Ngô Vương: Hồi thứ tám – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai

1009

(Vanchuongphuongnam.vn) – Rượu mãi tới gần nửa đêm, khi Dương công đã say không còn biết trời đất gì nữa cũng là lúc Kiều Công Tiễn phất tay áo lui vào bên trong. Nhận được ám hiệu, đám võ sĩ trực sẵn xông vào đè nghiến Dương Đình Nghệ cứ thế thắt cổ cho đến khi họ Dương không còn động cựa gì nữa.

HỒI THỨ TÁM

Sét đánh ngang trời, Kiều Công Tiễn nửa đêm giết chúa

Mưa rơi lạnh đất, Ngô tướng quân mờ sáng họp binh

 

Đây nói tiếp chuyện trong thành Đại La.

Sau khi giao cho Ngô Quyền trở lại Ái Châu kiêm quản các việc binh lương, phối hợp với Đinh Công Trứ trị nhậm Hoan Châu, Dương Đình Nghệ ở trong thành Đại La cùng hai ban văn võ sắp xếp mọi việc. Trại thuỷ quân bến Giang Biên, theo mệnh lệnh của Dương Đình Nghệ, các tướng mở xưởng đóng thuyền ngày đêm rất nhộn nhịp. Dương Tam Kha cho binh lính lên tận các vùng thượng du vận chuyển gỗ tốt xuôi theo dòng sông Cái về bến Giang Biên dự trữ một mặt cho kén thợ giỏi đóng các chủng thuyền. Phạm Bạch Hổ ở Đằng Châu còn gửi nhiều toán thợ chuyên đóng thuyền vùng biển, các loại khí cụ, dây xích, mỏ neo, vải buồm về xưởng Giang Biên. Dương Tam Kha sử dụng đội thương thuyền đến tận vùng cửa biển Tràng Kênh, Bạch Đằng cho thợ đục đẽo các loại đạn đá về trữ ở Giang Biên.

Dương tướng quân sai người thám sát các luồng lạch đoạn sông phải đi qua rồi cho đo vẽ biên chép mực nước nông sâu cẩn thận, thường ngày cùng các tướng đánh dấu bàn bạc trên sa bàn. Đội thuỷ binh bến Giang Biên sau ba năm đã lên tới gần hai trăm chiếc được huấn luyện thành thạo đã thực sự trở thành nanh vuốt cho Đại La thành. Cứ mười chiến thuyền được phiên chế thành một đội dưới sự thống suất của một viên đô tướng. Đám binh lính không chỉ thành thạo bơi lặn mà còn được học các phép đánh hỏa công, bắn đạn đá, đục chiến thuyền, phép tàng ẩn trong đầm Dạ Trạch nơi bãi Màn Trù. Nhiều lần xem thủy quân thao luyện, Dương Đình Nghệ đều khen thưởng binh tướng rất hậu.

Trong thành Đại La, đám quan văn do chủ bạ Đoàn Thành đêm ngày dốc sức biên soạn, hiệu chỉnh bộ giản sử và các quy tắc lễ nghi hàng ngày ra vào ngôi đại điện tâu trình lên Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ. Đoàn Thành thường cùng các vị quan văn thân hành về từng địa phương khảo cứu đình đền, ghi chép phong tục, tìm hiểu các lễ hội trong dân gian. Phàm là những điển lệ cổ mỗi vùng đất đều cho dân bản xứ thực hiện. Các hội chọi trâu, đua ngựa, đua thuyền, các tục thi đánh vật, giã gạo, gói bánh chưng bánh dày thảy đều khuyến khích dân làng mở theo định kỳ, khen thưởng rất hậu. Đoàn Thành còn đưa nhiều tục lệ của vùng Hoan Châu, Ái Châu truyền dạy cho muôn dân phía Bắc rất được các bô lão khen dùng. Luôn mấy năm liền được mùa, làng trên xóm dưới, các vùng trung châu, hạ bạn, bãi bồi, cửa biển, thuyền bè tấp nập, nhà cửa san sát, muôn dân yên hưởng thái bình. Trong thành ngoài nội đâu đâu cũng khen Tiết độ sứ họ Dương là người hiền đức, thương dân.

Đảm nhiệm chức vị Đại tướng quân kiêm quản bốn mặt thành Đại La, Kiều Công Tiễn luôn mấy năm cùng đám tùy tướng vâng lệnh Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ cho bồi đắp các cổng thành rất vững chắc. Phàm là những đoạn tường thành xung yếu, họ Kiều đều cho đóng hàng vạn cọc tre đan sọt đất sét kè vững. Nơi các hào nước cạn đều cho khơi vét liên thông, lại dùng thuyền nhẹ đi tuần tiễu ngày đêm. Bốn cổng thành, Kiều Công Tiễn cho xẻ những cây gỗ lớn ken vững, bố trí nhiều tòa tháp canh có thể nhìn xa đến vài dặm, bên trong cho đặt cờ hiệu, chiêng trống uy nghi. Quân thường trực canh gác bốn cổng thành được chia thành các đội luân phiên vừa luyện tập vừa tuần tiễu. Kiều Công Tiễn cho đóng một trại lớn ngay sát đầm Sương Mù phía cổng Bắc thành đặt ba mươi thớt voi ngày đêm thao luyện đội ngũ tề chỉnh. Kiều tướng quân rèn binh rất nghiêm lại giỏi bố trí trận pháp nên chỉ vài năm binh tướng thành Đại La vừa quy củ vừa tỏ rõ sự uy nghiêm.

Nơi soái phủ trong gian đại điện thành Đại La, Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ ngày nào cũng dậy từ rất sớm. Ngài uyển chuyển đi bài mai hoa quyền mà đức ngài đã luyện mấy chục năm. Từ ngày ở La thành, ngài còn luyện thêm môn khí công ngay trên chiếc sân nhỏ cây cối hoa lá thanh thoát. Dương công đã sít soát sáu mươi nhưng thân thể hãy còn tráng kiện lắm. Vốn con nhà võ, được rèn luyện từ nhỏ, các môn võ nghệ kiếm cung ngài đều tinh thuộc, lại luôn tự điều tiết sức khoẻ theo cách riêng nên vẫn giữ được phong độ cường tráng dù trăm công ngàn việc. Việc sắp đặt thuỷ quân mấy năm nay Dương công bao thường đích thân xuống xem xét, kiểm điểm từng chiếc bánh lái thuyền, từng sợi xích sắt, từng viên đạn đá. Trong các cuộc thao luyện, bao giờ ngài cũng tự mình đứng ra làm chủ tướng một đội quân, trực tiếp lên thuyền đốc chiến để tìm ra những phép đánh thủy hữu dụng nhất. Có lần cùng các tùy tướng về Đằng Châu thăm Phạm công, ngài cho mời Phạm Bạch Hổ đối trận thủy quân đàm đạo có khi đến hàng tuần không dứt. Các kho tàng, quân doanh của Kiều Công Tiễn, hàng tháng Dương Đình Nghệ đều đích thân tới uý lạo, tham dự xem binh lính luyện tập. Ngài đặc biệt chú trọng huấn luyện đội voi chiến giao cho hai viên đô tướng người Ái Châu là Lê Lân và Trịnh Báo thống suất. Bốn phía cổng thành, ngoài binh tướng của Kiều Công Tiễn, bốn đội voi mỗi đội hai mươi thớt do hai tướng Lê Lân, Trịnh Báo trực tiếp kiêm quản có việc gì dùng đến đều theo mệnh lệnh trực tiếp từ Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ.

