn bao trùm sẽ được nghi vào sử sách.

Ngô Quyền mình bận giáp phục tươi cười đáp lễ Đinh công:

– Đinh công quá khen mạt tướng. Đuổi giặc chuyến này cũng là thực hiện đạo lý của người phương Nam chúng ta, dẫu là mạt tướng hay Đinh công nào có gì khác nhau đâu.

Đinh Công Trứ thấy Ngô Quyền khí chất đường đường lại lời nói khiêm nhượng khen thầm mãi không thôi.

Cách phía Nam thành Đại La hai mươi dặm, Ngô Quyền hạ lệnh cho binh lính hạ trại, chấn chỉnh đội ngũ, kiểm điểm vũ khí, voi ngựa. Đội tiên phong ngoài một ngàn kỵ binh đều là những dũng sĩ dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Ngô Quyền còn có năm mươi thớt voi đã được huấn luyện kỹ lưỡng trương lá cờ lớn Ngô tiên phong nhằm hướng thành Đại La bày trận. Bốn ngàn quân bộ lục tục kéo sau. Khi trại đã hạ vững, đám voi chiến sau tuần hành quân được nghỉ một đêm khoẻ khoắn tung vòi gầm vang từng chặp.

Ngô Quyền ngồi trên bành voi chiến, mình mặc giáp phục trắng, đầu đội giáp trụ đồng đen, lưng thắt đai ngọc màu xanh, hông đeo thanh trường kiếm lớn oai phong lẫm liệt. Hai bên, năm mươi thớt voi với hàng trăm cung thủ lăm lăm lao nhọn, truỳ đồng, pháo tay sẵn sàng nghênh chiến.

Phía cửa Nam thành Đại La im phăng phắc. Từ mấy hôm trước, Lý Tri Thuận đã cho binh tướng đốt sạch làng mạc, đánh đuổi dân chúng đi hết của chỉ còn một vùng đất hoang nối dài hàng chục dặm, ngay cả tiếng gà tiếng chó cũng đều lặng ngắt, báo hiệu một trận ác chiến sắp sửa bắt đầu.

Từ tờ mờ sáng, Lý Tri Thuận đã cho kiểm điểm binh tướng, chọn lấy hơn ngàn chiến kỵ và một vạn bộ binh giáo mác sẵn sàng, cung tên đầy đủ. Họ Lý lại cho phát trước mỗi tên lính một nén bạc trắng lấy từ trong kho của Khúc Thừa Mỹ ngày binh lính chiếm thành. Binh tướng Hán triều vì thế ai nấy đều hăng hái hơn ngày thường.

Trước lúc mở cổng thành, Lý Tri Thuận cưỡi con hắc long câu cao lớn oai phong, dõng dạc hô trước hàng quân:

– Bớ các tướng sĩ! Nay giặc cỏ Ái Châu phản loạn đem thân đến nộp. Ta vâng mệnh Lý đại tướng quân cùng các ngươi bắt giết giặc cỏ. Lát nữa xung trận, phàm là binh tướng Ái Châu, các ngươi đều chém sạch giết sạch cho ta. Ai bắt được chủ tướng giặc, thưởng trăm lạng vàng. Ai giết được năm quân giặc, thưởng năm lạng bạc. Các ngươi hãy vì thể diện của Hán triều mà cùng ta giết hết giặc cỏ.

Bốn phía tiếng hô vang không dứt. Từng chặp kèn đồng ré lên đinh tai nhức óc như thay lời thề của đám binh tướng Hán triều.

Cánh cổng thành lớn phía Nam được lệnh mở toang, Lý Tri Thuận cùng đám tuỳ tướng thúc ngựa ào ạt tiến về phía trước. Hơn ngàn kỵ binh như nước vỡ bờ tràn ra rất hung hãn. Phía sau, một vạn tên lính vác giáo mác hò hét tiến theo đám người ngựa điên cuồng trong từng nhịp kèn đồng mạnh tợn khiến cả vùng náo loạn, khí thế ngút trời.

Binh tướng Lý Tri Thuận như nước vỡ bờ tràn ra khỏi cửa Nam thành Đại La cũng là lúc cánh cổng thành rít lên những tiếng lớn rồi từ từ đóng lại.

