Ngô Vương: Hồi thứ tư – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai

791

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nay ta vì nghĩa lớn, vì ơn Khúc chúa mà hẹn binh xuống La thành đuổi giặc Bắc, rửa nhục cho người phương Nam ta. Các ngươi nên nhớ, phải hết sức thận trọng, mọi đường tiến thủ đều theo mệnh lệnh của chủ tướng. Nếu có gì thất lợi, phải toàn binh rút về Phong Châu thủ hiểm. Nên nhớ, đời đời tổ tiên ta, tổ tiên các ngươi ở Phong Châu cả. Chớ có ham chức tước bạc vàng nơi đất lạ mà vạ đến thân.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

HỒI THỨ TƯ

Đất Phong Châu, Kiều Công xuất ngàn binh mã
Trại thủy bộ, Ngô – Phạm đốt giết Hán quân

Đây nói tiếp chuyện Đoàn Thành dời Đằng Châu cùng đám tùy tùng cải trang làm lái buôn đến thẳng thủ phủ đất Phong Châu.

Đoàn Thành sau buổi chuyện trò với cha con Phạm Lệnh Công, Phạm Bạch Hổ thấy rõ họ Phạm một lòng chỉ muốn đuổi lũ giặc phương Bắc trong bụng rất mừng vội cho người về bẩm báo với Dương Đình Nghệ, một mặt không kể ngày đêm lên đường đến đất Phong Châu.

Họ Đoàn từ trước vốn từng nổi danh thời Mai Thúc Loan, Phùng Hạp Khanh, kế đó lão tướng Đoàn Kiếm, chủ tướng Đoàn Phương đều theo quân đánh nhà Đường chiến công hiển hách. Luôn nhiều đời kế tiếp đều được trọng dụng ở Ái Châu. Đoàn Thành học rộng biết nhiều, chuyên tâm sử sách rất được Dương Đình Nghệ trọng dụng, mọi việc trong ngoài đều cho dự bàn. Họ đoàn vì thế càng cảm động mà dốc lòng vì Dương công.

Đến đất Phong Châu, Đoàn Thành tới phủ Đường xin gặp Kiều công. Phải đợi tới hai ngày sau, đám gia tướng mới dẫn Đoàn Thành vào trong phủ.

Dọc đường vào phủ, Đoàn Thành không khỏi kinh động khi thấy Phong Châu thành cao hào vững, những địch lâu cao chất ngất không kém gì Đại La thành. Những cánh cổng gỗ lim bịt sắt cao đến hàng trượng. Hào nước rộng năm sáu trượng nước chảy quanh co như có cơ quan sắp đặt tàng ẩn phía dưới. Trong thành, ngay các cổng chính là những bãi luyện voi ngựa, trâu trận rất nhộn nhịp. Quả không hổ danh vùng đất được đặt quốc đô của đức vua Hùng Vương khi xưa.

Kiều công đặt hai ban văn võ nghi vệ rất uy nghiêm hai bên sảnh nội phủ. Mấy đời họ Khúc làm chúa An Nam đều gia ân cũng là kiềng nể họ Kiều vùng Phong Châu, còn là giữ giềng mối kết đoàn trong một nước nên đã lờ đi những nghi vệ quá mức của Phong Châu. Khi bước vào trong nội phủ, Đoàn Thành nhìn nơi chính điện, phía trước là chiếc bàn gỗ lớn trang trí rồng phượng, gồm đủ kiếm ấn uy nghi, phía sau là chiếc ghế lớn bọc da hổ đầy khí phách, sau nữa là bức bình phong mô tả chiến trận thành Phong Châu voi ngựa trùng trùng. Ngồi trên chiếc ghế lớn là một lão trượng khí độ bất phàm, râu tóc mười phần đã bạc đến năm sáu phần, cặp mắt rất tinh anh nhìn thẳng vào vị khách.

Đoàn Thành tiến lên thủ lễ nói:

– Tiểu sinh là Đoàn Thành người Ái Châu vâng lệnh Dương công đến chào Kiều lão bá. Nay được diện kiến lão bá thật là phúc phận của tiểu sinh.

Kiều công nhìn vị khách dáng vẻ nho nhã, nói năng chừng mực, thần thái ung dung, bèn thong thả nói:

– Ta nghe bẩm báo, Dương hiền đệ đã khởi binh vây ép La thành, lại cho người dùng vài tấc lưỡi mà khiển được Phạm Lệnh Công cất binh ngược dòng sông Cái đốt cầu phao khiến bọn Lý Tiến, Lý Khắc Chính mất ăn mất ngủ, nay cần gì đến lão già ta phải xuống Đại La nữa?

Đoàn Thành nghe dứt lời, tươi cười bình tĩnh đáp:

– Kiều công ân đức như mây, danh vang khắp cõi, thật chẳng gì giấu được ngài. Việc Dương công vạn bất đắc dĩ đem binh ra Bắc cũng là vì nhớ ơn Khúc chúa mà thôi. Còn như Phạm Lệnh Công cho Phạm Bạch Hổ đem thuyền bè chặn giặc cũng là đạo làm tướng vì chủ cũ báo ân chứ tiểu sinh nào có công lao gì. Khi đi, Dương công dặn tiểu sinh mọi việc đánh giữ ở thành Đại La đều ở chỗ Kiều công chủ trì cho mới được.

Kiều công cười ha hả đứng dậy nói:

– Người đời vẫn cho rằng Ái Châu là đất lắm anh hùng quả nhiên đúng thế. Ngươi là tên tùy tướng còn biết phải trái lễ nghĩa, thật đáng mừng cho Dương công. Có phải tổ tiên ngươi xưa kia từng theo phò Phùng Hạp Khanh, Phùng Hưng đánh đuổi quân Đường ở Phong Châu chăng? Nếu thế, chúng ta còn là người trong một nhà, đều là ái tướng của Phùng vương ngày tự chủ đó. Ta cũng đã nhiều năm chưa xuống núi, không biết thành Đại La bây giờ dày vững ra sao. Mọi việc cứ từ từ rồi ra sẽ khu xử.