Dương công luôn mấy năm liền ngoài việc rất chăm chỉ đọc sách ngài còn đích thân đi thị sát các vùng đất lân cận Cổ Loa, Siêu Loại, Cổ Pháp, Chu Diên, Màn Trù. Mỗi lần đi về, Dương công đều gọi Đoàn Thành lên sai biên chép, lại thường trực tiếp phân phong đại đội binh mã tới các vùng đất lân cận khi thì sửa sang đường sá, khi thì khơi thông ngòi rãnh, bồi đắp gò đống. Có khi Dương công còn cho dựng tặng những chiếc cổng làng vững chắc giao cho các phụ lão hương thân ở trong vùng. Danh tiếng ân đức của Dương công ngày càng vang khắp.

*

Nhận được tin báo Kiều công ở Phong Châu lâm bệnh nặng, Dương Đình Nghệ cho gọi Kiều Công Tiễn vào soái phủ, lại cho gọi bọn Lê Lân, Trịnh Báo vào để kiêm quản công việc của Kiều tướng quân để cho Công Tiễn về Phong Châu. Khi các tướng lĩnh mệnh đi ra, Dương Đình Nghệ gọi riêng Kiều Công Tiễn ở lại nói:

– Kiều công với ta là bậc huynh trưởng đức cao vọng trọng. Lẽ ra ta phải thân hành tới Phong Châu thăm hỏi sức khoẻ Kiều công song việc quân việc nước còn nhiều ta chưa thể đi được, nay cho tướng quân về phụng dưỡng cha có việc gì cần kíp mau cho người báo về La thành để ta định liệu.

Kiều Công Tiễn xúc động nói:

– Chúa công muôn việc còn nhớ tới sức khỏe gia phụ, mạt tướng xin thay mặt người cảm tạ chúa công. Nay gia phụ đã trên bảy mươi tuổi, sức khỏe không được như xưa, nhưng nỗi nhớ mong chúa công vẫn còn nguyên đó. Mạt tướng trở vể Phong Châu phụng dưỡng gia phụ, nếu có mệnh hệ gì sẽ lập tức bẩm báo chúa công.

Kiều Công Tiễn bịn rịn rời ngôi đại điện ngay trong đêm cùng các tùy tướng trở lại Phong Châu.

Vừa về đến Phong Châu, sáng sớm hôm sau, Kiều Công Tiễn quỳ trước mặt cha lúc này đã bệnh rất nặng, luôn mấy hôm không ăn uống được gì, thần khí sút kém, đôi tròng mắt trắng đục lờ đờ chỉ trực khép ríu lại.

Kiều Công Tiễn ứa hai dòng lệ phủ phục nói:

– Hài nhi muôn phần đắc tội xin cha trách phạt!

Kiều công cố nâng cánh tay gầy guộc xua bọn gia nhân ra ngoài rồi yếu ớt nói:

– Hãn nhi… nay con đã trưởng thành… làm tướng ở thành Đại La… cha chắc rằng không qua khỏi… con hãy hết lòng phò tá Dương chúa… họ Kiều ta chỉ có thể thành cao hào vững mà xưng thần thôi… con chớ màng ngôi cao mà mang họa cho Phong Châu mới được…

Kiều Công Tiễn khuôn mặt đầy biểu cảm, hai hàng lệ chảy dài nói:

– Con xin vâng lời cha chỉ dạy.

– Tiễn nhi… cha xem tính khí của con là kẻ quật cường mang chí lớn… con nên nhớ… anh hùng trong thiên hạ chỉ có thể đánh giặc phương Bắc mà kiến công dựng nghiệp… tuyệt đối không được nồi da xáo thịt, tương tàn tranh giành ngôi vị hư danh trong nước… con nên nhớ lấy.

Nói đến đó, Kiều công bỗng chốc nghẹn lại, đờm rãi ứ lên khiến khuôn mặt tái sạm. Kiều Công Tiễn vội vuốt ngực cha ra hiệu đã nghe hết ý đoạn vẫy bọn gia nhân cùng đám thầy thuốc vào chăm sóc cho Kiều công.

Ngay đêm hôm đó, Kiều công trút hơn thở cuối cùng ở nội phủ trong thành Phong Châu.

Kiều Công Tiễn một mặt cho người báo tin về Đại La thành một mặt cho truyền tin khắp trong ngoài vùng đất Phong Châu. Họ Kiều xưa nay ở Phong Châu nối đời làm châu mục kiêm quản các việc uy vọng rất cao. Kiều công vốn là người nhân đức thương yêu bách tính suốt mấy chục năm việc gì cũng tự mình hỏi đến cẩn thận trước sau. Tin Kiều công mất truyền đến đâu, muôn dân các vùng trong ngoài thành Phong Châu đều thương khóc, để tang như bậc cha mẹ. Nơi các đình chùa trong vùng, đều lập đàn tràng hương khói cầu siêu cho vị hào trưởng đất Phong Châu.

Tin báo về thành Đại La, Dương Đình Nghệ cho gọi quan chủ bạ Đoàn Thành đến truyền lệnh:

– Ta mới được tin Kiều công ở Phong Châu đã cưỡi hạc quy tiên, ta phải thân đến viếng mới được. Ngươi hãy sửa lễ thật hậu cùng các tùy tướng sớm cùng ta lên Phong Châu viếng hương hồn Kiều công.

Chủ bạ Đoàn Thành vâng dạ lui ra cắt đặt mọi việc trong ngoài thành.

Đám tang Kiều công ở Phong Châu kéo dài năm ngày năm đêm trong sự tiếc thương than khóc của binh tướng cùng muôn dân trong ngoài thành Phong Châu. Kiều Công Tiễn vô cùng xúc động khi đích thân Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ cùng văn thần võ tướng không quản đường sá xa xôi đến tận Phong Châu viếng tang. Trước linh cữu Kiều công, Dương Đình Nghệ tay cầm ba nén hương trầm vái ba vái, khuôn mặt ứa lệ xúc động nói:

– Thương thay Kiều huynh, một đời nhân đức, nay sớm bỏ tiểu đệ về trời khiến đệ như đứt từng khúc ruột. Các ân huynh nỡ lòng nào lần lượt ra đi bỏ mặc một mình đệ gánh vác việc nước. Thương thay! Thương thay…

Dương công chưa dứt lời, tiếng khóc đã rộ lên bốn phía. Các vị bô lão đất Phong Châu đứng vòng quanh dẫu giọt lệ già đã cạn vẫn từng chòm râu bạc rưng rưng trong tiếng kèn trống tiếc thương người đã khuất não nề. Những là cột lớn cây nhỏ trong ngoài ngôi đại điện đều được thắt những dải khăn tang trắng bay phơ phất trong ngọn gió hiu hiu lạnh.

