PGS.TS Nguyễn Thanh Tú
(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngô Vương có thể chưa là đại bàng nhưng với tôi nó là cánh chim đưa tâm hồn tôi trở về với thời Ngô Quyền đánh giặc để tôi thêm hiểu, thêm yêu, thêm tự hào lịch sử văn hoá đất nước mình, dân tộc mình.
Bìa tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương
Khái niệm “tiểu thuyết lịch sử” và cách viết, lối phân tích một tiểu thuyết lịch sử, không phải chỉ ở nước ta, mà còn chung cho nhiều nước, là chưa thống nhất, rõ ràng. Có nhất định phải trung thành với lịch sử, viết đúng với lịch sử không? Nếu thế thì sáng tạo của nhà tiểu thuyết ở đâu?… Nhưng có những vấn đề cơ bản thì hầu như nhất trí:
– Tiểu thuyết là sáng tạo, là hư cấu, tưởng tượng. Lịch sử là sự thật đã qua. Tiểu thuyết lịch sử là sự sáng tạo trên nền sự thật mà biểu hiện rõ nhất là các nhân vật lịch sử. Các sự kiện cũng xoay quanh các nhân vật này. Do vậy nhà tiểu thuyết phải bám vào nhân vật lịch sử để hư cấu, sáng tạo và không được xuyên tạc nhân vật lịch sử. Nhà tiểu thuyết vừa là nhà nghiên cứu lịch sử, biết sâu sắc các sự kiện và thấm thía cao nhất ý nghĩa lịch sử mà mình quan tâm, dĩ nhiên là nhà văn, thì viết phải có văn để sinh động hoá lịch sử. “Văn” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ lời văn hay câu văn đẹp mà còn là kết cấu, cốt truyện, xây dựng nhân vật, chi tiết, đối thoại… nhìn chung là cách kể hấp dẫn.
– Nhà tiểu thuyết lịch sử phải tạo ra một ấn tượng về bài học lịch sử cho độc giả. Nói nôm là phải có một bài giáo dục cho hôm nay.
Với Ngô Vương, Phùng Văn Khai đã tạo ra một mô hình lịch sử thời Ngô Quyền, theo chúng tôi là sinh động để chuyển tải một bài học giáo dục về lòng yêu nước, về tinh thần tự hào dân tộc, về ý thức tự chủ… bằng một hình thức nghệ thuật.
Nhà văn Phùng Văn Khai trong buổi tọa đàm ra mắt sách
Hiện nay người ta không phủ nhận thuyết phản ánh nhưng đề cao lý thuyết mô hình, coi nhà văn sáng tạo tác phẩm là sáng tạo ra một cuộc sống mới, một thế giới mới. Cuộc sống trong tác phẩm thoát thai từ đời sống nhưng không đồng nhất với đời sống, nó chỉ là mô hình về đời sống. Tác phẩm bắt rễ từ hiện thực nhưng không mô phỏng hiện thực mà tạo ra một mô hình mới về hiện thực. Chính vì thế mà không chỉ văn học, mà nghệ thuật nói chung người ta đều yêu cầu nghệ sỹ sáng tạo theo mình cảm thấy chứ không phải phản ánh cái trông thấy. Có vậy mới tránh sự trùng lặp, mới tạo ra sự đa dạng, phong phú. Vì để viết ra cái cảm thấy thì cả là một kỳ khu, một lao động khó khăn, đòi hỏi phải có vốn sống, có tài năng thật sự. Nghệ sĩ càng cá tính bao nhiêu càng có cơ hội cảm thấy đời sống sắc sảo, khác biệt bấy nhiêu.
Tôi cho rằng viết tiểu thuyết lịch sử là một sự sáng tạo ra một mô hình mới về lịch sử, mà ở đây xin chứng minh qua một Ngô Vương.
Tác phẩm đã chọn một đề tài đích đáng để sáng tạo. Ngô Quyền là vị anh hùng dân tộc. Những sự kiện xoay quanh nhân vật này đủ những phức tạp để nhà văn hư cấu mà không sợ làm sai lạc lịch sử. Nhưng dù thế, Đại Việt sử ký toàn thư cũng chỉ viết gọn trong trên dưới hai trang giấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lịch sử nước ta cũng chỉ gói gọn trong câu lục bát: Ngô Quyền quê ở Đường Lâm/ Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm. Đến Phùng Văn Khai đã sáng tạo ra một tiểu thuyết dày dặn dày 453 trang, mà tôi gắng đếm tới 96 nhân vật ở cả hai tuyến chính diện và phản diện. Nói thế cũng để khẳng định thành công của tiểu thuyết này là ở cách dựng nhân vật khá sắc nét, ở chỗ tạo ra con người vừa là của ngày ấy với ngôn ngữ, điệu bộ, cử chỉ… nhưng hôm nay vẫn hiểu được. Thế nên người ta vẫn nói nhân vật của tiểu thuyết lịch sử luôn đi trên dây, nghiêng về lịch sử thì khó hiểu nghiêng về hiện đại thì mất chất sử. Ở cuốn này nhà văn đã xây dựng nhân vật Ngô Quyền thành công, vừa uy dũng, lẫm liệt, sang trọng vừa đời thường, gần gũi, giản dị.