– Bẩm Kiều công, tiểu sinh chính là hậu duệ của lão tướng Đoàn Kiếm, người đem voi trận từ Ái Châu theo đường thượng đạo đến Phong Châu để Phùng vương hợp vây La thành ngày trước. Trong gia phả còn ghi rõ sự hùng tráng của thành Phong Châu, nay tiểu sinh tận mắt chiêm bái thật danh bất hư truyền. So với thành Đại La, thành Phong Châu nào có kém gì, thế đất thế núi đúng là rồng chầu hổ phục.

Kiều công lúc đó càng tươi tắn rạng ngời nét mặt vỗ vai Đoàn Thành.

– Các ngươi hậu sinh khả uý không làm xấu mặt tổ tiên họ Đoàn, quả thật đáng khen. Ngươi cứ về tệ quán nghỉ vài ngày rồi lên đường báo với Dương công ta sẽ cho Kiều Công Tiễn phát năm ngàn binh mã xuống vây Đại La thành. Lão phu già rồi lẫn cẫn, có gì ngươi bẩm với tiểu đệ Dương Đình Nghệ thể tất cho.

Đoàn Thành cùng đám tuỳ tùng ra công quán còn thầm cảm phục mãi sự uy nghi, lễ nghĩa, mưu lược của họ Kiều chủ vùng đất Phong Châu. Lại thấy Kiều công tuy tuổi tác đã cao nhưng phong thái còn nhanh nhẹn lắm. Càng nghĩ, Đoàn Thành càng vân vi không biết mai này xuống Đại La thành, sau buổi đuổi giặc Bắc ngôi chủ khách sẽ phân thứ tự ra sao. Đành rằng, Dương Đình Nghệ là người luôn nhún nhường vì đại nghĩa, Phạm Lệnh Công là bậc trí giả ở đời, nhưng còn các tướng trẻ như Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ, Dương Tam Kha đều là những bậc tuấn kiệt, trẻ tuổi chắc gì đã chịu phục lẫn nhau. Mới thấy ở đời bể học vô cùng, anh hùng phương Nam nối nhau thời nào cũng có là vì thế. Đã vậy, ta cũng chỉ dám nghỉ ngơi một ngày, hôm sau xin phép Kiều công về bẩm báo để Dương công sớm có thời gian định việc lớn.

*

Sau khi nghe Đoàn Thành kể lại mọi diễn biến ở đất Phong Châu, Dương Đình Nghệ cho mời riêng Ngô Quyền đến bảo:

– Quyền nhi! Ta biết Kiều công đã nói là làm. Binh lính Phong Châu cũng đều thuộc loại tinh binh mãnh tướng. Chủ tướng Kiều Công Tiễn con trai của Kiều công văn võ kiêm thông mưu lược gồm đủ. Xưa nay, họ Kiều vẫn dùng ân uy gây dựng cơ nghiệp ở Phong Châu. Nay mai vào thành Đại La, các con phải lấy lễ nghĩa làm đầu, dẫu có việc gì không vừa ý đều phải gắng sức nhịn đi mới mưu thành việc lớn.

Đoàn Thành nhìn Ngô Quyền nói:

– Trận xua voi giày xéo binh tướng Đại La, trận thuận gió nước đốt cầu phao bờ Bắc Giang Biên, Kiều công và binh tướng Phong Châu đều được nghe uy danh tướng quân rồi. Nay mai tướng quân tất lập công lớn lưu danh sử sách. Mấy lần, Phạm công, Kiều công đều nhắc tới tướng quân đó.

Ngô Quyền trước sau chưa dám cất lời đã thấy Dương Đình Nghệ thong thả nói:

– Quyền nhi! Thuật làm tướng ta đã nhiều lần truyền dạy cho con, mong con gìn giữ. Hôm Ngô huynh giao con cho ta cũng là để cùng ta mưu việc lớn. Đạo làm chủ trong thiên hạ có những chỗ không thể nói ra được, mong con tự nghĩ làm sao vừa giữ được mình vừa giúp được dân mới là đức của kẻ anh hùng, cũng là tâm nguyện của Ngô huynh nhiều lần nói với ta.

Đoàn Thành không nói nhưng tự hiểu, cuộc gặp chỉ có ba người có nghĩa sự tin tưởng tuyệt đối của Dương công đối với hai tướng là cực lớn. Trong lòng Đoàn Thành chỉ thắc mắc không thấy Dương công cho gọi phó tướng Dương Tam Kha vào hội kiến. Điều này Ngô Quyền biết rõ hơn. Tam Kha dẫu trí dũng hơn đời nhưng không ít khi tâm cơ lộ diện, lại ngày thường có ý hiếu sát tranh công khiến Dương Đình Nghệ trong sâu thẳm không hài lòng. Bậc làm chủ tướng phải lấy khoan hòa nhân nghĩa làm đầu, phải hiểu được đạo lý đuổi giặc sâu sắc hơn thế trận đánh giết một mất một còn chỉ chuốc lấy chinh chiến liên miên. Càng hiểu rõ tâm sự của nhạc phụ, Ngô Quyền chỉ càng biết dốc sức vào chỉnh đốn quân mã, khích lệ chư tướng, chăm sóc phụ lão hương thôn, muôn dân bá tánh. Từ buổi gặp gỡ Phạm Bạch Hổ, Ngô Quyền rất mến phục vị tướng trẻ vừa anh dũng quả đoán nơi chiến trường vừa thấu hiểu huyền cơ của buổi anh hùng tao loạn mà thương dân thương nước đến tận tim óc không rời. Suy nghĩ là vậy song nói ra lại là chuyện khác. Nay đại địch ở trong ngoài La thành binh khỏe tướng giỏi có tới dư năm vạn. Hán đế Lưu Nhiễm đã trỏ ngọn cờ bành trướng xuống phương Nam ắt là trúc trẻ ngói tan, sinh linh đồ thán, chiến tranh chưa biết đến bao giờ, nên việc hành xử càng phải thận trọng lắm. Ngay như việc nhạc phụ cho mời Phạm công và Kiều công đem binh xuống thành Đại La cũng là vạn bất đắc dĩ mà thôi. Càng nghĩ, Ngô Quyền càng thấy thương vị nhạc phụ cả đời chỉ biết lo cho dân Ái Châu, Hoan châu sung túc mà nay bỗng nhiên phải đứng chủ trì cục diện chiến tranh. Âu cũng là trời xanh thử chí anh hùng.