*

Dương Đình Nghệ sau buổi về Phong Châu dự tang Kiều công tiện đường ghé qua châu Đường Lâm đốt hương thắp nến trước bài vị châu mục Ngô Mân. Mới ba năm không gặp, hai cháu ngoại Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn đã cao lớn lắm. Hai tiểu điệt họ Ngô được các vị bô lão và những thầy giỏi trong vùng đất Đường Lâm rèn cặp chữ nghĩa kiếm cung tinh tiến từng ngày. Cứ xem cách thủ lễ với các bậc bề trên nghiêm cẩn trước sau, thần thái khiêm nhường, Dương công trong bụng mừng lắm. Khi mọi người ra ngoài hết, Dương công mới thong thả bảo với con gái Dương thị:

– Con là phận nữ nhi về làm dâu nhà họ Ngô, dẫu có công sinh được hai quý tử nhưng phải biết giữ gìn trước sau mới khỏi thẹn họ Dương chúng ta. Họ Ngô ở Đường Lâm cũng như họ Dương chúng ta ở Ái Châu đều lấy đức làm đầu, suốt đời vì muôn dân lập nghiệp. Nay ta thấy các cháu đã lớn khôn lại được các bậc phụ lão, huynh đệ Đường Lâm hết lòng rèn cặp quả là phúc lớn cho hai họ Dương-Ngô chúng ta. Quyền nhi nay đã vì ta mà vào kiêm quản Ái Châu tạo thế ỷ dốc với La thành, họ Dương mới có thể vững vàng ở ngôi cao được. Đạo lý đó con phải luôn ghi nhớ ở trong lòng. Phận làm dâu phải lấy hiếu thuận làm đầu. Ta xem hai đứa cháu đều có khí chất làm chủ tướng sau này, con hãy thay mặt Quyền nhi giáo dưỡng chúng cẩn thận mới được.

Dương thị cúi đầu xúc động nói:

– Con xin vâng lời cha dạy! Đạo nghĩa vợ chồng dẫu núi sông cách trở con nào dám một phút lơ là. Chỉ thương cho tướng công, từ bé đã mất mẹ, lớn lên lại phải xa cha, suốt đêm ngày chỉ nghĩ tới việc binh lương, nay dẫu buổi thái bình cũng là kẻ ở Ái Châu người ở Đường Lâm xa xôi trăm dặm. Cũng may có Xương Ngập, Xương Văn vừa hiếu nghĩa, vừa chịu luyện rèn, khiến con cũng vợi đi phần nào tủi cực.

Dương Đình Nghệ lại nói:

– Để cho các con kẻ Bắc người Nam, đúng là lỗi của bậc cha mẹ như ta. Ngặt một việc, Ái Châu là vùng đất căn bản của Dương gia, nếu không có tướng giỏi kiêm quản ắt sẽ sinh chuyện. Xưa nay, ta nào có màng ngôi cao bao giờ đâu? Chẳng qua lũ giặc làm điều càn rỡ khiến ta phải vì nước mà đương đảm việc lớn. Nếu như Dương Tam Kha được bằng Ngô Quyền, ta đã sớm trao trọng trách cho nó để về Ái Châu yên ổn tuổi già, cho vợ chồng con đoàn tụ bên nhau ở Đường Lâm, ta mới khỏi áy náy. Điều này rồi dần dần để ta tính đến.

Sau nửa tuần trăng ở Đường Lâm thăm hỏi, thưởng vàng lụa cho các vị hương thân phụ lão trong vùng, lại xem xét việc học hành văn võ của Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn rất cẩn thận, trước khi cùng đám tuỳ tùng văn võ trở về thành Đại La, Dương Đình Nghệ cho gọi Dương thị cùng hai con vào căn dặn:

– Ta đã xem xét kỹ. Đường Lâm trước sau đều là đất phát vương. Nay con thay mặt Ngô tướng quân tỏ lòng hiếu thuận ở Đường Lâm cũng là tạo phúc phận sau này cho Dương gia chúng ta. Lại thấy lòng người Đường Lâm đều hướng về Ngô tướng càng đáng mừng vậy. Con nên nhớ kỹ, đạo lý ở đời không gì bằng ân đức. Đạo nghĩa vợ chồng càng phải sau trước giữ gìn. Mai kia, Xương Ngập, Xương Văn trưởng thành cũng là lúc lời ta ứng nghiệm vậy.

Dương thị lắng nghe không nói. Dương công đặt hai tay lên vai các cháu có ý khuyến khích mọi người.

Ngô Xương Ngập mạnh dạn quỳ tâu:

– Ông ơi! Hai năm nữa cháu tròn mười bảy tuổi ông hãy cho phép cháu vào Ái Châu phụ giúp gia phụ được không?

Dương Đình Nghệ cười hiền nói:

– Cái thằng bé này! Việc của cháu là học rèn sao cho tinh tiến không phụ công cha mẹ. Nhất định mấy năm nữa ông sẽ cho cháu xuống thành Đại La làm tướng giống cha cháu xưa kia. Cả Xương Văn nữa, hai cháu ta sau này nhất định phải có bản lĩnh của họ Ngô, họ Dương, phải là những trọng thần lương tướng lưu danh sử sách mới được.

Khi Dương Đình Nghệ và các văn thần võ tướng rời khỏi Đường Lâm rồi, mẹ con Dương thị cùng các vị phụ lão còn vương vấn mãi những lời căn dặn của Dương công.

*

Đây nói tiếp chuyện Kiều Công Tiễn ở Phong Châu.

Sau khi chôn cất Kiều công, các vị bô lão cùng văn võ thành Phong Châu suy tôn Kiều Công Tiễn lên làm châu mục kiêm quản các việc ở Phong Châu. Kiều Công Tiễn ban thưởng trọng hậu cho các vị bô lão, các tù trưởng, sách động, hào trưởng trong vùng, cho miễn thuế khóa nửa năm, lại cho mở kho ban phát thóc gạo cho muôn dân trong ngoài thành khiến lòng dân càng nhớ ân đức của họ Kiều. Kiều Công Tiễn phong con trưởng Kiều Công Chuẩn cùng viên đô tướng Đỗ Tử Bình làm chánh phó tướng kiêm quản quân doanh thuỷ bộ ở Bạch Hạc. Ngày trước, sau đại thắng La thành, tuân theo ý Kiều công, Công Tiễn cho rút phần lớn binh lực về Bạch Hạc đóng trại liên hoàn thủy bộ như cũ chỉ để lại ba ngàn quân tướng ở La thành theo hầu Dương Đình Nghệ.