Thành công nữa của anh, theo tôi là miêu tả những sự kiện, nhất là các trận đánh theo nguyên tắc điện ảnh. Những Tây du ký, Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử… đậm chất điện ảnh nên đời sau chuyển thể rất thành công sang ngôn ngữ của nghệ thuật thứ bảy. Nếu không đọc, người ta chỉ cần xem phim cũng nắm bắt được hầu hết các sự kiện, chi tiết, nhân vật và ý nghĩa bài học từ tác phẩm văn học. Ở đây xin nói về kết cấu chương hồi, hơn một người nói với tôi về sự lạc hậu khi tiểu thuyết khoác cái áo chương hồi quá cũ. Tôi nghĩ khác đấy là một chủ ý, đó là cách tạo ra những chương đoạn để “lắp ghép” các cảnh được linh hoạt. Nhờ kết cấu chương hồi mà các tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa dễ chuyển sang các cảnh điện ảnh.
Một điểm nữa cần nhắc đến là chọn được những chi tiết đắt. Dĩ nhiên thể loại văn xuôi nào cũng cần đến chi tiết nghệ thuật nhưng ở tiểu thuyết lịch sử thì chi tiết đòi hỏi khắt khe hơn, vừa tái hiện lịch sử, vừa nói được tính cách nhân vật, vừa tạo ra được ý nghĩa. Ví như chi tiết “Khi soái thuyền chìm dần xuống lòng sông, Giao vương Lưu Hoằng Tháo uất hận rút kiếm tự sát còn không rời chiếc ghế gỗ bọc da hổ trong soái thuyền. Bàn tay Giao vương nắm chắc kiếm đến mức đám quân vớt lên phải loay hoay mãi mới gỡ được…” (tr 376). Khi ta biết đó là thanh kiếm “lệnh” của Hán đế Lưu Cung trao cho Hoằng Tháo để “làm cỏ” xứ Giao Chỉ thì ta thấy chi tiết này nói được nhiều về tính cách nhân vật: sự uất hận tột cùng, sự tham quyền cố vị, sự quyết tâm và dã tâm cướp nước đến cùng, sự thảm bại đau đớn…Cũng với thanh kiếm ấy thì Ngô Quyền lại cầm và “quẳng thanh kiếm xuống cửa biển Bạch Đằng lúc này thủy triều đang dâng lên ào ạt” (tr 376) thì thật hay: chôn vùi ý chí xâm lược của kẻ cướp, sự mong muốn hòa bình.
Lịch sử gần với tâm linh, lịch sử càng xa càng được phủ dày những lớp huyền thoại. Các đền thờ Hưng Đạo Đại vương có ở khắp nước ta cũng là một biểu hiện tâm linh ngưỡng vọng, sùng bái người anh hùng có công giữ nước, giữ hòa bình cho chúng sinh. Vì thế một đặc điểm của tiểu thuyết lịch sử là không thể thiếu yếu tố tâm linh. Gia Cát Khổng Minh là một siêu nhân về tâm linh, rất nhiều lần ông thắng đối phương bằng tâm linh. Các anh hùng Lương Sơn Bạc lại mượn đến tâm linh để dựng cờ “Thế thiên hành đạo” cho hợp lý… Trong Ngô Vương có nhiều nét tâm linh ý nghĩa. Như trong giấc mơ Ngô Quyền được Bố Cái Đại vương Phùng Hưng hẹn đem “thần binh” cùng đuổi giặc (tr 333). Đó không chỉ là câu chuyện thêm thắt mà còn là ý nghĩa “Tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ” (Nguyễn Trãi). Khi nước có giặc thì không chỉ thời hiện tại mà còn cả lịch sử hôm qua đánh giặc. Hay “điềm triệu” được dùng đúng chỗ: “Điềm lành hồng hạc đến cổ thành trăm năm nay mới thấy. Lão vốn sinh trưởng nơi đây, chỉ nghe các cụ nói ngày trước, khi Bố Cái Đại vương Phùng Hưng lên ngôi quân trưởng ở Tổng Bình, hồng hạc mới xuất hiện, cũng chỉ có được bảy con. Nay mười mấy con hồng hạc từ trời xanh bay đến ban điềm lành cho An Nam quả là vạn hạnh vậy” (tr 440). Đó là lời một vị lão trượng nói với Ngô Quyền, không còn chỉ là “lời” mà còn là điềm báo, là niềm tin, là ước mơ vào hoà bình vĩnh cửu…