*

Nay nói tiếp chuyện ở Phong Châu.

Năm ngày sau khi tiếp Đoàn Thành, Kiều công mới cho gọi con trai Kiều Công Tiễn khi ấy đang trấn thủ vùng Bạch Hạc về Phong Châu nghị việc. Đối với Kiều công, dẫu là việc binh nhung khẩn cấp, việc thiên tai địch hoạ đổ núi sập cầu, Kiều công vẫn thong thả như thường. Đã gần bảy mươi tuổi, ngót năm mươi năm hùng cứ đất Phong Châu trải mấy đời Khúc chúa, chưa bao giờ họ Kiều vội vã điều gì. Đối với họ Kiều, cho là chúa nào cai quản cũng vậy, đều phải dựa vào thực lực của mình mà định ngôi vị. Đều phải có dân có đất, có binh lực riêng, thành cao hào vững, thóc nhiều binh lắm mới là kế vẹn toàn. Các đời Khúc chúa đều riêng để Kiều công một cõi chỉ ban thưởng vỗ về chứ tuyệt nhiên không dám hỏi đến những việc khác. Phong Châu đã mấy chục năm vẫn tựa hồ như riêng một cõi là vì thế. Bên trong như vậy, song bên ngoài, họ Kiều rất quảng giao. Kiều công năm nào cũng cho đám tùy tướng đưa sản vật, lụa là, đồ trân quý tới giao lưu kết bằng hữu các vùng, đặc biệt là với Phạm công ở Đằng Châu, Dương công ở Ái Châu và Ngô công ở Đường Lâm. Chính vì vậy, danh tiếng Kiều công ngày càng vang xa mãi. Khi Lý Khắc Chính động binh vây đánh Tống Bình bắt Khúc Thừa Mỹ về Phiên Ngung, lòng người oán thán. Xa như Ái Châu đã động binh. Tiếp đó là Đằng Châu đã đưa binh đi. Riêng Phong Châu vẫn án binh bất động cũng là chỗ suy nghĩ hơn người của Kiều công. Đứng trước hàng quân năm ngàn tinh binh mãnh tướng Phong Châu, Kiều công giao kiếm lệnh cho chủ tướng Kiều Công Tiễn – người con trưởng thong thả nói:

– Bớ các tướng sĩ Phong Châu! Nay ta vì nghĩa lớn, vì ơn Khúc chúa mà hẹn binh xuống La thành đuổi giặc Bắc, rửa nhục cho người phương Nam ta. Các ngươi nên nhớ, phải hết sức thận trọng, mọi đường tiến thủ đều theo mệnh lệnh của chủ tướng. Nếu có gì thất lợi, phải toàn binh rút về Phong Châu thủ hiểm. Nên nhớ, đời đời tổ tiên ta, tổ tiên các ngươi ở Phong Châu cả. Chớ có ham chức tước bạc vàng nơi đất lạ mà vạ đến thân.

Kiều Công Tiễn giáp phục uy nghi nhận đón kiếm lệnh tiến ra trước ba quân hô lớn:

– Bớ các tướng sĩ! Các ngươi hãy chứng tỏ mình là dũng sĩ Phong Châu, nơi có quốc đô của các vua Hùng. Người Phong Châu đi không đổi tên họ, chết không mất nết nhà, các ngươi hãy ghi nhớ lấy.

Lời Kiều Công Tiễn vừa dứt, tiếng hô vang động cả góc thành, đoàn voi ngựa tinh binh mãnh tướng kéo ra khỏi cổng thành dài đến mấy dặm.

*

Đây lại nói việc trong thành Đại La.

Từ buổi thay Lý Khắc Chính chủ trì công việc trong thành Đại La, Lý Tiến sắp đặt canh giữ các cổng thành rất nghiêm nghặt. Lý Tiến cho thiết lập đường vận chuyển binh lương thông suốt từ trại Bắc sông Cái, qua phía bờ Nam đặt trại thuỷ bộ liên hoàn, tiếp đến trại lớn ngay ngoài cổng Bắc thành Đại La nối vào tới soái phủ phía trong. Đám quan văn quan võ trong Đại La thành cũ mới đều được phong thêm một cấp, ban thưởng tước vị, lụa là gấm vóc. Lý Tiến lại cho giết trâu ngựa khao quân để tăng sĩ khí trong ngoài thành. Độc Toàn Chân được tin dùng thăng chức tổng quản binh lương khắp cõi Giao Châu. Mạng lưới thương thuyền của Độc Toàn Chân được biên chế thành đoàn chiến thuyền cho khẩn trương bọc đồng bọc sắt, lại cho lắp đặt máy bắn đá gây thanh thế rất lớn. Lý Tiến tự biết rằng, nếu không giương uy Hán đế, tự lập nanh vuốt, chấn hưng sĩ khí toàn quân, thì thành Đại La sớm muộn cũng sẽ là mồ chôn của họ Lý. Một mặt, đích thân Lý Tiến thám sát khắp trong ngoài thành, phàm là chỗ nào dân chúng ở sát chân thành đều cho rời bỏ đuổi đi. Những là hào vũng nông sâu đều cho nạo vét chỉnh sửa rất nghiêm ngặt. Cũng thời điểm đó, Dương Đình Nghệ chủ trương tạm thời hưu chiến nên công việc của Lý Tiến không gặp mấy trở ngại, binh sĩ Hán triều vì thế lại bắt đầu ngông nghênh lùng sục ra tận phía ngoài thành.