Trong đám quan văn ở thành Đại La, đã mấy lần chủ bạ Đoàn Thành khuyên Dương công rút bớt binh lực của các châu mục bên ngoài, song họ Dương đều chưa đồng ý. Thực lực khi đó, binh tướng Phong Châu, Đằng Châu, thuỷ bộ đều rất mạnh. Không phải Dương Đình Nghệ không lường trước việc các châu mục trong tay nắm binh quyền dễ sinh kiêu loạn, song họ Dương luôn cho rằng đất nào chủ nấy, hễ là người An Nam tự đứng ra kiêm quản cũng là lẽ thường. Nếu không làm khéo để nội bộ bất hòa dẫn đến cảnh nồi da xáo thịt chỉ có lợi cho phương Bắc. Chính vì vậy, binh tướng các châu ngày càng lớn mạnh.

Trong thời gian một năm chịu tang cha, Kiều Công Tiễn một mặt củng cố hai ban văn võ trong thành Phong Châu, cho tuyển mộ những bậc hiền tài khắp nơi về bổ dụng, lại kén chọn trong đám tuỳ tướng những kẻ mưu lược cản đảm đều phong làm đô tướng sai đi trấn nhậm các nơi hiểm yếu. So với Kiều công khi trước, Kiều Công Tiễn chú trọng việc binh lương hơn cha rất nhiều. Họ Kiều cho xây dựng các kho lương, mở thêm lò rèn luyện sắt, lại sai người đi các nơi tuyển thợ giỏi đẵn gỗ xẻ đá dựng nhiều nhà lớn.

Hôm trước, khi vừa rời quân doanh Bạch Hạc về thành Phong Châu, bỗng viên tuỳ tướng vào bẩm báo có một vị đạo trưởng muốn xin gặp.

Kiều Công Tiễn cho mời vào trong đại điện an tòa chủ khách đâu đấy mới hỏi:

– Lão tiên sinh từ đâu tới, có điều gì muốn chỉ giáo cho ta chăng?

Vị khách mới đến trạc sáu mươi tuổi, dáng người to lớn nhưng thanh thoát, tay chống gậy trúc, đầu chít khăn vàng nhìn rất kỹ vào Kiều Công Tiễn giơ tay bấm đốt rồi tươi cười hoan hỉ nói:

– Tướng quân dáng vẻ phi phàm, sau này sang quý vinh hiển lớn lắm. Lão phu vốn theo lời sấm chuyền đến đây xin yết kiến. Quả thật phúc thay! Phúc thay!

Kiều Công Tiễn thấy vị đạo trưởng lời nói ẩn ý sâu xa song vẻ mặt vẫn thản nhiên mới dè dặt hỏi:

– Họ Kiều nhờ muôn dân làm chủ đất Phong Châu đã nhiều đời cũng là sang quý tột đỉnh rồi còn muốn gì hơn nữa? Tại hạ chỉ muốn được yên ổn cùng muôn dân Phong Châu mà thôi.

Vị đạo trưởng nghiêm nghị nói:

– Ân đức của họ Kiều đã nhuần khắp Phong Châu, nhưng có lẽ nào tướng quân chỉ mãi muốn làm rùa già trên núi? Phong Châu là đất phát vương, xưa kia mười tám đời vua Hùng đều làm chủ thiên hạ, nay lẽ nào họ Kiều chỉ cam phận xưng thần không thấy hổ thẹn hay sao?

Kiều Công Tiễn vội nghiêm mặt nói:

– Mong đạo trưởng đừng nói những lời mất nước như thế. Kiều Công Tiễn ta tuy bất tài, quyết không thể là phản tặc được. Người đâu, hãy đem chút tiền vàng tiễn đạo trưởng cho ta.

Vị đạo trưởng phất tay áo cười lên ba tiếng không thèm động đến tiền vàng cứ thế đi thẳng ra ngoài sảnh còn nói:

– Có khí số làm chủ thiên hạ mà không làm tất không tránh được vạ trời đâu.

Khi vị đạo trưởng đi rồi, Kiều Công Tiễn còn vân vi mãi.

*

Tin Kiều Công Tiễn trong một năm chịu tang cha lại chuyên việc sửa sang thành trì, luyện sắt trữ lương, tăng cường ba quân thủy bộ, dựng kho tàng lớn đã mấy lần vang đến thành Đại La. Dương Đình Nghệ vốn đã gạt đi song chủ bạ Đoàn Thành ba bốn lần khuyên can Dương công hãy mệnh lệnh cho Phong Châu giảm bớt binh lực thủy bộ tránh kẻ rèm pha. Dương Đình Nghệ trước sau đều nói:

– Ta lấy bụng thực đãi người, lẽ nào người lại ăn ở hai lòng với ta. Nay Kiều công mới mất, đã sớm không tin tưởng lẫn nhau là cái họa sát thân đấy. Các ngươi không được nghi ngờ nữa.

Các tướng văn võ thấy chủ ý của Dương Đình Nghệ chỉ biết than thở trong lòng.

Ở Phong Châu, sau một năm chịu tang, Kiều Công Tiễn đang chuẩn bị cùng các tuỳ tướng trở lại thành Đại La, bỗng đâu nửa đêm trời không mưa gió đột ngột vang lên ba tiếng sét cực lớn đánh đổ hàng cột cái ngôi đại điện thủ phủ Phong Châu.

Kiều Công Tiễn lòng dạ hoang mang, nhớ lời của vị đạo trưởng hôm trước vội cho người đi tìm mấy ngày không thấy.

Đang lúc buồn bực, bỗng có tin đạo trưởng cho người gửi tới thành Phong Châu một phong thư dán kín, ngoài bìa đề chỉ Kiều Công Tiễn mới được mở.

Trong thư là một bài thơ ẩn ý sâu xa:

Trái ý cao xanh họa xuống đầu

Mang mang sương khói biết về đâu

Việc đời hậu thế năm bảy hướng

Tội nhân thiên cổ mịt mùng đau.

Kiều Công Tiễn một mình xem đi xem lại bài thơ không dám chia sẻ với ai.

Kể từ ngày bị lời thơ ám ảnh, Kiều Công Tiễn một mặt dâng thư xin ở lại Phong Châu thêm thời gian chịu tang cha một mặt vẫn có ý tìm vị đạo trưởng để hỏi cho ra nhẽ song vẫn chưa tìm gặp được. Lại có nguồn tin riêng cho biết, các quan văn võ trong thành Đại La đã nhiều lần đàn hặc chuyện Phong Châu dựng thêm thành lũy, rèn sắt trữ lương khiến Dương Đình Nghệ phải khó xử trong lòng. Có người còn bàn rằng phải mau triệu Kiều Công Tiễn về thành Đại La giết đi trừ hậu họa càng khiến họ Kiều lòng như lửa đốt. Đang còn dùng dằng chưa quyết, bỗng đâu vị đạo trưởng hành tung kỳ bí lại gửi cho Kiều Công Tiễn một phong thư nữa.