Cũng thời gian đó, trên bành voi chiến, Ngô Quyền thấy phía trước bụi bay mù mịt, tiếng kèn đồng vang động từng chặp biết là đại binh của Hán triều đang kéo đến, lập tức ra lệnh cho dàn trống đồng bắc trên những chiếc giá gỗ cao lớn nhất loạt thúc lên ầm ầm.

Cả một vùng đất đai rộng lớn chấn động tiếng âm thanh như bão giật ầm ầm.

Hơn ngàn dũng sĩ nhất tề nhảy lên lưng ngựa chiến, kẻ trường thương người đao kiếm sáng quắc chĩa về phía trước.

Trên bành năm mươi thớt voi đám cung thủ phấn khích múa cung tên, giương truỳ đồng đợi giặc.

Lũ voi chiến nghe tiếng trống trận nhất tề gầm lên những tiếng kinh thiên động địa khiến chim chóc trên không trung đập cánh bay loạn xạ, có con va vào nhau rơi lịch bịch ngay xuống chân voi.

Khi hồi chiêng trống còn chưa dứt, đám kỵ binh dẫn đầu là Lý Tri Thuận đã lướt tới trước trận. Lý Tri Thuận ghìm cương cùng hơn ngàn kỵ binh khép thành đội ngũ cách một tầm tên. Họ Lý giáp trụ oai phong chỉ vào Ngô Quyền đang nghễu nghện trên bành voi mắng:

– Thằng nhãi ranh kia! Ngươi không biết nhục hôm trước khom lưng quỳ gối trước ta dâng thư xin hàng nay mặt mũi nào dám gặp bản tướng quân nữa!

Trên bành voi chiến, Ngô Quyền cười lớn quát lại:

– Ngươi thân làm tướng mà cái kế cỏn con đó cũng không biết ư? Nay ta vâng mệnh nhạc gia, điểm binh tướng xuống hỏi tội các ngươi. Những là thành trì quân lương, đền miếu đình chùa người Giao Châu ta, nếu các ngươi thuận tình trao trả không sứt mẻ ta sẽ tha tội, còn cấp voi ngựa lương thuyền cho các ngươi về phương Bắc giữ lấy mạng sống đến già tuyệt đối không được xâm phạm đất ta. Nhược bằng muốn phân tài cao thấp thì cái gương Dương Sằn, Trương Bá Nghi, Cao Chính Bình còn sờ sờ ra đó. Ngươi hãy mau cùng chúng tướng xuống ngựa xin hàng chẳng phải là hơn ư?

Lý Tri Thuận như phát điên, huơ đao xốc ngựa lên phía trước mắng:

– Ngươi hãy câm cái mồm chó của ngươi lại, xuống đây phân tài cao thấp với gia gia ngươi. Đại tướng của Hán triều sẽ dạy cho lũ man di mọi rợ các ngươi một phen mới được.

Các tướng sĩ trên bành voi trương cung lắp tên toan nhằm bắn vào Lý Khắc Chính. Thấy vậy Ngô Quyền bèn hô lớn:

– Lý Tri Thuận! Ngươi muốn phân cao thấp với ta, ta cũng cho ngươi được toại nguyện, kẻo lát nữa bị voi giày chết xuống suối vàng lại trách ta không cho ngươi cơ hội. Nội trong năm mươi hiệp, ta sẽ bắt sống ngươi để mọi người biết Giao Châu là đất có chủ, Ái Châu là đất có anh hùng.

Lời còn chưa dứt, Ngô Quyền đã như bay từ trên bành voi xuống lưng con bạch long câu luôn dắt theo cùng tên lính vác trường thương của họ Ngô. Ngô Quyền nắm chắc trường thương, oai phong tế ngựa tiến thẳng ra phía trước.

Lý Tri Thuận cả kinh còn chưa kịp mắng lại đã thấy viên tướng Ái Châu nhanh như chớp xẹt vung thương nhằm đầu con hắc long câu đập mạnh xuống. Họ Lý vội hoành ngang đại đao đỡ đường thương hiểm rồi vội vã quành ngựa trở lại sử dụng đao phạt ngang bổ dọc khí thế rất mạnh. Loáng cái, hai ngựa quấn vào nhau, bụi tung mù mịt. Tiếng đao thương va chạm rợn người.