Một buổi, Lý Tiến cho gọi Độc Toàn Chân vào soái phủ cùng nghị việc với các tuỳ tướng.

Lý Tiến ôn tồn nói:

– Ta may nhờ có tướng quân hết sức giúp dập mới có được thành cao hào vững, binh tướng hăng hái như hôm nay. Giặc cỏ luôn mấy tuần án binh bất động còn khó lường lắm. Nay tuyến vận chuyển binh mã lương thảo thông suốt bờ Bắc bờ Nam đến trại lớn cửa Bắc thành vào soái phủ đã nhịp nhàng. Ta cũng đã bẩm báo về Hán triều để hoàng thượng sớm phong quan tước cho tướng quân. Mọi việc mong ngươi hết sức cùng binh tướng giúp ta kiêm quản đất Giao Châu này mới được.

Độc Toàn Chân từ buổi được tin dùng, bên trong đối với Lý Tiến hết sức cung phụng nịnh nọt, bên ngoài đối với binh sĩ dân chúng không điều gì bạo ngược y không dám làm. Nay được chủ tướng khen ngợi còn tấu về Hán triều ban thưởng, y không giấu được vẻ sung sướng nói:

– Mạt tướng xin tạ ơn chúa công! Mọi việc cũng đều nhờ vào ân uy của Hán đế, hồng phúc của chúa công, mạt tướng mới mở mày mở mặt được. Toàn gia họ Độc, toàn thể huynh đệ của mạt tướng ở La thành xin kết cỏ ngậm vành báo ơn đức chúa công.

Thấy Độc Toàn Chân đột nhiên gọi mình là chúa công không khiến Lý Tiến giật mình nhìn quanh nhưng trong lòng đã bảy phần ưng thuận bèn vỗ về nói:

– Tướng quân nói thế là sai rồi. Ta chỉ là biên thần biên tướng của Hán đế mà thôi, ngươi gọi thế người ngoài nghe được lại rèm pha chẳng ra sao. Ngươi nên nhớ, chúng ta tuy bước đầu nắm được Đại La, quân quyền ấn tín còn đó nhưng vùng đất phương Nam này là đất ngoạ hổ tàng long, nếu không cẩn thận chết không có chỗ chôn đâu. Ngươi phải biết  răn mình cùng chúng tướng mà hành sự mới được.

Độc Toàn Chân vội nói:

– Chúa công bất tất phải quá khiêm nhường. Các văn thần võ tướng nơi Đại La thành, ai chẳng biết chúa công hết lòng vì Hán đế. Nay chúa công chủ trì mọi việc đánh dẹp ngoài ngàn dặm, phải nêu rõ công đức của mình mới cảm hoá được các tướng. Đó cũng là vì Hán đế mà gan óc lầy đất đó thôi. Nay quân ta người người phấn chấn, thuyền bè lương thảo dồi dào, kỵ binh bộ binh đều đã quen thung thổ tất nay mai đánh dẹp một trận tan giặc cỏ, chúa công khi ấy chỉ cần cử vài viên tướng vào chiếm lấy Ái Châu, Hoan châu, tiến đánh Chiêm Thành chí khí anh hùng càng hiển lộ, hiền tài bộ hạ nhờ hồng phúc mà thăng quan phát tài đó thôi.

Lý Tiến thấy Độc Toàn Chân lời lẽ nịnh nọt ngày càng quá bèn nói ngay:

– Tướng quân chớ được khinh địch. Ở đất Nam man này mà hàm hồ khinh suất xưa nay chỉ toàn chuốc lấy bại vong thôi. Nay cho ngươi lui ra chuẩn bị binh thuyền ngày mai ta sẽ sắp đặt sau.

*

Sáng hôm sau, từ sớm tinh sương, Lý Tiến cùng các bộ tướng đã nai nịt gọn gàng rời khỏi cửa bắc thành tới bến sông nơi có doanh trại liên hoàn thuỷ bộ thao luyện. Mùa nước dâng, mặt sông cái rộng mênh mông, sóng nước vỗ soàm soạp vào hai bên mạn thuyền. Từ ngày có đội binh thuyền, khí thế quân Hán tăng lên rõ rệt. Trại thuỷ binh đồng thời cũng là nơi Độc Toàn Chân cho binh lính cướp bóc đám thuyền xuôi ngược từ các vùng thượng du khi đi qua các cửa sông. Họ Độc ngang ngược bất kể là thuyền muối thuyền than cửa sông cửa biển đều cho trưng tập về chuyển làm thuyền chuyên chở thuỷ quân. Quân Hán trong Đại La thành tên nào thành thạo bơi lội đều xung làm thuỷ quân cả. Quân Hán lại cho bắt những chòi canh trên mặt sông chòi nọ nối chòi kia bằng những cây luồng lớn cao hẳn lên mặt nước tạo thành chiếc cầu phao nổi liên hoàn rất vững chắc. Lý Tiến lại cho đắp những ụ đất nổi hai bên bãi sông, đào những hào rãnh lớn xung quanh đề phòng voi chiến xông vào ải luỹ. Cùng các tùy tướng lục tục xuống mười chiếc thuyền lớn, Lý Tiến hạ lệnh xuôi xuống bến Giang Biên. Hơn nghìn cung thủ giấu sẵn trong lòng thuyền sẵn sàng giương cung lắp tên. Trên mỗi chiếc thuyền lớn bố trí năm cần máy bắn đá và hàng chục sọt đạn đá cỡ lớn. Nước xuôi gió thuận, đoàn thuyền lừng lững tiến trên mặt sông rộng không gặp bất kỳ trở ngại gì. Gần tới bến Giang Biên, từ xa, Lý Tiến lên mặt thuyền nhìn rõ cách chừng non nửa dặm một đám thuyền buôn lớn chừng sáu bảy chiếc đang leo đậu sát bến Giang Biên. Lý Tiến vẫy Độc Toàn Chân chỉ đám thuyền nói:

– Kia là thuyền buôn bán hay chiến thuyền của bọn giặc cỏ trá hình trà trộn thám sát tình hình của ta vậy?