Họ Kiều đuổi hết tả hữu ra ngoài rồi mới mở.

Thư vẻn vẹn chỉ có năm chữ:

–  Tiên hạ thủ vi cường.

Kiều Công Tiễn toàn thân toát hết mồ hôi thở dài thườn thượt.

Mấy hôm sau, Kiều Công Tiễn cho triệu riêng hai tướng Kiều Công Chuẩn và Đỗ Tử Bình về Phong Châu, lại dặn phải đi ngay trong đêm vào thẳng tướng phủ. Hai tướng còn chưa hiểu chuyện gì, Kiều Công Tiễn đích thân đưa hai phong thư của vị đạo trưởng cho hai tướng xem.

Cả hai đọc xong khuôn mặt ai nấy đều thoắt tái lại rồi bừng đỏ. Đỗ Tử Bình vốn là viên tướng thân cận trước đây luôn theo sát Kiều Công Tiễn quá hiểu tính tình họ Kiều, dè dặt nói:

– Cứ như ngu ý của mạt tướng, hai phong thư này tuy ẩn tình sâu xa song đều là xúi giục tướng quân gạt bỏ tình riêng làm đại sự. Binh tướng Phong Châu ta vốn mấy đời độc lập với Đại La thành. Dẫu Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ lòng dạ rộng lượng không nghi kỵ binh tướng Phong Châu, song đám văn thần chỉ quen tọc mạch chắc đã từ lâu muốn tước bỏ bớt binh mã các châu quận thì việc hết cáo thỏ bẻ cung tên cũng là lẽ thường tình. Tướng quân phải cẩn thận lắm mới được.

Kiều Công Chuẩn đọc đi đọc lại hai lá thư mãi mới nói:

– Xét các việc trong thành Đại La, phụ thân làm đại tướng được giao trọng trách canh giữ bốn mặt thành, quân quyền không phải nhỏ. Bọn người Ái Châu kia vốn đã từ lâu muốn độc chiếm An Nam, chỉ ngặt vì từ xưa đến nay vẫn nhìn trước ngó sau đấy thôi. Ở Đằng Châu, cha con Phạm Lệnh Công cẩn thận giữ mình. Ngô tướng quân vốn anh hùng cũng đã bị điều vào Ái Châu không cho ở đất Đường Lâm. Chỉ duy có phụ thân binh mạnh lương nhiều khiến bọn văn thần trong thành Đại La không yên tâm đêm ngày xúc xiểm. Có lẽ nào đây là kế hiểm của bọn chúng khiến Phong Châu nôn nóng để chúng lấy cớ mà giải giáp binh tướng chúng ta hay sao?

Kiều Công Tiễn ngẫm ngợi rồi nói:

– Ta vốn muốn yên bình cũng là để cho thiên hạ thái bình nhưng lòng trời khó đoán. Nay chỉ còn cách rút bỏ binh tướng, tháo dỡ thành trì, cam tâm tình nguyện xuống Đại La làm viên tướng nhỏ coi sóc việc canh gác cổng thành mới giữ được mình vậy.

Đỗ Tử Bình giận dữ nói:

– Nếu Dương chúa đã có ý dung túng để bọn hạ quan xúc xiểm tuyệt tình, ta càng nhẫn nhịn càng là lùi vào con đường chết đó.

Kiều Công Tiễn nghiêm nghị nói:

– Ta nửa đêm cho gọi hai tướng mật đàm không phải hễ nói lùi là lùi, xuống ngay đâu. Họ Kiều ta bao nhiêu năm hùng cứ ở Phong Châu cũng là vì muốn yên ổn đại cục. Nay thế thời thay đổi, ta sẽ tuỳ cơ hành sự. Các ngươi hãy sớm trở về quân doanh, tiếp tục mộ binh trữ lương, thao luyện quân thuỷ bộ cho thuần thục. Không có thực lực trong tay, dẫu mưu cao kế sâu đến đâu cũng chỉ biết giương mắt ra nhìn người ta cưỡi đầu cưỡi cổ mà thôi.

Hai tướng thấy Kiều Công Tiễn nói những lời đầy ẩn ý, biết rằng chủ tướng đã có quyết tâm bèn ngay trong đêm trở về Bạch Hạc.

*

Dùng dằng đến mấy tuần trăng, Kiều Công Tiễn chưa chịu rời Phong Châu về thành Đại La khiến những lời bàn tán mỗi lúc thêm nhiều. Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ mấy tuần gần đây luôn mộng mị bất an. Nhân lúc mùa nước lên, Dương công cho người đưa thư xuống Đằng Châu hẹn với Phạm Bạch Hổ để đội chiến thuyền bến Giang Biên xuống cửa bể Đằng Châu thao luyện.

Nhận được thư, Phạm Bạch Hổ mừng lắm, vội cho người hồi đáp, một mặt chấn chỉnh thuyền bè, khí cụ, chiêng trống, cờ xí, lại cho người xếp sẵn vài trăm sọt đạn đá đồng thời đắp các chiến luỹ dọc hai bên bờ sông để quân sĩ thao luyện.

Khi đoàn chiến thuyền chuẩn bị rời bến Giang Biên, Dương công đột nhiên thấy xây xẩm mặt mày bèn cho gọi quan chủ bạ Đoàn Thành vào căn dặn:

– Ta vốn định đi Đằng Châu với các tướng một chuyến xem thao luyện thuỷ binh, nhưng nay đột nhiên trong người khó ở không thể đi được. Tiên sinh hãy thay ta đi cùng tướng sĩ, tiện thể biên chép những điều trông thấy để sau này tiện việc rèn luyện thủy  binh.

Đoàn Thành vâng dạ lui ra trong lòng không khỏi lo lắng nhưng việc thao luyện đã chuẩn bị từ mấy tháng trước không thể nhỡ nhàng, bèn cùng Dương Tam Kha lên đội chiến thuyền xuôi dòng sông Cái xuống Đằng Châu.

Đội binh thuyền vừa khuất dạng nơi cuối sông cũng là lúc có tin bẩm báo Kiều Công Tiễn sau gần hai năm chịu tang cha đã trở về thành Đại La xin vào gặp. Dương Đình Nghệ mừng lắm, vội cho gọi họ Kiều vào tướng phủ.

Kiều Công Tiễn sụp lạy đâu đấy rồi cảm khái tâu:

– Bẩm chúa công, người đã gia ân cho gọi mạt tướng về sai bảo, nay đến chậm xin chúa công trị tội. Họ Kiều ở Phong Châu xưa nay chỉ biết yên phận giúp quân tướng thành Đại La dưỡng dân mở đất sổ sách lương tiền gửi về không dám sai chậm. Mạt tướng nghe nói trong hai ban văn võ có ý nghi kỵ lòng trung thành của họ Kiều với chúa công. Nay mạt tướng đã mãn hạn tang cha, nếu chúa công tin dùng lại sai bảo như cũ quyết không dám ăn ở hai lòng. Còn nếu như chúa công muốn giết mạt tướng để yên lòng quân, Công Tiễn đây cũng xin được cam tâm tình nguyện để khỏi nhục mệnh gia phụ và muôn dân phụ lão Phong Châu.