Đòi hỏi về Ngô Vương? Cần thêm những yếu tố thi pháp hiện đại, ví như “dòng ý thức” để khám phá “con người bên trong con người”. Ta thấy những Ngô Quyền, Kiều Công Tiễn, Lưu Hoàng Tháo… có phần đơn giản, trước sau vẫn là chính nó, thật dễ hiểu. Mà dễ hiểu thì cần gì khám phá thêm. Tác giả dày công hơn đi phân tích những trăn trở, những đau đớn, những đam mê… theo chiều sâu tâm thức thì nhân vật sẽ “thật” hơn nhiều…
Ngô Vương cho ta một kinh nghiệm về tiểu thuyết lịch sử là người viết phải có quan điểm rõ ràng là nhân dân là người sáng tạo và làm nên lịch sử. Nhà văn viết về bất cứ sự kiện lịch sử nào cũng đều phải thấy nhân dân là lẽ phải, nhân dân là chính nghĩa. Nhân dân ủng hộ ai, giúp ai, người ấy, lực lượng ấy sẽ thắng lợi và ngược lại. Ngô Quyền được sự ủng hộ của chúng dân nên đã thành công. Tác phẩm về đề tài lịch sử là sự sáng tạo, hư cấu trên cái nền đã ổn định của sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử. Nhà văn có thể tha hồ bay lượn trong không gian tưởng tượng sáng tạo nhưng phải nhằm mục đích làm sáng tỏ hơn lịch sử, đem đến những cảm hứng, làm giàu thêm vốn thẩm mỹ mới cho bạn đọc về lịch sử. Viết về Nguyễn Trãi hay Lê Lợi nhà văn không nên lệ thuộc vào con số tỉ lệ bao nhiêu là thực bao nhiêu là hư (ai mà thống kê cho rõ được), anh ta có thể hư cấu tới 80%, 90%, điều ấy không quan trọng. Điều cơ bản là hư cấu làm sao để cho bạn đọc thấy đó vẫn là Nguyễn Trãi, vẫn là Lê Lợi. Nghĩa là qua sáng tạo mới nhà văn phải làm cho bạn đọc thêm hiểu, thêm yêu, thêm quý trọng nhân vật lịch sử, nếu đó là nhân vật tích cực, chính diện và ngược lại. Ngô Vương có nhiều sáng tạo nhưng đã khắc họa Ngô Quyền sinh động hơn, cụ thể hơn, hấp dẫn hơn.
Một điều tối kỵ của tác phẩm về đề tài lịch sử là làm sai lệch chân dung nhân vật của lịch sử, sai lệch sự kiện lịch sử.
Lịch sử, xét đến cùng là những gì đã đi qua được người hiện tại ý thức lại. Những bài học lịch sử về đấu tranh chống ngoại xâm sẽ vô ích nếu không làm đọng lại ở người học hôm nay về lòng yêu nước, yêu tự do, lòng kính trọng cha ông đã dũng cảm kiên quyết bảo vệ nền độc lập tự chủ cho nước nhà, từ đó mà được tiếp thêm niềm tin, niềm tự hào để mà sống mạnh mẽ hơn, trung thực hơn, chân chính hơn. Văn học cũng mang mục đích ấy. Nhà văn viết về quá khứ nhưng mục đích là làm sao cho độc giả hôm nay nhận rõ thêm chân giá trị của ngày hôm qua, để họ sống sao cho xứng đáng với lịch sử. Hãy cứ hình dung con đại bàng tác phẩm về đề tài lịch sử được nâng bởi hai cánh sự thật và thẩm mỹ mà bay vào bầu trời văn hoá đương đại và văn hoá tương lai! Ngô Vương có thể chưa là đại bàng nhưng với tôi nó là cánh chim đưa tâm hồn tôi trở về với thời Ngô Quyền đánh giặc để tôi thêm hiểu, thêm yêu, thêm tự hào lịch sử văn hoá đất nước mình, dân tộc mình.