Độc Toàn Chân nheo cặp mắt một mí nhìn mãi rồi nói:

– Mạt tướng cho là đám thương thuyền mang muối biển lên Giang Biên đổi lấy thóc gạo cày bừa đó thôi.

Lý Tiến phẩy tay:

– Bất kể là thuyền buôn thuyền lính ngươi hãy mau xếp đội hình bắn phá tan hết cho ta. Từ hôm đến đây, chưa thấy thuỷ binh khai trận để bản tướng ta liệu kế bố phòng.

Độc Toàn Chân thầm kêu khổ nhưng cũng phải mệnh lệnh mười chiếc chiến thuyền dàn thành hình vòng cung vây sát đám thuyền buôn đúng tầm đạn đá hạ lệnh nhất tề bắn sang.

Ùng… ùng… ùng… những cần máy bắn đá của chục chiến thuyền Đại La nhất tề vung lên hạ xuống cấp tập. Thoạt tiên, đạn bay chệch choạc tạo những cột nước lớn trắng xoá xung quanh đám thương thuyền song chỉ giây lát được binh tướng điều chỉnh đã nã trúng đích vỡ toang mấy chiếc liền. Có tiếng hò hét kêu khóc náo loạn. Những bóng người tung lên khỏi khoang thuyền đổ gãy. Các cần máy bắn đá càng khẩn trương nã đạn sôi sục vào đám thuyền trơ trọi nơi bến sông. Một thảm cảnh kinh hoàng bày ra, đám thương thuyền chưa đầy nửa khắc đã vỡ tan không còn một chiếc. Lý Tiến ha hả cười vỗ vai Độc Toàn Chân khen ngợi:

– Khá lắm! Khá lắm! Hôm nay ta phải khao thưởng tướng quân mới được. Đánh bọn Nam man không có thuỷ quân khó thủ thắng chúng lắm. Tướng quân hãy gây dựng thuỷ quân thật hùng mạnh mới có thể hùng cứ ở đất này được.

*

Nhận được tin báo bảy thuyền giả dạng thuyền buôn chở lương thảo khí giới từ Đằng Châu mới cập bến Giang Biên còn chưa kịp chuyển cho đại quân bất ngờ bị máy bắn đá của thuỷ quân Lý Tiến bắn tan tác, Phạm Bạch Hổ vội cùng đám tuỳ tướng ra thẳng bến sông xem xét đã thấy chiến thuyền của Độc Toàn Chân ngược dòng về trại chỉ còn là những chấm nhỏ. Phạm Bạch Hổ cùng các tuỳ tướng vội cho cứu vớt binh sĩ sống sót cùng lương thảo vỡ nát nổi lềnh bềnh trên mặt sông vô số lên bờ vừa lúc Ngô Quyền phóng ngựa tới. Rời lưng ngựa, Ngô Quyền quan sát một vòng đoạn bảo với Phạm Bạch Hổ:

– Phạm tướng quân! Không ngờ trong đám gian thương người Hán ở La thành cũng có người biết đánh thuỷ binh. Ta cho dò xét kẻ đó là tổng quản Độc Toàn Chân vốn dòng dõi thái thú Độc Cô Tồn trị nhậm Giao Châu thủa trước. Dương công vừa lệnh cho ta đến xem xét hỗ trợ binh tướng Đằng Châu tiện cùng nhau bàn việc đánh tan đám thuỷ binh mới lập của Lý Tiến. Để lâu ngày, chúng trước sau thành thạo càng khó cho ta.

Phạm Bạch Hổ đau xót nhìn đám binh lính đang được vớt lên từ dưới lòng sông lềnh bềnh lương thảo nén giận nói:

– Lũ giặc Bắc mới mấy ngày đã lắp được máy bắn đá trên chiến thuyền thật lợi hại. Đám thương lái của chúng phần nhiều là cướp biển dạt về nên thành thạo việc sử dụng chiến thuyền. Ta phải mau bí mật cho các dũng sĩ ngược lên thượng lưu sử dụng thuyền nhỏ lợi dụng đêm tối đốt thuỷ trại của giặc mới xong.

Hai tướng đang bàn, bỗng thấy Dương Đình Nghệ cùng Đoàn Thành rời lưng ngựa bước thẳng xuống bãi sông xem xét một lượt. Một lát, Dương Đình Nghệ cùng các tướng trở về trại lớn của Phạm Bạch Hổ đóng sát bến Giang Biên. Sau tuần trà nóng, Dương công nghiêm nghị nói:

– Ta vẫn biết Lý Tiến là tướng lão luyện của Hán đế nhưng không thể ngờ bọn chúng thời gian ngắn ngủi đến thế đã lắp đặt được máy bắn đá lên chiến thuyền gây thiệt hại cho ta. Các thương nhân trong thành không ít người thạo phép đánh thuỷ đã truyền dạy cho đám lính Hán cách tiến lui trên mặt nước. Nay nếu đợi thuyền bè từ Ái Châu kéo ra tất giặc kia càng thêm thời gian phòng bị. Ta vẫn biết Phạm Bạch Hổ nhiều năm nay thành thạo sông nước lại giỏi thuỷ chiến, nay có kế gì phá giặc mong tướng quân hãy sớm nói cho ta biết.