Dương Đình Nghệ vội đỡ Kiều Công Tiễn, ân cần nói:

– Tướng quân chớ có nghe người đời đồn đại mà tự trách mình rồi làm điều dại dột. Ta với gia phụ là chỗ huynh đệ cật ruột, lại đã nhận ngươi làm nghĩa tử cả thiên hạ đều biết, lẽ nào còn chưa đủ tin cậy hay sao? Bọn văn thần xúc xiểm ly gián người hiền, nay mai sau cuộc thao luyện thuỷ quân ở Đằng Châu trở về ta sẽ tra xét trị tội. Ngươi hãy sớm nhận lại chức cũ, chấn chỉnh quân doanh, giữ nghiêm kỷ cương bốn cổng thành như trước. Chỉ cần nay mai ta thân đến doanh trại của ngươi ở cửa Bắc thành uý lạo tướng sĩ tất sẽ xoá tan mối hiềm nghi của bọn nịnh thần.

Kiều Công Tiễn lạy tạ trở về quân doanh.

Suốt đêm, Kiều Công Tiễn không hề chợp mắt. Việc các văn thần võ tướng nghi ngờ xúc xiểm họ Kiều với Dương Đình Nghệ đích thân Dương công đã nói thẳng ra chứng tỏ gần hai năm qua đã có không ít lời xui phải hạn chế bớt binh quyền của các tướng, các châu mục, sách động. Luôn mấy năm, việc Dương Đình Nghệ tăng cường sức mạnh thuỷ quân, giao Ngô Quyền, Đinh Công Trứ vào Ái Châu, Hoan Châu mộ binh trữ lương, một mặt đám quần thần gây áp chế tước bỏ binh mã thuỷ bộ Phong Châu chính là mối họa lớn của họ Kiều. Từ trước tới nay, Kiều Công Tiễn ta dẫu chưa sai sót song lòng muôn dân Phong Châu hướng về, thành trì dày vững, thóc gạo đủ đầy, lại có nhiều binh tướng chắc chắn đã là cái gai cần phải nhổ trong mắt các tướng sĩ thành Đại La. Nay toàn bộ thuỷ quân cùng phần lớn văn võ trong thành đã xuôi hết xuống Đằng Châu thao luyện quả là thời cơ hiếm thấy. Lời bài thơ cứ văng vẳng trong đầu: Trái ý cao xanh họa xuống đầu/ Mang mang sương khói biết về đâu/ Việc đời hậu thế năm bảy hướng/ Tội nhân thiên cổ mịt mùng đau. Lại lời nói đầy ẩn ý của lão đạo trưởng cứ như những mũi kim châm chích thẳng vào đầu Kiều Công Tiễn. Tới gần sáng, năm chữ trong phong thư của lão đạo trưởng như in hằn vào tim óc họ Kiều: Tiên hạ thủ vi cường càng khiến Kiều tướng quân lòng dạ bất an. Kiều Công Tiễn đi đi lại lại trong quân doanh tới gần hết đêm bất thần ngồi vào bàn viết một phong thư tờ mờ sáng lập tức cho gọi thân tín đem về Bạch Hạc.

*

Quân doanh trại liên hoàn thuỷ bộ nơi ngã ba sông Bạch Hạc đất Phong Châu.

Mấy hôm trước, khi được tin chủ tướng Kiều Công Tiễn cùng đám tuỳ tùng lên đường vào thành Đại La, hai tướng Đỗ Tử Bình, Kiều Công Chuẩn trong lòng rất lo lắng. Lời lẽ hai bức thư của lão đạo trưởng luôn ám ảnh chờn vờn trong đầu óc khiến Đỗ Tử Bình và Kiều Công Chuẩn lo nghĩ mãi không thôi. Đã từ lâu, chủ trương tăng cường binh lực của Phong Châu luôn là vấn đề đàn hặc của quan tướng thành Đại La. Từ thời các chúa họ Khúc trị nhậm đều giả bộ như không biết, vẫn phân phong quyền tự chủ cho các châu quận, đặc biệt ưu ái với vùng đất Phong Châu. Đến khi Lý Khắc Chính, Lý Tiến vâng mệnh Hán đế xua binh sang đánh chiếm thành Đại La cũng để mặc Phong Châu tự chủ. Nay Dương Đình Nghệ từ Ái Châu, nhân đuổi được giặc Hán lên giữ ngôi cao nhưng thực lòng binh tướng Phong Châu chỉ biết có họ Kiều mà thôi. Nay vạn nhất quân thần nghi ngờ hãm hại lẫn nhau chỉ có thể lại nồi da xáo thịt. Nghĩ lại những lời căn dặn của chủ tướng Kiều Công Tiễn đêm hôm trước, hai tướng Đỗ Tử Bình, Kiều Công Chuẩn bèn cho các chủng quân thuỷ bộ, kỵ binh, voi trận các doanh sẵn sàng đợi lệnh. Hai tướng lại cho vận chuyển lương thảo, gỗ đá lên các chiến thuyền sẵn sàng theo dòng Thao giang xuôi Bạch Hạc xuống sông Cái. Đang cắt đặt việc quân, bỗng tuỳ tướng vào báo có người của chủ tướng Kiều Công Tiễn đem thư tới dặn riêng chỉ hai tướng Đỗ-Kiều được mở.

Vào trong trướng hổ, đuổi hết tả hữu ra ngoài, Đỗ Tử Bình bóc phong thư ra. Họ Đỗ đọc đến đâu mặt thoắt đỏ bừng rồi thoắt tái đi lại đỏ.

Đỗ Tử Bình đưa phong thư cho Kiều Công Chuẩn vừa nói:

– Chủ tướng đã hạ quyết tâm hành động rồi!

Kiều Công Chuẩn đọc xong lá thư, tâm can chấn động mãi mới thốt nên lời:

– Phụ thân đã hạ quyết tâm, mạt tướng dẫu gan óc lầy đất quyết dẫn toàn bộ binh thuyền thủy bộ hai đường xuống Đại La ngay đêm nay.

Đỗ Tử Bình quả quyết nói:

– Ta đã từ lâu thấy trước hùng tâm tráng chí của chủ tướng, chỉ là vì chưa có thời cơ ra tay mà thôi. Nay đại bộ phận binh tướng thành Đại La đi thao luyện thuỷ quân ở Đằng Châu, La thành chỉ là một tòa thành trống. Chủ tướng đã nhiều năm kiêm quản bốn mặt thành, dẫu họ Dương có mọc cánh cũng đừng hòng bay thoát. Ta và tướng quân hãy chia hai đường thuỷ bộ ngay đêm nay lặng lẽ tiến xuống thành Đại La. Người Phong Châu chúng ta cũng đã đến lúc mở mày mở mặt rồi.