Ngô Quyền càng đánh càng hăng, đường thương vun vút khiến Lý Tri Thuận không khỏi kinh động trong lòng. Vốn là một tướng lão luyện, y biết đã gặp phải địch thủ mạnh hơn mình nhưng chỉ biết than thầm trong bụng. Hơn ba mươi hiệp trôi qua, họ Lý càng lúc càng đuối sức chống đỡ loạng choạng. Các bộ tướng của Lý Tri Thuận thấy vậy bất chấp thể diện đồng loạt hò nhau thúc ngựa kẻ đao người bát xà mâu xông vào Ngô Quyền đánh nhầu. Ngô Quyền hét to một tiếng, đánh bạt đám tuỳ tướng, quành ngựa trở lại tót lên bành voi chiến trỏ vào Lý Tri Thuận mắng:

– Ta hãy tạm để cái mạng chó của ngươi lại đó. Nay ngươi hãy xem đội voi trận của ta giày xéo đám quân ăn cướp phương Bắc các ngươi đây.

Lời Ngô Quyền còn chưa dứt, theo mệnh lệnh chủ tướng, nhất loạt pháo tay đều được các dũng sĩ trên mình voi ném ầm ầm vào đầu đám ngựa Bắc cũng là lúc năm mươi thớt voi gầm rống xông thẳng vào giữa trận của Lý Tri Thuận. Hai bên cánh và phía sau, các kỵ binh Ái Châu nhất tề hò hét trương cung bắn thẳng vào kỵ binh Hán triều. Tiếng trống đồng trống cái thúc ầm ầm. Binh tướng Ái Châu khí thế ngút trời xông thẳng vào đánh giặc.

Lý Tri Thuận cả kinh còn chưa kịp mệnh lệnh gì đã thấy đàn voi ập đến trong nháy mắt. Ngựa Bắc thấy voi trận sợ hãi hí vang, đua nhau quay đầu chạy thục mạng dưới làn mưa tên của binh lính Ái Châu. Hai ngàn kỵ binh phút chốc vỡ toang trận pháp, kẻ chết người bị thương la liệt. Họ Lý không sao cản được chúng cũng đành lẩn lút vào trong đám kỵ binh chạy ngược trở về cửa Nam thành Đại La. Đến khi hơn vạn quân bộ tiếp ứng đến nơi kỵ binh của họ Lý đã thiệt hại đến sáu bảy phần cũng là lúc Ngô Quyền cho khua chiêng thu quân. Lý Tri Thuận thấy trận đầu đã thiệt mất hơn ngàn kỵ binh không còn khí thế chiến đấu nữa bèn hạ lệnh cho đại quân trở vào thành.

*

Đây nói tiếp chuyện Dương Đình Nghệ đốc xuất đại quân từ Ái Châu tiến ra Bắc.

Ngay sau khi sai Ngô Quyền cùng năm ngàn binh tướng thẳng tiến Đại La, Dương Đình Nghệ cho kiểm điểm binh lương được hơn vạn người ngựa, lại cho Dương Tam Kha vào Hoan châu lấy thêm binh lính, voi ngựa được hơn sáu ngàn quân khí thế rất hăng. Dương công cho sắp xếp các đội binh mã theo thứ tự, đội cũ kèm đội mới, cựu binh giúp tân binh vừa thao luyện trận pháp vừa cắt đặt trước sau để đại quân sớm lên đường. Dương công thân làm chủ tướng, thống xuất đại quân gần hai vạn cùng năm mươi thớt voi mới điều từ Hoan châu lập đội tiên phong trương cờ đánh đuổi Lý Khắc Chính. Dương công lại cho liên tiếp truyền hịch kể tội nhà Nam Hán vô cớ bắt giết Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ, thoán vị Đường triều, làm điều càn rỡ bạo ngược khiến đi tới đâu lòng dân nô nức theo về tới đấy. Đại quân đến châu Đại Hoàng, châu mục Đinh Công Trứ thân ra nghênh đón, cùng các hương thân phụ lão đem rượu thịt khao thưởng quân sĩ.

Dương Đình Nghệ ân cần nói với Đinh Công Trứ:

– Đinh hiền đệ! Thật là vạn bất đắc dĩ người phương Nam chúng ta mới phải cầm gươm giáo đuổi lũ giặc Bắc. Ta cùng đại quân ra Bắc chuyến này trước là để báo thù rửa nhục cho Khúc chúa, sau là giữ vững cơ đồ của người An Nam chúng ta. Hiền đệ có cao kiến gì không?