Phạm Bạch Hổ nghiêm nghị nói:

– Tiểu tướng đã xem sức tàn phá của thuyền giặc. Nay bọn chúng hạ thuỷ bộ liên hoàn trại để ứng cứu lẫn nhau ta chỉ có thể xuất kỳ bất ý chờ đêm tối lợi dụng gió nước đánh hoả công đốt thuyền giặc. Lại phải dùng tướng giỏi đưa voi trận bất ngờ đánh trên bộ chúng mới đầu đuôi không cứu ứng được nhau. Ngặt nỗi, voi trận muốn đưa đến bờ Nam trại giặc chẳng biết đi bằng cách nào?

Ngô Quyền trầm ngâm nói:

– Việc đưa voi lâm trận ta phải bí mật đưa theo đường sông mới không để lại dấu vết. Khi trước luyện voi ở Ái Châu, các nài tượng thường bắt chúng bơi dọc sông cũng không nề gì. Nay sông Cái mùa nước lớn ta hãy nửa đêm đưa chúng lên thuyền rồi bí mật ngược sông sát đến trại giặc chọn nơi um tùm mà ém binh. Cái khó là các dũng sĩ Đằng Châu phải vận chuyển được thật nhiều đồ dẫn lửa để đốt thuỷ trại khi ấy tung voi vào trại lính trên bờ mới hữu dụng. Đốt hết thuỷ binh giặc ta phải mau chóng tạo dựng đạo quân mạnh để vừa phải chống nhau với binh tướng Hán triều nơi bờ bắc vừa phải đánh quân tiếp viện từ trong Đại La thành kéo ra. Mạt tướng xin nhạc phụ và Phạm tướng quân bổ cứu cho.

Dương Đình Nghệ nhìn hai viên ái tướng, lại đưa mắt nhìn Đoàn Thành có ý mời họ Đoàn nói việc Phong Châu.

Đoàn Thành nói nhỏ rõ từng tiếng:

– Tiểu tướng vừa rời đất Phong Châu cũng là lúc Kiều công cho hơn năm ngàn tinh binh mãnh tướng do Kiều Công Tiễn làm chủ tướng đang ngày đêm hành binh xuống hợp vây Đại La thành chỉ nay mai tất đến. Nay Dương công hãy cho các tướng chuẩn bị thật kỹ lưỡng đợi tin của binh tướng Phong Châu sẽ đồng loạt hành sự việc lớn mới nắm chắc phần thắng.

Dương Đình Nghệ bấy giờ mới nói:

– Phép đánh giữ bây giờ đã khác. Nếu binh tướng Phong Châu kíp đến sớm ta dám chắc Lý Tiến không dám rời thành Đại La cứu trại thuỷ bộ ở sông Cái đâu. Ngộ nhỡ họ Kiều đến chậm, giặc kia dốc hết thuỷ quân bất ngờ đánh úp chiến thuyền Đằng Châu ta sẽ khó đương cự. Bởi vậy, Phạm Bạch Hổ hãy mau chóng cho giấu bớt chiến thuyền rồi cho quân lên bộ tìm về vùng thượng lưu trưng tập thuyền nhỏ chứa sẵn đồ dẫn lửa men theo bờ phía Nam sẵn sàng đốt thuỷ trại giặc. Gió xuôi nước thuận, các tinh binh họ Phạm đều thạo sông nước chắc sớm có kết quả. Một mặt, ba đêm nữa là lúc cuối tuần trăng trời tối mịt mùng, Ngô Quyền hãy cho ba mươi thớt voi cùng một ngàn tinh binh lên thuyền ngược sông áp sát trại giặc. Hễ thấy Phạm tướng quân nổi lửa đốt thuyền Quyền nhi hãy thúc voi nhất tề xông vào trại giặc. Khi ấy ta sẽ cho binh lính hò reo công thành khiến Lý Tiến không dám ra cứu. Các tướng hãy cố đánh cho đến sáng thể nào binh tướng Phong Châu cũng sẽ đến hội quân cùng các tướng.

Phạm Bạch Hổ khẳng khái nói:

– Mạt tướng xin vâng mệnh hành binh hẹn với Ngô tướng quân thuỷ bộ ba đêm nữa nhất tề khai chiến. Dù binh tướng Phong Châu có kịp tiếp viện hay không các dũng sĩ Đằng Châu quyết tử chiến với giặc. Mong Dương công hãy tin tưởng mạt tướng.

Ngô Quyền xúc động chớp chớp mắt vỗ vai Phạm Bạch Hổ:

– Phạm tướng quân! Ta nhất định sẽ xung trận đúng lúc tướng quân đốt thuyền giặc. Giặc kia dẫu mạnh chúng chỉ là quân vô đạo dám xâm phạm đất ta, ta phải đánh cho chúng biết đất đai này là có chủ. Ta thề cùng tướng quân sẽ phá giặc ở bãi sông này.

Thấy hai vị tướng trẻ bên ngoài khí khái anh hùng bên trong khăng khít hẹn nhau giết giặc, Dương Đình Nghệ cả mừng nói:

– Người phương Nam chúng ta có được những tướng lĩnh như thế này lo gì không thắng giặc.

*

Buổi tối trong soái phủ Lý Tiến ở Đại La thành.

Độc Toàn Chân hớt hải chạy vảo bẩm báo:

– Bẩm chúa công! Thám mã vừa về báo binh tướng Phong Châu của Kiều Công Tiễn chỉ còn cách cổng Tây thành hai mươi dặm chắc chắn sáng mai sẽ khai chiến với quân ta.