*

Buổi tối trong quân doanh nơi cổng Bắc thành.

Từ chiều, Kiều Công Tiễn cùng mấy viên tướng dùng thuyền nhẹ đi thám sát các hào nước vừa về đến quân doanh cũng là lúc có tin báo buổi tối đích thân Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ tới uý lạo binh sĩ Phong Châu nơi cửa Bắc thành. Kiều Công Tiễn vào trong trướng hổ cho gọi mười viên tướng tâm phúc ở các đô quân vào nghị sự. Họ Kiều một mặt cho chuẩn bị các món ăn mà đức ngài Tiết độ sứ thường ưa thích, lại cho chuẩn bị hơn chục vò rượu từ Phong Châu đưa xuống còn gắn xi liêm phong. Đám đô tướng trong trướng hổ ai nấy đều cố nén vẻ căng thẳng mau chóng người nào việc nấy theo lời chỉ dạy của Kiều Công Tiễn. Xưa nay, đối với những người tâm phúc, họ Kiều thường không tiếc chức tước vàng lụa ban thưởng, nên mỗi khi có việc, dẫu là núi đao biển lửa, đám tuỳ tướng cũng quyết xông vào.

Sắp đặt đâu đấy xong xuôi cũng vừa lúc bên ngoài báo vào Dương Đình Nghệ đã rời đại điện. Kiều Công Tiễn vội chạy ra ngoài nghênh đón. Thấy Kiều Công Tiễn vẫn còn mặc giáp phục, Dương Đình Nghệ không khỏi áy náy phán bảo:

– Có việc gì ngươi hãy phân phó cho các tướng tuần tiễu là đủ rồi. Thân làm đại tướng, cũng phải biết nghỉ ngơi giữ gìn mới được.

Kiều Công Tiễn lạy tạ cùng đám đô tướng đón Dương công và các tuỳ tùng vào trong trướng hổ, đoạn sai người rót rượu kính dâng lên.

Trong trướng hổ, Kiều Công Tiễn cùng các đô tướng thay nhau chúc rượu Dương công. Vốn là võ tướng, lâu ngày bị đám quan văn ngăn cản khuyên can trong việc giữ gìn ăn uống, nay ở với đám đô tướng, Dương Đình Nghệ như được trở về thời trai trẻ uống rượu bát lớn, thao luyện quân sĩ đánh giết nơi sa trường nên liên tiếp cạn hết chung này đến chung khác khiến đám tả hữu đi theo vô cùng sợ hãi cất lời can gián bị Dương công nổi giận đuổi sạch ra ngoài. Rượu mãi tới gần nửa đêm, khi Dương công đã say không còn biết trời đất gì nữa cũng là lúc Kiều Công Tiễn phất tay áo lui vào bên trong. Nhận được ám hiệu, đám võ sĩ trực sẵn xông vào đè nghiến Dương Đình Nghệ cứ thế thắt cổ cho đến khi họ Dương không còn động cựa gì nữa.

Đúng lúc đó, trên không trung Đại La thành, tiếng sấm sét nổi lên kinh thiên động địa. Trời đang trăng sáng lờ mờ bỗng tối sầm lại đến nửa khắc. Thương thay Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, cả đời anh hùng, toàn thân đởm lược giương cao cờ nghĩa đánh đuổi Hán triều giành lại quyền tự chủ cho nước bỗng một phút sa cơ không sớm nghe lời can gián của cận thần bị chính tên nha tướng, người nhận mình là bố nuôi âm thầm hãm hại. Khí tiết, tấm lòng trung chính, độ lượng như trời bể của Tiết độ sứ họ Dương đã khiến đất trời cảm động, muôn dân căm hận họ Kiều để đến nỗi các vùng đất An Nam lại một lần nữa nổi trận phong ba.

Sau phút bàng hoàng nghe đám tuỳ tướng bẩm báo đã giết được Dương Đình Nghệ, Kiều Công Tiễn để nguyên giáp phục, cho triệu tất cả các tướng vào trướng hổ. Mặc thi thể của Dương Đình Nghệ hãy còn ấm nóng, Kiều Công Tiễn nghiêm giọng nói:

– Ta nay dẫu một dạ trung thành, song chẳng may chúa công quá chén bạo bệnh ngay trong quân doanh của ta, binh tướng Ái Châu chẳng đời nào đội trời chung với người Phong Châu ta nữa. Nay chỉ còn một cách, các ngươi hãy theo ta đắm đò giặt mẹt, công bố Dương Đình Nghệ mang tội soán nghịch, hổ thẹn với họ Khúc đã thắt cổ tự tận. Binh tướng Phong Châu hãy theo ta vào thành chủ trì đại cuộc. Ta đã sớm cho người về Bạch Hạc trưng tập ba quân thuỷ bộ đang trên đường tiến xuống La thành, chỉ sớm mai tất tới nơi. Các tướng hãy mau dùng lệnh bài của Dương Đình Nghệ triệu hai tướng Lê Lân, Trịnh Báo còn đang thống suất tượng binh giết đi để trừ hậu họa. Thuỷ quân La thành còn đang thao diễn nơi cửa biển có kéo về được cũng phải mất nửa tuần trăng. Nay họ Dương khí số đã tận, đại thế đã mất, việc làm chủ Đại La thành, làm chủ An Nam không phải họ Kiều ta cùng các tướng thì còn ai vào đây nữa? Các ngươi hãy nguyện cùng ta dốc sức, mai này sẽ luận công ban thưởng, được ghi vào sử sách, chẳng phải không thẹn với tiên tổ người Phong Châu hay sao?

Chúng tướng dạ ran chia nhau đi các cổng thành canh giữ cẩn mật, một mặt xông tới trại tượng binh nhưng không tìm được Lê Lân, Trịnh Báo. Nguyên Lê Lân từ chập tối bụng dạ nóng ran liền vào tìm Dương Đình Nghệ, thấy đám gia nhân bảo Dương công đi uý lạo binh sĩ cửa Bắc thành càng ngồi đứng không yên, nửa đêm cho gọi Trịnh Báo cùng đi tìm chúa công. Khi tiếng sấm sét nổi lên ầm ầm cũng là lúc tin Dương Đình Nghệ bạo bệnh trong quân doanh Kiều Công Tiễn, hai tướng Lê-Trịnh biết đã có biến, vội vã cải trang làm dân thường trốn ngay ra ngoài thành kiếm chiếc thuyền nhỏ bơi thẳng về phía Đằng Châu.