Đinh Công Trứ xúc động nói:

– Dương huynh đi chuyến này cũng là để làm vẻ vang tổ tiên nòi giống người An Nam ta. Phương Bắc phương Nam chia nhau đời đời tự chủ mới là hợp lẽ trời. Tiểu đệ tuy bất tài xin được đem quân bản bộ theo Dương huynh đuổi lũ giặc Bắc về đất chúng.

Dương Đình Nghệ khảng khái nói:

– Đinh hiền đệ! Ta có việc này khẩn nhờ đệ. Việc đuổi bọn Lý Khắc Chính ta cùng các tướng Ngô Quyền, Đoàn Thành, Dương Tam Kha sẽ đảm đương được. Việc đánh giặc Bắc không thể ngày một ngày hai mà xong đâu. Ta đồ rằng viện binh nhà Nam Hán tất kéo xuống nay mai. Bởi thế, việc binh lương vùng Hoan châu, Ái Châu chính là sự thành bại của đại cuộc vậy. Nay ta nhờ đệ vào Hoan châu trưng tập binh lương, voi ngựa, thóc gạo, muối sắt, phòng khi phải chống nhau lâu dài với Hán triều. Việc này nào có kém gì việc giết giặc ngoài chiến trường. Ngoài hiền đệ ra không ai đương nổi trọng trách này đâu.

Đinh Công Trứ nghiêm trang nhận lệnh nói:

– Tiểu đệ xin nhận uỷ thác của Dương huynh. Vùng Hoan châu, Ái Châu vốn là đất bản bộ của Dương huynh, lòng người đều theo về chắc việc binh lương sẽ đủ đầy để Dương huynh có đủ lực lượng, lương thảo dồi dào chống nhau lâu dài với Hán triều, tạo dựng công nghiệp ngàn năm có một cho người An Nam ta.

Đại quân đi rồi, Đinh Công Trứ còn bần thần mãi mới cùng các hương thôn, đầu mục, gia thần gia tướng bàn bạc việc lớn của Dương Đình Nghệ giao cho.

*

Đây nói tiếp chuyện Lý Khắc Chính trong thành Đại La.

Sau trận thua binh cổng Nam thành Đại La, sĩ khí binh tướng Hán triều suy giảm rõ rệt. Cảnh tượng đàn voi trận giày xéo đám kỵ binh của Lý Tri Thuận khiến quan quân thành Đại La nghĩ đến là kinh hãi. Đã thế, ngay hôm sau, Ngô Quyền cùng đại đội voi chiến, hơn nghìn kỵ binh, bốn nghìn bộ binh áp sát cổng Nam thành suốt đêm thúc trống trận ầm ầm càng làm binh tướng Đại La mất ăn mất ngủ. Hôm trước, sau trận đại bại, còn chưa kịp cởi giáp, Lý Tri Thuận vào thẳng soái phủ quỳ xin chịu tội nói:

– Mạt tướng thua trận xin đại tướng quân xử theo quân pháp.

Lý Khắc Chính còn chưa hết bàng hoàng khi nghe cấp báo hơn nghìn kỵ binh bị voi giày chết nơi cửa Nam thành nhìn tướng bại trận một lát rồi rời soái phủ đứng lên đỡ Lý Tri Thuận ôn tồn nói:

– Thắng bại là việc thường của binh gia, tướng quân bất tất phải tự trách mình. Việc khai chiến là mệnh lệnh của ta. Không ngờ bọn giặc cỏ cậy có voi chiến làm mất nhuệ khí quân ta. Ta cũng đã vừa cấp báo về triều đình xin viện binh tất nay mai trong ứng ngoài hợp giặc cỏ kia sẽ tự diệt vong. Tướng quân hãy mau về chỉnh đốn quân mã, thành cao hào vững đồng thời thám sát kỹ động tĩnh của giặc cỏ.

Lý Tri Thuận từ từ đứng dậy cảm tạ nói:

– Đại tướng quân gia ân mạt tướng xin cảm tạ. Giặc cỏ binh khoẻ tướng giỏi không phải hạng tầm thường đâu. Viên tướng dâng thư hàng hôm trước quả là mãnh tướng muôn người khó địch. Chẳng có đám tuỳ tướng không mau vào cứu, chắc mạt tướng đã không còn về được để gặp đại tướng quân rồi. Chúng ta phải cẩn thận lắm mới được.

Khi Lý Tri Thuận đi rồi, Lý Khắc Chính còn vân vi mãi.

Bài viết liên quan:
Ngô Vương – một mô hình tiểu thuyết lịch sử