Lý Tiến nhìn viên tướng yêu trấn an:

– Ngươi không phải quá lo lắng. Ta thuỷ bộ liên hoàn, bốn cửa thành nay đã vững như bàn thạch, dẫu một Kiều Công Tiễn chứ ba Kiều Công Tiễn đến ta đều có kế đánh tan chúng.

Độc Toàn Chân căng thẳng nói:

– Bẩm chúa công, bọn chúng đều là những nha tướng cũ của họ Khúc, nay kết bè kết đảng kéo về đây thanh thế càng ngày càng lớn. Mạt tướng lại được tin bọn giặc cỏ Đằng Châu đang lẻn lên vùng thượng du chuẩn bị xuôi xuống đốt thuỷ trại của ta. Buổi chiều nay, thám sát thấy tiếng voi gầm ở phía Nam thưa thớt lắm. Liệu chúng đêm nay có cả gan ba mặt giáp công liên hoàn trại ở bờ Nam của ta không?

Lý Tiến nghe Độc Toàn Chân nói không khỏi hoang mang nhưng vẫn nói cứng:

– Phép dùng binh xưa nay nước đến đất ngăn, binh ra tướng đón không có gì phải sợ. Ngươi hãy mệnh lệnh đêm nay giữ vững hai trại thuỷ bộ không được ra đánh. Đại binh bờ Bắc cũng phải án binh bất động không được manh động qua sông ứng cứu. Ngày mai ngươi hãy cho các chiến thuyền tản ra tuần sát dọc hai bên sông chỗ nào khả nghi cứ dùng đạn đá bắn giết cho ta. Bất kỳ thứ gì nổi trên mặt nước đều cho binh lính trục vớt đắp thành hào luỹ kẻ kia không thể trà trộn được chúng làm sao đốt được trại ta. Ngươi hãy y kế mà làm, việc phòng thủ các mặt thành ta đã cắt đặt các tướng đâu đấy cả rồi.

Độc Toàn Chân lui về doanh trại lòng nơm nớp không yên. Vừa đi được một đoạn đã thấy lửa cháy rừng rực phía Đông và phía Nam thành Đại La. Luôn mấy đêm nay, đêm nào Dương Đình Nghệ cũng cho đốt lửa ngoài hai mặt thành, cho đội cồng chiêng khua gõ gấp lắm khiến binh tướng trong thành Đại La ăn ngủ không yên.

Trước đó, từ buổi chiều, Phạm Bạch Hổ cùng hơn hai ngàn dũng sĩ sau mấy ngày đêm đã sửa soạn được gần trăm chiếc thuyền nhỏ chứa đầy đồ dẫn hoả lặng lẽ ẩn tàng ngay sát thuỷ trại giặc. Nhìn hướng gió, xem chiều nước chảy, Phạm Bạch Hổ bảo với các tướng:

– Đêm nay đốt trại giặc để tỏ rõ chí khí anh hùng của người Đằng Châu ta. Các huynh đệ hãy nhớ phải mau chóng cắt cầu phao không cho giặc ở bờ Bắc sang ứng cứu. Phần trại trên bộ, ta tin chắc Ngô tướng quân sẽ xua voi vào giày xéo chúng. Giặc kia dẫu đông quân song đêm tối chúng không dám rời thuyền bè doanh trại đâu. Ta vừa đốt vừa đục thủng chiến thuyền giặc kia tất loạn.

Các dũng sĩ ai nấy vung cánh tay trần vạm vỡ loang loáng truỷ thủ sắc lẹm như thay một lời thề.

Đêm nơi bãi sông gần sát thuỷ trại quân Hán im ắng rợn người.

Trên bờ, ánh sáng hắt ra từ những chòi canh soi rõ khuôn mặt binh lính mệt mỏi đang ngáp ngủ.

Dưới thuỷ trại, hơn trăm chiếc chiến thuyền lớn nhỏ đỗ sát nhau lừng lững trên mặt nước chỉ le lói ánh đèn hắt lờ mờ xuống mặt nước. Tiếng sóng vỗ soàm soạp vào mạn thuyền. Trên chòi canh đám lính gà gật theo nhịp chao lắc của thân thuyền.

Gần nửa đêm.

Trên mặt sông lố nhố những chấm nhỏ bập bềnh như củi cành mùa nước từ thượng du đổ về. Đám củi cành đến vài trăm cứ bập bềnh tiến sát thuỷ trại. Càng tới gần, mấy tên lính canh trên thuyền uể oải nhìn ra rồi mặc kệ. Đêm khuya gió lạnh, cùng lắm là đám dân chài liều chết kiếm cá ven bờ mà thôi. Đến khi mấy tên lính hốt hoảng nhận ra đám củi cành chính là những thuyền nhỏ đang vùn vụt ập vào thuỷ trại cũng là lúc tiếng pháo nổ, những ánh lửa nháng lên, hơn ba trăm thuyền cỏ chứa đầy chất dẫn lửa nhất tề lao vào thuỷ trại. Trong các chiến thuyền, đám lính dáo dác lên hò nhau đem cung tên bắn bừa vào những thuyền lửa thì đã muộn, nước xuôi gió thuận, các thuyền bốc cháy rất nhanh. Dưới lòng sông, những tráng sĩ tản ra ngoài tầm tên bơi thành đội ngũ. Cùng lúc ấy, tiếng trống tiếng cồng thúc lên ầm ầm. Cả một vùng đuốc cháy rừng rực sáng một góc trại. Trong ánh lửa bập bùng, tiếng voi gầm ghê rợn. Mấy chục thớt voi như từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất chui lên lao thốc vào doanh trại giặc. Trên bành voi, binh lính Ái Châu nhanh nhẹn ném lao đồng, bắn tên lửa khiến góc trại trên bờ cháy rừng rực. Phía bờ Bắc, tiếng kèn đồng của binh lính Hán ré lên từng chặp nhưng bọn chúng không dám khinh xuất qua sông cứu viện. Binh tướng Ái Châu xuất kỳ bất ý đốt phá trại giặc như vào chỗ không người. Dưới lòng sông, hơn ngàn dùng sĩ hò reo khi thấy đoàn chiến thuyền quân Đằng Châu sau khi đổ bộ voi chiến lên bờ quay ra đón lên thuyền. Những là gươm giáo cung tên đều sắp đặt đủ cả. Các dũng sĩ mau chóng kẻ cung tên người câu liêm, đinh ba trên các chiến thuyền quay trở lại thuỷ trại giặc vừa hò reo tạo thanh thế vừa bắn giết những quân Hán bị lửa cháy rơi xuống lòng sông. Cả một khúc sông ngầu đỏ náo loạn tiếng la hét rợn người mãi cho đến tang tảng sáng.