Sáng hôm sau, khi muôn dân trong thành còn đang bàn tán tiếng sấm chớp nửa đêm hôm trước không biết là điềm gì, đã thấy bốn phía cổng thành, trong ngôi đại điện, lá cờ họ Dương đã bị hạ đi từ lúc nào thay vào đó là những lá cờ cực lớn thêu chữ Kiều bay phần phật trong gió sớm. Dân trong thành càng hoang mang hơn khi vừa sáng sớm, phía ngoài thành, hàng vạn binh tướng từ Phong Châu kéo xuống cờ xí rợp trời. Mọi người còn chưa hết kinh động, lại thấy từ phía sông Cái áp sát đầm Sương Mù, hơn trăm chiến thuyền mang cờ hiệu Phong Châu thẳng tiến xuống bến Giang Biên xếp thành đội ngũ rất hùng tráng.

*

Đây lại nói tiếp chuyện ở Ái Châu.

Luôn mấy năm liền, theo mệnh lệnh của Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền đêm ngày dốc sức cùng các tướng kiêm quản mọi việc không dám lơ là. Luôn mấy hôm liền, Ngô tướng quân thấy trong mình không được khỏe thường dậy từ rất sớm một mình bồn chồn đi lại nơi tướng phủ. Đã mấy tháng liền không nhận được tin tức gì từ thành Đại La cũng như ở châu Đường Lâm càng khiến Ngô tướng quân ngẫm ngợi. Gần hai năm trước, khi được tin Kiều công qua đời, Ngô tướng quân đã toan ra thăm viếng sau lại nhận được lệnh cứ ở Ái Châu không cần ra vội khiến trong lòng họ Ngô có đôi chút áy náy. Mấy năm gần đây, đã có không ít điều tiếng của bọn quan văn về sự lớn mạnh của binh tướng Phong Châu. Ở đời đêm dài lắm mộng, dẫu không muốn phản mà cứ mãi nghi ngờ cũng là đẩy người khác vào bước đường cùng. Dẫu Dương Đình Nghệ đường đường chính chính kiêm quản La thành do được các châu mục suy tôn, song hẳn lòng người Phong Châu vốn chỉ chịu ơn mưa móc của họ Kiều không dễ gì xuôi thuận. Họ Kiều nếu có lòng dạ khác, binh xa không cứu được lửa gần tất nhạc phụ nguy mất. Suy nghĩ trước sau cũng chỉ dám để ở trong lòng. Còn đang buồn bực, bỗng đâu chim bồ câu đưa thư mình mẩy ướt đẫm bay sà xuống đậu trước mặt Ngô tướng quân. Nhác nhìn chim câu có điểm hồng giữa trán, Ngô tướng quân chợt chau mày nhận ngay ra thư khẩn của Lê Lân. Đã từ lâu theo Ngô Quyền luyện voi ở Ái Châu, Lê Lân không chỉ dũng mãnh thuần phục voi rừng mà còn có tài nuôi loài chim câu điểm hồng vốn vô cùng kén chủ.

Lê Lân và Trịnh Báo, khi đã ngồi chắc trên chiếc thuyền nhỏ gấp tay chèo xuống Đằng Châu, họ Lê đã lập tức nghĩ phải báo gấp tin về Ái Châu cho Ngô Quyền. Việc biến loạn bỗng chốc xảy ra nếu không sớm báo tin cho Ngô tướng quân việc lớn tất không thành. Xưa nay mọi việc xét đoán trong ngoài chúa công thường cho hỏi kế Ngô tướng quân. Dương Tam Kha dẫu là con ruột đang thống suất thuỷ binh nhưng về trí lực tiến thủ đều không bằng Ngô tướng quân. Vạn nhất Dương Tam Kha vì quá đau thương khinh suất về La thành rửa hận mắc vào mưu kế của Kiều Công Tiễn thì họ Dương đến tuyệt tự mất. Vừa nghĩ, Lê Lân vừa cắn ngón tay viết vội phong thư sai chim câu luôn theo sát bên mình bay về báo tin cho Ngô tướng quân.

Vừa đọc hết lá thư viết bằng máu của Lê Lân, Ngô Quyền cả kinh ngã lăn ra đất. Mãi một lúc sau bàng hoàng đọc lại lá thư máu, họ Ngô vội lên đại điện sai tuỳ tướng gióng từng hồi chuông lớn khiến cả vùng xáo động. Hai ban văn võ nghe tiếng chuông dồn từng hồi dài, biết có chuyện chẳng hay vội vàng kéo nhau vào ngôi đại điện. Ngô Quyền râu tóc dựng ngược, tay run run nắm chặt đốc kiếm, một tay cầm lá thư viết bằng máu, nước mắt giàn giụa nghiến răng nói gằn từng chữ:

– Chúa công ở thành Đại La bị tên phản thần Kiều Công Tiễn ám hại rồi.

Văn võ trong ngôi đại điện kinh hãi nhìn nhau không ai dám thốt một lời. Có mấy tên gia nhân sợ quá ngã phịch xuống khiến cốc đĩa rơi vỡ loảng xoảng.

Một vị quan văn cao tuổi run run tiến đến gỡ lá thư trong tay Ngô tướng quân xem lướt một lượt đột ngột ngã lăn ra đất bất tỉnh nhân sự.

Để mọi người bớt kinh động, Ngô tướng quân gạt nước mắt mệnh lệnh:

– Các văn thần võ tướng hãy mau cùng ta triệu tập các bậc lão trượng, thông báo tới cùng khắp ba quân, tới tận thôn cùng xóm vắng tên phản thần Kiều Công Tiễn đã giết hại chúa công tội không thể tha. Ta nay kíp thống suất ba quân lập tức tiến ra La thành hỏi tội phản thần, ta thề bắt sống Kiều Công Tiễn tế vong hồn chúa công mới được.

Lời Ngô tướng quân còn chưa dứt, trong ngôi đại điện tiếng kêu khóc, tiếng chửi rủa Kiều Công Tiễn vang lên ầm ầm. Trời mới mờ sáng, mây đen đã kéo đến mịt mùng. Khí đất bốn phía dâng lên lạnh lẽo. Gió ù ù thổi từng đám sương mù bay là là trên khắp các tàng cây, mái ngói trong ngoài ngôi đại điện. Tiếng chiêng trống, tiếng tù và rú lên từng chặp dài âm i dội vào vách núi. Trong khoảng đất trống rộng thông thống kéo dài đến tận bãi sông vẫn dùng vào việc tập trung quân sĩ, dưới làn mưa rơi lạnh bốn bề, Ngô tướng quân tay gạt nước mắt đứng trước ba quân cùng cúi rạp xuống vái lạy linh hồn Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ vừa bị họ Kiều ám hại ở Đại La thành.

1. Ngô Vương: Hồi thứ nhất – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
2. Ngô Vương: Hồi thứ hai – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
3. Ngô Vương: Hồi thứ ba – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
4.
 Ngô Vương: Hồi thứ bốn – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
5. Ngô Vương: Hồi thứ năm – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
6. Ngô Vương: Hồi thứ sáu – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
7. Ngô Vương: Hồi thứ bảy – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
8. Ngô Vương – một mô hình tiểu thuyết lịch sử