Trời còn chưa sáng hẳn, một cảnh tượng kinh hoàng bày ra trước mắt nơi bãi sông. Thuỷ trại quân Hán chỉ còn là đám xác thuyền đổ gãy cháy vỡ tứ tung nham nhở. Chỉ còn hơn chục chiếc mang thương tích liều chết men theo cầu phao sang bên phía bờ bắc. Quang cảnh bộ còn kinh khiếp hơn. Năm mươi thớt voi cùng hàng ngàn tinh binh dưới sự dũng mãnh của Ngô tướng quân xông thẳng vào trại giặc đốt phá, giày xéo khiến quân Hán mười phần thiệt hại đến năm sáu phần. Lại thêm hai ngàn dũng sĩ thuỷ quân Đằng Châu sau khi đốt thuyền giặc kịp thời thanh viện dưới nước trên bờ khiến binh tướng Hán chỉ còn biết cướp đường chạy dọc bờ sông. Độc Toàn Chân vừa thoát khỏi chiến thuyền đang cháy rừng rực cùng lũ tuỳ tướng xông vào trại giữa bờ nam đã ngay lập tức gặp đội voi chiến xông vào khiến họ Độc hồn bay phách lạc vội cùng đám tàn binh tàn tướng cướp đường chạy dọc bãi sông. Dẫn theo vài nghìn binh tướng ôm đầu máu chạy đến tảng sáng đang tính kế tìm đường vòng về thành Đại La thì bỗng đâu phía trước tiếng trống tiếng chiêng ầm ĩ, một cánh quân như từ dưới đất chui lên vây chặt đám người ngựa quân Hán thương tích đầy mình đang rụng rời sợ hãi. Độc Toàn Chân quay đầu bảo đám chúng tướng:

– Phía trước giặc cỏ mai phục, phía sau voi trận truy sát. Ta cùng các người tận số ở bờ sông Cái này rồi.

Lời than chưa dứt, phía trước, trong đám binh mã đang dàn trận khép vòng vây, một viên tướng oai phong lẫm liệt cưỡi ngựa thẳng tiến ra giữa trận, phía sau lá cờ thêu chữ Kiều cực lớn phần phật tung bay. Viên tướng kìm cương trỏ thẳng vào Độc Toàn Chân quát lớn:

– Bớ tướng giặc! Ngươi bốn mặt đã bị bản tướng tuyệt đường rồi. Mau xuống ngựa xin hàng ta tha chết cho.

Độc Toàn Chân run rẩy nhìn về phía sau thấy binh tướng Hán kẻ bị thương người bị ướt binh giáp xộc xệch, mặt mày tái xám vì đói rét, hãi hùng vừa qua kiếp nạn voi giày lửa đốt biết có liều đánh cũng vô ích còn chưa biết phải làm gì bỗng phía sau có tiếng reo hò ầm ầm rồi một toán kỵ binh Hán ào đến, đi đầu là viên tướng cao lớn oai phong lẫm liệt vung đại đao thét to:

– Độc tướng quân bất tất phải sợ hãi giặc cỏ, ta vâng mệnh chúa công đến cứu tướng quân đây!

Độc Toàn Chân cả mừng nhìn ra thì là Lý Phục, viên hổ tướng luôn theo sát bên mình thứ sử Lý Tiến. Lại thấy kỵ binh Hán ào đến ngày càng đông bèn thét to:

– Các tướng sĩ hãy mau cùng ta và Lý tướng quân phá vây về thành.

Thấy đột nhiên đám binh tướng Hán có viện binh, Kiều Công Tiễn thận trọng lùi ngựa lại, khoát tay hiệu lệnh dàn cung thủ sẵn sàng đồng thời mệnh lệnh:

– Mau khép chặt vòng vây! Nhằm kỵ binh giặc xạ tiễn!

Binh tướng Phong Châu sau thời khắc bất ngờ trước đội viện binh nhất tề trương cung lắp tên bắn thẳng vào đám kỵ binh. Trong làn mưa tên, Độc Toàn Chân vừa gạt tên vừa thét:

– Hỡi binh tướng hãy mau theo ta liều chết trở về thành!

Binh lính Hán phần lớn không còn sức chiến đấu vội vã tìm đường tháo chạy. Đám kỵ binh mới đến vòng bọc hậu vừa đánh nhầu với quân Phong Châu vừa che chắn để bộ binh rút dần về phía cửa bắc thành Đại La. Kiều Công Tiễn cũng chủ động cho quân vừa đánh vừa tiến rất thận trọng. Trận đầu đụng độ với binh tướng Hán, họ Kiều nhớ lời thân phụ không dám quá ham đánh, chỉ chiêng trống cung tên xã tiễn từ xa. Nhờ vậy, Lý Phục và Độc Toàn Chân mới đưa được quân trở về phía cửa bắc thành.

1. Ngô Vương: Hồi thứ nhất – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
2. Ngô Vương: Hồi thứ hai – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
3. Ngô Vương: Hồi thứ ba – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
4. Ngô Vương – một mô hình tiểu thuyết lịch sử